1. Phong.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mặt trời buổi sớm mới tỏ, chưa rào rào sợi nắng. 

Sắc trời trong veo, gió đẩy mấy đọt hoa hiên lắc lư qua lại; một sớm ban hạ chỉ đẹp được đến thế này thôi.

Lý Đế Nỗ nheo mắt, nương theo kẽ hở trên tấm mành che nhìn ra bên ngoài, thấy một bầu không khí tựu chợ tấp nập, người qua kẻ lại huyên náo. Dù không so được với Kinh Thành, nhưng với một huyện gần ven, lại còn là sáng sớm tinh mơ, Túc Kiến này cũng xem là náo nhiệt.

Chuyện là trời đương hạ, không khí Kinh Thành dù ngồi gác cao cũng thấy oi bức, Thái Vương gia chép miệng, cho hai đứa con trai đi chơi dăm bữa nửa tháng. Vừa hay, La Thái phó, bằng hữu keo sơn của ông, mới cất được tư viện tránh nắng ở Túc Kiến. La Thái phó tính tình chan hoà, mời thêm các cậu ấm của những vị bằng hữu khác trong triều; vậy nên mới có chuyện, bè bè lũ lũ con cháu vương giả kéo nhau đến một huyện ven thành, tá túc qua non nửa mùa hè.

Bọn họ ngồi xe ngựa một ngày hơn đã đến nơi. Xe vừa kịch bánh, nô bộc cùng quản sự đã nhanh nhẹn đưa hành lý chuyển vào bên trong viện.

Ngồi cùng một chiếc, là con trai cả và thứ của Thái Vương gia, Lý Mẫn Hanh và Lý Đế Nỗ. Chiếc tiếp theo là của con trai út của Chưởng viện Học sĩ, Hoàng Nhân Tuấn; y ngồi chung với con trai của Hộ bộ Thượng Thư đại nhân, Chung Thần Lạc. Chiếc cuối cùng đang trờ tới là của cậu út của Ngạc vương gia, Lý Hải Xán.

Lúc bấy giờ, đứng trong hiên nhà nhìn ra là La Tại Dân, độc tử của Thái phó La Nhất Đông. Y nhướn mày kiếm, đôi mắt đen khẽ hấp háy.

Mặc dù đều là con cháu thượng quan, máu mủ hoàng tộc, bọn họ đều rất kín tiếng mà chọn xe ngựa tầm trung, loại thương gia làm ăn có chút tiền là mua được. Vì nếu để lọt ra ngoài, rằng đoàn xe này toàn chở máu mủ ruột rà của các quan Tam Phẩm trở lên, còn có cả biểu ca lẫn biểu đệ của Thái tử, không biết sẽ làm rúng động Túc Kiến nhỏ bé này đến mức nào.

Rồi nhỡ may, trong huyện này có kẻ xấu ẩn nấp, các con ông cháu cha này có sứt mẻ gì, bao nhiêu tội trạng đều sẽ đổ lên phủ Thái phó. Cha của La Tại Dân lúc ấy có chết ba vạn lần, cũng không trả nổi nợ cho Hoàng thượng Đại đế.

"Tại Dân ơi~!" Hải Xán nhìn thấy y đầu tiên, đưa tay lên vẫy vẫy. "Trên đường đi bọn ta thấy nhiều thứ hay ho lắm, hay là lát nữa..."

La Tại Dân cười hiền với bạn đồng niên: "Đi đường xa vất vả, xin giữ sức, đừng nói nữa."

Hải Xán nghe vậy liền cười như không cười, toan cho con trai Thái phó một đấm.

Lý Mẫn Hanh xuống kiệu, bước đến khách sáo vỗ vai La Tại Dân, vỗ như đấm.

Sau lưng Lý Mẫn Hanh là đệ đệ Lý Đế Nỗ. Lý Đế Nỗ bề ngoài lạnh lùng, làm người ta rất khó mở lời làm thân, nhưng y thực chất là người vô cùng dễ chịu, đối với ai cũng một vẻ lắng nghe điềm đạm. La Tại Dân chào qua Lý Đế Nỗ, xong mau chóng nhờ Tổng quản sự điều động hành lý gọn lẹ. 

Hoàng Nhân Tuấn nhờ tiểu đồng ôm bọc trà quý y mang theo làm quà vào trong, rồi cũng chưa kịp chào hỏi ra hồn, đã kéo La Tại Dân qua một bên nói to nói nhỏ. Sóng gió kinh thành, La Tại Dân vừa mới vắng mặt mấy ngày đã cuồn cuộn nổi lên.

Rề rà một hồi, cả bọn cũng vào được bên trong tư viện.

Tư viện La Thái phó vừa cất này, đúng chỉ để dành cho mùa hạ.

Từ gạch tường đến nền đất, sàn nhà đều là chất liệu tốt, không giữ nhiệt như tiểu viện xây để ở quanh năm. Kiến trúc thoáng đãng, nhiều cây xanh; có hòn non bộ, có diện tích vườn rộng hơn các tư viện bình thường. Kiểu kiến trúc tứ viện này không xa lạ; chỉ có một điểm, từ cổng vào phải đi qua hai lớp cổng nhỏ khác mới đến được gian ở bên trong. Các lối đi cũng không dễ ghi nhớ; La Thái Phó ở đây là chủ ý phòng ngừa có kẻ xâm nhập, nên mới xây đường đi khó hiểu, cổng dày ba lớp.

Đúng là La Thái phó. Lý Mẫn Hanh phủi tay áo, lòng thầm cảm thán.

Các công tử khác vừa vào trong đã hít vào một phổi không khí trong lành, đầu gối muốn nhũn ra, ngồi xuống ghế nệm thưởng trà sen lạnh của người nhà La thị chuẩn bị.

La Tại Dân không phụ lòng bằng hữu, gọi quản sự cùng tiểu đồng mang lên lang lớp đồ ngọt cùng đồ lạnh. Chung Thần Lạc vừa ăn xong sen ướp đường, đã kịp nhìn thấy đu đủ tiềm đang lên mâm, liền quay sang La Tại Dân hai mắt long lanh cảm kích. La Tại Dân chỉ nhẹ nhàng ra ý, ăn nữa đi, ngươi ăn không ngon cha ta liền đánh ta chết, ăn bon mồm vào.

Vừa ăn uống vừa tán dóc, thoáng chốc đã gần giờ cơm trưa. Bây giờ tên nào dám đứng dậy mở miệng bảo "hay mình ăn cơm đi" sẽ đời đời mang tiếng là heo, nên các vị công tử ai nấy đều tỏ ra mệt mỏi, thỉnh La Tại Dân dẫn về phòng nghỉ ngơi.

Gọi là tư viện mùa hạ, nhưng quy mô chốn này không hề nhỏ. Bọn La Tại Dân nếu mỗi người một phòng thì vẫn còn dư đến hai, ba gian nhà chưa dùng đến; nếu thuê ca kỹ về thì đã xem như là tửu viện, khách điếm rồi, dù không đến nỗi xa hoa, nhưng rộng rãi dễ chịu vô cùng.

Lý Đế Nỗ nhận phòng từ quản sự, liền mở tung cửa sổ, đón một trận gió rào rào thổi vào phòng. Y phục treo trên sào bay phần phật, đến chiếc bình sứ cắm nhành lan trên bàn viết chữ cũng lung lay một trận.

Lý thiếu gia một khắc đầu còn thấy mát mẻ, sau liền thấy không bình thường.

Bỗng dưng thấy trận gió này không được tự nhiên, trong lòng lại không hiểu vì sao.

Trong đầu Lý gia chợt xuất hiện mấy câu chuyện quỷ than ma oán mà Hải Xán kể những đêm vừa rồi, tự dưng thấy có chút ớn lạnh. Chung quanh bỗng nhiên mù mịt chướng khí.

Nhưng chắc là Lý Đế Nỗ nghĩ nhiều, vì chẳng lẽ La Tại Dân lại để y ở phòng có người chết, nhỉ?

Nhỉ?...

Là cháu trai Hoàng thượng Đại đế, Lý Đế Nỗ không được phép có ý niệm mê tín dị đoan, giả thần giả quỷ; nếu trong lòng y còn run sợ, làm sao có thể trấn an bách tính, gầy dựng bình yên cho dân chúng?

Nghĩ vậy, Lý Đế Nỗ toan đóng cửa lại.

Từ phía cửa sổ Lý gia đang đứng, phóng tầm mắt ra xa là một tán cây xum xuê, một mảng xanh mướt mát, nói làm dịu đi cả tâm tính con người cũng không ngoa. Từ chỗ đang đứng, y nghe được cả tiếng chim ríu rít trên tàng cây, y thấy nắng đổ mình trên tán lá, tí tách nhỏ xuống nền đất.

Chếch về phía bên phải, không biết vì lí do gì lại có một mảnh đất trống giữa rừng cây um tùm; Lý Đế Nỗ nheo mắt nương theo, bỗng nhiên mí mắt y giật nhẹ.

Ở ngay chỗ đất trống đó, có một thiếu niên đang đứng thưởng nắng.

Thiếu niên một thân bạch y, tóc vấn gọn gàng đằng sau, nhìn có vẻ như thiếu gia nhà gia giáo, ít nhất cũng là con trai của một tiểu thương.

Đây là ai? Không phải nhánh rừng này bị Thái phó mua đứt làm tư viện rồi sao? Mùa hạ nóng bức lại mặc trường y, không sợ bản thân biến thành giò heo hầm sao?

Lý Đế Nỗ cố tình đẩy cửa mạnh tay, làm nên một tiếng "kẽo kẹt" không lớn không nhỏ, vừa vặn thu hút ánh nhìn của thiếu niên kia.

Người kia vừa nhìn sang, Lý Đế Nỗ liền chấn động.

Người này không có mặt.

Trên cái gọi là khuôn mặt đó, chỉ trống trơn một màu da, không mắt mũi, không mày miệng.

Lý công tử còn chưa kịp hốt hoảng, trên ngực đã nặng nề một trận.

Lý Đế Nỗ cảm thấy như sắp tắt thở, bản thân lại vô lực khống chế. Y cứ thế chật vật một quãng dài, đến lúc gần cạn kiệt hơi thở mới lấy hết sức bình sinh vùng dậy, mắt cũng mở choàng.

Trước mắt y không phải khung cảnh bên cửa sổ, mà là gương mặt lo lắng lẫn hiếu kì của Hải Xán cùng La Tại Dân.

Hóa ra y ngủ thiếp đi, vừa rồi hẳn là nằm mơ.

"Ổn chứ bằng hữu?" La Tại Dân hỏi.

Vừa rồi đi ngang qua, nghe thấy trong phòng có tiếng ú ớ, La Tại Dân cứ tưởng tên nào dắt tiểu muội về phòng làm chuyện phong lưu. Y nhẹ nhàng lách qua, ghé mắt vào thì thấy một cảnh tượng gây nhiều bối rối và nghi kị.

Y thấy Lý Đế Nỗ nằm rên rỉ trên nệm đọc sách, trước mặt lại là Hải Xán đang trào phúng khoanh tay đứng nhìn.

Lúc đó y cứ ngỡ, ồ, Hải Xán chơi thuốc Lý Đế Nỗ.

Phải can thiệp thôi, lỡ tin này tuồn ra ngoài, chưa biết được ai cười ai khóc.

Nhưng Hải Xán đúng thật là chỉ đứng nhìn, vì lay thế nào Lý Đế Nỗ cũng không dậy!

"Cố hết cái mạng cùi của bổn quận vương đây, cũng không lay được hắn dậy. Đành đứng xem thôi." Hải Xán nói, La Tại Dân tán thành.

Lúc Lý Đế Nỗ bừng tỉnh khỏi ác mộng, trời đã quá giờ trưa. Những người khác đều đang chờ họ ở trù phòng để dùng bữa.

Một bữa trưa hè gần bìa rừng mát mẻ, thực đơn lại toàn những món giải nhiệt, tâm tình ai nấy đều phấn chấn. Đến lúc này Lý Đế Nỗ mới nhớ ra giấc mơ ban trưa, bèn lôi ra kể với mọi người.

"Ôi, mới đặt chân đến đã bị âm hồn vô diện ám rồi. Tốt số, tốt số." Hoàng Nhân Tuấn ngửa mặt cười ha ha.

Chung Thần Lạc góp vui: "Cái đó dân gian gọi là bóng đè có phải không? Ý thức được nhưng không cử động được ấy?"

Lý Mẫn Hanh gật đầu, nói thêm: "Có khi đi đường mệt mỏi, dễ mộng lung tung thôi."

Lý Đế Nỗ thấy cũng có lý, gật đầu tán thành.

Không nghĩ đến nó, thì nó không tồn tại nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro