ÔNG ĐỒ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi đi học thêm môn ngữ văn vào ngày nghỉ hè đầu tiên sau khi kết thúc lớp 5. Chả thể tin nổi, vừa kết thúc một năm học, kết thúc một hành trình của đứa trẻ tiểu học, và điều đầu tiên tôi có được là đến lớp học thêm. Đến tận ngày hôm nay tôi vẫn còn cái cảm giác khó hiểu và buồn bã pha lẫn một chút hụt hẫn của ngày ấy. Để tôi nhớ lại nào, chỗ đó là một căn nhà nằm trong một con hẻm nhỏ và cái hẻm mà tôi gọi là nhỏ ấy, lại nằm nêm trong một cái hẻm lớn. Và cái "hẻm lớn" ấy nằm thì trên đường Minh Phụng, quận 11. Nôm na là hẻm trong hẻm mà thôi. Chắc cũng chả khó hiểu cho lắm.

Hôm ấy là buổi sáng, tôi đang phè phởn ở nhà thì bất thình lình ba tôi gọi điện về chiếc điện thoại bàn màu trắng và bảo rằng: "Lớp học thêm sẽ bắt đầu từ hôm nay". Và rồi anh trai tôi lấy xe đạp, chở tôi đến lớp với tốc độ rất nhanh, tôi cứ ngỡ đây là lần cuối cùng tôi để ai đó chở mình đi. Điểm đến là một căn nhà hai hay ba lầu gì đó, tôi không nhớ lắm. Bước vào là phòng khách và cũng là phòng học. Căn phòng có thiết kế khá là tây âu, rất hiện đại. Sàn được lót bởi những tấm gạch men giả gỗ. Ghế thì chỉ là những chiếc ghế nhựa, bàn làm bằng gỗ nhưng tách ra. Tức là một người một bàn chứ không phải cái bàn bự rồi tụm hai tụm ba lại ngồi với nhau. So với những lớp học thời đó, thì đây chắc chắn là lớp sang chảnh nhất tôi từng học. Giữa nhà là một tấm bảng trắng có vài dòng chữ viết bằng bút long xanh. Giờ nhớ lại thì thầy bố trí khá là hay khi dùng tấm bảng ấy để tách phòng học (tức là phòng khách) với nhà bếp (phần nửa sau của căn nhà).

Kế bên tấm bảng ấy, là thầy của tôi, thầy có gương mặt vuông, vầng trán cao và có những nếp nhăn chất chồng lên nhau. Đôi mắt đen nhưng nheo lại vì sự khắc nghiệt của thời gian, kèm theo đó còn có những vết chân chim hằn lên. Mũi thầy hơi to và không cao, đôi môi mỏng kèm theo giọng nói khàn và trầm. Lúc nào thầy cũng mặc sơ mi khi đứng lớp, thậm chí còn đóng thùng nữa, thầy lúc nào cũng mang trong mình phong thái của một giáo viên yêu nghề. Tôi cũng không nhớ được những kiến thức đã được tiếp thu ngày hôm đó, vì mọi ấn tượng đều nằm tất cả ở sự xuất hiện bất ngờ của lớp học thêm. Khi ấy, tôi còn không có chuẩn bị được quyển sách Ngữ Văn 6. Chỉ có bút và một quyển tập cũ năm lớp 5, thế nên tôi đành phải xài ké sách giáo khoa của người bạn ngồi kế bên.

Theo lời kể của những đàn anh đi trước, bao gồm cả anh trai của tôi, thì ngày xưa thầy khó lắm. Thái độ không đúng hay thiếu tập trung là bị thầy chỉnh đốn ngay. Nhưng trong trí nhớ của tôi, thầy lại hiền hậu theo một cách nào đó. Cái hình ảnh mà tôi luôn nhớ được là người đàn ông lớn tuổi, tóc hai màu, tay trái cầm tách trà, tay phải cầm một quyển sách chăm chú đọc. Chân thì rung đùi liên tục, lâu lâu miệng nhấp một ít trà, thi thoảng đọc được một bài thơ hay thì thầy lại ngâm thơ cho cả lớp nghe. Cái giọng trầm và khàn khàn ấy của thầy là thứ mà in sâu mãi trong tâm trí của đứa trẻ mười một tuổi ngày ấy. Nhiều lúc nhìn thầy mình mà tôi lại cứ ngỡ là ông thi sĩ yêu đời nào đó. Lúc đó, tôi thấy thầy mình cứ ung dung thế nào ấy, để rồi, bây giờ tôi lại thèm cái cảm giác lắng động đó. Tiếc là tôi lỡ đánh mất cơ hội để hỏi thầy bí quyết của bản thân. Mỗi khi giảng bài, thầy luôn nhấn mạnh vào trọng tâm, nhắc lại những gì quan trọng mà không để ý chính mình đã ho nhiều hơn lúc trước. Chỉ cho học trò cái sai, chỉ cho cách làm hiệu quả hơn mà không để ý những ngón tay đã chai sạn nhiều hơn. Thậm chí thầy còn hay lái câu chuyện sang chủ đề bóng đá vì thầy biết tôi rất thích môn thể thao này, lúc đó dường như chỉ có thầy là thật sự quan tâm tôi thích gì. Sau những lời nói, lời giảng cho học trò trở thành một người học sinh giỏi, thầy còn dạy cho họ cái mà thời đại đang dần lãng quên. Thầy dạy cho học trò mình cách làm người.

Ôn lại kỉ niệm thì với tôi ngày ấy, đơn giản là thằng nhóc trẻ trâu. Trốn học thì tôi không dám, nhưng vô lớp quậy phá thì lại dám. Tôi không quan tâm lời thầy giảng, không làm bài hoặc làm cho có, đã vậy còn sử dụng điện thoại trong giờ học. Rồi đến lúc nào đó, thầy không muốn dạy dỗ một đứa như thế nữa. Ngày hôm ấy thầy tiến đến chỗ tôi, bản thân mình thì vẫn chưa biết gì, tôi cứ nói chuyện với đứa kế bên, tay thì vẫn cầm cái điện thoại. Thầy đập tay xuống bàn, tôi ngơ ngác quay đầu lại nhìn thầy. Gương mặt dịu hiền hôm nào bỗng dưng giận dữ và đỏ ngầu. Thầy chỉ vào tôi và nói "Tôi sẽ gọi cho phụ huynh em". Rồi tôi bị gọi điện cho phụ huynh và tôi không bị đuổi học. Tôi không biết tại sao, tại sao thầy lại giữ một đứa học trò chẳng ra gì. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết được câu trả lời mà muốn biết thì cũng trễ rồi, cơ hội đã trôi qua, cơ hội không còn nữa. Bản thân này khốn nạn thật.

Có một khoảng thời gian, lúc tôi học lớp 8, thầy phải nghỉ dạy vì vấn đề sức khỏe. Kết quả là gần như cả năm ấy tôi không học với thầy nhưng người đàn ông ấy lại chạy đua với thời gian và bệnh tật để có thể mở lớp lại. Năm lớp 9 thì lớp ngữ văn của thầy bắt đầu hoạt động trở lại. Thầy nói rằng mình có trách nghiệm để chèo lái những người học trò của mình đi qua chuyến đò mang tên thi chuyển cấp này. Khi lớp hoạt động trở lại từ mười mấy người giờ chỉ còn lác đác năm, sáu học sinh. Có những người không thể chờ hoặc không biết thầy sẽ trở lại mà rời đi. Nhưng vẫn có vài người sẵn sàng để cho thầy dẫn lối mình một lần nữa, và thầy cũng tiếp tục trách nghiệm của một nhà giáo. Khung cảnh khi ấy hơi vắng vẻ, trông như là những cận vệ trung thành tiếp tục ở lại với vị vua của mình trong một triều đại đang dần đi đến hồi kết. Thật hài hước khi tôi có thể ví von mình như vậy, tại sao tôi lại nghĩ mình có đủ tư cách để nhìn nhận bản thân như thế. Thật nhục nhã.

Sau những ngày đã cũ, tôi cũng tập trung hơn cho việc học hơn nhưng thời gian ở lớp học thêm này cũng ngày một ngắn đi. Và cái buổi học cuối cùng cũng tới, một ngày nắng vàng đầu hè, không khí trong lành và ánh nắng cũng chẳng oi ả. Vẫn như thường lệ, một chiếc sơ mi, quần tây có dây nịt và không quên đóng thùng lại. Ngày ấy thầy giảng nhiều thứ lắm mà thời gian trôi qua cũng rất mau như thể không cho thầy thêm một phút giây nào nữa. Trước khi về thầy cho mọi người vài tờ đề cương, cho mỗi người hai viên kẹo và dặn dò những điều cần thiết trước khi thi chuyển cấp. Tôi cũng không nhớ được ngày cuối cùng tôi có chào thầy một cách đàng hoàng rồi mới về không. Hay trước đó, khi vào lớp học tôi có nói lời gì không, tôi cũng chẳng thể nào nhớ được. Tôi cũng quên luôn lời dặn dò cuối cùng, sau này tôi không gặp lại thầy nữa, ngày Nhà Giáo Việt Nam tôi cũng không quay lại. Tôi chỉ không ngờ, ngày ấy, cái buổi học cuối cùng ấy, lại là lần cuối cũng tôi gặp thầy.

Cái ngày mà tôi biết điểm thi cấp 3, điểm chỉ tầm bảy điểm rưỡi thôi, ba tôi có gọi cho thầy để báo tin. Thầy cười nhiều lắm, còn nói tôi giỏi nữa. Trong năm lớp 10 tôi cũng có khoe với thầy về việc thi môn văn được tám điểm rưỡi và thầy lại cười vui vẻ. Không ngờ lại có ngày thầy lại tự hào vì thằng uất ơ này. Và đó cũng là những kí ức sót lại cuối cùng, mà kí ức chỉ là gián tiếp thông qua ba tôi, chứ tôi cũng chẳng về thăm thầy được một giây nào.

Thấm thoát một cái thì đã 5 năm trôi qua, tôi thì càng ngày càng tệ hơn. Cô đơn một mình, không có định hướng cho tương lai và cũng không muốn suy nghĩ về điều đó một chút nào. Cuối năm 2019, thầy qua đời. Khi nghe tin thì tôi không có nhiều cảm xúc lắm, do cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi. Tôi có hay tin sức khỏe thầy đã rất tệ trong vài năm trở lại đây. Tất nhiên tôi cũng chả thăm hỏi gì thầy. Nhưng khi con người khi đối mặt với sự thật thì điều đó lại rất khó để chấp nhận.

Thầy đã cho tôi quá nhiều thứ, kiến thức, hi vọng, sự tự tin, còn tôi chỉ cho thầy mỗi mấy cái điểm số trống rỗng ấy. Nhưng kể cả có gạt đi hết tất cả những tủi hổ trong quá khứ, tôi lại không đủ can đảm để tới đám tang của thầy, để có thể gặp lại thầy một lần cuối cùng ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro