Dare mo mamotte kuranai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nobody to Watch Over Me

Nội dung phim kể về quá trình giám hộ thân nhân của tội phạm giết người trong xã hội kỳ thị hà khắc của Nhật Bản. Theo nhận xét của tôi thì nội dung phim không khó để hiểu nhưng tôi đánh giá cách thể hiện của phim này khá xoàng xĩnh. Phim xây dựng một nội dung chán không thể chán hơn và cách thể hiện cường điệu không thể cường điệu hơn. Tôi không nhận thấy hiện thực mà các nhà làm phim gởi gắm qua các nhân vật và tình huống. Ngược lại phim mang đến cho tôi cảm giác giả tạo khi cố khắc họa hiện thực. Phim này nói chung cách thực hiện khá luẩn quẩn trong ý tưởng.

Tôi không thích cách khắc họa chi tiết và ôm đồm chỉ trong thời gian vài ngày rồi đặt vào đó vòng luẩn quẩn giữa quá khứ của người cảnh sát, hiện thực tang thương của cô bé được giám hộ. Cách thể hiện xã hội chà đạp lên gia đình cô bé tôi cũng phần nào chấp nhận được nhưng dường như các nhà làm phim cứ muốn xoáy vào vấn đề đó mà quên đi những mấu chốt nhỏ để tránh được những sự việc sẽ có thể diễn ra. Ví dụ điển hình tôi la lên khi cảnh sát đưa cô bé ra khỏi ngôi nhà mà không có biện pháp che mặt cô bé lại, một lỗi nghiệp vụ sơ đẳng có thể tránh khỏi khối việc nảy sinh. Các phương tiện truyền thông khi đưa hình có thực hiện biện pháp xóa nhòa gương mặt của kẻ sát nhân nhưng vẫn đưa gương mặt của cô bé lên??? Không hiểu nổi!

Tôi hiểu được tính cực đoan của người Nhật trong vấn đề này nhưng không thể chịu nổi cách các nhà làm phim sắp xếp các tình tiết tình cờ để phim cố chứng tỏ sự phức tạp mà vấn đề nó đặt ra. Vấn đề gượng ép cuả phim chính là sự ôm đồm khi đặt ra nhiều vấn đề nhưng lại không giải quyết chặt chẽ. Ngoài ra cách xây dựng tính cách nhân vật trong gia đình hung thủ trái ngược với xã hội khiến tôi lạ lẫm. Tôi cực không thích điều này khi mà các nhân vật trong phim không nhận thức và cố gắng hiểu hoàn cảnh mang lại. Họ sống trong xã hội Nhật và họ phải biết rằng có sự khinh miệt từ xã hội đối với hung thủ giết người và gia đình hung thủ. Nhưng khi gặp vấn đề dường như họ không nhận thức rõ ràng cần làm gì mà cứ bấu víu vào cảnh sát rồi hoang mang vô tội vạ. Đây chính là mâu thuẩn của kịch bản khi cứ đề cập đến tác động từ hướng cảnh sát quá nhiều. Kiểu mâu thuẩn này tôi thấy giống mâu thuẩn của phương Tây khi cảnh sát thực hiện bảo vệ người dân chứ không thể hiện được đây là cuộc sống người Nhật. Đoạn trên có thể tóm gọn trong một câu: gia đình của hung thủ được miêu tả hiền lành quá mức trong khi xã hội được miêu tả tàn nhẫn trên mức hiện thực.

Vấn đề thứ hai là về cảnh sát và nhà báo. Khi cảnh sát tiến hành bắt tội phạm tại nhà hung thủ thì toàn bộ các phóng viên thính mũi hết thảy nên biết cảnh sát đi đâu, làm gì hết. Đó là chưa nói đến vấn đề nhân vật trong phim chỉ mới là đối tượng tình nghi về mặt luật pháp thôi. Nói chung là cảnh sát có quá nhiều sơ hở và được miêu tả quá yếu đuối trong khi sức mạnh của truyền thông tự do dân chủ quá mức chấp nhận.

Hai điểm trái ngược đó khiến phim khá giả tạo nên tôi không chấp nhận được lý thuyết mà phim đưa ra. Còn về vấn đề tâm lý nhân vật khá rắc rối chứ không thật sự phức tạp hay hiện thực. Phim chỉ nêu lên các tình huống mà không nêu được lý do tồn tại nên các tình tiết nhát gừng, rời rạc. Tâm lý lưng chừng của nhân viên cảnh sát, tâm lý lưng chừng của cô bé em gái và các tình huống xây dựng nên sợi dây liên kết của các nhân vật khá gượng. Tôi không quan tâm đến câu chuyện riêng của người cảnh sát nhiều bằng tâm lý của nhân vật cô em gái vì tôi thấy không cần thiết phải ôm đồm như vậy. Tâm lý cuả cô em gái hung thủ được xây dựng thiếu chiều sâu, cũng mắc phải khuyết điểm ngây thơ quá mức. Tôi đề cập đến từ ngây thơ với ý nghĩa tiêu cực của từ này và phân biệt ngây thơ khác với trong sáng. Cách khắc họa nội tâm nhân vật không đa chiều mà khá vụng về. Cách cô bé phản ứng với sự việc xảy ra với bản thân và gia đình không thể hiện được tâm lý hoang mang bất định của em, trong khi tôi nghĩ phim cần phải khắc họa được tâm lý em học cách chấp nhận cuộc đời qua lăng kính của bản thân nhiều hơn là nhảy lên và la hét chẳng vì mục đích gì như thế. Kịch bản không thể hiện được sự thấu hiểu nội tâm của nhân vật nên rất lưng chừng.

Với một phim được thực hiện theo phong cách phảng phất phim tài liệu này thì không cần yêu cầu nhiều về cách dựng phim hay âm nhạc mà nội dung kịch bản giữ một vị trí quan trọng có tính quyết định hơn cả. Tôi nghĩ có lẽ do mục đích chính của phim khi thực hiện là nhằm tham gia Oscar nên phim mang dấu ấn lai căng rất rõ nét về cách xử lý kịch bản và dàn dựng như thế này. Tuy tôi không phải fan của phim Mỹ nhưng phải nhận xét phim Mỹ làm những đề tài này khá hơn Nhật hẳn. Phim Mỹ khá hơn phim Nhật vì cách giải quyết tình huống như trong phim này phù hợp với văn hóa Mỹ hơn nhiều so với văn hóa Nhật. Tôi lấy làm tiếc khi phim này thiếu hẳn dấu ấn nghệ thuật Nhật trong cách dàn dựng mà bắt chước cách dàn dựng của điện ảnh Hollywood, tuy nhiên không đủ tầm để xây dựng các tình huống ăn điểm như nền điện ảnh lớn nhất thế giới từng làm được theo đúng phong cách riêng và văn hóa riêng của họ. 4/10

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review