Chương 12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vinh không biết việc Yên và Thanh ăn trưa cùng nhau, nên chập tối hôm ấy hắn về đưa máy tính xách tay mới cho con gái, sau đó lấy lý do lát nữa phải ra ngoài tiếp khách rồi rời đi ngay.

Thanh nhìn chằm chằm hộp các tông chỉ được bóc ra một lần để nhân viên cửa hàng cài đặt phần mềm cùng hệ thống. Lòng biết rõ đây là chiếc máy tính đời mới nhất của hãng, cũng vì vậy nên đầu vô thức liên tưởng đến câu nói của ông bố trong cuộc cãi nhau lần trước. Rằng nhờ ông ta mà cô mới có cơ hội được sống đầy đủ như hôm nay.

Nếu bây giờ rút chiếc máy tính khỏi hộp, nghĩa là cô chấp nhận câu nói của ông ta. Bằng lòng, khuất phục trước sự thật ông ta chính là người đã làm phước cho cuộc đời cô, giúp cô thoát khỏi cảnh thắt lưng buộc bụng khi còn ở với mẹ.

Nghĩ đến mẹ, Thanh lập tức xếp hộp máy tính gọn sang một bên. Thà căng mắt đọc tài liệu bằng điện thoại, chấp nhận vừa sạc vừa dùng tới mức chai pin, còn hơn phải sống mang tiếng và thậm chí chịu cảnh mẹ bị ông ta coi thường.

Cô lấy cuốn album vẫn nằm trong túi du lịch và ngồi xuống xem. Cả cuộc đời ngắn ngủi của người mẹ xấu số chỉ tồn tại vỏn vẹn mười tấm ảnh kỹ thuật số. Bởi khi còn nhỏ nhà bà rất nghèo, ăn còn không đủ nên chẳng thiết tha lưu giữ kỷ niệm. Thời thiếu nữ lại bươn chải khắp nơi để kiếm tiền nuôi anh em ăn học. Đến năm mười bảy thì có thai, bị "tình nhân" lừa gạt đến vùng nông thôn sinh sống nhằm tránh mặt gia đình. Bởi vậy tới ngày nằm xuống, ảnh thờ của bà được cắt từ bức ảnh hai mẹ con chụp chung cách đó khoảng bốn, năm năm.

Mẹ Thanh rất đẹp, tên Huệ và xinh xắn như bông hoa huệ. Không riêng gì cô mà mọi người xung quanh đều công nhận điều đó. Dáng người bà dong dỏng, mặt trái xoan, mày lá liễu, đôi môi luôn hồng hào mà chẳng cần tô son.

Chỉ là bông hoa tươi thắm đến mấy cũng dần phai tàn trước gió sương.

Da bà sạm hơn những người phụ nữ có điều kiện trong xóm, giai đoạn lão hóa cũng đến sớm và diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Khi gần ba mươi đầu đã lốm đốm tóc bạc, đuôi mắt hằn rõ những vết chân chim cùng hai má bị nám.

Thanh vuốt ve bức ảnh hiếm hoi mà người mẹ quá cố nhoẻn miệng cười, cô may mắn thừa hưởng khuôn miệng của bà nên lúc cười trông cũng khá giống. Chính vì tồn tại đặc điểm này nên sau đêm sinh nhật mười một tuổi, cô bé Yến Thanh mới có thể tự tin chống trả bất cứ ai so sánh mình với bố, mà lời kinh điển nhất là: "Không ạ, từ mũi trở xuống cháu giống mẹ."

Hàng xóm bĩu môi, đùa một cách tục tĩu:

- Cái mũi mày như đúc một khuôn với thằng bố. Mày chỉ giống mẹ thân dưới thôi.

Mẹ cô - người phụ nữ luôn thân thiện và hòa nhã với mọi người - bất ngờ nổi điên:

- Chị nói chuyện với trẻ con kiểu gì thế?

- Ôi dào, chúng nó còn bé thì hiểu cái chó gì?

Mẹ lườm hàng xóm rồi cúi đầu, dịu dàng bảo cô: "Mình về đi."

Yến Thanh mười một tuổi rưỡi gật đầu, nhưng trí óc ngây thơ vẫn băn khoăn về câu nói khiến mẹ phải tức giận. Chỉ là cô bé chẳng muốn nhắc lại điều làm mẹ phiền lòng, thành thử tới lúc lên lớp bảy mới được cậu bạn láo toét cùng lớp giải đáp trong tiếng cười khinh bỉ cùng tư thế dạng chân rằng: "Tao biết thừa mày đang giả vờ, ai chẳng biết nghĩa của thân dưới chúng mày nhỉ? Hahaha..."

Bước sang tuổi mười sáu, cô tự nhận đầu mình cũng tối dần vì hình thành khả năng giải đáp những lời bỡn cợt không đứng đắn. Nhất là thời gian phục vụ trong quán bia, làm sáu tiếng nhưng trung bình nghe sáu trăm tiếng quấy rối, chửi thề.

Con người giống như một tờ giấy. Khi sinh ra ai nấy cũng trắng phau và càng lớn càng ngả màu. Song mức độ ngả màu của mỗi người mỗi khác. Có người cả đời vẫn sở hữu độ trắng cao, có người chuyển sang vàng nhạt - nghĩa là mức trung bình, có người ngả thành nâu và cũng có người không may dính mực.

Nhưng không phải tờ giấy nào "dính mực" cũng là tờ giấy xấu.

Thanh từng quen một chị gái cũng làm phục vụ ở quán bia. Chị tên Thương, hơn cô tám tuổi, có "thâm niên" nhất nên được coi là đại ca của nhóm nhân viên. Chính chị là người đã giúp đỡ cô khi bị một số nhân viên khác bắt nạt, khéo léo giải vây khi bị đám khách say khướt cố tình gây sự, đùa giỡn. Hai chị em gặp nhau suốt mùa hè, nhưng rồi một ngày chị bất ngờ ngừng đến quán.

- Nó sắp ngồi tù. - Ông chủ nói. - Đêm hôm kia nó lên thành phố đâm bà già hấp hối.

Thanh tái mặt, trong khi những người khác nhao nhao:

- Sao lại đâm ạ?

- Sao lại đâm hả anh?

Hắn liếm môi, ngập ngừng chia sẻ:

- Bà già nó kiên quyết đón em gái nó lên sống cùng bồ. Mà hình như thằng bồ... đứa em...

Xung quanh ồ lên:

- Đệch?

- Súc vật à?

Cô nhận ra Thương chưa từng kể về gia đình, mà chính cô cũng cảm nhận được chị không thoải mái với vấn đề ấy nên luôn tránh nhắc tới.

Trong lúc cô thẫn thờ trước tin động trời, chủ quán vẫn tiếp tục câu chuyện về nữ nhân viên bất hạnh:

- Số con này khổ lắm. Bố nó bị liệt vì tai nạn lao động, dưới còn ba đứa em nhưng chắc chẳng cùng cha đâu. Cách đây bốn năm nó từng ra tòa một lần, nhưng lúc đó nó là bị hại, mẹ nó bị cáo.

- Mẹ ấy ạ?

- Ừ, mẹ. Con mụ già mà đếch nên thân nên nết. Xưa cờ bạc thua thì mò về tìm nó đòi tiền, nó không đồng ý liền quay sang trút giận lên bố cùng các em của nó. Thế là hai mẹ con lao vào xâu xé nhau. Mụ già cầm dao chém nó đứt gân cổ tay trái, toác da đầu với vài loại thương tích khác, lĩnh hơn hai năm tù. Bây giờ quay về thì sự việc thành như thế...

Ai đó hỏi:

- Vậy chị ấy phải làm sao ạ?

- Biết được. Nó xiên bà già xong thì bảo thằng dượng đang sợ bĩnh ra quần gọi cấp cứu, sau đó đi tự thú.

- Còn bố với mấy đứa em...

- Chắc cũng có đứa phải nghỉ học để đi làm như nó.

Giọng Thanh run lên:

- Anh biết nhà chị ấy ở đâu không ạ?

- Không biết. - Ông chủ lắc đầu. - Lần ấy nó là đứa ở lại dọn muộn nhất nên tao tranh thủ hỏi chuyện, còn vụ nó đâm mẹ thì được nghe qua người quen. Chắc bây giờ đang bị tạm giam rồi.

- Liệu đi tội gì nhỉ? Có giết người không anh?

- Chịu. Tao có phải cơ quan điều tra đâu?

Mùa hè năm ấy kết thúc trong sự thiếu vắng một lời từ biệt. Thanh chẳng còn nghe tin tức về Thương và chắc hẳn sau này vẫn thế. Chỉ là cuộc chia ly bất ngờ giúp cô hiểu rằng không phải tờ giấy dính mực nào cũng là tờ giấy xấu. Đôi lúc có người cố tình vẩy vào, ép nó phải giã từ quãng đời trắng tinh.

***

Thanh lau khô những giọt nước dính trên mặt ngoài tấm ảnh, sau đó khẽ thở dài và nhét chúng vào những vị trí cũ. Cùng gọi là vật, nhưng khi vật sống mất đi thì giá trị của vật tĩnh sẽ lên ngôi; người ta thường lưu luyến những điều đã cũ hơn những điều ở hiện tại; những thứ vuột mất rồi hơn là những thứ đang nằm trong tay.

Song cũng có những người dựa vào những điều còn lại để bước tiếp. Họ trân trọng người sống và tiếp tục duy trì tình thương dẫu đối phương đã vĩnh biệt cõi đời. Họ hóa kỷ niệm thành dưỡng khí để tiếp tục hít thở; sống vì người đã khuất và vì con đường tương lai cần phải in dấu chân mình.

Tuy nhiên không ai có thể chỉ ra cách duy trì niềm vui. Thậm chí rất khó áp dụng bởi hạnh phúc thì giống nhau nhưng khổ đau lại muôn vẻ. Chặng đường riêng nên hân hoan cũng khác biệt, chẳng ai giống ai và chẳng ai biết hết đối phương từng trải qua những gì.

Thanh còn nhớ thời điểm mẹ nằm viện, giường bên cạnh là đôi vợ chồng trẻ luôn luôn hoạnh họe nhau. Mỗi lần hóa trị khiến cơ thể mệt mỏi, anh chồng đều giở mọi thói xấu với vợ mình. Lúc dọa ly hôn, khi đổ cho bạn đời hư hỏng, bồ bịch. Mà cô vợ tuy miệng mắng lia lịa nhưng tay vẫn liên tục chăm bẵm. Vào những thời điểm sức khỏe ổn định, hai vợ chồng lại đưa nhau xuống sân đi dạo và tắm nắng, cuối cùng trở về cùng nụ cười tươi tắn, hạnh phúc ngập tràn và thậm chí lan khắp phòng bệnh. Khác hẳn phần lớn thời gian cãi cọ inh ỏi.

Một vài cá nhân tranh thủ lúc đôi phu thê vắng mặt để bàn tán. Họ trách anh chồng ích kỷ, cô vợ thì quá nhu nhược. Ai chẳng biết bệnh tật đau đớn, nhưng đâu thể vin cớ đó rồi gây khó dễ cho người thân, nhất là cô vợ còn đang đánh đổi tuổi xuân cho mình?

Chị gái thứ nhất nói:

- Gặp đứa khác khéo nó đề nghị ly hôn từ lúc chớm ra bệnh.

Dì thứ hai tiếp lời:

- Nhỉ? Cái thằng này đếch biết tôn trọng ai.

Cô thứ ba đang đút cháo cho bố bất ngờ tham gia:

- Biết đâu đấy là thú vui của vợ chồng họ thì sao hả các chị?

- Cô này buồn cười. Ai lại tìm vui trong đau khổ, cãi vã như thế bao giờ?

Cô ấy đáp:

- Còn sống để cãi vã là tốt rồi.

Thanh - nhân vật nhỏ tuổi nhất nên chẳng thể tham gia và cũng chẳng có hứng thú tham gia. Cô im lặng bổ cam cho mẹ, cẩn thận xắt thành từng miếng nhỏ rồi mới lấy dĩa xiên vào và đưa tới miệng bà. Hai mẹ con lẳng lặng ăn hoa quả, bỏ ngoài tai cuộc bàn tán ngày càng sôi nổi giữa các quý cô, quý bà chăm bệnh.

Sau đó, trên đường về nhà. Mẹ bỗng hỏi cô nghĩ thế nào về sự việc ấy? Thanh nói con chẳng nghĩ gì cả, con chỉ nghĩ phải làm sao thì mẹ mới khỏi bệnh?

Mẹ hài lòng vì con gái không bận tâm đến những đối tượng đương bị mang ra đàm tiếu. Dịu dàng xoa đầu cô, mỉm cười nói không khỏi được đâu Thanh ạ, chúng ta phải học cách chấp nhận sự thật. Vì nếu có thể khỏi, thì dẫu là một tia hy vọng mẹ cũng muốn ước mong. Mẹ khao khát được ở bên con thật lâu, bởi con còn bé bỏng quá, con mà mất mẹ thì quá đỗi thiệt thòi.

Thanh sà vào lòng mẹ, cảm nhận hơi ấm và mùi hương đã ôm ấp mình từ những ngày ấu thơ. Mẹ nhẹ nhàng vỗ về cô, thủ thỉ rằng chúng ta chớ áp đặt lăng kính của bản thân vào sự việc của người khác, cũng như đừng cố gắng lý giải tại sao họ không ly hôn, sao cô vợ không từ bỏ hoặc sao anh chồng không ngậm miệng lại. Niềm vui của họ hãy để họ tự thưởng thức, mình cũng cần hưởng niềm vui của mình Thanh ạ. Cuộc đời của chúng ta không giống nhau, mỗi người sinh ra đã được định sẵn một cốt truyện riêng biệt. Nếu có giống, cũng chỉ giống vài ba chương.

Bà nói mẹ ít học, cũng chẳng biết nhiều sách vở. Nhưng mẹ đã chứng kiến đủ loại chuyện và gặp gỡ tương đối kiểu người xung quanh, mẹ vẫn trân trọng và luôn nghĩ đó là bài học thực tế. Nên bây giờ Yến Thanh của mẹ hãy tập trung trang bị thật nhiều lý thuyết, trên hành trình trưởng thành, cuộc sống ắt sẽ mang những bài học thực tế cho con. Mẹ tin con sẽ đi nhiều nơi hơn mẹ, sử dụng học vấn của bản thân để chiêm nghiệm những điều mẹ chưa cảm nhận tới. Con đừng nghĩ quá nhiều về việc làm giàu từ sớm. Vì tứ chi đầy đủ, sức khỏe đủ đầy, ý chí mãnh liệt và kiến thức vững chắc sẽ không bao giờ kìm hãm con người trong cảnh nghèo.

Mẹ nhắc tới nhắc lui chỉ vì muốn cô ghi nhớ vấn đề này.

Thanh ngẩng lên nhìn bà, sau đó mím môi im lặng rất lâu, cuối cùng nhỏ giọng phản đối:

- Con có thể vừa học vừa làm.

- Mẹ rất vui vì con chăm chỉ, nhưng bây giờ chưa phải lúc Thanh ạ. Khi nào con mười tám tuổi, con lên Đại học, lúc đó con làm gì mẹ cũng ủng hộ.

Cô lập tức tiếp lời:

- Vậy thì mẹ phải sống mạnh khỏe.

Lần này đến lượt người mẹ lặng thinh. Bàn tay gầy gò, bầm tím luồn vào và vuốt ve mái tóc con gái. Nỗi bất an mãnh liệt dần xâm chiếm cả cõi lòng, rằng đứa trẻ cá tính này phải làm sao nếu mình ra đi?

Thực ra Huệ đã lén trao đổi với Vinh về vấn đề nuôi dưỡng con gái. Đó cũng là lần đầu tiên cô ngỏ ý nhờ cậy, gửi gắm Thanh. Cô nghiêm túc dặn hắn rằng không cần phải đưa con gái lên thành phố hay làm phiền người vợ hợp pháp. Chỉ cần thỉnh thoảng gọi điện hỏi han con bé, để con bé biết rằng nó vẫn còn thân nhân. Bên cạnh đó, cô quyết định giấu chuyện tiền tiết kiệm, vì số tiền ấy cô sẽ giao cho Thanh. Dẫu không quá nhiều nhưng cô tin con gái sẽ biết cách tính toán, chi tiêu hợp lý. Chỉ tha thiết mong đứa bé đừng vội lao vào xã hội với mục đích kiếm tiền.

Tính thực dụng của Thanh luôn làm Huệ trằn trọc, suy tư.

Cô sợ tham vọng quá lớn sẽ khiến con gái lầm đường, lạc lối; sợ đồng tiền sẽ chi phối, tha hóa con. Cô đã sống một đời túng thiếu nhưng chưa từng hóa liều, cho nên bản thân không thể chấp nhận thất bại trong việc nuôi dạy Thanh.

Điều tiếc nuối duy nhất của Huệ chính là chưa cho Thanh một gia đình trọn vẹn. Cô cũng biết sinh nhật năm mười một tuổi đã trở thành vết sẹo rất sâu trong lòng đứa bé. Dẫu nó chẳng bao giờ tỏ thái độ hay hé răng tâm sự với mẹ về điều đó, nhưng nó là máu mủ của cô, là sinh linh gắn liền với cơ thể cô bằng dây rốn, lớn lên nhờ cô truyền dinh dưỡng và cất tiếng khóc chào đời cũng từ cô. Làm sao cô không hiểu nó đã tủi thân, đau lòng biết nhường nào?

Đoạn, người mẹ cố hết sức ghì đứa con mới mười sáu tuổi nhưng đã phải tự gồng gánh bao vấn đề. Chẳng tiếp tục dông dài mà hôn lên trán nó, âu yếm thủ thỉ:

- Thanh ơi, con hãy nhớ cơn bão nào cũng tan, cơn mưa nào cũng tạnh, không khí sẽ trong lành, bầu trời sẽ lại xanh.






---

21.01.2024

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro