i. | a tribute

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

i

Mẹ tôi lại khóc.

Tôi mơ mơ màng màng mở mắt, trong phòng khá tối, tôi nghiêng đầu nhìn sang nhưng chỉ thấy lờ mờ dáng lưng của mẹ, nhưng tôi có thể tưởng tượng ra đôi vai gầy gò run run và gương mặt xanh xao ướt đẫm nước mắt của bà.

Hình ảnh đó rõ ràng đến nỗi trong một giây, tôi đã ngỡ nó là thật. Nhưng không, tôi chớp mắt, trước mặt vẫn là bóng đêm dày đặc, còn tiếng khóc cố nén của mẹ tôi thì như những đợt sóng không dứt đánh vào tâm trí, khiến tôi chưng hửng và mệt mỏi. Và chán chường. Ngoài ra còn có những cảm xúc không tên khác cứ liên tục trồi lên rồi lặn xuống, hoặc chỉ đơn giản là phớt nhẹ qua. Tôi không để ý đến, hay nói đúng hơn là không thèm truy cứu rõ ràng chúng là gì, vì tôi biết chúng đều có một điểm chung duy nhất.

Tiêu cực.

Không chỉ cảm xúc, mà còn là suy nghĩ.

Không chỉ trong ngày hôm nay, mà là trong suốt tám năm qua, từ ngày ba tôi mất.

Tôi nhẹ nhàng đứng dậy khỏi giường, chân trần vừa chạm xuống mặt sàn, lập tức một cảm giác lạnh buốt truyền từ gan bàn chân theo sống lưng xốc thẳng lên não, tôi thở hắt một hơi, khẽ rùng mình. Liếc qua phía giường bên kia, mẹ tôi vẫn đang nằm quay lưng về phía tôi, dường như không hề hay biết chuyện gì, hoặc có thể biết nhưng không quan tâm.

Phải, mẹ tôi thì quan tâm tới ai chứ!? Từ ngày ba tôi mất, mẹ tôi chẳng còn thiết tha bất cứ thứ gì trên đời nữa, kể cả Deekon, kể cả tôi. Mẹ tôi khóc hằng đêm, thẩn thờ hằng ngày, ánh mắt trống rỗng và vô định mọi lúc.

Vì thế tôi rất giận mẹ, tôi đổ hết mọi tội lỗi lên đầu mẹ mặc dù tôi biết như vậy là không công bằng. Nhưng mẹ đã công bằng với tôi chưa? Tại sao mẹ lại không quan tâm gì tới Deekon và tôi khi chúng tôi sắp chết đói? Tại sao mẹ lại để Deekon đăng kí tê-ra, và giờ là tôi?

Mẹ tôi muốn gì? Tại sao mẹ không chết đi? Tại sao mẹ không đi theo ba luôn đi? Nhiều lúc tôi không thể kiềm chế mà ác độc nghĩ, và đã có một lần hét thẳng vào mặt mẹ tôi, nhưng đáp lại, mẹ tôi chỉ dùng đôi mắt vô hồn nhìn chằm chằm tôi, khiến tôi tự mình đau khổ và dằn vặt trong chính lời nói và suy nghĩ của bản thân.

Tôi xỏ đôi ủng vào chân, rồi đi đánh răng rửa mặt. Tôi thay vào bộ đồ thường ngày hay mặc, buộc lại mái tóc dài hoe đỏ của mình, xé đôi ổ bánh mì trong bếp và đặt nó cẩn thận vào túi áo khoác. Xong xuôi, tôi liếc nhìn mẹ tôi lần cuối và nhanh chóng đi ra ngoài.

Sau khi Deekon mất, chúng tôi đã bán nhà và dọn qua sống ở khu ngoại thành. Cuộc sống ở đây cũng chẳng khác gì lắm so với ở thị trấn trung tâm, điều khác biệt duy nhất là người dân trông có vẻ ốm yếu, tiều tuỵ và khắc khổ hơn. Ba tính từ ấy, dùng để miêu tả tôi trong bảy năm qua, rất chính xác. Nhiều lần đi ngang qua tiệm bánh mì trong thị trấn với ô cửa kính sáng loáng, nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân mình trong đó, đối lập hoàn toàn với những ổ bánh mì vàng nâu óng ánh bên trong, tôi lại cảm thấy tủi thân và chua xót vô cùng.

Mặt trời chỉ mới vừa ló dạng phía đường chân trời, nên giờ này chắc cũng chỉ tầm năm giờ sáng. Nơi đây là nơi tập trung rất nhiều nhà máy nhuộm vải, chế tạo quần áo cho Đội Trị an và bóc vác hàng hoá lên tàu, cho nên từ sớm thì đường đã chật kín là người, nhưng hôm nay, vào ngày Chiêu quân, mọi nhà máy đều đã dừng hoạt động, vì thế Quận 8 đã không còn bị bao phủ bởi đám khói đen xì dày đặc như thường ngày nữa. Tuy vậy, cảnh vật vẫn ướm lên mình một màu tăm tối, có thể vì khói đã ám vào mọi thứ quá lâu, hay cũng có thể là vì con người. Lác đác có vài người bước qua, trên mặt họ đều chỉ có một biểu tình duy nhất.

Sợ hãi.

Tôi mím môi và quay đầu đi, tôi đã có đủ sự sợ hãi cho mình rồi, cho nên tôi không muốn nhìn thấy thêm một sự sợ hãi nào nữa.

Từ nhà tôi đến nghĩa trang của Quận chỉ mất khoảng vài phút đi bộ. Ngẩng đầu lên nhìn tấm bảng đen xì vì bị khói hun, lờ mờ có thể thấy được dòng chữ "Nghĩa trang Quận 8 - Tưởng niệm công nhân nhà máy số 1", trong lòng tôi không rõ là tư vị gì. Còn nhớ tám năm trước, người dân chúng tôi đã phải đấu tranh suốt mấy tháng trời mới có được một khu nghĩa trang tưởng niệm sơ sài như thế này. Nghe nói bên Quận 12 nhiều năm trước cũng có một vụ nổ hầm mỏ, nhưng lại chẳng có được một khu tưởng niệm, tai nạn cứ thế bị lãng quên theo thời gian. Nhưng tôi dám chắc, đối với người thân của những người đã mất mà nói, cho dù dành cả cuộc đời để quên, thì nỗi đau sẽ chẳng thể nào giảm bớt.

Đạp lên thảm cỏ khô héo, tôi tiến vào bên trong nghĩa trang. Nói là nghĩa trang thì có vẻ thực to lớn, chẳng qua đây chỉ là một khu đất cao, cỏ được trồng nhân tạo, bên trong là hơn một trăm nắm mộ được đắp sơ sài. Những đụn đất cao thấp không bằng phẳng nối liền nhau, trong không khí thoang thoảng mùi tử thi gắt mũi, khiến người ta có cảm giác thật chua xót.

Bởi vì khói độc phát ra từ các nhà máy nên bên trong Quận 8 không hề có một cành cây ngọn cỏ nào cả, nghĩa trang này được xem là một chút 'xanh' duy nhất mà Quận chúng tôi có.

Tôi đi về phía mộ của ba tôi, đó là một nắm đất cao khoảng tới đầu gối, nằm chếch về bên phải của nghĩa trang, đi từ cổng vào khoảng hai mươi ba bước chân. Các ngôi mộ được sắp xếp ngẫu nhiên, không theo hàng theo lối, lại khá giống nhau nên đối với người lần đầu đến, thậm chí lần thứ hai thứ ba cũng không phân biệt được cái nào là của ai, của nhà nào. Tôi đến đây đã rất nhiều lần, nên đương nhiên là vô cùng quen thuộc. Tôi biết mộ nào là của chú hàng xóm cạnh nhà tôi trước kia, mộ nào là của bạn ba tôi, mộ nào là đồng nghiệp làm chung khu nhà máy với ba tôi.

Dừng trước mộ ba tôi, tôi ngồi bệt ngay xuống bãi cỏ. Nhìn xung quanh, không thấy ai cả, tôi cúi đầu, bứt một cọng cỏ, mân mê trong tay. Thấy cọng cỏ dưới sự tra tấn của tôi mà gãy làm đôi, bỗng khiến tôi thấy số phận mình cũng giống như một ngọn cỏ vậy. Mặc cho Capitol định đoạt và chà đạp.

Nghĩ tới đây, tôi không khỏi bật cười chua xót. Cứ vào ngày này, tôi lại cảm thấy mình trở nên đa sầu đa cảm quá thể.

Bỗng một bàn tay vỗ nhẹ vào vai khiến tôi giật mình quay ngoắt đầu lại, đập vào mắt tôi là gương mặt tươi cười của Reagan, đôi mắt xanh biếc như đại dương của chị ta nhìn thẳng vào tôi khiến tôi hoảng hốt trong chốc lát. Nghe thấy tiếng cười khẽ, tôi mới hoàn hồn, thì đã thấy chị ta ngồi ngay bên cạnh tôi, đôi chân dài bắt chéo lại, trông có vẻ nhàn nhã.

"Chào buổi sáng, Mel." Reagan hất cằm chào tôi.

Tôi vứt cọng cỏ trong tay, nhíu mày "Mellor." Tôi chỉnh lại.

Reagan là người đầu tiên và là người duy nhất gọi tôi là Mel mà không phải là Mellor hay Mellorise, dù đã nói nhiều lần nhưng chị ấy vẫn không sửa lại. Có lần chị ấy còn hỏi lại tôi "Tại sao là Mellor mà không phải là Mel? Cũng đều giống nhau thôi."

Dần dần tôi cũng bỏ cuộc không thèm giải thích cho chị ấy nữa, cứ coi như đó là biệt hiệu mà chị ấy đặt cho tôi vậy.

Mà nếu Reagan có biệt danh cho tôi thì tôi cũng nên đáp trả.

"Chào chị, Rea."

Reagan nhíu mày, tôi nhe răng cười, tâm trạng tự nhiên cũng đỡ hơn một chút.

Tôi quen Reagan vào tám năm trước, khi lần đầu đến thăm mộ ba cùng với Deekon. Tôi vốn không biết chị ấy, vì trước đó nhà tôi ở thị trấn trung tâm, còn chị ấy ở khu ngoại thành. Tuy đều nghèo, nhưng mức độ nghèo khác nhau, cho nên quan hệ giữa người với người, đặc biệt là giữa người dân sống trong thị trấn và ngoại thành luôn có một khoảng cách khó nói thành lời.

Mộ ba Reagan nằm cạnh mộ ba tôi, gặp nhau nhiều lần, cuối cùng thành quen. Và cũng chính chị ấy là người đã giúp tôi hoà nhập với cuộc sống của dân ngoại thành, vì trước đó, mọi người ở đây đều nhìn tôi bằng cặp mắt không thân thiện mấy.

Tôi lấy ra từ trong túi nửa ổ bánh mì, chầm chậm ăn. Mặc dù chẳng có mùi vị gì, nhưng tôi vẫn muốn bánh mì ở trong miệng tôi thật lâu, nhai thật chậm, để đầu lưỡi và cả khoang miệng cảm nhận thật kĩ, truyền thông tin tới bộ não, để nó biết rằng tôi đã ăn, mặc dù dạ dày không cảm thấy no nhưng vẫn là có ăn rồi.

Reagan bên cạnh tôi cũng lấy bánh mì ra, nhìn ổ bánh mì trông còn nhỏ hơn của tôi, trong khi chị ấy cao hơn tôi cả một cái đầu, khiến tôi có chút chua xót, đành cúi đầu xuống, không dám nhìn nữa.

Tôi tự hỏi, có nên chia cho chị bánh mì của tôi không. Quyết định chia, tôi đang tính xé ổ bánh mì ra thì Reagan đã cốc đầu tôi.

"Ăn hết cho chị, đã lùn tịt một mẩu mà còn kén ăn."

Tôi ngẩng đầu nhìn Reagan, đôi mắt chị ấy tràn đầy ý cười thản nhiên.

Mặc dù gặp qua không quá nhiều người, nhưng tôi nghĩ Reagan là cô gái có đôi mắt đẹp nhất trên Panem. Đôi mắt chị rất to, rất sáng, màu mắt còn xanh hơn cả đại dương, mặc dù tôi chưa nhìn thấy biển bao giờ.

Mím môi lại, chẳng biết nói gì nữa cả, tôi đành ăn hết ổ bánh mì. Ăn xong, liếc mắt nhìn chị, tôi bỗng nhớ ra một điều, kích động nắm lấy tay chị.

"Qua năm nay chị sẽ chẳng phải tham gia một ngày Chiêu quân nào nữa đâu."

Reagan phủi vụn bánh trên quần áo, thản nhiên nói "Tên chị ở trong đấy hai mươi tám lần đấy."

Tôi nuốt khan, cố gắng nâng cao giọng để làm cho giọng nói trở nên vui vẻ hơn "Nhưng có người có nhiều hơn chị mà, em nghe nói cô con gái lớn nhà Mayfield đăng kí tới tận bốn mươi hai lần đấy."

"Em đăng kí bao nhiêu lần?"

"Mười hai lần." Tôi bật thốt ra, con số ấy đã lởn vởn trong đầu tôi suốt bao ngày qua.

Reagan gật đầu, im lặng, tôi cũng im lặng ngồi đấy, phóng tầm mắt ra xa. Từ đây tôi có thể thấy một chút màu xanh của khu rừng ngay biên giới giáp giữa quận của tôi và Quận 12. Tôi chưa từng đi vào rừng, nhưng Reagan đã từng, mà còn rất nhiều lần là đằng khác. Chị ấy và anh Louden, bạn trai của chị, và cũng là hàng xóm cũ của tôi, thường thường vào rừng để đi săn, sau đó đem mấy thứ săn được đi đổi lấy vật phẩm khác.

Tôi đang nhẩm tính mất bao lâu thời gian để đi bộ tới khu rừng đó thì đã thấy Reagan đứng lên.

Chị ấy cúi đầu mỉm cười nhìn tôi "Chị về trước nhé."

Tôi gật đầu, lém lỉnh hỏi "Có phải chị tính đi gặp anh Louden không?"

Reagan cốc đầu tôi, nói một tiếng "Con nít ranh" liền nhanh nhẹn rời đi, động tác linh hoạt như một con mèo.

Sau khi chị đi, tôi vẫn ngồi ngây ngốc ngẩn người ở đó hồi lâu. Cho đến khi mặt trời đã lên cao tới gần đỉnh đầu, tôi mới uể oải đứng dậy, phủi vụn đất trên quần, rồi chậm chạp đi về nhà.

Đẩy cửa vào nhà, tôi thấy mẹ đang đứng trong bếp. Thấy tôi tiến vào, mẹ tôi cũng không ngẩng đầu lên, cứ thế tiếp tục cắt phô mai.

"Chào mẹ."

Tôi xoay người khép cửa lại, khẽ nói, rồi đi thẳng vào bên trong. Tôi ngâm mình trong thùng gỗ, chà sạch đất trên người và tóc, sau đó thay quần áo. Bộ đầm tôi mặc hôm nay là bộ đầm của mẹ tôi, có màu xám tro, cổ xếp tròn, trông hơi già so với tuổi tôi, nhưng đó là bộ đồ trang trọng duy nhất trong nhà của chúng tôi. Tôi mặc nó ngay ngày Chiêu quân đầu tiên, và ba năm sau, tôi chỉ cao hơn khoảng mười phân và còn ốm hơn, cho nên đến giờ tôi vẫn còn mặc vừa nó.

Mẹ và tôi có một bữa trưa đơn giản với vài lát bánh mì, bơ và phô mai. Bánh mì nhai trong miệng có cảm giác đắng chát, và phô mai thì có mùi khá khó chịu, nhưng tôi vẫn phải cố ăn. Tôi không muốn mình bị đói, và càng không muốn phải ngất xỉu trong buổi Chiêu quân. Vài năm trước có một cô bé, do trưa ăn ít, lại thêm trời nắng nóng, tinh thần căng thẳng mà ngất xỉu ngay tại buổi Chiêu quân, bị truyền trực tiếp trên khắp cả Panem, khiến Quận 8 trở thành trò cười cho các quận khác. Đấu trường Sinh tử năm ấy, khi tên Nhà nghề từ Quận 2 sắp giết chết Vật tế Quận 8, cũng đã mỉa mai về tai nạn đó.

Ăn xong, mẹ dọn dẹp bàn ăn, còn tôi thì đi vào trong phòng, lau khô tóc mình, sau đó búi gọn lên. Nhìn mình trong gương, khuôn mặt gầy gầy, trắng bệch và xanh xao, nhưng nhờ mái tóc đỏ nên trông cũng không khó nhìn mà càng thêm vài phần thanh tú.

Một giờ, chúng tôi đi đến trung tâm thị trấn. Nơi đó có một bãi đất trống khá to, xung quanh là những cửa hàng đẹp đẽ mà hiện giờ tôi chẳng có đủ tiền để đi vào mua bất kì thứ gì.

Mẹ tôi dừng lại ở vòng ngoài, còn tôi theo những đứa trẻ đi vào khu vực chăng dây bên trong. Xung quanh tôi, ai ai cũng đều mang gương mặt buồn bã nặng nề, im lặng đứng xếp hàng chờ kí tên. Trên cao là những máy bay cỡ nhỏ bay lượn dùng để quay phim, tiếng 'rì rì' của động cơ càng làm không khí nơi đây như bị đè nén đến không thở nổi. Những biểu ngữ được giăng đầy khắp nơi, màu sắc sặc sỡ dưới ánh mặt trời gay gắt như cái gai đâm vào mắt khiến toàn thân tôi đều có cảm giác đau đớn.

Ngày càng có nhiều người kéo tới khiến không gian thêm phần chật chội, không khí thêm phần oi bức. Tôi đứng trong nhóm dành cho những đứa con gái mười lăm tuổi, nhìn lên sân khấu trước Toà Tư pháp. Trên đó có bốn chiếc ghế, một chiếc bục và hai lồng cầu thuỷ tinh để bốc thăm, một cho con trai và một cho con gái.

Bốn người đang ngồi trên sân khấu, từ trái qua, đó là Thị trưởng Quận 8, người Chiến thắng Đấu trường thứ 19 Woof Donten, người Chiến thắng Đấu trường thứ 60 Cecelia Vellos và Giám sát viên Tessa Comfrey.

Đồng hồ điểm hai giờ, ngài Thị trưởng bước lên phía trước, đứng trên bục, hướng đôi mắt vô hồn nhìn toàn thể hàng nghìn người dân Quận 8. Như mọi lần, bằng giọng điệu bình bình nhạt nhẽo, ông bắt đầu đọc diễn văn. Ông kể về lịch sử của Panem, đất nước đứng lên từ đống đổ nát từng có tên là Bắc Mỹ. Ông liệt kê những thảm hoạ, những đợt hạn hán, bão lụt, hoả hoạn, nước biển xâm thực nhấn chìm nhiều vùng đất, những trận chiến ác liệt khiến hầu hết phương tiện sống bị tàn phá. Sau cùng Panem được sinh ra, với Capitol chói lọi được bao quanh bởi mười ba quận, bảo đảm hoà bình và thịnh vượng cho công dân của mình. Tiếp theo là Kỳ Đen tối, thời điểm các quận nổi loạn chống lại Capitol. Mười hai quận bị đánh bại, quận thứ mười ba bị xoá sổ. Hiệp ước Phản trắc mang đến những điều luật mới nhằm giữ vững hoà bình, đồng thời là lời nhắc nhở chúng tôi hàng năm rằng Kỳ Đen tối sẽ không bao giờ được lặp lại, khi đưa chúng tôi đến với Đấu trường Sinh tử*.

Luật lệ của Đấu trường Sinh tử khá dễ hiểu. Theo Hiệp ước Phản trắc, để trừng phạt việc phản loạn, mỗi Quận phải chọn ra một nam và một nữ trong độ tuổi từ 12 đến 18 tại Lễ Chiêu quân công khai, được gọi là Vật tế. Các vật tế này sẽ được đưa tới nơi giám hộ tại Capitol, rồi được chuyển tới một đấu trường ngoài trời, nơi họ sẽ đấu cho tới chết, cho tới khi chỉ còn một người chiến thắng**. Người chơi sống sót cuối cùng sẽ được hưởng cuộc sống sung túc khi trở về, và quận của họ sẽ nhận cơ man là phần thưởng, chủ yếu là thức ăn. Trong vòng một năm, Capitol sẽ trao cho quận chiến thắng ngũ cốc, dầu ăn, và thậm chí thứ đáng giá hơn như đường trong khi các quận còn lại vật lộn với đói khát*.

Hai mươi bốn đứa trẻ, hai mươi ba đứa chết và chỉ một đứa sống sót. Đấu trường sẽ được chiếu trực tiếp tại mỗi Quận, và buộc tất cả mọi người phải xem, như một cách để hành hạ và hạ nhục chúng tôi. Thậm chí ở Capitol, Đấu trường Sinh tử được tổ chức như một ngày hội để ăn uống, đàn đúm rượu chè và cá cược.

Những người dân ở Capitol, tôi không thể hiểu nổi làm sao họ có thể xem được cảnh trẻ em giết hại lẫn nhau và lấy nó làm trò tiêu khiển!?

Mỗi khi nghĩ tới điều đó, tôi đều cảm thấy giọng mình lợm đi, sự tức giận trong lòng bùng lên như một ngọn lửa.

Đã đến giờ bốc thăm, Tessa Comfrey bước lên trên bục, mái tóc màu tím than bóng loáng phản chiếu ánh mặt trời, dường như chiếu ra vô vàn kim quang lấp lánh. Bà ta hớn hở vung tay, cất lên giọng nói vui vẻ "Chào mừng đến với Đấu trường Sinh tử lần thứ 72. Và bây giờ, đã tới thời khắc chúng ta phải chọn ra một người nam và một người nữ dũng cảm được vinh dự đại diện cho Quận 8 tham gia vào Đấu trường Sinh tử thường niên lần thứ 72. Chúc cho may mắn sẽ mỉm cười với các bạn."

Tôi lạnh lùng nhìn bà ta, tôi chán ghét mọi thứ trên con người bà ta. Quần áo rối mắt nực cười, mái đầu sặc sỡ, khuôn mặt được trang điểm loè loẹt không nhìn ra dung nhan thật, giọng nói mang âm điệu nhão nhẹt của người Capitol, cùng thái độ phấn khích trước một trò chơi tàn bạo vô nhân đạo.

"Như thường lệ, phụ nữ trước!"

Bà ta đi về phía lồng cầu thuỷ tinh bên tay phải, thọc tay vào trong đó, và nhanh chóng rút ra một mảnh giấy. Tôi phảng phất như nghe đám đông đồng loạt hít vào, nín thở nhìn chằm chằm lên sân khấu. Tôi nắm thật chặt hai bên mép đầm, tiếng giày cao gót của bà ta nện trên sàn, từng đợt gõ vào tai tôi, khiến tim tôi như muốn nhảy lên cuống họng.

Có hàng nghìn mảnh giấy, nhưng chỉ có mười hai mảnh giấy viết tên Mellorise Garcy.

Xác suất không cao. Tôi thầm động viên bản thân.

Tessa Comfrey quay trở lại chiếc bục, cúi người xuống chiếc micro, mở ra tờ giấy được gấp làm bốn và dõng dạc xướng tên.

Làm ơn, làm ơn, làm ơn không phải là tôi.

Không phải là tôi.

Không phải là tôi.

Tôi cầu nguyện trong lòng, nhưng có lẽ trong lúc này, trên toàn thể Panem, mọi người cũng đang cầu nguyện như thế, cho nên lời thỉnh cầu của tôi không đến được với Đấng Trên cao.

"Mellorise Garcy."

***

*Truyện Đấu trường Sinh tử, dịch Trần Quốc Tân, nhà xuất bản Văn học

**Phim Đấu trưởng Sinh tử, bản dịch của Kites.vn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro