Manila (1).

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi lê lết đi trên con đường gạch xám đã cũ, đôi lúc phía dưới chân sẽ phát ra tiếng xạc xạc do đế giày giẫm lên vài chiếc lá đã ngã nâu rơi lả hai bên đường. Thu tháng tám du dương dìu dặt mang thổn thức từ phía bên trái ngực rồi ngân nga theo chất riêng của tình thu.

Thu vừa qua một nửa, nửa còn lại vẫn vấn vương dư âm nắng hạ đã đi. Thu êm đềm, dịu nhẹ. Như phất lên xốn xang tưởng chừng như đã đánh mất từ bản thân mình.

Bên vệ đường, tôi nghe thoáng qua bản Sonata Ánh Trăng mà ngày trước khi còn theo học ở nhạc viện đã được giáo sư đánh phổ cập. Bản nhạc này huyền ảo quá, và ngay cả sự ra đời của nó cũng mang thật nhiều giai thoại. Nó vừa có một cái gì đó như là tiếc thương, mất mát, vừa có những lời nguyện cầu, vừa có sự dữ dội như bão tố. Như mối tình được ví von như chiếc lá cuốn bay của Beethoven và nàng Giulietta độc nhất của ông.

Nó làm tôi nhớ đến cha quá. Người không phải nhạc sĩ hay thi ca gì. Nhưng có gì đó trong tình cảm mà cha dành cho mẹ khiến tôi cứ nhức nhối ngay lòng ngực, có đôi lúc tôi sẽ chạnh lòng khi nghe ông kể về người con gái ông yêu thuở xuân thì, người con gái xinh đẹp nhưng lại chẳng kiêu kì, người đã yêu ông mà chẳng hề dị nghị.

Và, dường như.

Lần nào cũng vậy, những hình ảnh vốn đã in ấn sâu đậm trong miền kí ức của cha lại như dòng sông Nile chảy dài đến miền đất hứa trong tôi.

Chợt bừng tỉnh khi trời đã lấm tấm mưa. Tôi vội vàng nâng cặp chân tựa khúc củi chạy thật nhanh để trở về nhà.

Ước chừng mười lăm phút để tôi vượt qua dòng như nước sông Nile tháng tám. Sau khi đi qua khu đô thị nhộn nhịp ở khoảng thời gian xế chiều. Tôi để ý có vài tiệm ăn nhỏ sắp đóng cửa để nhường chỗ cho những chốn sa hoa nơi Shibuya.

Có lẽ là do tính tôi hay tò mò. Thắc mắc rằng ngày xưa cha có hay đi cùng mẹ trên con đường xưa cũ này không? Hay là dưới ánh đèn đường vàng nồng ấm, cha mẹ có tay đan tay đi về?

Ôi trời. Hẳn là nên dẹp phắn suy nghĩ đấy đi thôi !

Về đến trước cửa nhà, tôi để ý nền gạch hôm nay ẩm ướt đến lạ khi vẫn còn đọng lại dấu vết của bầu trời sau cơn mưa. Tôi gấp gọn chiếc ô vừa vài phút trước còn dùng để che chắn tấm thân dưới làn mưa ngâu, phất nhẹ vài cái để chắc rằng những giọt nước sẽ không rơi vào áo mình.

Gió heo may hôm nay vẫn thế, cũng hanh khô và hơi se se lạnh. Gió về, chiều tím loang vỉa hè. Nổi nhớ ai đó lại cồn cào, da diết.

Hẳn là năm cha xa mẹ, khi cha đón gió là đã tê tái hết cả lòng.

Tháng tám chợt thoáng qua, chợt nắng chợt mưa, chợt sương dày.

Chập chờn cánh bướm mùa nắng hạ.

Cành liễu nay lại ngả sang thu.

*

Năm ấy tôi lên bảy. Còn là con nhóc lùn ngô ngố với cái mái phía trước cột thành chùm.

Đêm đó mùa thu trời lặng gió, cha vùi vào vai áo tôi. Hỏi tôi vài câu mà tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ mang máng.

"Gió đã ngừng thổi chưa con?"

Lúc ấy ánh trăng ngoài kia như dòng chảy phả vào cửa sổ rồi ẩn hiện trên mặt cha, thấm vào lớp da dày dặn ở tuổi hai mươi bảy. Và khi nguyệt quang lên cao, tôi thấy trong không khí như ánh lên lớp bụi pha lê. Nó long lanh như màng nước mỏng dưới đáy mắt. Có vẻ cha vừa khóc, tôi cũng không nhớ nữa. Nhưng tôi đoán được rằng, cha khóc vì mẹ.

Một giáo viên trong trường tiểu học từng dạy lớp tôi rằng, phái nam là những cá thể rất bền vững, từ lý trí đến cách hành xử. Và đối với họ, việc khóc lóc nỉ non chỉ là hành động hèn mọn đối với chính mình.

Ấy vậy mà, cha tôi, người đàn ông hầu như đanh thép ở bất cứ đâu. Hiên ngang như vua Arthur nắm vững ngai vàng lại có lúc thể hiện ra sự hèn mọn của mình. Nhưng hành động mà cha cho là đáng xấu hổ khi khóc trong lòng một đứa con nít để rồi được nó an ủi thì đối với tôi nó lại là cả một điều gì đó đọng lại đến tận năm tôi hai mươi bảy.

Hai mươi năm trọn vẹn, cha cũng đã thay đổi nhiều. Có những ngày cha ngồi sau hiên ăn bánh đậu đỏ rồi nghĩ ngợi về gì đấy, và khi ánh đèn hiu quạnh phủ lên ánh trăng xanh căng tròn trên trời vời vợi, thấm sâu vào khuôn mặt cha, hiện ra vết nhăn và vết chân chim phía đuôi mắt. Nhưng cha vẫn mặn mà, mặn mà với thời gian.

*

"Con về rồi đấy à?"

Thanh âm trầm khàn vang lên bay bổng, không nặng trịch, không một màu. Nó như sợi chỉ mỏng dài lẳng lặng trôi trong hư vô, rồi hoà vào cái nắng mềm với hơi nước sau đó vỡ ra như bong bóng, để lại một mảng bối rối.

"Vâng ạ."

Tôi gãi đầu. Thi thoảng vài giọt nước mưa còn văng ra theo từng cái lên tay của tôi nữa.

"Cha hi vọng con không bị cảm."

Cha lấy ra cái khăn bông trắng đã đặt sẵn trên sàn hiên bằng gỗ. Từ tốn lau khô mớ tóc mai dày đang vướng trên trán con gái ông.

Hơi thở cha nhẹ tênh. Không não nề như bầu trời xám như đất sét.

Cha đưa mắt nhìn dáng người tôi đang lủng củng đồ đạc rồi vội xách hộ tôi chiếc ô rũ nước cùng chiếc túi vải canvas thêu lá thông. Cha luồng tay qua hai quai đeo trên túi hệt như bà nội trợ vừa đi chợ về.

Tôi phụt cười.

Nhưng chờ đã. Nó làm tôi nhớ đến một hình ảnh thoáng qua mà dường như vẫn còn thấm đậm vào trí nhớ tôi lắm.

Một người phụ nữ mặc chiếc váy thun vàng dài đến mắt cá đứng dưới tán cây rẻ quạt vàng ruộm. Rũ rượi mái tóc trên tay chàng đang mân mê nó. Tôi nhớ mang máng rằng lúc ấy là mùa quýt chín nên túi vải quýt trong cái rổ mây trong xe đạp rộ đẹp lắm. Nhìn qua ảnh thôi mà còn cảm thấy cái mùi chua nồng nàn, chua mênh mang xộc ngay vào cánh mũi làm nó sụt sịt vài cái.

Và ấn tượng nhất là dòng chữ mực đỏ kéo dài thanh đậm. Tôi nghĩ nó là nét bút của một người con gái. Bởi lẽ, nó mang cái hồn đằm thắm lắm, hồn của tuổi nhiệt huyết đôi mươi và được đánh dấu bằng sự kiêu hãnh của người đặt nét viết lên bức ảnh cũ kĩ.

" 20 - 1, thương nhớ anh."

Làn gió ồ đến như cơn bão làm lạo xạo đống lá khô và bới rối mái tóc cha vừa vuốt lại gọn gàng cho tôi.

Lòng tôi lại xốn xang lần nữa. Dặn bản thân chỉ nên để chút dư vị của hồi ức lại phía trái ngực. Nhưng gió như có đôi tay mạnh mẽ, đẩy tôi về phía cha rồi thổi bay tung toé mớ câu hỏi dai dẳng trong mình hằng năm qua.

"Cha ơi. Liệu cha đã từng có tình yêu cho riêng mình chưa ạ?"

Mặt cha thoạt đầu bối rối, nhưng rồi cũng bình thản để đáp lại câu hỏi tưởng chừng như khó hiểu của tôi.

"Có chứ."

Cha hít lấy một hơi gió lạnh, thật sâu, đến tận phổi rồi trôi dạt về miền xưa cũ, ùa về cơn gió heo may nồng cháy giữa tháng mười lạnh tanh.

Giọng cha mang hơi thở của thời đại, thời đại hoàng kim của tuổi trẻ năm cha mười mấy tuổi.

gọi gió,

"Cha có một Manila."

về trong kí ức cha tôi.

-𝓙𝓪𝓬𝓲𝓷𝓽𝓱𝓪 𝓕𝓪𝔂𝓻𝓮 -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro