[Chương 14] Ước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Một lòng hướng về tổ tiên cội nguồn, cầu nguyện cho linh hồn người đã mất, tâm gửi gắm những điều thiện lành, hồn cầu mong những nguyện ước tốt đẹp. Đã tự bao giờ, người dân Đại Việt vẫn luôn tin tưởng, phát huy và lưu truyền những giá trị cốt lõi cao đẹp ấy. Người hào kiệt thì tâm niệm về quốc gia đại sự, nhân tình thế thái. Lê dân bá tánh thì chú trọng những chuyện lông gà vỏ tỏi nhưng vẫn luôn là cái hồn trong đời sống vật chất và tinh thần.

Cũng không biết tự bao giờ, có lẽ đã từ thưở sơ khai của Thần Nông chăng, nhân dân Đại Việt đã luôn tin vào tâm linh, vào tín ngưỡng. Bàn thờ gia tiên, những lễ hội thăm chùa, thăm đền, và trong số đó, ai mà nỡ lòng bỏ qua cái tập quán vừa linh thiêng vừa lãng mạn: Thả đèn hoa đăng."

Giọng đọc được cất lên như nốt luyến láy gieo vào lòng người nghe những thứ xúc cảm không tên, thằng Khoai đang chăm chú cầm quyển sách, đăm chiêu bắt chước cái điệu bộ lắc lắc đầu của cậu hai nhà nó. Tức cảnh sinh tình, nó còn ngâm hẳn một bài thơ con cóc.

"Hoa đăng ôm nến, ôm tình anh
Cầu mong tổ quốc luôn yên lành
Cầu mong phụ mẫu mãi khỏe mạnh
Cầu mong đôi lứa được tác thành"

Người làm trong nhà đang miệt mài xếp đèn hoa đăng làm bằng giấy. Đèn hoa đăng bắt nguồn từ nước Xiêm, mỗi đèn là một màu sắc rực rỡ, chèn vào chính giữa là ngọn nến nhỏ được bao quanh bởi chén thiếc mỏng. Hoa thì đẹp, giọng người ngâm thì truyền cảm, mọi người không khỏi luôn miệng tấm tắc khen: "Hay quá, hay quá."

Thằng Khoai đắc chí lắm, ở chung với cậu hai đã lâu, nó không giỏi gì ngoài học lỏm cậu. Cậu hai thì giỏi ngâm thơ, còn nó thì giỏi lòe người. Chứ nó nào có dám nói nó bày ra cái trò này là để trốn việc làm đèn, vì làm đến đâu thì hỏng đến đấy.

Ông trời bất bình quá, ông gửi từ đâu về tiếng gọi như thiên lôi hà bá làm nó rơi cả cuốn sách.

"Khoai! Khoai! Gấp, gấp lắm!"

Nó nhặt cuốn sách, tiện thể nhặt nửa cái hồn vừa đánh rơi lên. Quay lại, ra là con Bánh. Nhìn cái bộ dạng chả giống đứa con gái xuân thì mười lăm của con Bánh, thằng Khoai lắc đầu đánh lưỡi chầng chậc.

"Đi đâu mà vội mà vàng, vấp váy một cái hai hàng như chơi."

Con Bánh thấy xung quanh đông người, nó ý tứ phủi váy một cái, nhỏ giọng.

"Ngâm cái chi ở đây, đi với tui ra gốc ổi, chuyện hệ trọng!"

"Chuyện chi mà hệ trọng?"

"Cậu hai, cậu Nguyên."

Thằng Khoai nghe thấy hai cậu nhà nó, chưa kịp nghe con Bánh giải thích nốt đã ba chân bốn cẳng phi ra gốc ổi, làm con Bánh phải oang oang cái giọng lanh lảnh nói với theo, "Khoai ơi, coi chừng hai hàng như chơi đó."

Thế là, cột mốc lịch sử Canh Tý năm ấy được đánh dấu dưới gốc cây ổi...

Hoàn cảnh lịch sử có lẽ đã từ lâu, rất lâu, khi cậu Nguyên làng dưới lợi dụng sức mạnh mà đặt ách đô hộ lên cậu hai Kha Vũ làng trên, đấm cậu hai tơi bời hoa lá. Nhờ có sự chống lưng và thế lực nhà họ nội, cậu hai sau này đã có thể vùng dậy, đánh dấu vị thế làm chồng. Những tưởng cậu hai đã thành công lật đổ ách cai trị, nhưng cậu Nguyên đã khéo léo thay đổi chiến lược từ Viễn Giao Cận Công (xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực) sang Dục Cầm Cố Túng (muốn bắt thì phải thả) kết hợp với Mỹ nhân kế. Cậu hai Kha Vũ nhanh chóng bị thu phục, đánh mất vị thế, dân chúng rơi vào cảnh ai oán lầm than, ấp ủ thời cơ phất cờ khởi nghĩa.

Con Bánh đứng một bên hùng hổ tuyên bố hoàn cảnh lịch sử, thằng Khoai vừa bị cưỡng chế tham gia vào nghĩa quân hai người một bên cũng hùa theo vỗ tay bôm bốp. Chả biết con Bánh nghe lỏm chữ được chữ mất về Binh pháp tôn tử lúc nào, nhưng cỡ nó mà không đi làm quân sư thì phí, phí quá.

"Đấy, vì thế, Khoai phải giúp tui lật ngược ván cờ, lấy lại vị thế làm chồng cho cậu hai nha Khoai." Con Bánh hào hùng chốt hạ.

"Ừ, tui biết rồi, nhưng nghĩa quân gì mà hai người hả Bánh?"

Con Bánh gãi mép ra chiều suy nghĩ, xong nó quay tới quay lui, thấy thằng cu Môn mới lên bảy lên tám đang chơi gần đó mà í ới gọi nó lại.

"Môn có giúp chị Bánh với anh Khoai không? Giúp anh chị, anh chị cho kẹo đường."

"Dạ thui, em hỏng có thích ăn kẹo."

"Chị Bánh không có hỏi, chị Bánh đang thông báo. Rồi, vậy là coi như Môn giúp không công nhá."

Trong cái tuyên bố hào khí của con Bánh và sự ngơ ngác của thằng Khoai, cu Môn, nghĩa quân Bánh Khoai Môn từ đấy đã ra đời.

Hoàng hôn tháng năm năm Canh Tý hôm ấy, hai dãy đuốc và đèn lồng thắp sáng cả một đoạn đường từ phủ nhà phú hộ Châu ra đến bờ sông Môn.

Mặt trời buông xuống ngưỡng chạng vạng, ráng chiều ấm áp dần được phủ bởi cái màu nhá nhem. Như một giấc mộng đêm hè, Gia Nguyên lần đầu được lạc vào chốn tiên bồng nơi nhân gian. Nó trước đây quanh năm đầu tắt mặt tối, hừng đông thì chăn trâu, chăn trâu về thì đến lớp, tan lớp thì mò ốc đến tận khi trăng tỏ. Nó vốn quen với cái đơn sơ thôn dã của những gánh hàng, những sạp rau thân thuộc của làng dưới, nên khi hồn được thả vào cái cảnh thơ của màn nước sông được rải ánh gương lập lòe vàng đỏ xa hoa như này, nó cứ ngỡ nó đang trong cơn mơ.

Trong giấc mơ này, khuôn mặt như khắc như ấn vào ẩn ẩn từng kẽ trong trái tim của nó dần dần áp vào, thủ thỉ, "Nguyên thích không? Năm sau, năm tới, hoặc cả năm mươi năm sau nữa, anh chỉ cầu được cùng Nguyên thả đèn."

Mơ thật quá, đẹp quá. Cho đến khi nó dần cảm thấy được một sức nặng đè lên người mình, Gia Nguyên mới biết mình đang tỉnh. Nó nhìn người bên cạnh lưng thẳng thân cao lại cứ ngả ngớn dựa vào người nó mà gắt.

"Cột sống anh ổn không? Đau quá thì tui đi gọi thầy lang."

Kha Vũ phì cười rồi đứng thẳng người lại. Đoạn, cậu kéo tay Gia Nguyên đến bên bờ sông.

Từ chủ đến hạ nhân trong phủ, mỗi người đều lấy một cái đèn hoa đăng giấy nhỏ. Người biết chữ thì ghi nguyện ước lên giấy rồi xếp lại đặt vào trong đèn, kẻ không biết đọc thì chỉ thành tâm khấn cầu.

Bà hai chọn một chiếc đèn giấy nhỏ cho Gia Nguyên, phần giấy bên trong màu trắng, cánh hoa được tô màu xanh da trời. Bà tấm tắc, màu này hợp cậu Nguyên lắm, trong trẻo như bầu trời, lại đơn thuần như làn nước. Bà đưa cho Gia Nguyên, tỉ mỉ dặn dò.

"Con biết chưa, nguyện ước của mình là phải giữ kín, thế mới linh nhá."

"Dạ thưa má, con hiểu rồi ạ."

Rồi nó quay qua một góc, hí hoáy viết gì đó ra vẻ tâm đắc lắm.

Ở một góc cách đó xa xa, con Bánh đang họp chiến lược với thằng Khoai, cu Môn. Nó ngậm cọng lá lúa, quệt mũi, rồi phát cho thằng Khoai với cu Môn mỗi đứa một tờ giấy xếp nhỏ.

Thằng Khoai mở tờ giấy ra, bên trong ghi hàng chữ xiêu vẹo: "Cầu thần linh cho cậu hai giành lại được vị thế người chồng."

Thằng Khoai ra chiều khó hiểu, nó hỏi lại con Bánh. "Thế chiến lược của Bánh là gì?"

Con Bánh nhếch mép, nó nhả cọng lá lúa ra, ngâm.

"Nam quốc sơn hà, nam đế cư
Cậu hai oai thế lại dưới ư
Nghĩa quân sức kém, ta công nhận
Nên ta mượn sức của đất trời"

Biết ngay là thằng Khoai với cu Môn chưa hiểu mà, nhìn cái mặt ngơ như con bò nhai cỏ của hai đứa nó, con Bánh phải ôn tồn giải thích.

"Có thờ có thiêng có kiêng có lành. Khởi nghĩa dùng sức, mình làm đếch gì có sức. Nên mình phải tính tới hệ tâm linh, mọi người hiểu hôn? Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại ông trời cũng phải quệt nước mắt. Mọi người chịu khó hy sinh ước muốn năm nay mà cầu cho cậu hai đi he."

Xét về ngang ngược, cái phủ này con Bánh xưng thứ hai thì chả ai dám nhận thứ nhất. Ngoài cun cút nghe theo, thằng Khoai với cu Môn còn lựa chọn nào khác nữa đâu.

Giờ lành đã điểm. Khi ráng chiều tà hoàn toàn biến mất, trên dưới phủ phú hộ Châu đều nhắm mắt thành tâm, gửi lời khẩn cầu của mình tới mây, tới gió, mong chạm đến trời cao, mong thần linh tác thành.

Khi đèn hoa đăng giấy thắp nến đồng loạt được thả, cả một vùng nước sông Môn bỗng chốc hóa thành một dải ngân hà. Hoa đăng giấy trôi càng xa càng giống những vì tinh tú mà ai đã khéo tay thêu kết vào dòng vũ trụ, lung linh huyền ảo, lãng đãng phiêu du. Mỗi chiếc đèn là một ước nguyện, gói gọn biết bao tâm tình.

Gia Nguyên cứ như bước trên những đám mây bồng bềnh. Nó ngồi bên bờ sông, ngơ ngác chìm đắm vào bức tranh xinh đẹp lãng mạn trước mắt, tim bồi hồi khôn xiết.

Bao la mênh mông, Gia Nguyên mê mẩn ngắm cảnh. Vậy mà trong khoảnh khắc ấy, tầm mắt Kha Vũ lại chỉ có mình Gia Nguyên.

Đáy mắt trong veo như những vì sao xa, nốt ruồi lệ duyên dáng dưới mắt, đôi môi mềm như quả mọng rừng.

Gia Nguyên, em dùng thính gì, lại câu được hồn anh?

"Cậu hai, cậu hai."

Kha Vũ nghe tiếng gọi từ bên cạnh Gia Nguyên, là thằng cu Môn đây mà.

"Ừ, cậu đây."

Cu Môn chìa đôi bàn tay múp míp như hai trái măng cụt đang nắm hai viên kẹo đường nhỏ.

"Xong công chiện òi, chị Bánh cho con, con chia lại cho cậu. Hai cậu chia nhau ăn chung nha."

Kha Vũ mỉm cười, choàng qua Gia Nguyên đang ngồi chính giữa, một tay cậu vòng sau lưng nó, một tay cậu vòng trước ngực nó. Cậu nhận kẹo từ cu Môn, còn hiền dịu xoa xoa mái đầu ba chỏm của nó.

"Ừ, cậu nhận. Cảm ơn Môn nhé."

Thằng Môn cười khúc khích rồi chạy đi.

Gia Nguyên nuốt nước bọt, ngồi im như phỗng, trống ngực đập liên hồi. Mãi mà chưa thấy Kha Vũ bỏ ra, nó quay qua nhắc, "Anh nhận kẹo xong chưa?"

"Xong rồi."

"Thế sao anh không ngồi thẳng lại?"

"Cột sống anh đau."

Gia Nguyên cứng họng, người gì đâu mà lươn lẹo quá đáng! Nó phồng má, toan đẩy Kha Vũ ra thì lòng bàn tay đã được dúi vào viên kẹo đường nho nhỏ. Quả nhiên có đồ ăn đến tay, con người ta cũng phân tâm hẳn. Nó bóc viên kẹo đường bỏ vào miệng, vị cam, chua chua ngọt ngọt, ngon thật đấy.

Rồi nó thản nhiên trả gói giấy lại cho Kha Vũ, cậu hai Kha Vũ cũng rất tự nhiên nhét vào túi áo mình.

"Kẹo ngọt không Nguyên?"

"Ngọt, anh ăn thử đi."

Chỉ biết một giây sau, Kha Vũ xoay cằm nó qua, trao cho nó một nụ hôn bên dải sông ngân rực rỡ.

Môi mọng như mơ, lưỡi ngọt như đào, kẹo ngọt vị cam quấn quít. Kha Vũ khó làm chủ được đưa tay lên ôm cần cổ thanh mảnh của Gia Nguyên, mút nhẹ môi dưới mềm mềm, say như một chum rượu táo mèo.

Gia Nguyên nhanh chóng đẩy Kha Vũ ra, viên kẹo trong miệng đã bị tên cà chớn kia lấy mất. Nó quệt khóe môi còn vương vị chua ngọt của trái cam, hoảng hốt liếc ngang liếc dọc rồi véo Kha Vũ một cái.

"Anh hâm à, xung quanh bao nhiêu là người! Tự dưng lại thế!"

Cậu hai Kha Vũ cái gì có thể không giỏi, nhưng cái tài ra vẻ vô tội thì không ai vượt mặt cậu được. Cậu nhún vai phân trần, "Thì do Môn dặn anh với Nguyên phải chia nhau ăn mà."

"Tui không cần biết, trả kẹo lại cho tui."

Kha Vũ bật cười, chỉ chỉ môi mình, "Nè, em lấy lại đi."

Gia Nguyên lại nhéo Kha Vũ một cái làm cậu kêu oai oái, rồi giựt nốt viên kẹo còn lại bỏ vào miệng.

Gia Nguyên khó hiểu nhìn bao giấy gói, rõ ràng là cùng một loại kẹo mà.

Cũng là vị cam, sao viên này không ngọt bằng viên trước thế?

Đêm hôm ấy, Kha Vũ cùng Gia Nguyên như thường lệ lên nhà trên chúc ông hai bà hai ngủ ngon. Trên đường ra khỏi cửa tây, lần này lại đến lượt Gia Nguyên cụng đầu.

Tiếng "cốp" rất to và giòn, trán Gia Nguyên sưng một cục to chà bá ngay chính giữa. Gia Nguyên nén đau, may mà tía má đã vô phòng ngủ, hạ nhân đã lui xuống hết.

"Mèn đét ơi, Nguyên, Nguyên của anh."

"Anh bé cái mồm thôi, đừng có làm tía má dậy."

"Có đau lắm không? Để anh gọi thằng Khoai."

"Thôi, đừng, tui mất mặt."

Gia Nguyên tự nhủ, dù sao cũng là thanh niên trai tráng, chả nhẽ lại vì bị u đầu mà than thở xuýt xoa, nên nó phủi tay, ý bảo không sao đâu, rồi đi băng băng ra ngoài.

Kha Vũ cũng hết cách. Gia Nguyên trước giờ vẫn tỏ ra mạnh mẽ như vậy.

Đoạn đường về phòng không xa không gần, đêm nay lại là một đêm không trăng. Gia Nguyên trước giờ sợ ma nên luôn tranh cầm đèn.

Kha Vũ đang đi thì nghe tiếng người thương gọi nhè nhẹ.

"Anh Vũ."

"Anh đây."

"Tui đau đầu."

"Để anh cầm đèn cho nhé."

Rồi Kha Vũ với tay lấy chiếc đèn, tay còn lại nắm lấy tay Gia Nguyên. Tay đan tay, mắt không dời mắt.

Ngoài nỗi xót xa khi nhìn cục u trên trán Gia Nguyên vừa to vừa đỏ, Kha Vũ thừa nhận trong lòng đang gợn từng đóa bọt sóng vui vẻ.

Đời người đằng đẵng, Gia Nguyên cũng học được cách dựa dẫm cậu rồi.

Đêm ấy...

Tháng năm đã vào mùa mưa. Mưa lất phất rơi nhẹ, nhỏ lên tán lá kêu tách tách, lại theo khung cửa sổ nhỏ từng hạt lộp độp xuống hiên.

"Anh Vũ, to quá, tui không muốn làm nữa."

"Phải làm."

"Coi như tui xin anh đó."

"Nguyên không ngoan."

"...Vậy anh hứa với tui là không đau đi."

"Được rồi, không đau, anh hứa."

"..."

"..."

"ANH BỊP NGƯỜI! ĐAU QUÁ!!!"

...

Bữa nay trời mưa, con Bánh đổi địa bàn từ gốc ổi sang hiên khu phòng người làm. Nhịn mãi, giờ nó mới dám bật cười ha hả vui sướng. Người có lòng, ông trời ắt thương. Nó thế mà đòi lại công đạo cho cậu hai được rồi!

"Bánh ơi, nhưng tui tội cậu Nguyên quá..."

"Tội cái gì, cậu hai thương cậu Nguyên muốn chết, cậu không để cậu Nguyên thiệt đâu."

"Nhưng tui nghe giọng cậu Nguyên thất thanh sao á..."

"Thôi, con nít con nôi, đừng có quản chuyện người lớn. Đi ngủ."

...

Kha Vũ dùng mặt bên của lưỡi dao bản bự ấn xuống cục u trên trán Gia Nguyên. Phần má dao vừa phẳng vừa lạnh, Gia Nguyên đau đến muốn rớt nước mắt. Cái này gọi là lấy độc trị độc trong truyền thuyết đó hả?

"Xong rồi."

Gia Nguyên sờ sờ cục u, đúng là có bớt sưng thật. Kha Vũ ở bên cạnh vén mớ tóc mái, nhẹ nhàng thổi cho nó.

"Sáng mai ngủ dậy, anh gọi thầy lang đến coi cho em."

Gia Nguyên gật gật đầu. Bỗng chốc, nó nghe thấy tiếng cười của phụ nữ vang lên, lúc xa lúc gần.

"Anh... anh nghe thấy tiếng gì không?"

"Anh không." Kha Vũ ngựa quen đường cũ, trêu chọc Gia Nguyên.

"..."

"..."

"Tui cho phép tối nay anh ôm tui ngủ."

Đèn hoa đăng được thả hôm ấy, Gia Nguyên đã ước "Mong cho anh Vũ cây sào đừng cao nữa, anh ta sắp chọc thủng trần nhà rồi."

Đèn hoa đăng được thả tối nọ, Kha Vũ đã cầu "Gia Nguyên đang tuổi ăn tuổi lớn, mong em ấy có thể cao thêm chút nữa. Nếu có đụng đầu, anh sẽ thổi cho em.

———————————————————

Tui ở đây để dâng nước cho ô tê pê "Nhưng đây là chương trình khác mà" x "Tôi nhìn mà bực bội". Dù hai cháu này đi lên từ phốt thái độ nhưng tui thả đèn cầu cho hai cháu sẽ một đường hắc hồng, xuất đạo thành công.

Còn về cái cách chữa u đầu bằng má dao bên trên, đó là cách trị dân gian mà mẹ tui đã áp dụng với tui thật sự đó quý dị 🙂 Mẹ tui hay đè cái mặt phẳng của phần lưỡi dao vào cục u cho nó xẹp xuống (mẹ tui hay gọi là má dao). Hong khuyến khích mọi người bắt chước vì đau muốn xỉu up xỉu down 🙂

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro