Câu chuyện 19: Trấn Nam vương Thống soái động binh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) Thống soái Thoát Hoan chia quân làm 6 hướng tấn công vào biên giới Đại Việt. Những trận chiến ác liệt nổ ra. Trước lực lượng áp đảo của quân Nguyên, quân Trần phải lui dần. Sáu cánh quân Nguyên do Thoát Hoan và các tướng Bột La Đáp Nhĩ, Ô Mã Nhi, Lý Hằng, Tôn Hựu, Sát Tháp Nhi Đài chỉ huy nhanh chóng chiếm được các cứ điểm quan trọng của quân Trần. Các cánh quân Đại Việt lui về tập trung giữ ải Chi Lăng (Lạng Sơn).

Tận dụng địa thể hiểm trở của ải Chi Lăng, Trần Quốc Tuấn áp dụng lại mưu kế của hoàng đế Lê Đại Hành đã từng sử dụng để đánh tan quân Tống xâm lược năm 981. Hưng Đạo cho giấu quân trên những ngọn núi cao rồi cử Phạm Ngũ Lão dẫn quân ra đánh, vờ thua, dụ cho quân Nguyên đuổi theo để chúng rơi vào trận địa mai phục. Nhưng quân Nguyên lại không trúng kế. Vì nhận thấy địa thế xung quanh hiểm trở bất an, con đường trước mặt đều là núi cao rừng rậm, dễ dàng giấu quân mai phục, thế nên chúng không đuổi theo. Phạm Ngũ Lão quay lưng lại không thấy quân Nguyên đâu nên lệnh cho binh sĩ quay lại tiếp tục khiêu chiến, giặc vẫn không trúng kế, chúng chỉ cho cung thủ bắn tên để đẩy lui quân Trần chứ không vội vã đuổi theo.

Thoát Hoan đã từng chinh chiến nhiều nơi, là một tên dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, hành quân rất cẩn trọng, hắn không dễ gì mắc mưu mà cho quân đuổi theo địch ở nơi có địa hình nguy hiểm như vậy.

Thoát Hoan phân vân vì nếu không qua được ải Chi Lăng thì không thể tiến vào lãnh thổ Đại Việt. Lúc này Phó tướng của Thoát Hoan là Lý Hằng nhìn vào bản đồ hiến kế:

- Thống soái, tại sao không đi con đường thứ hai?

Thoát Hoan nói:

- Từ Chi Lăng vòng sang Bạch Hạc đường rất xa. Nếu bây giờ đổi sang đi hướng Bạch Hạc sẽ mất nhiều thời gian, chưa kể trên đường đi còn bị mai phục.

Lý Hằng đáp:

- Không, ý mạt tướng không phải đi ngả Bạch Hạc.

Thoát Hoan ngạc nhiên hỏi:

- Ở đây còn con đường thứ hai tiến vào Đại Việt sao?

Lý Hằng đáp:

- Trong bản đồ không có nhưng ngoài bản đồ thì có. Nếu thống soái lo ngại trên núi có phục binh thì xin ngài hãy chia cho mạt tướng một vạn tinh binh, mạt tướng chia quân ra mỗi đường 5000 binh lính tinh nhuệ đi vòng lên núi tập kích phía sau quân địch, mở đường cho quân ta.

Thoát Hoan đáp:

- Ở đây núi non hiểm trở, nếu như bị quân địch phát hiện bao vây sẽ rơi vào thế hiểm, một vạn binh của ngươi sẽ chết hết.

Lý Hằng:

- Không, bọn An Nam không thể ngờ quân ta dám đi vòng lên núi tập kích bọn chúng, nơi càng nguy hiểm càng không phải đề phòng. Nếu ngài đồng ý cho mạt tướng 1 vạn tinh binh đi vòng lên núi tập kích quân Đại Việt thì nội trong ngày hôm nay mạt tướng sẽ lập chiến công. Dù sao thì đại quân ta cũng không thể mạo hiểm đi vào con đường phía trước.

Thoát Hoan:

- Thôi được. Lệnh cho ngươi và Tôn Hựu mỗi người lãnh 8000 binh, chia làm hai ngả lên núi tập kích phía sau lưng quân Đại Việt. Các ngươi xuất phát lên đỉnh núi trước để mở đường, hai canh giờ sau ta sẽ thúc đại quân xông vào phá ải. Chúng ta đồng loạt tấn công không cho quân Đại Việt có cơ hội hỗ trợ lẫn nhau.

Lúc này Trần Quốc Tuấn thấy Thoát Hoan dừng mãi chẳng chịu tiến quân nên sinh nghi:

- Dù quân ta liên tục khiêu khích nhưng Thoát Hoan vẫn không chịu tiến quân, ta e là hắn đã biết được chúng ta giấu quân trên núi. Nếu suy đoán của ta là đúng thì hắn sẽ cử quân vòng lên núi tập kích quân ta.

Trần Bình Trọng lo lắng:

- Nếu như vậy thì quân ta nguy mất!

Nguyễn Khoái:

- Số quân mai phục trên núi toàn là quân tinh nhuệ của ta, sau này không thể thiếu họ. Nếu như ngay trận đầu quân chủ lực đã bị bao vây, bị Thoát Hoan giết sạch thì về sau quân ta sẽ bại như núi đổ. Xin tiết chế hãy cho mạt tướng mang quân chi viện!

Trần Quốc Tuấn:

- Bình Trọng và Nguyễn Khoái nghe lệnh! Lệnh cho hai người dẫn thêm 3000 quân tức tốc lên đỉnh núi hỗ trợ cho quân ta. Phải nhớ, Thoát Hoan chắc chắn mang trọng binh đi tập kích, gặp địch không thể chiến đấu, chỉ cần mở đường cho quân ta xuống núi là được. Sau khi xuống núi các ngươi lập tức rút quân về ải Nội Bàng.

Dứt lời, Trần Hưng Đạo ra lệnh cho Phạm Ngũ Lão rút quân về ải Nội Bàng.

Phạm Ngũ Lão hỏi:

- Tiết chế, không lẽ để mất Chi Lăng dễ dàng vậy sao?

Quốc Tuấn đáp:

- Thoát Hoan biết được nơi đây có mai phục ắt hẳn đã phái binh lên núi tương kế tựu kế tập kích chúng ta. Từ nãy giờ hắn không động binh là đang cố tình kéo dài thời gian cho quân của hắn lên đến đỉnh núi phá mai phục sau đó mới xua đại quân đánh vào đây. Nếu như chúng đồng loạt tấn công, cắt đứt đường chi viện của ta thì quân ta không thể hỗ trợ cho nhau được. Bảo toàn quân số là ưu tiên trên hết. Ngươi mau nhanh chóng rút quân về Nội Bàng.

Như vậy là thế trận ở ải Chi Lăng đã sớm được định đoạt, quân Trần nhanh chóng rút quân về Nội Bàng, quân Nguyên dễ dàng chiếm được Chi Lăng, tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt.

Chẳng mấy chốc chúng đã đánh tới đại bản doanh Nội Bàng.

Toàn bộ lực lượng chủ chốt của quân Đại Việt đều đang đóng giữ tại đây, Thoát Hoan muốn đánh nhanh giết gọn, thúc toàn quân xông lên. Hai quân giao tranh vô cùng khốc liệt. Do lực lượng đôi bên quá chênh lệch nên quân Đại Việt nhanh chóng tan vỡ phải rút lui về Vạn Kiếp. Lúc này các cánh quân Đại Việt hoàn toàn bị chia cắt với nhau, mạnh ai nấy rút, bản thân Trần Quốc Tuấn bị quân Nguyên truy kích, bấy giờ chỉ có một mình Dã Tượng hộ vệ cho Quốc công, không có quân cứu viện, tình thế vô cùng nguy cấp.

Quốc Tuấn nghĩ rằng cánh thủy quân đóng ở bãi Tân đã rút đi hết rồi, đến đấy cũng không còn thuyền để thoát thân nên nói với Dã Tượng rút theo đường núi về Vạn Kiếp.

Dã Tượng một mực khẳng định:

- Yết Kiêu chưa thấy Đại vương đến chắc chắn sẽ không đi một mình!

Hưng Đạo vương nghe theo Dã Tượng, cả hai đến bãi Tân thì thấy chỉ còn một mình Yết Kiêu vẫn còn neo thuyền ở đó đợi chủ nhân, Trần Hưng Đạo cảm động vì lòng trung thành của Yết Kiêu mà nói:

- Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi.

Nhờ có Yết Kiêu dũng cảm gan dạ đợi thuyền mà Trần Quốc Tuấn thoát được kiếp nạn. Quốc công Tiết chế rút lui an toàn, khi kỵ binh của Thoát Hoan đuổi đến thì thuyền đã đi xa.

Hưng Đạo vương lui về phủ đệ Vạn Kiếp bày binh bố trận đón đánh giặc, mặt khác lại giao cho Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão đóng giữ ở vùng Lạng Giang cách đó không xa để ngăn chặn tốc độ tiến quân của Nguyên Mông. Trong lúc hai bên đang giao tranh ác liệt thì Hưng Đạo vương sai người đến truyền lệnh cho Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão bỏ hết doanh trại, lui quân về Vạn Kiếp.

Trần Bình Trọng nghe vậy nổi giận:

- Nói bậy! Tiết chế nghiêm lệnh chúng ta cố thủ ở đây 10 ngày, tại sao chưa đến 5 ngày lại bỏ trại lui quân?

Lính đưa tin bảo: "Tiết chế có nói nếu trái lệnh lui quân, chém không tha".

Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão bất đắc dĩ phải bỏ Lạng Giang lui quân về Vạn Kiếp hợp binh với Trần Hưng Đạo. Lúc này tinh thần quân Trần hoang mang lo lắng vì Trần Hưng Đạo không cho quân sĩ đánh mà chỉ lui quân.

Một tôn thất nhà Trần là Trần Kiện ức chế nói:

- Thoát Hoan trong vòng 10 ngày đã phá hết các phòng tuyến ở biên giới của quân ta, tiến quân mấy trăm dặm. Tiết chế ngồi đây không dám cho chúng ta đánh, gặp giặc thì chỉ biết lui quân, quân lệnh cũng không rõ ràng thống nhất, lúc lệnh ta đánh, ta chưa kịp đánh thì đã rút lui, còn nói gì đến giết giặc ngoại xâm bảo vệ Thăng Long! Rõ ràng là Tiết chế không có kế đẩy lui quân giặc.

Những lời này của Trần Kiện làm rối lòng quân, chuyện đến tai Hưng Đạo vương. Trần Kiện bị Hưng Đạo vương cách chức đuổi về Thăng Long.

Biết là nhiều binh tướng khác không dám lên tiếng chứ thực sự trong lòng họ cũng đang thầm nghĩ như Trần Kiện nên trong lúc họp bàn tướng sĩ thì Trần Bình Trọng nhân dịp đó hỏi Hưng Đạo vương:

- Bẩm Quốc công, quân Nguyên sắp sửa kéo đến đây, trận tiếp theo sẽ đánh như thế nào?

Trần Hưng Đạo:

- Lần này quân ta chỉ cần cố thủ 5 ngày. Tất cả chư tướng nghe rõ, trong vòng 5 ngày vẫn cố thủ không được xuất binh ra đánh. Sau 5 ngày này, nếu như quân Nguyên tấn công mạnh mẽ, chúng ta lại tiếp tục lùi quân về phòng tuyến sông Đuống.

Trần Bình Trọng đáp:

- Xin hỏi Quốc công, chúng ta cứ lùi rồi lùi, phải lùi cho tới khi nào?

Trần Hưng Đạo cười:

- Về chuyện này, tới lúc đó các ngươi sẽ tự hiểu.

Nguyễn Khoái nói:

- Khẩn xin Tiết chế khai ân, bây giờ hãy cho chúng tôi biết để an lòng quân.

Trần Hưng Đạo:

- Thôi được. Ta nói cho các ngươi biết vậy. Việc chúng ta nên làm bây giờ không phải là tử chiến với địch mà là tranh thủ tất cả thời gian dây dưa với chúng để chờ thiên thời. Ta nói cho các ngươi biết, ta có 30 vạn đại quân đang trên đường tới đây giúp chúng ta phá giặc. Việc của các ngươi là hãy kiên nhẫn chống chịu, chờ viện binh đến.

Các tướng nghe vậy ngạc nhiên hỏi:

- Đại Việt lấy đâu ra 30 vạn binh mã nữa?

Trần Hưng Đạo đáp:

- Ta đâu có nói 30 vạn binh mã đó là của Đại Việt. Ý ta là sẽ có 30 vạn binh mã từ trên trời rơi xuống giúp chúng ta lấy thủ cấp Thoát Hoan treo trên thành Thăng Long.

Mọi người vẫn còn khó hiểu, Phạm Ngũ Lão hỏi:

- Chẳng lẽ Tiết chế đang muốn quân ta bảo toàn lực lượng, đợi khi mùa khô đến, thời tiết oi bức, quân giặc không hợp thủy thổ, người đói ngựa mệt, dịch bệnh hoành hành thì quân ta mới chớp thời cơ phản công?

Trần Hưng Đạo cười:

- Ngươi nói đúng nhưng chưa đủ.

Hưng Đạo vương nói tiếp:

- Chư vị tướng quân, quân của Thoát Hoan có đến 50 vạn cộng thêm cả cánh quân của Nạp Tốc Lạt Đinh ở phía tây, quân của Toa Đô đang đóng ở biển bắc Chiêm Thành. Nếu đem so sánh binh tướng nhiều ít thì chúng ta mãi mãi không thể sánh bằng Thoát Hoan, nếu gom hết toàn bộ binh lực Đại Việt lại cũng không bằng một nửa quân Thát Đát. Vậy nên lúc này chúng ta tuyệt đối không thể đánh một trận quyết sống chết với địch, mà chỉ có thể đánh cầm chân bọn chúng. Quân Thát Đát đông nhưng điều đó lại làm hại bọn chúng. Lương thực mang theo không thể nào nuôi hết được 50 vạn cái bụng trong thời gian dài, quân càng đông thì càng cần phải có nhiều lương thực nuôi quân. Quân đói thì làm sao mà đánh? Chỉ cần quân ta kéo dài thời gian, đợi đến khi lương thực mang theo của giặc đã cạn rồi thì quân ta mới nhân cơ hội đó phản công.

Hưng Đạo vương nói tiếp:

- Các vị tướng quân, các vị nhất định phải tin tưởng bổn vương. Chỉ cần dây dưa với giặc, không được tử chiến, từ từ rồi sẽ thắng thôi, chắc chắn sẽ dồn Thoát Hoan vào chỗ chết.

Lúc này các tướng sĩ mới hiểu được ý đồ của Hưng Đạo vương và xốc lại tinh thần chiến đấu.

Trong khi đó tin chiến bại của Hưng Đạo vương liên tiếp báo về Thăng Long. Chỉ trong vòng 10 ngày quân Nguyên đã lần lượt phá tan được các phòng tuyến của quân Đại Việt ở ải Khả Ly, Động Bản, Vĩnh Châu, Thiết Lược, Chi Lăng, Nội Bàng, chiếm được toàn bộ vùng biên giới Đại Việt và sắp sửa đánh vào Vạn Kiếp, tiến đến Thăng Long. Vua Trần Nhân Tông và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải gấp rút đem quân đến Vạn Kiếp trợ chiến.

Để trấn an lòng quân, vua Trần Nhân Tông khích lệ tướng sĩ:

Cối Kê việc cũ người nên nhớ,

Hoan Diễn kia còn chục vạn quân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro