Chương 94: Còn sống

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đèn lồng ảm đạm chiếu vào trong Càn Thanh cung vắng vẻ quạnh quẽ, cũng chiếu lên khuôn mặt người trên ngự tọa chạm khắc mạ vàng chính giữa đại điện.

"Báo mộng cho ngươi?"

Câu hỏi của người trên ngự tọa không rõ mừng giận, Tấn Nghiêu cố nén hoảng sợ đứng trước mặt hắn, ra sức nhịn xuống kích động muốn lui về phía sau, răng đánh cầm cập: "Vâng, mẫu thân báo mộng nói cho nhi thần, người... người nói nhớ nhi thần, cũng... cũng nhớ phụ hoàng..."

Chưa nói hết, sắc mặt người trên ngự tọa đã có phần dữ tợn, gân xanh trên trán căng lên, Tấn Nghiêu nhìn thấy hãi hùng khiếp vía.

"Mẫu thân còn dẫn nhi thần đến chỗ ở hiện giờ của người, không giống như cung điện chúng ta, mà là nhà tranh xung quanh trồng rất nhiều trúc, trong sân còn nuôi vài con gà và vịt." Dù sợ hãi, Tấn Nghiêu cũng chỉ có thể tiếp tục kiên trì, dùng giọng điệu ngây thơ vô tri của trẻ con nói tiếp: "Mẫu thân mặc y phục vải thô, còn đeo giỏ dẫn nhi thần lên núi, nhi thần hỏi người lên núi làm gì, người liền nói muốn đi hái thuốc chữa bệnh cho người ta. Người còn nói may nhờ biết hái thuốc, xem bệnh mới duy trì được kế sinh nhai, nếu không... năm đó... năm đó sau khi rời Kinh thành, đã sớm không còn đường sống, cũng không chờ được Xuân Hạnh đến tìm người."    

Tấn Nghiêu có thể cảm nhận rõ ràng, khi cậu ta thổ lộ ra chút tin tức này, bầu không khí trong điện càng thêm tĩnh mịch, ánh mắt phụ hoàng phía đối diện đặt trên người cậu ta như dao cạo.

"Ai dạy ngươi những lời này?"

Tấn Nghiêu cắn chặt răng lắc đầu: "Không có người dạy, là nhi thần mơ thấy mẫu thân, mẫu thân chính miệng nói cho nhi thần."

Người đối diện lạnh lùng nhìn cậu ta: "Làm sao ngươi biết người đó là mẫu thân ngươi? Lúc trước ngươi cũng chưa từng gặp."

Tấn Nghiêu giật thót một cái, nhưng vẫn cố trấn tĩnh trả lời: "Người nói người là mẫu thân nhi thần, chắc là... chắc là sẽ không lừa gạt nhi thần đâu. Huống hồ đôi mắt nhi thần cực kỳ giống người..." Nói đến đây, giọng nói của cậu ta hạ xuống mang theo chút run run, ngay sau đó cậu ta ý thức được không ổn, vội giả vờ ngây thơ nói tiếp: "Chỉ là trên mặt mẫu thân bôi nước thuốc vừa đen vừa vàng, nhi thần cũng không nhìn ra những chỗ khác có giống mẫu thân hay không."

Người trên ngự tọa hô hấp thô nặng, hắn quát lớn ra ngoài điện: "Điền Hỉ!"

Điền Hỉ chờ ngoài điện bất thình lình nghe thấy Thánh thượng gầm thét, sợ đến  mức gần như vừa lăn vừa bò vào trong điện, cúi rạp trước ngự tọa.

"Điền Hỉ, là ngươi dạy Thái tử những lời này?" Ánh mắt của hắn mang theo sắc bén, đe dọa Điền Hỉ: "Bây giờ nhận tội còn chưa muộn!"

Điền Hỉ hô to oan uổng, chỉ lên trời thề: "Thánh thượng biết nô tài mà, dù nô tài có một vạn cái gan chó, nô tài cũng tuyệt đối không dám xúi giục chủ tử chuyện đại nghịch bất đạo như vậy! Nếu nô tài dám nói láo một chữ, vậy thì nô tài sẽ bị trời đánh nghiệp quật, chết không có chỗ chôn."

"Ngươi có từng nhắc tới Xuân Hạnh với Thái tử không? Có từng nhắc mẫu thân nó học y thuật, biết chế thuốc và những nước thuốc bát nháo kia không?"

Điền Hỉ dập đầu cộc cộc: "Nô tài thề, tuyệt đối chưa từng đề cập với Thái tử điện hạ nửa chữ!"

Trong điện yên lặng một lát, sau đó Điền Hỉ mới nghe thấy Thánh thượng đè nén cảm xúc, tra hỏi: "Ngày đó lúc thành phá, ngươi có từng thấy thi thể Xuân Hạnh không?"

Trên đường đến Càn Thanh cung, Điền Hỉ đã nghĩ tới vấn đề này, nghe vậy quả quyết khẳng định chưa từng thấy.

Lúc ấy trong những người làm tuẫn quốc của Phù gia, quả thực chưa từng nhìn thấy thi thể Xuân Hạnh. Nhưng mà khi đó thành phá, trên chủ tử gia dưới nô tài như hắn đều rối ren, ai lại đi chú ý hướng đi của một tiểu nô tỳ? Huống hồ lúc ấy Lâm lương đệ đã bị bắt, tiểu nô tỳ bên cạnh nàng sống hay chết thì càng không ai chú ý.

Người trên ngự tọa bóp mạnh trán, sau đó chợt nhìn về phía Tấn Nghiêu.

"Trong mộng ngươi có hỏi cụ thể chỗ nàng ở bây giờ là nơi nào không?"

Tấn Nghiêu cảm thấy bị ánh mắt kia nhìn chằm chằm đến rùng mình, gật đầu lia lịa: "Có... có hỏi! Mẫu thân nói là... đất Thục."

Người đối diện bỗng đứng dậy: "Thành nào đất Thục?"

"Hình như là... nơi phồn hoa nhất."

Thục... đô.

Gió lạnh ngoài điện thổi vào, thổi tung màn che vàng sáng treo nửa trên đỉnh, bay phấp phới phát ra tiếng lật phật.

Đế vương nhắm mắt đứng dưới đỉnh điện trang trí bàn long ngậm châu, bàn tay nắm chặt tay vịn ngự tọa, cả người căng cứng lại run lên.

Thục đô... A Uyển!

***

Ngày đó sau khi đám người Lâm Uyển đặt chân vào đất Thục cũng thương lượng mấy hồi về việc định cư ở nơi nào. Còn thành trấn bọn Xuân Hạnh đặt chân đến trước đó thì bọn họ không suy tính tới. Trước đó lúc bọn họ đi Kim Lăng đã bán toàn bộ gia sản để góp đủ tiền, nhà không còn nữa, trở về cũng không có ý nghĩa gì, thậm chí lại phải giải thích lai lịch của Lâm Uyển sẽ có nhiều bất tiện.

Hơn nữa, ân sư Phùng Xuân cũng ở đó, một khi trở về chắc chắn sẽ sát sao việc học của Phùng Xuân, nhất là Thẩm phu tử còn thường liên lạc với ân sư cậu, nếu biết được Phùng Xuân chưa từng đi theo con đường khoa cử mà bọn họ mong chờ, vậy họ phải giải thích thế nào?

Để ngăn ngừa những phiền toái này, bọn họ dứt khoát chọn chỗ khác định cư.

Bọn họ không cân nhắc đến thành trấn lạc hậu và vắng vẻ, chỉ sợ cường độ quản lý của quan phủ không đủ, trị an không tốt, cướp bóc hoành hành. Cho nên bọn họ nghĩ đi nghĩ lại vẫn lựa chọn Thục đô phồn hoa. Bọn họ sẽ không ở trong nội thành quá gần quan phủ nha môn, bèn nhờ lái buôn trong thành tìm cho bọn họ một nhà tranh rừng trúc ngoài thành để mua lại, rồi tốn chút thời gian gia cố sửa sang một phen, trồng nhiều trúc, rau quả, trái cây, nuôi chút gà vịt quanh sân trước sân sau, từ nay ở lại chỗ này.

Đất bọn họ ở ngay tại biên giới ngoại thành, sau nhà là một ngọn núi, như vậy thuận tiện cho Lâm Uyển lên núi hái thuốc.

Bách tính ở dưới chân núi không nhiều, nhưng cũng không tính là ít, khoảng chừng mười mấy hộ dân. Lúc đám người Lâm Uyển mới tới, dân bản địa nơi này còn có phần nào cảnh giác với bọn họ, có những gia đình còn không thân thiện với họ. Nhưng mà đám Lâm Uyển cũng không để bụng, dẫu sao bọn họ là người bên ngoài tới, người ta không hiểu rõ bọn họ, bởi vậy sinh ra ác cảm cũng là đương nhiên.

Giống như bọn họ dự đoán, ở chung lâu ngày, ác cảm của người nơi này đối với bọn họ dần dần phai nhạt. Nhất là ở thời đại tất cả ngành nghề đều thấp kém chỉ có đọc sách mới là cao quý này, thấy nhà Lâm Uyển có một nho sinh học thức tốt, người trong thôn xóm cũng coi trọng mấy phần, vô hình trung xóa bỏ rất nhiều ác cảm.  

Đến sau khi Lâm Uyển hỗ trợ phụ nhân trong thôn đỡ đẻ mấy lần, người trong thôn càng thêm thân cận hòa nhã với bọn họ, tạo dựng quan hệ hòa hợp cũng dễ dàng hơn.

Thoáng cái đã hơn nửa năm trôi qua, cuộc sống ở đất Thục của bọn họ dần dần đi vào quỹ đạo.

Học viện mà Phùng Xuân theo học cũng đã liên hệ xong từ mấy tháng trước, tọa lạc trong nội thành, cách nơi ở của bọn họ hơi xa một chút. Vì thế bọn họ mua một con bò, phía sau ghép thêm tấm ván làm thành xe bò, mỗi ngày Phùng Xuân đi học tan học được Thuận Tử đánh xe bò đưa đi. Nếu trong nhà có đồ cần bổ sung thì hôm đó Lâm Uyển và Xuân Hạnh cũng sẽ ngồi xe bò, cùng nhau vào thành đến cửa hàng hoặc hiệu buôn mua một chút rồi về.

Mà thường ngày Lâm Uyển lại cùng Xuân Hạnh ở nhà nuôi gà vịt, chăm sóc trái cây rau quả trong sân. Ngoài ra còn lên núi hái thuốc, bào chế dược liệu, ghi chép một số tâm đắc tương quan.

Nàng vốn cho rằng nếu người trong thôn biết được nàng biết bốc thuốc hiểu chút y thuật, chắc chắn sẽ như những hàng xóm ở Kim Lăng, có đau đầu nhức óc sẽ tới tìm nàng xem. Ai ngờ ở đây hơn nửa năm, người tìm nàng xem bệnh lác đác không có mấy, ngược lại người tìm nàng đỡ đẻ càng thêm nhiều.

Nhất là từ tháng trước sau khi nàng cứu sống một phụ nhân hậu sản xuất huyết nhiều từ Quỷ Môn Quan về thì không chỉ là người trong thôn này, mà làng trên xóm dưới đều có người lặn lội đến nhờ cậy nàng, mời nàng qua hỗ trợ đỡ đẻ.

Bây giờ, người ngoài gặp nàng không còn gọi Mộc nương tử nữa, mà là bà đỡ Mộc.

Còn nhớ lần đầu tiên nghe có người gọi nàng như vậy trước mặt, Xuân Hạnh bên cạnh như bị sét đánh, choáng váng không nhẹ.

"Gọi một tiếng Mộc đại phu thì làm sao, không phải không đảm đương nổi danh xưng này." Cho đến hiện tại, Xuân Hạnh vẫn bất mãn với xưng hô bà đỡ, thỉnh thoảng lầm bầm bên cạnh nàng.

Lâm Uyển vừa xách ấm tưới nước cho cây cam trồng trong sân, vừa cười nói: "Bà đỡ thì bà đỡ đi, xưng hô thôi mà, so đo những cái đó làm gì. Vả lại, đỡ đẻ cho người ta không phải chính là công việc bà đỡ sao?"

Mặc dù mới đầu đột nhiên bị người ta gọi một tiếng "bà đỡ", nàng cũng rất khó chịu, nhưng nghe quen rồi cũng không thấy làm sao cả.

Cũng chính là bác sĩ khoa phụ sản thôi, đổi cái tên thôi mà.

Xuân Hạnh còn muốn nói gì nữa, nhưng đến khi ngẩng đầu thấy cô nương nhà bọn họ xách theo ấm nước, thanh thản tự tại tưới nước cho cây ăn quả, lời đến khóe miệng rồi lại nuốt xuống.

Nàng ấy vốn muốn nói xưng hô bà đỡ không hay ho, dù sao bà đỡ là nghề thấp kém, nàng ấy còn muốn khuyên cô nương về sau đừng giúp người ta đỡ đẻ nữa. Nhưng lúc này thấy nụ cười của cô nương bọn họ phát ra từ nội tâm, nhẹ nhõm và tự tại, hiển nhiên là rất thích cuộc sống bây giờ, nàng ấy lại đột nhiên cảm thấy quan tâm gì nghề thấp nghề cao, cô nương thích là được.

Nghĩ thông suốt những điều này, Xuân Hạnh cũng thoải mái, cầm cái xẻng trên đất khom người giúp xới đất cho cây ăn quả.

"Trông cành của cây ăn quả này mới to bằng nửa cánh tay, không biết bao lâu mới được ăn quả của nó."

Lâm Uyển đưa tay sờ lá cây xanh biếc, nói: "Chắc ít cũng phải ba năm. Không vội, để nó từ từ lớn, rồi sẽ có lúc được ăn quả."

Xuân Hạnh gật đầu: "Cũng phải, chúng ta sống ở đây lâu mà."

Đợi xử lý xong cây ăn quả, Lâm Uyển hái vài phiến lá cây xanh biếc đặt trong lòng bàn tay, ra hiệu cho Xuân Hạnh nhìn: "Mặc dù bây giờ chưa ăn được cam ngọt, nhưng có thể uống một chén nước lá cam, thanh nhiệt giải khát."

"Cô nương hái thêm vài lần nữa thì nó thành trụi mất."

"Không trụi được."

Hai người cười cười nói nói đi vào phòng.

Khí hậu mùa hạ ở đất Thục nóng bức, nhưng khi mặt trời xuống núi nhiệt độ sẽ hạ xuống, thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thổi từ rừng núi tới, mang theo không khí mát mẻ.

Sắc trời dần dần tối, những người nông dân cày cấy trên đồng ruộng cũng tốp năm tốp ba trở về, khói bếp dần dần lượn lờ bốc lên từ các mái nhà.

Người đàn ông vác cuốc về nhà có trực giác nhạy cảm, trên đường đi không nhịn được liên tục quay đầu nhìn, lại ngờ vực nhìn đồng ruộng núi rừng yên tĩnh xung quanh, luôn cảm thấy có chỗ nào không đúng.

Không thể nói được không đúng chỗ nào, bèn cũng gãi gãi đầu không nghĩ thêm nữa. Sau một ngày làm việc đồng áng, thể xác và tinh thần đều mệt mỏi, vẫn là mau về nhà ăn cơm nghỉ ngơi thôi.

Lúc này, trên con đường duy nhất thông tới nơi đây, tiếng vó ngựa ầm ầm không dứt, mạnh mẽ như sấm rền, điên cuồng lao nhanh về phía nơi thôn xóm.

Giờ đây, hai người Lâm Uyển và Xuân Hạnh đang hấp bánh bao trước bếp lò, không bao giờ tưởng tượng được rằng một cơn gió táp mưa sa sắp ập đến với họ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro