Chương 23: Thay đổi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Triều đại của Thái Tổ được gây dựng trong thời loạn, Người dẫn binh đánh đông dẹp bắc, chinh chiến tới hai mươi mấy năm mới ổn định được quốc gia, dùng máu xương đổi lấy thiên hạ thái bình.

Ngày đầu lập nước, Thái Tổ phong thưởng cho công thần, trong đó tám người được phong tước công, ban cho Đan thư thiết khoán [1], con cháu đời đời được kế thừa tước vị của tổ tiên; ba mươi người được phong tước hầu, quan to lộc hậu, vợ con cũng được hưởng đặc quyền. Những người đi theo Thái Tổ từ thuở hàn vi, ăn bờ ngủ bụi từ đó trở thành bước vào tầng lớp quyền quý, vinh hoa phú quý cả đời hưởng không hết, con cháu đời sau có thể tiếp tục được thơm lây công tích của tổ tiên.

[1] Đan thư thiết khoán: Một dạng văn bản của đế vuơng thời xưa ban thưởng cho công thần được thụ hưởng sự đãi ngộ hoặc miễn tội, dùng màu đỏ viết lên trên phiến sắt. Gần như tương đương với kim bài miễn tử về sau.

Hơn trăm năm sau, mười mấy vị công thần từng vì nước mà bỏ mạng, đổ máu, lập chiến công oai hùng ghi danh sử sách đã trở về với cát bụi. Con cháu bọn họ lâm vào kết cục thê lương: người thì chết, người thì bỏ trốn, người bị bỏ tù, chỉ còn có thể có thể cố gắng duy trì chút hơi tàn gợi nhớ một thời huy hoàng của tổ tiên.

Cũng chỉ ba mươi năm sau ngày lập quốc, ba mươi tám vị công thần lần lượt vì đủ loại nguyên nhân mà chết thảm dưới lưỡi đao đồ tể, trong số họ chỉ có hai người là có thể chết già.

Trong đó, một người là người đã tự nguyện dẫn theo con cháu trong tộc nhiều đời trấn thủ Vân Nam, Vệ Quốc công Đổng Mậu Tài; người còn lại là cụ tổ năm đời của Hoắc Minh Cẩm, Hoắc Lượng.

Những ngày đầu dựng nước ấy, sau khi được phong An Quốc Công, Hoắc Lượng đã từ quan lúc còn đang trên đỉnh vinh quang, thể hiện quyết tâm muốn đuổi hết dư nghiệt của tiền triều ra thảo nguyên, thề không thành công không trở về rồi đưa mấy người con chạy về vùng tái ngoại chỉ có gió và cát. Khi đó, đại thần trong triều còn đang bận bàn chuyện liên hôn, cầu hôn công chúa, tạo quan hệ tốt với gia tộc của hoàng hậu. Bọn họ ngầm cười nhạo Hoắc Lượng ngu ngốc, trải qua bao nhiêu vất vả mới đoạt được giang sơn, cuối cùng đã đến lúc hưởng thụ vinh hoa, ông ta lại đi chịu khổ, mà chịu thì chịu một mình đi, còn kéo theo cả con cháu đi cùng, vậy thì làm sao có thể tạo quan hệ với hoàng tộc?

Mấy chục năm sau, mọi người rốt cuộc đã hiểu ra Hoắc Lượng mới là người thông minh nhất trong số họ.

Cả nhà Vệ Quốc công tha hương đi Vân Nam, cách kinh sư mấy ngàn dặm, trời ở cao hoàng đế ở xa, đương nhiên trở thành vua chúa ở đất Vân Nam. Bề ngoài, họ có thể duy trì mối quan hệ hài hòa với triều đình đến tận nay nhưng mặt khác, họ cũng đã bị các gia tộc Trung Nguyên bài trừ, đánh đồng bọn họ với đám người man di không hiểu lễ nghi. Người Đổng gia vì thế cũng chỉ có thể kết hôn với con cháu của các bộ tộc địa phương.

Ở kinh sư, ba mươi mấy vị công thần đều đã táng thân dưới những âm mưu vần vũ rung chuyển triều đình, chỉ có An Quốc công phủ qua năm đời vẫn sừng sững không ngã, hơn nữa đời này qua đời khác liên tục nắm quân quyền, nhiều đời An Quốc công giành được tín nhiệm của Hoàng đế.

Hoắc Minh Cẩm là đích tử của An Quốc công, từ thuở thiếu niên đã nổi tiếng anh dũng, mười hai tuổi đã bắt đầu theo cha anh chinh chiến sa trường. Năm mười lăm tuổi, chàng chém đầu hơn một trăm quân địch, tới khi trở lại kinh sư tham gia hội thi võ, đoạt được hạng nhất ngay lần đầu tham dự, tiên đế vui mừng, phong chàng làm phó thiên hộ của Cẩm Y Vệ. Tháng mười năm ấy, cha và mấy người anh họ của chàng mắc bẫy của địch, chết dưới vó ngựa của người Thát Đát, năm vạn đại quân như rắn mất đầu, thất bại đã ở ngay trước mặt, Hoắc Minh Cẩm lập tức một mình xông ra trước trận tiền, vung đao nắm quyền, chỉ huy quan quân còn lại lui vào trong thành, cố thủ trong đó gần hai tháng cho tới khi viện binh tới nơi. Mấy tháng sau, chàng dẫn theo một đội quân xông vào thảo nguyên, dùng kế gậy ông đập lưng ông, giăng bẫy mai phục, tự tay đâm chết kẻ thù, báo thù rửa hận cho cha.

Rồi chàng lại dùng vài năm nữa để dẹp yên thảo nguyên, chàng giống như một thanh kiếm sắc, nhắm thẳng vào cổ họng quân địch, đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi. Giặc Thát Đát và bộ tộc Ngõa Lạt nghe tiếng chàng đã sợ vỡ mật, không muốn thương vong thì không thể không vứt bỏ mảnh đất màu mỡ, chạy bán sống bán chết về Mạc Bắc.

Diêu Văn Đạt từng mượn câu thơ "Nhất kiếm sương hàn thập tứ châu" [2] để miêu tả chàng. Thiếu niên oai hùng nhường ấy, làm sao có ai hợp với câu thơ ấy hơn chàng!

[2] Trích thơ Quán Hưu, đại ý là xuất một chiêu kiếm, mười bốn châu đều rét lạnh. Quán Hưu là nhà thơ thời vãn đường, câu thơ này cũng để miêu tả người anh hùng chống giặc phương Bắc, khi đó là người Khiết Đan.

Mẹ Vân Anh khi đó là Nguyễn thị và An Quốc công lão phu nhân là họ hàng. Khi lão phu nhân còn tại thế, hai nhà cũng từng lui tới. Nàng nhớ rõ khi còn nhỏ Hoắc Minh Cẩm từng đi cùng bà nội tới Ngụy gia dự tiệc, khi đó nàng và các chị em họ trốn sau bình phong nhìn lén. Nghe nói Hoắc nhị công tử võ nghệ cao cường, mọi người đều cảm thấy tò mò vì kinh sư phần lớn toàn là công tử bột, do dù có đi quân doanh Vệ Sở rèn luyện thì cũng chơi nhiều làm ít, đi cho có kinh nghiệm, chứ rất ít con cháu các nhà quyền quý còn trẻ mà đã lên chiến trường đánh giặc.

Hoắc Minh Cẩm khi ấy không giống như lời đồn đại, các biểu tỷ nói Hoắc Minh Cẩm cao tám thước, có đôi mắt còn to hơn cả chuông đồng, trên mặt còn có mấy vết sẹo to như miệng chén. Nhưng mà trong mắt nàng, Hoắc Minh Cẩm chỉ là một thiếu niên trầm mặc khiêm tốn.

Sau này, lão phu nhân qua đời, cha và các anh họ của Hoắc Minh Cẩm liên tục chết thảm, anh trai chàng là Hoắc Minh Hằng thừa kế tước hiệu An Quốc công, quan hệ giữa Hoắc gia và Ngụy gia cũng dần nhạt đi.

Xét về dòng dõi, Ngụy gia có thể qua lại thân thiết như thế với An Quốc công phủ đã là với cao, tất cả cũng chỉ nhờ quan hệ họ hàng của lão phu nhân và Nguyễn thị mà thôi. Lão phu nhân không còn, quan hệ giữa hai nhà nhạt đi cũng là chuyện đương nhiên.

Hoắc Minh Cẩm chết đi là khi Vinh Vương và đương kim thánh thượng bắt đầu tranh đấu quyết liệt.

Khi chiến sự ở thảo nguyên tạm thời lắng xuống, giặc Oa phía nam lại đánh vào, quân đội địa phương vô cùng sợ hãi, chưa đánh đã hàng. Giặc Oa cập biển Chiết Giang, đánh vào Nam Trực Lệ, dọc đường đi đốt giết đánh cướp, có mấy trăm người mà suýt nữa đánh thẳng vào Nam Kinh.

Tiên đế nổi giận, lệnh cho Hoắc Minh Cẩm chỉnh đốn binh mã tiến xuống phía nam diệt trừ giặc Oa, còn nắm tay tiễn chàng ra tận cửa thành. Ba tháng sau, tiên đế bệnh nặng băng hà.

Chính lúc này, phía Chiết Giang đưa tin về, Hoắc Minh Cẩm đã chết trên biển.

Vinh Vương và Hoắc Minh Cẩm là bạn chơi từ nhỏ. Tuy Hoắc Minh Cẩm chưa từng thể hiện chàng nghiêng về phía Vinh Vương hay đương kim thánh thượng nhưng để áp chế Vinh Vương, Hoắc Minh Cẩm không thể không chết.

Ngụy Tuyển Liêm khi ấy thực sự ý thức được thánh thượng đã hận các đại thần gần gũi với Vinh Vương đến thấu xương, nên mới cảnh báo Vân Anh không được qua lại với nhà mẹ đẻ nữa.

Vân Anh là phận đàn bà con gái, không hiểu chuyện triều chính. Nhưng khi nghe Ngụy Tuyển Liêm nói Hoắc Minh Cẩm chết oan, trong lòng nàng chợt cảm thấy thật nực cười. Hoắc gia có bao nhiêu thế hệ chấn giữ biên cảnh, chiến công hiển hách, đa phần các thế hệ An Quốc công đều chết trận sa trường, da ngựa bọc thâu, đâu được mấy người chết trong cảnh phú quý giàu sang, vậy mà cuối cùng lại rơi vào kết cục này.

Chuyện tranh đoạt hoàng quyền quả nhiên vô tình.

oOo

Kinh sư.

Tháng năm hoa lựu nở. Hai bên đường, hoa lựu bừng lên như những đốm lửa. Đang lúc hoàng hôn, những đóa hoa đỏ rực ấy càng thêm mấy phần thướt tha diễm lễ.

Trên trời đã phủ một tầng mây tía, trong dòng người đang trở về nhà giữa lúc chiều tà, một người tắm mình trong ánh hoàng hôn, cưỡi một con ngựa cao lớn toàn thân đỏ như lửa, chậm rãi đi tới trước cửa thành.

Người này mặc một bộ quần áo màu sắc ảm đạm [3], tầm hai mươi mấy tuổi, mắt sáng như sao, mày sắc như kiếm, đầu đội quan vấn tóc bằng vàng, đôi mắt đen sâu thẳm, ngũ quan sắc nét.

[3] Theo quan niệm thẩm mỹ của thời Minh, quần áo tương đối tươi sáng rực rỡ, những màu sắc ảm đạm nhợt nhạt thường chỉ dùng khi đang để tang.

Trước cửa thành người đến kẻ đi, người đó bỗng kìm lại dây cương, mắt nhìn về cố hương xa cách đã lâu, mày hơi nhíu lại.

Binh sĩ thủ thành tiến lên kiểm tra, yêu cầu người đó xuống ngựa, thấy người này không có động tĩnh gì, đang định mắng chửi bỗng nhiên ngẩn ra, hắn đã nhận ra người trên ngựa, mặt mày không giấu nổi kích động, vội vàng thi lễ: "Hoắc tướng quân!"

Mấy tiếng này khiến cho những người khác chú ý, dân chúng đang vào thành cũng dừng lại bước chân nhìn về phía đó. Hoắc tướng quân uy danh vang xa, danh tiếng dũng mãnh của chàng đã truyền đi từ nam chí bắc. Bốn năm trước, khi đại quân xuất chinh, bọn họ từng theo tiên đế tiễn họ lên đường. Người trước mắt này cũng hiên ngang, nghiêm nghị, có chút giống với Hoắc tướng quân ngày ấy nhưng giữa hai mắt người này lại mang theo sự nặng nề thâm trầm. Hoắc tướng quân là thiếu niên anh hùng, phấn chấn oai hùng, thần thái hơn người, làm sao có thể u ám nhường này?

Có lẽ chỉ là trùng hợp, là một tướng quân họ Hoắc khác mà thôi.

Đám người tò mò cũng dần giải tán.

Đám binh sĩ lại không dám chần chừ, nhanh chóng cử người vào trong thành báo tin, để mười người cẩn thận ở lại, vây quanh người cưỡi ngựa vào thành ấy.

Tháng trước Hoàng thượng hạ chỉ, nhìn thấy Hoắc tướng quân phải lập tức thông báo cho Ngũ Quân Đô Đốc Phủ, không được có bất kỳ sai sót nào.

Sắc trời dần tối, tia ráng màu cuối cùng cũng chìm vào bóng đêm đen kịt. Hoắc Minh Cẩm khẽ mím môi, tay siết dây cương, phóng ngựa vượt qua phố xá sầm uất. Người đi đường cuống cuồng tránh né, tiếng chửi tục oán giận vang hết lần này đến đợt khác.

Nhưng nào ai cản được chàng.

Sau khi biết được nhị gia sắp về phủ, An Quốc Công phủ lại sôi lên sùng sùng như thể chảo dầu sôi bị nước bắn vào, trong nhà ngoài sân rối như mớ bòng bong.

Ngoài viện sáng rực, chỉ có cây đuốc là vẫn lẳng lặng đứng đó, cháy hừng hực.

Môn nhân [5] quỳ gối trước chính viện, người run lên bần bật, "Quốc Công gia, Nhị gia đã trở lại..."

[5] Môn nhân là người dưới trướng các vị quan lớn, không phải là người hầu kẻ hạ nhưng là người được vị quan lớn kia nâng đỡ, có thể coi như học trò.

Trước mặt hắn là một người áo gấm chỉnh tề đang khoanh tay đứng đó.

Môn nhân to gan đề nghị: "Quốc Công gia, hay là ngài tạm thời qua bên nhà mẹ đẻ phu nhân trốn tránh một thời gian..."

Người mặc áo gấm cười như không cười, lạnh nhạt lên tiếng: "Tránh qua mùng một lại chẳng tránh được mười lăm, nó muốn tới thì tới thôi."

Hắn vừa dứt lời, một người đàn bà mặc sưởng y bằng gấm vân cẩm đã được đám nha hoàn đỡ vào chính viện, nước mắt trên mặt bà ta còn chưa khô, vẫn tiếp tục nức nở: "Tướng công, giờ không phải là lúc giận dỗi, trước tiên cứ phải tránh được sóng gió lần này rồi hẵng tính!"

Quốc công phu nhân đã tới, môn nhân cúi gập đầu xuống đất.

Hoắc Minh Hằng bất động trước hành lang, không nói không rằng.

Người đàn bà vẫn nức nở khuyên gã, môn nhân hết dùng tình cảm để lung lạc, lại dùng lý lẽ để thuyết phục.

Nhưng Hoắc Minh Hằng vẫn không động đậy.

Ngoài viện bỗng vang lên tiếng bước chân dồn dập, cửa chính dường như đã bị người ta phá tung, đám người hầu kẻ hạ hoảng loạn, thất tha thất thểu chạy vào chính viện, cổ họng nghèn nghẹt như bị siết chặt, giọng nói cũng run rẩy: "Nhị gia đã trở về!"

Người đàn bà sợ hãi tới mức mặt mũi trắng bệch, không màng đến ánh mắt kinh ngạc của đám nha hoàn, bà tử, bước lên siết chặt cánh tay chồng mình, nghiến răng rít lên: "Minh Hằng, ông muốn chết trên tay Hoắc Minh Cẩm phải không?! Ông đã quên tuần phủ Chiết Giang đã chết như thế nào rồi à? Sau khi Hoắc Minh Cẩm chữa lành vết thương, việc đầu tiên hắn làm chính là nhốt cả nhà tuần phủ Chiết Giang lại rồi băm lão ta thành thịt vụn đấy!"

Hoắc Minh Hằng rung mình, mồ hôi trên trán túa ra, nhưng vẫn tức giận nói cứng: "Cứ để nó đến giết chết ta đi!"

Người đàn bà không quan tâm đến sự tức giận của gã, nhất quyết kéo gã đi, "Hoắc Minh Cẩm điên rồi, chúng ta không thể ở lại làm giá cho hắn chém giết được!" Chỉ cần nghĩ đến kết cục của tuần phủ Chiết Giang thôi, tay chân ả cũng đã nhũn như chi chi. Em chồng ả quả là người đã từng lên chiến trường, lấy mạng người ta cũng dứt khoát như thế, tàn nhẫn tuyệt tình. Vợ chồng ả đã liên thủ với tuần phủ Chiết Giang sắp đặt mưu kế hại hắn, làm sao hắn có thể bỏ qua cho bọn họ đây!

Môn nhân thấy Hoắc Minh Hằng cuối cùng cũng nhấc chân đi vội vàng đi theo, hộ tống vợ chồng họ đi ra cửa ngách lui vào hậu viện, "Quốc Công gia, cửa chính chắc chắn đã bị chặn lại rồi, chúng tiểu nhân đưa Quốc Công gia đi ra ngoài từ cửa ngách, bên kia sẽ có người đón."

Sắc mặt Hoắc Minh Hằng tối sầm.

Gã vốn không muốn chạy trốn. Trốn chạy có nghĩa là gã sợ em trai gã, nhưng một khi nỗi sợ hãi đã dấy lên trong lòng, từ khi gã bước bước đầu tiên ra khỏi chính viện, toàn bộ sự kiên cường cuối cùng cũng đã biến mất hết. Thay vì sợ em trai tìm tới, chẳng thà cứ tránh né trước là hơn, gã là công thần đã có công phò tá Hoàng thượng đăng cơ, Hoàng thượng sẽ không bỏ rơi gã.

Đoàn người vội vã chạy qua hành lang về hướng cửa ngách.

Môn nhân cầm cây đuốc trong tay, đi phía trước dẫn đường, gạt đám dây leo rậm rạp trước mặt, mở cửa ngách, lách người ra nhìn trái nhìn phải một lượt cũng không thấy ai, thở phào một hơi, "Quốc Công gia, mời đi bên này."

Hoắc Minh Hằng quay đầu lại, nhìn về phía nội viện, bước chân hơi chần chừ. Sau một chốc do dự, gã vẫn đi theo hướng môn nhân chỉ, bước từ cửa ngách ra ngoài.

"Uỳnh", đoàn người vừa chui ra khỏi cửa ngách, đằng sau bỗng vang lên tiếng sập cửa, cửa ngách đã bị đóng lại.

Hoắc Minh Hằng hoảng hồn khiếp vía, đầu ong lên, bước chân cũng sững lại.

Bên ngoài cửa ngách là hẻm nhỏ tối tăm tịch mịch. Mấy hôm nay trời nóng, bậc thềm đá bị nắng chiếu cả ngày, lúc dẫm lên nóng đến bỏng chân, mấy gã sai vặt ngày nào cũng phải tưới nước một lượt, giờ phiến đá xanh vẫn còn ướt sũng.

"Đại ca, thế này là huynh định bỏ của chạy lấy người sao? Sợ hãi đến thế rồi à?"

Trong bóng tối vang lên giọng nói trầm thấp mà Phó Minh Hằng đã quen thuộc từ lâu, một người bước ra từ đêm đen, chậm rãi đi về phía ánh lửa lay động bên này. Ánh sáng mông lung hắt lên khuôn mặt người đó, ngũ quan vẫn sắc nét, tuấn lãng như vậy. Chàng trầm mặc vài giây, khẽ nói, "Nếu có quân địch tới xâm phạm, huynh cũng sẽ làm như thế hay sao?"

Hoắc Minh Hằng nghiến răng: "Nhị đệ."

Hoắc Minh Cẩm nhướn mày, ánh mắt lạnh lẽo, giọng điệu nhạt nhẽo, "Đại ca."

Không gian bỗng tĩnh lặng.

Trong sự yên lặng ấy, An Quốc Công phu nhân lại đẩy Hoắc Minh Hằng, kéo gã đi, móng tay sơn đỏ tươi chỉa về hướng Hoắc Minh Cẩm, thét lên the thé: "Người đâu, bắt lấy hắn! Bắt lấy hắn!"

Đám hộ vệ giờ mới hoàn hồn, rút loan đao ra, bao vây Hoắc Minh Cẩm. Hoắc Minh Cẩm cười khinh miệt, rút kiếm đeo bên hông ra.

Chỉ trong chớp mắt, chàng đã đánh bại hộ vệ, áp sát tới trước người Hoắc Minh Hằng, mũi kiếm chỉ thẳng vào cổ họng gã.

Mũi kiếm sáng như tuyết, tỏa ra thứ ánh sáng lạnh lẽo ghê ngời.

Người đàn bà nọ không dám lên tiếng nữa, bịt chặt miệng, mặt đầy hoảng sợ.

Đám môn nhân mồ hôi như tắm.

Người đàn bà không kiềm chế được, sợ hãi nấc lên, quỳ rạp xuống, lê gối đến trước mặt Hoắc Minh Cẩm, dập đầu xuống đất, trâm cài trang sức rơi hết xuống đất kêu leng keng, nước mắt tuôn ào ạt, khiến khuôn mặt loang lổ nhoe nhoét phấn son, "Nhị thúc, đệ muốn chém muốn giết thì hãy cứ nhằm vào ta đây này. Minh Hằng là anh ruột của đệ cơ mà!"

Hoắc Minh Cẩm tra lại kiếm vào vỏ, không thèm nhìn người đàn bà kia, đưa chân đá thẳng vào đầu gối Hoắc Minh Hằng.

Hoắc Minh Hằng đau đớn quỳ rạp xuống đất.

Hoắc Minh Cẩm giơ tay xách cổ áo gã, kéo gã quay lại phủ.

Đám hộ vệ xung quanh nhìn nhau, muốn tiến lên cản lại nhưng tự biết bản thân không phải đối thủ của Nhị gia, hơn nửa Quốc Công gia đang ở trong tay Nhị gia, bọn họ ném chuột sợ vỡ đồ, nhất thời không biết phải làm sao.

Trong lúc đó, bên trong có người mở cửa ngách ra, Hoắc Minh Cẩm không nói một lời, lôi Hoắc Minh Hằng vào.

Hoắc Minh Hằng cao bảy thước lại bị em trai lôi xềnh xệch như vậy, lê lết trên mặt đất, vài lần định vùng thoát ra, Hoắc Minh Cẩm bèn nhấc vỏ kiếm lên gõ mạnh vào cánh tay gã. Một tiếng rắc vang lên, Hoắc Minh Hằng sợ hãi thét lên, cánh tay hắn mềm oặt, rũ xuống.

Hoắc Minh Cẩm đã đánh trật khớp cánh tay gã.

Người đàn bà nước mắt tuôn như suối, bước hụt một bước, ngã thẳng về phía trước, đập mặt xuống đất. Đám nha hoàn ba chân bốn cẳng chạy đến đỡ ả dậy, ả bất chấp khuôn mặt đau đớn, kinh hoàng nói: "Mau đi mời lão phu nhân lại đây!"

Hoắc Minh Cẩm kéo Hoắc Minh Hằng vào từ đường Hoắc gia.

Từ đường có người ngày đêm trông coi, trong từ đường có những chiếc nến to bằng cánh tay, ánh nến chiếu rọi, trong phòng sáng như ban ngày.

Lại mấy tiếng răng rắc vang lên, Hoắc Minh Cẩm đã chỉnh lại khớp tay cho Hoắc Minh Hằng, đẩy cái kẻ đầu thì mướt mải mồ hôi, miệng thì trầm giọng rên rỉ kia tới trước bàn thờ tổ tiên.

Chàng chắp tay thi lễ với một hàng bài vị của Hoắc gia, nói từng chữ một: "Hoắc gia ta đã trải qua nhiều thế hệ tài năng, cả nhà đều anh dũng, không kết bè kết đảng, không đưa con gái vào cung, tổ tông bao nhiêu thế hệ chinh chiến sa trường, vào sinh ra tử vì non sông xã tắc mới có thể kéo dài đến nay. Con trai Hoắc gia, từ nhỏ tập võ, mười mấy tuổi liền cùng cha và các anh cầm quân tác chiến, những người chưa kịp trưởng thành đã chết trận cũng lên đến ba mươi ba người, cả nhà đại bá cũng đã tuyệt tự."

Chàng cúi xuống nhìn Hoắc Minh Hằng, ánh mắt lạnh như băng, "Hiện giờ, trăm năm cơ nghiệp của Hoắc gia, tất cả hủy trong tay ngươi."

Hoắc Minh Hằng nằm trên mặt đất, hai mắt đỏ rực, cười to mấy tiếng rồi nói: "Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, ngươi chỉ biết cầm quân đánh giặc, căn bản không hiểu chuyện triều đình. Ta phò tá Hoàng thượng đăng cơ, Hoắc gia mới có thể tiếp tục phát triển. Nếu như là ngươi thừa kế tước vị Quốc công, Hoắc gia ta đã diệt tộc giống như hai nhà Định Quốc Công và Ngụy gia rồi! Ta mới là con trai trưởng, ta mới đủ tư cách kế thừa tước vị, ngươi chỉ là một tên mãng phu ngoài biết giơ đao múa kiếm thì chẳng có gì!"

Hoắc Minh Cẩm trầm mặc trong giây lát, "Cho nên ngươi liên hợp với người ngoài, âm thầm bày mưu tính kế đẩy ta vào chỗ chết?"

Ánh nến lay động chiếu lên khuôn mặt Hoắc Minh Hằng, lúc tối lúc sáng, thần sắc phức tạp, "Ngươi và Vinh Vương thân thiết như thế, không diệt trừ ngươi, Hoàng thượng sao có thể yên tâm được?"

Trong phòng bỗng chốc im phăng phắc.

Hoắc Minh Cẩm siết chặt nắm tay, cười tự giễu, "Nói như thế có nghĩa là ngươi thừa nhận."

Anh em cùng một mẹ lớn lên bên nhau... Người ta đều nói máu mủ tình thâm, vậy mà đứng trước tham vọng và lợi ích cá nhân, anh em ruột còn chẳng bằng vài câu nói mê hoặc của người ngoài.

"Ngu xuẩn." Chàng buông tay, nhìn theo ánh nến đang nhảy nhót, môi nhếch lên thành một nụ cười chế giễu, "Ngươi cho rằng ngươi đầu quân vào phe Thẩm Giới Khê, từ đây Hoắc gia có thể thịnh vượng vĩnh viễn hay sao? Vinh nhục của Hoắc gia từ trước đến nay chẳng bao giờ can hệ đến chuyện hoàng tử nào bước lên đại vị. Vinh Vương có không trở thành Hoàng đế, ta vẫn có thể cầm quân. Bản thân ngươi tâm địa không đàng hoàng, mưu lợi cho bản thân, hãm hại anh em ruột, nhúng tay vào việc triều chính... Hoắc gia hiện tại có thể vinh sủng nhất thời, chờ Thẩm Giới Khê rớt đài, ngươi có thể cứu nổi bản thân mình nữa hay sao?"

"Tổ tông bao nhiêu thế hệ tích lũy công lao, nhẫn nại nhiều năm như thế, giờ bị ngươi chôn vùi hết cả."

Hoắc Minh Hằng trừng mắt, mặt đầy giận dữ, phản bác: "Ngươi mới ngu xuẩn! Ngươi biết người trong kinh sư nói Hoắc gia thế nào sao? Một nhà toàn vũ phu!"

"Vũ phu thì làm sao?"

Hoắc Minh Cẩm rút trường kiếm ra lần thứ hai, ánh nến chiếu rọi trên mũi kiếm, hắt ra ánh sáng chói lòa, "Không có vũ phu giữ gìn đất đai, lấy đâu ra thiên hạ thái bình?"

Từng câu từng chữ phát ra đầy khí phách.

Hoắc Minh Hằng trợn mắt, nhìn chằm chằm trường kiếm trong tay chàng, răng nghiến vào nhau ken két, "Ngươi đã giết tuần phủ Chiết Giang, giờ định giết cả ta sao?"

"Đại ca." Hoắc Minh Cẩm khẽ nói, trong mắt hiện lên một làn sương mờ lạnh lẽo, "Ngươi có biết ngươi đã hại chết bao nhiêu người không? Tuần phủ Chiết Giang cố ý cắt đứt tiếp viện, khiến ta mắc kẹt trên đảo hoảng ba năm... Suốt ba năm đó, ta và mấy ngàn tướng sĩ chống đỡ vất vả, cuối cùng chỉ còn lại có mình ta. Bọn họ vốn cùng ta đi xuống phía nam diệt giặc Oa, cuối cùng không chết trên chiến trường mà bị chính người một nhà vây khốn mà chết, bọn họ có người chết bệnh, có người chết đói, thậm chí chết khát..." Giọng chàng đột nhiên thay đổi, "Đại ca, ngươi biết tận mắt nhìn thấy thuộc hạ của mình từng người chết đi là loại cảm giác gì sao?"

Chàng cúi người tới gần Hoắc Minh Hằng, giọng trầm xuống, tựa như trong ác mộng, "Sống không bằng chết, đau đớn đến chết."

Khi chàng lớn tiếng lên án Hoắc Minh Hằng, trong lòng Hoắc Minh Hằng cũng không chút nào sợ hãi nhưng giờ phút này nghe chàng nói ra tám chữ này, từng chữ, từng chữ một gằn xuống, hắn đã sợ tới tái mặt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, run rẩy từng cơn.

Hoắc Minh Cẩm bỗng bật cười, "Đại ca, ta từ mười tám tầng địa ngục trở về, mấy ngàn binh sĩ kia, sẽ không chết vô ích đâu."

"Minh Cẩm! Ngươi buông kiếm ra ngay!" Một âm thanh già nua vang lên, vợ Hoắc Minh Hằng đỡ Hoắc lão phu nhân tóc đã bạc trắng đi vào từ đường.

Hoắc Minh Cẩm không nói gì, trường kiếm trong tay vẫn để trên cổ họng Hoắc Minh Hằng.

Hoắc lão phu nhân thở hổn hển, vuốt ngực lấy hơi rồi lại nói, giọng đầy đau đớn: "Minh Cẩm, ngươi hồ đồ rồi hay sao? Minh Hằng là anh ruột ngươi, là An Quốc công, hắn cũng chỉ nghe lệnh người khác thôi, ngươi giết hắn thì thay đổi được cái gì chứ?"

Hoắc Minh Cẩm ngẩng đầu, nhìn thẳng vào Hoắc lão phu nhân, "Mẫu thân."

Trong mắt lão phu nhân đã loang loáng nước mắt, "Minh Cẩm, mẹ biết con bị thiệt thòi... Nhưng con cũng phải thông cảm cho Minh Hằng, Hoàng thượng biết con và Vinh Vương thân thiết, nếu nó không nghe theo Hoàng thượng, một nhà già trẻ lớn bé của Hoắc gia chúng ta đều sẽ chôn cùng Vinh Vương cả. Định Quốc công che giấu cho người nhà Vinh Vương mà bị hạch tội, chém đầu bị chém đầu, trong triều có người nói đỡ cho Định Quốc Công mấy câu cũng bị đánh chết giữa triều đường. Khi đó con ở Chiết Giang, Minh Hằng không nghe lệnh thì còn biết làm thế nào nữa?"

Bà ta giơ tay gạt nước mắt, nói tiếp, "Các con cốt nhục tương tàn đã là có lỗi với tổ tông, chẳng lẽ phải làm đến mức người chết kể sống mới bằng lòng bỏ qua hay sao?"

Hoắc Minh Cẩm dời đi ánh mắt, mũi kiếm từ từ hướng tới ngực Hoắc Minh Hằng, "Con chưa từng đồng ý với Vinh Vương điều gì. Thẩm Giới Khê thăm dò ta, con cũng không phản hồi. Hoắc gia vốn có thể đứng ngoài cuộc, từ lúc đại ca đồng ý liên thủ với tuần phủ Chiết Giang hại chết con, Hoắc gia mới bị kéo vào cái vòng này."

Cái cảm giác người trên đời đều say chỉ mình ta tỉnh hóa ra là khó chịu thế này. Cha chàng ra đi đột ngột, đại ca lại là người lòng dạ hẹp hòi. Khi ấy chàng nhận lệnh lên chiến trường, ngăn cơn sóng dữ, dùng bả vai non nớt gánh vác cả Hoắc gia, chỉnh đốn lại toàn bộ Hoắc gia quân khi ấy đã sắp sụp đổ sau cái chết của cha, đại ca lại ghen tỵ vì chàng cướp đi uy danh của gia chủ Hoắc gia, sau đó bị người khác dụ dỗ thêm mấy câu, quyết định hại chàng, kéo toàn bộ Hoắc gia kéo vào vũng bùn.

Mười mấy tuổi chàng đã quất roi rong ngựa, cầm đao ra trận, đắc ý biết bao. Hiện giờ chàng từ cõi chết trở về, cái nhiệt huyết và khí phách của tuổi thiếu niên đã không còn nữa, làm sao kéo nổi Hoắc gia trở về con đường sáng đây?

Chàng đâu phải mình đồng da sắt, cũng có lúc mệt mỏi.

"Minh Cẩm, nghe mẹ nói, ngoan ngoãn nhận sai với Hoàng thượng, Hoàng thượng quý trọng nhân tài, nói không chừng còn sẽ để cho con cầm quân đánh giặc..." Hoắc lão phu nhân tiến lại gần vài bước, thanh âm nhu hòa từ ái, y như hồi chàng còn nhỏ, "Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi."

Hoắc Minh Cẩm bi thương cười khổ, "Mẹ, con trai Hoắc gia chúng ta ai cũng dùng thương, con lại luôn dùng kiếm, mẹ có biết vì sao không?"

Hoắc lão phu nhân sững người một lát, không hiểu vì sao đột nhiên con mình lại hỏi chuyện này.

Hoắc Minh Cẩm liếc mắt qua Hoắc Minh Hằng đang được người đàn bà kia đỡ dậy, "Trên chiến trường đao kiếm không có mắt, chỉ cần sơ sảy một chút là có khả năng chết trong tay địch. Trường kiếm dùng để phòng thân rất tốt nhưng không thích hợp trên chiến trường, vậy mà con vẫn dùng kiếm." Chàng giơ bảo kiếm trong tay lên, bất ngờ bổ về kía Hoắc Minh Hằng, "Bởi vì đại ca từ nhỏ thân thể đã yếu đuối, không thích hợp luyện thương, cho nên con cũng không muốn luyện thương." Động tác huy kiếm mang theo kiếm ý lạnh thấu xương, người đàn bà kia cao giọng thét lên.

Mũi kiếm chuẩn xác lướt qua mặt Hoắc Minh Hằng, xoẹt một tiếng, máu tươi văng lên, bắn lên mặt người đàn bà kia.

Máu tươi bắn lên mặt, thậm chí có chút còn bắn vào miệng, bị ả nuốt xuống bụng, người đàn bà sợ hãi, dạ dày đảo lộn, trước mắt tối sầm, hôn mê bất tỉnh.

Hoắc Minh Hằng đau đến chết đi sống lại, từ cổ họng phát ra tiếng thét thảm thiết: hóa ra Hoắc Minh Cẩm thật sự nhẫn tâm đến thế, một chiêu chém đứt ngón út trên bàn tay trái của gã!

Hoắc lão phu nhân nghẹn họng nhìn trân trối, vẻ mặt không thể tin tưởng, thân mình già nua loạng choạng chạy tới bên đứa con lớn, nước mắt rơi như mưa, "Minh Cẩm, con thật sự điên rồi!"

Hoắc Minh Cẩm bình tĩnh, đẩy ngón tay đã đứt lìa kia ra, "Hoắc Minh Hằng, từ nhỏ đến lớn ta chưa bao giờ muốn đoạt tước vị Quốc Công. Hôm nay, trước bài vị tổ tông, ngươi thử để tay lên ngực tự hỏi xem, khi ngươi cùng tuần phủ Chiết Giang nội ứng ngoại hợp hãm hại ta, là bởi Thẩm Giới Khê ép ngươi hay là xuất phát từ lòng riêng?"

Hoắc Minh Hằng ép chặt vị trí ngón tay bị chặt đứt trên bàn tay trái, gân xanh trên trán nổi lên, gào: "Đúng thế đấy, ta chính là muốn ép ngươi vào chỗ chết! Lúc Thẩm Giới Khê tới tìm ta, không cần ông ta mở miệng, ta đã đồng ý hợp tác với ông ta, ta mới là đích trưởng tử, vì cái lý gì mà cái gì ngươi cũng giỏi hơn ta!"

"Minh Hằng!" Hoắc lão phu nhân rơi lệ nói, "Minh Cẩm là em ruột con cơ mà! Sao con lại có thể vì suy nghĩ của bản thân mà ép nó vào chỗ chết?"

Nghe được những lời ghen tỵ ấy của Hoắc Minh Hằng, Hoắc Minh Cẩm cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên.

Chàng vứt kiếm, nhấc áo quỳ xuống, dập đầu trước các vị tổ tiên Hoắc gia.

Cuối cùng, hắn dập đầu với Hoắc lão phu nhân, "Mẫu thân, con đi đây."

Chàng đứng dậy bước ra ngoài.

Hoắc lão phu nhân ngơ ngác hỏi: "Minh Cẩm... Con muốn đi đâu? Đây là nhà của con mà."

Hoắc Minh Cẩm quay đầu lại.

Hoắc lão phu nhân ngước mắt lên nhìn chàng, vừa thấp thỏm vừa chờ mong, "Minh Cẩm... Lẽ nào sẽ giống như con nói thật sao, lần này Hoắc gia thật sự sẽ lụi tàn?"

Hoắc Minh Cẩm không nói.

Hoắc phu nhân cố lấy bình tĩnh, dịu dàng nói: "Minh Hằng nói thế nào cũng là anh ruột con, hai đứa con hợp tác, có lẽ sẽ còn có cách cứu được Hoắc gia chăng? Anh em đoàn kết, có gì không làm được..."

Bà ta gả vào Hoắc gia mấy chục năm, không thể trơ mắt nhìn Hoắc gia sa sút như các thế gia khác!

Hoắc Minh Cẩm nhìn chằm chằmHoắc lão phu nhân một lúc lâu, "Mẫu thân, lúc đại ca và tuần phủ Chiết Giang chuẩn bị lập mưu hại con, người biết đúng không?"

Hoắc lão phu nhân cúi đầu, né tránh ánh mắt chàng, không đáp.

Khóe miệng Hoắc Minh Cẩm nhếch lên một chút, chàng quay đầu rời đi.

Tới tận khi chàng ra khỏi cửa chính Hoắc gia, tùy tùng trốn trong góc tối mới dám vào từ đường, trị thương cho Hoắc Minh Hằng.

Đi một đoạn thật dài, Hoắc Minh Cẩm quay đầu nhìn lại An Quốc Công phủ ở phía xa.

Chàng sinh ra ở đó, cũng từ nơi đó, đã bao lần chàng nói lời từ biệt với mẫu thân, cùng với các bậc cha anh lên ngựa ra chiến trường. Khi chiến thắng trở về, mẫu thân dẫn phụ nữ trong nhà ra cửa chờ đợi. Khi ấy, mặt chàng bình tĩnh, tựa như không vui không buồn nhưng trong lòng thật ra là rất vui. Đây là nhà của chàng, rường cột chạm trổ, đình viện thâm sâu, khung cảnh này chàng đã nhìn rất nhiều năm. Hiện giờ, tắm trong ánh trăng, dinh thự vẫn hiên ngang tráng lệ như cũ nhưng ở đâu đó bóng tối đã xuất hiện. Bao nhiêu thế hệ tổ tiên Hoắc gia đã ngậm đắng nuốt cay để tìm được con đường sống giữa những tranh giành chốn cung đình, nhưng giờ có lẽ cũng đã đi tới cuối đường.

Bao nhiêu tâm huyết vậy mà chỉ trong phút chốc bỗng đổ sông đổ bể.

Chàng không khỏi nhớ tới bản thân mình năm mười ba tuổi, một mình lẻn vào trại địch, một cây đuốc sáng đốt hết lương thảo của người Thát Đát. Ánh lửa bốc lên tận trời, ngập cả một vùng đồi núi, người Thát Đát bị đánh cho tan nát, chạy chối chết. Chàng đừng trên đỉnh núi đối diện, phóng tầm mắt ra xa nhìn cha anh mình đuổi theo diệt sạch quân địch, máu nóng trong người cũng sôi lên chảy khắp người, một tiếng thét vang thấu trời xanh.

Chẳng lẽ đúng như lời cha chàng từng nói, người Hoắc gia sát nghiệp quá nặng, cuối cùng không tránh được vận mệnh bị diệt tộc?

Năm mười hai tuổi, lần đầu tiên chàng bước lên chiến trường, chàng vốn tưởng rằng tương lai mình chắc chắn cũng sẽ chết trên sa trường, ai ngờ được giữa lúc chàng hăng hái nhất lại suýt chết bởi âm mưu của anh trai ruột.

Thiên hạ to lớn nhường này, nơi nào mới là chỗ dành cho chàng?

Một cơn gió nhẹ thổi qua, năm bóng người quỷ mị giống hệt nhau bỗng xuất hiện từ trong bóng tối, từ các hướng khác nhau chạy nhanh về phía chàng, cung kinh: "Nhị gia."

Hoắc Minh Cẩm không nhìn ngôi nhà cũ ấy nữa.

Người cầm đầu nghiêm trang ôm quyền nói: "Nhị gia, thuộc hạ đã hỏi thăm được, Thôi phu nhân Ngụy thị... đã chết từ mấy năm trước."

Mặt Hoắc Minh Cẩm không có biểu hiện gì, thất thần trong giây lát, lẩm bẩm: "Đã chết?"

Người nọ trả lời: "Bị bệnh mà chết. Sau khi Ngụy đại nhân ra đi, Ngụy gia tan cửa nát nhà, Thôi phu nhân đau lòng không chịu nổi, mấy tháng sau cũng đi theo."

Hai hàng lông mày Hoắc Minh Cẩm nhíu chặt lại lại, trầm mặc không nói lời nào, đi tiếp về phía trước. Đi được một đoạn khá xa, thân mình cao lớn bỗng run lên, suýt nữa là ngã khụy xuống đất.

"Nhị gia!" Mấy người tùy tùng vội vàng chạy tới, đỡ lấy bờ vai chàng.

Hoắc Minh Cẩm đẩy tùy tùng ra, cố chấp bước tiếp về phía trước. Mấy người kia vẫn theo sát chàng, vừa đi theo vừa khẽ gọi, hỏi han. Chàng dường như không nghe thấy gì, loạng choạng bước tiếp, một lúc lâu sau bước chân mới hơi chậm lại, nấc lên một tiếng, trong cổ họng cảm thấy một vị tanh ngọt xông lên.

Chàng hộc một tiếng, phun ra một búng máu tươi.

Đám tùy tùng trợn mắt, tay siết lấy bội đao bên hông: "Nhị gia, ngài bị thương!"

Hoắc Minh Cẩm lau vết máu bên khóe miệng, ngăn cản thuộc hạ đang định quay lại An Quốc Công phủ tìm Hoắc Minh Hằng tính sổ, nhàn nhạt nói: "Chôn ở đâu?"

Người kia ngẩn ra, lại nghe thấy chàng hỏi lần nữa, "Ngụy thị được mai táng ở chỗ nào?"

"Ở Hồ Quảng, phủ Giang Lăng, trong phần mộ tổ tiên Thôi thị." Người thuộc hạ cuối cùng cũng hiểu được chàng đang định hỏi gì, vội trả lời, "Nghe nói Thôi đại nhân đối với Thôi phu nhân tình sâu nghĩa nặng. Sau khi Thôi phu nhân bệnh nặng qua đời, Thôi đại nhân vô cùng đau xót, đích thân đưa linh cữu của phu nhân về quê."

Đêm hè, từng cơn gió mát thổi qua, quần áo cũng bay phần phật, cũng giống như mùa hè nhiều năm trước. Hoắc Minh Cẩm nhắm mắt lại, xoay người lên ngựa, siết chặt dây cương.

"Đi phủ Giang Lăng."

Trong bóng đêm, ánh trăng như dòng nước bạc rót xuống tràn khắp mặt đất.

Đội tùy tùng vội vã lên đường, bóng hình đoàn người dần dần lẫn vào ánh trăng.

oOo

Hồ Quảng, huyện Hoàng Châu.

Gần tới Đoan Ngọ, dần có người lục tục tới nhà tìm Phó Văn Chương xin chữ.

Dân địa phương mê tín, cảm thấy cử nhân lão gia là người chính trực, nên có khi đến chữ y viết ra cũng có tác dụng trừ tà. Bởi vậy, họ muốn nhân dịp Đoan Ngọ, treo chữ y trong nhà, xua đuổi tà ma. Thế là Phó Vân Chương lại bận vài ngày.

Lúc y viết chữ, Phó Vân Anh không chép sách nữa, đứng bên bàn chăm chú nhìn y, theo dõi thật kỹ từng động tác của y.

Nàng nhận thấy một khi Phó Vân Chương viết chữ một cách nghiêm túc, chữ viết rất có khí thế, nhìn qua chỉ thấy ngay ngắn chỉnh tề nhưng nhìn kỹ lại thấy như có sóng cuộn bên trong, khác hẳn chữ y viết hằng ngày.

Phó Vân Chương viết chữ cho Trần tri huyện xong, nhìn sang Phó Vân Anh, mỉm cười, "Anh tỷ nhi, thư phòng ta còn thiếu một tấm biển, muội thấy nên lấy tên gì bây giờ?"

Phó Vân Anh suy nghĩ một lúc, tựa vào cạnh bàn nhìn ngắm chữ y vừa viết xong, hỏi lại: "Nhị ca không thích cái tên nào sao?"

"Đúng là không thấy thực sự thích tên nào, nên mới bảo muội đặt."

Phó Vân Chương xoa đầu nàng, cố tình làm hai búi tóc của nàng rối tung lên, "Muội bái ta làm thầy, còn chưa tặng quà bái sư đâu đấy, thế thì viết cho ta mấy chữ, đặt tên cho thư phòng ta đi."

Phó Vân Anh đưa tay lên sửa lại tóc, mặt hơi nghi hoặc.

Ở bên cạnh Phó Vân Chương càng lâu, nàng lại càng không hiểu được y.

Ngày ấy trên sông nhìn thoáng qua khoang thuyền kia, nàng còn nghĩ y là một mĩ nam dịu dàng. Ở từ đường nghe hắn đấu khẩu với tộc lão, nàng nhận ra y ngoài mềm trong cứng, là người cố chấp, hoàn toàn không giống đám thư sinh tầm thường cổ hủ.

Y phong tư xuất chúng, từng điệu bộ cử chỉ đều tao nhã như thế, nàng cứ tưởng rằng y chắc hẳn là giống Ngụy Tuyển Liêm, tuấn tũ nho nhã.

Trước mặt người ngoài, y là người như thế thật, lãnh đạm, thanh cao, thoát tục.

Nhưng mà mỗi khi chỉ có nàng bên cạnh, Phó Vân Chương dường như đã biến thành người khác. Y lười nhác, không câu nệ tiểu tiết, sách đọc xong ném sang một bên, bút dùng xong vứt lung tung, nói mấy chuyện trời ơi đất hỡi khiến nàng bật cười, rồi lại còn tỏ ra coi thường lời nói của thánh nhân.

Sự nho nhã của y chắc chắn là từ trong xương sinh ra đã vậy, hoàn toàn không phải giả vờ nhưng cái con người tay chân vụng về, thường xuyên gạt đổ nghiên mực bên trong y cũng hết sức chân thật, không có chút giả tạo nào.

Phó Vân Anh không biết tại sao trong con người y lại tồn tại những sự khác biệt lớn như vậy, nhưng nàng cũng không cố tìm hiểu, suy nghĩ một hồi, nói: "Cận thủy tri ngư tính, cận sơn thức điểu âm [6]. Nhị ca, huynh thích nghe tiếng nước mưa rơi xuống đá Linh Bích, hay là gọi là Lâm Lang Sơn Phòng?"

[6] Nghĩa là: Ở gần nước (hồ, sông, biển...) thì biết đặc tính của cá, ở gần rừng núi thì hiểu tiếng chim hót.

Phó Vân Chương bất ngờ, "Sao muội biết ta thích nghe tiếng mưa rơi?"

"Tháng trước trời mấy lần đổ mưa, muội chép sách trong thư phòng, nghe được tiếng mưa bên ngoài rơi, mưa rơi trên mặt đá, mưa rơi xuống mặt hồ, thanh âm đều rất hay."

Phó Vân Anh chỉ về phía cửa sổ đang mở rộng. Trong viện chẳng có cây cối gì, chỉ có một hồ nước xanh biếc và một khối đá Linh Bích đen như mực, nhìn rất đơn điệu nhưng mỗi khi mưa rơi lại tạo thành một cảm giác hoài cổ rất đặc biệt "Nghe rất êm tai."

Trên mặt Phó Vân Chương hiện ra ý cười, lẩm bẩm mấy lần bốn chữ "Lâm Lang Sơn Phòng", gật đầu nói, "Được, vậy đặt tên thế đi."

Y cao giọng gọi Liên Xác vào phòng, bảo hắn chuẩn bị giấy lụa cho Phó Vân Anh viết.

"Chữ muội viết còn chưa cứng cáp, nhị ca, huynh định lấy chữ muội làm biển treo thật à?"

Phó Vân Anh thấy y không có vẻ gì là đang đùa bèn hỏi.

Phó Vân Chương cười đáp: "Không sao." Y ngừng lại một chút rồi tiếp, "Ta cũng viết cho muội mấy chữ, muội mang về treo mà trừ tà."

Phó Vân Anh không nhịn được cũng phải mỉm cười.

Nàng viết xong, sang gian bên cạnh rửa tay, tới khi trở lại thư phòng đã thấy Phó Vân Chương đứng bên bàn sách, duỗi cánh tay dài bê hộp đựng giấy bút bên cửa sổ xuống, ống tay áo rộng quét qua mặt bàn một lượt, loảng xoảng mấy tiếng, giấy tờ rơi lả tả khắp nơi.

Y vội vàng quay qua cố bảo vệ giá bút đang lung lay sắp đổ, khuỷu tay lại đập vào hộp sách bên cạnh, cạch một tiếng, chiếc chặn giấy rơi xuống đất, may mà không bị nứt.

Phó Vân Anh đã quen rồi, ngồi xổm xuống giúp y thu dọn giấy tờ rơi trên mặt đất, dọn dẹp lại bàn sách, chuyển hộp đựng giấy bút đến nơi vừa tầm tay Phó Vân Chương, "Nhị ca, muội rót cho huynh một ly trà nhé?"

Phó Vân Chương gật gật đầu, vẫn rất ung dung thản nhiên. Y không hề cảm thấy việc mình làm khi nãy có gì đáng xấu hổ.

Phó Vân Anh rót cho y một chén trà hoa quế, sợ y lỡ tay làm đổ trà nên chỉ rót nửa chén.

Phó Vân Chương bưng chén trà lên uống, trước mặt là một chồng giấy. Đó chính là mấy bài văn Tô Đồng mang tới. Y uống trà xong, lật từng trang giấy ra đọc, cầm bút phê bên lề những lời nhận xét, chỉ ra cái sai, đề nghị sửa chữa. Cặp mày lúc nhăn lại, lúc lại giãn ra.

Phó Vân Anh đứng bên cạnh dọn lại bàn, thi thoảng ánh mắt lại quét qua bài văn đặt trên bàn: "Trong mười người này, chỉ có Tô Đồng có thể thi đỗ tú tài, còn chín người khác, nếu may mắn có thêm hai người nữa đỗ là cùng."

Phó Vân Chương lơ đãng ừ một tiếng, "Sao muội lại nghĩ thế?"

Phó Vân Anh chỉ mấy bài văn trong đó, trả lời: "Nhị ca, huynh ra đề là "Thiên hạ hữu đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất"[7], đây là đề thi hội năm vừa rồi, phá đề không khó nhưng mấy người này không hiểu gì, lạc đề tận đâu rồi không biết. Muốn viết được văn bát cổ, đầu tiên là phải học phá đề, tức là phải thực sự hiểu được ý nghĩa sâu sa của đề bài, sau đó mới có thể tiếp tục mở rộng bài viết, bọn họ chưa đủ kiến thức. Về phần mấy người còn lại, đến cách viết cũng sai, tới trường thi áp lực nặng nề, nhất định viết sẽ còn kém hơn."

[7] Thiên hạ có đạo thì lễ nhạc và chinh phạt đều do thiên tử đề ra, câu tiếp theo là "Thiên hạ vô đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất" (Thiên hạ vô đạo thì lễ nhạc và chinh phạt đều do chư hầu tự quyết định). Theo ý hiểu của mình, một khi là do thiên tử đề ra, mọi quy định và hoạt động của đất nước đều được thống nhất, chư hầu quyết định thì mỗi nơi một phách, đất nước sẽ loạn. Đây là câu được trích từ sách "Luận ngữ" để làm đề văn bát cổ. Bố cục bài văn bát cổ được chú thích kỹ hơn ở cuối chương.

Cuối cùng, nàng chỉ vào bài văn của Tô Đồng, "Tô Đồng viết chữ đẹp, văn chương phân tích thấu đáo trôi chảy, nói không chừng có thể là một trong những người đứng đầu."

Phó Vân Chương ban đầu còn lơ đãng, nhưng sau đó sắc mặt lại thay đổi, nụ cười trên mặt cũng biến mất, thay vào đó là vẻ kinh ngạc.

"Anh tỷ nhi, Tôn tiên sinh bắt đầu dạy muội chế nghệ bát cổ [8] từ bao giờ thế?" Ngũ muội muội là con gái, Tôn tiên sinh tuy dạy muội ấy đọc sách nhưng chắc chắn sẽ không dạy muội ấy làm văn bát cổ.

[8] Làm văn bát cổ gọi là chế nghệ.

Phó Vân Anh mặt mày tỉnh bơ, bình tĩnh trả lời: "Tôn tiên sinh không dạy muội, nhưng mà cửu ca đã bắt đầu được học rồi, muội nghe lén sau bình phong."

Trên thực tế, nàng đâu cần nghe lén, mỗi khi Tôn tiên sinh răn dạy Phó Vân Khải và Phó Vân Khải, tiếng nói vang vọng khắp phòng, nàng chỉ cần cẩn thận lắng nghe là có thể nghe thấy từng chữ. Về chuyện viết văn bát cổ này, một phần là do nàng tự học, một phần là ngồi sau bình phong nghe giảng, còn có một phần nữa là từ kiếp trước, mấy người anh của nàng từng bởi viết văn bát cổ không tốt mà suy nghĩ cả ngày. Lúc nàng đi tìm các anh chơi cùng vẫn thường nghe bọn họ bàn tán về những bài văn nổi tiếng đất kinh kỳ. Thẩm Giới Khê viết văn giải đề rất hay, nàng hồi đó thấy thú vị nên cũng cùng đọc với các anh.

Phó Vân Chương không tiếp tục ép hỏi nàng, mỉm cười nói: "Nếu muội thật sự muốn học, ta có thể dạy cho muội, về sau không được lén lút như thế nữa."

Phó Vân Anh sửng sốt sững người một lúc rồi mới gật đầu.

Nàng cứ tưởng rằng Phó Vân Chương sẽ cố hỏi cho bằng được, không ngờ y lại bỏ qua như thế.

Phó Vân Chương xoa đầu nàng, nhắc lại lần nữa, "Anh tỷ nhi, muội muốn học cái gì thì phải nói với nhị ca, nhớ chưa?"

Nàng mím chặt môi, khẽ vâng một tiếng.

"Nào, dựa theo ưu điểm, khuyết điểm, muội xếp thứ tự cho mười bài văn này đi." Phó Vân Chương dừng bút, vẫy tay gọi nàng lại bên cạnh mình.

Phó Vân Anh không do dự, bước tới đọc lại mười bài văn đó một lần nữa, suy tư một hồi rồi sắp xếp theo thứ tự, Tô Đồng đứng thứ nhất.

Phó Vân Chương hơi thất thần, trên mặt khó giấu nổi sự hoảng hốt.

Kết quả này giống y hệt bình luận của y khi nãy.

Hắn trầm mặc một lát, quyết đoán: "Không cần phải sau này, bắt đầu từ ngày mai, ta sẽ dạy muội chế nghệ bát cổ."


Tác giả có lời muốn nói:

"Thiên hạ hữu đạo, tắc..." là đề văn lấy từ sách "Luận ngữ", từng vài lần xuất hiện trong đề thi hội.


Chú thích của editor:

Quan vấn tóc bằng vàng

Về văn bát cổ, mỗi bài văn bát cổ, hay còn gọi là chế nghệ bát cổ bao gồm: phá đề, thừa đề, khởi giảng, nhập thủ, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, thúc cổ. Từ khởi cổ đến thúc cổ, 4 phần đó mỗi phần có 2 vế song song đối nhau thành 8 vế nên gọi là "bát cổ". Cấu trúc bài văn rất phức tạp, giải thích, đưa trích dẫn, đặt mình vào vị trí của bậc thánh hiền để giảng giải, viết văn phải dùng lối biền ngẫu, các câu đăng đối song hành. Nói ra vậy để hiểu là loại văn này muốn viết được không phải là đơn giản, các cụ thời xưa không phải cứ học thuộc dăm ba quyển sách là kéo nhau đi thi, thế mà chật vật mãi không thi nổi tú tài. Hoàn toàn không phải thế. Nói là giải thích một câu trong sách nhưng không phải như văn nghị luận văn học của mà chúng ta học hồi phổ thông...


Phần sau của truyện sẽ đề cập kỹ hơn về loại văn này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro