Chương 19: Tứ thúc kích động

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nhị thiếu gia!"

Nhìn thấy người tới, Vương thúc và Vương thẩm đến giọng nói cũng thay đổi, lúng túng, dùng một loại giọng điệu thành kính để chào hỏi y.

Phó Vân Chương khẽ gật đầu với hai người họ. Y mới từ bến tàu trở về, đầu còn đội mũ nan, trên người mặc áo thanh bào [1] cổ tròn bằng ninh lụa thêu hoa văn chìm, eo đeo thắt lưng mỏng, chân đi ủng cao cổ, tuy trông phong trần mệt mỏi nhưng ánh mắt vẫn trong trẻo, khí độ bất phàm.

[1] Thanh bào là áo bào màu xanh nhưng mình để nguyên vì từ sau thời Hán, từ "thanh bào" được dùng để miêu tả quần áo của những người ở tầng lớp thấp, vải màu xanh dễ nhuộm, rẻ tiền nên quần áo màu xanh là quần áo của người nghèo. Hình tượng của Phó Vân Chương lúc xuất hiện ở chương này rất mâu thuẫn, đội mũ nan, mặc thanh bào của người dân lao động nhưng thanh bào lại làm bằng lụa đắt tiền, có hoa văn chìm, eo đeo thắt lưng, đây đều là những đồ mà người nghèo không có được. Hình tượng này hé lộ sự mâu thuẫn của nhân vật sau này... (cái này không tính là spoil đâu nhỉ?) Nếu để ý sẽ nhận ra từng miêu tả nhỏ của tác giả xung quanh mỗi nhân vật trong truyện đều phản ánh tính cách nhân vật.

Chủ tiệm cười tươi, kích động đến mức lắp bắp: "Nhị gia đến cửa tiệm này của ta, quả là rồng đến nhà tôm, rồng đến nhà tôm mà."

Phó Vân Chương khách khí cười, ánh mắt chăm chú nhìn Phó Vân Anh.

Mọi người trong tiệm thấy y tới cũng quay ra nhìn, ngay cả người đi ngoài đường cũng phải dừng lại ngắm cử nhân lão gia một cái, Phó Vân Anh đành trả lời: "Nhị ca, muội muốn tìm một quyển "Thủy bộ lộ trình" của Thương Tuấn, hoặc của Tráng Du Tử cũng được."

Đương thời, giao thương mậu dịch ở Giang Nam phát triển, thương nhân buôn muối ở phía nam giàu nứt đố đổ vách. Ở các thành trấn trong vùng Tô Châu, Dương Châu, trong một thị trấn nhỏ có khi cũng có đến mấy chục hộ giàu. Trong triều, rất nhiều đại thần ủng hộ tư tưởng "nông thương cùng có lợi", địa vị của thương nhân cũng được nâng lên, rất nhiều văn nhân thi nhiều lần không đỗ cũng phẫn uất, quyết bỏ sang làm thương nhân.

Những thương nhân xuất thân Nho học này biết nhiều chữ nghĩa, lại có hiểu biết về đời sống, phong tục nhiều vùng. Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ nhiều người hoặc lưu danh sử sách, họ dùng kinh nghiệm và hiểu biết của chính mình để viết sách dành riêng cho thương nghiệp. Những cuốn sách này nói về lộ trình đường bộ, đường thủy trong nước, các quy tắc thương nghiệp, giá cả hàng hoa ở các nơi, phương pháp sản xuất, lưu thông hàng hóa, về cả thị trường và phương pháp kinh doanh. Đặc biệt, sách cũng miêu tả tỉ mỉ về giao thông thủy bộ từ bắc chí nam bao gồm các trạm dịch, bến tàu trên đường đi.

Mỗi lần Phó tứ lão gia ra ngoài làm ăn, tới một thị trấn mới, thường phải thuê dân bản xứ dẫn đường. Những người dẫn đường này, có người thật thà chất phác nhưng cũng có người gian manh xảo trá. Tuy Phó tứ lão gia là người có kinh nghiệm bôn ba nhiều năm ở ngoài nhưng nhiều khi trở tay không kịp, bị người ta cho vào bẫy, mất tiền mất hàng.

Phó Vân Anh muốn mua cho ông một quyển "Thủy bộ lộ trình", ông không đọc được, nàng có thể đọc cho ông nghe. Sau này ông muốn đi buôn bán ở đâu, tìm thấy ghi chú trong sách thì không những có thể không phải đi lòng vòng, tiết kiệm chi phí mà còn có thể dựa vào thông tin trong sách để biết được nơi ấy thiếu hàng hóa gì để mang theo bán kiếm lời, đồng thời có thể tránh được việc bị thương nhân nơi đó lừa đảo.

Một hòn đá trúng mấy con chim.

Chi phí cho việc đi học vốn không phải là thấp, không kể đến quà bái sư cho Tôn tiên sinh, riêng chi phí mua giấy bút thôi cũng không phải ai cũng chi trả được. Tiền này là tứ thúc chi cho nàng, nếu không có ông, Phó Vân Anh là sao có thể với tới học hành sách vở một cách thuận lợi như vậy. Phó Vân Khải và Phó Vân Thái sau này có thể tham gia khoa cử, lấy được công danh báo đáp cho tứ thúc, nàng không thể đi thi, vậy thì phải tìm cách khác, từ đó cho Phó tứ gia thấy cho nàng đi học không phải ném tiền qua cửa sổ.

Phó Vân Chương nghe nàng nói xong, ừ một tiếng, hỏi: "Mua cho tứ thúc đúng không?"

Không hổ là cử nhân trẻ tuổi, nghe nói mấy câu đã hiểu ngay, Phó Vân Anh gật đầu.

"Trong thư phòng của ta có cuốn sách này, khi nào về sai người qua chỗ ta lấy."

Phó Vân Chương nói xong lại hỏi, "Muội đi một mình đấy à?"

Vương thúc khẽ trả lời: "Ngũ tiểu thư đi cùng với thái thái ạ, thái thái đang ở cửa hàng bạc bên cạnh."

Phó Vân Chương không đáp, gật đầu chào chủ tiệm rồi ra ngoài.

Người tới xem cũng chậm rãi tản ra.

Trong phòng chép sách, mấy thư sinh bàn tán sôi nổi. Một thanh niên mặt chữ điền chọc nhẹ cánh tay Tô Đồng, "Ai, đệ nhìn nhị thiếu gia của Phó gia mà xem, thật có khí phái mà! Đệ không phải người nhà bọn họ sao? Có thể giới thiệu để ngu huynh có cơ hội gặp mặt một lần được không?"

Bất ngờ bị chạm vào tay làm cho trang giấy đang viết của Tô Đồng bị dây ra một vết mực, Tô Đồng hơi nhíu mày. Thanh niên cuống quýt, "Xin lỗi, xin lỗi. Huynh giúp đệ viết lại trang này được không?"

Tô Đồng ngẩng đầu lên, trên gương mặt tuấn tú lộ ra một nụ cười, ôn hòa nói: "Không sao, là do đệ bị phân tâm sẵn rồi." Hắn xoa xoa cổ tay nhức mỏi, "Đệ không thân thiết với nhị thiếu gia, huynh cũng biết mà, đệ ăn nhờ ở đậu..."

Thanh niên nọ xấu hổ, vỗ vỗ vai hắn, "Là huynh lỗ mãng, đệ có cái khó xử của đệ. Nghe nói lần này đệ đi thi, học hành là quan trọng hơn cả, huynh không quấy rầy đệ nữa."

Tô Đồng mỉm cười.

Phó Vân Anh trở lại cửa hàng bạc, Lư thị nhất quyết phải đánh cho nàng một bộ vòng bạc, đi tới kéo tay áo nàng lên, để lộ ra chiếc vòng vàng trên cổ tay nàng, chỉ cho tiểu nhị trong tiệm, nói, "Vòng tay này ta giữ mấy năm, bị xỉn màu, các ngươi đánh bóng lại cho sáng lên."

Rồi dù Phó Vân Anh liên tục từ chối, Lư thị vẫn cứ kiên quyết bắt nàng chọn một bộ vòng bạc cho bằng được.

Đám tiểu nhị đương nhiên là lại nịnh nọt, khen Lư thị hào phóng, thương yêu cháu gái, khen Phó tứ lão gia tháo vát, có bản lĩnh, một mình nuôi được cả gia đình.

Lư thị cười híp cả mắt.

Phó Vân Anh nghe thấy người đằng sau khẽ hừ lạnh một tiếng, liếc qua liền thấy Phó Quế đang cúi đầu tóm chặt tay áo.

Không cần hỏi cũng biết, khi nãy Lư thị chắc chắn cũng cố tình chỉ cho tiểu nhị xem vòng tay trên cổ tay Phó Quế, hơn nữa còn cố ý nói ra là chiếc vòng này do bà cho.

Lư thị là người quy củ, nghiêm khắc, thích tính toán chi li nhưng thể hiện ra ngoài lại đầy vẻ hào phòng, khiến người ngoài không ai có thể chê trách gì được bà.

Nhưng mà lại khoe khoang quá.

Phó Quế dễ tự ái, lại nhạy cảm. Cô bé này đang ở vào tuổi hiếu thắng. Lư thị thích khoe khoang về sự tốt bụng, hào phóng của bản thân bà và Phó tứ lão gia nhưng lại chưa từng bận tâm đến cảm nhận của cháu gái. Mỗi khi có khách tới nhà, lúc nào bà cũng kể chuyện Phó tam thúc và Phó tam thẩm sống dựa vào Phó tứ lão gia. Có mấy lần mấy người bạn thân của Phó Quế tới chơi, Lư thị cũng kể lể với bọn họ Phó tứ lão gia chi cho Phó tam thúc cái này cái kia, dùng hết bao nhiêu bạc, Phó Quế cười không được, khóc cũng không xong, giận đến mức mặt mày xám ngoét, suýt nữa trào nước mắt. Lư thị cũng chẳng để ý.

Ngoài ra, tiểu thiếu gia Phó Vân Thái kia lại quá lắm lời, không coi ai ra gì, thường xuyên chế nhạo Phó Quế khiến cho bản thân nàng vừa nhục nhã lại vừa đau lòng, Phó Quế biết ơn Phó tứ lão gia, ghét Lư thị và Phó Vân Thái. Nhưng bình thường Lư thị đối xử với nàng không tệ, chi phí ăn mặc của nàng nào có kém Phó Nguyệt, nếu như nàng hận Lư thị thì quá vong ân phụ nghĩa rồi...

Phó Vân Anh không có biểu hiện gì, cứ như thế này, Phó Quế cũng không biết phải nghĩ như thế nào về Lư thị, vậy nên quan hệ giữa nàng và Phó Nguyệt mới khi tốt khi xấu, lúc nóng lúc lạnh.

Phó tứ lão gia thường làm ăn xa nhà, chuyện trong nhà đều là do Lư thị quản lý, nha hoàn, bà tử đều nghe lệnh bà, mẹ chồng đã nghỉ ngơi, mặc cho bà làm gì cũng được, Lư thị làm sao có thể không kiêu ngạo, bà cố chấp, không chấp nhận bất cứ ai chỉ ra cái sai của mình.

Phó Vân Anh cúi đầu, kéo lại ống tay áo. Chuyện này phải do Phó Nguyệt nói ra mới được, Lư thị nóng tính, chỉ có con gái bà mở miệng khuyên giải mới có thể khiến bà bình tĩnh mà nghe vào mấy câu.

Lúc quay lại Phó gia, Vương thúc lập tức đi đông viện kể với Phó tứ lão gia chuyện đi mua sách gặp được nhị thiếu gia.

"Nhị thiếu gia bảo ngũ tiểu thư sai người qua chỗ ngài ấy lấy cuốn sách kia, tên là là sách năm sáu [2] gì đó."

[2] Phó Vân Anh muốn mua "Thủy bộ lộ trình" (Shui bu lu cheng), Vương thúc không biết chữ nên nghe không hiểu, nghĩ là "năm sáu" (wu liu)

"Sách gì cơ, năm sáu?"

Phó tứ lão gia không hiểu Vương thúc nói gì nhưng chuyện này cũng không ngăn được nụ cười trên mặt ông, "Sách của nhị thiếu gia cho mượn thì không thể qua loa như thế được, sao có thể sai người qua lấy chứ! Ta sẽ đưa Anh tỷ nhi qua bên đó một chuyến, nhân tiện cảm ơn nhị thiếu gia luôn."

Vương thúc vội nói: "Quan nhân, nhị thiếu gia mới từ phủ Võ Xương về, đến quần áo còn chưa thay! Giờ chắc mới về đến nhà."

"Vừa về tới nơi luôn hả? Thế thì cũng vừa đúng lúc..."

Phó tứ lão gia nén xúc động và vui mừng, đi mấy vòng xung quanh phòng mới bình tĩnh lại được, "Thôi được rồi, nhị thiếu gia vừa về, chúng ta cũng không nên tới làm phiền, ngày mai đi." Rồi ông gọi gã sai vặt, "Nói với Anh tỷ nhi mai ta sẽ đưa con bé qua bái kiến nhị thiếu gia."

Gã sau vặt chạy đến cửa viện của Phó Vân Anh thì chuyển lời cho bà tử, thúc giục, "Quan nhân đang chờ ngũ tiểu thư trả lời đó!"

Bà tử nghe vậy liền vào trong thuật lại lời của Phó tứ lão gia cho Phó Vân Anh nghe.

Phó Vân Anh không biết nói gì cho phải.

Thuở nhỏ nhà nghèo không được đi học là nuối tiếc lớn của Phó tứ lão gia nên ông đặc biệt tôn trọng người đọc sách, còn có phần sùng bái nhị thiếu gia Phó Vân Chương một cách cuồng nhiệt mù quáng. Chỉ đến lấy quyển sách thôi, sai tùy tùng đến lấy là được nhưng ông nhất định phải tự đi, như thể có thể đứng gần Phó Vân Chương một chút là có thể hít được mấy hơi tiên khí, kéo dài tuổi thọ không bằng.

"Truyền lời cho tứ thúc, ta biết rồi, ngày mai ăn sáng xong ta sẽ chờ tứ thúc ở phòng chính."

Hàn thị nghe nói Phó Vân Anh chuẩn bị đi sang bên đại phòng bái kiến Phó Vân Chương, mặt hơi đổi sắc, đôi tay đang đan khăn lưới cũng ngừng lại, "Liệu có phải gặp Trần lão thái thái không?"

Phó Vân Anh trả lời: "Con chỉ gặp nhị ca thôi, tìm huynh ấy mượn sách."

Hàn thị hít một hơi, ấn lên chiếc nhẫn thuê đeo ở ngón tay, nói: "Lão thái thái kia khó tính, con mà gặp bà ấy thì nói năng cẩn thận, đừng nói linh tinh, biết chưa?"

Chả mấy khi người vô tư lự như Hàn thị lại sợ người khác đến thế, Phó Vân Anh trèo lên sập, uống một ngụm trà, cười nói: "Mẹ gặp Trần lão thái thái rồi à?"

Hàn thị đáp: "Hồi tháng giêng đi xem diễn, mẹ có nhìn thấy bà ta một lần từ xa, rất khí phái, còn hơn cả thái thái nhà thiên hộ ấy chứ! Không phải mẹ dọa con cho vui đâu, đến tứ thúc con còn sợ bà ta nữa là." Đôi mắt bà liếc quanh một vòng, thấy không có ai mới nói tiếp, "Mẹ nghe tam thẩm con nói, ngày ấy Phó lão thái gia bị bệnh mà chết, người trong tộc từng bàn bạc đưa một đứa con trai tới, đặt dưới danh nghĩa của lão thái thái, định chiếm gia sản nhà họ, Trần lão thái thái khi ấy bụng to vượt mặt còn từ từ đường chạy ra khóc lóc thảm thiết, dọa sống dọa chết, còn cào mặt tộc trưởng máu me đầm đìa. Người trong tộc nào dám ép bà ta tự tử thật, vậy là bà ta mới giữ được tòa nhà, nhưng mà ruộng đất, thôn trang, thuyền bè vẫn bị người ta cướp mất. Mãi đến khi nhị thiếu gia đỗ tú tài đứng thứ nhất thì mới lấy lại được."

Phó Vân Anh giật mình, nghĩ ngợi xa xăm.

Họ tộc chèn ép mẹ góa con côi vốn là chuyện thường. Năm đó Thôi gia sa cơ lỡ vận, mẹ của Thôi Nam Hiên đưa con trai con gái đi tha hương cũng là do bị người trong tộc chèn ép.

Quê gốc của Ngụy gia vốn ở phủ Giang Lăng, ở quê cũng có mấy hộ họ hàng xa nên khi mới trở lại huyện Hoàng Châu, nàng cũng đã ngầm hỏi thăm người nhà họ Ngụy. Sau khi Ngụy Tuyển Liêm mất, người nhà họ Ngụy cũng mất đi chỗ dựa, rơi vào cảnh khó khăn, sau này bỏ hết cả nhà cửa mà bỏ đi nơi khác.

Nàng đờ đẫn một lát rồi giúp Hàn thị sửa lại khăn lưới, lên tiếng: "Người trong tộc chèn ép lão thái thái, lão thái thái thật đáng thương."

"Đúng là đáng thương, nhà không có đàn ông, chẳng biết trông cậy vào đâu, thân thích chẳng giúp đỡ gì, lại còn tới tranh giành tài sản..." Nói tới đây, Hàn trợn mắt, bà hận nhất là những người chèn ép quả phụ. Bà nhớ tới chuyện ở Cam Châu lại bực mình, bĩu môi, khẽ nói tiếp. "Nhưng Trần lão thái thái cũng không phải là người dễ bắt nạt. Sau khi nhị thiếu gia đỗ cử nhân, bà ta kết nghĩa với tri huyện lão gia, tri huyện phu nhân còn phải gọi bà ta là đại tỷ. Từ đó, trong huyện, không ai dám đắc tội với lão thái thái, cũng không biết bà ta làm cách nào mà những người đắc tội với bà ta năm ấy đều bị điều đi mấy vùng hẻo lánh, người thì vào quân doanh, người làm phu khuân vác, người ra đồng muối, người đi xây đường, người vào lò rèn, nói chung toàn việc cực nhọc cả. Năm kia cái vị Thôi đại nhân gì đó hủy bỏ chế độ lao dịch cho dân chúng, người người không cần làm việc nặng nhọc nữa, người nhà họ phái người đi đón về, hóa ra chẳng còn ai sống sót."

Phó Vân Anh nhắm chặt mắt, nhớ tới thảm cảnh của Ngụy gia, sợ hãi co rúm người.

Hàn thị nghĩ là nàng sợ, đặt khăn lưới trong tay xuống, ôm lấy nàng, "Đừng sợ, con nhớ cách Trần lão thái thái xa một chút là được. Nếu bà ta làm gì con, con cũng đừng âm thầm chịu đựng, mẹ đến nói lý lẽ với bà ta!"

Phó Vân Anh trầm mặc một lúc lâu, khẽ hỏi: "Nhị thiếu gia cứ để như thế hay sao ạ?"

Trần lão thái thái muốn trút giận thực ra cũng là chuyện bình thường, nhưng cách làm của bà ta quá cực đoan. Phó Vân Chương hướng tới con đường khoa cử, không thể có vết nhơ, những chuyện như thế này nếu bị người ta tố giác thì sẽ là dấu chấm hết cho tiền đồ của y, dù y có là sao Văn Khúc giáng thế đi chăng nữa thì cũng không thể làm quan.

"Nhị thiếu gia khi đó đi phủ Trường Sa, không ở trong huyện." Hàn thị nói, "Hơn nữa cũng là quan phủ bắt người, nhị thiếu gia có ở đó cũng không ngăn cản nổi. Ai, loại dân đen như chúng ta ấy mà, làm sao đấu lại được với người nhà quan. Vậy nên tứ thúc con mới ngóng trông Khải ca nhi và Thái ca nhi có thể đọc sách đi thi, chỉ có làm quan mới không cần khom lưng cúi gối!"

Bà xoa đầu Phó Vân Anh, "Đáng tiếc Đại Nha không phải con trai, con mà là con trai, mẹ cũng sẽ tích cóp tiền nuôi con ăn học, con cũng có thể giống Trạng nguyên trong vở diễn ấy, kiếm cho mẹ một danh vị cáo mệnh."

Phó Vân Anh chỉ cười, không nói gì.

Sáng sớm hôm sau, Phó Vân Anh lại thức dậy vào giờ Mẹo như thường lệ, Phương Tuế múc nước cho nàng rửa mặt.

A Kim bên phòng Phó tứ lão gia đứng trước bậc thềm ngoài viện nhìn vào trong, thấy Phó Vân Anh đã sửa soạn xong xuôi liền quay về gọi Phó tứ lão gia dậy. Tứ lão gia thích ngủ dậy muộn, nhưng lại nhớ hôm nay được gặp Phó Vân Chương nên nhắc nha hoàn nhớ gọi ông dậy.

Phó Vân Anh lại không lo lắng chút nào, đọc sách nửa canh giờ rồi cùng ăn sáng với Hàn thị, sau đó đi phòng chính vấn an Đại Ngô thị.

Phó tứ lão gia đợi nàng ở hành lang bên ngoài phòng chính, thấy nàng thỉnh an xong thì bước tới nắm lấy tay nàng, vội vàng kéo nàng đi, "Đi thôi đi thôi, không nhị thiếu gia ra ngoài mất thì sao."

Phó Vân Anh muốn cười lắm nhưng vẫn kìm lại, khuôn mặt trông vô cùng thoải mái. Phó tứ lão gia lại căng thẳng, vô thức đưa tay vuốt lại quần áo cho thẳng thớm.

Hình ảnh trước mặt khiến cho Vương thúc đang đi theo phía sau họ có một ảo giác: Không hiểu sao ông ta cảm thấy ngũ tiểu thư mới là người lớn trong nhà, còn tứ lão gia thì y hệt cô con dâu mới lần đầu được người lớn đưa tới gặp mặt chị em dâu nhà chồng...


Chú thích của editor:

Trang phục của Phó Vân Chương

Mũ nan

Áo cổ tròn và thắt lưng mỏng, thực ra là sợi dây mềm buộc lại

Ủng cao cổ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro