PHÂN TÍCH [1]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao Hermione sinh nhật vào tháng 9, tức là sau Harry tới hơn một tháng mà cô lại được thi Độn Thổ trước và không bị Bộ Pháp Thuật truy tung trong tập 7. Về vấn đề này, mình xin được giải thích như sau: Hermione nhà chúng ta "hạ phàm" vào ngày 19 thâng 9 năm 1979, thế nhưng do ngày nhập học hàng năm của trường Hogwarts lại quy định là 1 tháng 9 nên khi ấy Hermione chưa đủ tuổi và phải chờ thêm một năm. Chính vì vậy, Hermione chính là chị Cả của nhóm bộ ba và chính thức đạt độ tuổi trưởng thành trước Harry tới gần một năm mà không phải lăn tăn bị Bộ theo dấu lúc "đi dã ngoại" cùng hai người bạn.

Việc Hermione hơn tuổi hai chàng trai trong nhóm thì gần như ai cũng biết rồi, thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng Hermione chính xác thì đã bao nhiêu tuổi chưa? Tạm bỏ qua vấn đề về phép lịch sự khi hỏi tuổi phụ nữ, có bạn nào có thể tự tin khẳng định mình biết chắc chắn tuổi thật của cô bạn này không nhỉ?

Chưa hết, vấn đề tuổi tác của Hermione còn phức tạp ở chỗ: sang năm thứ ba, cô được cho phép sử dụng Xoay Thời Gian để bắt kịp với lịch học dày đặc của mình. Tức là Hermione sẽ có những khi "sống hai lần trong một khoảnh khắc", vậy liệu điều này có thể coi như cô đã già thêm vài tuần/tháng tuổi hay không?

Không ai có thể khẳng định quãng thời gian Hermione bị hóa đá và những lúc cô dùng Xoay thời gian sau khi bù trừ cho nhau thì cái nào lớn hơn. Chính vì vậy, độ tuổi chính xác của Hermione Granger chính là một bí ẩn chưa có lời giải của thế giới này.   


 XOAY THỜI GIAN 

 21.10.2015 – 04:29 PM


Đây là mốc thời gian mà 2 nhân vật – Marty và Doc – trong "Back to the Future" đã "quay trở lại tương lai" với chiếc xe thời gian huyền thoại. Và thiết nghĩ đây là một dịp tốt để đào bới lại khái niệm cùng phương pháp "du hành thời gian" được cô Jo sử dụng trong tập 3 của sê-ri H.P. qua chủ đề:

XOAY THỜI GIAN – LỖ HỔNG CỦA TRUYỆN HARRY POTTER?

Đồng ý là không có gì hoàn hảo, và sê-ri truyện Harry Potter của cô Jo dù có xuất sắc hay vượt quá kỳ vọng đi chăng nữa thì thể nào cũng có một vài điểm bất hợp lý – hay còn gọi là "lỗ hổng". Một trong những lổ hổng được Potterhead chĩa mũi dùi vào nhiều nhất là cái "xoay thời gian" (Time Turner) mà Hermione đã sử dụng trong tập 3 – Tù Nhân Ngục Azkaban.

Sau khi tập 3 được ra mắt công chúng thì đã rất nhiều nghi vấn, giả thuyết và tranh luận về cách sử dụng cái xoay thời gian trong cộng đồng Potterhead. Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần cái xoay thời gian là có thể giải quyết hầu hết các vấn đề nhức nhối của Harry Potter và thế giới phù thủy, tiêu biểu là những tình huống mà ĐÁNG LẼ RA CẦN PHẢI DÙNG xoay thời gian:
- Ngăn lại vụ thảm sát nhà Harry Potter;
- Biết được hung thủ thật sự trong vụ nổ làm thiệt mạng 12 muggles là Peter Pettigrew;
- Ngăn những vụ vượt ngục khỏi Azkaban;
- Làm giảm số thương vong của các Thần Sáng;
- Thủ tiêu/ Giam giữ Tom Riddle trước khi y bước sâu hơn vào Nghệ Thuật Hắc Ám;
- Cứu sống được nhiều người quan trọng khác, vân vân và vân vân.

Tình huống mà xoay thời gian ĐÃ THỰC SỰ ĐƯỢC DÙNG: Tăng tiết.

Tuy nhiên, chính vì đề cập đến một trong những đề tài gây tranh cãi nhiều nhất, nên cô Jo đã phải viết thêm và làm rõ những chi tiết về liên quan đến việc du hành thời gian trong Harry Potter như sau:
(1) Cô cho cụ Dumbledore và Hermione nhấn mạnh độ nguy hiểm của việc bị nhìn thấy trong quá khứ, để nhắc cho người đọc rằng có rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng khôn lường bên trong việc du hành thời gian và cũng có rất nhiều giải pháp khác nhau;
(2) Cô đã cho Hermione trả lại cái Xoay Thời Gian duy nhất từng đặt chân vào Hogwarts;
(3) Cô đã phá hủy hết toàn bộ những cái Xoay Thời Gian trong trận chiến tại Sở Bí Mật, loại bỏ hết các khả năng có thể du hành lại từ tương lai, thậm chí là trong những khoảng thời gian rất ngắn.

Chưa kể, theo cô Jo và Pottermore, khi được dùng Xoay Thời Gian, thì người sử dụng cũng cần lưu ý những điều sau:
(1) Để quay lại quá khứ mà không để lại bất cứ tổn hại nào nghiêm trọng cho người sử dụng cũng như chính bản thân thời gian, thì thời gian được quay trở lại với cái Xoay Thời Gian tối đa là 5 tiếng;
(2) Đã có nhiều trường hợp dùng hơn 5 tiếng và tất cả đều có kết cuộc bi thảm: Như Eloise Mintumble qua trở lại 5 ngày vào năm 1402, cô này không chỉ bị chết mà còn làm cho những cuộc đời của những ai mà cô từng gặp thay đổi trầm trọng, có người còn bị mất hơn 25 hậu duệ trong phả hệ vì chúng đã bị "un-born" (chưa bao giờ được sinh ra);
(3) Bộ Pháp Thuật đã xiết chặt việc sử dụng cái Xoay Thời Gian với những điều luật gắt gao nhất có thể: Bộ chỉ dùng nó trong trường bất khả kháng cần tìm những đồ vật hiếm và đầy quyền lực thôi.


  LIỆU PERCY WEASLEY ĐƠN THUẦN LÀ MỘT THẰNG ĐẦN MÊ-BỘ, HÁM-DANH, PHẢN PHÉ?

Những gì chúng ta có thể suy ra được về tính cách Percy từ truyện:
• Là người cực rập khuôn và theo sách vở: Percy yêu thích việc học và tuân thủ nội quy hơn bất cứ việc gì, nói cách khác là một phiên bản nam của Hermione thời kì đầu; lúc sau Hermione phá luật cũng tanh banh rồi còn Percy sau 7 năm học đến tận khi đi làm vẫn duy trì "phong độ";
• Cầu toàn quá mức cần thiết: Điển hình là vụ ảnh vùi đầu nghiên cứu mấy cái độ dày của đít vạc nhập khẩu từ nước ngoài;
• Con ngoan trò giỏi: Luôn giữ vững thành tích học tập đáng nể, là Huynh Trưởng sau đó Thủ Lĩnh Nằm Sình, mới ra trường được tuyển thẳng vào Bộ Pháp Thuật (dù là làm ba cái việc gì đâu không); và chính vì thói ưa kỷ luật nên Percy chẳng bị dính vào những rắc rối như Fred & George khi còn đi học, cùng với bảng điểm rạng ngời nên anh không hề làm bà Molly phiền lòng chút nào;
• Ham quyền lực và danh vọng: Điều này thể hiện qua (1) khi còn ở trong trường, ảnh hay khoe mẽ, nhá nhá mấy cái huy hiệu, cộng với việc nêu chức danh của mình ra mọi lúc có thể, và (2) khi đi làm, ở tập Chiếc Cốc Lửa, Percy biết về Kỳ Thi Tam Pháp Thuật trước cả tụi Harry, nhưng cứ úp úp mở mở làm như tối quan trọng lắm, đến tập Mệnh Lệnh Phượng Hoàng thì lại theo phe của Bộ Pháp Thuật và chối bỏ gia đình và cứ thế mà tệ hơn đến mãi tập Bảo Bối Tử Thần mới chịu chấn chỉnh.

Tóm gọn là thì hình ảnh Percy xuất hiện trong suốt sáu tập của truyện đúng nghĩa là cái "mụn nhọt ở mông": Thế nên ảnh là một trong những chủ đề/ vật thể ưa thích của những trò đùa từ Fred & George cùng các anh em khác trong gia đình (sau này Ginny cũng gia nhập đội ngũ châm chọt Percy). Và như Fred đã nói, Percy là một "thằng khớ mê Bộ, chối-bỏ-gia-đình, thèm-khát-quyền-lực" và còn là "một thằng ngốc, thằng đần rỗng tuếch" theo như lời ảnh tự nhận.

Nhưng mà, Percy lại là một trong những nhân vật mình ưa nhất truyện. Đúng là có nhiều lúc ảnh khốn thật, nhưng những điều sau đây khiến cho sự điên khùng, dị hợm, hám danh, và phản bội của Percy có thể thấu hiểu, và một vài cái thì chắc chắn tha thứ được.

Cầu toàn, "mọt sách", và nguyên tắc là những tính cách đặt biệt. Thế nên, chẳng có gì là xấu khi muốn mọi thứ hoàn hảo và quy củ; hơn nữa, việc muốn dùng kiến thức từ sách vở mà áp vào thực tiễn chẳng có gì là sai cả. Nhờ chính tính cách này mà Percy luôn dồn hết sức có thể để hoàn thành trách nhiệm của mình, đi học hay đi làm gì cũng thế, bất kể là việc đó tủn mủn ra sao (lại lần nữa là vụ cái đít vạc). Những kết quả Percy đạt được là nỗ lực của chính bản thân và đó là một trong những điều mình nể nhất ở Percy.

Nhưng, nếu những tính cách này mà kết hợp với kiểu "cứng ngắc" và "không biết đùa" của Percy thì nó chỉ khiến ảnh hoàn toàn lạc tông với những mẩu còn lại của nhà Weasley. Hãy nhìn anh Bill với Charlie xem, đúng nghĩa thuộc dạng "study hard, play harder", nhìn cái kiểu chơi đấu bàn và style ăn mặc là biết, chưa kể suy nghĩ cũng thoáng hơn Percy nhiều. Mấy thành viên còn lại của Weasley cũng thuộc dạng cà rỡn, dẫn đầu là Fred & George, còn bác Arthur thì dễ khỏi nói. Nhưng tội cái Percy là dạng thanh niên nghiêm túc và lại còn hay quan trọng hóa mọi thứ, trong khi các Weasley khác thường đi theo hướng ngược lại và luôn thêm thắt chút hài hước cho sự việc. Sự lệch tính cách đó có lẽ cũng khiến cho Percy cảm thấy như bị cô lập bởi chính gia đình mình vậy.

Để rồi khi đi làm, với người sếp là Barty Crouch, khuôn mẫu mà Percy nhắm tới, cái sự ngưỡng mộ dành cho sếp và Bộ Pháp Thuật còn đạt tới mức cao hơn nữa. Và điều đó dẫn đến việc khi cân nhắc giữa sự nghiệp/ danh vọng của anh nói riêng, và Bộ Pháp Thuật nói chung, với việc theo phe của Harry/ Dumbledore thì rất dễ nhận ra Percy sẽ dễ lạc lối như thế nào.

Xét về khía cạnh hám danh lợi và quyền lực thì có lẽ Percy không phải là trường hợp duy nhất bị hai cái này làm đui mờ. Có rất nhiều nhân vật trong truyện bị vướng vào sự cám dỗ của danh vọng. Trường hợp tệ nhất là Tom Riddle (y thuộc dạng không thể cứu chữa), rồi đến thầy Dumbledore khi còn trẻ nữa. Nhưng quan trọng hơn, Percy nhận được chính sai lầm của mình mà sửa chữa nó ngay khi có thể.

Những gì Percy làm sai chúng ta đều đã biết và nhớ, nhưng cũng có những phút Percy thể hiện rằng anh là một Weasley chân chính:
• Như bao thành viên của gia đình, anh chọn (và rất xứng đáng) vào Gryffindor, anh cũng là một phù thủy tài năng chẳng kém cạnh gì những người nhà Weasley;
• Anh quan tâm đến những người anh em của mình theo cách quái nhất có thể: Luôn căn dặn Ron và Ginny về việc giữ nội quy, và còn viết thư chúc mừng Ron làm Huynh Trưởng trong tập Mệnh Lệnh Phượng Hoàng, dù kèm theo lời "căn dặn" em trai bo xì Harry ra mà đi tạo mối quan hệ tốt hơn cho tương lai với con cóc Dolores...;
• Percy rất tự hào khi Ron được nêu danh vì chiến thắng màn cờ vua do chính cô McGonagall tạo ra và "nhảy loi choi như một thằng điên, quên hết mọi vẻ chững chạc, tôn nghiêm" khi đội Quidditch Nhà Gryffindor giành được Cúp Nhà;
• Việc anh là người "theo sách vở" khiến cho sự việc Voldemort hồi sinh là điều không tưởng, nên từ đó mà anh tin vào lời của Bộ nói hơn là cụ Dumbledore hay Harry. Nhưng điều đáng nói ở đây là Percy còn là người dũng cảm khi đi theo những gì mà lý trí mách bảo hay anh tin tưởng là đúng, dù cho nó có đi ngược lại với chính gia đình của mình;
• Dù tin tưởng mù quáng vào Bộ và bộ não của bản thân, Percy không hề có ý định theo con đường của Nghệ Thuật Hắc Ám, khi thế lực này rõ ràng chiếm ưu thế;
• Sau đó, khi Percy đã nhận ra được lỗi của mình và quay trở lại bên Nhà Weasley, cùng chống lại Chúa Tể Hắc Ám, và sau cùng là lấy thân mình che cho xác của Fred trong cuộc chiến cuối cùng vì không muốn xác em mình bị thêm thương tích gì nữa.

Chính vì thế, mà Percy, dù không hoàn hảo, nhưng vẫn xứng đáng là một người anh với rất rất nhiều điểm tốt. Và hơn hết, giây phút mà thấy yêu Percy nhất chính là lúc ảnh từ chức và phóng thẳng một lời nguyền vào Thickness cùng với câu: "Chào! Ông Bộ trưởng! Tôi có lưu ý ông là tôi đang từ chức chưa hè?"

(Post viết tặng Percy - Bighead Boy nhân ngày sinh nhật 22.08)  


7 POTTER

  Trong khi lượn lờ trên Tumblr, tớ tình cờ có đọc được một bài post của limini-lemony phê phán kế hoạch di chuyển Harry tới địa điểm mới bằng cách dùng thuốc đa dịch giả thành bảy Potter mà cụ Dumbledore và thầy Snape bí mật chỉ điểm cho thành viên Hội Phượng Hoàng tiến hành. Bạn chủ post có thắc mắc là tại sao Harry không uống thuốc đa dịch để biến thành một người dân muggle tầm thường rồi di chuyển bằng các phương tiện giao thông của dân muggle để tới nơi an toàn, bởi lẽ các Tử Thần Thực Tử đâu có nhiều kiến thức về thế giới muggle đâu. Rồi thì bạn ấy kêu trời là ai đời lại nghĩ ra cái kế hoạch dở người như trong truyện. Điều đáng nói là post ấy nhận được tới hơn hai trăm nghìn lượt thích và chia sẻ, hời hợt chế nhạo cụ Dumbledore và hiếm hoi lắm mới thấy được một số bạn phân tích kỹ lưỡng kế hoạch này.

Đành rằng nhiều bạn vẫn buồn thương vì trong "Trân chiến bảy Potter" thì quân ta tổn thất nhiều quá: cựu thần sáng Alastor Moody và Hedwig tử trận, còn George Weasley thì bị mất một bên tai, thế nhưng không thể vì thế mà các bạn lại bỏ qua chi tiết rằng toàn bộ trận chiến ấy mục đích không chỉ là đưa Harry tới nơi an toàn được. Vâng, bạn đọc đúng rồi đấy ạ, Harry nhà chúng ta quan trọng thật đấy, nhưng rất tiếc là thế giới phù thủy không phải lúc nào cũng chỉ xoanh quanh Harry.

Lan man dông dài mãi, vậy rốt cuộc động cơ khi đưa ra kế hoạch này của cụ Dumbledore và thầy Snape là gì?

Đó chính là củng cố vững chắc lòng tin của Voldemort với Snape để giữ cho cái ghế Hiệu trưởng của hắn trở nên thật vững chắc, đồng thời là tìm cách đưa Harry tới nơi an toàn trước khi cậu bắt đầu bước chân trên con đường truy tìm Trường Sinh Linh Giá.

Đây có thể nói là một nước cờ khá hay của phe Ánh Sáng, nhất tiễn song điêu, tiện cả đôi đường. Mục tiêu số hai thì hẳn mọi người ai cũng hiểu rõ rồi, thế còn lí do tại sao lại phải củng cố vị thế cho Snape? Chẳng phải sau khi "sát hại" cụ Dumbledore thì cái ghế của hắn đã vững chắc lắm rồi sao? Hẳn là Snape phải trở thành anh hùng của phe Tử Thần Thực Tủ hay thứ gì đại loại như thế chứ? Đấy chẳng phải là kế hoạch mà cụ Dumbledore và thầy Snape bàn với nhau khi quyết định dàn cảnh trên Tháp Thiên Văn đó sao? Nếu cách ấy vẫn không mang lại hiệu quả thì cụ Dumbledore chết uổng ư?

Câu trả lời là không hẳn. Đúng là Snape "sát hại" cụ Dumbledore đã chứng minh cho Chúa Tể Hắc Ám thấy rằng hắn không thực sự về phe với Hội Phượng Hoàng. Thế nhưng cái tai hại chính là Voldemort có thể biết được chuyện về lời thề Bất Khả Bội mà Bellatrix đã "ép" Snape thực hiện, và từ đó hắn có thể nghĩ rằng Snape chỉ muốn cứu lấy mạng bản thân nên mới làm vậy. Và nếu Snape đã có gan giết một vị Chủ nhân của mình, thì lấy gì đảm bảo cho hắn sẽ không trở thành mối đe dọa cho Chúa Tể Hắc Ám? Thêm vào đó, sự tồn tại của Snape với vai trò điệp viên hai mang chỉ có công dụng khi mà cả Voldemort và cụ Dumbledore còn đối chọi với nhau. Giờ thì thế cân bằng đã mất, lớp vỏ gián điệp của Snape đã bị lộ, một tên gián điệp mà không còn có thể moi được thông tin từ phe đối lập thì giữ lại có ích gì? Một tên gián điệp hai mang như Snape muốn giữ lại thì càng nguy hiểm, bởi lẽ hắn có được nguồn thông tin từ cả hai phía, kẻ biết quá nhiều cần phải bị làm cho im miệng mãi mãi. À rồi, đến đây có lẽ là tớ hơi bị lậm phim quá, coi như Voldemort chưa muốn giết Snape vì còn tận dụng được tài pha chế Độc dược và sáng tạo bùa chú đi, có phải sẽ tốt hơn là cô lập hắn ở một nơi để mà "tập trung nghiên cứu" hơn là đưa về Hogwarts làm Hiệu Trưởng, đúng không?

Chính bởi vậy, Snape chứng minh được rằng hắn vẫn có nguồn tin chính xác ở Hogwarts sẽ khiến hắn vẫn còn giá trị lợi dụng trong mắt Voldemort. Và quả thật, kế hoạch diễn ra đúng theo dự kiến, tuy có thương vong, nhưng dù sao đó cũng là điều không từi chể tránh khỏi. Ở cảnh trong Trang viên Malfoy, Snape và Yaxley tranh cãi về thông tin xem ngày nào thì Harry sẽ di chuyển: Yaxley thì bảo nguồn tin trong Bộ nói là "ngay trước sinh nhật Harry", còn "nguồn tin" của Snape thì báo đó là "thứ bảy lúc trời tối". Lưu ý là lúc này Snape vẫn chưa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Trước ngày "Trận chiến bảy Potter" diễn ra, cụ Dumbledore đã dặn đi dặn lại rằng nếu phải tham chiến thì Snape phải diễn sao cho thật thuyết phục. Thành quả chính là việc Voldemort sau khi xác định được tin mà Snape đưa tới là chính xác, đã hoàn toàn tin tưởng mà bổ nhiệm hắn làm Hiệu Trưởng trường Hogwarts. Nhờ vậy, Snape mới có thể thực hiện lời hứa bảo vệ học sinh trong trường với vị cố hiệu trưởng và đồng thời có cái cớ không thể chính đáng hơn để ở trong văn phòng Hiệu trưởng, bàn bạc đường đi nước bước với cụ Dumbledore.

Bạn hãy thử so sánh mà xem, thành quả này xứng đáng với những hiểm nguy mà mọi người phải đối mặt trong "Trận chiến bảy Potter" đấy chứ. Cứ thử tưởng tượng một Tử Thần Thực Tử khác như Bellatrix hay người sói Fenrir Grayback làm Hiệu trưởng mà xem, hậu quả sẽ thật kinh hoàng!

Giờ chúng ta đã biết về hai mục tiêu cần đạt được trong trận chiến này, câu hỏi đặt ra là liệu cách dùng thuốc đa dịch thành bảy Potter đã là tối ưu nhất hay chưa? Câu trả lời của tớ chính là: có lẽ. Thời điểm này phe Tử Thần Thực Tử đã gần như thao túng được Bộ Pháp Thuật, thế nên Hội Phượng Hoàng không thể dùng đến cách độn thổ hay dùng khóa cảng hoặc mạng Floo được bởi sẽ dễ dàng bị truy ra tung tích ngay. Thế thì dùng cách hóa trang thành dân muggle như ý kiến của bạn mà tớ đã nhắc đến đầu bài được chứ? Chưa chắc, hãy nhớ là Chúa Tể Hắc Ám có nguồn tin báo trước, cứ cho là không có Snape báo tin đi thì vẫn còn Yaxley cơ mà. Theo Yaxley báo lại, Harry sẽ di chuyển vào trước ngày ba mốt tháng bảy. Vậy tức là Tử Thần Thực Tử sẽ bao vây khu vực xung quanh nhà dì dượng của Harry từ một hoặc nhiều ngày trước, và sẽ tiếp tục bao vây nếu ngày ba mươi vẫn chưa tóm được cậu. Nếu lúc này có kẻ khả nghi bước ra, khả năng rất cao là sẽ bị bám theo ngay. Việc di chuyển bằng phương tiện giao thông của dân muggle có một cái hại là tính linh hoạt thấp.. Tử Thần Thực Tử sẽ không e ngại tấn công ngay trên đường phố, đến lúc ấy nếu chúng khiến xe của Harry bị lật (tương tự như cách James và Sirius đã từng làm) thì chẳng phải cậu sẽ rất khó thoát thân hay sao? Đấy là chưa kể sẽ nguy hại đến dân thường nữa. Vậy nếu Harry dùng tới áo choàng để lẻn ra thì sao? Cách này cũng khá nguy hiểm, bọn Giám Ngục có thẻ loanh quanh ở khu đấy và các thành viên của Hội Phượng Hoàng không thể chui hết vào cùng chiếc áo choàng để đi theo bảo vệ cho Harry được.

Vậy chúng ta thử tính đến cách mọi người trong Hội Phượng Hoàng hoán đổi thân phận cho nhau: đại loại là Harry uống thuốc đa dịch thành một người, rồi người đó lại hóa trang thành người khác, cứ tiếp tục như vậy sao cho không ai có ngoại hình đúng với thân phận bản thân. Như vậy sẽ xảy ra hai trường hợp, một là phe Tử Thần Thực Tử không có nguồn tin, chúng sẽ tập trung vào mỗi một vị anh hùng giả trang thành Harry mà thôi và người này có nguy cơ tử ẹo rất cao. Trường hợp thứ hai là họ biết được kế sách này và bỏ qua "Harry" để tập trung vào những người còn lại. Dù là thế nào, cách làm này đều sẽ khiến nguy hiểm tập trung không đều. Ngược lại, nếu dùng đến cách "bảy Potter" như trong truyện, quân đoàn của Tử Thần Thực Tử sẽ bị xé lẻ ra thành bảy nhóm, mức độ hiểm nguy cho các thành viên của Hội Phượng Hoàng đã giảm đi đáng kể. Thế thì nếu chúng ta kết hợp cả hai cách trên thì sao? Ý là Harry hóa trang thành một thành viên Hội Phượng Hoàng, rồi bảy người khác cùng hóa trang thành Harry, tức là cả bảy "con mồi" đều là hàng giả thì liệu có an toàn hơn hay không? Chưa chắc. Bởi lẽ với cách chia thành từng cặp như trong truyện thì Harry kiểu gì cũng phải tham gia cùng, và cậu sẽ phải tham chiến để bảo vệ bản thân và "Harry" nữa. Nói chung là mối nguy hiểm cũng sẽ không đỡ hơn là bao.

Tóm lại, có lẽ vẫn có cách để đạt được cả hai mục tiêu như đã đề ra mà tổn thất ít hơn, nhưng chúng ta phải công nhận rằng: trong quãng thời gian mọi sự diễn ra dồn dập như vậy, đường đi nước bước mà cụ Dumbledore và thầy Snape đã tiến hành đã khá là hợp lí. Có thể nói, chính sự cao tay trong chiến thuật này đã phần nào bảo vệ được những học sinh ở Hogwarts cũng như tạo đà cho thắng lợi trong trận chiến cuối cùng với Chúa Tể Hắc Ám, kết thúc mọi chuyện tại chính ngôi trường mà nó bắt đầu.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro