Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1986

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tuyên bố độc lập

Ngày 11 Tháng 3 năm 1945 khi quân đội Nhật Bản làm cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Bảo hộ của Pháp, được sự hậu thuẫn và kiểm soát của Nhật, hoàng đế Bảo Đại ban ra một chiếu chỉ với nguyên văn:

"Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một quốc gia độc lập."

Trần Trọng Kim được bổ nhiệm làm thủ tướng một chính phủ mới với danh xưng Đế quốc Việt Nam, nhưng hầu hết quyền lực của chính phủ này do lực lượng quân quản Nhật nắm giữ. Đến ngày 14 tháng 8 năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, chính quyền Trần Trọng Kim mất chỗ hậu thuẫn đã không kiểm soát được tình thế, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ. Quyền lực của Pháp - Nhật không còn, tạo nên một khoảng trống quyền lực chính trị trên cả nước.

Đúng thời điểm này, lực lượng Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tổ chức thành công cuộc Cách mạng tháng Tám, giành lấy quyền lực ở hầu khắp các tỉnh tại Việt Nam (trừ một số tỉnh biên giới giáp Trung Quốc). Quyền lực của phát xít Nhật không còn, chính quyền Đế quốc Việt Nam sụp đổ sau hơn 5 tháng tồn tại, hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập và thống nhất từ miền Bắc tới miền Nam. Đầu năm 1946, một cuộc bầu cử toàn quốc đã được tổ chức. Việt Minh chiếm ưu thế, song các phe phái khác cũng được mời tham gia chính phủ một cách rộng khắp. Quốc kỳ được chọn là cờ nền đỏ, sao vàng năm cánh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình

Chiến tranh Đông Dương

Tuy nhiên, nền độc lập của Việt Nam bị đe dọa chỉ sau 2 tuần. Ở miền Bắc, Đồng Minh chỉ định quân đội quốc gia Trung Hoa giải giới Nhật Bản. Quân Trung Hoa duy trì ở đó đến tháng 5 năm 1946 rồi chuyển giao cho Pháp trong sự chịu đựng của chính quyền Hồ Chí Minh. Ngược lại, ở miền Nam, quân Nhật được giải giới bởi quân Anh-Ấn. Sau đó, quân Anh-Ấn đã chuyển giao miền Nam cho Pháp khi Pháp trở lại miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1945. Trong suốt năm 1946, chính quyền Hồ Chí Minh đàm phán hòa bình với Pháp, mặc dù vậy hai bên cũng chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh. Chiến tranh giữa Việt Minh và thực dân Pháp bùng nổ tháng 12 năm 1946.

Vào đầu năm 1947, Pháp có vẻ thắng thế và nắm được toàn bộ các đô thị lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Minh kiên trì với chiến lược "chiến tranh nhân dân" và chiến thuật du kích, tổ chức và đào tạo dân chúng cho một cuộc chiến vũ trang lâu dài. Tới năm 1949, để giảm bớt gánh nặng, Pháp đàm phán với các chính trị gia người Việt không ủng hộ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Minh lãnh đạo. Pháp chấp nhận ký hiệp ước công nhận sự ra đời của một nhà nước mới là Quốc gia Việt Nam. Người đứng đầu nhà nước này là Quốc trưởng Bảo Đại, với cờ Quẻ Càn là quốc kỳ. Chính quyền này có sự tham gia của các quan lại cũ thân Pháp. Được Pháp hỗ trợ tài chính và vũ khí, Quân đội Quốc gia Việt Nam tích cực góp quân tham gia cùng Pháp hòng dập tắt phong trào Việt Minh.

Hoàng đế Bảo Đại

Năm 1950, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô bắt đầu trợ giúp Việt Minh vũ khí. Bên kia, Pháp được Mỹ hậu thuẫn, hỗ trợ phần lớn chiến phí, nhưng đầu thập niên 1950, thế trận của Pháp bắt đầu yếu đi ở Đông Dương. Thất bại ở trận Điện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954 đã kết thúc hoàn toàn nỗ lực của Pháp và Mỹ nhằm giữ Việt Nam và toàn bộ Đông Dương.

Đất nước chia cắt

Sau trận Điện Biên Phủ, các bên tham chiến đã họp tại Genève năm 1954 để tìm kiếm phương cách giải quyết chiến tranh. Kết quả Hiệp định Genève được ký kết với nội dung là đình chiến và tạm thời phân chia Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự tạm thời có ranh giới tại vĩ tuyến 17. Miền Bắc là nơi tập kết của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh. Miền Nam là nơi tập kết quân của Liên hiệp Pháp (bao gồm Quốc gia Việt Nam). Theo Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định, sau 2 năm, khi Pháp rút quân xong thì cả 2 miền sẽ tổ chức tuyển cử để thống nhất đất nước. Dân chúng có quyền lựa chọn cư trú tại miền Bắc hoặc miền Nam. Khoảng 1 triệu người, đa số theo Công giáo và ở miền Bắc đã di cư vào Nam.

Chính quyền Hồ Chí Minh xem Hiệp định Genève là một thắng lợi quan trọng vì Hiệp định này quy định một cuộc tổng tuyển cử để thành lập một quốc gia thống nhất. Họ tin rằng mình sẽ thắng cử vì uy tín rộng khắp của Hồ Chí Minh lúc đó. Tuy nhiên cuộc tuyển cử đã không bao giờ diễn ra. Pháp rút quân, tổng thống Mỹ Eisenhower được báo cáo của CIA cho biết khoảng 80% người Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu mở cuộc tổng tuyển cử và hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm thành lập một chính thể riêng biệt ở phía Nam vỹ tuyến 17, không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam. Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đây là hành động phá hoại Hiệp định Genève.

Hiệp định Genève, 1954

Ở miền Bắc, chính quyền Hồ Chí Minh kêu gọi những giá trị mang tính cộng đồng, hướng lên xã hội chủ nghĩa, bao gồm nông nghiệp tập thể. Đa số dân chúng đã ủng hộ hết mình cho chính quyền Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một số sai lầm đã diễn ra, như cuộc cải cách ruộng đất trong thập niên 1950 đã đưa hàng ngàn người thuộc diện địa chủ ra đấu tố, cầm tù hoặc xử tử đã tạo ra sự xáo trộn đời sống xã hội miền Bắc trong giai đoạn đầu. Mặt khác một số nhà văn, nhà báo của phong trào Nhân văn Giai phẩm phải đi cải tạo, kiểm điểm hoặc cho thôi việc, treo bút vì viết bài không đúng ý nhà cầm quyền.

Năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng trong cuộc Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, cho phép ông lên làm Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam và sau này trở thành Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa. Bảo Đại phải lưu vong sang Pháp. Mỹ bắt đầu giúp chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng cải cách điền địa, cũng như củng cố quân đội để giữ vững chính thể. Vào năm 1959, số người Mỹ tại miền Nam Việt Nam chỉ vào khoảng vài trăm người, dưới hình thức là các "cố vấn" cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên những xáo trộn chính trị vào cuối thập niên 1950 tạo nên sự bất ổn lớn trong xã hội miền Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đầu thực thi những chính sách "Tố cộng, Diệt cộng", nhiều cuộc thảm sát xảy ra như Vĩnh Trinh, Hướng Điền (Quảng Trị), ở nhà tù Phú Lợi (tàn sát hàng nghìn tù nhân tình nghi là người cộng sản hoặc thân cộng bằng cách bỏ độc vào cơm ăn, nước uống). Các cuộc biểu tình của Phật giáo vốn chiếm số đông trong các tầng lớp dân chúng cũng bị đàn áp, gây mâu thuẫn tôn giáo sâu sắc.

Chiến tranh Việt Nam

Từ năm 1959, tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời và được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuẫn. Đầu thập niên 1960, lực lượng vũ trang của Mặt trận này là Quân Giải Phóng Miền Nam đã tấn công rộng lớn ở nông thôn miền nam, và mở nhiều vụ tấn công ở Sài Gòn. Hoa Kỳ tăng cường viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa và gửi 17.500 "cố vấn" đến Việt Nam.

Tuy nhiên những mâu thuẫn giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với phật giáo Việt Nam cùng với việc chống Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không đạt mục tiêu, Hoa Kỳ quyết định thay đổi chính quyền Ngô Đình Diệm bằng cách ủng hộ lực lượng quân đội. Tướng lĩnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đảo chính và ám sát Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa và thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa. Sau sự kiện này Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng hòa.

Lính Việt Nam Cộng hòa

Trên chiến trường, Quân lực Việt Nam Cộng hòa liên tiếp gặp thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt. Để cứu vãn tình thế, sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào tháng 4 năm 1964, tổng thống Mỹ Johnson có cớ ra Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, theo đó gửi quân đội Mỹ đến Việt Nam trực tiếp tham chiến. Bắt đầu từ tháng 3 năm 1965 lần lượt các đoàn quân được chuyển tới chiến trường Việt Nam cùng với khoảng 20.000 "cố vấn" đã có từ trước, số lượng quân đội đội Mỹ lên tới khoảng 540.000 người vào thời điểm cao nhất. Chiến tranh bùng nổ ác liệt năm 1964 ở khu vực Nam Việt Nam, các vùng biên giới với Campuchia và Lào, và các trận không kích của Mỹ đánh vào miền Bắc Việt Nam. Một bên chiến cuộc là Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ và các đồng minh Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, New Zealand, Philippines tham chiến trực tiếp. Một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham chiến, còn Liên Xô và Trung Quốc chỉ cung cấp viện trợ quân sự và lực lượng cố vấn.

Sau giai đoạn đảo chính liên tiếp, năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa. Ở miền Bắc, Lê Duẩn là lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969.

Đầu năm 1968, quân đội Nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng tấn công chiến dịch Tết Mậu Thân vào hầu hết các thành phố chính ở miền Nam Việt Nam, tuy họ thất bại về mặt chiến thuật nhưng đã đạt mục đích: khiến cho Chính phủ và dân chúng Mỹ mất lòng tin vào khả năng chiến thắng của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Bộ đội hành quân trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968

Tới tháng 11 năm 1968, Johnson tuyên bố dừng hoàn toàn "tất cả cuộc không kích, pháo kích và hải chiến với Bắc Việt Nam" và đồng ý ngồi vào đàm phán. Tuy nhiên một năm sau tổng thống kế nhiệm Richard Nixon thông báo Mỹ quay trở lại, Nixon và cố vấn Henry Kissinger cho ra đời chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Vào tháng 6 năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cùng với chiến sự ở chiến trường, cả hai bên đều tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến tranh thông qua các cuộc hội đàm ở Paris. Mãi đến tháng 1 năm 1973, Hiệp định Hòa bình Paris mới được ký giữa Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam sau sự thất bại nặng nề của Mỹ trong các cuộc không kích vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác ở miền Bắc Việt Nam do không lực Hoa kỳ tiến hành cuối năm 1972.

Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã tấn công vào quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát và chiếm đóng hoàn toàn quần đảo này

Sau hiệp định Paris 1973, quân viễn chinh Mỹ rút khỏi Việt Nam - điều khoản đầu tiên của hiệp định công nhận sự "độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" của Việt Nam. Các điều khoản khác là đình chiến và giữ lãnh thổ của mỗi bên trước khi đình chiến, tổng tuyển cử để xác định chính quyền tương lai ở miền Nam. Hiệp định nói rõ Hoa Kỳ phải triệt thoái quân hoàn toàn trong vòng 60 ngày.

Hiệp định Paris năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Báo Đồng Nai điện tử

Mặc dù đã có hiệp định nhưng Chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp diễn, quân đội hai bên tại Nam Việt Nam không công nhận điều khoản đình chiến trong hiệp định Paris. Nhưng với sự rút quân của Hoa Kỳ cùng với những điểm yếu nội tại của mình, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không thể duy trì được lâu. Đến giữa tháng 3 năm 1975, quân đội Nhân dân Việt Nam mở cuộc tấn công ở Tây Nguyên, khởi đầu những chiến dịch nối tiếp nhau. Quân Việt Nam Cộng hòa liên tục để mất Tây Nguyên rồi Huế, Đà Nẵng sau chưa đầy 1 tháng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm được Sài Gòn, chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng.

Thống nhất

Ngày 25 tháng 4 năm 1976, hai miền của Việt Nam được thống nhất thành một quốc gia có tên chính thức là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dự Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp quốc năm 1977.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như: chủ trương thống nhất mọi mặt theo tiêu chuẩn miền Bắc (thí dụ, kế hoạch xã hội hóa toàn bộ kinh tế miền Nam nhằm hợp nhất với kinh tế miền Bắc); các cuộc tấn công liên tục của quân đội Khmer Đỏ, thiên tai và lũ lụt năm 1977 và 1978, Trung Quốc tấn công ở phía Bắc, di chứng chiến tranh như chất độc da cam... đã làm cho quốc gia mới này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, đời sống sút kém gây ra một làn sóng người vượt biên ra nước ngoài bắt đầu từ năm 1978. Từ tiếng Anh boat people (thuyền nhân) lần đầu tiên xuất hiện cũng do sự kiện này.

Đầu thập niên 1980, khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam trở nên gay gắt trầm trọng, tỉ lệ lạm phát lên đến 774,7% vào năm 1986. Những khủng hoảng này đã gây sức ép đổi mới cả về chính trị và quản lý kinh tế.

Xung đột vũ trang với Campuchia Dân chủ, Trung Quốc

Sau chiến tranh Việt Nam, Việt Nam và Campuchia xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Tháng 5 năm 1975, quân đội Khmer đỏ đã tấn công đảo Phú Quốc và Thổ Chu của Việt Nam. Từ năm 1975-1978 tranh chấp và xung đột biên giới xảy ra thường xuyên, với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, quân đội Khmer đỏ nhiều lần tiến hành các cuộc đột kích vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, theo thống kê có khoảng 30.000 thường dân và hàng nghìn quân lính Việt Nam bị quân đội Khmer đỏ giết hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới trong thời gian này.

Vào tháng 12 năm 1978, quân Khmer đỏ mở các cuộc tấn công lớn vào các tỉnh biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang, thị xã Hà Tiên bị chiếm. Quân đội Việt Nam tổ chức phản công, tới ngày 7 tháng 1 năm 1979 họ tiến quân vào thủ đô Phnom Penh đánh đuổi Khmer đỏ. Ngày 8 tháng 1, với sự hậu thuẫn của Việt Nam, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia được thành lập do Heng Samrin làm chủ tịch. Khoảng mười ngày sau, hội đồng này ký một hiệp ước với Việt Nam, hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên đất Campuchia. Tới năm 1989, quân đội Việt Nam rút về nước.

Xương cốt các nạn nhân chế độ diệt chủng Pol Pot

Sự kiện Việt Nam phản công và lật đổ chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia là một cái cớ để Trung Quốc vốn ủng hộ chế độ Khmer đỏ có lý do tấn công xâm lược Việt Nam với tuyên bố của Đặng Tiểu Bình "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam một bài học". Ngày 17 tháng 2 năm 1979, với một lực lượng khoảng 400.000 quân, Trung Quốc đã bất ngờ tất công vào các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ Móng Cái tới Lào Cai, sau 3 tuần đã chiếm được thủ phủ các tỉnh này. Sau sự yếu thế ban đầu, Việt Nam đã tổ chức phản công lại và cùng với những quân đoàn thiện chiến được chuyển từ chiến trường Campuchia ra đã dần giành lại được lợi thế, tới ngày 18 tháng 3 năm 1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân.

Sự kiện này đã gây nên cuộc khủng hoảng "nạn kiều" ở trong nước. Đầu thập niên 1980, nhiều người Hoa và Việt gốc Hoa chạy khỏi Việt Nam về Trung Hoa hoặc gia nhập nhóm "thuyền nhân" chạy sang nước khác. Cuộc chiến này cũng đưa tới việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hơn 13 năm sau tới năm 1992, hai nước mới bình thường hóa lại quan hệ ngoại giao.

Cũng trong thời gian này, tháng 3 năm 1988 Trung Quốc mở cuộc hải chiến vào các bãi đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và chiếm đóng Gạc Ma.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro