Bittersweet Life: Khơi lửa trong áng tro Phượng Hoàng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài viết này nghiêng về triết lý cho một bộphim giàu triết lý trong cốt truyện, cũng như trong những câu thoại định hìnhsâu tính triết lý.

——###—–

Flight of Phoenix-Vangobot

Theo thần thoại Ai Cập, Phượng hoàng là chim lửa thần thánh phục sinh bằng cách thiêu mình trong chính ngọn lửa của bản thân. Phượng hoàng vì vậy biểu tượng cho sự hồi sinh, không phải hồi sinh cho một thân xác giữa sống-chết, mà chính là biểu tượng cho linh hồn sự sống được thức tỉnh bằng cách ướp tro tàn sau khi tự thiêu trong ngọn lửa mãnh liệt nhất.

Có phải người ta luôn ''sống'' khi người ta sống? Có phải ''sống'' chỉ là sống, dù bất kể ''sống'' như thế nào. Sức mạnh của sự sống phải chăng là nỗi sợ hãi phải chết? Phải chăng sống là ham muốn chưa toại nguyện còn gởi lại ở những quy tắc áp định của xã hội? Vậy sống phải chăng là vì bạn không được chết, vì bạn không được quyền chết và bạn phải sống? Quyền được chết thường được phủ định một cách thẳng thắn như thế, nó không sai đối với sự sống của riêng bạn sở hữu, bạn được quyền từ bỏ không cần hối tiếc, nhưng chưa hẳn nghĩa vụ không được chết-song song với nghĩa vụ phải sống đúng trong mọi trường hợp. Quyền phán xét là ở người nghĩ, nhưng quyền lựa chọn sống theo cách nào là của riêng bản thân mỗi người, giữa sống-vô định và sự kết thúc-hữu định như một cách tự thiêu bản thân để dừng lại và bắt đầu tái sinh cũng là một luồng suy nghĩ đáng lưu tâm.

Đối với vạn vật trên thế giới, cái chết cũng như sự sống theo một cách nào đó không bao giờ vô nghĩa. Không có sự kết thúc thì làm sao có sự bắt đầu, không có chết thì sự sống mãi mãi không thể liên tục đời này qua đời khác. Chết chưa hẳn là kết thúc, mà có thể là một sự khởi đầu. Sống cũng chưa hẳn luôn là bắt đầu, sống là một điểm gián đoạn của cái chết. Như một ngọn lửa duy trì sự sống của mình bằng nguồn năng lượng sở hữu, con người cũng sống bằng nguồn năng lượng của chính bản thân tỏa ra sau khi hấp thụ sinh khí đất trời. Lửa có nhiều cách cháy, cháy âm ỉ, cháy lay lắt hay cháy phần phật theo chiều gió đổ về. Và con người cũng thế, cũng sống theo nhiều cách, có người sống cho ngày mai nên giữ lại nguồn sinh khí để tiếp tục, có người chỉ sống cho hôm nay và sống hết mình cho một ngày hôm nay bừng sáng rực rỡ.


La Dolce Vita viết về những con người sống như ngày mai sẽ chết, viết về cách những con người xô vào đời nhau sống hết mình để chấp nhận và thay đổi hằng tìm kiếm sự sống bừng cháy phừn phực đỏ thắm khung trời. La Dolce Vita viết về những con người tìm lại sự sống khi đi tìm cái chết, viết về sự hồi sinh của những tâm hồn đã mất bóng mất tăm. Hai con người tìm được nỗi đau của bản thân trong nước mắt của người khác, hai con người tìm được hạnh phúc khi lau đi những giọt nước mắt bất lực trên bờ mi. Như một cơn gió lãng du, họ đi ngang cuộc đời nhau, gió dừng chân mơn man ánh mắt của người phụ nữ chịu nhiều tổn thương khi nhận ra giá trị của bản thân trống rỗng và hư không, gió ve vuốt dịu dàng ôm ấp niềm cô độc vào lòng người đàn ông để ấp ủ hơi ấm nồng nàn từ một dòng máu nóng.

Gió hạnh phúc được làm gió, và người hạnh phúc được làm người. Như chưa bao giờ từng cảm nhận thế, La Dolce Vita viết về những con người đi tìm bản ngã của đời mình, cái bản ngã độc lập đã bị bỏ quên trong những tham vọng, chần chừ, ầm ừ của bản thân bị động dưới lực đẩy chao đảo của dòng đời. La Dolce Vita là nơi mà hai con người đi tìm lại tính độc lập của sự sống để hòa nhập, chứ không phải phụ thuộc vào cuộc sống như ban đầu họ đã trãi qua. Đời cho ta cơ hội thay đổi, nhưng ta liệu có thể thay đổi được đời? Sự hồi sinh chỉ đến khi ta tưởng ta đã chết, đã chẳng còn giá trị mà u mê đi trong mê trận do chính bản thân giới hạn và ngập ngụa trong nó. Sự hồi sinh đến khi ta nhận ra có một mục đích nào đó đủ mạnh khiến ta thức tỉnh giữa cái chết của u mê tàn khốc không dám đối diện với bản thân, dù mục đích có thể chỉ là cánh cửa trung gian màu nhiệm mà thôi. Sự thức tỉnh chấn động nhân sinh quan sống, đủ để ta tìm được cái cớ để vẫy vùng trong vũng bùn do chính mình tạo ra và đang lún dần trong đó, đủ để ta can đảm níu vào mà bùng cháy trước màn đêm. Và đủ để ta biết ta cũng như ngọn lửa phượng hoàng, cần cháy cho riêng mình để sự sống ra đi và trở về.

Hành trình tìm lại tâm thức độc lập

Cuộc đời-từ khi sinh ra theo ý thức con người đã là một trò chơi tâm lý mà người ta luôn phải tranh đấu trong mê trận huyền hoặc của tạo hóa. Trò chơi này được đặt cược không phải bằng tiền bạc mà được đánh đổi bằng chính cuộc sống và giá trị bản thân của những người chơi ván bài định mệnh, dù đôi lúc có thể chúng ta vô tình không nhận ra bản thân đang đi những bước cờ mà định mệnh để dành cho chính mình. Định mệnh thông qua những tham vọng từ người khác đến với tham vọng của chúng ta để xây dựng nên thành lũy vững chắc-trong cái gọi là hoàn cảnh đẩy đưa và trong cách chúng ta chìm vào hoàn cảnh tạo nên định mệnh của chính mình.

Cuộc chơi nào cũng có người điều khiển và người bị điều khiển, và thường phần thắng nghiêng về người điều khiển giật dây cho ván bài đi theo dòng chu chuyển của quyền lực vô hình-người yếu phụ thuộc kẻ mạnh. Nhưng tất nhiên đến lúc đời không mãi như trò chơi như thế, vì trò chơi không phải là đời. La Dolce Vita viết về hai con người, một nam một nữ, ngập ngụa trong ván cờ mà định mệnh dành cho họ vì họ đã từng chấp nhận cuộc sống phụ thuộc với cám dỗ của tiền bạc và cám dỗ bình yên không trên cơ sở tự sinh. Người ta có thể điều khiển được người khác vì người ta biết cách khoét vào yếu điểm, mà yếu điểm của con người là lòng tham, đặc biệt là mong ước thay đổi cuộc đời nhanh chóng và mong ước bình yên vô điều kiện muôn đời.

Điểm yếu đó được thể hiện đầy đủ ở một người chồng điều khiển người vợ với tính gia trưởng, sắp xếp cho cuộc sống của chính mình theo sự thỏa mãn của bản năng với công việc và tình yêu. Bên cạnh đó, một chàng trai trẻ Sung-goo bơ vơ trong trạng thái tâm lý hoảng loạn tìm cách áp chế một chàng trai khác bằng quyền lực mềm mà mình có trong tay kéo cuộc đời người khác theo tâm lý hoảng loạn ám ảnh mãi đến cả ngay khi chàng trai ấy đã chết. Và cách mà hai con người điều khiển con cờ của mình bằng chiêu đòn tâm lý phủ giăng trên những quy tắc chuẩn mực của xã hội khiến cảm giác tê điếng chằng chéo lại trái tim hai con át chủ lực, khiến họ đành bất lực ngột ngạt khổ lụy trôi theo dòng chảy định hướng.

Trong phim có một người chồng mà đối với cuộc đời định hướng, vợ như một vật trang trí đặt trên tủ chưng trong sự thành công. Người chồng không đánh đập vợ nhưng mặc nhiên đàn áp người vợ vào dòng tâm lý phụ thuộc và dưới trướng mình đến hơn 10 năm chung sống.

Một người bạn thích thú khi thử nghiệm cảm xúc của người khác bằng cách điều khiển người khác vào cảm giác nhục nhã phải sống bằng thân phận khác, bằng cảm giác giết người, cũng như giết chết tâm hồn chính họ như thế nào. Một con người thích thú khi điều khiển người khác sống như một con chó cảnh sủa những tiếng gâu gâu khi chủ dụ ăn, khi chủ uy hiếp. Áp chế tinh thần một cách tàn nhẫn dựa trên quyền lực của đồng tiền chính là một bi kịch của thế giới tiền bạc, khi tiền bạc khuynh đảo sự độc lập để thiết lập chiếu chỉ vô hình bắt người khác tuân theo. Người ta có thể tác động quá nhiều dưới tầm phủ sóng của đồng tiền trên những yếu điểm của con người.

Đối với người phụ nữ, bình yên là một mưu cầu giản dị và bình thường nhất, nhưng mãi mãi cuộc đời luôn đánh đổi rủi ro cân bằng với niềm bình yên mơ ước đấy. Người ta cứ ngỡ chỉ cần làm một người vợ tốt, chỉ cần an phận sống với những chuẩn mực là được bình yên. Nhưng một khi bình yên không nằm trong tầm tay mình mà nằm trong tầm tay người khác, thì niềm bình yên đấy sống hay chết không tùy thuộc vào ý nghĩ của mình. Người chồng đánh đổi trách nhiệm làm chồng hoàn hảo với trách nhiệm làm một người đàn ông yêu thương vợ nên vô tình lấy mất đi niềm tin của người vợ, và người vợ cũng tự tước đoạt niềm tin của chính mình khi để cuộc đời buông xuôi trôi xa tầm tay, để khi muốn níu lại đã chẳng có đủ khả năng để níu giữ lại.

Cuộc sống ban đầu của những con người trong La Dolce Vita thấy bình lặng nhưng chứa đầy những con sóng ngầm, chập chờn và chực chờ đổ vỡ bất cứ lúc nào, bởi người ta không dám hay chính xác là không muốn đối diện với sự thật cay đắng đã đổ vỡ, đối diện với những hậu quả đổ vỡ để lại. Người ta trốn chạy, lặng lẽ và cô độc trong niềm tin hỗn mang xáo trộn cõi lòng. Nước mắt rơi lặng câm để tìm về thế giới một mình, thế giới của nỗi đau tan đàn xẻ nghé, thế giới của sự tự tôn, tự trọng, tự ái bửa vây xung quanh cuộc đời, để mình chìm trong mê trận giá trị phi thực quấn quanh, bị động đón nhận cuộc đời. Bắt đầu phim từ những khuôn hình in hằn giọt nước mắt ẩn chứa nỗi đau lặng câm lăn dài trên bờ má hao gầy để con người khơi lại ngọn lửa tình người trong chính bản thân. Joon-soo (tên nam nhân vật chính) nhìn thấy nỗi đau trong ánh mắt của người phụ nữ vô vọng ẩn chứa sự thất bại của cuộc đời, nhìn thấy mong muốn chạy trốn cuộc đời trước sự ê chề đau đớn vì niềm tin đổ vỡ, đau, điếng, tê, tái cõi lòng khi biết và hiểu mọi việc đang diễn ra như thế, và sẽ diễn ra như thế nên đành bất lực tìm cách trốn chạy để mong thôi phải cùng quẫn trong mê trận tình yêu.

Hành trình tìm lại tâm thức độc lập bắt đầu từ những ngày tuyết trắng trời Hokkaido, khi trái tim của Joon-soo chạm vào vết thương sâu hoắn trong tim Hye-jin. Joon-soo không vô tình tìm được nỗi đau ấy, mà Joon-soo cũng có những niềm đau như thế, niềm đau sâu hoắn đủ để hiểu mức độ thương đau mà Hye-jin chôn kín. Trong những phút giây người ta quẫn trí bơ vơ đi tìm cái chết thì hình bóng Joon-soo tan vào ánh mắt của Hye-jin để khơi lên ý chí sống, mục đích sống và mục đích của chuyến đi tìm nơi để chết:

''Khi người ta tìm nơi để chết là vì người ta chưa muốn chết''

Joon-soo đã níu lại một sự sống khi thức tỉnh và định vị tâm hồn Hye-jin giữa mê trận cuộc đời cô. Và hơn thế, Joon-soo tìm cho Hye-jin, và cho chính mình bóng hoa đăng soi đường tâm hồn họ tìm về ánh sáng của cuộc đời. Hai con người ấy tan vào nhau, khơi dậy bản năng sống đã ngỡ như bỏ quên lại nơi nỗi đau. Đêm định mệnh thôi thúc, cuồng bạo nhưng lại dịu dàng hà hơi ấm để xua đi bức bối, xua đi căm tức, xua đi hằn học trong chính bản thân mình và người khác để mở dần dần cánh cửa khép chặt gông con người lại trong u tối của thất bại. Hokkaido mùa tuyết trắng quanh quất lại ánh sáng của đêm rực rỡ duy nhất nơi những hàng nến chạy dọc tâm hồn, nơi bản năng trỗi dậy tìm về đam mê, tìm về thức tỉnh để can đảm đối diện với nỗi đau, đối diện với thất bại.

Thức tỉnh

Cốt truyện La Dolce Vita nếu chia ra để thực hiện movie thì có thể có hai phần, mà phần một-nơi giao nhau giữa Hokkaido là sự tượng trưng cho sự thức tỉnh trong hành trình nhận diện nỗi đau và tìm lại ý nghĩa của sự thay đổi và sự sống. Chân trời Hokkaido được dựng nên đẹp như một áng văn điện ảnh, thấp thoáng, lặng lờ bắt đầu leo lét nhưng kết thúc bùng cháy trong cái dở dang của những nhân sinh quan sống còn bõ ngỏ. Tuyết lạnh, mây xanh và sóng xô bờ xào xạt tan vào sự cô đơn đến cùng cực nắm bắt cô đơn ấy, bơ vơ và lạc lõng trong sự vô chừng của cuộc đời. Để những cảm xúc-chưa phải tình yêu đến bên nhau liếm lên vết thương lòng của nhau. Một câu chuyện buồn không dựa trên sự tình cờ mà dựa trên cách người ta đi tìm, và người ta trông thấy cuộc đời chính mình. Hành trình Hokkaido đẹp dịu vợi, mơ màng và khắc khoải cắn chặt vào nó là hy vọng được dựng đau đáu để thức tỉnh và tìm lại cuộc đời.

Thời điểm Hokkaido, nơi hai con người chạm tay vào nhau nắm lấy hơi tàn ủ ấm cho nhau mang đến cảm giác nghẹn ngào, cảm giác thầm thì sợ mọi thứ tan đi, sợ mọi thứ vừa mới bắt đầu đã tan vỡ. Ánh mắt tổn thương ân ái mơn man đời nhau chông chênh mơ màng. Nơi kết thúc cũng là nơi bắt đầu, đâu đó còn vị the ngọt cho ước mơ thành hình vào dây rốn của mỗi con người, thành hình một sinh linh trừu tượng bám chặt vào thành tâm trí để phát triển. Niềm tin đã đánh mất được bù đắp, được vẽ sơ đồ để tìm về dìu dặt ẩn mình trên niềm thấu hiểu và chia sẻ đến từ một người dưng. Một người được làm đàn ông một lần, một người đàn ông thực thụ để che chở cho niềm đau của một người phụ nữ, một người được thực sự tan vào cảm giác trân trọng một lần, cảm giác mà cô chẳng nhận được từ người chồng của chính mình bao giờ. Cảm giác một người đàn ông trân trọng phụ nữ tỏa sâu vào khao khát nắm bắt giá trị phụ nữ mà người đàn ông đó đánh thức, giá trị của một con người độc lập và đáng được tôn trọng khi thấu hiểu đủ sự hy sinh mà họ đã sống trong nó. Những thước phim ở Hokkaido đẹp bởi vì miêu tả lại dịu dàng ý nghĩa của niềm tin và sự trân trọng giá trị cuộc đời người khác, vì thế những thước phim ở Hokkaido đẹp nhất, ghi dấu sâu đậm nhất cho thời khắc bắt đầu đầy ngang trái trong định mệnh. Nơi đó, con người nắm giữ từng mảnh vở mong manh trong tâm hồn mình như nắm giữ tuyết rơi, để tận hưởng cảm giác được sống như tuyết được tan... vào lòng bàn tay, nhẹ nhàng mà trân quý.

Nhưng cuộc đời không phải là một thời điểm, mà là những quãng đường. Con người không thể sống chỉ trong thời điểm, thời điểm là để bắt đầu hoặc để kết thúc mà thôi. Phần sau của La Dolce Vita như hai cuốn phim dài, nơi hai con người được thức tỉnh phía trên mang theo sinh linh là ý thức thức tỉnh đang thai nghén trở về với cuộc sống thực tại, đối diện với nó để can đảm đón nhận thực tế cuộc sống, và thay đổi cuộc sống. Mỗi người có cuộc đời và có định mệnh của riêng mình để phải tự đối diện, để phải tự đánh đổi. Hye-jin quay về với cuộc sống thực tế của mình giữa bộn bề chồng con, giữa bộn bề vật chất trong khi tay trắng. Phim miêu tả lại hành trình hiện thực ý thức thức tỉnh được khơi thông nơi Hokkaido, quá trình đấu tranh với những khó khắn bám theo dai dẳng, bám theo nằng nèo chùn bước người muốn dứt đi.

Một người phụ nữ gần 40 tuổi không dễ để bắt đầu lại khi cuộc đời gắn chặt nghĩa vụ và tình thương của người mẹ vào những đứa con-chưa trưởng thành. Ý thức của người mẹ và sự hy sinh bản thân để gìn giữ yên ấm cho tuổi thơ của con cái bám nhằng lấy tâm hồn chẳng thể dứt ra một sớm một chiều, vì Mẹ là niềm tin trong tâm hồn trẻ thơ. Nhưng con người ta không thể giữ được niềm tin cho người khác khi niềm tin trong bản thân còn không tồn tại, niềm tin khi ấy chỉ là những ràng buộc để dời lại một thực tại mà sớm muộn gì những đứa trẻ cũng phải đón nhận. Con người cần sống cuộc đời mình trước khi sống cho cuộc đời của người khác, dù người đó có là con cái của mình đi chăng nữa. Nếu muốn bắt đầu thì người ta cần biết chấm dứt, dứt khoát chấm dứt trong giới hạn do chính mình đặt ra để không trở lại trong vòng luẩn quẩn của thay đổi và chấp nhận. Cuộc đời cần dứt khoát mới có thể thành tựu, mới có thể thực sự thay đổi để đón nhận cuộc đời mới. Nếu cứ chần chừ, nếu cứ trù chờ thì mãi mãi chẳng thể thay đổi. Lúc nào cũng phải đánh đổi giá trị này để đón nhận giá trị khác, có những hoàn cảnh mà cuộc đời không cho phép có được cả.

Thực tế luôn luôn cần cam lòng, đã lựa chọn thì cần phải hy sinh, hy sinh điều này để nhận lấy điều khác, vấn vương cũng cần phải hy sinh, đau đớn cũng cần dứt điểm. Những yếu điểm chằng chéo cuộc đời phụ nữ cần được thoát ly để ra đi, và sẽ trở về. Con người không thể bức bách trong giới hạn do chính mình đặt ra, con người luôn có lối thoát là từ bỏ những vướng bận níu lấy cuộc đời mình, hơn cả là người ta có dám từ bỏ không thôi. Hành trình tìm lại tâm thức độc lập được biên kịch phác thảo có chiều sâu khi đặt những nhân vật lên bàn cân để họ đón nhận hiện thực, thay đổi hiện thực khi chiêm nghiệm đủ về những gì mình đã sốngcần sẽ sống. Biên kịch chọn cách điều độ để điều hòa câu chuyện gia đình vào câu chuyện bản thân nhân vật chính Hye-jin. Cô chấp nhận thay đổi và dung hòa sự thay đổi của mình với quá khứ, Hye-jin không đoạn tuyệt với quá khứ mà chỉ nắm giữ có giới hạn quá khứ của mình lại, chấp nhận bỏ lại mưu cầu bình yên cho cuộc đời để đương đầu với những khó khắn nhằm tìm kiếm sự độc lập đã đánh mất trong những tháng năm dài.

Qúa trình thay đổi có những uẩn khuất và lằng nhằng của quá trình thay đổi, những khó khăn được phác họa vừa vặn, không lên gân, không bi đát hóa cuộc đời như truyền thống phim Hàn. Hye-jin là một người phụ nữ có đủ bản lĩnh để độc lập cuộc đời khi đã quyết tâm, cô dứt áo ra đi không phải là để luẩn quẩn trở về, mà là để nắm giữ số phận của mình. Trong quá trình ấy, chuyển biến tình cảm của cô thống nhất, có những bước chùn nhưng cũng có những bước đệm để thụt lại nhưng cũng tiến xa hơn-trên mục đích ban đầu. Phim miêu tả tâm lý nhân vật thuần thục,tha thiết nhưng nhất quán đầy ý chí khiến chuỗi cảm xúc xếp lớp phát triển dung dị. Điểm rơi của cảm xúc được biên kịch chọn đầy ý nhị, nhẹ nhàng đi sâu dần, phân tách những ý niệm ra khỏi lý do tự ngụy biện, đối diện thẳng thắn nhất với bản thân và mong muốn, giới hạn chịu đựng của bản thân.

Bên cạnh Hye-jin là Joon-soo. Một chàng trai đã từng buông xuôi cuộc đời vào cám dỗ của khao khát thay đổi-thoát khỏi hoàn cảnh đeo bám trong khó nhọc. Cậu chấp nhận sống-theo ý muốn của người khác để có thể tiêu dùng tiền của người khác. Ước mơ đổi đời trong phút chốc dẫn cậu đến ranh giới đánh đổi giá trị bản thân. Cậu bán trói buộc này để mang trói buộc khác, sâu hơn, sắc hơn cứa vào tâm hồn để vùng vẫy mong thoát thân cũng đành buông xuôi. Cuộc đời là những ràng buộc nếu con người không nắm bắt được giới hạn của nó để thoát ra, mọi sự việc đều bủa vây tâm trí của Joon-soo khi Joon-soo bị động thực hiện công việc ''làm cảnh'' của mình. Người độc ác nhất là những người biết tận dụng sức mạnh của mình để thuần hóa người khác thực hiện thú vui của mình, là con người nắm giữ khả năng thay đổi của người khác, giật những dây dợ vô hình trói buộc tâm hồn người khác mà không phải vì tốt cho người đó. Con người sống chế ngự tâm lý thì cũng chết vì tâm lý bị chế ngự. Đến cuối cùng chỉ Joon-soo mới thực sự hiểu cậu đã buông tay trên núi tuyết hay, cậu đã cố gắng nắm lấy Sung-goo-người thích chơi với chính mạng sống của mình bằng cách áp chế tâm lý Joon-soo.

Vấn đề Joon-soo buông tay hay không không quan trọng, mà vấn đề là Sung-goo đã chết không ai hay biết ngoài Joon-soo. Và cha Sung-goo muốn đòi lại công bằng cho đứa con vắn số của mình bất chấp nguyên nhân. Một người cha nuôi dưỡng ra một đứa con thâm hiểm như Sung-goo thì tâm lý cũng độc ác không kém cạnh, ông ta biết cách áp chế tinh thần của người khác như thế nào để buộc Joon-soo phải tự kết liễu bằng những đòn tâm lý. Hiện thực không có anh hùng, không có công bằng khi đã bị đặt vào hoàn cảnh nghiệt ngã-mà Joon-soo đã từng chấp nhận. Vì vậy Joon-soo chọn con đường buông rơi sự sống-cho bản thân và cho người khác. Tính hiện thực trong tác phẩm nằm ngang nơi số phận Joon-soo, không phải bi đát mà nghiệt ngã đến tận cùng. Ước mơ nắm bắt lấy ánh sáng cuộc đời không từ mà biệt khi cậu hiểu rõ quyền lực thẩm thấu như thế nào trong cuộc sống. Joon-soo muốn ngấu nghiến cuộc sống để ra đi cùng quyết định của bản thân nơi núi tuyết, nhưng bắt cầu qua nhân vật Hong Da-ae, Joon-soo tìm thấy một lý do để khao khát sống thật sự nhằm trao gởi bản năng sống trong ánh mắt tổn thương của người phụ nữ. Những cảm xúc của Joon-soo và Hye-jin là những rung động vượt qua giới hạn khái niệm tình yêu. Cách Joon-soo tiếp cận với Hye-jin và cách Hye-jin san sẻ với Joon-soo là câu chuyện tình người-duy nhất chỉ dành cho một người. Họ bên nhau để khao khát sống, khao khát vì nhau mà sống. Những giây phút hạnh phúc rơi lại trong câu chuyện của họ không hoàn mỹ, không bền chặt, chúng chông chênh và lênh đênh, hai con người không dám nắm giữ hạnh phúc bên nhau để tan vào nhau, có nước mắt, có nụ cười, có những nỗi đau hằn sâu nhưng cũng có những hạnh phúc sâu thẳm. Chúng bấp bênh và se sắt khi họ bên nhau để thật sự hạnh phúc và trân trọng hạnh phúc đang có.

Hồi sinh từ tro lửa Phượng Hoàng

Con người thật sự sống khi biết trân trọng nắm bắt sự sống mình đang có, nắm lấyđiều khiển cuộc sống của chính bản thân mình. La Dolce Vita viết về những tâm hồn đã từng buông thỏng linh hồn sự sống, viết về hành trình tìm lại sự sống của họ nơi nhúm tro đã lịm tắt. Và những tâm hồn đó hồi sinh trên đống đổ nát của quá khứ, hồi sinh khi thiêu đốt những phù phiếm xa hoa mà quá khứ giăng đầy để đón nhận sự bình thản trong tâm hồn. Bình yên là một thời điểm, chứ không thể nào là một quãng đường. Con người chúng ta cần phải đi, đi mãi để tìm kiếm bình yên, chứ không phải đứng lại tận hưởng niềm bình yên-lạc hậu. Hye-jin và Joon-soo từ sống ký sinh, và hai thân thể ký sinh ấy tìm về với nhau để cộng sinh. Hai con người tìm thấy nhau ngang qua cuộc đời hà hơi thổi lên bản năng sống mãnh liệt và cuồng bạo nhất, khuynh đổ quá khứ chất chứa hằng sa số nỗi buồn. Sự giải thoát bứt những chuẩn tắc xã hội tan vỡ để tìm đến nhau, thăng hoa cùng nhau tỏa sáng. Ngọn lửa nơi đó như ánh sao băng rực rỡ trôi trên bầu trời đêm tối. Tôi nhớ mãi cảm giác Joon-soo trân trọng Hye-jin như thế nào, với ngàn cánh hoa hồng trên bước chân như muốn thổi bùng lên niềm hạnh phúc ngỡ ngàng một đi không trở lại, nhớ cảm giác hai con người ấy gói gém cảm xúc để bên nhau cháy bỏng những đam mê. Nhân sinh quan sống của hai con người có thể không có điểm chung, nhưng tại thời điểm đó mọi thứ chỉ còn lại duy nhất, tan vào nhau để mơ ước cùng nhau, để ngây ngất cùng nhau bên ngọn lửa leo lét giữa bóng đêm. Tình yêu, và tình người sáng rực rỡ nơi chốn ấy để minh chứng cho thế gian hiểu họ đã từng hiện hữu như thế, đã từng hạnh phúc như thế, bên nhau trao gởi niềm hy vọng nắm được ánh sao rơi rớt lại trên bờ vai của mình.

Hai con người ấy chìm trong định mệnh của mình, tìm thấy nhau, cháy bùng lên cô đơn thiêu đốt nhau tan thành mảnh ký ức mãi mãi nơi chốn cũ-bình yên dịu vợi. Những nụ hôn lưỡng lự, chần chờ, vội vàng cầm cập run rẩy vào nhau khiến thế giới dừng lại nơi đấy, nơi hai con người hiểu nhau và yêu thương nhau. Ký ức mãi mãi ở lại dù Joon-soo có ra đi trên con đường riêng mà cậu ấy đã chọn, con đường mà cậu đành gởi lại ký ức ấm áp trong trái tim Hye-jin đong đầy tình yêu, gởi lại dở dang tìm kiếm tâm thức độc lập để Hye-jin đi tiếp trong cuộc đời. Ánh sáng của Joon-soo được gởi lại cuộc đời Hye-jin-cuộc đời côi cút nhưng không cô độc của Hye-jin, vì Hye-jin khi không có Joon-soo vẫn độc lập đứng trước định mệnh, không bỡ ngỡ trước những xáo trộn của ngày mai. Joon-soo còn đó trong tâm hồn Hye-jin, còn đó nơi ánh mắt của Hye-jin, mãi mãi còn đó thỉnh thoảng cười, và thỉnh thoảng ôm ấp Hye-jin. Mãi mãi bên cạnh trong hình hài độc lập mà cậu đã cùng Hye-jin khai phá. Sự ra đi não nề trong nước mắt nhưng nhẹ nhõm giải tỏa, bất lực nhưng đầy hiện thực và bình yên. Không phải ai cũng có thể hồi sinh, không phải ai cặm cụi tìm kiếm cũng có kết quả. Joon-soo đại diện cho khao khát vô hình đứt đoạn giữa thời gian, cậu chọn cái chết để kết thúc, và để bắt đầu cho một trạng thái hoàn toàn mới, hoàn toàn không biết về đâu. Joon-soo giải thoát cho chính mình khi ý thức sống được đánh thức khi đã lỡ làng, khi hậu quả của hành động thức tỉnh đến muộn mằn khiến mọi nỗ lực tan vào sương khói. Nhưng Joon-soo đã thực sự khao khát, đã cố gắng sống và cố gắng thay đổi nhằm đón nhận một cuộc đời mới, nhưng vì quyền lực giăng lưới quá tầm chạy của cậu nên cậu chẳng thể chạy thoát khỏi số mệnh, mà phải tự chọn kết thúc số mệnh như một cách chủ động nhất để đón nhận nó.

Ai đó nói rằng dù như thế nào bạn cũng cần phải sống, vì sống vốn đã có ý nghĩa, nhưng tôi tôn trọng quyết định ra đi của Joon-soo để dừng lại, để kết thúc cho chuỗi chu trình khép kín của quyền lực và sự độc lập của con người trước quyền lực. Joon-soo đã từng lún vào vũng bùn do chính cậu chấp nhận, và cách Joon-soo buông tay trước sự sống của mình là cách cậu tự chịu trách nhiệm về cuộc đời-khi sống là quá sức chịu đựng của cậu, bởi nếu cậu sống sẽ mang đến nhiều hệ lụy cho những người cậu yêu thương. Có lẽ Joon-soo muốn dừng cuộc đời của mình lại để dành sự sống tốt đẹp cho những người bên cạnh. Cậu cố gắng mang đến cho những người cậu yêu thương điều mà họ cần, đối với Da-ae là tiền, và đối với Hye-jin là lòng trân trọng sự sống-trân trọng tâm hồn của người cậu yêu. Đêm trước khi ra đi, cậu ở lại bên cạnh Hye-jin, đối diện một lần nữa với chính tình yêu, khao khát và giới hạn của bản thân để quyết định, để tận hưởng tình yêu của một người phụ nữ dành cho mình, trân trọng nó và tan vào nó để nó la liếm vết thương thẳm sâu trong tâm hồn. Cậu vẫn muốn sống, nhưng cậu cần điểm dừng để thôi vỡ vụn trong nỗi sợ hãi sự sống của bản thân ảnh hưởng đến sự sống của những người yêu thương. Con người luôn đấu tranh giữa bản năng và lý trí, giữa tham vọng sốngcần thiết sống. Trong Joon-soo, cuối cùng lý trí đã thắng để cậu lựa chọn ra đi, để tham vọng sống không ám ảnh cậu mỗi tối, cậu vượt qua nỗi sợ phải chết để khỏi phải sợ hãi phải sống. Cuộc sống của Joon-soo trở nên se sắt và bạo liệt nhất trong hoàn cảnh đó, trong lựa chọn sống còn đó, khắc khoải đau thương nhưng giải tỏa những nỗi đau trong không trung vô trọng lượng, để Joon-soo quên đi, để thôi canh cánh những nhịp thở run rẩy khi đối diện với sự tàn khốc của hiện thực. Ở nơi xa vắng, ở nơi nào đó, Joon-soo sẽ mỉm cười nhìn về Hye-jin hạnh phúc và tự do.

Hye-jin ở lại để tiếp nối sự sống mà Joon-soo để lại dang dở, để sống độc lập và tự do khi nắm bắt được tâm thức độc lập đã đấu tranh để giành lại. Hye-jin nơi đấy mong manh nhưng lại mãnh mẽ vô cùng, cô đứng một mình tiếp tục làm việc và chìm trong cuộc sống-cuộc sống đơn giản man mác buồn nhưng lại hạnh phúc thật sự trong ký ức đẹp bất diệt cùng thời gian. Ánh nắng chói chang soi rọi tâm hồn cô, để cô chấp nhận sự ra đi của Joon-soo là tất yêu, là điều cần thiết cho Joon-soo. Bởi vì đối với Joon-soo thì cậu sống chỉ vì Hye-jin nhưng, có muôn vàn lý do để chết. Joon-soo chọn điểm dừng bình yên cho cuộc đời chính cậu, tự do chìm trong giấc ngủ sâu muôn đời. Việc của Hye-jin là chọn cuộc sống độc lập của bản thân mình còn dở dang, còn thao thức ẩn giấu trong niềm vui được làm mẹ nơi hai người con còn thơ trẻ.

Hai con người lặn ngụp trong hoang mang đã tìm đường đi cho riêng mình, tìm thấy giới hạn và ý nghĩa cuộc sống riêng. Hai người đó gói tình yêu lại nơi ký ức mơ hồ để chìm vào mỗi khi cần nương nấu, chứ không phụ thuộc vào ký ức đó, hay phụ thuộc vào chính người nào trong đó. La Dolce Vita là một câu chuyện có mảng tình yêu được phác họa gợi, đắt nhưng không phải là câu chuyện tình yêu, mà là câu chuyện về cuộc đời. Những hành trình gian truân định nghĩa lại cuộc đời mang tính chiêm nghiệm nhiều về mỗi quyết định của chính chúng ta, quyết định đánh mất bản thân và tìm lại bản thân. Câu chuyện chứa đựng nội dung sâu thẳm trong mất mát, trong đánh đổi và lựa chọn. Thông qua cách dựng phim giàu tính điện ảnh với những góc quay rộng-hẹp đan xen mang lại những mảnh vỡ của cuộc đời chắp nối với nhau, tạo nên bức tranh tổng thể mong manh giaấm giúi vào trái tim những con sóng yêu thương dạt dào mê mãi.

La Dolce Vita khiến người xem trân trọng sự sống mong manh, hơn nữa là sự sống độc lập mong manh mà nhiều khi con người mệt mỏi muốn từ bỏ. Nhưng sống đã là một hành trình dài và dai dẳng, cuộc hành trình đấu tranh giữa lý trí và bản năng để tìm kiếm giá trị cuộc đời. Con người cần biết cách phụ thuộc cũng như cách độc lập, dung hòa hai khái niệm nghịch chiều để tìm kiếm sự tự do và giới hạn trong tâm hồn. Có phụ thuộc mới có độc lập, và có đánh mất mới có thể tìm lại. Trong hằng sa số hành trình, có hành trình tựu thành nhưng cũng có hành trình mãi còn dở dang. Nhưng ít nhất người ta đã đi tìm, đã sống, đã thức tỉnh và đã mang hy vọng trãi trên những đoạn gãy trúc trắc của đường đời. Ít nhất người ta đã sống và đã trân trọng sự sống, la dolce vita!

... Nếu em ước về anh, thế giới sẽ tràn đầy anh...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review