Tập 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tập 05 (Số 14-12-05)


Chư vị pháp sư, chư vị đại đức, đồng học: Vì chúng ta dùng nhiều bản in khác nhau nên không thể nêu lên số trang, số hàng mỗi lần, hy vọng mọi người nghe giảng đến đâu tự ghi nhớ lấy, lần sau nhất định sẽ nối tiếp ở chỗ đó, đây là chuyện bất đắc dĩ, xin mọi người chịu khó. Xin mở kinh. Lần trước giảng đến trời Dục Giới:

Sở vị Tứ Thiên Vương thiên, Ðao Lợi thiên, Tu Diệm Ma thiên, Ðâu Suất Ðà thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên.

所謂四天王天。忉利天。須焰摩天。兜率陀天。化樂天。他化自在天。

(Ðó là cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Ðao Lợi, cõi trời Tu Diệm Ma, cõi trời Ðâu Suất Ðà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại.)

Ðến đoạn này, chúng ta đã giảng về Tứ Thiên Vương, điểm quan trọng là phải hiểu sự tiêu biểu pháp của Tứ Vương Thiên mới có thể được thọ dụng chân chánh. Nói một cách đơn giản, Ðông Phương Trì Quốc Thiên Vương, xem tên biết ý nghĩa, vị Thiên Vương này dạy chúng ta làm thế nào bảo vệ quốc gia của mình vĩnh viễn được hưng vượng, chẳng suy thoái. Từ đó dẫn đến làm thế nào giữ vững nhà mình, bảo hộ thân mình, đời này chúng ta lập nghiệp, khỏe mạnh, vang danh bốn biển, đức lưu đến đời sau, đây là sự thành tựu chân thật trong đời của chúng ta, thế nên ý nghĩa này rất sâu, rất rộng.

Nam Phương Thiên Vương dạy chúng ta phải mong cầu tiến bộ, thời đại vĩnh viễn luôn tiến bộ, chúng ta thường nói người nào đó chẳng theo kịp thời đại, ý nghĩa là như vậy. Thời đại biến đổi, tiến tới hằng ngày; chữ Tiến ở đây có thể hướng về mặt thiện, cũng có thể hướng về mặt ác, đây là việc chúng ta không thể không phân biệt. Nếu tinh tấn về thiện pháp thì đây là mặt chánh, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; nếu tiến về hướng ác như tham, sân, si, mạn thì nhất định sẽ đem lại động loạn trong xã hội, thiên tai nhân họa, mọi người phải chịu khổ, nhất định phải nhận thức việc này rõ ràng. Phía trước đã nói đến việc chư Phật tán thán Thế Tôn "biết pháp khổ vui", câu này rất phi thường! Niềm vui chân chánh không phải chỉ là niềm vui trong đời này, đời sau vĩnh viễn hưởng lạc, như vậy mới là niềm vui chân chánh. Nếu nói đời này chúng ta hưởng lạc, nhưng đời sau chịu khổ, như vậy là sai rồi, sai quá đỗi! Những người đời này hưởng lạc, đời sau chịu khổ không biết là bao nhiêu, đây là việc chúng ta không thể không cảnh giác. Trong lúc hưởng lạc lại tạo nghiệp, khi phước báo hưởng hết, ác nghiệp hiện tiền thì bạn sẽ thọ báo trong ba đường ác, như vậy là sai lầm to lớn. Nam Phương Thiên vương tượng trưng cho sự tinh tấn có trí huệ, có lý tánh, chẳng si mê, chẳng phải cảm tình.

Tây Phương Thiên Vương là Quảng Mục Thiên Vương, dạy chúng ta xem nhiều, tức là học tập nhiều. Bắc Phương Thiên Vương là Ða Văn Thiên Vương, nhìn nhiều, nghe nhiều, vĩnh viễn giữ vai trò của một người [tìm tòi] học hỏi, tức là vĩnh viễn làm một học sinh. Chỉ khi chứng được Phật quả viên mãn, cứu cánh thì mới ở tại vị trí người thầy, đạo sư chân chánh; Ðẳng Giác Bồ Tát còn là học sinh, huống chi là những hạng khác. Mình vĩnh viễn phải giữ tại địa vị học sinh. Người Trung Quốc thời xưa nói: "Sống đến già, học đến già, học chẳng hết" chính là ý nghĩa này, cả đời đến già còn hiếu học. Trong nhà Phật gọi là "Học Nhân", Học Nhân tức là học sinh, học tập làm người, vĩnh viễn học làm người. Ai có thể làm người tốt, làm được viên mãn, một mảy tơ cũng chẳng thiếu sót? Thành Phật, chỉ có Phật mới là một người hoàn toàn, chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải hết lòng học tập.

Dùng cách nói hiện nay thì những vật trên tay Tứ Thiên Vương gọi là "đạo cụ". Nói vậy thì mọi người dễ hiểu; đạo là tiêu biểu pháp, làm cho bạn nhìn thấy, tiếp xúc đến thì bạn liền biết đại đạo lý của vũ trụ nhân sinh, tức là phải nắm chắc nguyên tắc này để học tập. Trên tay Ðông Phương Thiên Vương cầm đàn tỳ bà, nhạc khí, không có nghĩa là ông ta thích ca hát, khiêu vũ, cách nghĩ như vậy là sai. Ngài dùng cái này để tiêu biểu làm thế nào hộ trì quốc gia của bạn, hộ quốc quan trọng nhất là hành "trung đạo". Nhà Nho nói "Trung Dung", đạo trung dung, nhà Phật nói "Trung đạo đệ nhất nghĩa đế", Ngài dùng sợi dây đàn này để tiêu biểu pháp. Khi chỉnh dây đàn, vặn quá chặt thì nó sẽ đứt, quá chùng thì âm thanh chẳng kêu, nhất định phải vặn đến vừa đúng, tiêu biểu cho ý nghĩa này. Vừa đúng, chẳng căng, chẳng chùng, như vậy gọi là Trung Ðạo, tiêu biểu ý như vậy. Chỗ cao minh của thánh nhân là biết giữ ở mức chính giữa, chẳng lệch về hai bên. Do đó đây là đạo cụ. Tay của Nam Phương Thiên Vương cầm kiếm, kiếm tượng trưng cho trí huệ, huệ kiếm, tiêu biểu cho ý này. Tay Tây Phương Thiên Vương cầm rồng hoặc rắn, ở Ấn Ðộ và Trung Quốc đều cho rằng rồng và rắn biết biến hóa, tiêu biểu cho hết thảy người, sự, vật trong xã hội thiên biến vạn hóa, bạn phải nhìn rõ ràng. Tay phải cầm hạt châu, châu tiêu biểu chẳng biến đổi, trong hết thảy sự thay đổi bạn nắm được nguyên tắc chẳng biến đổi. Bất biến tức là Ðịnh Huệ, tức là Thành Kính, nắm vững nguyên tắc này để xử sự, đối người, tiếp vật, bất luận xã hội biến hóa như thế nào, chỉ cần bạn nắm vững nguyên tắc thì có thể ứng phó như ý, giáo hóa tự tại.

Tay Bắc Phương Thiên Vương cầm lọng (hay dù), lọng che. Lọng tượng trưng cho ngăn ngừa ô nhiễm; lúc chẳng có ô nhiễm thì xếp lọng lại, khi có ô nhiễm thì giương lọng ra. Xã hội hiện nay của chúng ta ai cũng ý thức đến mức ô nhiễm trầm trọng, tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, tư tưởng kiến giải ô nhiễm, sinh lý ô nhiễm, hoàn cảnh bên ngoài ô nhiễm. Hiện nay chúng ta tạo tượng của Tứ Thiên Vương, lọng của Bắc Phương Thiên Vương phải giương ra chứ không thể xếp lại, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu xa, chúng ta không thể xem như thần minh, nếu xem như vậy là sai, là mê tín.

Trời Ðao Lợi, người Trung Quốc gọi thiên chủ trời này là Ngọc Hoàng Ðại Ðế, đại khái rất nhiều tôn giáo ngoại quốc xưng là Thượng Ðế, Thiên Chúa chính là Ngài. Có rất nhiều cõi trời, mỗi tầng trời đều có thiên chủ, đều có một nhân vật lãnh đạo, tại sao chúng ta khẳng định là Ðao Lợi thiên chủ, chẳng phải thiên chủ ở những cõi trời khác? Xem kinh điển của họ, lý luận của họ, phương pháp tu hành rất giống với trời Ðao Lợi. Tu thập thiện nghiệp đạo thì có thể vãng sanh về cõi trời Ðao Lợi. Chúng ta coi kinh điển của Cơ Ðốc Giáo, Moses có mười điều răn, mười điều răn này rất tương tợ với thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta nhất định phải hiểu, chẳng phải chỉ tin Thượng Ðế bèn được cứu, chẳng có việc này. Phải tu pháp của Thượng Ðế dạy, trong kinh điển Thượng Ðế dạy bạn làm thế nào thì bạn phải làm theo như vậy mới được. Nếu bạn làm chẳng được thì không thể sanh lên trời, Ngài có điều kiện, như vậy mới hợp tình, hợp lý, hợp pháp.

Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ cũng có điều kiện, không phải nói tôi tin thì có thể vãng sanh, không được đâu. Hiện nay có một số người đề xướng Bổn Nguyện Niệm Phật, [nói rằng] tôi phát nguyện vãng sanh thì quyết định được sanh, đâu có chuyện đơn giản như vậy! Trong "Nguyện" "Hạnh" thì nguyện này mới gọi là nguyện chân thật, trong kinh không biết Phật đã nói bao nhiêu lần. Nguyện mà không có hạnh thì gọi là nguyện suông, nguyện đó hư giả, chẳng thể biến thành hiện thực. Bạn phải hiểu ý nghĩa này, Phật chẳng lừa gạt người, tự mình gạt mình thì sẽ bị thiệt thòi to lớn. Dùng hạnh để thực hiện nguyện, biến nguyện vọng của bạn thành thực tiễn. Vì sao chúng ta coi trọng Tam Phước, Lục Hòa, đây là pháp căn bản do Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, ba đời chư Phật đều tu ba điều này, đó chính là Tịnh Nghiệp Chánh Nhân. Chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới tu Tịnh Nghiệp, chúng ta tin A Di Ðà Phật, tin Tây Phương Tịnh Ðộ, nguyện sanh Tây Phương Tịnh Ðộ, điều kiện thấp nhất là phải làm được Tam Phước, nếu chẳng làm được Tam Phước thì không thể vãng sanh. Mỗi ngày niệm Phật, niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, người xưa nói: "Hét bể cổ họng cũng uổng công", lời này là lời chân thật, chẳng giả dối.

Trong Tam Phước tối thiểu phải làm được một điều thì bạn mới có thể vãng sanh. Nếu bạn có thể làm được điều thứ nhất "Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại sanh vật, tu thập thiện nghiệp", phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, thì bạn có thể vãng sanh Hạ Phẩm. Bạn có thể làm được điều thứ hai, điều thứ hai đương nhiên bao gồm điều thứ nhất, tức là cộng thêm: "Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi" thì bạn vãng sanh Trung Phẩm. Ðây là ba bậc vãng sanh nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Nâng cao thêm, nếu bạn có thể "Phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến tấn hành giả" thì sẽ vãng sanh Thượng phẩm. Ðây là pháp căn bản, đâu có nói phát nguyện suông, chẳng cần tu hành mà có thể vãng sanh, Phật chẳng nói như vậy. Muôn vàn xin đừng hiểu lầm, chẳng thể bỏ uổng nhân duyên hiếm có trong đời này. Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh là pháp căn bản, cả bộ kinh này nói về cái gì? Chính là nói về Phước thứ nhất: "Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại, tu thập thiện nghiệp", cả bộ kinh nói về việc này. Bạn sẽ hỏi bốn câu trong phước thứ nhất này phải nói như thế nào? Cả bộ Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh này là chú giải [cho bốn câu này]. Tu học đúng như lý, như pháp, đại sư Thiện Ðạo nói: "Vạn tu vạn người về", ai cũng không bỏ sót. Nếu bạn tu không đúng như pháp thì sẽ chẳng vãng sanh nổi, Phật chẳng nói sai, là bạn đã hiểu sai ý tứ trong ấy. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta "Ðương hiếu ư Phật", dạy chúng ta tôn sư trọng đạo, đây là giáo nghĩa của kinh Ðịa Tạng, nhất định phải hiểu những đạo lý này.

Tu Diệm Ma thiên cũng gọi là Dạ Ma thiên, tên của cõi trời này đúng ra phải là Tu Diệm Ma thiên. Gọi là Dạ Ma thiên vì thiên chủ cõi ấy tên là Dạ Ma. Tu Diệm Ma dịch nghĩa là Diệu Thiện, hiện nay lão hòa thượng ở Phổ Ðà Sơn của chúng ta cũng có tên là Diệu Thiện. Cõi trời này rất khoái lạc, rất hoan hỷ, ngoài việc tu thập thiện nghiệp ra còn phải tu Ðịnh, phải thêm công phu định lực mới có thể sanh về. Chỉ tu thập thiện nghiệp thì không được, chẳng thể vãng sanh, chỉ có thể sanh đến trời Ðao Lợi mà thôi, muốn lên trên phải thêm công phu định lực.

Nói thật ra còn phải tu Từ, Bi, Hỷ, Xả, đây là khoa mục chánh của cõi trời Sắc Giới, họ cũng tu nhưng công phu đương nhiên chẳng sâu bằng người cõi trời Sắc Giới; nhưng vẫn có tu. Càng lên cao thì ở mỗi tầng công phu định lực, thiện lợi, chúng ta gọi là tích công lũy đức, tăng lên gấp bội, cứ lên mỗi tầng thì tăng thêm gấp bội, thật chẳng đơn giản! Mọi người hãy suy nghĩ sanh lên trời đã chẳng dễ rồi huống chi là vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm Phật! Chuyện này chúng ta không thể coi thường, không thể coi như quá dễ; nhưng cũng không thể coi như quá khó, nếu quá khó thì bạn sẽ không dám tu. Coi quá dễ thì sẽ lơ là, khinh thường, nhất định sẽ làm hỏng việc. Người ở Trời Dục giới tu thượng phẩm thập thiện, trong đó còn thêm một số "Vị đáo định", nghĩa là họ tu Ðịnh, công phu tu Ðịnh này vẫn chưa đạt được tới trình độ nhất định. Trình độ nhất định nghĩa là hoàn toàn đè nén, che phủ dục, chúng ta gọi là dục vọng, đức Phật quy nạp thành năm thứ: Tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ (Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy) gọi là Ngũ Dục. Họ đã đè phục được năm thứ dục này, tuy chưa đoạn nhưng nhất định chẳng khởi hiện hành thì mới có thể sanh đến trời Sắc Giới. Họ đè phục được ngũ dục, nhưng chẳng thể đoạn, cũng có thể nói sáu tầng trời này càng lên cao thì dục niệm của họ càng lợt lạt. Nếu hoàn toàn đè phục hết dục niệm, bày ngay trước mặt họ đích thật chẳng động tâm, chẳng khởi ý niệm, thì họ sẽ lên cõi Sắc Giới. Công phu định lực này kể là đã thành tựu, họ có thể sanh đến cõi trời Sơ Thiền ở Sắc Giới. Sắc Giới có mười tám tầng trời.

Chúng ta xem tiếp kinh văn:

Phạm Chúng thiên, Phạm Phụ thiên, Ðại Phạm thiên.

梵眾天。梵輔天。大梵天。

(Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Ðại Phạm.)

Ðây là cõi Sơ Thiền. Ba cõi trời Sơ Thiền này, chúng ta gọi là ba tầng, nhưng trên thực tế chỉ là một tầng, phước báo hưởng thụ chẳng giống nhau. "Phạm Chúng" ví như nhân dân, người dân thường; "Phạm Phụ" ví như đại thần, quan cao, quan lớn, sự hưởng thụ đương nhiên cao hơn dân thường; "Ðại Phạm" ví như thiên vương, phước báo càng lớn hơn. Cùng một tầng trời có ba hạng hưởng thụ khác nhau. Tuy cõi Sơ Thiền ở Sắc Giới có hưởng thụ, chư vị phải biết họ chẳng có ý niệm, tâm địa thanh tịnh. "Phạm" là tiếng cổ Ấn Ðộ, dịch nghĩa là thanh tịnh. Sơ Thiền tâm địa đã thanh tịnh rồi, lên cao hơn thì chẳng cần nói nữa, càng lên cao càng thanh tịnh. Nhị Thiền gọi là "Quang thiên".

Thiểu Quang thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm thiên.

少光天。無量光天。光音天。

(Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm.)

Cổ đức nói: Đại khái, Sơ Thiền vẫn còn tổ chức giống xã hội nhân gian, có nhân dân, có quan liêu, có quốc vương; Nhị Thiền trở lên chẳng còn nữa, thế giới bình đẳng, chân chánh cộng hòa, chẳng có quốc vương, đại thần gì hết, mọi người đều bình đẳng. Tuy bình đẳng nhưng phước báo vẫn còn sai khác, sai khác do đâu mà có? Công phu tu hành mỗi cá nhân chẳng giống nhau. Thí dụ chúng ta học trong trường, cùng một lớp thì mọi người đều giống nhau, lúc thi cử thì có hạng nhất, hạng nhì, vẫn còn xếp hạng, vậy thì có chỗ chẳng bằng nhau, trong chỗ đồng có chỗ không đồng. Lúc chưa thành Phật thì hiện tượng này vẫn tồn tại. Cùng là Ðẳng Giác Bồ Tát, Ðẳng Giác Bồ Tát cùng nhau thi cử cũng có hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Chỉ đến quả địa Như Lai thì mới hoàn toàn bình đẳng, một chút sai khác cũng chẳng có, những đạo lý và sự việc này chẳng khó hiểu. "Trời Thiểu Quang" có ánh sáng nhưng ít hơn so với cõi khác; "Trời Vô Lượng Quang" thì ánh sáng nhiều hơn. Ánh sáng này từ đâu đến? Nói cho chư vị biết tâm thanh tịnh sẽ phóng quang, tâm địa thanh tịnh sẽ phóng ánh sáng.

Thật ra hết thảy vạn vật đều phóng quang. Hôm trước sư Ngộ Toàn đem hình cho tôi xem, Sư nói ở ngoài đời có một dụng cụ có thể chụp "quang" của người. Sư đi chụp rồi lấy tấm hình cho tôi xem; tôi nói muôn vàn đừng bị gạt, đừng bị người ta gạt. Ðích thật con người có quang, vật cũng có quang, ngay cả cỏ cây cũng có quang, đây là sự thật. Quang của mỗi người có màu sắc khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, một số người luyện Khí Công có thể nhìn thấy, người có công phu định lực thì chẳng cần nói nữa. Nhìn thấy quang trên thân người của bạn, người luyện khí công gọi đó là khí, họ gọi bằng danh từ "khí", người tu thiền định gọi đó là "quang". Từ màu sắc và cường độ lớn nhỏ của quang có thể biết tâm hạnh của người này là thiện hay ác. Tâm địa thiện lương từ bi, tâm thiện, hạnh thiện phóng ra quang màu vàng kim, đây là thù thắng nhất, tốt nhất. Kế đó là màu vàng, màu kém hơn một chút. Tại sao quỷ thần nhìn thấy người tu hành thì tôn kính? Họ nhìn thấy quang, năng lực này của họ là [nhờ quả] báo [mà có] được, quỷ thần có quả báo được Ngũ Thông. Họ nhìn thấy người tâm địa hiền lương, từ bi, hạnh thiện, chẳng phải là người tu hành, nhưng quang của những người này cũng tốt, quỷ thần nhìn thấy đều tôn kính, chẳng dám làm tổn hại.

"Trời Quang Âm" có thể dùng quang để diễn đạt âm thanh. Ở cõi Nhị Thiền, người ta trao đổi ý kiến chẳng cần nói chuyện, nói chuyện rất mệt, nói nhiều thì hao hơi, mệt thân thể. Họ trao đổi bằng cách phóng quang, người khác nhìn thấy quang ấy đều hiểu ý nghĩa chứa đựng trong đó. Ngôn ngữ rất có hạn, ngôn ngữ rất vụng về, từ Nhị Thiền trở lên chẳng dùng ngôn ngữ, dùng phóng quang để thay thế. Cõi Tam Thiền còn cao hơn nữa, tâm địa thanh tịnh hơn, Tam Thiền gọi là "Tịnh thiên".

Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên, Biến Tịnh thiên.

少淨天。無量淨天。遍淨天。

(Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh.)

Cũng là dựa trên sự sai khác của tâm thanh tịnh mà nói, đây là ba cõi trời: "Tam Thiền, Tam Quang, Tam Tịnh" đều là công hạnh cao thấp. Tứ Thiền rất đặc biệt, tất cả có chín thứ chẳng giống nhau, có chín cõi trời.

Phước Sanh thiên, Phước Ái thiên, Quảng Quả thiên.

福生天。福愛天。廣果天。

(Trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả.)

Ðây là cõi trời thông thường ở cõi Tứ Thiền, giống với cõi Tam Thiền kể trên. "Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả" gọi là Phước thiên. Phước báo lớn nhất thì không có tam tai. Ở đó không có tam tai, tam tai là Hỏa tai, Thủy tai, Phong tai. Hỏa tai có thể thiêu đến cõi Sơ Thiền. Sơ Thiền có cả ba Hỏa, Thủy, Phong tai, chẳng thể tránh. Nhị Thiền thì bị Thủy tai, nước có thể tràn ngập đến trời Nhị Thiền. Nhị Thiền không có Hỏa tai, nhưng có Thủy tai, Phong tai. Ở cõi trời Tam Thiền tâm địa thanh tịnh, chẳng có Thủy và Hỏa tai, nhưng lại có Phong tai. Ðến cõi Tứ Thiền thì phước báo lớn hơn, cả ba Thủy, Hỏa, Phong tai đều chẳng có. "Thủy, Hỏa, Phong" được gọi là "Ðại Tam Tai" trong kinh Phật. Tiểu Tam Tai là "kiếp đao binh, ôn dịch, cơ cẩn", cơ cẩn nghĩa là đói khát. Chúng ta rất khó hiểu được ý nghĩa của Ðại Tam Tai, Tiểu Tam Tai. Lúc trước đọc kinh cũng lơ là đọc lướt qua, khi giảng kinh thì y chiếu chú giải của người xưa cũng lướt qua.

Mấy năm trước tôi đến Nhật Bản phỏng vấn, đến Quảng Ðảo (Hiroshima) và Trường Kỳ (Nagasaki), đến tham quan tận nơi những chỗ bị dội bom nguyên tử, mới tự nhiên hiểu được Tiểu Tam Tai nói trong kinh Phật chính là chiến tranh nguyên tử. Chỗ bị nổ bom nguyên tử là nơi bị đao binh kiếp. Chiến tranh tám năm giữa Trung Quốc và Nhật chưa kể là Tiểu Tam Tai, chiến tranh nguyên tử mới là Tiểu Tam Tai. Trong kinh Phật nói kiếp đao binh kéo dài bao lâu? Bảy ngày bảy đêm. Chiến tranh kéo dài bảy ngày bảy đêm là kiếp đao binh. Chiến tranh tám năm giữa Trung Quốc và Nhật chẳng phải là kiếp đao binh, thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ nhì cũng chưa phải là kiếp đao binh. Chiến tranh nguyên tử, bom nguyên tử nổ xong, [sau khi đến Nhật Bản] chúng tôi mới bỗng nhiên hiểu được chuyện Phật nói chính là chuyện này. Sau khi nổ xong, phóng xạ tồn tại bảy tháng bảy ngày. Sau bảy tháng bảy ngày này bạn chưa chết, mạng của bạn còn giữ được. Có nhiều người bị nổ bom chẳng chết liền, nhưng trong bảy tháng bảy ngày bị phóng xạ, họ sống nổi hay không thì sau bảy tháng mới có thể xác định. Phật gọi đây là ôn dịch, ôn dịch chính là việc này, là nạn bị phóng xạ. Người Nhật nói với chúng tôi, chỗ bị nổ bom đến năm thứ tám sau khi bom nổ mới mọc cỏ, nghe xong chúng tôi mới hiểu được lời Phật nói, cơ cẩn (nạn đói) kéo dài bảy năm bảy tháng và bảy ngày, sau đó đất mới mọc cây cỏ được, nếu cây cỏ chẳng mọc nổi thì người ta đương nhiên sẽ bị đói. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, sức mạnh của võ khí nguyên tử hiện nay so với trái bom nổ ở Quảng Ðảo không biết là mạnh gấp bao nhiêu lần. Ở Quảng Ðảo, Trường Kỳ bị nổ bom vì bị bụi phóng xạ nghiêm trọng nên tám năm sau cây cỏ mới mọc nổi. Thế nên đại chiến thế giới lần thứ ba xảy ra tức là Tiểu Tam Tai mà Phật đã nói. Ðại Tam Tai là sự hủy diệt của tinh cầu, ngày nay chúng ta nhìn thấy hỏa tai, những tinh cầu phát ra ánh sáng đó chính là hỏa, toàn thể là một biển lửa, mặt trời chính là biển lửa. Chúng ta rất khó hiểu rõ trạng thái của Ðại Tam Tai, hiện nay tình hình của Tiểu Tam Tai đại khái thì chúng ta có thể hiểu được đôi chút, thiệt đáng sợ vô cùng! Cõi trời Tứ Thiền mới là cõi trời đủ phước báo, chẳng bị Tam Tai.

Trong Ðại Trí Ðộ Luận, Phật nói người ở trời Sắc Giới chủ yếu là tu thiền định, nếu chỉ tu thiền định mà không tu phước thì đâu có phước báo lớn như vậy! Thế nên họ phải tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, đây là chỗ tồn tâm của thiên nhân trên trời Sắc Giới. Họ bố thí, trì giới, tu bố thí thì tâm được vui, bố thí nhiều thì khoái lạc càng nhiều. Thế nên họ có thể xả, chịu thí, nhờ vậy mới có thể dùng công phu định lực của họ sanh đến cõi trời Tứ Thiền. Sự khác biệt ở cõi Tứ Thiền cũng do công phu định lực sâu hay cạn, phước tu được ít hay nhiều, từ đó mới sanh ra những tướng trạng khác biệt.

Vô Tưởng thiên.

無 想 天 。

(Trời Vô Tưởng.)

Cõi Tứ Thiền còn một tầng đặc biệt, "trời Vô Tưởng". Trong kinh Phật nói đây là trời ngoại đạo, hơn phân nửa đều là học Phật, giải sai ý tứ của Phật. Tu Ðịnh, trong Ðịnh, ý niệm gì cũng chẳng khởi lên, một niệm chẳng sanh, vô tưởng, tu thành công thì vãng sanh về cõi này. Chỉ có Ðịnh, chẳng có Huệ là sai lầm; ý nghĩa của thiền định là trong Ðịnh có Huệ. "Thiền Na" là Phạn ngữ, dịch nghĩa là "Tịnh Lự", "Tịnh" là Ðịnh, "Lự" là có công phu Quán Chiếu, cũng có nghĩa là họ hiểu rõ, họ chẳng Ðịnh đến nỗi không biết gì cả. Một niệm chẳng sanh, nhưng mọi việc đều rõ ràng, chuyện gì cũng minh liễu, như vậy mới gọi là thiền định. Nếu chỉ là một niệm chẳng sanh, việc gì bên ngoài cũng chẳng biết, như vậy là không được, là có Ðịnh chẳng có Huệ, tu như vậy thành công thì tương lai sẽ vãng sanh về cõi trời Vô Tưởng. Sự tu hành trong Phật pháp là "Ðịnh Huệ đẳng trì" gọi là thiền định. Sa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na, "Sa Ma Tha" dịch nghĩa là Chỉ Tức, "Tỳ Bà Xá Na" dịch là Quán Tưởng, hoặc Quán Kiến, Quán Sát, có những nghĩa như vậy. Chỉ tu một thứ thì sẽ lệch về một bên, đều chẳng thể thành tựu. Người chỉ tu Ðịnh thì dễ hôn trầm, tu thành công thì sanh về cõi Trời Vô Tưởng. Người chỉ tu Huệ thì không thể được Ðịnh, tâm nhảy loạn xạ, vọng tưởng rất nhiều. Tại sao chú trọng tại thiền định? Thiền là Ðịnh - Huệ đều bằng nhau, Ðịnh - Huệ đẳng trì, công phu này mới chính xác.

Năm thứ sau này là chỗ thánh nhân tu hành:

Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Kiến thiên, Thiện Hiện thiên, Sắc Cứu Cánh thiên.

無煩天。無熱天。善見天。善現天。色究竟天。

(Trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh.)

Thông thường còn xưng là "Ngũ Bất Hoàn thiên", ai trụ ở đó? Tiểu Thừa Tam Quả, cũng được gọi là "Tịnh Cư thiên", thế nên Tứ Thiền là Phàm Thánh Ðồng Cư độ. Trời của phàm phu là trời Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả và Vô Tưởng, thiên nhân ở bốn cõi trời này chẳng nhìn thấy thiên nhân ở trời Tịnh Cư, biết là họ ở nơi đó tu hành nhưng không nhìn thấy họ. Giống như ở thế gian này, địa cầu chúng ta cũng là Phàm Thánh Ðồng Cư độ, có Phật, Bồ Tát, A La Hán trụ ở địa phương này, loài người chúng ta chẳng nhìn thấy họ. Quý vị tụng Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, trong ấy nói đạo tràng của tôn giả Ca Nặc Ca ở Tứ Xuyên, người thường đến đó thì thấy toàn là núi hoang vu, chẳng nhìn thấy gì hết, lúc quốc sư Ngộ Ðạt đến đó nhìn thấy đạo tràng trang nghiêm. Phải có duyên mới nhìn thấy cõi Phàm Thánh Ðồng Cư độ, không có duyên thì chẳng thấy. Trong kinh nói tôn giả Ca Diếp còn chưa nhập Niết Bàn, còn ở núi Kê Túc, Ngài cũng thường ra ngoài đời, lúc ra thì chúng ta cũng chẳng nhận biết được, Ngài biết biến hóa. Ngài phải đợi Phật Di Lặc ra đời, truyền y bát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Phật Di Lặc. Phật Di Lặc xuất thế, trong kinh nói năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, tôn giả Ca Diếp phải đợi thời gian dài như vậy. Tâm người được thanh tịnh, thọ mạng được tự tại, muốn trụ bao lâu thì trụ bấy lâu, chẳng trở ngại.

Thế nên tôi khuyên mọi người phải phát nguyện, nguyện lực phải mạnh hơn nghiệp lực thì bạn mới chuyển, mới được tự tại. Nếu bạn không chịu phát nguyện, đời này bạn nhất định sẽ chịu vận mạng chi phối, bạn sẽ chẳng thoát nổi vận mạng. Nhất định phải phát đại nguyện xả mình vì người, thì bạn mới được tự tại, đời sống tự tại, thọ mạng tự tại, trụ thế tự tại, giáo hóa tự tại, hết thảy sự nghiệp chẳng có gì là không tự tại, nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn! Tại sao không chịu phát nguyện! Ðời Ðường, đại sư Pháp Chiếu, tổ thứ tư tông Tịnh Ðộ, Ngài nhìn thấy Ðại Thánh Trúc Lâm Tự của Văn Thù Bồ Tát trên núi Ngũ Ðài, đây là người có duyên. Ngài nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền, nhìn thấy pháp hội hơn một vạn người tụ hội, Văn Thù Bồ Tát đang giảng kinh thuyết pháp, Ngài còn ở đó nghe một buổi, còn thỉnh giáo Văn Thù Bồ Tát: "Phật pháp đã đi đến đời Mạt Pháp, căn tánh người đời Mạt Pháp độn, tu pháp môn gì dễ thành tựu?". Văn Thù Bồ Tát dạy Ngài tu pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ. Pháp Chiếu vốn là tham thiền, nghe xong lời dạy của Văn Thù Bồ Tát, phát nguyện chuyên tâm niệm Phật. Ngài còn thỉnh giáo: "Làm thế nào niệm Phật?". Văn Thù Bồ Tát dạy phương pháp niệm Phật cho Ngài. Sau đó Ngài rời khỏi Ngũ Ðài Sơn, trên đường về đi đến đâu Ngài cũng đều ghi dấu hiệu, sợ lạc đường, muốn lần sau trở lại. Kết quả là làm dấu được vài chỗ rồi quay trở lại, chùa chẳng còn nữa, chỉ còn một cảnh núi hoang vu, thế mới biết là chẳng thể nghĩ bàn, đạo tràng đã biến mất. Phàm phu chẳng nhìn thấy Phàm Thánh Ðồng Cư độ, chẳng có duyên ấy thì chẳng nhìn thấy cảnh giới của thánh nhân.

Trong kinh nói Phàm Thánh Ðồng Cư độ có ba chỗ: Một là thế giới Sa Bà của chúng ta, thứ hai là trời Ðâu Suất tức là tầng trời thứ tư trên cõi Dục Giới, Ðâu Suất nội viện là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, thiên nhân trời Ðâu Suất chẳng nhìn thấy, chỉ nghe nói, chẳng biết ở đâu. Thứ ba là trời Tịnh Cư ở cõi trời Tứ Thiền tức là Ngũ Bất Hoàn thiên, ba chỗ này là Phàm Thánh Ðồng Cư độ. Họ ở chỗ này tu hành, tuy đều là thánh nhân Tam Quả, tại sao gọi là Bất Hoàn? Chẳng còn đến Dục Giới nữa, họ sẽ thành tựu ở chỗ đó. Trong kinh nói người lợi căn sẽ trụ ở Ngũ Bất Hoàn thiên, trực tiếp ở đó chứng quả A La Hán và siêu việt tam giới, siêu việt sáu nẻo luân hồi, đây là A La Hán lợi căn. Nếu kém hơn, họ còn phải thông qua Tứ Không thiên mới có thể xuất tam giới; người lợi căn chẳng cần thông qua Tứ Không thiên, trực tiếp chứng quả A La Hán, liền xuất tam giới, đây là thiên nhân cõi trời Tịnh Cư. Chúng ta không cần phải giới thiệu thêm về Ngũ Bất Hoàn thiên. Kiến Tư phiền não trong tam giới gọi là Kiến Tư Hoặc, tam giới tám mươi mốt phẩm; tam giới chia thành chín cõi, mỗi cõi có chín phẩm, chín nhân chín thành tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, đến Ngũ Bất Hoàn thiên mới đoạn hết, đoạn hết mới chứng quả A La Hán.

Năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trên thế gian này, thị hiện thành Phật dưới cây Bồ Ðề, sau khi thành Phật giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh cần có người khải thỉnh, nếu không ai mời thì Phật chẳng thể dạy. Người thế gian tuy biết đức Phật nhưng ai biết được đây là một người có đại trí huệ, đại đạo sư cho trời và người, ai biết được? Người thế gian chẳng có người thỉnh thì Phật phải nhập Niết Bàn, phải thị hiện diệt độ. Thiên nhân ở trời Tịnh Cư nhìn thấy, họ thấy đức Phật Thích Ca thị hiện nên mau mau xuống để thỉnh cầu, thiên nhân cõi trời Tịnh Cư thay thế chúng ta thỉnh cầu nên đức Phật mới trụ thế tám mươi năm, giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta trên ba trăm hội, chúng ta phải cảm kích người cõi trời Tịnh Cư. Nếu họ không thỉnh pháp thì thế gian này của chúng ta chẳng nghe được Phật pháp, họ cũng rất từ bi, thương xót hết thảy chúng sanh khổ nạn, khuyến thỉnh Như Lai thuyết pháp. Cõi cuối cùng:

Ma Hê Thủ La thiên.

摩醯首羅天。

(Trời Ma Hê Thủ La.)

Có một số kinh nói Ma Hê Thủ La tức là Sắc Cứu Cánh thiên. Ở đây tại sao phải liệt kê tên này riêng ra? Trong kinh cũng có nói, Ma Hê Thủ La là thượng thủ của thiên nhân cõi Tịnh Cư, ý nghĩa này cũng hay. Tịnh Cư thiên tức là Ngũ Bất Hoàn thiên, vị đại đức được tôn kính nhất xưng là Ma Hê Thủ La. Ðây là do thiền định được đại tự tại nên Ma Hê Thủ La cũng có thể xưng là Ðại Tự Tại thiên. Ðây là mười tám tầng trời Sắc Giới, giới thiệu đơn giản đến đây. Câu tiếp theo:

Nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên.

乃至非想非非想處天。

(Cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tướng Xứ.)

Chữ nãi chí ở đây ngụ ý đã lược bớt. Ðã lược bớt Tứ Không thiên, Vô Sắc Giới thiên. Thiên nhân ở trời Vô Sắc Giới thực sự là phàm phu rất thông minh, rất có trí huệ. Ở Trung Quốc cổ đại, Lão Tử xuất hiện vào triều nhà Châu, thời đại Xuân Thu (722 trước công nguyên đến 481 trước công nguyên), cùng thời với Khổng Tử, lớn tuổi hơn Khổng Tử. Người này rất thông minh, Ngài nói: "Tôi có một mối lo lớn vì tôi có thân này". Ngài nói tôi có một mối lo lớn, vì sao? Vì tôi có cái thân này. Thân là gốc khổ, nếu không có thân thể thì tốt biết mấy, tự tại biết mấy; Ngài là phàm phu bậc cao nên mới biết thân là gốc khổ. Làm sao xả bỏ thân, không cần nữa? Ngài chán ghét sắc thân, cộng thêm công phu định lực của Ngài, đích thật có thể xả bỏ sắc thân này, lìa khỏi, thăng lên cõi trên, phần nhiều chúng ta gọi là "linh giới"; y theo Phật pháp thì chỉ có thần thức chẳng có sắc thân, hạng này chúng ta xưng là Vô Sắc Giới. Người cõi trời Sắc Giới đã xả bỏ dục, đã xả bỏ ngũ dục lục trần, phiền não nghiêm trọng này, thoát ra khỏi Dục Giới đến cõi Sắc Giới. Sắc Giới vẫn còn sắc tướng, thân thể, hoàn cảnh cư trú, những thứ này còn phiền phức, còn chưa rốt ráo, xả bỏ những thứ này thì lên đến Tứ Không thiên. Tứ Không thiên vẫn còn trong phạm vi của lục đạo, chưa thoát ra khỏi lục đạo.

Cõi thứ nhất ở Tứ Không thiên là Không Xứ thiên, sau khi lìa khỏi Sắc Giới thì vào Không Xứ, tâm duyên hư không chẳng có sắc tướng, định này gọi là "hư không định". Thứ nhì gọi là Thức Xứ thiên, Không cũng xả bỏ, Không và Sắc là hiển hiện tương đối cho nên hư không chẳng chân thật. Họ xả bỏ luôn Không, xả Không rồi vẫn còn Thức tồn tại, chỗ họ duyên vào được đặt tên là Thức Xứ. Thật ra xả Không là chẳng chấp vào Không, chứ không phải thực sự xả bỏ Không. Chẳng còn chấp trước tướng Không, ý niệm Không và Sắc đối lập nhau trong tâm chẳng còn nữa, lúc đó còn Thức, nên gọi là Thức Xứ. Người tu hành đến mức này nếu phát hiện Thức vẫn còn là một chuyện phiền phức, vẫn chưa rốt ráo, Thức chính là Phân Biệt, Phân Biệt cũng xả luôn thì sẽ vào Vô Sở Hữu Xứ thiên, tầng thứ ba ở Vô Sắc Giới. Lúc tu Ðịnh này thì buông xả hết thảy cảnh giới Trong - Ngoài, cảnh giới hai bên Trong - Ngoài đều buông xả, xả bỏ hết nên gọi là Vô Sở Hữu. Ðến tầng cao nhất "Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên", vì ngay cả Thức cũng chẳng duyên vào nên gọi là Phi Tưởng; chỗ chẳng khởi tác dụng cũng chẳng duyên vào nên gọi là Phi Phi Tưởng. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là cảnh giới cao nhất trong tam giới. Cách giải thích Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rất nhiều, [chư vị] có thể tham khảo cách giải thích trong kinh luận, kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, một số Phật Học Ðại Tự Ðiển cũng có giải thích rõ, trên đây đã giải thích về Vô Sắc Giới thiên.

Phần đông những Học Nhân đến cảnh giới này cho rằng đó là đại Niết Bàn trên quả vị của Như Lai, họ chẳng biết đây là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thiên, cứ tưởng nhập vào cảnh giới này thì vĩnh viễn chẳng sanh chẳng diệt. Ðâu biết họ còn thọ mạng, thọ mạng của họ chính là công phu định lực, công phu định lực của họ có thể duy trì được bao lâu? Trong kinh nói tám vạn đại kiếp, con số này rất lớn. Tám vạn đại kiếp là gì? Thế giới này trải qua một lần Thành, Trụ, Hoại, Không gọi là một đại kiếp. Trong đại kiếp này có bốn trung kiếp tức là Thành, Trụ, Hoại, Không. Thế giới Sa Bà chúng ta hiện nay đang ở kiếp Trụ. Tám vạn đại kiếp tức là thế giới này Thành, Trụ, Hoại, Không tám vạn lần, họ có công phu định lực sâu như vậy, thọ mạng dài như vậy. Sau tám vạn lần thế giới Thành, Trụ, Hoại, Không thì họ vẫn phải đọa lạc, chẳng thể nâng cao thêm nữa, chỉ có thể đọa xuống. Ðọa lần này thì đọa rất thê thảm! Người ta thường nói trèo cao, té nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói người trời Tứ Không đọa xuống, hơn phân nửa là đọa vào địa ngục A Tỳ. Từ nơi cao nhất rớt xuống chỗ thấp nhất, tại sao? Vì báng Phật, báng Pháp, báng Tăng; vì lỗi hủy báng Tam Bảo nên phải đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao họ có ý niệm hủy báng Tam Bảo? Họ tưởng mình đã thành Phật, chứng được đại Niết Bàn, tại sao ngày nay vẫn còn đọa lạc? Trong tâm liền hoài nghi rằng lời chư Phật Như Lai là giả, chẳng phải thật, thế nên đọa lạc. Vì họ hiểu sai, nhận lầm, đó chẳng phải cảnh giới Niết Bàn của Như Lai. Không những chẳng phải quả địa Như Lai, mà cũng chẳng phải là quả địa Tiểu Thừa, hoàn toàn hiểu lầm.

Thế nên khi càng tu lên trên, trong cảnh giới ấy tà - chánh rất khó phân biệt, đây là lý do tại sao trong kinh Lăng Nghiêm đức Thế Tôn giảng Năm Mươi Ấm Ma cho chúng ta. Khi ma cảnh hiện tiền mà chúng ta cho đó là cảnh giới Phật thì sẽ bị lầm to. Thế nên người sơ học chúng ta muốn tránh ma cảnh thì phương pháp duy nhất là phải y giáo phụng hành, tuyệt đối thuận theo những gì Phật dạy trong kinh; tuyệt đối chẳng thể nương dựa những gì người khác nói, chẳng giống lời Phật dạy trong kinh, như vậy mới có thể tránh rơi vào ma đạo. Quan trọng nhất là chúng ta phải tin Phật, chúng ta học theo Phật, chúng ta thân cận một thiện tri thức, những gì vị thiện tri thức này nói phù hợp với lời trong kinh thì chúng ta mới tin; trong kinh chẳng nói như vậy thì chúng ta không tin, chẳng thể học theo họ. Phật nói vô lượng pháp môn, nói là vì ứng theo cơ duyên lúc đó nên mới nói, cơ duyên khác nhau thì Phật nói pháp khác nhau, vì thế chúng ta muốn học pháp môn nào, y theo kinh điển nào, điểm này vô cùng quan trọng, được vậy mới chẳng đến nổi giải sai chân thật nghĩa của Như Lai. Thí dụ Phật nói với chúng ta Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối là có thật, chúng ta tu Tịnh Ðộ thì chỉ noi theo kinh điển Tịnh Ðộ. Trong kinh điển khác Phật nói vạn pháp đều không, nếu bạn nói trong kinh đức Phật nói hết thảy pháp đều không, nên Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng không, thế thì trật lất, bạn tin như vậy thì chẳng phải bạn đã bỏ uổng cơ hội này hay sao. "Học pháp môn nào thì chỉ tu học noi theo kinh điển của pháp môn đó mà thôi", những kinh điển nói khác với kinh này thì tuyệt đối chẳng thể y theo kinh đó.

Thật ra đạo lý này rất cạn cợt, chẳng sâu lắm, chẳng khó hiểu. Giống như học trong trường đại học hiện nay, bạn học khoa hệ nào, nhất định phải học theo khóa trình của khoa hệ đó, bạn chẳng thể học khoa khác; nếu bạn học lớp của khoa hệ khác, chẳng giống với khoa mục của bạn, không những không trợ giúp mà ngược lại có thể phá hoại, đây không phải là đạo lý này sao! Trong kinh Phật thường dùng Y Vương để thí dụ, thí dụ này càng rõ hơn nữa. Thầy thuốc bắt mạch cho bệnh nhân rồi kê toa thuốc, người khác không dám uống theo toa thuốc của bạn, vì bệnh của họ không giống bệnh này. Nếu uống thuốc này, uống vô rồi thì xong ngay, người khác uống thuốc này thì chết liền. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn toa thuốc khác nhau, chữa cho tám vạn bốn ngàn người bệnh khác nhau, làm sao uống bừa bãi được! Thế nên chúng ta tu pháp môn vãng sanh, nhất định phải noi theo "kinh Vãng Sanh". Trong Ðại Tạng kinh thì tam kinh nhất luận gọi là kinh vãng sanh, đó là kinh Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát. Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, Ðại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương là sau này mới thêm vào, thêm rất đúng, cũng có thể noi theo, tuyệt đối sẽ không tạo thành vấn đề, hiện nay xưng là "Ngũ Kinh Nhất Luận". Chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh phải nương nhờ những kinh điển này, như vậy là không sai, chẳng thể nương vào những kinh khác. Nếu những gì nói trong kinh điển khác tương ứng, phù hợp với lý luận, phương pháp, cảnh giới nói trong "ngũ kinh nhất luận" này thì chúng ta có thể tham khảo, nếu không tương ứng thì chúng ta tuyệt đối không thể đọc, nhất định đừng xem, được vậy thì công phu của chúng ta mới có thể nắm vững, mới có thể thành tựu.

Nếu kinh gì bạn cũng xem, kinh gì cũng học, vậy thì bạn bị phiền phức lớn lắm, không những bạn tự tu học chẳng thể thành tựu mà cũng chẳng thể giáo hóa chúng sanh. Khi bạn giáo hóa chúng sanh, lấy một chút ở chỗ này, lấy một ít ở chỗ kia, sẽ làm cho chúng sanh loạn đến mê hoặc điên đảo. Ngày nay học Phật vô cùng khó khăn, tại sao tôi không dạy trong Phật Học Viện, đạo lý là như vậy. Phật Học Viện mở ra rất nhiều lớp học, mời rất nhiều pháp sư, giảng cho học sinh ngày ngày đều điên đảo, như say, như cuồng, chẳng đạt được hiệu quả. Bản thân tôi học Phật đạt được một chút lợi ích vì may mắn, gặp được thiện tri thức, do một người dạy, chỉ tiếp nhận lời của một nhà, đi theo một con đường, nên rất đơn thuần, chẳng phức tạp, chẳng có nghi hoặc, điểm này rất quan trọng, vô cùng quan trọng! Sau này chúng tôi mới hiểu cái mà nhà Nho, nhà Phật gọi là Sư Thừa chính là ý nghĩa này. Tôi chỉ học theo một thầy, nghe lời của một thầy mà thôi, vị thầy này đối với tôi phải chịu trách nhiệm. Nếu tôi còn muốn học theo người khác thì người thầy này chẳng có cách gì để dạy. Thực sự thân cận thiện tri thức, noi theo Sư Thừa của người xưa, bạn theo sát vị thầy này, nhất định chẳng thể học theo người thứ hai, chẳng thể nghe lời dạy của người thứ hai, được vậy thì bạn mới thành tựu. Vị thầy này phải chịu trách nhiệm nhân quả đối với bạn, trách nhiệm này rất nặng, nếu chỉ sai đường cho bạn, dẫn đi lầm đường thì vị thầy này phải thọ ác báo. Nếu bạn chẳng chịu tiếp nhận, bạn cứ đi khắp nơi nghe người khác, vẫn còn xem bài của người khác, vậy thì người thầy này sẽ chẳng chịu trách nhiệm cho bạn.

Hiện nay trở về sau có lẽ Sư Thừa sẽ chẳng còn nữa, chẳng thể còn nữa, cho nên có thể thành tựu được hay không hoàn toàn ở tại mỗi cá nhân. Nói cách khác chẳng có vị thầy hết lòng phụ trách dạy bạn, nói thật ra thầy giáo muốn tìm học sinh như vầy cũng tìm không ra, hoàn toàn nhờ giác ngộ của mình. Muốn chân chánh giác ngộ, chân chánh thành tựu thì cũng phải đi theo đường cũ, học theo một vị thầy.

Tôi khuyên mọi người, ngày nay chúng ta học theo ai?

Học theo A Di Ðà Phật.

A Di Ðà Phật ở nơi đâu?

Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Ðà Phật.

Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, tiếp nhận lời dạy của A Di Ðà Phật, những gì A Di Ðà Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta làm hết lòng; những gì A Di Ðà Phật chẳng dạy chúng ta làm, chúng ta nhất định không làm, chúng ta chỉ nghe lời dạy của A Di Ðà Phật, chẳng nghe bất người nào, được vậy thì đời này bạn nhất định sẽ vãng sanh!

Ngoài ra còn một vị đại đức có thể giúp chúng ta là đại sư Ấn Quang, mỗi câu mỗi chữ trong Ấn Quang Ðại Sư Văn Sao đều tương ứng với kinh vãng sanh, nên thường thường đọc Văn Sao của Ấn Tổ, làm bạn với Ấn Tổ, nghe lời dạy của Ngài, làm theo lời dạy của Ngài, đoạn ác tu thiện, giữ trọn luân thường, làm tròn bổn phận, tin sâu nhân quả, chắc thật niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh Ðộ. Ðây là con đường cầu vãng sanh, xuất ly tam giới lục đạo duy nhất trong đời này của chúng ta, ngoài đường này ra thì chẳng còn con đường thứ hai nào khác. Xem đoạn kinh tiếp theo:

Nhất thiết Thiên chúng, Long chúng, Quỷ Thần đẳng chúng tất lai tập hội.

一切天眾。龍眾。鬼神等眾悉來集會。

(Hết thảy chúng Trời, chúng Rồng, và các chúng Quỷ Thần đều đến tụ hội.)

Ðoạn này nói về những chúng thiên long bát bộ. Chúng ta đọc tiếp, đoạn kinh văn sau đây nói về các chúng thần.

Hựu hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới.

復有他方國土及娑婆世界。

(Còn những cõi nước ở phương khác và thế giới Sa Bà.)

Sa Bà thế giới là cõi của chúng ta, và còn những thế giới ở phương khác.

Hải thần, Giang thần, Hà thần.

海神。江神。河神。

(Thần Biển, thần Sông lớn, thần Sông nhỏ.)

Ðây là thủy thần, thủy có lớn nhỏ, người Trung Quốc gọi là Long Vương.

Thọ thần, Sơn thần, Ðịa thần, Xuyên Trạch thần, Miêu Giá thần, Trú thần, Dạ thần, Không thần, Thiên thần, Ẩm Thực thần, Thảo Mộc thần, như thị đẳng thần giai lai tập hội.

樹神。山神。地神。川澤神。苗稼神。晝神。夜神。空神。天神。飲食神。草木神。如是等神皆來集會。

(Thần Cây, thần Núi, thần Ðất, thần Suối và Ao Ðầm, thần Mùa Màng, thần Ngày, thần Ðêm, thần Hư Không, thần Trên Trời, thần Ăn Uống, thần Cỏ Cây, những vị thần như vậy đều đến tụ hội.)

Chúng ta gộp hai đoạn này nói chung. Hai đoạn này nói về Bát Bộ và những chúng Thần. Trước kia pháp sư Thánh Nhất ở Cửu Hoa Sơn giảng Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đối với những chúng thần này đều có giới thiệu, thần cũng đến tham gia đại hội này, lần tập hội này chẳng phải là ngẫu nhiên, đều có nhân duyên sâu đậm với Ðịa Tạng Bồ Tát lúc trước. Nếu không có duyên, đức Phật Thích Ca Mâu Ni mở pháp hội lần này tại cung trời Ðao Lợi, họ có tư cách gì để tham gia! Chúng ta thấy đại chúng tham dự không thể có nghi hoặc, không những có các chúng Trời, chúng Thần, phía sau còn có chúng Quỷ. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

Phục hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới chư đại quỷ vương, sở vị Ác Mục quỷ vương, Ðạm Huyết quỷ vương, Ðạm Tinh Khí quỷ vương, Ðạm Thai Noãn quỷ vương, Hành Bệnh quỷ vương, Nhiếp Ðộc quỷ vương, Từ Tâm quỷ vương, Phước Lợi quỷ vương, Ðại Ái Kính quỷ vương23, như thị đẳng quỷ vương giai lai tập hội.

復有他方國土及娑婆世界諸大鬼王。所謂惡目鬼王。噉血鬼王。噉精氣鬼王。噉胎卵鬼王。行病鬼王。攝毒鬼王。慈心鬼王。福利鬼王。大愛敬鬼王。如是等鬼王皆來 集會。

(Lại có những đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác và thế giới Sa Bà, như Ác Mục quỷ vương, Ðạm Huyết quỷ vương, Ðạm Tinh Khí quỷ vương, Ðạm Thai Noãn quỷ vương, Hành Bệnh quỷ vương, Nhiếp Ðộc quỷ vương, Từ Tâm quỷ vương, Phước Lợi quỷ vương, Ðại Ái Kính quỷ vương, các quỷ vương như vậy đều đến tụ hội.)

------------------------------------

23 Ác Mục quỷ vương: Chúa quỷ Mắt Ác, Ðạm Huyết quỷ vương: Chúa quỷ Uống Máu, Ðạm Tinh Khí quỷ vương: Chúa quỷ Hút Tinh Khí, Ðạm Thai Noãn quỷ vương: Chúa quỷ Ăn Thai Noãn, Hành Bệnh quỷ vương: Chúa quỷ Gây Bệnh, Nhiếp Ðộc quỷ vương: Chúa quỷ Hút Khí Độc, Từ Tâm quỷ vương: Chúa quỷ Có Lòng Nhân Từ, Phước Lợi quỷ vương: Chúa quỷ Làm Phước Lợi, Ðại Ái Kính quỷ vương: Chúa quỷ Đại Ái Kính

--------------

Liệt kê ra mười hạng quỷ vương. Quỷ đạo cũng tương đối phức tạp, những vị có phước đức trong quỷ đạo thì được xưng là quỷ vương. Chúng ta ở nhân gian tu phước, phước chẳng uổng phí, phước báo là chân thật, những phước bạn tu, tương lai nhất định sẽ được phước báo. Nhưng đến nơi nào để hưởng phước báo? Không nhất định. Phải coi bạn đến cõi nào, nếu bạn có phước thì bất luận ở cõi nào cũng hưởng phước, đến quỷ đạo cũng sẽ hưởng phước. Nói cho chư vị biết chỉ có cõi địa ngục thì chẳng có cách chi; nếu bạn ở cõi người, cõi trời, cõi súc sanh, cõi quỷ, ai có phước đều sẽ hưởng phước, trong cõi quỷ thì làm quỷ vương. Những người, những chúng sanh này đều có duyên với Phật, đặc biệt là duyên với Ðịa Tạng Bồ Tát rất sâu, chúng ta từ kinh này thấy chúng sanh mười pháp giới đều tụ hội nơi đây, chẳng thể nghĩ bàn, trong hết thảy pháp hội chúng ta chưa từng thấy. Kinh Hoa Nghiêm cũng có mười pháp giới chúng sanh cũng đến dự hội nhưng sánh chẳng bằng kinh Ðịa Tạng. Tại sao? Hội kinh Ðịa Tạng này, phía trước chúng ta thấy hết thảy chư Phật, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai một vị cũng không sót, hết thảy đều đến đầy đủ, trong kinh Hoa Nghiêm chẳng thấy được việc này. Từ chư Phật Như Lai đến chúng sanh địa ngục, đến những quỷ vương, có rất nhiều quỷ vương coi quản địa ngục, hết thảy đều đến dự hội, vô cùng hiếm có!

Chúng ta đọc đoạn kinh này xong, nhất định không thể coi thường, biết pháp hội này thù thắng khôn sánh. Nguyên nhân là gì? Những người này, chư Phật Như Lai này đều là học trò của Ðịa Tạng Bồ Tát, hôm nay thầy giáo có công chuyện, học sinh đâu dám chẳng đến! Ðịa Tạng Bồ Tát có oai đức lớn như vậy sao? Ðúng vậy! Ðịa Tạng là gì? Tâm địa, chẳng phải nói một người. Phía trước vừa mở đầu đã giảng cho bạn, Ðịa là tâm địa, chân tâm bổn tánh, Tạng là vô lượng trí huệ đức năng có sẵn trong bổn tánh, hết thảy chúng sanh đều y theo cái này để tu hành thành Phật. Ngày nay giảng Ðịa Tạng pháp môn, hết thảy chư Phật Như Lai đều ủng hộ, hết thảy chúng sanh phải nương nhờ, dựa vào, thế nên pháp hội này thù thắng hạng nhất, Hoa Nghiêm không thể sánh bằng, Hoa Nghiêm cũng phải nương theo nó để khơi dậy, nó là chỗ nương dựa căn bản. Thế nên chư vị phải hiểu tánh trọng yếu của vấn đề này, chỗ nương dựa căn bản chính là phước thứ nhất nói trong Quán Kinh. Nói cho chư vị biết nếu ngày nay chúng ta bỏ qua "hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu mười nghiệp thiện" thì tu pháp môn gì cũng chẳng thể thành tựu ngay trong đời này. Tại sao? Vì bạn không có căn bản cho nên học Phật phải trải qua vô lượng kiếp. Chúng ta học Phật tuyệt chẳng phải chỉ học đời này thôi đâu, trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy nhóm người cùng vua A Xà Thế, nói thật ra chính là nói chúng ta, nhiều đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, đến nay vẫn còn là phàm phu, vẫn luân chuyển trong sáu nẻo. Cúng dường bốn trăm ức Phật, tu hành, nghe pháp chẳng ít, tại sao vẫn không thể thoát khỏi tam giới? Tại sao chẳng thể vãng sanh? Ðây là như lúc trước thầy Lý thường nói "trong một vạn người niệm Phật khó có được hai, ba người vãng sanh". Ðạo lý gì? Vì bạn chẳng tu từ căn bản.

Bạn đừng coi những người vãng sanh, vãng sanh có tướng lành, có thể họ nghe kinh rất ít, nghe pháp chẳng nhiều, nhưng họ thực sự đã vãng sanh. Bạn lại hỏi thăm kỹ, người này nhất định hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tâm địa rất từ bi. Bạn hỏi thăm xem trong đời sống hằng ngày xử sự, đãi người, tiếp vật, họ tuyệt đối phù hợp điều thứ nhất trong tam phước, có ai dạy họ không? Chẳng có ai dạy họ. Họ vốn là như vậy, họ làm người rất từ bi, rất kính trọng người, họ thực sự làm được. Chúng ta chẳng bằng họ, tại sao vậy? [Chúng ta mới] đọc được một ít sách vở, học được một ít Phật pháp bèn cống cao ngã mạn, cảm thấy mình rất giỏi, người ta chẳng bằng mình. Họ có thể vãng sanh, chúng ta ngược lại bị lọt tuốt phía sau, còn phải luân hồi, tại sao? Họ chưa từng đọc sách, chẳng biết chữ, rất khiêm tốn, rất nhún nhường, luôn cảm thấy mình chẳng bằng người, nhưng họ đã vãng sanh được. Thế nên càng học nhiều, lúc trước thầy Lý nói lúc chưa học thì còn biết hiếu thuận cha mẹ, học cao rồi, cha mẹ chẳng có học, học vấn cấp bằng của họ cao hơn cha mẹ nhiều, học càng cao thì con mắt càng chạy lên trên đỉnh đầu, ngay cả cha mẹ cũng chẳng coi ra gì, vậy thì làm sao có thể tôn kính sư trưởng! Người như vậy, một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng chẳng thể vãng sanh. Thế nên chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, y giáo phụng hành mới chẳng đến nỗi lãng phí đời này. Bộ kinh Ðịa Tạng, đức Phật Thích Ca mở pháp hội tại cung trời Ðao Lợi là để giảng pháp căn bản, cho nên chúng sanh trong mười pháp giới đều đến tham gia pháp hội này, phi thường chẳng thể nghĩ bàn!

Tên những thiên thần, quỷ thần này chẳng khó hiểu, mọi người có thể xem tên hiểu nghĩa, ở đây tôi lược bớt. Nếu các bạn muốn biết thì có thể tham khảo giảng ký của pháp sư Thánh Nhất. Giảng ký này phổ biến rất rộng, Ngài giảng rất hay, đơn giản, rõ ràng. Xin xem kinh văn:

Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật cáo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát: "Nhữ quán thị nhất thiết chư Phật Bồ Tát, cập thiên long quỷ thần, thử thế giới, tha thế giới, thử quốc độ, tha quốc độ, như thị kim lai tập hội đáo Ðao Lợi thiên giả, nhữ tri số phủ?".

爾時釋迦牟尼佛告文殊師利法王子菩薩摩訶薩。汝觀是一切諸佛菩薩。及天龍鬼神。此世界。他世界。此國土

。他國土。如是今來集會到忉利天者。汝知數不。

(Bấy giờ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: "Ông xem hết thảy chư Phật, Bồ Tát và thiên long quỷ thần ở thế giới này và thế giới khác, cõi nước này và cõi nước khác đều đến tụ hội tại cung trời Ðao Lợi như vậy, ông biết số lượng bao nhiêu chăng?".)

Chữ "bất" này phải đọc là "phủ", như chữ "khả phủ"(có được hay chăng? Có nên chăng?). Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là vị trí huệ hạng nhất trong các Bồ Tát, Phật chẳng kêu ai khác, chỉ kêu Ngài. Nếu Ngài không biết thì những vị khác chẳng cần hỏi nữa. Phật hỏi Ngài, ông xem thử những đại chúng đến dự hội "Nhất thiết chư Phật Bồ Tát, cập thiên long quỷ thần", câu này nói về chánh báo, nói về những người đến dự. Họ từ đâu đến? "Thử thế giới, tha thế giới, thử quốc độ, tha quốc độ" bao gồm tận hư không, trọn khắp pháp giới, đây là y báo; chúng ta nói đến từ bốn phương tám hướng, đến từ hết thảy pháp giới, cõi nước chư Phật. Nhiều người như vậy, ông biết số lượng là bao nhiêu chăng? Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hội kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy đại chúng là hai vạn người, đại chúng tham dự trong pháp hội này thật là chẳng thể nghĩ bàn, nhìn thấy pháp hội thù thắng thì biết được tánh trọng yếu của pháp môn. Chúng ta hãy coi Văn Thù Bồ Tát trả lời ra sao.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật ngôn: "Thế Tôn, nhược dĩ ngã thần lực thiên kiếp trắc độ bất năng đắc tri".

文殊師利白佛言。世尊若以我神力千劫測度不能得知

(Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, nếu dùng thần lực của con tính đếm trải qua ngàn kiếp cũng chẳng thể biết được".)

Lời này là thật, chẳng phải giả. Văn Thù là vị trí huệ hạng nhất trong các Bồ Tát, Ngài nói dùng khả năng của Ngài quan sát, đo lường; chữ "độ" tức là độ lượng (đo lường), dùng thời gian bao lâu? "Ngàn kiếp", thời gian dài như vậy, dùng khả năng của Ngài để tính đếm, tính chẳng nổi. Số người dự hội là bao nhiêu? Quá nhiều!

Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: "Ngô dĩ Phật nhãn quán cố, do bất tận số".

佛告文殊師利。吾以佛眼觀故猶不盡數。

(Phật nói với Văn Thù Sư Lợi: "Ta dùng Phật nhãn để tính cũng chẳng tính nổi".)

Phật nhãn chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thấy, Phật ở đây nói câu này là lời khiêm tốn, lời khách sáo. "Nói với Văn Thù Sư Lợi, nếu Phật dùng Phật nhãn cũng chẳng tính nổi, huống chi là ông!" Ráng sức hình dung số người tham gia pháp hội đông đảo tức là nói rõ sự thù thắng trang nghiêm của pháp hội. Hàm ý chứa đựng ở trong ấy là sự quan trọng của pháp hội, vô cùng quan trọng, giảng hết thảy kinh cũng chẳng quan trọng bằng giảng kinh Ðịa Tạng. Việc này cũng giống như việc Tân Gia Ba không ngừng xây dựng, chúng ta thấy khắp đường phố chỗ nào cũng đang xây cất, xây lầu cao, bất luận là xây lầu gì, trước hết phải đắp nền móng vững chắc, Ðịa Tạng pháp môn chính là nền móng, bạn xem có quan trọng không! Bất luận xây lầu cao bao nhiêu, bất luận hình thức như thế nào, nền móng đều giống nhau, phải vững chắc, phải kiên cố. Nói rõ Phật pháp sâu rộng, pháp môn vô tận, vô lượng pháp môn đều xây dựng trên một nền móng này, chẳng có cơ sở, chẳng có nền móng này thì bất cứ pháp môn nào cũng không thể thành tựu, do đó bạn mới hiểu được tánh quan trọng của pháp môn này. Nhiều người đến tham dự như vậy tượng trưng cho pháp môn vô lượng, vô lượng pháp môn đều quy về một cơ sở này. Hết thảy chư Phật tu hành thành Phật, chẳng phải chỉ noi theo một pháp môn thành tựu, môn nào cũng có thể viên thành Phật đạo. Nhưng hết thảy đều xây dựng trên cơ sở, trên căn bản này, phế bỏ cơ sở thì nhất định chẳng thể thành tựu. Chúng ta trong nhiều đời trước, nhiều đời nhiều kiếp coi thường cơ sở này nên chẳng thể thành tựu. Nếu cũng coi thường như cũ, thì đời này niệm Phật chỉ là kết một chút duyên với A Di Ðà Phật mà thôi, vẫn chẳng thể vãng sanh. Bạn hỏi đến khi nào mới có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Khi bạn làm tròn điều thứ nhất trong Tam Phước, tức là pháp môn Ðịa Tạng này, thì bạn có thể vãng sanh.

Tôi đã nói với các bạn rồi, nếu bạn làm được điều thứ nhất, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới Hạ Phẩm; nếu làm được điều thứ hai, có thể làm được hai điều thì vãng sanh Trung Phẩm; làm được cả ba điều thì vãng sanh Thượng Phẩm, đây là sự thật. Nếu nói điều thứ nhất bạn làm không được, nhưng bạn làm được điều thứ hai, thứ ba, chẳng có việc như vậy, đó là giả. Giống như xây nhà lầu, tôi không cần nền móng, cũng chẳng cần tầng thứ nhất, tôi chỉ xây tầng hai, tầng lầu ba mà thôi, đâu có đạo lý như vậy! Ðoạn kế tiếp Thế Tôn nói nguyên nhân vì sao như vậy.

Thử giai thị Ðịa Tạng Bồ Tát cửu viễn kiếp lai, dĩ độ, đương độ, vị độ, dĩ thành tựu, đương thành tựu, vị thành tựu.

此皆是地藏菩薩久遠劫來。已度。當度。未度。已成就。當成就。未成就。

(Ðó đều là do Ðịa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa đến nay, đã độ, đang độ, chưa độ, đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu.)

Ý nghĩa tiêu biểu pháp sâu. Vô lượng kiếp đến nay, vô lượng pháp môn, hết thảy thành tựu đều nương dựa trên cơ sở này, tượng trưng cho ý nghĩa này. Mười phương chư Phật "đã được độ, đã thành tựu", "đang độ, đang thành tựu" là hết thảy Bồ Tát, "chưa độ, chưa thành tựu" đều có duyên phận sâu đậm với Ðịa Tạng Bồ Tát. Phàm những người học Phật đều có duyên phận, nhưng hiện nay bạn vẫn chưa được độ; đang độ chính là thiên long, quỷ thần đại chúng, bao gồm những người như chúng ta thuộc về chưa độ, chưa thành tựu. Chúng ta chưa được độ, chưa thành tựu làm sao có thể đi đến đã độ, đã thành tựu? Dựa vào sự nỗ lực của mình, chúng ta trong đời này thực sự chịu làm, thực sự chịu y giáo phụng hành, thì chúng ta chưa được độ, chưa thành tựu sẽ từ từ đi đến đã độ, đã thành tựu, ngay trong đời này sẽ thành tựu.

Chư vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ, chúng ta treo bốn chữ do cụ Phác 24 viết: "Tri ân báo ân", báo ơn cha mẹ, báo ơn sư trưởng, báo ơn Phật, báo ơn chúng sanh. Những người này có ơn gì đối với chúng ta, mình phải biết rõ thì mới tri ân, mới biết báo ân. Tại sao người thế gian không biết báo ân? Vì họ chẳng biết ân. Ngay cả chữ tri trong tri ân họ cũng không biết thì làm sao có ý niệm báo ân! Họ chẳng thể khởi lên ý niệm này. Có thể có tâm báo ân tức là hiếu kính, bạn đã làm được "hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng". Trong đời sống hằng ngày "đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện", tại sao vậy? Vì báo ân. Nếu bạn chẳng đoạn ác tu thiện, không sửa sai đổi mới thì bạn có lỗi với cha mẹ, với sư trưởng, đó là bất hiếu. Trong xã hội, ngày nay chúng ta phát tâm xuất gia, chẳng thể làm thầy, chẳng thể làm mô phạm là bất hiếu, đây là đại bất kính. "Làm thầy" là làm người dẫn đầu, người nêu gương cho xã hội đại chúng, làm mô phạm cho xã hội, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, hãy nghĩ coi mình có thể làm gương cho xã hội đại chúng không? Nếu không tức là chẳng có hiếu, chẳng kính, thì bạn chẳng làm nổi. Tại sao chẳng nổi? Phải tìm ra nguyên nhân ấy, phải dẹp trừ nguyên nhân ấy, sửa sai đổi mới, chúng ta mới có thể từ "chưa độ" đạt đến "đã độ", từ "chưa thành tựu" đạt đến "đã thành tựu", phải làm thực sự! Chuyện này là chuyện của chính mình, chẳng phải là chuyện của người khác, người khác giúp không nổi, nhất định phải tự mình giác ngộ, tự độ chính mình, sửa lỗi lầm, sửa tập khí, sửa tâm lý, đọc tụng Ðại Thừa, y giáo phụng hành như vậy mới có thể thành tựu.

-------

24 Cụ Phác ở đây là cụ Triệu Phác Sơ, Hội Trưởng hội Phật giáo Trung Quốc.

---------

Nếu đời này chẳng thể khắc phục chướng nạn của mình, khắc phục tập khí tật xấu của mình, vẫn cứ theo thói cẩu thả, chúng ta đời này cũng giống như những đời trước, chỉ kết duyên cùng đức Phật A Di Ðà, cùng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và Ðịa Tạng Bồ Tát, đời này vẫn chẳng thể thành tựu. Duyên đã kết rất sâu, kinh Di Ðà nói: "Chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh cõi ấy", duyên này đã kết từ nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp qua đã kết duyên sâu đậm này, nhưng duyên vẫn chẳng thể thành tựu, vẫn còn thiếu một đoạn, tức là chẳng thể khắc phục phiền não tập khí của mình, đọc kinh nghe pháp chẳng thể thâm giải nghĩa thú; hình như đã hiểu rồi, nhưng thực sự chưa hiểu, làm sao biết bạn chưa hiểu? Vì bạn chưa làm được. Nếu bạn đã hiểu rồi thì nhất định sẽ làm được. Tại sao? Biết [giá trị của món] hàng, đã nhận thức rồi. Trên hai bàn, một bên thì để nắm đất, một bên thì để vàng ròng, nếu tặng cho bạn một thứ, chỉ có thể lấy một thứ thì bạn lấy cái nào? Bạn nhất định sẽ lấy vàng. Tại sao? Vì bạn biết giá trị của nó. Trong kinh điển Phật dạy chúng ta "thâm giải nghĩa thú" (hiểu sâu ý nghĩa), giải khó, hành dễ, tại sao bạn làm không được? Vì bạn chẳng hiểu, bạn chẳng liễu giải, Phật pháp đích thật là "biết thì khó, làm thì dễ". Bởi vậy đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm là vì: "Biết thì khó, hành chỉ trong vòng một niệm". Một ý niệm chuyển đổi trở lại thì liền siêu phàm nhập thánh, ý niệm chẳng chuyển là vì giải chẳng thấu suốt, chẳng thâm nhập.

Hạnh Môn của chúng ta nói thật ra nương dựa vào Giải Môn, nếu bạn giải được càng sâu, thì hạnh của bạn càng chu đáo; có thể giải mà chẳng thể làm, nói thật ra chính là vì vẫn chưa hiểu (giải) sâu nên chẳng thể làm nổi. Giảng được nhất định sẽ làm được, nguyên nhân giảng được nhưng làm không được là gì? Chỉ noi theo chú giải của người khác, dựa trên lời văn mà giải nghĩa, chính mình cũng chẳng hiểu. Tôi nghe nói còn có một số người giảng kinh Phật, niệm một đoạn kinh xong thì kể một câu chuyện, không biết tìm ở đâu ra những câu chuyện này, nghe nói những câu chuyện này chẳng dính dáng gì đến đoạn kinh trên, họ cũng gọi là giảng kinh, như vậy thì làm sao "có thể hành" được! Y theo chú giải của người xưa thì miễn cưỡng còn có thể được. Nói thật ra cần phải tự mình thấu triệt ý nghĩa trong kinh, tự mình làm được rồi nói ra mới chính xác, chẳng có mảy may nghi hoặc gì cả. Tại sao vậy? Ðã làm được, tự mình thể nghiệm được hiệu quả, tự mình đạt được rồi. Chúng ta xem tiếp đoạn kế:

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật ngôn: "Thế Tôn, ngã dĩ quá khứ cửu tu thiện căn chứng Vô Ngại Trí, văn Phật sở ngôn tức đương tín thọ".

文殊師利白佛言。世尊我已過去久修善根證無礙智。聞佛所言即當信受。

(Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: "Thế Tôn, con đã tu thiện căn từ lâu trong quá khứ chứng Vô Ngại Trí, vừa nghe Phật dạy thì liền tin nhận".)

Văn Thù Bồ Tát nói Ngài có thể tin những gì Phật dạy. Phật nói đại chúng nhiều như trên đều là do Bồ Tát Ðịa Tạng từ kiếp lâu xa đến nay đã độ, đang độ, chưa độ đều tham dự pháp hội, đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu đều đến cả, Văn Thù Bồ Tát tin được việc này, chẳng nghi ngờ. Nhưng Văn Thù Bồ Tát lại đề ra:

Tiểu quả Thanh Văn thiên long bát bộ, cập vị lai thế chư chúng sanh đẳng, tuy văn Như Lai thành thật chi ngữ tất hoài nghi hoặc, thiết sử đỉnh thọ vị miễn hưng báng.

小果聲聞天龍八部。及未來世諸眾生等。雖聞如來誠實之語必懷疑惑。設使頂受未免興謗。

(Tiểu quả Thanh Văn, thiên long bát bộ và những chúng sanh đời vị lai tuy nghe lời thành thật của Như Lai, nhưng chắc sẽ hoài nghi, dù có lạy vâng cũng không khỏi hủy báng.)

Những lời này của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rất hay. Chưa khai mở trí huệ, công phu chưa thành tựu, nghe xong lời này của Phật, không khỏi hoài nghi. Ðịa Tạng Bồ Tát làm sao có thần thông đạo lực lớn như vậy! Hết thảy chư Phật mười phương ba đời đều do Ngài độ, lời này chúng ta có thể tin tưởng hay không? Văn Thù Bồ Tát tin tưởng, chẳng hoài nghi, phần đông người ta nghe xong sẽ hoài nghi nên chúng ta phải giải thích rõ ràng đạo lý này. Ðịa là tâm địa, chân tâm, bổn tánh, Ðịa Tạng Bồ Tát tiêu biểu cho pháp này, không thể chấp cứng vào mỗi câu văn, nếu vậy thì sai rồi, nhất định sẽ hoài nghi. Nếu bạn cho rằng Ðịa Tạng Bồ Tát đại khái là Kim Ðịa Tạng 25 ở Cửu Hoa Sơn thì sai rồi, Kim Ðịa Tạng là một phân thân, hóa thân của Ðịa Tạng Bồ Tát, hóa thân của Ngài vô lượng vô biên. Thế nên phải hiểu rõ Lý chân thật, Sự chân thật ở bên trong, như vậy chúng ta sẽ chẳng hoài nghi, nếu không thì chúng ta sẽ có nghi hoặc, từ nghi hoặc này đi đến báng pháp, tội lỗi rất nặng. Mục đích Văn Thù Bồ Tát nêu lên nghi vấn này là thỉnh cầu Thế Tôn thuyết minh tường tận những sự tu nhân chứng quả, rộng độ chúng sanh của Ðịa Tạng Bồ Tát cho đại chúng biết. Ðây là việc trong đoạn kinh kế tiếp.

-----------------------------

25 Tương truyền hóa thân của Ðịa Tạng Bồ Tát là ngài Kim Kiều Giác. Kim Kiều Giác (630-729) là thái tử nước Tân La (vùng đông bắc Triều Tiên, nay là Đại Hàn). Năm 24 tuổi, Ngài từ bỏ ngôi vị và xuất gia, pháp danh là Địa Tạng. Ở Trung Quốc lúc bấy giờ nhằm đời Ðường, Phật giáo rất phát triển và có nhiều vị sư từ nhiều nước đến đó du học. Ngài Kim Kiều Giác vượt biển đến Trung Quốc, trụ tại núi Cửu Hoa, huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu, tỉnh An Huy. Ngài dựng một túp lều tranh trên núi tu hành và nguyện chép bốn bộ kinh Ðại Thừa. Sau đó dân làng Thanh Dương lên núi và thấy Ngài tu hành rất nghiêm cẩn nên phát tâm xây một ngôi chùa cho Ngài hoằng pháp. Núi Cửu Hoa lúc bấy giờ thuộc quyền của ông Mẫn Nhượng Hòa, một phật tử thuần thành, ông Hòa mời Ngài dùng cơm và cúng dường một miếng đất cho Ngài cất chùa. Ông Hòa hỏi Ngài cần miếng đất bao lớn? Ngài nói: "Tôi tung chiếc áo cà sa này lên, tôi muốn khoảnh đất lớn bằng cái bóng của chiếc áo cà sa này. Ông chịu không?". Ông Hòa đồng ý. Lúc Ngài mở áo cà sa ra phóng lên hư không, bóng của chiếc áo cà sa bèn lớn bao trùm cả vùng núi Cửu Hoa, ông Mẫn vô cùng kinh ngạc và bội phục nên ông vui lòng cúng dường cả vùng núi Cửu Hoa cho Ngài. Ông còn xây một ngôi chùa và cho con ông xuất gia theo Ngài, pháp danh là Ðạo Minh. Sau này ông cũng xuất gia theo. Từ đó núi Cửu Hoa trở thành một trung tâm nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng. Ngày 30 tháng 7 năm 729, Ngài ban lời giáo huấn cuối cùng và cáo biệt đồ chúng, ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ 99 tuổi. Ba năm sau, nhục thân của Ngài chẳng hư hoại, tay chân mềm mại như lúc còn sống. Dựa trên hành trạng lúc Ngài còn sống, mọi người đều nhận định Ngài chính là Ðịa Tạng Bồ Tát thị hiện.

--------------------------

Hôm nay đã hết giờ, chúng tôi giảng đến đây thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro