mùa hè cuối cùng của mầm non

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

6/2003.

Tại Khu Tập Thể Z179, ngoại ô TP Hà Nội.

Mỗi mùa hè đến là các bậc phụ huynh tại Khu Tập Thể lại được dịp đau đầu "tập thể" vì không biết quản bọn nít con như nào khi họ phải đi làm cả ngày, từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều mới về, chỉ có một tiếng nghỉ trưa ít ỏi có thể ghé qua nhà xem tình hình của con cái. Không phải nhà nào cũng gửi được con về quê nhờ ông bà trông giúp nên các bố mẹ tầng 2, tầng 3 nhà C đều nhất trí rằng cho cả nhóm mười bốn đứa nhóc vào một phòng tự chơi với nhau, nhờ ông Kim cựu chiến binh nhà 2-5 thỉnh thoảng ngó sang, khi nào đến giờ nghỉ trưa đứa nào về nhà nấy, tới buổi chiều lại túm tụm chơi với nhau. Tụi nhóc quen với việc ấy đã hai mùa hè rồi, tới mùa hè thứ ba này mấy đứa nhóc năm tuổi là Hoa, Trung với Viên đã tạm biệt trường mầm non. Và tháng Chín tới, chúng sẽ chính thức vào lớp một.

Kim Hồng Trung thở ngắn thở dài từ sáng tới giờ.

"Anh không muốn vào lớp một đâu. Vào lớp một không được chơi bắn bi, suốt ngày phải học thôi. Anh nghe anh Huân tầng trên nói rồi. Chán lắm ý!"

Phác Trí Viên cũng gật đầu phụ họa.

Ngược lại, Tống Mẫn Kì chu mỏ lên.

"Thế á? Em là em chỉ muốn nhanh chóng lên lớp một thôi. Lớp một được học đọc học viết, sẽ làm mình thông minh hơn đó!"

"Nhưng mà lớp một phải mang cặp nặng ơi là nặng, được ra chơi có xíu xiu thôi à, về nhà còn phải làm bao nhiêu bài tập nữa. Kì không biết chị Trân Suất đi học lớp một còn phải làm bài kiểm tra à? Nếu làm bài không tốt sẽ bị cô giáo phạt đó." Hữu Vinh lại dọa bạn. Thằng bé này rất thích gây sự với Mẫn Kì, hai đứa nhóc ngày nào cũng như Tom với Jerry vậy.

"Kì chẳng sợ. Kì học chăm chỉ thì làm sao bị điểm kém được chứ!" Mẫn Kì dẩu mỏ lên.

Hữu Vinh không cãi được, thằng bé hậm hực. "Ai biết được thế nào!"

Phác Thành Hoa, vẫn là đứa nhóc lớn và chín chắn nhất bọn, ngăn hai cu em lại trước khi chúng xông vào túm tóc nhau như mọi lần. "Thôi nhá. Bọn anh đi học chứ có phải hai em đi học đâu mà cãi nhau? Đứa nào không ngồi ngoan anh không cho chơi cá sấu lên bờ nữa."

Nguyên đám nhóc ở đây không đứa nào là không thích trò "cá sấu lên bờ" cả. Mà Hữu Vinh và Mẫn Kì là mê nhất trò ấy, nếu một trong hai được làm cá sấu chắc chắn sẽ chỉ nhăm nhe bắt bằng được đứa còn lại. Đây là một trong những trò phân thằng bại của hai nhóc.

Thế là Mẫn Kì và Hữu Vinh ngồi im, khoanh chân rất đàng hoàng, dù thỉnh thoảng vẫn liếc nhau tóe lửa. Làm bạn nhỏ Lã Thượng ngồi giữa phải đánh đùi mỗi bạn một phát mới yên.

Hồng Trung gật gù trước sự ngoan ngoãn tạm thời của Kì và Vinh, tiếp tục câu chuyện không muốn đi học lớp một dang dở.

"Nhưng mà ý, anh vẫn phải đi học lớp một. Để thành người lớn thì phải đi học lớp một. Anh muốn lớn nhanh thật là nhanh. Đến lúc ý, anh sẽ cao như này này." Cậu nhóc đứng dậy giữa một bầy trẻ con đang ngồi, vươn cái tay ngắn ngắn lên cao để mô tả chiều cao trong mơ của cậu.

Thôi Sơn mắt lấp lánh nhìn anh đầy ngưỡng mộ.

"Em ... em cũng muốn cao như thế!"

"Thế thì em phải đi học lớp một." Hồng Trung sau khi rướn người quá mỏi, lại ngồi xuống bên cạnh Trí Viên. "Cố lên, em học nốt năm tới là được vào lớp một rồi."

Thôi Sơn gật gù, hồn nhiên nói.

"Nếu mà em cao hơn, em sẽ che được nắng cho Ân Trí. Ân Trí sẽ không bị mẹ mắng vì đi chơi nắng đen da nữa."

Hàn Ân Trí ngồi cạnh nghe anh Sơn nói vậy thì toe toét cười.

"Hay quá! Em cũng muốn anh Sơn mau cao lên."

"Chờ anh một năm nữa thôi, anh sẽ cao liền nè." Bạn lớn Sơn dịu dàng xoa đầu bạn nhỏ Trí. Bạn Hạo lớn bên cạnh ngán ngẩm lắc đầu với sự ngọt ngào quá mức này, khéo léo đưa câu chuyện về hướng ban đầu.

"Thế ... trước khi vào lớp một anh có muốn làm gì không ạ?"

Kim Hồng Trung xoa cằm nghĩ ngợi. Có bao nhiêu thứ thằng bé muốn làm, như là được ăn thật nhiều kẹo dẻo trái cây ở tiệm tạp hóa của bác An tầng một này, như là được lội nước mưa và chơi thả thuyền giấy cả buổi, như là được mua cho chiếc máy bay đồ chơi siêu xịn ở cửa hàng đầu phố mà bố Nghi Ân bảo bao giờ đến Tết, có tiền lì xì mới mua được này. Nhiều thứ quá, nên Trung quyết định nhường người khác trả lời trước. Em quay sang bạn nhỏ Viên bên cạnh, hỏi.

"Viên muốn làm gì trước khi vào lớp một không?"

Trí Viên như chỉ chờ có thế, câu trả lời vụt ra ngay. "Viên muốn được đi biển." Đôi mắt cô bé sáng lấp lánh khi nhắc tới "biển". "Chị Hà Sáp bảo đi biển vui lắm. Đi biển có được vỏ ốc đẹp ơi là đẹp, áp vào tai còn nghe được tiếng sóng cơ."

Tụi nhỏ nhao nhao lên khi nghe Viên nói về biển như vậy.

"Em biết, em biết. Ở biển có con sóng lớn, có cây dừa và thuyền to đúng không. Hôm nọ em xem TV thấy vậy." Thế Lâm hào hứng kể.

"Em thấy năm ngoái các bác tầng bốn, tầng năm đi du lịch cùng nhau. Hay năm nay mình cũng xin bố mẹ cho đi biển với nhau đi?" Thế Hiền đề xuất, nghe rất hợp lí nhưng tỉ lệ thành công thì chưa chắc. Phác Thành Hoa vỗ tay hưởng ứng rất nhiệt tình với gợi ý này của em Hiền.

"Đi luôn ngày mai được không ạ? Em muốn tới biển lắm lắm." Di Nhân thích thú reo. Hạo bé nhìn bạn đồng niên ba tuổi ngồi cạnh vui vẻ như vậy, cũng gật gật đầu phụ họa.

"Anh cũng muốn. Thế kế hoạch là như này..." Hồng Trung nói, và mười bốn cái đầu chụm lại, thằng bé Trung cũng hạ giọng thì thầm cho đúng không khí. "Mỗi người về nhà xin bố mẹ, bằng mọi cách phải xin được để đi biển nhé. Ngày mai, giờ này, ở đây, chúng ta sẽ họp để báo cáo tình hình." Câu cuối là thằng nhóc học được trong một bộ phim xem được trên TV.

"Còn bây giờ... Giải tán!!" Sau tiếng hô của Trung, cả bọn ùa ra ngoài sân để chơi trong lúc chờ bố mẹ về.

"Không chịu đâu!! Anh đền xe cho em đi!! Huhu xe này em mới được bố mẹ mua tặng hôm qua mà!!" Dưới tán cây to rộng che ánh nắng cho cả khoảng sân chung của khu tập thể, đứng chính giữa nền bê tông ấy, bé Hứa Lưu Lâm khóc ầm lên, bên cạnh là bé Tống Mẫn Kì luống cuống không biết phải dỗ em hàng xóm thế nào.

"Chuyện gì đấy Lâm, Kì?" Không hổ là anh lớn luôn quan tâm các em, Hồng Trung đã có mặt ngay khi nghe thấy tiếng ồn ào phía bên này. Theo cạnh Hồng Trung là cô bạn nhỏ Trí Viên. Bé Lâm vừa thấy chị Viên đã chạy vội, úp mặt vào người chị, mặc kệ nước mắt nước mũi lem hết chiếc áo trắng của chị. Trí Viên dù hơn Lưu Lâm hai tuổi nhưng chẳng hiểu sao lại thấp hơn em gái hai phân, nên hình ảnh bé chị vỗ vỗ lưng bé em cao hơn trông vừa đáng yêu vừa buồn cười.

"Cái xe đạp-" Bạn nhỏ Kì chưa kịp nói thì bạn nhỏ Hữu Vinh đang chơi ô ăn quan ở phía bên kia, từ lúc nào đã chạy sang đây nói chen vào.

"Nãy Kì nó mượn xe đạp hồng của bé Lâm. Nó đi kiểu gì mà đâm vào gốc cây xong làm gãy luôn giỏ của Lâm rồi anh ạ." Hữu Vinh đúng là ngoài cái nghịch ngợm còn được cả rõ lanh chanh.

"Ai bảo không biết đi mà cứ thích thể hiện cơ?" Bé Hạo lớn cũng không bỏ lỡ cơ hội trêu chọc bạn mình. Mẫn Kì ức lắm nhưng không dám nói lại hai cái loa phát thanh kia. Không phải bé sợ mà vì mặt anh Hồng Trung đang rất không vui, và bé Lâm vẫn chưa hết khóc nên một người hiểu chuyện như bé Kì biết rằng, câu cần nói nhất bây giờ là xin lỗi.

"A-anh xin lỗi mà bé Lâm. Để anh sửa cho..."

"Anh có biết sửa đâu mà đòi?" Bé Lâm (lại) gào lên. "Em cắt xít anh luôn. Đừng hòng động vào xe của em nữa!!" Nói rồi bé kéo chị Viên ra chỗ các bạn Ân Trí với bạn Di Nhân đang chơi nhảy lò cò. Bỏ lại Mẫn Kì đứng cúi đầu hối lỗi, trước anh Hồng Trung (cũng) thấp hơn mình hai phân, chống nạnh với vẻ mặt rất nghiêm.

"Kì, em biết lỗi của em là gì chứ?"

"Dạ..."

"Lỗi của em là gì?"

"...Em làm hỏng xe đạp của bé Lâm ạ."

"Vậy em định sửa lỗi này như nào khi bé Lâm không cho em động vào xe của em ấy nữa?" Nếu chỉ nghe Hồng Trung nói câu này, chắc chẳng ai tin cậu bé mới chỉ năm tuổi, còn chưa đến tuổi đi học nữa. Thế này thì xem ra Trung có khiếu làm giáo viên lắm đây!

"Em..." Mẫn Kì vắt óc suy nghĩ xem nên làm như nào. Nếu bố mẹ em mà biết chuyện chắc em sẽ được tặng vài cán chổi mất. Mới nghĩ đến thôi mà Kì đã thấy mông sưng tấy rồi. Mẫn Kì tội nghiệp vừa ôm mông vừa rưng rưng, làm anh Trung cũng phải dịu giọng.

"Sao mà khóc? Từ từ chúng mình cũng nghĩ cách mà." Anh Hồng Trung nghiêm thì nghiêm chứ cũng sợ các em khóc lắm. Tụi Hạo lớn với Hữu Vinh biết điểm yếu này của anh nên khi nào anh dữ quá, chúng sẽ trưng nước mắt ra, thế là anh lại mềm xèo.

"Hay đem qua nhờ ông Hạo sửa?" Từ bao giờ Phác Thành Hoa đã đứng cạnh hai bạn nhỏ. Thành Hoa tự nhủ mấy đứa nhóc này rắc rối ghê, làm cậu đang chơi với bé Hiền cũng phải bỏ dở để chạy sang đây.

"Ừ sao mình không nghĩ ra nhỉ? Thế đi thôi, trước khi bố mẹ về." Hồng Trung kêu to, rồi chỉ sau một tiếng gọi, cả lũ nhóc đã tập hợp, xếp thành hai hàng ngay ngắn, với Hồng Trung và Trí Viên dẫn đầu mỗi hàng, hành quân tới tiệm sửa đồ đầu khu tập thể của ông Vũ Trí Hạo.

Tiệm của ông Hạo không to nhưng cái gì ông cũng sửa. Từ xe đạp, quạt điện tới cặp sách, đồng hồ. Ở đây còn kiêm cả dịch vụ bơm xe nữa. Ông thường đóng cửa lúc năm giờ chiều để ra sân khu tập thể chơi cờ tướng với mấy ông bạn cựu chiến binh. À, ông Hạo cũng là cựu chiến binh, nhưng ông không muốn về già buồn chán nên vẫn mở tiệm để làm chút việc lặt vặt cho vui ngày.

Mấy đứa nhóc đến khi ông chuẩn bị đóng cửa. Thấy hai hàng lính loắt choắt xuất hiện, ông vui lắm. Tụi nhỏ này ngoan mà vui cực kì. À, trừ thằng cu Hạo lớn và Vinh - hai thằng nít quỷ lắm mồm, hay táy máy nhất bọn.

"Chúng cháu chào ông ạ!" Chẳng cần đếm nhịp, cả bọn đồng thanh hô rõ to.

Ông Hạo cười khà khà. "Nay mấy đứa không chơi ở sân mà lại ra đây à?"

"Dạ, chúng cháu muốn nhờ ông sửa cái này ạ." Giờ ông Hạo mới để ý phía cuối hàng, nhóc Thượng, nhóc Sơn với nhóc Kì đang khệ nệ bê chiếc xe đạp màu hồng mới tinh. Mỗi tội, chiếc giỏ hồng của xe bị bung hẳn ốc và vẹo sang một bên. May mắn là giỏ chưa bị méo.

"Ái chà," ông Hạo đẩy gọng kính lão. "Xe của ai mà đẹp thế nhỉ?"

"Dạ bố mẹ cháu mua tặng cháu dịp Tết thiếu nhi đấy ạ." Lưu Lâm trả lời rành rành. Nhưng nhắc tới lý do chiếc xe có hình ảnh như bây giờ làm bé lại mếu máo. "Nhưng anh Kì làm hỏng mất xe cháu rồi ông ơi. Huhu..."

"Nào, không khóc nữa." Lần này là chị Hiền dỗ bé.

"Haha không sao không sao. Để ông sửa. Thế mấy đứa có gì trả cho ông không nào?" Ông Hạo lấy đồ nghề ra, miệng hỏi vui vậy thôi chứ tay đã bắt đầu sửa xe rồi.

"Ơ, bọn cháu quên mang mất rồi..." Khi bé Di Nhân đang ngơ ngác nói vậy thì bé Thượng đã nhanh nhảu giơ ra một viên kẹo gừng.

"Ông ơi bọn cháu có cái này. Ông ăn cho khỏe ông nhé!" Màn ứng biến nhanh như chớp (nhí) của anh Lã Thượng làm bé Thế Lâm trầm trồ không ngớt. Nhưng mà Lâm đâu biết, Thượng nó không thích ăn đồ cay nên cho ông luôn cái kẹo gừng chả biết có từ trong túi quần thằng bé từ bao giờ.

"Ừ ông xin. Ông cảm ơn nhé!" Ông Hạo cười. Có lũ trẻ con như này ở cạnh vào độ tuổi xế chiều đúng là không còn gì bằng. "Mấy đứa chờ tí. Ông sắp sửa xong rồi."

"Ông ơi ông ngồi quạt mát nè ông!" Bạn nhỏ Sơn rất khéo, nhanh tay quay chiếc quạt điện hướng về phía ông.

"Ông ơi ông uống nước ạ!" Thêm cả bạn nhỏ Ân Trí đã rót cho ông một cốc nước chè từ bao giờ, để ngay bên tay phải ông.

"Sơn với Trí ngoan quá, ông cảm ơn nhé!" Hai bạn nhỏ được khen, cười tít cả mắt.

"Ông ơi cái đồng hồ này không chạy được hở ông? Cháu thử vặn nó ông nhá?" Hữu Vinh (như mọi lần) đã chạy vào trong tiệm, săm soi từng món đồ một.

"Vinh, không được nghịch! Ra đây ngay!" Anh Trung quát. Thế là thằng bé sợ phép một, lủi thủi đi ra nhưng miệng vẫn lẩm bẩm.

"Em chỉ muốn xem cái đồng hồ thôi mà..."

"Muốn cũng không được tự tiện như thế." Lần này là anh Hoa dạy bảo bé.

"Vâng..." Vinh gật đầu tỏ vẻ biết rồi, nhưng trông vẫn không phục lắm.

"Xong rồi đây. Mấy đứa đi cẩn thận nhé, làm hỏng nữa là ông không sửa miễn phí cho đâu." Ông Hạo đưa chiếc xe đạp mới đẹp như lúc mới được mua về cho tụi nhỏ xem. Khuôn mặt ỉu xìu của bé Lưu Lâm rạng rỡ ngay trong tức khắc. Bé rối rít cảm ơn ông.

"Cháu cảm ơn ông nhiều ạ!"

Tiếp đó là rối rít tiếng suýt soa từ lũ nhóc còn lại.

"Uồi ông là siêu nhân hay sao mà sửa giỏi thế ạ?" Hạo lớn mắt sáng bừng.

"Siêu quá đi. Sau này cháu cũng muốn sửa đồ giỏi như ông!" Vinh đã hết phụng phịu, thằng nhỏ nói rõ to. Trong trí tưởng tượng của thằng nhỏ, việc có rất nhiều đồ và có thể hô biến chúng từ hỏng thành dùng được thật là thần kì và ngầu.

"Haha phải ước thành bác sĩ hay bộ đội chứ. Sao lại ước sửa đồ giỏi như ông?" Ông Hạo xoa mái đầu mềm như tơ của Vinh, cười nói.

"Bác sĩ với bộ đội nghe không ngầu gì cả. Ông ngầu hơn ạ!" Câu nói ngây thơ của đứa nhóc khiến ông ngả đầu cười lớn.

Lã Thượng thì chỉ chú ý đến hai từ "miễn phí" mà ông nói.

"Vậy lần sau tụi cháu tặng ông ba cái kẹo được không ạ?"

"Ừ được." Ông cười. Thằng ranh khôn đấy chứ, tặng ông nhiều hơn hẳn hai cái.

"Chúng cháu cảm ơn ông, chúng cháu chào ông ạ!" Tụi nhỏ lại xếp thành hai hàng, đồng thanh.

"Ừ! Đi cẩn thận nhé!" Ông vẫy tay với chúng và được những bàn tay bé bé vẫy lại.

"Cháu cảm ơn ông ạ!" Mẫn Kì vẫn cố ngoái lại, nói thật to. May quá đi, vậy là cậu bé sẽ không bị ăn đòn, mà bé Lưu Lâm lại vui rồi.

Ơ, thế thì bé Lưu Lâm có hủy cắt xít với Kì không nhỉ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro