Phó Thám hoa -7-

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhưng chẳng mấy chốc, nỗi lo lắng của Giai Lam hóa thành phiền não.

Thật sự là không đủ nhân sự mà. Bốn bé Quả giờ cũng phải thay phiên nhau chăm sóc cậu ba còn đang nằm liệt giường. Nhưng là bốn đứa suốt ngày bị cậu ba gào thét mắng chửi đến phát khóc chạy đi, các loại bát cơm bát thuốc bát trà lần lượt chung nhau số phận thảm thiết bị đập nát, khiến cho số tiền bội chi càng lúc càng lớn.

Thời điểm duy nhất có vẻ ổn định yên tĩnh, chỉ có lúc đến lượt Giai Lam trông chừng cậu chủ mà thôi.

Thật sự đúng là nạn ông chưa qua nạn bà đã tới, Giai Lam quả thực đuối lắm rồi.

Khác với đám a hoàn bậc nhất các phòng khác chỉ việc ngồi chơi cắn hạt dưa buôn lê bán táo kèm dẻo miệng dỗ dành các cậu chủ, ở đây không những cô phải tính toán cân đối thu chi trong tình trạng siêu bội chi, lại còn vẫn phải không ngừng duy trì quản lý các mối quan hệ người nọ người kia. Làm a hoàn kiêm quản sự lớn nhất trong phòng cậu ba như cô, chỉ có phiền não hơn, không có phiền não nhất.

Mặc dù cậu ba chỉ là một đứa con vợ lẽ bị coi như vô hình trong nhà, nhưng lúc cần thể hiện bản thân mà không thể hiện thì sẽ khiến cho tình trạng vô hình này càng trở nên phức tạp. Thân là chủ nhân mà càng vô hình càng không có địa vị gì cả, từ chủ đến đầy tớ sẽ cùng nhau bị bắt nạt, ai cũng có thể coi khinh. Đến vị khách ở nhờ Kỷ Hầu phủ là em Lâm... à nhầm, cô Lữ, cũng rất chú ý đến mấy vấn đề nho nhỏ đó, mà đấy còn chỉ là cháu ngoại ruột rà của Dung thái quân thôi.

Đây là một thứ quy tắc ngầm trong cái xã hội thu nhỏ là gia đình này, khó mà tránh khỏi.

Sinh nhật của cụ lớn ông lớn bà lớn ông hai bà hai phải tặng quà, sinh nhật các cậu các cô trong nhà cũng phải tặng quà. Sinh nhật các quản gia và các bà quản sự có thân phận trong nhà, cũng phải tặng quà. Đến cả các a hoàn lớn có mặt mũi ở các phòng đều không thể sơ sảy. Từ đầu năm tới cuối năm riêng các loại sinh nhật thôi đã khiến cô lo liệu tối mày tối mặt, tiền tiêu vặt hàng tháng của cậu ba hoàn toàn không đủ. Chưa kể các loại lễ nọ tết kia, rồi thì các cô các cậu chủ tự dưng nổi hứng lên làm cái gì hội thơ tiệc trà này nọ, cũng phải góp tiền góp của.

Càng đừng nói đến các loại bõ già đứa ở làm gì cũng chờ thu tiền thưởng, không cho tiền thì không chịu làm gì.

Chẳng trách khi trước bà vú còn quản lý tiền nong, cuối cùng mặc kệ buông tay giả bộ câm điếc luôn, dù sao cũng không đối phó hết được nên thôi thì đút túi hết cho xong.

Nhưng mà cứ để nguyên tình trạng này cũng không được, tuyệt đối không phải cách sống của Giai Lam. Còn may là cô đọc thuộc nằm lòng Hồng lâu mộng nên cũng coi là có chút linh cảm và cách giải quyết từ nó.

Tiền bạc đúng là không đủ, nhưng mà đổi bạc vụn thành tiền đồng, đảm bảo đủ to đủ nặng. Thưởng cho đứa ở cục bạc vụn nhỏ năm phân thì đúng là nhẹ bỗng khiến người khinh thường, nhưng mà thưởng cho nó nguyên một xâu tiền nhiều lắm là hai mươi đồng, cầm trong tay cho vào ví đều chắc nịch, cảm giác có được nhiều hơn hẳn.

Nhưng sự thật là, cục bạc năm phân tương đương nửa lạng, đổi ra phải được đến hơn năm trăm đồng tiền cơ. Đây là phương pháp lấy tiền lẻ thường dùng thay cho kim loại quý để đánh lừa cảm giác thôi.

Lại nữa, vườn của lầu Gia Phong có diện tích rất lớn thật, nhưng hoa cỏ chỉ có một giàn tường vi với một cây ngọc lan, thêm một ao sen nho nhỏ, ngoài ra toàn là các loại cây ăn quả không cần chăm sóc nhiều như đào, mận, hạnh, quất linh tinh.

Mấy thứ quả ăn được này đằng nào cũng không ăn hết, hoa thì tự nở tự tàn không ai đoái hoài, thật ra lại là thứ tài nguyên có sẵn quý giá nhất của riêng phòng cậu ba.

Đương nhiên mang ra ngoài chợ bán lấy tiền là không được phép, nhưng mà lén nhờ vả với các vú bõ trông cửa coi vườn để các bà ấy tới hái quả cho, chỉ giữ lại một phần làm mứt làm quả khô hay ủ rượu trái cây thì không thành vấn đề. Những thứ đó có thể dùng làm quà tặng, đủ để qua loa đối phó hàng loạt dịp nọ lễ kia cần quà cáp bày tỏ linh tinh hàng năm không dứt.

Đúng là thứ quà này có hơi quê mùa giản dị, nhưng mà Giai Lam là người đến từ thế kỷ hai mươi mốt nha. Sinh ra ở một thời đại quá độ, thông tin rộng rãi, lại còn coi trọng các ngành nghề thủ công tao nhã. Cành liễu này, thân cỏ này, đi một vòng tiện tay hái một nắm to trong vườn, tay nghề tết sợi kết nút kiểu Trung Quốc của cô cũng không tệ.

Thế nên, bao bì bên ngoài phải thanh tao đẹp đẽ: Cành liễu non tơ mới hái bện thành cái giỏ xinh xắn, khéo léo cài cắm mấy bông hoa tươi, thêm một bình gốm nhỏ đựng mứt quả có buộc chiếc nơ trắng muốt. Chao ôi phải nói là đẳng cấp sang trọng ấy chứ.

Hầu như không cần tiêu tiền mà vẫn rất hiệu quả. Ít nhất là người người trong Kỷ Hầu phủ giàu sang quen mui cái gì quý trọng cái gì đắt tiền đều thấy nên bắt đầu coi trọng mấy thú vui tao nhã rất là thích thú mấy thứ đó.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày ngày cô đều bận đến tối mắt tối mũi không ngơi tay. Ấy nhưng cậu ba cứ nhằm đúng lúc này mà lên cơn làm nư làm nũng.

Đây rõ ràng là ngược đãi sức lao động trẻ em nha. Mẹ nó chứ, nếu không phải bà đây là người xuyên không, ai mà chịu được cái thể loại bóc lột cả về thể lực lẫn đầu óc như thế này... Phó Giai Lam ở triều Đại Yến còn chưa tròn mười hai tuổi nha tổ cha tổ mẹ!
(Nguyên văn mấy chữ cuối: kháo bắc biên tẩu là câu chửi thề của Đài Loan, có rất nhiều giải nghĩa nhưng đại loại là kiểu chửi thề khi cáu nhưng mà vẫn cố gắng lịch sự không nói tục, editor tạm dịch thành câu nhẹ nhàng này thôi ha vì không có câu tương đương!)

Thế nên cô hầm hừ nhìn Quất Nhi thu dọn mảnh bát vỡ, lạnh lùng ra lệnh. "Đừng có vứt, nếu không đến khi cân đối sổ sách tôi lấy gì làm bằng chứng? Bên phía nhà kho đã báo Gia Phong lâu lại bị bội chi rồi đó."

Quất Nhi chớp chớp mắt ngây thơ vô số tội. "Nhưng mà chúng ta hết bát để xới cơm rồi."

Giai Lam lôi ra một chồng bát gốm đất nung đặt rầm một cái lên bàn. "Một đồng tiền ba cái bát, ném vỡ cũng không tiếc." Qua lại đon đả với mấy bà già chăm sóc vườn có ưu điểm lớn nhất chính là có nguồn thu mua đồ rẻ.

Cậu ba vừa bùng nổ như núi lửa đập phá lung tung khiến chính mình cũng đau đến nhăn tít cả mặt quay sang trừng mắt. "Đấy là bát cơm chó của A Phúc mà!"

"Bẩm cậu, bát cơm chó của A Phúc còn bị mẻ một góc. Chỗ bát này còn nguyên không bị sứt mẻ miếng nào, thậm chí trên bát còn vẽ hai bông hoa mà." Giai Lam bình tĩnh đáp.

Lúc cậu ba nổi cơn tam bành, bốn bé Quả hoảng hốt chạy mất dép, chỉ có chị Giai Lam là còn kiên nhẫn lẫn can đảm đối mặt với một cậu ba đang gào thét kia.

Thực tế thì, cuối cùng không những Kỷ Yến bị rát họng mất giọng, lại còn khiến cho phần lưng và mông đang bị thương chịu tác động mà đau đến rơm rớm nước mắt. Nhưng mà Giai Lam vẫn tỉnh như ruồi ở nguyên đó, cậy mình khỏe và đi lại được bình thường nên nhanh tay thay toàn bộ đống đồ gốm sứ mảnh mai mà cậu ba định đập tiếp bằng mớ bát đất nung một đồng ba chiếc kia.

Con a hoàn đáng ghét! Kỷ Yến đau đến nỗi đứng không vững ngồi không xong, vừa trừng mắt nhìn cô vừa cáu kỉnh nghĩ.

Thật ra cũng khá buồn cười đó chứ. Giai Lam cố gắng lắm mới giữ cho khóe miệng ở yên vị trí cũ, cô nhận ra không dễ gì để nhịn cười lúc này.

"Bẩm cậu, hay cậu cứ nằm sấp xuống đi." Cô dịu dàng đề nghị.

"Câm mồm! Việc chó gì cậu phải nghe lời mày!" Kỷ Yến tức tối ngồi phịch xuống, nhưng lại đau buốt đến suýt nữa nhảy dựng lên, cơ mà vì bảo vệ tự tôn mặt mũi của bản thân nên phải cố mà nhịn xuống. Gào thét nhiều quá nên cậu ba giờ đã khô lưỡi rát họng, bèn mò tay lên bàn... nhưng không sờ thấy cái chén bằng sứ mà chỉ có một cái bát gốm nung thô sơ.

Cuối cùng, cuối cùng Kỷ Yến đành nhận thua. Dù sao thì lần này cậu ta bị ăn đòn cũng không nhẹ, có thể mau chóng đứng lên được là nhờ sức trẻ vốn liếng còn nhiều khiến vết thương phi thường mau lành, nhưng mà muốn phục hồi lại đủ sức chiến đấu với con bé a hoàn Giai Lam nhanh như khỉ kia là chuyện tưởng bở.

Mắng nó, nó cứ nhơn nhơn cái mặt không thèm sợ hãi. Dọa đánh nó, xin lỗi, cậu ba còn đang rêm mình không đuổi kịp.

Cuối cùng cậu ta vẫn phải ôm bát gốm thô mà uống thuốc, dùng chén gốm thô uống trà, lại còn dùng tô cơm bằng gốm thô để ăn.

"... Ta không muốn dùng bát của A Phúc!" Giọng cậu chàng ủ rũ như gà mắc tóc.

"Bao giờ cậu cầm bát cho vững không làm rơi rồi tính sau." Giai Lam lạnh lùng trả lời.

Thật lâu thật lâu về sau, Kỷ Yến đau thương nhớ lại kỷ niệm xưa, cảm thấy chính vì bản thân không đủ kiên trì trong vụ việc "bát cơm của A Phúc" này, nên đã tạo thành nền móng cho việc cậu hoàn toàn bị Giai Lam đè dẹp lép như con tép.

Vụ việc này đã báo trước số phận bi thảm của cậu, cả đời chấp nhận phận kèo dưới, không bao giờ làm phản nổi.

(Ahihi...)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro