5.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Hạnh phúc là gì? Là sáng ra, mở mắt thì thấy người mình yêu đang nằm bên cạnh. Nắng mai từ ngoài cửa sổ chiếu vào, đậu trên tóc em, làm gương mặt của người còn đang say giấc nồng bừng sáng. Trước khung cảnh đẹp đẽ chào ngày mới ấy, tôi bỗng thấy lòng mình bình yên đến lạ, khoảng trống trong tim bấy lâu cuối cùng cũng được lấp đầy.

Đây là điều mà tôi vẫn hằng khao khát. Người bên gối là người trong lòng, cùng em đi vào giấc ngủ, đón chào từng buổi bình minh. Chứ không phải mối quan hệ xác thịt ngắn ngủi, tìm đến nhau để xua tan nỗi cô đơn lúc ngày tàn và chia tay khi đêm tận.

Mẹ của Sữa vẫn thường xuyên ghé qua nhà tôi mang theo đồ ăn cho con gái. Tuy bề ngoài bà vẫn tỏ ra lạnh lùng nhưng thỉnh thoảng lại chủ động bắt chuyện với tôi, dặn dò tôi những điều cần chú ý khi chăm sóc bà bầu. Vẫn là những món vừa ngon vừa bổ nhưng lượng thì nhiều hơn, em chỉ ăn hết một nửa, còn lại để phần tôi. Em bảo:

- Nhiều thế sao em ăn hết được, mẹ em nấu dư là để chị ăn chung đấy, vì ngại nên bà mới không nói ra thôi. Cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc mẹ em sẽ chấp nhận chị và chuyện của chúng ta.

Sự thật chứng minh lời em nói là đúng.

Cái thai trong bụng em lớn dần, thiện cảm của mẹ em dành cho tôi cũng ngày một nhiều hơn. Một ngày nọ, khi mang đồ ăn qua, bà đột nhiên chủ động nói:

- Hôm nay cô có hầm gà, hai đứa mau bỏ ra ăn cho nóng.

Tôi ôm hai chiếc cặp lồng trong lòng, hơi ấm từ đồ ăn như truyền vào tận tim. Mẹ của Sữa vỗ nhẹ vào vai tôi, dịu giọng bảo:

- Thay cô chăm sóc con bé, được không?

Một phút ngỡ ngàng qua đi, tôi mỉm cười trả lời:

- Vâng ạ. Đó cũng là điều cháu muốn.

Sinh nở không phải chuyện đùa. Quá trình mang thai gian khổ, vất vả là thế, khi sinh con thì như đứng trước cửa tử, nguy hiểm vô cùng. Đêm ấy tính cả em thì bệnh viện có năm ca sinh, em là người vào phòng thứ tư nhưng lại ra cuối cùng. Tôi cùng mẹ em sốt ruột đứng ngoài chờ, nghe ba đứa trẻ lần lượt cất tiếng khóc chào đời mà lòng như lửa đốt. Tiếng khóc của đứa trẻ thứ tư không vang lên như mong đợi mà thay vào đó là lời chia buồn cùng gia đình của bác sĩ. Họ nói đứa bé này không có bộ phận sinh dục, không xác định được giới tính, vừa rời khỏi cơ thể mẹ là từ giã cõi đời. Mẹ của Sữa nghe vậy liền bật khóc, còn tôi thì điếng người. Khoảnh khắc đó tôi bỗng chết lặng, nghĩ rằng mình đã hại em, liên luỵ đến đứa trẻ trong bụng.

Cũng may, khi chân tôi còn chưa chạm đến đáy của vực sâu tuyệt vọng, một cô y tá hớt hải chạy ra từ phòng đã thắp lại niềm tin cho tôi:

- Bác sĩ, nhầm rồi! Đứa trẻ vừa qua đời là con của người phụ nữ vào phòng cuối cùng. Người thứ tư vẫn chưa sinh!

Chưa sinh, tức là em vẫn đang giành giật sự sống cho đứa trẻ trong bụng, hi vọng vẫn còn đó. Tôi và mẹ em xốc lại tinh thần, ôm niềm tin mà tiếp tục chờ đợi. Và phần thưởng cho sự đợi chờ đó là mẹ tròn con vuông, em hạ sinh một bé trai bụ bẫm.

Tôi chăm chú nhìn em và con mãi không chán. Sữa ngồi trên giường bệnh trong phòng đơn, lưng tựa vào chiếc gối mềm kê phía sau, trên tay là một đứa bé hãy còn say ngủ. Gương mặt em vẫn còn vương nét mệt mỏi sau trận chiến đêm qua nhưng đôi mắt lại long lanh rực sáng, trên môi là nụ cười rất mực dịu dàng. Đẹp quá. Vẻ đẹp hiền từ chứa chan hạnh phúc của một người phụ nữ vừa trở thành mẹ.

- Giờ chị hiểu cảm giác của những ông chồng khi có vợ vừa mới sinh rồi. - Tuy hiện tại hạnh phúc đang dâng tràn trong lồng ngực nhưng tôi vẫn không quên được nỗi sợ đêm qua. - Em không biết khi đó chị đã sợ đến mức nào đâu. Khoảnh khắc khi nghe bác sĩ nói những lời ấy, tim chị như ngừng đập. Nếu có chuyện gì xảy ra với em. Nếu có chuyện gì xảy ra với con em, chị sẽ ân hận, day dứt cả đời.

- Ngốc. Lại nghĩ linh tinh rồi, em và con thì có thể xảy ra chuyện gì cơ chứ. - Sữa mỉm cười trả lời. - Vả lại hiện tại chúng ta là người yêu, con em cũng là con chị. Đứa bé này không có bố nhưng lại có đến hai người mẹ. Chúng ta sẽ cùng dạy dỗ con nên người.

Sữa đặt tên cho bé con là Đăng. Em đặt tên không cần để tâm đến ý nghĩa sâu xa trong đó là gì, miễn sao dễ nghe là được. Phụ nữ sau sinh cũng cần được chăm sóc, thời gian ở cữ cũng có nhiều kiêng cử. Tôi bắt đầu học nấu những món tốt cho phụ nữ sau sinh, bổ máu, lợi sữa, thường xuyên đổi món để em không thấy ngán.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bé con lớn nhanh như thổi. Đầu tiên là đầy tháng rồi biết lẫy, biết bò, mọc răng, miệng bi bô tập nói, chân chập chững tập đi. Tạo hoá kì diệu làm sao, nhớ ngày đầu sinh ra mới chỉ là một bé con đỏ hỏn, bế trên tay còn sợ lọt lòng, vậy mà giờ đã có thể chạy quanh sân, miệng gọi "mẹ Sữa", "mẹ Cà Phê" ngọt xớt.

Từ khi có bé con, trong nhà náo nhiệt hơn hẳn, tôi và Sữa cũng thân mật, khăng khít hơn. Rõ ràng bé con không phải kết tinh tình yêu của hai đứa, cũng chẳng có quan hệ huyết thống gì với tôi, vậy mà cả ba vẫn chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà, như những gia đình bình thường khác.

Trước đây tôi cứ ngỡ mình sẽ vò võ cả đời, sống trong cô đơn, chết trong cô độc. Và rồi Sữa đến, mang đến cho tôi vô vàn cảm xúc mà tôi chưa từng được nếm trải. Tôi vốn tưởng được ở bên người mình yêu cùng đứa con của mình đã là hạnh phúc lắm rồi, không ngờ tôi còn có thể hạnh phúc hơn nữa. Và hạnh phúc lên đến đỉnh điểm là khi tôi nghe được lời thổ lộ đến từ cõi lòng em.

Hôm ấy Đăng về nhà bà ngoại chơi, Sữa tỏ vẻ thần bí dẫn tôi ra ngoài. Địa điểm dừng chân là một cửa hàng vàng bạc đá quý, Sữa làm như không thấy ánh mắt tò mò của cô bán hàng, cười nói:

- Phiền chị rồi, chúng tôi muốn mua nhẫn đôi.

Dẫu ngạc nhiên nhưng cô bán hàng vẫn nở nụ cười chuyên nghiệp, ân cần hỏi:

- Hai người là bạn thân hay chị em? Muốn kiểu nhẫn nào?

Sữa nắm lấy tay tôi, kiên định mà rằng:

- Không. Chúng tôi là người yêu, đến đây để mua nhẫn cưới. Phiền chị giới thiệu cho chúng tôi kiểu nào đơn giản thôi nhưng phải đẹp và trang nhã. Là nhẫn đeo cả đời mà.

Tôi khó tin nhìn em, cô bán hàng cũng bối rối trước câu trả lời thẳng thắn ấy nhưng không hỏi gì thêm, chỉ giới thiệu cho chúng tôi vài kiểu nhẫn phù hợp với yêu cầu vừa rồi. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, trên tay mỗi người có thêm một chiếc nhẫn. Chúng tôi đeo nhẫn đôi, lại nắm tay nhau, cùng sóng vai giữa đường phố tấp nập nên thu hút sự chú ý của bao người. Nhưng dù mọi người xung quanh có chỉ trỏ, bàn tán ra sao thì đôi tay đang nắm chặt của chúng tôi vẫn không hề buông lỏng.

- Quyết định công khai rồi sao? - Tôi hỏi.

- Ừ. Đâu thể giấu giếm cả đời được. Người ta nói gì kệ người ta, dù họ nói gì cũng đâu thể thay đổi được sự thật rằng hai ta là một cặp. Hơn nữa ta còn có nhau, cả hai cùng gánh không phải hơn chỉ một người chịu đựng à? - Sữa ngập ngừng nói. - Vả lại, em cũng yêu chị như chị yêu em.

Tim tôi bỗng nhói lên một cái, sự kinh ngạc còn lấn át cả niềm vui.

- Em...

- Thật ra em đã thích chị từ rất lâu rồi, trước cả khi chị ngỏ lời với em, từ lúc biết con gái cũng có thể thích con gái. Khi ấy em cảm nhận được tình cảm mình dành cho chị dần biến chất nhưng lại không dám đối mặt nên đành lựa chọn trốn tránh. Em hẹn hò với người khác giới và cố thuyết phục mình rằng vậy mới hợp với lẽ thường. Rồi bẵng đi mười mấy năm, tình cảm khác thường ấy dần phai nhạt, nhường chỗ cho sự áy náy dằn vặt. Giờ nghĩ lại em mới thấy may mắn vì anh ta phụ bạc em, nhờ vậy mà chúng ta mới không bỏ lỡ nhau, em mới có cơ hội để xem xét lại tình cảm của mình.

Sữa nhìn chiếc nhẫn mới yên vị trên ngón áp út, ánh mắt càng thêm long lanh, sáng rực:

- Hiểu rõ đây là tình yêu và hạnh phúc cả đời rồi thì em sẽ không buông tay đâu, cũng không để chị một mình gánh vác mọi thứ nữa vì hai bên cùng cố gắng thì mối quan hệ này mới dài lâu. Từ giờ cho đến hết cuộc đời này, chị đã là của em rồi. Có hối hận cũng không kịp đâu.

Từ tận đáy lòng, tôi nở một nụ cười hạnh phúc. Em đã thật sự trưởng thành rồi. Em vốn là con một trong nhà, từ nhỏ đã được bố mẹ cưng chiều bao bọc như công chúa, trước đây còn trẻ người non dạ nên không dám thẳng thắn đối mặt với tình cảm của chính mình, sợ người đời cười chê, vô tình làm tổn thương tôi và cả bản thân. Nhưng giờ em đã khác, chủ động nói ra suy nghĩ tình cảm của mình, quyết định công khai mối quan hệ của hai đứa mặc kệ lời dị nghị của mọi người xung quanh. Đây là điều mà ngay cả trong mơ tôi cũng không dám nghĩ tới.

Có gì đó chực trào khỏi khoé mi, tôi bèn nhắm mắt, gục đầu vào vai em để bình ổn những đợt sóng lòng.

- Em biết không, chị đã từng giận em lắm, từng trách em ích kỉ vô tâm, khiến chị dù bị tổn thương bao lần mà vẫn như một đứa ngốc chẳng chịu tỉnh ngộ. Nhưng bây giờ chị lại thấy mình may mắn làm sao.

Tôi nhìn ngón tay áp út của mình, nơi đã in dấu ấn hạnh phúc được đánh đổi bằng cay đắng suốt ngần ấy năm.

- Thì ra cõi đời này cũng thật công bằng, bao tủi cực chị từng phải chịu đựng cuối cùng cũng đổi được hạnh phúc mà chị hằng khao khát.

Cảm ơn em. Cảm ơn vì đã xuất hiện, mang ngọt ngào hoà vào những nỗi cay đắng trong đời tôi. Cảm ơn vì đã hồi sinh cõi lòng tưởng như đã chết, mang đến cho tôi một mái ấm thật sự.

Sữa vỗ nhẹ vào vai tôi, tiếng cười vang lên bên tai nghe thật dịu dàng:

- Em biết mình quá đáng lắm, có lỗi rất lớn với chị, lớn đến nỗi có chăng dùng cả đời còn lại mới trả hết. Chị có đồng ý dùng quãng đời sau này để cho em cơ hội bù đắp không? Không cho thì em cũng sẽ tiến tới, nhất quyết không chịu buông tay. Giờ thì về nhà nào. Hôm nay là ngày đặc biệt, em phải nấu thật nhiều món ngon để chúc mừng mới được.

***

Sống trên đời chẳng ai lường trước được chữ "ngờ". Hạnh phúc có thể chợt đến mà con người đôi khi cũng đột ngột ra đi.

Tháng sáu năm ấy, hai đứa em gái của tôi bất ngờ gọi điện báo thằng út mất rồi. Cơ thể suy nhược vì nghiện rượu nặng, đi trong giấc ngủ, chẳng ai hay. Khi nghe tin tôi đã lặng cả người, không phải vì quá đau buồn mà là quá sốc, quá ngạc nhiên. Nó kém tôi hơn chục tuổi, năm nay mới hai mươi. Từ bé tôi đã luôn ghen tị, thậm chí là chán ghét nó nhưng chưa bao giờ nghĩ nó sẽ ra đi sớm như vậy.

Sữa biết chuyện liền hỏi tôi:

- Chị sẽ về nhà chứ?

- Ừ. Dù thằng đó không coi chị là chị nó nhưng vẫn là người nhà, đâu bỏ được nhau, chí ít cũng phải về thắp một nén nhang cho nó.

Thằng út là tất cả hi vọng của bố mẹ tôi, nay nó mất rồi, họ đau buồn đến mức chỉ muốn đi theo con trai. Thấy tôi trở về, họ lại chẳng tiếc mà buông ra những lời cay độc:

- Mày còn về đây ư? Hôm nay mày về là để cười vào mặt bọn tao chứ gì? Sao người chết không phải mày mà lại là nó?

Thái độ của họ đối với tôi vẫn thế, chẳng hề thay đổi theo thời gian chút nào. Chẳng lẽ lỗi của tôi nằm ở giới tính, còn sống cũng là một cái tội? Nếu là trước đây, có lẽ những lời này của họ sẽ làm tôi đau lắm, sẽ làm tôi mất đi lí trí mà cãi chày cãi cối với họ bất chấp hoàn cảnh hiện tại. Nhưng đã qua bao năm rồi, tôi chẳng còn thiết tha gì với cái nhà này nữa, chẳng còn vì họ mà rước bực vào mình. Tôi chỉ thắp nén nhang rồi quay về nhà mình. Ấy mới là nơi tôi thuộc về, mái ấm của riêng tôi.

Bẵng đi gần hai năm trời, tôi lại nhận được một cuộc gọi từ hai đứa em, tụi nó bảo bố đã yếu lắm rồi, nhiều nhất cũng chỉ sống qua Tết, kêu tôi về gặp bố lần cuối.

Vậy là tôi xin sếp Huỳnh nghỉ vài ngày, trở về nhà một chuyến. Hai đứa kia không nói dối, đúng là bố tôi đã yếu lắm rồi. Cả tháng nay nằm liệt giường, ăn cũng chẳng được mấy miếng, phần lớn là uống nước cầm hơi. Lúc mới trở về, tôi còn không nhận ra đây là người đã sinh ra và nuôi nấng mình. Trong ấn tượng của tôi, ông là người to cao vạm vỡ, nóng nảy cục mịch, thường hay mắng chửi con gái. Tôi nhớ những trận đòn roi của ông, đau lắm, hễ ông vung cái thắt lưng da là cả người tôi lạnh toát, sợ rúm còng lại nhưng vẫn ương ngạnh không chịu nhận sai. Hồi bé với tôi ông to lớn lắm, lớn bằng cả bầu trời. Còn người đàn ông nằm trên giường giờ đây lại khác hẳn. Người gầy như chỉ còn da bọc xương, dấu ấn thời gian in đậm trên gương mặt khắc khổ, đến tay cầm đồ còn chẳng vững, cháo cũng nhờ vợ con bón cho. Đây thật sự là bố tôi ư? Là người đàn ông với những trận đòn roi, những cái tát trời giáng năm ấy? Nỗi đau khổ vì mất con trai đáng sợ đến thế sao, còn hơn cả bệnh tật, giày vò một người khoẻ mạnh thành một người gần đất xa trời?

Nhìn thấy tôi, mẹ liền đặt bát cháo xuống, xẵng giọng hỏi:

- Mày về làm gì?

Bố tôi chậm chạp đưa tay lên ngăn cản, thều thào nói từng tiếng:

- Là tôi... bảo nó về. Bà đừng đuổi nó đi.

- Gọi nó về làm gì? Từ khi nó bỏ đi, nó đã không còn là người của cái nhà này nữa rồi.

- Tôi đã gần chết rồi, gọi con về gặp mặt lần cuối cũng không được sao? - Bố tôi khó nhọc trả lời. - Ra ngoài đi, để bố con tôi nói chuyện một lát.

Lời nói của một người gần đất xa trời, có ai dám không nghe, ai nỡ lòng từ chối? Bà chỉ đành trừng tôi một cái rồi cùng hai đứa kia ra ngoài. Tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa đặt cạnh giường, nghe ông nói một câu "Bố xin lỗi" mà ngẩn cả người.

- Bố xin lỗi. Bố có lỗi với con nhiều lắm. Chỉ thiên vị thằng út, hay mắng chửi con, không cho con học đến nơi đến chốn, còn đuổi con ra ngoài. - Nói đến đây, đôi mắt hơi đục của ông chảy ra mấy giọt nước. - Dạo gần đây bố rất hay nằm mơ, nhớ về những chuyện khi con còn nhỏ. Khi ấy trong nhà chỉ có mình con, nhà ta tuy thiếu thốn nhưng rất hạnh phúc, lúc nào cũng rộn vang tiếng cười. Sao lại thành ra thế này? Cùng là ruột thịt, sao bố có thể đối xử với con như thế?

Có gì đó trào khỏi khoé mi, mở tung cánh cửa thời gian, thổi bay lớp bụi phủ bên trên kí ức. Tôi nhớ rồi. Nhớ khi lên bốn lên năm, bà nội có kể tôi nghe những chuyện xảy ra khi tôi còn bé tí. Bà kể bố tôi khi ấy thương tôi lắm, thời gian bố bế tôi còn nhiều hơn cả mẹ. Bố thường bắt ít cua đồng về quấy bột cho tôi ăn cho có chất, hễ rảnh là lại bế tôi đi chơi khắp làng. Hồi đó không có nhiều đồ chơi, bố thường nhặt nhạnh mấy chai lọ không để tôi chơi đồ hàng, thỉnh thoảng còn làm ngựa cho tôi cưỡi. Mọi chuyện đổi thay từ khi nào nhỉ? Chắc là từ lúc mẹ lần lượt sinh thêm hai cô con gái, họ hàng làng xóm bàn ra tán vào, bố tôi dần trở nên nóng nảy, hễ nhìn thấy chúng tôi là khó chịu ra mặt. Kể từ khi ấy, trong ấn tượng của tôi chỉ còn những trận đòn roi mắng chửi của bố, quá khứ hạnh phúc êm đềm xưa kia dần bị lãng quên.

Xung đột giữa chúng tôi ngày một nhiều, quan hệ bố con càng tệ hơn. Đỉnh điểm là khi tôi bỏ nhà đi bụi, hai bố con trở mặt thành thù. Mãi cho đến khi một trong hai đứng trước cửa tử, hai bố con mới làm lành nhưng chẳng còn thời gian bù đắp cho nhau. Bố muốn yêu thương con, con muốn phụng dưỡng bố nhưng không kịp nữa rồi.

- Con sẽ tha thứ cho bố, sẽ ở lại đây chứ?

- Vâng. Vì bố là bố của con, nơi đây là nhà con mà.

Hai bố con chúng tôi nắm chặt tay nhau, chẳng ai cầm nổi nước mắt.

Hai tuần trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến Tết. Sáng mùng một, tôi lì xì cho bé con rồi tranh thủ ghé qua thăm bố. Ông được mẹ tôi nâng dậy, ngồi tựa vào đầu giường. Thấy tôi, ông liền vẫy tay gọi:

- Nhanh lên nào, bố đã lì xì cho mấy đứa em con rồi, chỉ còn mình con thôi.

Chị em chúng tôi đã từng tuổi này rồi, còn nhận lì xì gì nữa. Nhưng tôi hiểu trong những ngày tháng cuối đời của mình, bố tôi muốn bù đắp cho chị em chúng tôi, làm những chuyện mà trước kia ông chưa làm. Bàn tay gầy guộc đến đáng thương của ông nắm chặt phong bao lì xì màu đỏ, run rẩy đặt nó vào tay tôi.

- Năm xưa bố thiên vị thằng út, tiền mừng tuổi cho nó bao giờ cũng nhiều hơn cả, còn ba đứa thì gộp lại mới được vài chục bạc. Giờ bố muốn cho mấy đứa thật nhiều, nhưng các con đã chẳng cần nữa.

- Sao bố lại nói thế? - Tôi cầm bao lì xì đỏ chót trên tay, miệng nhoẻn cười. - Chỉ cần là của bố cho, cái gì con cũng thích, bao nhiêu cũng được.

Đôi mắt mờ đục của ông rơm rớm lệ, hai tay cũng run rẩy không thôi. Đúng lúc đó, mấy đứa con của em gái tôi chạy ùa vào nhà, miệng líu lo chúc mừng năm mới. Bố tôi cất tiếng khẽ gọi tụi nó, mấy đứa nhóc liền chạy lại, ngồi xung quanh ông. Ông vừa đưa lì xì cho từng đứa vừa làu bàu những tiếng yêu thương:

- Tết nhất được nghỉ cũng không được ngủ nướng. Dậy muộn tí nữa là ông cắt phần, không cho đâu.

Một trong số đó lém lỉnh trả lời:

- Con biết ông sẽ để dành cho tụi con mà. Ông không cắt phần đâu.

Đứa khác lại líu lo nói:

- Năm nay tiền mừng tuổi con sẽ không đút lợn nữa mà đưa cho mẹ mua đồ cho ông ăn. Ông thích gì cứ bảo mẹ con mua để sớm khoẻ lại, đèo bọn con đi chơi khắp xóm như năm ngoái nhé.

Ông run giọng "ừ" một tiếng. Tôi cũng không kìm nổi xúc động mà quay đầu đi, lén đưa tay gạt nước mắt.

***

Ra Tết được hơn tuần, bố tôi mất. Trước lúc lâm chung, ông có nắm tay hai mẹ con tôi, trăng trối rằng:

- Tôi không còn thời gian nhưng hai mẹ con vẫn còn sống, vẫn còn cơ hội. Chuyện đã qua thì hãy cho qua, có thể tha thứ được thì hãy tha thứ, đừng để cuối đời phải ân hận như tôi.

Thằng út không còn, tang lễ của bố do ba chị em gái chúng tôi lo liệu. Họ hàng làng xóm vẫn bàn ra tán vào, nói những lời khó nghe như "Không có con trai thì sau này khổ thế đấy". Nghe thấy thế, mẹ tôi vừa thẹn vừa giận nhưng tôi thì bỏ hoàn toàn ngoài tai. Người ta nói cho sướng miệng người ta, để tâm làm gì cho mệt.

Chuyện của bố đã xong nhưng tôi vẫn thường xuyên về nhà thăm mẹ. Người gắn bó với mình hơn nửa đời người giờ không còn, chắc hẳn bà đang cảm thấy trống trải, thiếu vắng lắm. Dù có xích mích gì thì chúng tôi vẫn là mẹ con, vẫn là máu mủ ruột rà, không thể bỏ được. Hơn nữa sống trên đời có ai lường trước được tương lai, bố tôi là một ví dụ, tôi không muốn chuyện tương tự xảy ra với mẹ tôi để rồi sau này phải hối hận cả đời.

- Em tin mọi chuyện đều sẽ ổn thỏa, rồi mẹ con chị sẽ sớm làm hòa thôi. - Sữa ôm tôi an ủi.

Tôi cũng chỉ mong có thế.

Em ngồi xuống giường, lưng tựa vào chiếc gối mềm kê phía sau, ngón tay không ngừng lướt trên màn hình điện thoại, được một lúc đã reo lên:

- Cà Phê này, chị biết chuyện gì chưa, rác vừa được nhập khẩu đấy.

Tôi buồn cười hỏi lại:

- Rác mà cũng có người mua kẻ bán sao?

Sữa đáp nhẹ tênh nhưng tôi vẫn nghe ra trong đó có chút trào phúng:

- Có cầu thì tự ắt có cung thôi. Giờ xã hội đâu coi lương tâm đạo đức ra gì, vậy nên kẻ cắp mới ung dung hưởng lợi, cậy có chống lưng nên suốt ngày vênh váo nói móc mỉa, xỉa xói nạn nhân. Người bán vì lợi nhuận nên không thèm để tâm đó là hàng ăn cắp, người đọc người xem cũng dễ dãi vô cùng.

Giờ tôi mới vỡ lẽ "rác" mà em nói là ám chỉ một truyện ngôn tình Trung Quốc đạo văn. Chuyện này em cũng kể cho tôi nghe ngọn nguồn rồi, tôi là người ngoài cuộc mà còn thấy ấm ức, bất bình thay nạn nhân. Ức thì ức lắm nhưng chẳng thể làm gì, tôi đành mỉm cười, nói lảng sang chuyện khác:

- Xã hội ngoài kia đáng sợ lắm, chỉ có nơi này là bình yên thôi. Đến đây nào. - Tôi dang rộng vòng tay đón em vào lòng, đợi em yên vị rồi mới nói tiếp. - Em còn nhớ sếp Huỳnh không? Tuần trước hai người đã gặp nhau rồi.

- Nhớ chứ, ân nhân của chị và là tình địch của em, sao em quên cho được? - Sữa ngả đầu lên đùi tôi, hỏi. - Sao thế?

Hồn tôi hơi lâng lâng vì câu nói vừa rồi của em, miệng ngọt ngào như nếm phải mật đường, giọng cũng bất giác dịu dàng hơn:

- Sếp Huỳnh đã tìm được nửa kia của mình rồi. Là đàn ông, tuổi xấp xỉ bằng chị.

- Vậy thì sẽ khó khăn lắm đây. Em từng nghe chị kể rằng mẹ anh ấy khá bảo thủ, truyền thống mà.

- Ừ. Nhưng chị tin sếp Huỳnh sẽ thuyết phục được mẹ mình, sẽ làm bà hiểu rằng giới tính không quan trọng bằng tình yêu chân thành, muốn ở bên nhau suốt quãng đời còn lại.

Bốn mắt nhìn nhau, em mỉm cười.

- Em vui lắm. Trước đây em luôn ghen tị với sếp của chị và lo sợ chị sẽ chọn anh ấy vì anh ấy ưu tú hơn, thời gian hai người ở bên nhau cũng nhiều hơn em và chị. Giờ thì em yên tâm rồi, khỏi phải nơm nớp lo sợ chị sẽ bị anh ấy cướp mất nữa.

- Quan hệ của chị với sếp Huỳnh rất phức tạp nhưng tuyệt đối không phải người yêu. - Tôi cầm tay em, hôn lên chiếc nhẫn yên vị trên ngón áp út. - Hơn nữa cả tim chị cũng trao cho em rồi, lo cái gì chứ?

Em trả lời bằng cái nháy mắt tinh nghịch.

- Tim xào ngon lắm.

- Bớt ác đi, chị là người yêu em đấy.

Ngoài miệng thì nói thế thôi chứ trong lòng tôi vui lắm. Em ghen chứng tỏ trong lòng có tôi, yêu tôi như tình cảm tôi dành cho em vậy. Nghĩ đến sếp Huỳnh, tôi càng thấy nhẹ lòng hơn. Tuy biết đời thật không như cổ tích, không có con đường nào chung để tất cả mọi người cùng hạnh phúc nhưng tôi vẫn mong những người quan trọng với mình không phải đau khổ; tuy trong xã hội hiện đại, tình yêu không phải là tất cả nhưng tôi vẫn mong "Những người có tình, xin hãy cho tìm thấy nhau" [1].

[1] Trích trong "Này những phong hoa tuyết nguyệt" của Công Tử Hoan Hỉ.

Tuy tôi và Sữa không tổ chức đám cưới thông báo chuyện hai đứa đến tất cả mọi người nhưng dần dần ai cũng nhận ra, tin đồn bắt đầu lan truyền khắp vùng. Chúng tôi không sao nhưng bé con lại khác. Trẻ con dễ bị những lời đồn tiêu cực ảnh hưởng, Đăng cũng vậy. Mãi cho đến khi cô giáo của nó gọi điện cho tôi bảo rằng nó đánh bạn học, tôi mới vỡ lẽ được sự nghiêm trọng của chuyện này.

Nhìn vết bầm tím nơi khoé môi con, tôi vừa thương vừa giận hỏi:

- Sao con lại đánh bạn?

Trên gương mặt và trong giọng nói đậm nét ngây thơ của bé con hãy còn chút ấm ức chưa nguôi.

- Vì tụi nó nói xấu mẹ và mẹ Sữa, nói hai người biến thái bệnh hoạn.

Lòng tôi nhói lên một cái, nhìn thẳng vào mắt bé con mà hỏi:

- Vậy... con có ghét mẹ không? Có ghét mẹ vì con không có bố, bị mọi người trêu chọc?

Đăng thẳng thắn trả lời:

- Vì sao con lại ghét mẹ chứ? Tuy không có bố nhưng con có đến hai người mẹ yêu thương con. Bọn nó có thể nói vậy là vì không biết hai mẹ của con tuyệt vời đến mức nào. Nhưng mẹ đừng lo, con sẽ lớn thật nhanh để bảo vệ mẹ, không để mẹ bị tổn thương.

Có con mới biết lòng cha mẹ. Đến giờ tôi mới biết một lời nói yêu thương ngây ngô mà quả quyết của con trẻ có thể khiến tôi hạnh phúc nhường nào, mới hiểu nuôi dạy trẻ con khó khăn ra sao.

Khoảnh khắc ấy, tôi ôm bé con mà chợt nhớ về mẹ, lòng thầm nhủ nhất định phải làm hoà với bà. Khi ấy cuộc sống của tôi mới đủ đầy, hạnh phúc mới trọn vẹn. Tôi nhắm mắt, trong đầu vẽ lên viễn cảnh một tương lai hạnh phúc: Gia đình đầy đủ, trên có mẹ hiền, dưới có con ngoan, bên gối là người tôi yêu nhất.

Tôi tin chuyện ấy sẽ đến, vào một ngày không xa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro