Chương 51: ' Tĩnh dạ tứ '

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hình ảnh vô cùng sống động, dồi dào ý cảnh, mà quan trọng hơn là... Khi hàng chữ này được đề lên bên cạnh, ý cảnh của cả bức vẽ đều dâng trào.

Đường Thời đã nghe nói tới câu chuyện thú vị về Tề Bạch Thạch và Lão Xá, kể rằng Lão Xá ngỏ ý muốn Tề Bạch Thạch vẽ cho mình một bức tranh từ câu thơ "Oa thanh thập lý xuất sơn tuyền". Tề Bạch Thạch trở về trầm tư suy nghĩ, dòng suối không phải là vấn đề, nhưng tiếng ếch kêu thì phải vẽ thế nào? Âm thanh là thứ không thể diễn tả được bằng hình ảnh, vấn đề này quả thực làm khó Tề Bạch Thạch. Cuối cùng sau ba ngày suy tư, Tề Bạch Thạch đã nảy ra một ý tưởng tuyệt diệu — trên suối vẽ năm sáu con nòng nọc bơi theo dòng nước, qua đó biểu hiện chữ "xuất", mà "oa thanh" (tiếng ếch kêu) thì để cho người xem tự tưởng tượng.

Chỉ trong thời gian ngắn, sự dung hoà hoàn mỹ giữa câu thơ và tranh vẽ đã được truyền lưu thành giai thoại.

Nhưng đến khi con cháu của Tề Bạch Thạch sắp xếp lại di vật của ông mới biết, thực ra ngay từ đầu Lão Xá đã mô tả cách vẽ bức tranh này cho Tề Bạch Thạch.

Đường Thời nghĩ đến đây thì cười khẽ, cánh tay vốn định đặt bút xuống lại nâng lên, viết ra năm chữ "Tề Bạch Thạch Lão Xá" ở một góc tranh. Nhưng thấy Tô Hàng Đạo đang đứng phía trên, y lại dùng bút tô đè lên năm chữ này rồi vẽ lại thành hình núi đá.

Hai vị đại sư này quả là tri kỷ, chỉ một bức hoạ cũng có thể lưu truyền vô số giai thoại phong nhã.

Cuối cùng bức tranh này của Đường Thời cũng qua cửa. Thứ đẹp nhất trong "Oa thanh thập lý xuất sơn tuyền" chính là ý cảnh, chỉ bằng lối suy nghĩ tinh tế này, Đường Thời đã tiến vào hàng ngũ Mặc sư nhị phẩm dễ như trở bàn tay.

Mọi người sau khi nhìn bức hoạ đều không biết phải nói gì, chỉ quay đầu lại nói với Đường Thời: "Nhóc con giỏi lắm". Bức tranh này, quả là tuyệt vời.

Trong mắt các trưởng bối thì đây chính là thiên phú, nhưng bản thân Đường Thời lại thấy chẳng qua là mình đột nhiên lĩnh ngộ được vài thứ mà thôi, chung quy y vẫn là người tự biết mình là ai.

Cuối cùng Đường Thời vẫn được trao danh hiệu Mặc sư nhị phẩm, số quân cờ đen trên lệnh bài thân phận của y cũng trở thành hai quân.

Sau khi thi xong, mọi người hẹn nhau cùng đến sau núi uống rượu ăn mừng, nhưng Đường Thời lại có chút rầu rĩ không vui.

Y mang theo hơi rượu đạp ánh trăng trở về, nhưng đến khi đi qua quảng trường nhỏ trước vách Nghiên thì dừng lại.

Đường Thời như bị ma xui quỷ khiến mà đi tới, cầm lấy một cây bút đá đặt bên dưới, sau đó liền bắt đầu luyện tập.

Lần trước y phải dừng bước trước tầng thứ tám, không biết lần này có thể đi đến tầng mấy đây?

Mấy người đi sau thấy Đường Thời đang nỗ lực luyện tập trên vách Nghiên, đều không nhịn được mà cảm thán, "Thật là một tiểu sư đệ chăm chỉ."

Thực ra chẳng qua là y nhàn rỗi không có gì làm mà thôi. Lần này y không cố dùng sức mạnh đàn áp mà vẽ dựa theo mục đích thiết lập của từng tầng. Chẳng bao lâu đã tới tầng bảy, dựa vào lĩnh ngộ của bản thân lần trước, y giải quyết tranh vẽ và hoa văn trên đó rất nhanh, ngay sau đó là tầng thứ tám.

Vừa lên tới tầng tám, Đường Thời đã cảm thấy mình như sa vào bùn lầy, cây bút không thể nhúc nhích, mà trước mắt là một mảng hỗn độn, tất cả hoa văn dường như đều đang xao động, suýt nữa đã khiến y hôn mê.

Đột nhiên tiếng nói của Ân Khương vang lên cực rõ ràng trong đầu y: "Nhắm mắt lại, nhìn bằng linh thức của ngươi đi. Vạn pháp trên thế gian đều hướng về đại đạo, đối với ngươi mà nói, tu luyện quyển trục cũng chính là tu luyện tinh thần lực của bản thân."

Đường Thời làm theo, đôi mắt vừa nhắm lại, cảm giác choáng váng lập tức biến mất. Cuối cùng đã có thể đứng vững vàng, y dẫn linh thức ra thăm dò, liền thấy có một luồng sáng nhỏ bé chuyển động qua lại trước mặt, tựa như một chú cá nhỏ hoạt bát, khiến người ta không nhịn được mà muốn vươn tay bắt lại.

Y nâng bút khều lấy luồng sáng này, sau đó duỗi tay ra, tựa như nhúng bút vào trong nước rồi chậm rãi khuấy đảo, từ chậm đến nhanh, cuối cùng làm linh lực ẩn giấu trong vách Nghiên cuộn lên thành gió lốc! Mà Đường Thời đứng ngay trung tâm của cơn lốc này lại không chút sứt mẻ.

Trong tâm bão luôn đặc biệt an toàn.

Nhưng người ngoài nhìn vào lại không thấy thế, động tĩnh Đường Thời gây ra quả thực không nhỏ, linh lực trên cả vách núi cao mấy chục trượng này đều bị Đường Thời khuấy động, tựa như vòi rồng nổi lên trên biển lớn, mà mục đích của Đường Thời — chính là tâm bão ở giữa.

Nếu so sánh linh lực với một hồ nước, vậy mục đích của Đường Thời chỉ là muốn tìm một vị trí trong đó để viết tên mình xuống mà thôi.

Bởi vì lúc này là buổi tối nên linh lực bắt đầu toả sáng lấp lánh, làm mọi người ở tiền sơn cũng chú ý tới sự dao động to lớn của linh lực.

Chưởng môn và hai vị chưởng lão đang nghị sự, cảm giác được động tĩnh này liền đi ra ngoài xem xét tình huống, bởi vậy mà thấy được một đệ tử ngoại môn đứng trên tầng thứ tám, một cái phất tay đã khuấy động linh khí vô biên. Cả người hắn bị bao phủ trong linh khí hỗn loạn đến cuồng bạo, chỉ nhìn thôi đã khiến người ta chấn động tâm thần.

"Người này..." Tô Hàng Đạo tựa như muốn nói gì đó, nhưng lại dừng lời.

Trưởng lão Chu Mạc Vấn đứng bên cạnh ông lại cười một tiếng, "Có sự quyết đoán dám tìm đường sống trong chỗ chết*."

*Nguyên văn là "hiểm trung thủ thắng", tức là tìm cơ hội chiến thắng trong hiểm cảnh

Ba người họ vốn đều đánh giá cao Đường Thời, giờ lại thấy y vừa vượt qua bài kiểm tra Mặc sư nhị phẩm đã tới đây luyện tập, lại càng cảm thấy y có nghị lực, cho rằng dù thiên phú của y không phải cao nhất thì chí ít cũng có thể thành tài.

Yến Hồi Thanh thì càng không cần phải nói, ông đã sớm kết thân với Đường Thời, giờ thấy tiểu tử này nỗ lực như vậy lại càng cao hứng.

Bên dưới có không ít người đang nhìn, Tô Hàng Đạo thấy thế liền cất cao giọng nói: "Túm tụm lại nhìn cái gì? Tiểu sư đệ mới nhập môn còn nỗ lực hơn các ngươi, mà các ngươi còn không biết mình phải làm gì sao?"

Những lời này không phải ông lạnh lùng nói, mà là vừa cười vừa nói, thái độ như thế khiến câu nói của ông có ý nghĩa khác hoàn toàn.

Các đệ tử cuối cùng cũng bị kích thích.

Thành tích Đường Thời đạt được sau khi nhập môn rành rành ra đó, tất nhiên có nguyên nhân là bởi thiên phú của y, nhưng quá nửa đêm còn tới sau núi luyện tập, điều này còn có thể giải thích bởi thiên phú ư? Thiên phú đã cao còn chăm chỉ luyện tập, bọn họ thiên phú đã không bằng Đường Thời mà lại còn nhàn tản thì chẳng phải xấu hổ lắm sao?

Đức tin của Đường Thời là — thiên phú cao càng phải cố gắng.

Giờ phút này y còn chưa biết mình đã bị chưởng môn Tô Hàng Đạo dựng thành tấm gương cho thế hệ mới của Tẩy Mặc các, mà vẫn đang nhắm hai mắt, cảm nhận khoảng lặng giữa lốc xoáy linh lực đang càng lúc càng lớn.

Toàn bộ vách Nghiên đã biến thành một lốc xoáy khổng lồ, linh khí xung quanh theo sự khuấy động của Đường Thời mà càng lúc càng đậm đặc, linh lực ở giữa cũng theo đó mà bị hút sang một bên, bởi vậy chẳng mấy chốc đã tạo thành một khoảng trống ở trung tâm.

Ngay giây phút đó, Đường Thời ra tay nhanh như chớp, quẹt một nét bút ngay chính giữa lốc xoáy, khắc cực sâu!

"Xoẹt" một tiếng, trong khoảnh khắc Đường Thời vạch xuống nét bút này, linh khí tán loạn xung quanh đều bị vết khắc của hắn hút vào như cá voi hút nước! Bởi thế, phong vân đều lắng xuống, ồn ào náo động cũng trở về với tĩnh lặng. Đường Thời chậm rãi mở mắt ra, chỉ cảm thấy cánh tay đã vô lực, linh lực trong cơ thể đều bị rút cạn, hắn ngã thẳng từ trên cao xuống, tựa như một tảng đá bị thả rơi.

Bất chợt có một đoá mẫu đơn diễm lệ nở rộ giữa không trung, trải ra vô số tia sáng đỡ lấy Đường Thời, nâng y lơ lửng trên không.

Đường Thời vốn tưởng rằng mình sẽ bị thương gân động cốt ít nhất một trăm ngày, nào ngờ giữa chừng đột nhiên xuất hiện một màn giải cứu hoa lệ như vậy.

Y ngẩn cả ra, mà đám người vây xem xung quanh lại đều nở nụ cười.

"Hoa mẫu đơn của tứ sư huynh vẫn mỹ lệ như vậy nha."

"Nhìn xem, quả là quốc sắc thiên hương."

"Ây da, xấu hổ quá."

"Muốn được tứ sư huynh vẽ tặng cho một đoá mẫu đơn quá, ngượng ghê..."

"Ha ha ha... Tứ sư huynh đột nhiên ra tay như vậy, tiểu sư đệ sẽ không bị doạ chết khiếp chứ?"

"Tiểu sư đệ là dùng để yêu thương, cái tên cựu cựu cựu cựu tiểu sư đệ nhà ngươi đừng có nói lung tung."

...

Đường Thời còn đang không hiểu mô tê gì, đoá mẫu đơn đẹp đến kinh người này đã chậm rãi hạ xuống, rồi cuối cùng tan biến, mà Đường Thời cũng vững vàng tiếp đất.

Y quay đầu lại, thấy ánh mắt mọi người đều đang hướng lên trên núi, bởi thế tầm mắt hắn di chuyển theo, liền thấy đứng ở nơi không xa lắm là một... thiếu niên. Nhìn y có vẻ còn rất trẻ, mặc một thân bạch y, trên áo choàng vẽ tranh mẫu đơn phú quý vô cùng diễm lệ.

Nhưng đối mặt với ánh mắt nồng cháy của mọi người, y lại ngượng ngùng đỏ cả mặt, sau đó liền xoay người định đi. Đám người nhị sư tỷ Tống Kỳ Hân đứng sau y lập tức cười ha hả, Bạch Ngọc bước tới khoác vai Âu Dương Tuấn, đùa giỡn: "Tứ sư đệ lại thẹn thùng rồi. Cứu người là việc tốt, hoa mẫu đơn của ngươi cũng rất đẹp, có gì mà phải ngượng?"

"Tam sư huynh... Ngươi..." Âu Dương Tuấn xếp hàng thứ tư trong nhóm đệ tử nội môn, là người hướng nội lại dễ ngượng, thường ngày cũng không nói nhiều, giờ lại bị Bạch Ngọc trêu nên rất xấu hổ.

Tống Kỳ Hân đi đến đập một phát vào bả vai Bạch Ngọc, hừ một tiếng: "Ai cho ngươi trêu tứ sư đệ? Bỏ ngay móng vuốt của ngươi ra!"

Bạch Ngọc liền trở tay cầm tay Tống Kỳ Hân, thậm chí còn dùng sức sờ soạng vài cái, "Ây da, không thể trêu tứ sư đệ dễ thẹn, vậy thì đành phải trêu nhị sư tỷ lạnh như băng một chút..."

Tống Kỳ Hân thẳng chân đá văng cái tên Bạch Ngọc cợt nhả* này đi, " Đăng đồ tử!"

*Cợt nhả: nguyên văn là "không có chính hình nhi". 'Chình hình nhi' là phương ngôn miền Bắc Trung Quốc, mô tả dáng vẻ nghiêm chỉnh, hành vi trang trọng. 'Không có chính hình nhi' là từ mang hàm ý vui đùa chỉ tác phong không nghiêm túc.

Bạch Ngọc còn định xán lại tiếp tục dây dưa, ai ngờ Đỗ Sương Thiên đang đứng phía sau lại thân thiện vỗ vai hắn rồi nở một nụ cười. Không biết vì sao, biểu tình trên mặt Bạch Ngọc liền nhạt đi, hắn chỉ cười một cái rồi nhún vai, rất thức thời mà không náo loạn nữa.

Phía sau lại có một người đi tới, ôm lấy Âu Dương Tuấn đầy hoa mẫu đơn trên người mà thở dài: "Tứ sư huynh xem đi, cuối cùng vẫn là ta có nghĩa khí nhất, không như bọn họ vì mải liếc mắt đưa tình mà bỏ rơi ngươi, đúng không nào?"

"Đúng cái đầu ngươi!"

Tất cả mọi người đều quay lại mắng hắn.

Nội môn đệ tử bên này vẫn gà bay chó sủa như mọi khi, mà ở bên kia Đường Thời nhìn sang, lại cảm thấy họ rất thú vị.

Nghĩ tới bông hoa mẫu đơn đột nhiên bay tới cứu người rồi lại biến mất, hắn cảm thấy nó có điểm tương tự với Trùng Nhị bảo giám của mình.

Đó hẳn là bông hoa được vẽ trên áo của tứ sư huynh Âu Dương Tuấn, vừa nãy cứu người bằng cách dùng phương pháp đặc thù để phát động hiệu quả được phong ấn trong bức hoạ, do đó mới tạo thành cảnh tượng mà Đường Thời chứng kiến.

Y suy nghĩ một hồi, lúc sau thấy linh lực trong cơ thể đã khôi phục được kha khá bèn trở về phòng.

Nằm luôn xuống ngủ một giấc, đến khi tỉnh lại, Đường Thời cảm thấy tinh thần thanh tỉnh, toàn thân thư thái. Giờ hắn đã trở thành Mặc sư nhị phẩm, dù bảy ngày tới còn có một bài kiểm tra nữa, nhưng Đường Thời biết chắc mình không qua nổi, y chỉ cần tới đó làm người qua đường là được.

Y không quá bận tâm đến thành tích lần thi tới, dù sao thì với Đường Thời mà nói, vừa mới nhập môn đã có thể đạt tới vị trí này là khá lợi hại rồi.

Đường y phải đi vẫn còn rất dài.

Vì thế từng ngày cứ thế lãng đãng trôi qua, xuân đi thu tới, hạ qua đông đến.

Tẩy Mặc các cũng bắt đầu thay đổi, ví dụ như môn phái ngày càng phân chia công việc chi tiết hơn, ngày càng chuyên nghiệp hóa đội ngũ, cũng ngày càng gắn kết đoàn thể.

Đường Thời đã tiến vào lớp học bậc ba, ở đây hầu hết là Mặc sư nhị phẩm, đệ tử nội môn thường xuyên đến giảng bài, còn các trưởng lão sẽ phụ đạo thống nhất cho tất cả bọn họ.

Tại đây, Đường Thời cũng xem như chính thức kết thành một nhóm với năm sư huynh sư tỷ nội môn.

Đại sư huynh Đỗ Sương Thiên, tranh sông núi thuỷ mặc, hậu kỳ Trúc Cơ, là người khá chín chắn;

Nhị sư tỷ Tống Kỳ Hân, tranh mai đỏ vươn mình giữa tuyết, hậu kỳ Trúc Cơ, ngoài lạnh trong nóng, rất cởi mở;

Tam sư huynh Bạch Ngọc, tranh vẽ đá tảng, sơ kỳ Kim Đan, nhìn có vẻ tuỳ tiện, thực ra là tên ngáo;

Tứ sư huynh Âu Dương Tuấn, tranh mẫu đơn phú quý, trung kỳ Trúc Cơ, ngại ngùng hướng nội, rất dễ đỏ mặt;

Ngũ sư huynh Diệp Thuấn, tranh vẽ hoa phong lan, trung kỳ Trúc Cơ, âm hiểm xấu bụng vô liêm sỉ.

Nhờ có mấy kẻ như vậy, mỗi ngày trong môn phái của Đường Thời quả thực là... từng giây từng phút đều bị vây trong nước sôi lửa bỏng, cứ đang vẽ tranh dang dở là mấy tên ngáo này lại bắt đầu so chiêu.

Ví dụ như Diệp Thuấn, việc hắn thích làm nhất chính là xông tới quấy rầy lúc Bạch Ngọc vẽ tranh, làm ra vẻ thân thiết mà kể mấy chuyện như hôm qua nhị sư tỷ và đại sư huynh cùng nhau đi ra ngoài bán đấu giá cái gì đó. Những lúc như thế, thường thì Bạch Ngọc sẽ làm mặt lạnh, dùng vận tốc ánh sáng mà chọc cây bút ngọc sáng bóng mượt mà của mình về phía mắt Diệp Thuấn — chỉ cần có thế, chiến đấu đã dễ dàng bị khơi mào.

Bọn họ không đánh nhau theo cách so chiêu bình thường Đường Thời vẫn biết, mà là... vẩy mực nước...

Được rồi, y biết chứ, mấy cái trò như vẩy mực này cũng ấu trĩ chẳng khác gì phun nước miếng, nhưng xác thực đây chính là tuyệt học trong môn phái.

Đã có cái gọi là tranh sơn thuỷ theo phong cách vẩy mực, vậy thì mực phải vẩy như thế nào cũng là điều cần chú trọng.

Thế là cái đám đệ tử nội môn ngớ ngẩn này bắt đầu nghiên cứu mấy phương pháp nham hiểm như vẩy mực sao cho có thể gây ra sát thương lớn nhất với đồng môn.

Ban đầu Đường Thời cho rằng kẻ am hiểu kỹ năng này nhất hẳn phải là Đỗ Sương Thiên, người vốn nghiên cứu rất sâu về tranh sơn thuỷ vẩy mực. Nhưng mà đại sư huynh chín chắn luôn tránh mấy cái trò tranh đấu này, vì vậy Đường Thời bắt đầu tò mò — rốt cuộc ai mới là cao thủ phun nước miếng, à không — vẩy mực nước.

Cho đến một ngày kia, Bạch Ngọc chạy tới đùa giỡn sư tỷ Tống Kỳ Hân, làm nàng phát bực.

Trước ánh mắt chấn động của Đường Thời, Tống Kỳ Hân chộp lấy nghiên mực chứa đầy mực nước, tạt thẳng về phía gáy Bạch Ngọc —

Chỉ là bị tạt mực, vốn dĩ Bạch Ngọc có thể dễ dàng tránh được, ai dè Tống Kỳ Hân đứng đằng sau lại đột nhiên nũng nịu gọi một tiếng "Tam sư đệ", làm y sợ tới mức rùng cả mình, thế mà lại không thể bôi dầu vào chân né đi nữa. Mực nước bay ra, không ngờ lại sượt qua đầu y, sau đó rẽ hướng vòng lại, lập tức ập thẳng toàn bộ vào mặt Bạch Ngọc.

Bạch Ngọc đáng thương vốn đẹp trai ngời ngời mà giờ đây mặt dính đầy mực, lập tức biến thành Quan Công*.

*Quan Công tức Quan Vũ, một vị danh tướng thời Tam Quốc. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông được miêu tả là "mình dài chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc; môi thắm như son; mắt phượng, mày ngài"

Lại còn thêm một tên Diệp Thuấn chuyên gia đổ thêm dầu vào lửa, hắn vốn đang vẽ tranh, thấy thế liền chấm đầu bút lên khuôn mặt đen sì của Bạch Ngọc rồi thở dài: "Mấy bữa nay mực đang tăng giá, ta cũng không mua nổi đâu..."

Nói xong, ngũ sư huynh Diệp Thuấn thu bút lại, tiếp tục vẽ tranh...

Mọi người đồng loạt câm nín, nhị sư tỷ đột nhiên nổi khùng, tam sư huynh tất nhiên gặp hoạ, nhưng mà... Má nó ngũ sư huynh mới là tiện nhân đích thực nha!

Đường Thời vẫn còn là đệ tử ngoại môn, y cầm bút của mình đứng đó, tam quan bị lũ ngốc này đổi mới với tốc độ ánh sáng — các sư huynh sư tỷ à, cầu các ngươi để ý tới tâm tình của tiểu sư đệ ngáo ngơ vừa nhập môn là ta đây một chút được không? Cứ phá huỷ tam quan của tiểu sư đệ như vậy mà cũng là đại trượng phu sao?!

Tiếng rên rỉ trong nội tâm Đường Thời đã được định trước là chẳng có ai nghe.

Năm tên ngáo của nội môn vẫn gây ầm ĩ suốt ngày như cũ, từng ngày cứ như thế trôi qua trong sự tranh đấu qua lại của đám tiện nhân đó.

Ngũ sư huynh Diệp Thuấn đã trở thành thần tượng mới trong lòng Đường Thời, y chỉ hận không thể mỗi ngày thắp ba nén nhang, cầu cho Diệp Thuấn sớm chết sớm siêu sinh —

Thôi được, vô tình để lộ mất rồi.

Đến lúc bị Diệp Thuấn cười tủm tỉm khoác vai, cùng y đi trên con đường nhỏ sau khi tan học, Đường Thời chỉ cảm thấy sống lưng phát lạnh.

Diệp Thuấn cười thân thiện không để đâu cho hết, thân thiện đến mức xung quanh ngoài Đường Thời ra thì không còn lấy một sinh vật sống.

"Ta nghe nói mỗi ngày tiểu sư đệ đều cúng bái ta thì phải, thật tình khiến sư huynh hơi ngượng đó."

Đường Thời: "..."

"Ây da, như vậy hẳn là sức hấp dẫn của ta sắp bắt kịp tam sư huynh rồi đúng không? Tam sư huynh, ngươi nghĩ sao?"

Diệp Thuấn quay đầu nhìn bốn người ở xa xa phía sau.

Bạch Ngọc: "Ha ha."

"Nhìn xem, tam sư huynh của ngươi cũng đồng ý, vậy đúng là ngươi cúng bái ta rồi. Có điều, sư huynh không thích bị dâng hương một tẹo nào." Diệp Thuấn vừa đi vừa vỗ vai Đường Thời, thở dài, "Nếu tiểu sư đệ quan tâm ta đến thế, chi bằng ngày mai hãy... vẽ ngũ sư huynh đáng yêu tốt bụng thuần khiết chính nghĩa đến mức không ai dám tới gần của ngươi đi."

Ngũ sư huynh đáng yêu tốt bụng thuần khiết chính nghĩa đến mức không ai dám tới gần...

Xoá tám chữ ở giữa đi, chỉ cần ngươi không làm màu thì chúng ta vẫn có thể làm bằng hữu.

Dâm uy của ngũ sư huynh không ai là không sợ, Đường Thời cuối cùng vẫn phải khuất phục.

Dù sao đời là thế, không bị ngũ sư huynh bắt nạt thì cũng sẽ bị người khác bắt nạt, kiếp sống tiểu sư đệ bi thảm ở Tẩy Mặc các của Đường Thời vẫn còn rất dài.

Mãi tới khi qua năm mới, Tẩy Mặc các chuẩn bị thu nhận thêm đệ tử, sẽ có rất nhiều chú cừu non ngây ngô xuất hiện, Đường Thời mới xem như tìm thấy hy vọng trong sinh hoạt.

Chẳng mấy chốc là có tiểu sư đệ mới, tâm trạng Đường Thời tốt hơn hẳn bình thường, y sắp thoát khỏi cái chức danh tiểu sư đệ này rồi.

Nhưng mà có vẻ như mọi người đã nhìn thấu tâm tư của y, Bạch Ngọc ở một bên âm dương quái khí* nhắc nhở: "Đến lúc vào nội môn, ngươi vẫn là tiểu sư đệ thôi... Đúng không tiểu sư đệ hiện tại của nội môn Diệp Thuấn? Ngươi nghĩ sao?"

*Âm dương quái khí: nghĩa đen là khí quái lạ trong trời đất, nghĩa bóng chỉ những lời lẽ, cử chỉ quái đản, kỳ lạ hoặc lời nói, thái độ không chân thành, khiến người ta đoán không ra

Diệp Thuấn quay đầu lại, cười đến khuynh quốc khuynh thành, chúng sinh khuynh đảo, hủy thiên diệt địa, đôi mắt hàm chứa vô hạn xuân sắc, môi mỏng hé ra, giọng nói dịu dàng tới cực điểm: "Mẹ nhà ngươi."

Đường Thời: ...

Thế gian tươi đẹp như thế, cớ sao ta lại... ngớ ngẩn như vậy?

Sinh hoạt ngày nào cũng gà bay chó sủa, nhưng mỗi ngày đều có những niềm vui mới, cứ như thế tích tụ lại từng chút một, từng giây từng phút của tháng ngày vui tươi đó đều được Đường Thời lưu giữ lại, cất vào sâu trong ký ức.

Cùng lúc nhóm đệ tử mới lên núi, đại sư huynh Đỗ Sương Thiên bế quan.

Ai ai cũng chúc mừng hắn, ban đầu Đường Thời còn không hiểu vì sao, sau mới nghe được nhị sư tỷ hưng phấn nói: "Đại sư huynh sắp kết đan một lần nữa rồi."

Không phải kết đan, mà là kết đan một lần nữa.

Đây là lần đầu tiên Đường Thời được chứng kiến cảnh tượng xuất hiện khi kết đan ở cự ly gần, mây lành ngũ sắc bao phủ khắp bầu trời núi Chiêu Diêu, ánh sáng lan toả khắp chốn, tựa như một nét bút thật dài vẽ nên giang sơn mỹ lệ. Tất cả đệ tử Tẩy Mặc các trên núi Chiêu Diêu đều ngẩng đầu lên, nhìn mây giăng, nhìn ánh sáng, nhìn trời cao vô tận.

Trên mặt các đệ tử mới đều tràn đầy sự kinh ngạc và chấn động khi lần đầu tiên nhìn thấy khung cảnh kỳ ảo* như vậy. Đối với bọn họ, việc kết đan của Đỗ Sương Thiên là một cảnh giới mà hiện tại họ không thể chạm tới, và cũng hoàn toàn không lý giải được.

*Nguyên văn là "quái lực loạn thần", trích từ câu "Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần" trong Luận Ngữ. Quái, lực, loạn, thần tức là quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần. Nhìn chung cụm từ này chỉ những việc kỳ ảo, huyền hoặc.

Kết đan, đó là cảnh giới Đường Thời tha thiết ước mơ nhưng vẫn cầu mà không được.

Trong thời gian hơn một năm này, tu vi của Đường Thời tăng lên khá chậm rãi, hắn vẫn đặt trọng tâm tu luyện lên việc cải tạo các linh thuật trong Trùng Nhị bảo giám.

Càng cải tạo nhiều, càng có thể hiểu cặn kẽ tác dụng của mỗi pháp quyết.

Cảnh giới vẫn luôn không tăng tiến, mà "Tâm Kinh" cũng cần từ từ tu luyện, đến giờ Đường Thời mới luyện tới tầng hai của phần thứ nhất, tiến độ khá chậm. Nhưng chính bởi vì chậm như vậy mà Đường Thời mới có thời gian để nghiên cứu thấu đáo mỗi một câu thơ trong cả quyển "Trùng Nhị bảo giám". Hiện giờ quỹ đạo vận hành linh lực của từng pháp quyết và hiệu quả mà từng dòng linh lực sinh ra đều đã được Đường Thời ghi nhớ trong lòng.

Mà đến khi hoàn thành những việc này, vấn đề mà hắn từng không xử lý nổi khi vẽ "Xuân hiểu" giờ đây cũng được giải quyết dễ dàng.

Trong bài thi trở thành Mặc sư tam phẩm, Đường Thời lấy ngọc tạo màu, dùng bút lông cán kim cương để vẽ ra một câu "Hoa lạc tri đa hiểu" . Y dùng hết linh lực toàn thân, cuối cùng cũng vẽ được một quyển trục tạm ổn.

Cảnh giới này là trước đây Đường Thời đánh bậy đánh bạ mà tiến vào được.

Bài thơ "Xuân hiểu" này có thể vẽ theo hai góc nhìn, đó là từ bên ngoài nhìn vào và từ bên trong nhìn ra, cũng chính là thi nhân nằm trên giường ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài và người khác từ ngoài nhìn về phía cửa sổ.

Đường Thời không vẽ hoa đang rơi, bởi vì sau trận mưa đêm, cánh hoa đã rơi rụng hết rồi, thậm chí còn lẫn lộn cùng bùn lầy trên mặt đất, quả thực là "Linh lạc thành nê niễn tác trần"* (héo rụng thành bùn, tan ra bụi). Trên cành cây vắng bóng hoa, chỉ có chú chim với bộ lông mỹ lệ đang cất cao tiếng hót. Còn về thi nhân, chỉ thấy một bóng áo choàng thấp thoáng sau cửa sổ. Đó chính là khung cảnh mà Đường Thời phác hoạ.

*Đây là một câu trong bài từ "Bốc toán tử — Mai" của Lục Du.

Bức tranh này thành công được xếp vào hàng tam phẩm, mà ngay từ khi đặt bút đề "Xuân hiểu" lên bức tranh, Đường Thời đã biết mình đã hoàn toàn nắm giữ được ý cảnh của nó.

Đương nhiên mọi người trong Tẩy Mặc các đều mừng cho Đường Thời, hiện giờ hắn đã là Mặc sư tam phẩm, mà chỉ cần lên tứ phẩm là có thể vào nội môn. Khoảng cách giữa Đường Thời với nội môn cũng chỉ là thiếu một tấm áo choàng mà thôi.

Sau khi được sự đồng ý của Đường Thời, bức tranh "Xuân hiểu" này được đưa tới sàn đấu giá của Tỳ Hưu lâu, bán ra với giá mười hai ngàn, mà Đường Thời hay tin cũng chỉ cười thản nhiên rồi thu tiền vào túi trữ vật mà thôi.

Hai năm nay y còn bán không ít linh thuật thông qua sàn đấu giá, trên cơ bản đều là linh thuật tạo thành từ "Trùng Nhị bảo giám", có cấp cao cũng có cấp thấp, Đường Thời không quá để ý.

Số linh thuật y không đem đi đấu giá không nhiều, chỉ có mấy câu thơ "Hoa lạc tri đa thiểu", "Đại tuyết mãn cung đao", "Nhất tuế nhất khô vinh", và "Xuân phong xuy hựu sinh."

Khoảng thời gian này Đường Thời cũng chỉnh lý lại tài sản của mình. Y tu luyện rất nhanh nên tốc độ tiêu hao linh thạch cũng cực cao, hơn một trăm ngàn lục tục kiếm được từ trước, giờ cũng chỉ còn dư lại năm sáu mươi ngàn, mà Đường Thời tự đánh giá thấy khoảng cách tới trung kỳ Trúc Cơ của mình cũng không còn xa.

Trước đây y đấu giá được một đoạn cành cây Tam Chu, vốn là muốn làm thành bút vẽ, nhưng vì vẫn luôn không tìm được nguyên liệu phù hợp, đồng thời kỹ năng luyện chế của hắn cũng không tốt lắm nên chuyện này đành gác lại. Nhưng y đã thử nghiệm dùng cành cây Tam Chu để thi triển pháp thuật, khả năng tăng công dụng quả thực không tệ.

Về phần Ấn Tuyên thập tam sách, Đường Thời cũng đã luyện tới phần thứ hai tương ứng với Trúc Cơ kỳ, phối hợp với tiến độ tu luyện "Tâm Kinh", chỉnh thể thực lực của y đang vững bước tăng trưởng.

Vấn đề lớn nhất của Mặc sư là không có lực công kích, nhưng Đường Thời lại khác hẳn. Ngay từ đầu sức chiến đấu của y vốn đã rất cao, sau khi trở thành Mặc sư, cảnh giới tăng tiến chỉ khiến lực công kích tăng trưởng vượt trội chứ không có chuyện giảm xuống.

Hôm nay khi nói chuyện phiếm, Ân Khương cũng nhắc nhở y về chuyện cảnh giới tăng lên.

Hiện giờ quan hệ giữa Đường Thời và Ân Khương có thể coi là khá hài hoà, thỉnh thoảng Ân Khương tỉnh ngủ cũng sẽ chỉ điểm cho hắn một số vấn đề tu hành, đặc biệt là trong việc tu luyện "Tâm Kinh", có vẻ nàng hiểu về nó khá sâu.

Đồng thời, nàng còn dạy cho Đường Thời rất nhiều thứ đến cả trong "Sơn hải kinh" cũng không nhắc tới.

Nói gì thì nói, Ân Khương chính là một quyển bách khoa toàn thư sống, mỗi khi Đường Thời nghe nàng nói đủ thứ chuyện thì đều chỉ có thể nghe và nghe, hoàn toàn không chen lời được.

Lúc này nghe Ân Khương nhắc nhở, Đường Thời nói: "Ta vẫn luôn nghĩ rằng, nếu không tới Kim Đan kỳ thì sợ là đám yêu tu tới tìm người sẽ phát hiện ra ta."

Năm trước Đường Thời đã giết một tên yêu tu, từ lúc đó hắn và Ân Khương đều chờ đợi phản ứng của Thiên Chuẩn Phù Đảo, nhưng ngoài dự kiến của bọn họ, bên kia hoàn toàn không xuất hiện bất cứ động thái lạ thường nào.

Yêu tu bị Đường Thời giết cứ như vậy mà chết không minh bạch, căn bản không có ai hỏi tới.

Hiện giờ hiểu biết của Đường Thời đã tăng lên, hắn biết gần đây đám ma tu không an phận, mà cùng với đó là yêu tu bắt đầu im hơi lặng tiếng.

"Hôm nay ngươi có thể thử đột phá cảnh giới tinh thần mà lần trước chưa làm được. Dù sao đây cũng là công pháp của Phật gia, nên tốt nhất là ngươi nên vô dục vô cầu." Ân Khương nhắc nhở y.

Đường Thời hết nói nổi: "Ngươi nghĩ người như ta mà cũng có thể vô dục vô cầu sao?"

"Chỉ cần ngươi vô dục vô cầu trong lúc lĩnh ngộ cảnh giới là được, nghĩ nhiều quá làm gì? Chẳng phải đám hoà thượng của Tiểu Tự Tại Thiên cũng dùng công pháp vô dục vô cầu này để làm những chuyện hữu dục hữu cầu sao? Nếu ngươi thực sự có thể vô dục vô cầu thì đã thành Phật luôn rồi."

Ý trào phúng trong lời Ân Khương rất rõ ràng, nàng cười nói: "Nếu chúng sinh bình đẳng, thì cần gì phải chia ra Phật và người phàm? Nếu chúng sinh bình đẳng, vậy sao Phật lại muốn một mình một kiểu vô dục vô cầu? Tại sao chúng sinh khắp vòm trời này lại cần Phật tới độ? Chẳng phải buồn cười lắm sao? Ha ha ha..."

Những lời này thực ra rất giống với kiến giải trước đây của Đường Thời, hai con người một già một trẻ này đều trung thành với việc xuyên tạc giáo lý nhà Phật. Giờ nghe thấy những lời này, Đường Thời cũng chỉ hơi mỉm cười.

Y ngồi xếp bằng xuống, ý thức hoàn toàn đóng lại, ngón tay tạo thành thế niêm hoa* (cầm hoa). Nếu có người nhìn thấy Đường Thời của giờ phút này, ắt hẳn sẽ cho rằng y là một đệ tử chân chính của Tiểu Tự Tại Thiên. Dáng vẻ này của y đã phần nào có được cảm giác thanh tịnh của Phật gia.

* "Niêm hoa" là một tư thế của Đức Phật, bắt nguồn từ giai thoại thiền "Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu" (Đức Phật Thích Ca cầm hoa đưa lên, ông Ma Ha Ca Diếp mỉm cười.

Bên trong thức hải có mấy đám sương mù đang chầm chậm xoay tròn, dường như sắp trở thành một lốc xoáy, Đường Thời liền thúc đẩy nó xoáy mạnh hơn.

Không biết từ khi nào, linh thức và tinh thần lực đều trở nên sắc bén, sau đó cùng xoáy tròn, giống như ngày nọ khi Đường Thời công phá tầng thứ tám của vách Nghiên.

Sương mù nồng nặc, đó chính là tinh thần lực vẫn còn đang hỗn loạn của Đường Thời.

Giữa vòng xoáy vô cùng vô tận này, kỳ lạ thay, ở phần đáy của thức hải lại chậm rãi nổi lên một biểu tượng hình chữ "Vạn" xoay sang phải*. Đường Thời hơi sửng sốt, sau đó đột nhiên cảm thấy trong đầu trống rỗng, thức hải tựa như không có giới hạn, linh thức hỗn độn lan toả khắp nơi, chẳng bao lâu sau sương mù lại xuất hiện rồi dần ngưng kết lại thành một khối, cuối cùng trở thành một vật giống như viên ngọc màu xám.

*Chữ 'Vạn' không phải là một chữ mà là một biểu tượng trong Phật giáo, tượng trưng cho phước lành, lòng từ bi và trí tuệ quang minh của Đức Phật. Biểu tượng này có hai lối viết là – xoay sang trái, và – xoay sang phải. Các trường phái Phật học đến nay vẫn chưa có thống nhất về cách viết đúng.

Thức hải ngưng châu!

Ngay giây phút viên ngọc màu xám xuất hiện, tất cả lốc xoáy đều dừng lại. Tựa như có thứ gì đó đã cải tạo lại thức hải của hắn, bởi vậy nên khi những vòng xoáy xuất hiện trở lại, chuyển động của chúng đều mượt mà hơn hẳn. Chuyển động lúc trước cũng có vẻ trôi chảy, nhưng so với hiện tại thì trúc trắc hơn rất nhiều.

Trong nháy mắt đó, Đường Thời cảm thấy như mình vốn đang đứng trên một đài cao, lúc này đột nhiên một bước lên tới đỉnh cao nhất, từ đó "lăng tuyệt đính, tiểu chúng sơn"* (bước lên đỉnh cao chót vót, thấy núi non chung quanh đều nhỏ bé).

*Cụm từ này được lấy từ hai câu thơ "Hội đương lăng tuyệt đính, Nhất lãm chúng sơn tiểu" trong bài thơ "Vọng nhạc" của Đỗ Phủ.

Cảm giác thăng hoa về mặt tinh thần làm toàn thân Đường Thời đều trở nên thoải mái.

Cùng lúc đó, tu vi của y cũng tăng từ sơ kỳ lên trung kỳ Trúc Cơ — tu luyện lâu như vậy, lực lượng đã sớm được tích trữ đầy đủ, chỉ chờ tinh thần lực đạt tới cảnh giới là có thể đột phá.

Con đường mà y đi lúc này dường như đã hoàn toàn khác hẳn trước đây.

Mà giờ phút này y vẫn còn chưa biết ý nghĩa của việc này, chỉ có thể mơ mơ màng màng đi tiếp.

Bên trong thức hải, viên ngọc còn đang chậm rãi chuyển động. Mà ở dưới đáy, biểu tượng chữ "Vạn" vẫn luôn toả sáng.

Đường Thời đột nhiên nói: "Rốt cuộc là ta đang tu Phật hay tu Đạo đây?"

"Tu bản thân ngươi." Ân Khương nở nụ cười, tâm trạng nàng bỗng nhiên tốt lên, dường như thấy rằng tu vi của Đường Thời đột phá cũng có nghĩa là khoảng cách đến ngày nàng được trở về đã ngắn lại.

Đường Thời cũng cười: "Tu bản thân ta."

Rốt cuộc là thế nào, cũng chỉ có trời mới biết.

Thực ra Đường Thời cũng chỉ hỏi cho có thế thôi, y hoàn toàn không muốn biết.

Sau khi lên tới trung kỳ Trúc Cơ, việc đầu tiên Đường Thời làm là dùng "Bạch mao phù lục thủy" đi ra ngoài dạo một vòng, đến khi quay về mới nhớ ra mình còn có "Trùng Nhị bảo giám".

Bây giờ y cơ bản đã rút ra quy luật, chỉ cần tu vi tăng cấp là có thể mở ra bài thơ mới.

Những bài thơ trước Đường Thời đã thuộc nằm lòng, thậm chí còn vẽ qua rất nhiều bài trong đó. Lúc này đây — bài thơ mới mở ra...

"Tĩnh dạ tứ"

"Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương."

*Dịch thơ: "Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh" — Lý Bạch
"Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương."
*Dịch nghĩa: "Đầu tường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà."

Thuở nhỏ, Lý Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông đã xa quê và xa mãi. Bởi vậy, cứ mỗi lần thấy trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê nhà.

Nhìn đến bài thơ ngắn ngủi mà tinh tế này, Đường Thời bỗng chốc ngẩn ngơ. Y còn chưa kịp nhíu mày, lại chợt thông qua liên kết với Ân Khương mà cảm thấy dường như nàng đang xúc động.

"Ân Khương?"

Ân Khương không nói gì. Bề mặt hộp vẫn toả ánh sáng xanh nhàn nhạt, nhưng không có một âm thanh nào phát ra.

Ánh trăng rọi, sương trên đất. Ngắm trăng sáng, nhớ cố hương.

Ý thơ thật liền mạch, mà ý cảnh thật khiến người ta phiền muộn phải không?

Tầm mắt Đường Thời xuyên qua khung cửa sổ nhỏ, nhìn đến ánh trăng bên ngoài. Ánh sáng trải xuống mặt đất quả thực bàng bạc như sương tuyết. Y chợt thấy hơi phiền muộn. "Ân Khương?"

Đường Thời hơi nhăn mày, lấy chiếc hộp ra, lại thấy ánh sáng xanh lấp loé mãnh liệt, ngay sau đó biến ảo thành một bóng người. Cái bóng này cũng toả ánh sáng xanh nhè nhẹ, có phần tựa như mộng ảo không thể nắm bắt.

Nữ tử này có khuôn mặt đẹp như tranh, nhưng lại nhuốm đầy vẻ tang thương của năm tháng. Trang phục trên người nàng là kiểu dáng từ rất xa xưa, thêu đầy hoa văn cổ phong, tay áo dài rộng dệt kim thể hiện thân phận cao quý của nàng. Làn da trắng mịn màng tựa bạch ngọc, tóc búi cao cao giống như cung nữ cổ đại, thêm một cây trâm ngọc cài nghiêng nghiêng, cùng với dây buộc trán màu đỏ máu rủ xuống giữa hai hàng mày, tất cả dường như đều toát lên một vẻ ưu thương sầu muộn.

Giống như Đường Thời, ánh mắt già cỗi của nàng cũng lướt qua cửa sổ trúc mà hướng ra bên ngoài. Trên trời là trăng sáng, mà người thì tha hương. Cố hương của nàng ở xa rất xa, bên bờ Đông Hải, lúc này đây nàng khoảng cách giữa nàng với nơi đó cũng xa rất xa.

"Ngẩng đầu, nhìn trăng sáng, cúi đầu... Nhớ cố hương của ta..."

Đây là lần đầu tiên Đường Thời được nghe một cách rõ ràng âm thanh thực sự phát ra từ miệng Ân Khương. Nàng là yêu tu sống cả vạn năm, lại bị nhốt trong hộp đá hàng trăm hàng ngàn năm, nàng không thể biết được Thiên Chuẩn Phù Đảo hiện tại có còn như xưa, lại càng không biết có phải giờ đây đã cảnh còn người mất...

Nhìn trăng sáng, nhớ cố hương của ta.

Ân Khương rũ mắt, khép lại hàng mi thật dài. Nàng cảm thấy rõ ràng là mình muốn rơi lệ, nhưng khoé mắt lại cạn khô. Nước mắt của nàng, dường như đã vì một người mà chảy hết từ rất lâu rồi.

Chỉ một bài thơ, lại bỗng chốc gợi lên nỗi sầu vô tận trong lòng nàng.

Là miêu yêu chính mạng, ai nấy đều cho rằng nàng có sức mạnh không gì cản nổi, mà giờ thì sao? Cũng chỉ đến thế mà thôi.

Vẫn với trạng thái hư ảo đó, Ân Khương nắm hai bàn tay trước bụng, dõi mắt nhìn về ánh trăng mênh mông vô tận, thần thái tao nhã mà trang nghiêm. Không biết qua bao lâu, nàng bỗng nhiên nói: "Có phải ngươi thấy ta thật đáng thương không?"

Đường Thời không biết nên nói gì, chỉ có thể cứ nhìn như vậy.

Ân Khương xoay người, trường bào dệt kim vì động tác này mà hơi xê dịch. Nàng cong eo, cúi người về phía Đường Thời đang ngồi xếp bằng, sau đó chợt vươn bàn tay ngọc ra nâng cằm hắn, nhẹ giọng nói: "Nhóc con, ánh mắt dịu dàng như vậy không hợp với ngươi đâu."

Đường Thời giơ tay lên che mắt lại, rồi như che giấu mà cười nói: "Hợp với không hợp cái gì? Chẳng qua ngươi chưa thấy những lúc ta giả tạo mà thôi."

Ân Khương chậm rãi ngồi xuống trước mặt hắn. Nàng lưu luyến liếc mắt ra ngoài cửa sổ một lần nữa, rồi mới quay đầu lại, nhìn quyển "Trùng Nhị bảo giám" trong tay Đường Thời, nhưng cũng không hỏi gì.

"Ta muốn trở về. Ta nhớ nhà."

"..." Quan trọng là hiện tại y còn chưa đủ thực lực để đưa nàng đi.

Bây giờ Ân Khương đã là đồng bọn của Đường Thời, việc tu hành của hắn trên cơ bản đều được Ân Khương chỉ điểm, trừ "Sơn Hải kinh" ra thì kiến thức của hắn quá nửa là do Ân Khương truyền thụ. Một lão bà như thế mà lại chịu dốc lòng dạy bảo, sao có thể không có mục đích?

Nhưng mục đích của nàng, nói ra sẽ chỉ khiến người ta thương tiếc.

"Ta biết rồi."

Ân Khương cười, "Thế nên ta đang đợi đây, hậu kỳ Trúc Cơ được không? Chờ đến khi trình độ của ngươi tiệm cận Mặc sư tứ phẩm thì sẽ được rời khỏi sơn môn để ra ngoài rèn luyện, chuẩn bị cho nghi thức hoạ thường."

Đúng vậy, họa thường.

Lúc này đây Đường Thời đã là Mặc sư tam phẩm, từ giờ trở đi cần phải nỗ lực tiến lên tứ phẩm, đồng thời trở thành đệ tử nội môn. Điểm khác biệt duy nhất giữa ngoại môn và nội môn chỉ là một bộ y phục, mà y phục này phải được các đệ tử tự tay làm ra.

Chỉ cần có thể vẽ thành công, hắn lập tức sẽ danh chính ngôn thuận trở thành đệ tử nội môn.

Như Ân Khương nói, dựa vào cơ hội đi ra ngoài rèn luyện sao...

Đường Thời còn chưa kịp trả lời, Ân Khương lại nói: "Cây Tam Chu ở trên Thiên Chuẩn Phù Đảo. Nếu ngươi tới đó, ta có thể cho ngươi lõi cây Tam Chu để làm nguyên liệu chế tạo bút."

Dù Ân Khương không cho thứ đó thì y cũng sẽ đi, nàng coi thường y rồi.

Đường Thời chỉ chậm rãi gật đầu, "Nếu ta có thể thuận lợi tới được đó."

"Thực ra ta không lo ngươi có thể tới được đó hay không... Ta chỉ lo là có một ngày, ngươi sẽ thê thảm như ta lúc này."

Bị nhốt vào trong một cái hộp nhỏ không thể thoát ra, thậm chí không thể trở về Thiên Chuẩn Phù Đảo.

Sâu trong ký ức, Ân Khương còn nhớ tăng nhân kia từng nói: Phật vốn vô tình.

Sau đó nàng bị nhốt vào trong hộp. Không biết hoà thượng kia giờ đã tu thành Phật chưa?

Ký ức phủ bụi trỗi dậy trong lòng, Ân Khương đột nhiên ngửa mặt lên trời cười ha hả, nhưng lại không có một âm thanh nào phát ra...

Đường Thời nhìn Ân Khương sa vào trong tuyệt vọng không lối thoát, đáy lòng lại bình tĩnh tuyệt đối.

"Ân Khương... Hiện hình lâu như vậy, ngươi sẽ bị trận pháp gây thương tổn..."

Ân Khương thở ra một hơi thật dài, sau đó quay đầu nhìn y, để lại một câu mơ hồ rồi mới biến mất: "Ta thực sự hâm mộ ngươi. Ta tu cực tình đạo, mà ngươi lại trời sinh là kẻ tu vô tình đạo... Thật tốt..."

Nàng biến mất rồi, Đường Thời nhìn chiếc hộp im lìm, thấy hơi khó hiểu. Cái gì mà cực tình đạo, vô tình đạo, không hiểu gì cả...

Y ngáp một cái, sau đó nhìn xuống quyển "Trùng Nhị bảo giám" đang cầm trên tay, ngón tay khẽ chạm vào chữ "Sương".

________

Editor: A, Ân Khương ơi là Ân Khương, nàng hỏi người kia đã tu thành Phật chưa sao? Hắn...cầu nàng vĩnh viễn đừng biết được...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro