Anh-Pháp gây thêm áp lực

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trở về nước, Chamberlain cố thuyết phục nội các Anh chấp thuận yêu sách mới của Quốc xã. Ông còn cảnh cáo Tổng thống Beneš rằng Đức sẽ vượt biên giới Tiệp Khắc nếu nước này không chấp nhận những điều kiện của Đức. Ông trách móc là Quân đội Đức sẽ tràn ngập Böhmen mà không cường quốc nào có thể làm gì được để cứu Tiệp Khắc khỏi số phận này. Và đấy là sự thật cho dù kết quả của chiến tranh thế giới sẽ ra sao. Thế là, Chamberlain đặt trách nhiệm về hòa bình hoặc chiến tranh lên Beneš chứ không phải Hitler.

Trước khi Beneš có thời giờ để trả lời, Chamberlain gửi tiếp bức điện thứ hai, đề nghị Tiệp Khắc chấp nhận cho Đức chiếm đóng một phần vào ngày 1 tháng 10 rồi một uỷ ban biên giới Đức-Tiệp-Anh sẽ xác định những phần lãnh thổ khác sẽ giao cho Đức. Chamberlain phát biểu trên sóng phát thanh ở Anh:

Dù cho chúng ta có thể thông cảm với một quốc gia nhỏ đối mặt với một nước láng giềng lớn và hùng mạnh, trong mọi trường hợp chúng ta không thể lôi cả Đế quốc Anh can dự vào một cuộc chiến. Nếu chúng ta phải chiến đấu, thì nên chiến đấu cho những vấn đề lớn hơn thế nữa...
Với việc Pháp ủng hộ những đề nghị mới nhất, Tiệp Khắc bị các nước bè bạn cảnh cáo: cho dù họ và các đồng minh có thắng Đức, họ vẫn phải trao Sudetenland cho Đức. Câu suy diễn là rõ ràng: tại sao phải nhấn chìm châu Âu vào chiến tranh, vì bề nào cũng mất Sudetenland?

Để khuyến dụ Hitler nên bỏ ngỏ cơ hội, Chamberlain viết một thư riêng cho Hitler và gửi hỏa tốc bằng một chuyến bay đặc biệt do Ngài Horace John Wilson (trợ lý đặc biệt cho Chamberlain) mang đi. Bức thư nói chính phủ Tiệp Khắc đã thông báo cho biết tối hậu thư Godesberg là "hoàn toàn không thể chấp nhận được." Khi nghe dịch bức thư, thình lình Hitler nhảy dựng lên, la hét: "Không có lý do gì phải đàm phán thêm!" rồi đi ra khỏi cửa. Rồi Hitler trở lại ngồi phệt trên ghế, nhiều lần ngắt ngang lời người thông dịch bằng cách hét lên:

Người Đức đang bị đối xử như là da đen... Ngày 1 tháng 10 tôi sẽ chiếm Tiệp Khắc. Nếu Pháp và Anh muốn đánh, cứ để cho họ đánh...
Chamberlain đã đề nghị các đại diện của Tiệp Khắc và Đức nên gặp nhau lập tức để dàn xếp "cách thức chuyển giao lãnh thổ," còn Anh sẵn lòng cử đại diện ngồi vào buổi họp. Hitler trả lời rằng ông chỉ thương thuyết chi tiết nếu Tiệp Khắc chấp nhận trước tối hậu thư Godesberg (mà họ đã bác bỏ). Và họ phải trả lời trong vòng 48 tiếng đồng hồ – lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 9.

Ngày 26 tháng 9, Hitler đọc diễn văn tại sân vận động Sportpalast ở Berlin đông kín người, la lối và gào thét trong cơn điên loạn. Hitler lăng mạ cá nhân Beneš, tuyên bố rằng vấn đề chiến tranh hoặc hòa bình bây giờ tùy thuộc vào tổng thống Beneš, và rằng dù sao chăng nữa, ông sẽ chiếm Sudetenland vào ngày 1 tháng 10. Ông thốt lên một cách khinh bỉ: "Chúng tôi không muốn người Tiệp!"

Ngày kế, 27 tháng 9, Hitler trở lại tư thái bình thường để tiếp kiến Ngài Horace Wilson lần thứ hai. Ông bảo không có lời gì nhắn gửi Chamberlain. Bây giờ là tùy người Tiệp. Họ có thể chấp nhận hoặc từ khước những yêu cầu của ông. Nếu họ từ khước, ông giận dữ thét lên: "Tôi sẽ tiêu diệt Tiệp Khắc." Ông lặp lại câu đe dọa này nhiều lần với vẻ thích thú.

Như thế là quá mức ngay cả đối với Wilson vốn hay nhượng bộ. Ông này đứng lên và nói:

Trong trường hợp này, tôi được Thủ tướng tôi ủy quyền để có lời tuyên bố sau: "Nếu vì làm tròn nghĩa vụ hiệp ước mà Pháp can dự tích cực vào hành động thù địch với Đức, Vương quốc Anh sẽ bắt buộc phải ủng hộ Pháp".
Hitler trả lời với thái độ gây hấn: "Điều này có nghĩa nếu Pháp muốn tấn công Đức, Anh sẽ bắt buộc cũng phải tấn công Đức."

Khi Ngài Horace trả lời rằng ông không nói thế, rằng rốt cuộc thì tùy nơi Hitler để có hòa bình hoặc chiến tranh, Hitler lớn tiếng: "Nếu Pháp và Anh muốn đánh, thì cứ đánh! Tôi hoàn toàn không màng. Hôm nay là Thứ Ba; vào ngày Thứ Hai tới chúng ta sẽ lâm chiến."

Wilson nói riêng với Hitler khi kết thúc: "Tôi sẽ cố làm cho người Tiệp biết điều," và Hitler trả lời ông "hoan nghênh việc này."

Có lẽ Hitler nghĩ rằng vẫn có thể vỗ về Chamberlain để ông này làm cho người Tiệp "biết điều." Đêm ấy, ông đọc cho thuộc hạ viết một bức thư gửi Chamberlain với ngôn từ khôn khéo.

Lá thư của Hitler được gửi khẩn bằng điện tín đến London tối 27 tháng 9 năm 1938. Đấy là tia hy vọng mỏng manh mà Thủ tướng Anh vội vàng nắm bắt. Ông trả lời sẵn sàng đích thân đi Đức lập tức.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro