LẬP DÀN Ý CHO TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

LẬP DÀN Ý CHO TRUYỆN - DỄ HAY KHÓ? (2)

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẬP DÀN Ý?

Dựa trên các kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy rằng có hai kiểu lập dàn ý đơn giản đều dựa trên Bối cảnh và Nhân vật - hai yếu tố chính yếu phải có trong mọi câu chuyện. Ở cách đầu tiên và dễ nhất, tác giả có thể bắt đầu từ việc lập dàn ý từ Bối cảnh và đặt nhân vật vào đó. Ở cách thứ hai, nhân vật được xây dựng tỉ mỉ cụ thể và dựa trên tính cách - quan điểm của từng nhân vật, bối cảnh sẽ được phát triển sao cho phù hợp. Hai cách này có thể phân biệt nhanh chóng bằng những từ như Dàn ý từ lớn tới nhỏ (Bối cảnh - Nhân vật) và Dàn ý từ nhỏ đến lớn (Nhân vật - Bối cảnh).

- Từ Bối cảnh đến Nhân vật:

Theo mình thì việc lập dàn ý đi từ bối cảnh đến nhân vật là cách đơn giản dễ làm nhất. Nếu như bạn vẫn chưa quen với việc lập dàn ý, sử dụng cách thức đơn giản nhất sẽ tốt hơn cho bạn. Bắt đầu từ ý tưởng ban đầu, bạn hãy viết ra các mốc chính sau:

1. Mở truyện

2. Kết truyện

3. Các mốc sự kiện chính (thay đổi toàn bộ cục diện sự kiện hoặc làm điểm mốc thay đổi các nhân vật, ảnh hưởng toàn bộ thế giới trong truyện)>

4. Định hình tình tiết phụ liên kết với các sự kiện chính

5. Viết ra các chi tiết liên kết với các tình tiết phụ

Từ đây, bạn đã có một bản phác thảo sơ bộ và tổng quan cho toàn bộ câu chuyện. Lúc này là khi bạn cần định hình thế giới tưởng tượng của bạn - Bối cảnh.

Hãy nghĩ tới các yếu tố hợp thành toàn bộ thế giới, hình thành nên một quốc gia cụ thể cho tới những phong tục lịch sử được lưu truyền qua những bản làng nhỏ bé. Chúng ta sẽ có toàn bộ các yếu tố về thời gian; lịch sử; văn hoá; chính trị; tôn giáo; con người; sinh thái; địa lý; vật lý...mọi thứ cấu thành thế giới là những thứ bạn cần liệt kê cụ thể.

Sau khi đã liệt kê ra toàn bộ những lưu ý phía trên, danh sách cuối cùng mà bạn nên làm chính là kể lại các tình tiết, chi tiết điểm nhấn cho toàn bộ câu chuyện. Tất nhiên, chúng cần phải có sự liên kết với các mốc chính mà bạn đã viết từ ban đầu.

1. Tình tiết dẫn truyện

2. Tình tiết điểm nhấn

3. Các chi tiết ấn tượng

4. Kiến thức nên/sẽ đưa vào truyện

5. Lời thoại, độc thoại, hội thoại ấn tượng

6. Các lưu ý về nội tâm, quan điểm nhân vật

7. Các lưu ý về miêu tả hành động, cử chỉ

8. Những lưu ý khác có thể nghĩ ra

Cuối cùng, điều còn lại mà bạn cần phải làm chính là thống kê lại toàn bộ các chi tiết mà mình đã ghi ra theo mốc thời gian diễn biến trong câu chuyện. Nhìn lại tổng quan một lần nữa, bạn sẽ nhận ra mình đã kiến tạo một thế giới gần hoàn chỉnh. Lúc này là lúc dàn ý truyện chứng tỏ sức mạnh của nó, bạn sẽ nhìn ra các điểm còn thiếu sót khi lắp ghép các bộ phận rời rạc của chúng lại với nhau và có thể chỉnh sửa dễ dàng.

Ví dụ: Một ví dụ cụ thể và rõ ràng là truyện Thánh Chiến của mình - Truyện kể về Việt Nam hậu tận thế sau khi trái đất bị tấn công bởi những giống loài tới từ chiều không gian khác, khởi đầu và kết thúc cho trận chiến Thiên Đàng (trận chiến giữa Lucifer và Michael trong kinh Cựu Ước), một nhóm người bắt đầu phát hiện ra những bí mật liên quan tới việc hình thành vũ trụ và lên đường ngăn chặn ngày Tận thế. Câu chuyện này được làm dàn ý theo đúng kiểu sáng tạo Bối cảnh trước rồi sau đó mới đưa các nhân vật phù hợp theo cốt truyện vào sau, từ đó đặt nhân vật vào một tình huống cụ thể theo mạch truyện và bắt buộc họ phải thực hiện các hành động thích hợp. Thánh Chiến khởi đầu bằng một thế giới hậu tận thế và một nhóm người trong nó phải vùng vẫy để sống sót, tìm kiếm sự kết thúc của mọi khổ đau. Ở đây, nhân vật bắt buộc phải chiến đấu và quan điểm của họ cũng được hình thành dựa trên bối cảnh.

- Từ Nhân vật đến Bối cảnh:

Trái ngược với cách đi từ vĩ mô đến vi mô, lần này việc lập dàn ý được dựa trên độ tỉ mỉ mà tác giả sáng tạo và thiết kế dàn nhân vật của mình đến đâu. Nếu gọi cách làm dàn ý từ việc kiến tạo thế giới tổng thể là "tạo nhân vật phù hợp với thế giới" đó thì ở cách thứ hai, tác giả sẽ sáng tạo thế giới sao cho phù hợp với nhân vật. Đặt dàn nhân vật chính làm trung tâm của tất thảy, tác giả bắt đầu phân tích ý tưởng sao cho phù hợp với hình tượng nhân vật mình đang hướng tới và phát triển tính cách các nhân vật dựa trên các điểm sau:

1. Tính cách

2. Tiểu sử dẫn đến tính cách hiện tại

3. Tính cách trong quá khứ

4. Gia phả

5. Các mối quan hệ

6. Ngoại hình - giọng nói

7. Quan điểm - lý tưởng

8. Khao khát - tham vọng

9. Lời thoại đắt giá

Sau khi đã hoàn chỉnh dàn nhân vật của mình bằng cách lấp đầy những khoảng trống trong yếu tố cấu tạo - thiết kế, tác giả tiếp tục hình thành vòng tròn nhân vật và phát triển tình tiết dựa trên các tình tiết dựa trên những mối quan hệ đó. Dựa trên mối tương quan của các nhân vật, tác giả tự đưa một hoặc nhiều nhân vật vào cùng một tình huống cụ thể và phân tích hành vi dựa trên tiểu sử của từng nhân vật. Cuối cùng, sau khi vòng tròn quan hệ của các nhân vật đã được vẽ xong, tác giả chỉ cần đưa toàn bộ dàn nhân vật của mình vào trong một bối cảnh phù hợp.

Kết thúc quá trình làm dàn ý bắt đầu từ việc thiết kế nhân vật, tác giả chỉ cần xem lại các mối quan hệ đã liên kết và logic theo thứ tự thời gian hay chưa và chỉnh sửa lại nếu có lỗ hổng là được.

Ví dụ: Một câu chuyện khác của mình là Tồn tại được viết theo lối này. Mình vẫn thường áp dụng dàn ý đi từ Nhân vật lên trong các câu chuyện có bối cảnh hẹp (nhưng không có nghĩa là nó chỉ thích hợp với các câu chuyện có bối cảnh hẹp), khi kể về cuộc sống của Minh Thạch - một chàng sinh viên mắc chứng tâm thần hoang tưởng cùng với các mối liên hệ của anh ta, mình đã đi từ thiết kế nhân vật chính (Minh Thạch) rồi thành lập các liên hệ liên kết (Diễm Mộng và Hoàng Chân). Sau đó, mình đặt toàn bộ các nhân vật vào một môi trường thích hợp để phô bày nội tâm và hành động - quan điểm của họ (trường Đại học và các bối cảnh xung quanh nhân vật).

CÁC LƯU Ý KHI LẬP DÀN Ý

Dưới đây là một số lưu ý khác mà mình đã trải nghiệm qua trong quá trình lập dàn ý cho những câu chuyện:

- Luôn ghi chú lại mọi tình tiết, ở mọi nơi: Bạn không thể biết rằng ý tưởng sẽ xuất hiện lúc nào và vì sao lại thế, do vậy hãy ghi chú lại mọi thứ có thể nhớ được ngay lúc có thể.

- Luôn sử dụng sổ tay thay vì điện thoại hay máy tính: Nghe có vẻ trái ngược nhưng lúc lập dàn ý hay lên cốt truyện, mình luôn sử dụng sổ tay thay vì gõ máy tính. Viết tay khiến tốc độ suy nghĩ của bạn chậm lại để đôi tay có thể thực thi mệnh lệnh của não, và từ đó cho bạn thêm thời gian để nghiền ngẫm về ý tưởng của mình hơn.

- Vẽ biểu đồ, bản đồ, phác hoạ ý tưởng: Áp dụng cho cả những bạn biết hay không biết vẽ. Cứ vẽ ra một bảng gia phả hoặc biểu đồ hiển thị sự liên kết giữa các quan hệ, một tấm bản đồ về thế giới tưởng tượng của bạn hoặc mọi thứ bạn nghĩ rằng cần được mô tả tỉ mỉ. Việc này giúp bạn hiểu rõ hơn về câu chuyện của mình và cũng hình thành trong đầu bạn các mối dây liên kết mạch truyện tốt hơn.

- Phân đoạn dàn ý: Sau khi liệt kê các tình tiết và sự kiện theo mốc thời gian, hãy phân đoạn chúng bằng những đoạn văn ngắn và tóm gọn lại theo từng mốc chính (hoặc bạn có thể đặt cho chúng vài biệt danh như 1 "arc"), các mốc này chứa sự biến chuyển quan trọng của tổng thể câu chuyện.

- Tổng hợp thông tin nhân vật: Đừng bao giờ bỏ lơi các thông tin này sau khi đã thiết kế dàn nhân vật của bạn chi tiết và tỉ mỉ, bạn sẽ cần đến chúng sớm thôi.

- Các phụ lục, chú giải: Luôn ghi chú lại mọi phụ lục hoặc chú giải để có thể phân loại hoặc đưa ra cho độc giả bất khi nào.

Trên đây là một số trải nghiệm và kinh nghiệm của bản thân mình sau khi viết vài câu chuyện dài, hy vọng rằng những điều trên có thể giúp ích cho các bạn trẻ vừa mới bắt đầu viết lách ít nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro