Hodejegerne - Nào ta cùng "săn đầu người"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Săn đầu người hiểu theo nghĩa bóng là săn nhân tài, mà hiểu theo nghĩa đen thì là săn mạng. Nói chứ khi được săn thì dù là cái gì thì cũng háo hức và hào hứng cả, trừ khi bị đi săn thì không vui lắm thôi, nhiều khi sợ tè ra quần chứ chẳng chơi...

Hodejegerne là phim Nauy, sản xuất năm 2011 nói về săn đầu người. Khi xem xong phải công nhận tụi làm phim Châu Âu sáng tạo, nó quất cho cái tựa Hodejegerne (headhunter) là tụi nó tả đủ đen đủ bóng của sự săn đầu người luôn, gọi là chơi chữ thì phải chơi cho đủ nghĩa, như dân Ta thường nói chơi cho lịch mới là chơi, chơi cho đài các, cho người biết tay*. Nội dung chính của phim viết về Roger Brown, một thằng chuyên "săn đầu người" bị "săn đầu người". Phim hồi hộp, giật gân và tương đối máu me với cuộc rượt đuổi sắc bén rất rất phù hợp cho những ai yêu cảm giác ly kỳ pha chút rùng rợn. Vấn đề tôi khoái nhất ở Hodejegerne chính ở cách dàn dựng hồi hộp nhưng chậm rãi, cảm giác khi được xem những phim có chút thriller kiểu này thích thú như lúc vờn con mồi vậy. Người xem phải chú ý xem những diễn tiến chẳng đâu vào đâu, chú ý những chi tiết bâng quơ xằng xí nào đó tưởng nó chết tong chết toi ở đoạn đầu thì đoạn sau nó sống dậy mang đến những thủ thuật giải quyết vấn đề, nhiều khi lật ngược thế cờ, quá thông minh khiến khán giả ngã ngữa ra suýt xoa. Dòng phim trinh thám vốn dĩ có cái hay ở điểm đấy, hay ở những câu thoại chẳng ăn nhập gì, hay ở những chi tiết chẳng ra sao. Vậy đó mà tất cả lại tạo nên những mấu chốt ráp lại vấn đề một cách trơn tru.

Nói một chút về trinh thám vậy. Phim trinh thám đối với tôi chỉ có hai dạng, một loại là phim khôn, loại còn lại dĩ nhiên bạn hoàn toàn có thể đoán ra, là phim ngu. Ý nghĩa văn hóa, văn hiến gì gì đó thì cứ là phim khôn rồi xem xét tiếp, còn phim ngu miễn bàn. Đọc đến đây chắc có kẻ vỗ đùi đen đét, mà có người hất hàm chửi tôi ... nguy hiểm LOL. Nhưng xin thưa thế này, tôi nguy hiểm hay không chẳng quan trọng, quan trọng dòng trinh thám, hình sự, kinh dị bản thân nó là một dòng phim chú trọng suy luận – với khả năng phân tích lẫn tổng hợp vấn đề đúng không? Nói nôm na là dòng phim trọng logic. Thế nó là dòng phim thiên về lý tính rành rành còn gì. Logic chính là nền tảng cần của dòng phim này, không có logic thì dòng trinh thám coi như mất căn bản. Nền móng không vững thì xây dựng tầng cao cảm xúc cho nhân văn, nhân đạo làm quái gì, chẳng chóng thì chày cũng như lâu đài cát rệu rã mà thôi. Đáp số không quan trọng bằng cách giải, copy một phát ra cái đáp số rồi, đấy chưa nói có tụi nó copy nguyên si cách giải rồi vênh mặt anh hào...rơm.

Nhấn mạnh tính logic của dòng trinh thám để nói rằng Hodejegerne có được sự căn cơ của logic được tôi ca nãy giờ. Phim có một đoạn mở đầu tương đối cà rù cà rì nhưng mà khéo và ấn tượng với câu chuyện đi trộm tranh cao cấp. Tranh quý giá ngàn đô, triệu đô thì tụi ăn trộm tranh nó không thể nào gọi là liều lĩnh và trọng võ như trộm chó ở Việt Nam được, nó cũng phải có khối óc tính bằng đô như thế. Roger Brown làm nhân viên săn đầu người để săn tranh về cung phụng em vợ đẹp là chính thôi. Đời mà, đàn ông cũng như đàn bà đều chết vì tình cả thôi. Nhưng nó không ngờ một ngày kia nó bị săn, chẳng hiểu mô tê vì sao bị săn nữa mới đau. Và nó như con cá nằm trên thớt giãy giụa thấy thương luôn, do thằng kia chơi ác quá, chuyên nghiệp quá nên Roger Brown cứ gọi là như cá trước miệng mèo chết lên chết xuống bao bận.

Nhưng con người ta thông minh lên nhờ thầy hoàn cảnh dạy, Roger Brown dần dần tìm hiểu được lý do vì sao thằng đó "ngửi" mùi tốt như vậy – cách thức hành động của thằng mà nó nghi là bồ con vợ nó. Phim giải quyết được một vấn đề phương thức hành động rồi thì chuyển tiếp sang bài toán động cơ muôn thửu. Con người ta làm gì cũng phải có động cơ, trừ chán quá rảnh rỗi làm cho vui thì hơi khó đoán. Nhưng chẳng có ai đi săn phi động cơ, bởi vì có động cơ thì người ta mới xác định được con mồi và thả lưới giăng vào thòng lọng. Động cơ thì dĩ nhiên phim nào cũng như phim nấy đều phải giải thích nên xem khắc biệt. Quan trọng là nó giải quyết nhanh nhạy và thông minh. Đứng trước sống còn thì bản năng sinh tồn của Roger Brown rất tốt, và nó sống được là nhờ bản năng đó mạnh mẽ và nhờ nó thông minh. Ba cái phim này tôi rất thích xem người chết vì ngu LOL, tôi ghét xem người sống được vì may rủi, để rút kinh nghiệm cho bản thân bớt ngu trước thế giới bao la ^^. Hai bài toán phương thức và động cơ lần lượt đều được giải, nhưng bài toán tình cảm thì cứ gọi là hóc búa đeo đẳng mãi thôi. Ở đây phim chơi thêm bài toán này nữa nên xem thú vị và hồi hộp. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Các nhà làm phim làm thế nào thì tôi chịu thế đó chứ không cãi ba cái vụ tình cảm này, cảm tính mà cãi làm gì cho mòn bàn phím :d. Nhưng phải khen phim thú vị, và khá tâm lý trong vấn đề tình cảm nên tương đối khó đoán. Tiết lộ một chút là các nhà làm phim có xài chiêu câu mấy con nai vàng ngơ ngác để đưa đường dẫn lối cho suy nghĩ... bậy bạ – đúng chỗ một chút. Còn chiêu đó như thế nào thì ...lại xem khắc biết.

Phân tích như trên để tổng hợp lại Hodejegerne là một phim trinh thám thú vị, đáng xem bởi sự sáng tạo của nó trong chiêu thức, bởi chất tâm lý bàng bạc lắt léo lắt lư trong chuỗi tình cảm của nhân vật. Tất cả là những nút thắt rít được gỡ ra từ từ, được luồn tay mềm mại tung tóc gió thôi bay ở cuối phim. Một bộ phim trinh thám như một cuộc phiêu lưu đưa con người về những chân giá trị nào đó. Phim trinh thám kích thích trí tò mò của khán giả khiến họ dễ theo dõi, dễ ghiền hơn những dòng phim chính kịch khô khan. Phim trinh thám có tính tương tác với khán giả mạnh nhất cũng là vậy, bởi nó luôn như một người bạn mới gặp có thiện chí, những khán giả chúng ta gặp gỡ, làm quen và tìm hiểu sâu hơn những ẩn tình khó đoán để rồi trở nên thân quen, để rồi hàn huyên tâm sự mà không thấy ... buồn ngủ. Giá trị của phim trinh thám không phải là mở một con đường, nó chỉ mở cánh cửa để khán giả nhìn thấy con đường tâm thức nào đó mà thôi, còn chuyện có đi hay không là tùy ở mỗi người, nó không bắt buộc như những dòng phim khác – những dòng phim vẽ nên những con đường phát triển của nhân vật.

Hodejegerne được dàn dựng phù hợp, nhanh gọn hoặc chậm rãi khi cần thiết, hóa trang tốt, nhạc phim giật giật có gu và diễn viên chính Aksel Hennie có một lối diễn khéo léo bản lĩnh. Tất cả điều đó tạo nên một câu chuyện gây cấn, hồi hộp nhưng tâm lý và logic. Phim xứng đáng được khen ngợi ở trí sáng tạo đắt giá, ở cách thể hiện nhuần nhuyễn chuyên nghiệp đầy bản sắc của Châu Âu. Đúng vậy, Hodejegerne ngập đầy bản sắc của sự lạnh lùng xứ Bắc Âu, nhưng cũng ngập đầy bản sắc trầm lắng, chịu chơi và thực tế để đưa khán giả đến những cung bậc của chiều sâu, lắng đọng nhưng vẫn rất ...cà chớn theo kiểu của những người khôn lanh.

* Thơ Nguyễn Công Trứ. Phim này rate cao vì sáng tạo ^^.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review