Mấy đời bánh đúc có xương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ONE SHOT | BÁNH ĐÚC CÓ XƯƠNG

Ep.5 series "Tập viết lúc bị Writer's Block"

Written by Đào.

Được đăng tại Wattpad và WordPress Nắng Cappuccino. Vui lòng không re-up hay chuyển ver.

***

Không phải chuyện tình yêu, nhưng nó vẫn là tình yêu.

***

Mặt trời xuống núi đỏ rực cả một vùng trời, thằng Thành ngẩn ngơ đứng trước bốt điện thoại cũ, những tiếng tút tút ngắt quãng vẫn lạnh nhạt vang lên sau mỗi lần nó bỏ thêm một đồng xu vào bốt. Nó vô thức lặp đi lặp lại hành động vô nghĩa của bản thân, cứ nghe thấy tiếng đồng xu lạch cạch rơi xuống là nó lại thêm phần khẩn khoản mong cầu đầu dây phía bên kia bắt máy.

Tiết trời đầu xuân vẫn còn lạnh, dáng hình mặt trời giữa khoảng không quang đãng dù có rõ rệt đến nhường nào thì thế gian vẫn im lìm trong hơi tàn còn sót lại của mùa đông. Thằng Thành thở ra từng hơi nặng trịch, hóa thành sương tan dần vào không khí; khóe mắt hấp háy một hồi đã sớm đỏ hoe, mũi cũng tắc nghẹt mà khụt khịt thật khó khăn.

Đêm hôm qua nó đã lục tung cả căn phòng nhỏ để tìm nốt những đồng bạc mà nó cho rằng nó đã vô tình đánh rơi ở đâu đó; nhưng từ ngách tường nhỏ cho đến gầm giường đầy bụi bặm đều chẳng có gì. Nó chấp nhận rời giường đi học với mấy đồng bạc lẻ ít ỏi mà nó đã nhịn ăn sáng cả tuần, không cam lòng hỏi xin bố dượng thêm vài đồng ăn sáng, mặt nặng mày nhẹ bước ra khỏi nhà.

Thấp thỏm cả một ngày trời để rồi nhận lại gì? Những tiếng tút tút vô hồn, lạnh lẽo; một tâm trạng buồn bã lởm chởm như bị chó cắn; một chiếc túi rỗng chẳng còn sót lại dù chỉ một đồng. Thằng Thành bất lực thở ra một hơi thật dài như thể đã trút hết không khí trong buồng phổi, cắn răng trở về nhà trước khi trời tối.

Nhà nó ở sâu trong ngõ, không có vỉa hè cũng không có bóng đèn đường. Mỗi lần có người hỏi nó nhà ở đâu, nó lại bảo nhà con ở đường Đê nơi thị tứ. Ai cũng tấm tắc khen nhà đường Đê là nhà giàu, ra khỏi nhà là quán phở, quán cà phê, quán nhậu, hàng tạp hóa; sống sướng như tiên không thiếu thứ gì. Nó cũng ậm ừ hùa theo người ta để tận hưởng thứ niềm vui sĩ diện đó, tuyệt đối không để bất kì ai biết nhà nó ở tít trong ngõ, bố nó còn bị xóm làng gọi là thằng bê đê bội bạc.

Ừ, bố nó là thằng bê đê bội bạc; nên nó cũng thường bị đám trẻ ranh trong ngoài xóm trêu chọc là con của đồ bê đê. Bởi thế nên thằng Thành chẳng bao giờ thích đi học xuôi theo đường ngõ đổ ra đường Đê, nó chấp nhận dậy sớm mười lăm phút để đi ngược về cuối ngõ, men theo tường gạch ngăn cách vùng đê và vùng trũng - đi cho đến khi nào ra đến đường lớn thì mới thoải mái tung tăng chạy thẳng tới trường.

Về nhà nó lại không dám đi theo đường đó vì sợ dượng chửi cho thì lại mệt đầu. Dượng bảo đường đó buổi tối nguy hiểm, nhiều tệ nạn, nó đi một mình rồi lỡ xảy ra chuyện gì thì ai mà bảo kê cho. Thằng Thành không đồng ý, nó mới chỉ thấy mấy đôi yêu nhau hôn hôn mút mút trong đấy thôi, thi thoảng có thấy cả kim tiêm dưới góc tường chứ chưa trực tiếp thấy người ta chích hút bao giờ. Cơ mà dượng nó dữ lắm, chiều nào cũng bắc con ghế đẩu trước cửa chờ nó về, nó đi đường xuôi thì không sao chứ đi đường ngược là lại bị dượng túm cổ làm cho một trận đinh tai nhức óc.

Cứ thế, nó đi đường ngược về đường xuôi đã ngót nghét năm năm trời. Bố mẹ nó ly hôn được bảy năm thì nó đi đường ngược tới trường được năm năm. May cho nó là buổi chiều đám trẻ ranh trong xóm đã rủ nhau ra sân bãi chơi hết, lâu lâu một lần nó mới đụng phải mấy thằng mỏ hỗn trêu trêu chọc chọc ba câu cũ trích. Thằng Thành nghe đã quen rồi, mới đầu nó cứ tỏ vẻ không chấp nhưng trong lòng vẫn hơi sợ sệt; giờ nó đã lớn bằng từng này, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, đứa nào trêu thì nó cứ mạnh tay đấm ngay vào mõm.

"Nhưng chỉ được đấm buổi chiều thôi nhá, đấm buổi sáng muộn học", bố dượng nó lại bảo vậy. Thế nên nó vẫn duy trì đi đường ngược về đường xuôi dù chân đã nhổ giò, tuy phải đi hơi lâu một tí nhưng nó vẫn thấy hài lòng vì dượng vẫn cho nó đánh nhau.

Bố dượng nó giàu lắm, nên bố nó mới bị hàng xóm chửi là thằng bê đê bội bạc, bỏ vợ theo tiền. Nó không hiểu dượng nó đầu tư cái gì mà nhiều tiền thế, thỉnh thoảng nó mới thấy dượng bảo "đi thị sát kho hàng" - chứ bình thường dượng chỉ ở nhà lo giặt giũ cơm nước. Cũng bởi thế mà xóm làng mới truyền tai nhau: xưa dượng nó làm trai bao cho mấy ông to trên tỉnh nên giờ mới lắm tiền để đi lừa bố nó.

Nó trong vô thức ghét lây tiền của dượng, cũng ít khi dám ngửa tay xin tiền dượng để tiêu vặt hay ra quán net. Mấy lần dượng cho nó tiền đi chơi, nó đều im ỉm nhận cho xong chuyện rồi lại tìm cách bỏ lại vào ví dượng, cứ thế miết rồi dượng cũng chẳng buồn cho nó tiền nữa. Đến cả tiền ăn sáng cũng là tiền của bố nó đưa dượng giữ hộ để lo toan việc trong nhà, có thế thì nó mới dám lấy, và cũng phải lấy thường xuyên vì bố nó rất cứng rắn trong việc ép nó phải ăn sáng đầy đủ.

Có điều dượng rất hay trêu nó, cứ phải bắt nó ngửa tay ra xin thì mới chịu đưa tiền. Hôm nào nó không xin là dượng lại chặn cửa mà hỏi đểu "Thành không ăn sáng hả con", rồi sau đó sẽ bắt nó vào bếp ăn tô bún bò cực hăng mùi mắm của dượng. Nó phát sợ đồ ăn dượng nấu, nó cũng sợ bố giận nó bỏ bữa mà không cho nó đi gặp mẹ nữa, thế nên nó chỉ có thể cắn răng "dượng cho con tiền ăn sáng ạ".

Cũng bởi vì sợ hãi khẩu vị nặng mùi của bố dượng mà nó nhất quyết đăng kí ăn bán trú buổi trưa, buổi tối thì cùng dượng nấu ăn để "gắn kết tình cảm". Thằng Thành nấu phần nó ăn, dượng nấu phần dượng ăn, hai người ngày nào cũng đánh nhau cả buổi trong căn bếp hăng mùi kim chi và mắm của dượng. Nó đã từng không tin bố nó yêu dượng thật, cho đến khi nó tận mắt chứng kiến bố nó húp sồn sột canh kim chi một tuần hai mươi mốt bữa mà không kêu ngán. Tình yêu của bố là điều duy nhất khiến thằng Thành đối xử tốt với dượng, chứ nó vẫn không tài nào đối xử tốt với khẩu vị hãi hùng của dượng được. Nó chỉ nhớ cơm mẹ nấu thôi.

Thằng Thành vừa đi vừa nghĩ, nói đúng hơn là vừa đi vừa buồn. Mẹ nó lấy chồng mới trên tỉnh, ngày trước lúc nào cũng hứa hẹn đến sinh nhật lại về thăm nó. Thế mà cũng chỉ về thăm nó được năm đầu tiên, năm thứ hai thì kêu ở cữ không về được, năm thứ ba lại kêu trùng Tết nên không tiện về, cứ thế rồi chẳng có năm nào thằng Thành được đón sinh nhật với mẹ nữa. Trách mẹ thì cũng không nỡ, trách bố dượng thì khác nào đổ oan; nó chỉ có thể trách mình hư hỏng nên mẹ mới chẳng buồn gặp mình nữa.

Nó bước những bước dài lững thững trên đường Đê, rẽ vào con ngõ nhỏ ồn ào lắm người qua lại. Xưa nó cũng lịch sự gật đầu chào ông chào bà lắm đấy, nhưng người ta cứ ậm ừ trịch thượng ra vẻ ghét bỏ nó nên bây giờ nó đếch thèm chào. Nó cứ vênh cái mặt lên mà đi về nhà, gặp ai cũng bơ đẹp. Tâm trạng hôm nay không tốt, mặt nó vì thế mà trông sưng sỉa hẳn, ai nhìn cũng thấy ghét.

Thằng Hưng cách nhà nó mấy nhà, học hành bết bát nên xin vào trường nghề trên đường Đê; thấy mặt nó thế thì lại càng muốn chọc. Thằng nhỏ ăn mặc xộc xệch, cố tình phô ra hình xăm đầu chó sói mới xăm còn đỏ viền trên cánh tay, hất mặt "hỏi thăm" thằng Thành:

"Thằng cha mày sao lâu rồi chưa thấy về thế? Hay là chán chơi bê đê rồi nên đi xa tìm gái đá vài nháy đấy?"

Nắng chiều đã tắt ngúm, mấy bóng đèn vàng khè treo ngoài hiên nhà của người trong xóm bắt đầu sáng lờ mờ. Thằng Thành thấy tay mình nặng trịch, thể như bị đeo cả cục tạ nửa ký lên, tâm trạng cũng chìm nghỉm như hòn đá xù xì bị thả cái "bõm" xuống lòng sông. Tiếng côn trùng kêu rả rích khiến hai bên thái dương của nó nóng bừng, tai chỉ nghe được tiếng ù ù liên tục. Nó khó chịu, nó bức bối, nó khó thở, và nó nện vào mặt thằng Hưng một cú đã đời.

"Bê đê con mẹ mày! Nói nữa tao lại đá con mẹ mày mấy nháy cho mày gọi tao là bố!"

Bố dượng chỉ cho nó đánh nhau chứ không cho nó nói tục chửi bậy. Mà thế lại thành ra côn đồ nửa mùa quá, thằng Thành cho rằng đã làm "đại ca" thì cái tay cái mồm phải đi đôi với nhau, thế thì bọn ranh con mới sợ.

Thằng Hưng sĩ diện không dám nhận thua, loạng choạng đứng dậy muốn đánh lại nó cho hả giận. Nó lại thụi thêm một cú vào bụng thằng nhỏ, tính thồn thêm phát nữa vào mặt mà lại bị bác Hồng đứng gần đó lao tới cản lại:

"Sao mày lại đánh con nhà người ta? Tao mách thằng dượng bê đê của mày bây giờ! Bao giờ mày mới hết cái nết mất dạy này hả?"

Thằng Thành bất đắc dĩ buông cổ áo thằng Hưng ra, hất mặt hỏi bác Hồng một câu rõ là hỗn:

"Bác già thế này rồi mà đã hết cái nết vô duyên đâu?"

Nó nói xong thì quay đít hướng thẳng về cánh cổng sắt nhà mình, bỏ lại sau lưng những cái tặc lưỡi bất lực và những lời đàm tiếu quen thuộc đến nhàm chán.

Nó tự nhiên thấy tủi thân, mà cũng chẳng hiểu tại sao con trai mười bảy tuổi đầu rồi mà vẫn dễ tủi thân như thế. Nó sợ để bố hay dượng thấy cái vẻ mặt này lắm, nó chưa bao giờ thấy bố và dượng biểu hiện ra ngoài bất kì cảm xúc ủy mị nào, nó sợ bố và dượng sẽ mắng nếu nó bê cái mặt xám xịt cùng đôi mắt hoen đỏ về nhà. Nó nghe thằng Sơn cùng lớp kể là ba thằng Sơn đã dằn thằng Sơn một trận đỏ hết cả mông chỉ vì thằng Sơn lỡ rơi vài giọt nước mắt lúc ngã xe đạp. Ông bố nào cũng thế, chẳng ai muốn thấy con trai mình yếu đuối dễ tổn thương, kể cả hai ông bố bê đê.

Cửa sắt nhà nó đã rỉ sét, đụng nhẹ một cái đã kêu ken két đến điếc tai. Dượng nó đang thong dong phơi áo trước sân, thoáng nhìn qua thì có lẽ dượng đã nghe thấy tiếng nó gây gỗ cách nhà một đoạn không xa:

"Thành về rồi đấy à con? Nhanh, lên tắm đi rồi lát nữa ra đầu ngõ ăn thịt nướng đi con!"

"Bố đâu rồi?" Thằng Thành hỏi một câu cụt lủn.

Dượng Hách ra sức giũ chiếc quần bò nhăn nhúm, vừa giũ vừa đáp lời:

"Gần Tết rồi, nhà máy lại bắt ông ý tăng ca. Lúc nãy ông ý có gọi điện về nhà đấy, con về sớm hơn chút nữa là được tận tai nghe ông ý chúc mừng sinh nhật rồi!"

Thằng Thành lấy làm khó chịu. Bố nó chỉ là một kĩ sư nhỏ nhoi, chịu trách nhiệm quản lý quy trình xả thải của nhà máy - chứ chẳng phải ông nào bác nào có vai vế to mà cứ phải đi làm xa suốt ngày. Thà rằng quyền cao chức trọng, kiếm ra lắm tiền thì cứ việc đi mãi không về, đằng này...

"Lại đi. Lúc nào cũng đi!"

Không để cho nó than vãn thêm, dượng Hách của nó lại lấy chân đá đá vào đít nó, giọng gấp gáp cứ như đuổi tà:

"Nào nào, lên tắm đi! Nhanh nhanh còn đi ăn sinh nhật!"

"Biết rồi, đồ bê đê!" Thằng Thành rít lên, chạy ù vào nhà để tránh cái nhéo tai không nương tay của dượng.

Dượng Hách chống nạnh giả vờ hung dữ, một tay chỉ chỉ trỏ trỏ không khác gì mấy bà bán cá ngoài chợ chửi nhau:

"Mày giỏi thì đợi thằng cha mày về mà nói ông ý bê đê, nhá! Bê đê rồi mới tán tao cả năm tao mới đổ đấy! Còn nữa, mày đừng tưởng mày chửi thằng Hưng mà tao không nghe! Đã bảo là chỉ được đánh nhau chứ không được chửi tục rồi cơ mà? Láo lếu!"

Thằng Thành lè lưỡi trêu dượng Hách, hai mắt lé ra hai bên như mắt ngựa, hai bàn tay huơ huơ động tác "lêu lêu". Vừa thấy dượng cúi người xuống rút cái dép lê ra, nó đã chạy tót vào trong, tránh được cú phi dép của dượng.

***

Đèn cao áp ngoài đường Đê sáng trưng, chẳng bù cho mấy bóng đèn le lói yếu ớt trong ngõ. Thằng Thành ỉu xìu nhìn bố dượng nướng thịt, bình thường nó hay thèm thịt quán này lắm, chẳng hiểu sao bây giờ mùi thơm nườm nượp xông vào mũi lại chẳng khiến nó chảy nước miếng.

Bố dượng lật qua lật lại mấy miếng nầm lợn, xuýt xoa quán này miếng nầm nào cũng thái dày. Nó chậm rù rù gắp từng miếng thịt trên đĩa bỏ vào mồm, nhai rồi nuốt như thể đây là món cơm rẻ tiền trong căng tin trường. Bố dượng thấy nó không vui, bấy giờ mới chịu móc ra một bọc quà nhỏ bằng nắm tay:

"Quà dượng này, bóc đi."

"Dượng hào phóng thế, cảm ơn nha! Mồng sáu tháng sáu con tặng lại cho huề!" Thằng Thành giả vờ cao hứng, hai tay nhận lấy quà của dượng, cẩn thận bóc từng lớp ra. "Ối, dượng tặng ba cái đồ đắt tiền này làm gì?"

Dượng ấy thế mà lại tặng nó một con điện thoại gập hàng xịn, xung quanh sơn một lớp màu đỏ rượu sang chảnh, là mẫu mới nhất trên thị trường. Lớp nó mới chỉ có vài đứa được dùng điện thoại, mà cũng chỉ là loại điện thoại bấm Nokia thông thường - cái loại trắng đen có trò chơi con rắn mà cả lớp tranh nhau chơi. Chiếc điện thoại gập này sẽ đưa nó lên một tầng cao mới: mấy thằng trong lớp sẽ tôn nó thành thần chỉ để mượn điện thoại nó bấm bấm gập gập thử cho vui.

"Để con gọi mẹ đó!" Dượng nó ung dung trả lời, bỏ thêm vào bát nó mấy miếng nầm đã chín.

"Con lại thèm vào!"

Dượng Hách dừng nhai, gõ gõ cây kéo cắt thịt vào thành bếp mà ra vẻ:

"Mày đừng tưởng dượng không biết cả tuần này mày nhịn ăn sáng nhé con! Lần sau còn thế nữa là dượng mách bố đấy!"

Thằng Thành bĩu môi, nó không buồn giải thích nữa, trịnh trọng gắp lại vào bát dượng một miếng lòng cháy.

Dượng nó lại rút ra một hộp quà khác:

"Quà mẹ con gửi bưu điện này."

Miếng nầm trong miệng nó trông thế mà dai. Nó vươn tay nhận hộp quà nhỏ từ dượng, chầm chậm mở ra.

Mẹ tặng nó một cái đồng hồ, vừa nhìn mặt đồng hồ nó đã ngờ ngợ, lấy ra xem thì quả nhiên chưa cần đeo đã đoán đúng. Mẹ tặng nó cái đồng hồ nhỏ quá, nhỏ hơn cổ tay nó, chắc chắn đeo không vừa.

Lần cuối bố đưa nó đi gặp mẹ đã là hơn sáu tháng trước, trong thời gian này nó đã kịp cao gần mười phân, toàn bộ cơ thể trông phổng phao chắc thịt hơn rất nhiều. Cầm chiếc đồng hồ cỡ nhỏ trong tay mà nó thấy buồn; buồn vì điều gì thì nó không rõ, nó chỉ biết không phải là vì mẹ tặng nó thứ đeo không vừa.

Khói từ bếp nướng bay vào cả hai mắt, nó mở ra rồi lại nhắm lại, mở ra rồi lại nhắm lại. Nó vẫn muốn gặp mẹ, cho mẹ biết nó đã lớn thêm ngần nào. Mấy lần nó cứ hay nghĩ nhiều, cứ sợ mẹ nó lo cho gia đình mới rồi thì lại chẳng cần nó nữa. Nhưng cái đồng hồ trong tay nó mới tinh, mặt trước mặt sau đều nhẵn nhụi, hộp quà cũng thoang thoảng mùi hoa nhài; nó tin mẹ nó vẫn còn thương nó lắm.

Thằng Thành thở dài, im lặng ngồi ăn hết đống thịt bố dượng bỏ vào bát. Mân mê mặt đồng hồ sáng trưng một hồi rồi nó cũng cất giọng hỏi dượng:

"Dượng ơi, sang tuần nhờ dượng đưa con đi gặp mẹ nhá?"

"Làm sao? Bình thường toàn là bố đưa con đi mà?"

Nó nhớ về mấy lần bố đưa nó gặp mẹ, hai người đụng mặt nhau có mấy giây mà đã phun ra cả lố ngôn từ không hay vào nhau. Mẹ nó có lẽ vì khó chịu với sự hiện diện của bố mà cũng chẳng thiết tha nói chuyện với nó nhiều, chỉ dỗ dành vài câu "chăm lo học hành nhé con" rồi nhét cho nó mấy đồng tiêu vặt.

Nó ngao ngán lắc đầu, kiếm đại một cái cớ cho xong:

"Thì bố có mấy khi về nhà đâu!"

"Nhưng cứ về là lại đưa con đi còn gì? Đừng có lèo nhèo, bố con không cho dượng đưa con đi gặp mẹ đâu! Mày không sợ dượng và mẹ lao vào đánh nhau hả con! Để bố đưa đi mà gặp nhau cho đàng hoàng."

"Làm như kiểu bố đưa đi thì được gặp đàng hoàng lắm không bằng..." Nó lầm bầm trong cổ họng, rồi lại giở cái thói bỡn cợt: "Con không muốn thằng bê đê đưa con đi gặp mẹ!"

Dượng nó lại gõ cây kéo vào thành bếp:

"Thằng cha mày bê đê chứ tao thì không hả?"

"Dượng bê đê ít hơn bố con", thằng Thành vẫn ngả ngớn.

"Sao mày biết ít hơn?"

Nó tự nhiên nhún vai như thật, ngoác cả mồm ra mà giải thích:

"Thì dượng toàn nói bố tán dượng cả năm mới đổ đó, thế chẳng phải là dượng ít bê đê hơn à? Mẹ con ghét bê đê lắm, người nào ít bê đê hơn thì người đó đưa con đi gặp!"

Dượng nó im lặng một hồi, gắp thêm thịt vào bát nó rồi mới lẩm bẩm:

"Vẽ chuyện!"

***

Sát Tết ông Công ông Táo, bố thằng Thành vẫn chưa về. Hách cũng bận hơn mọi ngày, một tuần phải lên tỉnh bốn bận để giám sát mấy lô hàng số lượng lớn mà mình đầu tư. Anh chọn một ngày không rét lắm, lên trường xin cho thằng Thành nghỉ học một buổi rồi dẫn nó lên tỉnh với mình.

Chồng anh chẳng bao giờ để anh dắt con lên tỉnh gặp vợ trước. Hắn bảo, vợ trước của hắn đanh đá lắm, lần nào gặp nhau cũng cãi nhau, hắn chỉ có thể đưa con đến quán cà phê gần nhà vợ cũ - rồi sau đó biến đi chỗ khác cho hai mẹ con nói chuyện. Hách gật gù bảo, chị ý chửi thế là đúng, là em em cũng chửi, đến chết cũng chửi.

Con người thì luôn có cái được và cái không được, bây giờ yêu nhau thì phải chấp nhận cái không được của nhau mà yêu, chứ đời này làm gì có ai được mười trên mười. Chẳng qua cái không được ở chồng anh lại dở quá, chị vợ cũ không chấp nhận được: hắn bê đê mà vẫn nghe lời cha mẹ lấy vợ.

Thủa nhỏ Hách đã biết mình thích đàn ông, thế nên anh xác định ở không vậy cả đời, thằng nào thương mình thì mình về với nó, mà xui quá không có ai thương thì ở một mình thế thôi. Đằng này anh chồng anh lại dở hơi, cha mẹ bảo cưới là cưới, cưới rồi thì lại lộ chuyện bê đê, thế là tan nhà nát cửa. Đành rằng chị vợ ngoại tình là sai, nhưng hắn cũng sai đâu kém!

Chỉ tội thằng Thành, mới mười tuổi đầu đã cha một nơi mẹ một hướng, Hách biết vậy nên thương thằng Thành lắm. Chồng anh cũng thương con, cũng tự mình thấy có lỗi với con, mà hắn xưa nay khô khan chẳng biết biểu đạt tình cảm như thế nào - ấy nên là chỉ biết chúi đầu vào nhà máy, đi làm kiếm tiền cho con hưởng phúc.

Đời người ấy mà, có nhiều lỗi lầm tưởng như to lớn lắm, nhưng người ta cũng chỉ có thể chấp nhận nuốt xuống bụng mà sống tiếp. Cứ hận nhau, cứ giận nhau, rồi thành ra khổ mình, khổ cả người khác.

Thằng Thành ngồi trên xe buýt mà cứ thấp thỏm không thôi, anh bóc cho nó mấy quả trứng gà ăn cho chắc bụng, nó cứ cầm bỏ vào miệng mà nhai sơ sơ rồi nuốt nghẹn. Anh chỉ sợ nó hóc cả miếng lòng trắng thì mệt, đành phải tách tư quả trứng ra rồi nhón từng miếng một cho nó.

Đường lên thành phố không xa, mấy thằng trẻ con dưới đường Đê cũng toàn tự đánh xe máy lên đấy chơi suốt. Anh và chồng dạy thằng Thành rất kĩ, không cho nó lái xe máy khi chưa đủ tuổi, càng không cho nó tự tiện lên thành phố chơi. May mà thằng Thành cũng rất nghe lời, tuy rất muốn gặp mẹ nhưng chưa có hôm nào tự bỏ nhà lên thành phố tìm mẹ cả.

"Gọi trước cho mẹ chưa?"

"Rồi, mà cứ tút tút", thằng Thành ỉu xìu đáp lại.

"Chắc mẹ thay số rồi đấy. Lát gặp mẹ thì xin số mới mà lưu, có việc còn gọi được."

Thằng Thành ừ trong cổ họng, gần đến nơi trông nó lại càng buồn hơn. Nhà mẹ nó nằm ngay trên đường tỉnh lộ, tầng một là một quán tạp hóa rất xịn, xịn hơn mấy quán dưới đường Đê của nó nhiều. Xe buýt trả khách trên tỉnh lộ, hai người đi bộ thêm vài trăm mét nữa thì đến nơi. Nó gật đầu cảm ơn dượng, chờ dượng tìm đại một quán nước nào đó mà yên vị rồi mới dám vào tìm mẹ.

"Chị ơi, em tìm mẹ... à cô Mai. Em chờ cô ở quán cà phê ngay gần cây bàng kia, chị gọi giúp em!"

Mấy lần trước đến nơi, bố chỉ cần gọi một cuốc điện thoại là mẹ đã ra ngay. Bây giờ chẳng hiểu làm sao mà nó không gọi được cho mẹ, nó chỉ đành nhờ người ta kêu giúp. Nó không dám ở đấy lâu, sợ người nhà chồng của mẹ thấy thì lại không hay, vừa nói xong liền quay đầu chạy thẳng vào quán cà phê quen thuộc. Từ quán vừa hay nhìn được chỗ của dượng ngồi, mà vị trí dượng ngồi cũng nhìn qua được bên đây.

Nó chờ mòn chờ mỏi, chờ từ lúc mặt trời vàng ươm cho đến lúc ngả hồng, mẹ nó mới tất bật chạy ra. Trông mẹ già đi nhiều, quần áo cũng không tươm tất như lần trước gặp. Nó vừa thấy mẹ mà hai mắt đã đỏ, chỉ kịp thốt lên hai tiếng:

"Mẹ ơi!"

"Sao tự dưng lên đây?" Mẹ nó lấy từ trong túi áo ra một bọc giấy, mở ra toàn là bánh chuối rán thơm lừng, dúi hết vào tay nó.

"Con không gọi được cho mẹ. Con nhớ mẹ, muốn đón sinh nhật với mẹ mà chẳng có cách nào liên lạc được."

Mẹ nó thở dài, ánh mắt đã khắc khổ đi nhiều, búng một cái thật nhẹ vào trán nó:

"Lớn bằng từng này rồi, sang năm đủ tuổi đi tù rồi! Sao mà còn ủy mị thế hả con! Mẹ còn phải lo cho cái Hoa, nó bị hở van tim, mấy tháng rồi mẹ chẳng nghỉ ngơi được tẹo nào! Con lớn rồi, phải tự học cách lo cho mình đi, đừng cứ tìm mẹ mãi!"

Cái Hoa là con chung của mẹ và chồng mới, từ lúc mới sinh sức khỏe đã ốm yếu, làm mẹ phải lo nhiều. Thằng Thành biết mình đã lớn, đến tuổi này có nhiều đứa đã đi làm lo cho mẹ cha. Nó không dám đòi mẹ phải âu yếm nó, vuốt ve nó như thời còn bé; nhưng nó cũng thấy chạnh lòng và buồn đau buồn đớn khi mẹ nó đã không còn coi nó là ưu tiên hàng đầu nữa.

"Nhưng từ lúc mẹ đi, chẳng có năm nào con được đón sinh nhật với mẹ cả", nó không biết đòi hỏi cái gì, chỉ đành bật ra một thứ thật gần trong đầu mà nói.

"Con à, lớn rồi người ta đôi khi chẳng nhớ sinh nhật mình nữa đâu."

Thằng Thành cúi đầu không dám khóc. Nó tranh thủ cắn một miếng bánh chuối, hương vị của mẹ nóng hổi thơm lừng, lấp đầy khuôn miệng đắng chát của nó. Nó nhớ cơm mẹ nấu, thèm cơm mẹ nấu. Nhưng nó cũng không thể đòi, nó cứ trầm lặng ngồi ăn hết đống bánh chuối mà khi xưa nó chỉ cần ăn đến cái thứ hai là đã chê ngấy.

Bỗng có một bàn tay to lớn gạt mạnh bọc bánh chuối trong tay nó. Thằng Thành ngẩng đầu lên, chưa kịp định thần đã nghe thấy tiếng chửi oang oang:

"Đấy, tôi biết ngay mà! Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng! Cả ngày cứ chăm chăm vào con Hoa yếu ớt bệnh tật, đến một nồi cơm cũng không chịu nấu tử tế cho nhà tôi ăn! Đéo hiểu sao bố tôi lại lấy cái của nợ này về, để nó đẻ thêm cái của nợ khác! Tôi bảo dì tối nay làm cơm để tôi còn mời cái Linh qua ăn cơ mà! Còn chưa mua cả gạo, thế mà mới sểnh ra đã rán bánh cho con trai cưng ăn rồi cơ đấy! Tôi biết ngay dì chẳng tử tế gì, có khi dì còn lấy tiền bố tôi về nuôi thằng ranh này! Làm thế đéo nào mà tiền bố tôi kiếm về lại cứ bay nhanh thế chứ, dì ăn trộm phải không?"

Thằng Thành nghe thấy mà nóng cả máu, đứng lên chỉ thằng vào mặt thằng Lân - con chồng mới của mẹ mà dọa lại:

"Mày ăn nói cho cẩn thận, tao đấm vỡ mồm mày bây giờ!"

"Mày dám? Mày dám?" Thằng Lân xông lên định đánh thằng Thành mà lại bị anh Hách đứng phía sau giật lại, loạng choạng mất đà mà suýt ngã.

"Lớn bằng từng này tuổi rồi mà đưa gái về nhà lại bắt mẹ kế nấu cơm. Mày đánh nhau giỏi nhỉ, có giỏi thì đánh chú cho chú xem nào?"

Thằng Lân trợn trừng mắt, thấy lực cổ tay Hách vẫn còn dồn thành một cục sau lưng mình, nghẹn cứng họng mà giật người lùi về sau, trước khi đi còn chửi nốt một câu:

"Bây giờ tôi mách ngay ông bà là dì vẫn còn dây dưa với cái nhà này!"

Mẹ thằng Thành hốt hoảng dúi vào tay nó vài tờ tiền nhàu nhĩ, hướng về phía anh Hách mà nói: "Thôi, hai người về đi! Lát ông bà nhà tôi ra lại khốn!" Rồi lại vội vã vỗ vỗ lưng thằng Thành ba cái, "Chăm học nhé con, cố gắng thi Đại học ở thủ đô nhé!"

Nói rồi mẹ không để nó kịp nói câu tạm biệt mà đã vội vã rời đi, ra đến cửa quán còn quay lưng lại nói vọng vào:

"Cậu dạy con tôi cho cẩn thận, đừng để con tôi lây cái tính bê đê!"

***

Thằng Thành buồn bã leo lên xe buýt, suốt cả chuyến đi không thèm quay sang nói với bố dượng một câu. Nó đưa mắt nhìn theo những ngôi sao sớm trên bầu trời xanh lơ, nhìn theo cả những cánh én từ phương Nam bay về cho đến khi tầm mắt chỉ còn lại một mảng tím ngắt.

Một giọt nước mắt cũng không dám rơi, nó sợ bất kì ai nhìn vào cũng bảo nó lớn rồi mà vẫn ủy mị. Nó chất vấn mẹ nó chuyện không nghe điện thoại, mẹ nó lại ngó lơ. Chắc mẹ nó đổi số, cố tình đổi số.

Nó buồn lắm, mẹ nó vẫn còn thương nó nhưng nó vẫn buồn. So với việc dành thêm sự quan tâm cho nó thì việc lấy lòng nhà chồng vẫn là quan trọng hơn, vì mẹ nó sống chung với nhà chồng mỗi ngày chứ đâu phải sống với nó.

Thế là thằng Thành nghĩ, nó phải bớt gặp mẹ đi.

Bố dượng hiểu tâm trạng của nó, và nó rất biết ơn vì dượng không nói gì.

"Cảm ơn dượng nha", gần về đến nhà nó mới thở ra được một câu hoàn chỉnh.

Dượng nó không dưng lại bỡn cợt với nó:

"Cảm ơn làm gì, lo mà giấu thằng cha mày ý! Ông ý biết lại mắng cho cả hai!"

Mà cũng chẳng giấu được "thằng cha" nó, vừa mở cổng ra đã thấy "thằng cha" ngồi chặt vịt trên con ghế đẩu lùn lùn ngoài sân:

"Em và con đi đâu mà về muộn thế?"

Hách vẫy vẫy ra hiệu thằng Thành vào nhà trước, thằng Thành tinh ý sợ ăn mắng nên cũng nhảy tót lên luôn. Anh ngồi xuống xếp mấy miếng vịt được chặt vuông vức vào nồi, trả lời bâng quơ như thể mới làm một việc gì đó đơn giản lắm:

"Thì lên thành phố chơi!"

Hưởng vươn vai đứng dậy, xả nước cho trôi hết phần tiết thừa trên sân. Hắn làm ra vẻ nghi vấn, còn cố tình hỏi dồn bằng giọng điệu nghiêm túc:

"Đâu? Chỗ nào? Mấy thằng lơ xe tuyến hai chiều từ thị xã nhà mình lên tỉnh anh đều quen hết đấy nhé!"

Biết không giấu được, Hách mới bĩu môi:

"Em đưa thằng Thành đi gặp chị Mai."

Thì đoán đúng ngay, Hưởng đỡ lấy chiếc nồi nặng trịch từ tay Hách, tặc lưỡi trách móc:

"Anh đã bảo là chuyện gặp mẹ nó phải để anh quyết cơ mà! Sao em lại tự tiện thế! Em đi gặp cái Mai làm gì, nó toàn ăn nói độc địa!"

"Ối giời ơi, mấy lời độc địa chồng nghe được thì em cũng nghe được chứ! Chồng mới phải xem lại mình đi, đi suốt ngày, con nó cũng than chồng đi gì mà đi lắm thế kìa! Tiền nhà mình có đến mức đói ăn đâu! Mà đã nói vịt để em chặt cho, chồng chặt làm gì cho khổ!" Hách rửa tay xong thì vắt tay ngang hông chồng mà ôm, giở giọng trách ngược lại ông chồng đã cận nặng còn hay tranh việc chặt vịt.

Chồng anh cũng chẳng nỡ giận anh, chỉ khoát tay nói cho qua:

"Anh lại chẳng muốn em nghe mấy lời khó nghe của nó!"

Hách nhớ lại lời dặn dò cuối cùng của mẹ thằng Thành, trong lòng cũng chẳng buồn để bụng vì bây giờ mười người hết chín người nghĩ thế. Anh nghĩ vợ trước của chồng cũng có cái khổ, tiến bước nữa để hạnh phúc hơn chứ hóa ra cũng không sướng thêm được bao nhiêu. Anh thở dài, đấm một cái nhẹ hều vào vai chồng:

"Chồng lại cứ nói không hay chị Mai! Người ta cũng có cái khổ của người ta, làm gì có người nào khổ mà lại nói ra được toàn lời hay ý đẹp!"

Hưởng nghe thế mới giả bộ bất ngờ:

"Em tự dưng bênh người ta hay thế nhỉ!"

"Chị Mai là mẹ thằng Thành, nhưng cũng là dì ghẻ của thằng Lân, là vợ của bố thằng Lân. Thằng Lân mới tí tuổi mà đã manh nha cái tính gia trưởng, chị Mai cũng có cái khó của chị ý! Đâu phải đứa con chồng nào cũng thương người mới như thằng Thành nhà ta!"

Hưởng ưng lắm, gật gù trêu vợ:

"Em nói hay quá nhỉ, thế em cảm ơn thằng Thành chưa?"

"Em mà cần cảm ơn á? Có chồng ấy, chồng mới phải cảm ơn! Nhận việc thêm ít thôi, ở nhà với con nhiều nhiều tí!"

Hai người lớn đi cạnh nhau cười khì khì, quãng đường từ sân vào nhà mà đi lâu như thể thằng Thành đi học. Tay Hách vẫn cứ vắt qua eo Hưởng, người thì không lùn hơn người ta bao nhiêu mà đầu vẫn cứ quay sang tựa vào vai người ta mới chịu. Cảnh tượng quen thuộc này, so ra với nhiều năm về trước cũng ở khoảng sân này, phải nói là hiếm thấy.

Thằng Thành đứng trên tầng hai, cửa sổ hơi hé, đủ để nó nghe được mấy ý chính trong cuộc hội thoại nhẹ tênh của bố Hưởng và dượng Hách. Nó vẫn buồn, buồn vì cuộc sống mới của mẹ, vì một vài thứ vặt vãnh khác. Mà nếu mẹ nó vẫn ở đây, nếu bố không nói chuyện với mẹ như cách bố nói chuyện với dượng, thì có khi nó còn buồn kinh khủng hơn.

Mười bảy tuổi, thằng Thành ép bản thân phải tự chấp nhận rằng: cuộc đời này chẳng trọn vẹn.

Nó mở chiếc điện thoại dượng tặng, lặng thinh trước mấy con số lạnh ngắt, chậm chạp xóa đi dòng số điện thoại cũ của mẹ - dòng số mà nó đã thuộc làu làu suốt bảy năm qua.

***

Hưởng nghe lời Hách đến lạ, ra Tết đã từ chối hết những công việc làm thêm ở mấy nhà máy nhỏ khác, cuối tuần về nhà với con. Hắn rủ thằng Thành đi đánh bóng chuyền, bị cướp sân thì sang đánh bóng rổ, bị đuổi thì trèo qua đê câu cá. Hắn cho thằng Thành nhiều tiền hơn, chiều thằng Thành nhiều hơn vì tình yêu của đời hắn bảo hắn đừng ngần ngại làm như thế.

Thằng Thành vẫn nghe lời mẹ, không chủ động nói với bố đưa đi gặp mẹ, lại càng không thể hiện ra ngoài sự cảm kích với bố. Nó nghĩ mẹ nó nói đúng, nó lớn rồi, sao lại ủy mị làm gì. Mà nó biết bố nó cũng không cần đến sự ủy mị của nó để biết nó cảm kích bố; nó hay xoa bóp lưng cho bố, cũng hay giặt tất cho bố, nó làm thế và để đấy cho dượng đi giải thích với bố rằng đấy chính là sự cảm kích.

Trong nhà có dượng là được rồi, bố và nó đều là kiểu người sợ hãi việc biểu hiện tình yêu ra ngoài cho đối phương. Đó cũng là lí do mà bố nó cứ đi vắng miết, nghĩ kiếm tiền nuôi nó là đủ; còn nó thì lúc nào cũng nói trống không với dượng, cứ sợ dượng biết là nó mến dượng lắm.

Dượng rất đáng để nó mến. Từ khi bố nó bớt nhận việc đi, hai bố con cũng có gần gũi hơn nhưng có nhiều chuyện không phải cứ nói thẳng là được. Mà dượng lại rất hay ở chỗ: bố nó và nó chẳng cần nói thẳng cái gì, dượng tự biết. Ví dụ như sát ngày sinh nhật mẹ nó, dượng hỏi nó có định tặng gì cho mẹ không, dượng sẽ giúp nó gửi lên tỉnh mà không bị nhà chồng mới của mẹ săm soi.

Nó lại bảo thôi, dây dưa nhiều với mẹ sợ nhà chồng mẹ lại khó dễ mẹ. Bao giờ có dịp thì nó tự hẹn gặp mẹ cũng được, một năm một lần là đủ, không nhất thiết phải một năm mấy lần.

Dượng mới xoa đầu nó:

"Sang năm đủ mười tám tuổi rồi, thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm. Không gặp cũng không sao, nhưng cũng phải tìm cách hiện diện trong cuộc đời mẹ để mẹ cảm thấy con trai nhỏ của mình bây giờ cũng có thể làm chỗ dựa cho mình. Con suy nghĩ tặng quà cho mẹ đi. Ít cũng nên mỗi năm tặng mẹ một bộ đồ mới, vì thằng Lân không thích mẹ còn cái Hoa thì còn nhỏ, con không tặng thì ai tặng?"

Và dượng dúi vào tay nó một mẩu giấy nhỏ. Nó không hỏi, nó tự biết dượng đã kiếm được ở đâu ra số điện thoại mới của mẹ, dượng cũng mong mẹ nó được hạnh phúc, có thế thì nó mới hạnh phúc trọn vẹn.

Thằng Thành lưu số mẹ, đến mười hai giờ không bấm gọi mà chỉ gửi một dòng tin nhắn ngắn gọn:

"Chúc mừng sinh nhật mẹ."

***

Ngày mồng sáu tháng sáu, thằng Thành đi học thêm về, vừa vứt dép lên kệ đã ngay lập tức chạy vào hỏi bố đâu.

Dượng nó khệ nệ bê chậu đồ mới giặt từ nhà tắm ra, đặt một cái "oạch" trước sân, vừa thở hổn hển vừa mắng:

"Hỏi tao thằng cha mày đâu, tao cũng chịu! Lại đi, lại đi nữa rồi đấy! Cứ phải nhằm vào mấy ngày quan trọng mà đi! Tao phải sớm bỏ thằng cha mày mới được!"

Thằng Thành cười ha hả, lôi từ trong bâu quần một gói bánh đúc nham nhở, ném về phía dượng. Dượng nó hết hồn bụp lấy gói bánh, mắng cho một câu:

"Của nợ!"

Nó xỏ lại dép, chạy ra sân kéo dượng vào nhà, quăng lại một câu rồi quay sang bê chậu đồ hướng về phía có nắng:

"Bánh đúc đó dượng! Còn nóng á, dượng tranh thủ ăn đi! Đồ để con phơi cho!"

"Báu quá nhỉ!" Hách bảo thế nhưng cũng cầm bánh vào nhà, trịnh trọng đặt bánh lên đĩa, cẩn thận mở bánh ra ăn.

Bánh đúc nóng hổi, cắn một miếng đã thấy lợn cợn bột. Thế này là bánh tự làm rồi, hôm nay chắc kèo thằng Thành bỏ học đến nhà đứa nào đấy làm bánh tặng mình đây mà! Hách nghĩ vậy chứ cũng ăn trong vui vẻ, mà ai ngờ cái vui nó không được lâu được dài:

"Giời đất ơi! Con bỏ xương gà vào đây làm gì thế hả Thành?"

"Mấy đời bánh đúc có xương, dượng chịu khó ăn đi! Kiếm khắp cái thị xã này cũng không lấy đâu ra cái thứ hai!"

Hách nhìn theo bóng thằng Thành đang khom người giũ đồ ngoài sân, chậm rãi ăn từng miếng bánh đúc lợn cợn.

Buổi chiều êm như ru, anh trộm mong rằng thằng Thành mai sau có thể trưởng thành thật mạnh khỏe và hạnh phúc.

.END.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro