Câu chuyện 16: Hội nghị Bình Than

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hốt Tất Liệt phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, phái Sài Thung dẫn theo 1000 kỵ binh đi theo hộ giá Trần Di Ái về Đại Việt thay Trần Nhân Tông lên làm vua. Đoàn của Trần Di Ái và Sài Thung bị chặn đánh ở ải Nam Quan, Di Ái bị bắt, Sài Thung bị trúng tên chột một mắt phải quay về. Vậy là ý đồ dựa vào Trần Di Ái để cai trị Đại Việt của Hốt Tất Liệt tan thành mây khói.

Cuối năm 1282 Hốt Tất Liệt dùng kế "mượn đường diệt Quắc" phái sứ giả sang Đại Việt mượn đường đi đánh Chiêm Thành và yêu cầu Đại Việt hỗ trợ lương thực. Vua Trần Nhân Tông một mực từ chối, đoán được mưu kế của triều đình nhà Nguyên, biết rõ quân Nguyên tiến quân xâm lược Đại Việt chỉ còn là chuyện sớm muộn nên nhà vua bèn tìm đến thượng hoàng Trần Thánh Tông bàn bạc.

Nhân Tông:

- Thưa phụ hoàng, chúng ta không cho Hốt Tất Liệt mượn đường đánh Chiêm Thành, hắn vịn vào cớ đó để tấn công Đại Việt. Trẫm đã ba lần cử sứ giả đến Đại Đô (kinh đô nhà Nguyên) thương lượng xin cầu hòa nhưng đều không thành, Thát Đát ngày càng lộng hành, cố tình gây chiến, ta gắng né tránh nhưng không thể né tránh được mãi. Nếu đã như vậy trẫm muốn quyết chiến sinh tử với Thát Đát.

Vua Trần Nhân Tông nói tiếp:

- Mấy ngày trước trẫm nhận được tin từ biên giới Chiêm Thành báo về. Hốt Tất Liệt đã bắt đầu động binh, hắn phái Toa Đô làm Nguyên soái thủy quân vượt biển tấn công Chiêm Thành. Nếu như Chiêm Thành mà bị Thát Đát thôn tính thì hai phía bắc - nam của Đại Việt đều là địch, chúng ta xem như là miếng mồi đã nằm trong miệng của Hốt Tất Liệt.

Thượng hoàng Thánh Tông đáp lời:

- Lâu nay Hốt Tất Liệt luôn nhắm vào chúng ta! "Môi hở răng lạnh", vậy nên bệ hạ hãy phái tinh binh đi chi viện cho Chiêm Thành trước.

- Còn về chuyện ta có nên đối đầu với Hốt Tất Liệt trực tiếp trên chiến trường hay không, Bệ hạ phải tự tin vào quyết định của chính mình trước đã. Thân là vua, là kẻ đứng đầu thì phải là chỗ dựa cho bá tánh, dẫn dắt bá tánh. Nếu như bệ hạ đã muốn đánh thì phải tỏ rõ quyết tâm để mọi người cùng nhìn về một hướng, vua tôi một lòng, cùng nhau chiến đấu.

Thượng hoàng nói tiếp:

- Bệ hạ cần nhanh chóng triệu tập các vương hầu và bá quan văn võ đến cùng nhau nghị bàn. Hãy nhớ nghị bàn chiến lược đánh giặc với các tướng sĩ thôi chưa đủ, quan trọng là tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ. Tướng sĩ phải sẵn sàng xông pha, dám chiến đấu đến chết, không được sợ hãi trước sức mạnh của bọn ngoại xâm. Vì run sợ trước giặc ngoại xâm sẽ dẫn đến chiến bại. Nếu chiến bại thì chúng ta sẽ chết không có đất chôn thây, thậm chí là trong thành Thăng Long sẽ không còn một ai sống sót.

- Nay sứ Nguyên vẫn còn ở Thăng Long, bệ hạ nên chọn một địa điểm nghị sự khác thích hợp hơn. Tất cả lời ta nói bệ hạ hiểu rõ rồi chứ?

Cuối cùng thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chọn bến Bình Than làm nơi tổ chức hội nghị. Đây là hội nghị quân sự vô cùng quan trọng và cần thiết để thượng hoàng, vua và triều đình thảo luận và thống nhất phương án, quyết tâm chống giặc, bảo vệ đất nước. Mục đích của hội nghị Bình Than là bàn về hai vấn đề thiết yếu, một là xác định phương hướng chiến lược chống xâm lăng và hai là tổ chức bộ máy chỉ huy quân sự.

Chưa đến ngày diễn ra hội nghị nhưng triều đình đã xảy ra tranh luận vô cùng gay gắt, bá quan rối như tơ vò. Vua Trần Nhân Tông bản lĩnh gan dạ chủ chiến, thế nhưng nhà vua trẻ tuổi phải chịu sức ép rất lớn từ phe chủ hòa do Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc cầm đầu, họ luôn tìm cơ hội khuyên nhủ nhà vua nên hàng quân Nguyên, chấp nhận làm nước chư hầu và chịu sự bảo hộ của Hốt Tất Liệt để đổi lấy thái bình, tránh chiến tranh tàn khốc cho Đại Việt

Nhân Tông muốn đánh nhưng triều đình không theo thì phải làm sao?

Một hôm nhân lúc đang nghị sự trong thư phòng của Nhân Tông, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc thẳng thắn đứng ra tâu với nhà vua:

- Thưa bệ hạ, có những lời này chỉ có thần dám nói, người khác sợ đắc tội với Người.

Nhân Tông:

- Hoàng thúc cứ nói, đừng sợ.

Ích Tắc trầm tư một hồi rồi nói:

- Nguyên Mông có trăm vạn binh mã, binh giáp đầy trời. Về tướng, tướng sĩ Mông Cổ chinh chiến nhiều năm, dũng mãnh vô cùng, túc trí đa mưu, giỏi về thao lược, chưa kể chúng còn mới vừa thâu nạp thêm các danh tướng đến từ Tống và Tây Vực. Như vậy quân Nguyên mạnh lại càng mạnh thêm. Về binh, cuộc đời của binh sĩ Nguyên Mông là trên lưng ngựa chiến đấu, họ đã quen với chiến tranh, giao tranh trên chiến trường như cơm bữa, binh lính hăng hái xung phong ra trận. Còn Đại Việt ta, thái bình đã lâu nên quân dân không quen chiến đấu. Binh mã bộ, kỵ, thủy quân, quân của các vương hầu, nếu gom hết lại chưa đến 20 vạn. Từ lúc Thái Tông hoàng đế sáng nghiệp đến nay đã được năm mươi bảy năm, cuộc chiến lớn nhất mà tướng sĩ Đại Việt đã từng trải qua đó là cuộc giao tranh với chính quân Mông Cổ hai mươi lăm năm về trước. Tuy là năm đó quân ta đại thắng nhưng đó là khi ta có quân số đông gấp đôi quân giặc, hơn nữa nhờ lúc đó triều đình có Thái sư Trần Thủ Độ và Đại đô đốc Lê Phụ Trần dũng mãnh, túc trí đa mưu dẫn dắt quân ta chọn đúng thời cơ phản công nên mới lật ngược được tình thế. Nay hai người đó không còn nữa, tướng sĩ biết tin vào ai đây? Triều đình còn có ai có thể gánh nổi trọng trách này? Hai mươi lăm năm trước tuy là Quốc Tuấn giữ chức Thống đốc binh sự nhưng mưu kế đều là nhờ Thái sư Trần Thủ Độ và Đại đô đốc Lê Phụ Trần nghĩ ra. Bây giờ thế giặc mạnh hơn trước rất nhiều, nếu Hốt Tất Liệt không phái 5 vạn binh như năm xưa, mà phái 20 vạn, 30 vạn quân thì chúng ta đánh thế nào? Nói tóm lại, binh sĩ Đại Việt ta không được đối đầu với quân Nguyên.

Nhân Tông nói:

- Hoàng thúc, Đại Việt địa thế hiểm trở, có rất nhiều rừng núi, trong khi quân Nguyên chỉ giỏi đánh ở đồng bằng. Rừng núi có thể che chắn cho quân ta, chúng ta tập kích bất ngờ cũng có thể rút lui khi cần thiết. Còn nữa, Nguyên Mông sử dụng cung tên và kỵ binh thành thạo nhất, vũ khí mạnh nhất của chúng chính là kỵ binh. Nhưng kỵ binh chỉ thuận tiện giao tranh ở đồng bằng, nếu như phải giao tranh ở địa hình hiểm trở thì sức mạnh và tính cơ động của chúng đã bị hạn chế, cung tên cũng mất đi sự lợi hại khi bắn trong rừng. Đó là chúng đã mất đi lợi thế.

