Akutagawa Ryunosuke: Viết dưới bóng những gã khổng lồ trong nền văn học Nhật Bản

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chân dung văn hào Akutagawa Ryunosuke

Chúng tôi không biết chính xác thời gian xảy ra câu chuyện này, chỉ biết rằng đó là một ngày thứ năm vào mùa thu năm 1915.

Sáng hôm ấy, Akutagawa Ryunosuke vô cùng hưng phấn, nhưng đồng thời cũng cảm thấy rất lo lắng, có lẽ còn đan xen đôi chút nôn nao nữa. Dù đã 23 tuổi và là một sinh viên đại học, ông vẫn chưa để lại dấu ấn cá nhân nào cả. Những gì ông làm được từ trước tới nay chỉ là vài bản dịch các tác phẩm ngắn của Anatole France và W.B. Yeats, bên cạnh một số lượng nhỏ các tác phẩm của chính ông, nhưng không cái nào nào trong số đó thu hút được sự chú ý của dư luận. Nói ngắn gọn lại, lí lịch nghề nghiệp của ông cũng chẳng có gì nhiều.

So với ông, những người ông gặp được hôm đó đều là những nhà trí thức đầy tự tin và sở hữu danh tiếng lẫy lừng - hầu hết trong số họ đều hơn ông ít nhất mười tuổi. Họ cũng đã quen biết nhau được một quãng thời gian rồi, cứ đều đặn hằng tuần, họ sẽ tụ tập tại tư gia của một người trong nhóm để bàn bạc về văn học, nghệ thuật, triết học và chính trị. Ngay cả người tự tin cũng sẽ cảm thấy ý tưởng tham gia vào một nhóm người như vậy thật khiếp sợ, chứ đừng nói đến bản thân Akutagawa. Nhưng đây cũng là cơ hội độc nhất vô nhị để ông gặp được người chủ trì cuộc hội họp này, vị văn hào đình đám bậc nhất thời kì ấy và cũng là cây bút mà Akutagawa vô cùng ngưỡng mộ, tác giả Natsume Soseki.

Câu chuyện này sau đó đã trở thành kỷ niệm khắc sâu trong lòng Akutagawa. Ông viết rằng ông đã bị ấn tượng bởi "thầy" (Akutagawa luôn nhắc đến Soseki bằng cách gọi này) tới mức ông không tài nào định thần nghỉ ngơi nổi. Cuộc gặp mặt này cũng đánh dấu sự khởi đầu của mối quan hệ đột ngột bị cắt ngắn lại trong đáng tiếc, khi nhà văn Soseki qua đời vào ngay năm sau đó. Nhờ sự trợ giúp của người cố vấn mới, ông đã thành công xuất bản tác phẩm "Cái mũi" (hay "Hana") (1916) trên một tạp chí danh tiếng, và được văn hào Natsume Soseki hết lời ca ngợi. Cũng chính điều này đã khiến tên tuổi của ông vụt sáng gần như chỉ sau một đêm.

Dù tình bạn của hai người chỉ kéo dài trong vài tháng ngắn ngủi, song cuộc đời của cả Soseki và Akutagawa đều đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử nền văn học giả tưởng Nhật Bản. Vào những năm cuối của thời kỳ Edo (1603-1868), loại hình văn học này chỉ còn là cái bóng so với sự vĩ đại của nó trước kia, điều thực sự rất đáng buồn. Tồi tệ hơn, theo lời học giả Marius B. Jansen chuyên nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản, "(Văn học giả tưởng) bị khinh rẻ do sở thích và cách giáo dục của người Nhật Bản". Sức hút của dòng văn học này chỉ tăng lên một chút vào trước khi nhà văn Natsume Soseki ra đời năm 1867, nhưng cho tới những thập kỷ tiếp đó, tình hình đã cải thiện đáng kể, đa phần nhờ sự giao thoa với các nền văn hoá khác và việc gia tăng tỉ lệ biết chữ. Trước khi Akutagawa tự tử ở tuổi 35 năm 1927, nền văn học Nhật Bản đã hoàn toàn biến đổi. Không cá nhân nào có thể đảm đương vai trò chủ chốt cho sự biến hoá vượt bậc này, tuy nhiên cả hai vị văn hào kể trên chắc chắn đều góp phần quan trọng trong tiến trình ấy.

Một cuộc đời qua những trang văn
Akutagawa được sinh ra tại Tokyo vào 01/03/1892, cả giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh đều là tuổi Thìn trong Âm lịch. Tưởng chừng như đây sẽ là khởi đầu báo hiệu một tương lai rực rỡ, nhưng tuổi thơ cũng như phần lớn cuộc đời ông đều rất khó khăn, không muốn nói là vô cùng bất hạnh. Trước khi ông đón ngày sinh nhật đầu tiên, mẹ của ông phát điên và ông được gửi sang sống cùng bác bên họ mẹ. Trong tác phẩm "Điểm quỷ tập" (hay "Tenkibo") (1926), câu chuyện được lấy cảm hứng rất nhiều từ chính trải nghiệm cá nhân của ông, Akutagawa đã mô tả bà như sau: "Mẹ của tôi là một người đàn bà điên. Tôi chưa từng cảm nhận được bất cứ thứ gì giống với tình thương mẫu tử từ bà ta...Gương mặt của bà...lúc nào cũng xám xịt và không có chút sinh khí nào cả." Nhà văn luôn sợ hãi rằng một ngày nào đó, ông cũng sẽ rơi vào cảnh ngộ tương tự.

Dù sức khoẻ yếu ớt và thường mắc bệnh, Akutagawa lại là người hay tò mò và tìm đọc rất nhiều nguồn tri thức mới mẻ. Ông say mê ngấu nghiến những tác phẩm văn học giả tưởng Nhật Bản, cả cũ và mới, đặc biệt là "Kim tích vật ngữ tập" (hay "Konjaku Monogatari"), một bản tổng hợp hàng trăm câu chuyện khác nhau tại Nhật Bản từ thế kỷ XI, và ông thường đọc lại cuốn sách này mỗi khi muốn tìm niềm cảm hứng sáng tác mới. Ông cũng đọc cả những tác phẩm kinh điển Trung Quốc, nhất là "Thủy hử", thường được biết đến tại Nhật Bản với cái tên "Suikoden", một câu chuyện được khắc hoạ lại cực kỳ xuất sắc bởi Utagawa Kuniyoshi cùng nhiều bậc thầy dòng tranh in khắc gỗ khác vào thế kỷ XIX. Ngoài ra, còn có tác phẩm "Tây du ký" xoay quanh hành trình tìm đến kinh Phật của một nhà sư thời Đường nữa.

Vào thời niên thiếu, Akutagawa bắt đầu học Tiếng Anh, và cũng giống với Soseki, ông tiếp tục theo học chuyên ngành đó tại Đại học Đế quốc Tokyo. Xuyên suốt thời trẻ của văn hào Natsume Soseki, có rất ít tác phẩm nước ngoài được dịch sang Tiếng Nhật, và vì thế, việc học Tiếng Anh trở nên hết sức cần thiết để tiếp cận văn học Phương Tây. Mặc dù điều này đã không còn quá đúng đắn khi Akutagawa học cao trung vào thập niên đầu của thế kỷ XX, Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ quan trọng và cũng nhờ vậy, Akutagawa đã biết đến Guy de Maupassant, August Strindberg, Fyodor Dostoyevsky, Voltaire, Johann Wolfgang von Goethe, Friedrich Nietzsche cùng rất nhiều cây bút văn học cổ điển người Hy Lạp. Trước khi gặp Natsume Soseki, Akutagawa từng được một người bạn của ông mô tả rằng ông chính là người đọc nhiều sách nhất so với lớp văn hào cùng thế hệ.

Tuổi thơ của Natsume Soseki ngập tràn trong đau thương. Là đứa trẻ nhỏ tuổi nhất trong một đại gia đình gồm tám thành viên, sự ra đời của ông không hề được hoan nghênh chút nào. Do tình hình tài chính gia đình sa sút, ông đã bị gửi đi nhận nuôi ở nơi khác từ rất sớm. Dù bố mẹ nuôi đối xử với ông tử tế, song cuộc hôn nhân của chính họ lại không hề hạnh phúc, để rồi năm lên 9 tuổi, Natsume bị đưa về gia đình cha mẹ ruột. Những năm tháng đầu đời vô định, cứ nay đây mai đó như thế có lẽ là lời giải thích cho tính cách của ông khi trưởng thành, luôn hoài nghi, lo lắng và mặc cảm về bản thân, thậm chí mãi sau này khi đã lập gia đình rồi, ông hoàn toàn không thể thẳng thắn bộc lộ tình yêu thương cho người vợ và con cái của mình nổi.

Thế hệ văn hào Natsume Soseki là lằn ranh chuyển giao giữa hai thế giới - và còn được cho là lớp người cuối cùng như vậy - chính điều này đã ảnh hưởng tới cách ông được giáo dục, pha trộn giữa Phương Tây và những yếu tố cổ điển Tokugawa. Thuở nhỏ, Soseki theo học một trường Trung Quốc và dễ dàng viết được Hán thi (một loại thơ cổ của Trung Quốc), chính vốn hiểu biết vô cùng phong phú này đã giúp ông nhận được đông đảo kính trọng, thậm chí xuất phát từ những nhà trí thức Trung Quốc. So sánh với Soseki, Akutagawa cũng có thể đọc chữ Trung Quốc khá tốt, song ông lại không biết viết. Những thế hệ đời sau có lẽ cũng vậy.

"Nhà chế tác tranh khảm"
Ba năm liên tiếp sau lần gặp gỡ giữa Akutagawa và Soseki là một trong những quãng thời gian hạnh phúc và năng suất nhất cuộc đời của vị văn hào tài hoa. Ông đã viết khoảng 70 tác phẩm, gần một nửa số lượng thành tựu ông đạt được trong cả cuộc đời, và nhiều trong số đó cũng là những áng văn nổi tiếng nhất, ví như "Địa ngục biến" ( hay "Jigokuhen") (1918), kể về một người hoạ sĩ sẵn sàng hi sinh hết thảy vì nghệ thuật, thậm chí là cả nhân tính.

Ngay từ lúc đầu, Soseki đã khuyên bảo cậu học trò rằng phải "lờ đi đám đông". Ông giải thích rằng đó là cách duy nhất để một tác giả có thể giữ vững lòng chính trực của mình. Nhìn chung, Akutagawa đã rất lưu tâm tới lời răn dạy đó. Ví dụ, chỉ trừ một số ít các tác phẩm viết về dấu chấm hết cho sinh mệnh của chính ông, Akutagawa luôn tránh xa tư tiểu thuyết (hay shi-shosetsu), một dòng văn học tự thuật hư cấu độc đáo của Nhật Bản phát triển vào đầu thế kỷ XX và giữ vững sức ảnh hưởng lớn trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Ông cảm thấy việc vạch áo cho người xem lưng như vậy thật gớm ghiếc, và có lẽ lập trường này đã khiến ông phải chịu nhiều điều tiếng từ một bộ phận giới văn đàn chính thống. Họ thường chỉ trích ông là kẻ "mọt sách", "quá hoa mỹ" và "trọng hình thức thay vì nội dung". Quá quắt hơn, nhiều người còn dè bỉu rằng ông không hề sở hữu tính sáng tạo và độc nhất trong văn chương.

Những lời chỉ trích này cũng không hoàn toàn vô căn cứ: nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hơn một phần ba các tác phẩm của Akutagawa có liên hệ tới văn học Châu Á hoặc Phương Tây. Ngay cả tác phẩm "Sợi tơ nhện" (hay "Kumo no ito") (1918), tưởng chừng là câu chuyện mang đậm sắc màu Phật Giáo, lại có liên quan đến giai thoại ngụ ý của Cơ Đốc Giáo trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazov" của Dostoyevsky mà Akutagawa vừa mới đọc. Nhưng chẳng phải việc vay mượn như vậy lại trở nên thật đáng kinh ngạc khi chứng tỏ rằng người làm ra điều ấy phải có lòng hiếu kỳ vô độ và là thiên tài trong lĩnh vực kết hợp hay sao?

Có chăng nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản Donald Keene đã mô tả Akutagawa đúng đắn nhất, khi gọi ông là "nhà chế tác tranh khảm", bởi lẽ, công việc này đòi hỏi phải lượm lặt từng mảnh nhỏ từ nhiều nơi khác nhau để tạo ra một tác phẩm ấn tượng và mới mẻ, đây cũng chính là niềm yêu thích mãnh liệt của ông và là điều biến ông thành bậc thầy văn học.

Hai năm cuối đời của Akutagawa tràn đầy u tối. Ông bị hành hạ bởi chứng mất ngủ trầm trọng, căn bệnh trầm cảm và nỗi giày vò của hàng trăm ngàn suy nghĩ thôi thúc ông tự tử. Thế nhưng lòng kính mộ của ông dành cho văn hào Natsume Soseki chưa có giây phút nào vụt tắt. "Mỗi khi tôi nghĩ về thầy, tôi lại bị ấn tượng hơn bởi cơn giận dữ tới đỉnh điểm của ông, không gì có thể so sánh được với điều ấy," Akutagawa đã viết như vậy vào mùa xuân năm 1927. Thật buồn thay, niềm mến mộ vô bờ bến của ông dành cho "người thầy" dường như đã khuếch đại cảm giác thất bại của chính ông. Viết ở lề của một bản thảo chưa được xuất bản sau này, Akutagawa than thở rằng bi kịch của đời ông là "nỗ lực để trở nên vĩ đại hơn, chỉ để phát hiện rằng bản thân thật nhỏ bé." Có rất ít đánh giá trong lịch sử văn học Nhật Bản bỏ lỡ ghi chú này nhiều như vậy.

_______

Người dịch: @lacming
Hoàn thành nốt mấy bài báo dịch dở trước khi kết thúc ♪⁠~⁠(⁠´⁠ε⁠`⁠ ⁠)

Nguồn:
https://www.japantimes.co.jp/culture/2017/08/19/books/book-reviews/ryunosuke-akutagawa-writing-shadows-japans-literary-giants/

Vui lòng không mang bản dịch này sang nơi khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro