Au Revoir Taipei: Đài Bắc một đêm tưng tửng ký

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phim viết về tuổi trẻ tửng ...từng ...tưng. Cái sự tửng của tuổi trẻ mang đến thật nhiều phiền phức bực mình nhưng lại mang về biết bao niềm vui khoan khoái. Cái tuổi trẻ ai cũng đi qua một lần mà nhiều người bỏ rơi nét tửng nên đến tuổi trung niên lại phải đi tìm trong nuối tiếc.

Tuổi trẻ không tửng thì không còn trẻ nữa, tuổi cụ non đó. Tuổi trẻ không có chút mù quáng thì đâu phải tuổi trẻ đâu, tuổi trưởng thành đó. Tuổi trẻ-trưởng thành không có gì là không tốt cả, trên những khía cạnh đánh giá khác thì tốt hơn nhiều cái tuổi trẻ-tửng cà bông, nhưng chắc chắn sẽ có ít những người bạn mang tên niềm vui vu vơ hơn cái tuổi trẻ-tửng có.

Cũng biết không phải ai cũng muốn trưởng thành sớm, nhiều khi là hoàn cảnh bắt buộc, nhiều khi là muốn chứng tỏ bản thân hay vì khao khát đam mê. Mỗi con người cũng như mỗi tuổi trẻ có chí hướng riêng nên không thể so sánh một cách toàn diện được, vì thế tuổi trẻ muôn hình vạn trạng liệt kê không xuể và đều là tuổi trẻ. Khi làm so sánh này tôi cũng chỉ muốn nhắc đến cái tuổi trẻ cà tưng mà đa số đều trãi qua nhưng ít được nhắc đến và thường bị các nhà có tư tưởng ''giáo dục học'' than vãn mà thôi. Ôi họ than kệ họ, chứ họ có sống thay tuổi trẻ của người khác được đâu, quy chung lại thì họ than như nghĩa vụ phải than hay vì quyền lợi nên than thôi, họ thích thì họ than còn mình thích thì mình nghe. Vậy thôi, heh heh.

Nhắc về Au Revoir Taipei, phim cho khán giả ăn mầm đá của tuổi trẻ-tửng ngót 30 phút đầu nhai mỏi đến nhiều khi muốn tắt phim. Cái tuổi trẻ mù quáng nhiều khi muốn quạu và nói thẳng sao mà bạn khùng quá đi, chẳng thực tế gì cả, chẳng có chút thông minh gì hết, nhìn bạn cứ đần đần thế nào đó. Một chàng trai cố công đeo đẳng hình bóng người tình đã đi Pháp, mà cô ấy đá trái bóng lơ đẹp khi đã chủ động tắt ngúm mọi thông tin liên lạc. Cũng chàng trai đó đi vay tiền mà không biết cái giá của đồng tiền là gì chỉ để thỏa mục đích đi qua Pháp tìm người tình xa xứ. Lãng mạn ư, không, bốc đồng thì có, cuộc tìm kiếm đó chỉ có thể lãng mạn khi người ta nhận thức và đánh cược số phận của mình vào canh bạc cuộc đời mà thôi, còn ở đây ... nhớ đến cái mặt ngố của chàng trai đó nên thấy tội tội không muốn sử dụng chiêu liên hoàn chửi tiếp, âm thầm coi như là ...điên vậy ^^. Chàng trai ấy có thể điên, vì khi yêu người ta thường điên, nhưng chàng trai đó không ngốc, chỉ là vì chàng trai ấy muốn mù quáng đi hết con đường mù quáng mà thôi.

Và chính vì chàng trai ấy mù quáng nên mới có câu chuyện Đài Bắc một đêm tưng tửng ký ở đây. Một đêm để một Đài Bắc khám phá một Đài Bắc. Au Revoir Taipei tiếng Pháp nghĩa là Tạm biệt Đài Bắc, tên phim thì hay nhưng mà nghe lạc quẻ với nội dung phim vì tính thích đặt lại tên phim của người Pháp. Tên tiếng Anh dịch từ tên gốc của phim là First Page Taipei thể hiện được nội dung một đêm ở Đài Bắc hơn. Tuy nhiên, bày đặt ý kiến ý cò thế thôi chứ tôi cũng thích cái tên Au Revoir Taipei hơn heh heh, vì cái tên này đẹp hơn, nhưng tôi thích là Au Revoir, Taipei hơn nữa vì vừa đẹp vừa thể hiện được nội dung

Một đêm ở Đài Bắc có gì hấp dẫn? Bạn tìm kiếm được điều gì sau khi nhai mầm đá hơn 30 phút?

-Một cuộc vận chuyển ma túy? Phim có.

-Một cuộc đào tẩu và rượt đuổi? Phim có.

-Một cuộc đổi chác tính bằng mạng? Phim có.

Vậy đã đủ yếu tố hấp dẫn chưa? Nếu chưa thì...

-Một tình bằng hữu sống chết có nhau thì sao? Phim cũng có.

-Một ván mạt chược giữa kẻ bắt cóc và người bị bắt cóc như thế nào? Phim cũng có

-Một cuộc tao ngộ giữa một cô gái và một chàng trai cùng chung hoạn nạn liệu có đủ? Phim cũng có.

Vẫn chưa đủ thì một cuộc du lịch bụi ngắm Đài Bắc qua một đêm cũng có thể là lý do để bạn xem Au Revoir Taipei chăng? Đây là một phim miêu tả Đài Bắc thực nhất theo cảm nhận của tôi, không hoa lệ với tháp Taipei 101, không cổ kính cùng Linh Thứu Sơn hay rực rỡ với những khu phố đèn lồng mà thân thuộc và gần gũi với cuộc sống của người dân Đài Bắc cùng món há cảo và bánh bao, hay chợ đêm đông đúc và chân cầu Vĩnh Phúc văng vắng, ánh đèn vàng leo lắt rơi ở những con phố dài mờ tỏ rạng sáng. Cảnh đẹp và quay phim cũng như ánh sáng tả lại thực, đẹp đơn sơ trong nét thực đó chứ ít nhân tạo như cảm nhận ở những phim khác. Con phố nhỏ chật chội trăng trắng vàng vàng bỗng trở nên đẹp lạ lùng chẳng cần nhiều trau chuốt mà vẫn lột tả được phảng phất tâm hồn con người trong nó, cảnh kế cuối của phim mang lại cảm giác mơ màng khiến phim bỗng đẹp dịu vợi hơn, nét đẹp bất ngờ và thanh trong. Cảnh phim đắt giá giải tỏa bức bối bằng ánh sáng của bầu trời lờ mờ bừng tỉnh mang đến cảm giác thảnh thơi bình yên. Đây là cảnh phim đắt giá nhất của phim, vừa vặn và ý nghĩa.

Tôi thích phim không phải vì sáu lý do đầu tiên nêu trên, mà vì cách những con người bình thường với những ứng xử bình thường tạo nên và đối phó với những tình huống đó. Như đã nhận định Au Revoir Taipei là một đêm tưng tửng nên sẽ không có anh hùng xuất hiện, cũng không có những người ứng xử ngờ nghệch thánh thiện ở Au Revoir Taipei. Những con người bình thường ứng xử rất chi là bình thường. Hook của phim rất dễ nhận ra nếu có kinh nghiệm với dòng phim này nhưng lại hài hước đấy, ẩn giấu khéo léo để khi vỡ ra thấm lại những nụ cười. Phim tửng với những nhân vật ngố ngố ngộ ngộ. Ai đời một băng đi cướp mà mặc đồng phục màu cam chóe lên để người ta nhận diện, ai đời người ta cứ ứng xử rất điềm nhiên trước những mối nguy hiểm đâu. Trong phim mọi chuyện cuống quýt rất bình thường và tửng tửng chứ không đạo mạo nghiêm chỉnh gì cả, cứ cà rởn một chút với những câu thoại thực tế đến nóng người và phì cười.

Phim tả lại tuổi trẻ qua một đêm và những trãi nghiệm vừa đủ lớn để khiến con người thay đổi góc nhìn của bản thân, khiến tuổi trẻ nhìn xung quanh cuộc đời mình với những giá trị mong manh giữa thực tế và huyền hoặc mù quáng. Phim chọn cho mình một kết thúc đẹp nhưng hợp lý, đoạn kết vỗ về cho những hạnh ngộ về giá tị cuộc sống trong cuộc đời. Tuy nhiên như nhận xét ở trên, tôi thích đoạn kế cuối nhất phim chứ không phải đoạn kết rõ ràng và trẻ trung như của phim, đoạn kết tôi thích lưng chừng hơn chứ không dứt khoát như thế. Đó là gout cá nhân chứ không phải so sánh đoạn kết nào hay hơn đoạn kết nào, chất ngẫu hứng và tận hưởng của tuổi trẻ ở đoạn kết thực của phim lung linh nhảy múa như chính điệu nhảy ngẫu hứng lại khiến cảm giác thay đổi đến quá nhanh, chúng trẻ trung và vui vẻ thật sự nhưng có chút gì đó vội vàng. Cùng đó ở cảnh cuối trang điểm cho nhân vật thiếu tự nhiên cũng như ánh sáng được xử lý mạnh có chút cảm giác chói khiến cảm giác mơ màng trước đó giảm đi, mà tôi vốn dĩ thích một điều gì đó mơ màng chứ không rạch ròi, có tính bắt cầu hơn là đi trực tiếp..

Nhưng ý tưởng của phim để mỗi con người tìm kiếm nỗi lòng chính trong những biến cố thì hay, cùng cách thể hiện vừa vặn trẻ trung nhưng vẫn đa chiều làm ấm lòng người xem. Nét chân thành của những thanh niên học từ chính trãi nghiệm của mình bôn ba để từ đó trưởng thành hơn-thay đổi theo thế giới đổi thay chứ không mù quáng cố gồng mình tìm về với một lý tưởng khi không còn phù hợp. Cũng như biết thay đổi và biết chờ đợi cuộc đời chứ không còn vội vã tìm kiếm cuộc đời qua chính bản thân. Bản thân và cuộc đời là hai giá trị trừu tượng thay đổi qua thời gian nên cứ thay phiên thay đổi mà cuộn tròn thế giới của chính mình lại, nếu muốn mở cần phải đóng, nếu muốn đóng lại phải mở ra... Độ trễ của tuổi trẻ là một vấn đề tất nhiên trên cuộc đời không bằng phẳng, ai cũng có độ trễ đó để vượt qua khiến giá trị đọng lại của khoảng thời gian đó trở nên giá trị như những khoảng trống của chiếc bánh răng cưa khiến cuộc đời trọn vẹn hơn chứ không chỉ toàn đỉnh răng cưa va vào những đánh giá mang nặng tính lý thuyết.

Tôi không có ý định khen phim nhiều hơn nữa, nói như trên là hơi nhiều rồi ^^. Nhưng thật sự tôi thích cách thể hiện gần gũi và đời thường của phim, không cố gắng ôm thật nhiều vấn đề như một số phim khác và không cố gắng để lại cảm giác đẹp ''lý tưởng'' như The longest night in Shanghai đã làm khi để hai con người đi ngang đời nhau tác động đến nhau quá nhiều. Tôi thích cách họ tự động tác động tới chính mình hơn với những quan điểm mới mà họ dung nạp. Với Au Revoir Taipei mọi cảm nhận đều gần gũi và không cường điệu tâm lý ở các nhân vật chính, vấn đề của họ thuộc về chính họ chứ không phải chịu tác động nhiều bởi người khác. Và cách để một đêm vỡ ra đều có những tiền đề chuẩn bị từ trước, cộng với may mắn tao ngộ trong một biến cố khiến người ta xích lại gần nhau hơn để hiểu nhau hơn một chút lại thực tế hơn. Sự thay đổi của họ hướng tới giá trị mới sẽ còn thay đổi nữa nhưng chẳng phải có đổi thay mới có không đổi thay sao...?

Tuổi trẻ đẹp bởi nét tửng tửng ngố ngố trong những biến cố lớn nhỏ mà từ đó ta ...hết trẻ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review