Ích Tắc đáp:

- Đúng vậy, nhưng đó chỉ là những khó khăn rất nhỏ của bọn chúng. Nguyên Mông có trăm vạn binh hùng tướng mạnh đã chinh phục được rất nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ dựa vào địa hình hiểm trở, rừng núi ở Đại Việt không thể nào ngăn chặn được bọn chúng. Toa Đô vâng lệnh của Hốt Tất Liệt đem thủy quân tấn công Chiêm Thành, thuyền chiến của bọn chúng chiều dài dài mấy chục thước, chiều ngang dài mấy thước, thuyền của thủy quân Đại Việt chỉ là thuyền nhỏ thì làm sao chống lại được thuyền của quân Nguyên? Cả bộ binh, kỵ binh và thủy binh, chúng đều mạnh vượt trội hơn ta. Ta không có cơ hội thắng.

Nhân Tông hỏi:

- Vậy ý của hoàng thúc như thế nào?

Ích Tắc thở dài đáp:

- Nếu chiến... thì nhân dân Đại Việt lầm than, nếu hòa... có thể bảo đảm an dân. Xin bệ hạ, bá quan văn võ và bá tánh của Đại Việt chấp nhận quy hàng. Sau đó xin Hốt Tất Liệt giao cho bệ hạ làm An Nam quốc vương, để cho bệ hạ cai quản Đại Việt như trước đây. Tuy chúng ta quy hàng nhà Nguyên nhưng Đại Việt vẫn là của bệ hạ, mặc dù là quy hàng nhưng thực chất chỉ là dùng kế hoãn binh.

Ích Tắc nói xong có người tiếp lời:

- Bẩm bệ hạ, lời của Chiêu Quốc vương là phải. Tránh chiến xin hàng, hợp ý trời, thuận lòng dân. Bệ hạ đầu hàng Nguyên Mông có thể giúp cho bá tánh Đại Việt không phải chịu khổ. Quyết tử... hậu quả thây chất thành núi, máu chảy thành sông.

Trần Nhân Tông nén giận, bảo họ lui về, đợi đến hội nghị Bình Than sẽ đưa ra quyết định là đánh hay hòa. Nhà vua quan sát thấy Trần Nhật Duật đứng đó im lặng không nói gì, đợi đến khi bá quan lui ra hết nhà vua mới trách Nhật Duật để thử lòng ông:

- Tất cả bọn họ đều khuyên trẫm hàng, còn hoàng thúc thì im lặng không nói câu nào!

Nhật Duật đáp:

- Tâu bệ hạ, Chiêu Quốc vương và các văn thần vừa nãy chủ hàng là có lý do của bọn họ. Nhìn từ góc độ của họ, đương nhiên phải nên quy hàng. Bởi vì sau khi bọn họ quy hàng, bọn họ vẫn có thể có được cuộc sống bình yên như xưa, thậm chí Hốt Tất Liệt còn sẵn sàng lấy tước quan, bổng lộc ra chiêu dụ bọn họ. Thậm chí là ngay cả thần, thần cũng có thể quy hàng. Sau khi hạ thần quy hàng, hạ thần có thể từ bỏ hết chức quan để về quê quy ẩn, sống một cuộc sống bình dị của dân thường, hoặc bày ít văn thơ bút mực tại gia để mở một lớp học, sống ấm no đến cuối đời, không có vấn đề gì. Nhưng thưa bệ hạ, văn võ bá quan của Đại Việt ai hàng thì hàng, nhưng thượng hoàng và bệ hạ nhất quyết không được quy hàng.

Nhân Tông hỏi:

- Tại sao phụ hoàng và trẫm không được hàng?

Nhật Duật đáp:

- Hốt Tất Liệt từ lâu đã xem bệ hạ và thượng hoàng như là cái gai trong mắt của hắn, bắt được hai người rồi thì y sẽ không dùng vàng bạc, châu báu, tước quan cao trọng để chiêu hàng, dụ dỗ như những người khác mà chắc chắn sẽ đem hai người ra chém đầu. Vậy nên, bệ hạ chỉ có thể chiến đấu với Hốt Tất Liệt chứ không được quy hàng hắn.

Nhật Duật nói tiếp:

- Thái sư (tức Trần Quang Khải) đã đi đón quốc công (tức Trần Quốc Tuấn), chắc có lẽ sắp về đến Thăng Long rồi. Bệ hạ hãy đợi hai người họ về rồi bàn tính tiếp.

Đêm đó, đã canh hai nhưng đèn trong thư phòng của Nhân Tông vẫn còn sáng, Thượng hoàng thấy thế nên vào gặp nhà vua. Nhân Tông đang trầm tư suy nghĩ, thấy thượng hoàng bước vào liền hỏi:

- Phụ hoàng, đã canh hai rồi, sao người còn chưa ngủ?

Thánh Tông:

- Không phải con cũng chưa ngủ sao? Lúc này đây không biết còn bao nhiêu người không ngủ được.

- Phụ hoàng nói phải.

Nhân Tông nói tiếp:

- Điều hài nhi lo bây giờ không chỉ là chiến hay hòa, mà còn có mối lo chia rẽ. Văn võ bá quan một nửa chủ chiến, một nửa chủ hòa, thậm chí còn có kẻ khuyên hài nhi nên đầu hàng quân Nguyên để đảm bảo an dân. Nếu chúng ta không tìm ra cách để văn võ bá quan triều đình có thể đồng tâm hiệp lực, chúng ta chưa đánh đã thua. Thật hổ thẹn với Thái Tông hoàng đế!

Nói về chuyện Trần Quang Khải đi đón Hưng Đạo vương, Chiêu Minh vương đi đón thuyền của Hưng Đạo vương từ Vạn Kiếp trở về Thăng Long để chuẩn bị dự hội nghị Bình Than. Quang Khải xin được lên thuyền đi nhờ về Thăng Long, nhân dịp này muốn xóa bỏ hiềm khích của hai người. Số là hai ông có hiềm khích với nhau từ chuyện Trần Liễu tạo phản năm xưa, nhưng Hưng Đạo vương thật sự trong sạch, ngài không hề có ý đồ tạo phản như cha mình. Hôm nay thế giặc đến gần, Quang Khải chủ động tìm cách giảng hòa với Quốc Tuấn, cùng nhau đồng tâm hiệp lực để ba quân vững tâm đánh giặc. Hai ông cùng nhau đánh cờ đến tối trên thuyền, vui vẻ với nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Biết trời lạnh Quang Khải ngại tắm, Hưng Đạo vương nấu nước thơm tắm cho Quang Khải:

- Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm.

Nói rồi ông cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho Quang Khải, Hưng Đạo vương nói đùa:

- Hôm nay được tắm cho thượng tướng.

Quang Khải cũng đùa lại rằng:

- Hôm nay được quốc công tắm cho.

Hai gia nô trung thành của Trần Hưng Đạo là Yết Kiêu, Dã Tượng thấy chủ nhân của mình và Trần Quang Khải đã gạt bỏ được hiềm khích, có thể hòa hợp với nhau như vậy trong lòng họ rất đỗi vui mừng.

Tháng 10/1282 hội nghị Bình Than được tổ chức, bá quan văn võ lúc đó tranh luận rất gay gắt về vấn đề nên hòa hay nên đánh. Nếu như các võ tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật quyết tâm chống giặc thì phe chủ hòa có Trần Ích Tắc đứng đầu, khuyên hai vua chiều theo những yêu sách của Hốt Tất Liệt, sau đó chấp nhận sự bảo hộ của Đại Nguyên để tránh cảnh chiến tranh.

Nhà vua đang chán ngán vì bàn luận mãi nhưng chẳng đâu vào đâu, vua nhìn ra bên ngoài thì bất chợt thấy một chiếc thuyền lớn chở than đi ngang, người bán than đội nón lá, mặc áo ngắn chèo thuyền có dáng vẻ rất giống Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Nhà vua liền sai lính chèo thuyền đuổi theo gọi ông lão bán than đến để hỏi chuyện.

Lính đuổi theo đến cửa Đại Than thì kịp, gọi: "ông lái ơi, có lệnh vua gọi".

Lão bán than trả lời với lính rằng:

- Lão là người buôn bán, có việc gì mà vua gọi?

Lính về tâu lại với Nhân Tông, Nhân Tông khẳng định chắc chắn lão ấy là Trần Khánh Dư, vì dân thường không ai dám nói như vậy. Vua lệnh cho nội thị phải đưa Khánh Dư đến gặp cho bằng được.

Gặp lại Khánh Dư, Nhân Tông mừng lắm, thấy Khánh Dư vất vả mưu sinh, ngài nghĩ thầm: "nam nhi đến thế là cùng cực". Vậy rồi Nhân Tông phục chức cho Khánh Dư. Trước kia Khánh Dư mắc tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Hưng Đạo vương, nhưng lần này Hưng Đạo vương bỏ qua lỗi lầm của Khánh Dư để đồng lòng cùng nhau lo việc nước.

Lại nói về Khánh Dư, niềm tin của vua Trần Nhân Tông đã được đặt đúng chỗ, trong khi bá quan cứ bàn đi tính lại, người thì khuyên vua nên tiến cống cho Hốt Tất Liệt thật hậu hĩnh để hoãn binh, người thì sợ chiến tranh nên muốn cho quân Nguyên mượn đường tấn công Chiêm Thành, người thì khuyên nhà vua nên quy hàng Hốt Tất Liệt, chấp nhận làm nước chư hầu của Đại Nguyên. Còn Khánh Dư theo phe chủ chiến, cương quyết xin đem quân đi trấn giữ các nơi hiểm yếu, sẵn sàng chiến đấu với giặc.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đứng dậy phân tích rõ ràng điểm yếu của giặc cho bá quan văn võ:

" - Thưa chư vị bá quan văn võ, xin hãy nghe những lời ngu muội của Quốc Tuấn tôi. Hốt Tất Liệt xuất binh đã phạm phải ba sai lầm tối kị của binh gia:

Thứ nhất là vấn đề lương thực, hậu cần. Sở dĩ thông thường quân Nguyên muốn "đánh nhanh thắng nhanh" bởi vì điểm yếu chí tử của chúng là công tác hậu cần, vận chuyển lương thực. Vậy nên chỉ cần kéo dài cuộc chiến, đợi khi thiếu lương thực, quân Nguyên sẽ tự khắc suy yếu.

Thứ hai, quân Nguyên từ phương bắc kéo xuống, không hợp thủy thổ, lâu ngày dễ sinh dịch bệnh.

Thứ ba, quân Nguyên thôn tính nước Tống khiến nhà Tống diệt vong. Nay Hốt Tất Liệt lại đi chiêu mộ thêm rất nhiều tướng sĩ người Tống, hắn làm như vậy không khác gì tự lấy giáo đâm mình. Lòng trung thành của các tướng sĩ nước Tống đối với quân Nguyên chắc chắn không đáng tin. Theo bổn vương đoán, lần này quân Nguyên tiến quân sẽ điều động rất nhiều lính Tống tham chiến. Vậy nên chúng ta cần khai thác điểm này, không chỉ giao tranh với chúng trên chiến trường mà còn phải đánh vào tâm lý quân địch, phải cho người Tống hiểu: "Kẻ thù của Đại Việt là quân Nguyên chứ không phải quân Tống. Cả Đại Việt và người Tống đều có kẻ thù chung là giặc Nguyên Mông".

Hốt Tất Liệt chỉ cần phạm phải một trong ba sai lầm này cũng đủ chuốc lấy thất bại, đằng này hắn đã phạm phải ba sai lầm cùng một lúc, vậy nên lần này quân ta tất thắng".

Vua Trần Nhân Tông rất hài lòng với lập luận của Quốc Tuấn. Quyết định phong cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế nhận trọng trách thống lĩnh toàn quân, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư cùng hợp lực với Trần Quốc Tuấn chỉ huy ba quân đánh giặc.

Trước đó, Nguyên soái thủy quân của Nguyên Mông là Toa Đô dẫn quân vượt biển tấn công Chiêm Thành, dự định thôn tính Chiêm Thành để làm bàn đạp đánh vào phía nam Đại Việt, phối hợp với đại quân từ Trung Quốc kéo xuống, cùng tạo thế gọng kìm, bao vây Đại Việt. Triều đình Đại Việt nhận được tin báo, lo ngại "môi hở răng lạnh" nên đã phái 2 vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện cho Chiêm Thành. Trước sức kháng cự mạnh mẽ của Chiêm Thành, cánh thủy quân của Toa Đô bị sa lầy tại đây. Tuy không thể thôn tính được Chiêm Thành như dự định nhưng Toa Đô vẫn đóng quân tại đây đợi lệnh Hốt Tất Liệt. Y viết thư tâu với Hốt Tất Liệt:

- Giao Chỉ (tức Đại Việt) liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam (Trung Quốc), Xiêm (Thái Lan), Miến (Myanmar), địa thế thuận lợi cho quân ta nam tiến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy. Khi tiến đánh Giao Chỉ, bệ hạ nên đóng quân trấn giữ tại ba đạo: Việt Lý (Quảng Trị ngày nay), Triều Châu (Trung Quốc), Tỳ Lan (Trung Quốc) để lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc.

Kế sách ấy của Toa Đô được vua Nguyên tán thành.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro