Hậu quả

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hiệp ước München trao cho Hitler những gì mà ông đòi hỏi ở Godesberg, và "Ủy hội Quốc tế" vì những hù dọa của ông mà phải cho thêm. Cuối cùng, đến ngày 20 tháng 11 năm 1938, Tiệp Khắc nhường cho Đức gần 30.000 km² lãnh thổ, trên đó có 2.800.000 người Đức Sudeten và 800.000 người Séc sinh sống. Trên lãnh thổ này là một hệ thống lô cốt mà từ trước đến giờ tạo nên tuyến phòng thủ vững chắc nhất châu Âu, có lẽ chỉ kém Phòng tuyến Maginot của Pháp.

Nhưng không chỉ có thế. Cả hệ thống đường sắt, đường bộ, điện thoại và điện tín của Tiệp Khắc đều bị xáo trộn. Theo số liệu của Đức, Tiệp Khắc mất trên dưới 80% than non, hóa chất, xi măng; trên dưới 70% than đá, sắt, thép, điện năng; và 40% gỗ. Một đất nước công nghiệp phồn thịnh trong phút chốc bị tan rã và phá sản.

Liệu Anh và Pháp có cần thiết phải nhượng bộ ở München không? Liệu Adolf Hitler có chơi nước bài tháu cáy hay không?

Bây giờ người ta biết rằng câu trả lời – một cách nghịch lý đối với cả hai câu hỏi – là: Không. Tất cả tướng lĩnh thân cận với Hitler và sống sót sau chiến tranh đều đồng ý là nếu không có Hiệp ước München, Hitler hẳn đã tấn công Tiệp Khắc ngày 1/10/1938, và họ nghĩ rằng dù lúc đầu có lưỡng lự, cuối cùng Anh, Pháp và Liên Xô sẽ bị cuốn hút vào chiến tranh.

Và điều quan trọng nhất cho lịch sử ở điểm này: các tướng lĩnh Đức đều nhất trí với nhau rằng Đức sẽ bại trận, và bại trận nhanh chóng. Còn người ủng hộ Chamberlain và Daladier – họ chiếm đa số lúc này – lập luận rằng Hiệp ước München không phải giúp phương Tây tránh chiến tranh, mà giúp cho họ tránh tàn phá trong chiến tranh, nhân thể tránh cho London và Paris bị không quân Đức san bằng.

Luận cứ này bị những người biết rõ nhất phản bác: chính là các tướng lĩnh thân cận với Hitler và ủng hộ ông từ đầu đến cuối. Người đứng đầu nhóm này là Thống chế Wilhelm Keitel (Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Đức), trong Tòa án Nürnberg, khi được hỏi về phản ứng của tướng lĩnh Đức đối với Hiệp ước München, Keitel trả lời:

Chúng tôi rất đỗi vui mừng là việc này không dẫn đến chiến dịch quân sự bởi vì... chúng tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi không có đủ phương tiện để đánh phá những công sự phòng thủ vùng biên giới của Tiệp Khắc.
Những chuyên gia quân sự Đồng minh luôn cho rằng Quân đội Đức đã có thể xuyên thủng Tiệp Khắc. Nhưng ngoài lời khai của Keitel rằng không phải như thế, còn có thêm ý kiến của Thống chế Erich von Manstein, một trong những tư lệnh mặt trận tài giỏi nhất của Đức. Khi khai ở Nürnberg về vị thế của Đức vào thời điểm Hiệp ước München, ông giải thích:

Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không thể bảo vệ biên giới phía Tây lẫn biên giới Ba Lan, và rõ ràng là chúng tôi hẳn đã bị các công sự phòng thủ của Tiệp Khắc chặn đứng, bởi vì chúng tôi không có khả năng để xuyên phá.
Đại tướng Alfred Jodl (Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Đức) khai trước Tòa án Nürnberg:

Không thể nào năm sư đoàn tác chiến và bảy sư đoàn dự bị ở miền Tây... chống chọi được 100 sư đoàn của Pháp. Về mặt quân sự, việc này là không thể được.
Trong giai đoạn ấy, ở Berlin người ta công nhận rằng Anh và Pháp có khả năng quân báo khá tốt. Rất khó mà tin rằng các nhà lãnh đạo quân sự Anh và Pháp không biết gì về những điểm yếu hiển nhiên của Quân đội Đức trong việc tham dự cuộc chiến ở cả hai mặt trận. Dù là con người rất cẩn trọng, Thống chế Gamelin, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp, còn e ngại gì khi ông có đến 100 sư đoàn đối mặt với 5 sư đoàn tác chiến và 7 sư đoàn dự bị của Đức?

Nhiều luận cứ cho rằng một lý do khiến cho Anh quốc nhượng bộ là họ sợ không quân Đức sẽ san bằng London, và chắc hẳn người Pháp cũng run sợ trước viễn cảnh kinh khiếp là thủ đô hoa mỹ của họ cũng bị tàn phá. Nhưng khi được biết về sức mạnh của không quân Đức lúc bấy giờ, dân chúng London và Paris cũng như hai vị Thủ tướng không cần phải lo sợ quá đáng. Không quân Đức, giống như Lục quân Đức, đang tập trung chống lại Tiệp Khắc, vì thế không có khả năng đe dọa phương Tây. Ngay cả nếu vài máy bay thả bom của Đức có thể được tách ra để tấn công London và Paris, họ hẳn đã khó bay được đến các mục tiêu. Đức không có khả năng cung cấp máy bay chiến đấu để bảo vệ các máy bay thả bom của họ. Các sân bay quân sự của Đức ở khoảng cách quá xa.

Cũng đã có lập luận – nhất là từ hai đại sứ Pháp và Anh – rằng Hiệp ước München cho Pháp và Anh có được gần một năm để bắt kịp cuộc tái vũ trang của Đức. Sự kiện đi ngược lại lập luận này. Như Churchill, được mọi sử gia quân sự Đồng minh ủng hộ, đã viết:

Thời gian một năm ‘có thêm’ do Hiệp ước München khiến cho Anh và Pháp sau đấy ở vị thế còn tệ hại hơn so với thời điểm ký Hiệp ước.
Khi soát xét lại sự việc và với thông tin bây giờ người ta có được từ tài liệu mật của Đức cùng lời khai của chính người Đức, có thể đúc kết như sau:

Đức không đủ mạnh để tham chiến ngày 1 tháng 10 năm 1938 chống lại Tiệp Khắc và Anh-Pháp, chưa kể đến Liên Xô. Nếu Đức gây hấn, Đức sẽ chiến bại một cách nhanh chóng và dễ dàng, và đây sẽ là dấu chấm hết cho Hitler và Đế chế thứ Ba.

Thái độ ương ngạnh, cuồng tín của Chamberlain trong việc đáp ứng những gì Hitler đòi hỏi, và ba chuyến đi đến Đức đã cứu nguy cho Hitler, củng cố vị thế của ông này đối với châu Âu, dân Đức và Quân đội Đức vượt quá những gì có thể tưởng tượng được vài tuần trước đấy. Việc này cũng tiếp sức mạnh vô hạn cho Đế chế thứ Ba so với các nền dân chủ phương Tây và Liên Xô.

Đối với Pháp, Hiệp ước München là thảm họa: vị thế quân sự của Pháp bị suy sụp. Vì lý do quân đội Pháp không bằng phân nửa quân đội Đức khi Đức đã động viên tổng lực và cũng vì khả năng sản xuất vũ khí yếu kém, Pháp đã khổ công gây dựng những mối liên minh với các nước nhỏ hơn bên cạnh sườn của Đức – và của Ý. Những nước này là Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư và Rumani. Hợp lại, họ có tiềm năng quân sự ngang bằng một cường quốc châu Âu. Bây giờ, Pháp mất đi sự yểm trợ của 35 sư đoàn Tiệp Khắc được huấn luyện nhuần nhuyễn, được trang bị hùng hậu, trấn giữ những pháo đài kiên cố vùng đồi núi và có khả năng chống trả một lực lượng Đức lớn hơn. Nhưng không chỉ có thế. Sau Hiệp ước München, những nước liên minh với Pháp còn lại ở Tây Âu không còn tin tưởng nơi lời hứa hẹn trên giấy tờ của Pháp. Họ cố chen lấn nhau để tìm cách thỏa hiệp với Quốc xã trong khi còn có thời giờ.

Nếu không chen lấn, thì Moskva cũng cựa mình. Dù Liên Xô lập liên minh quân sự với cả Tiệp Khắc và Pháp, chính phủ Pháp đã về hùa với Đức và Anh mà loại Liên Xô ra khỏi hội nghị München. Josef Stalin sẽ không bao giờ quên hành động khinh rẻ này và sẽ khiến cho hai nước phương Tây trả giá đắt về sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro