§3.1 Xướng ca vô loài [ Backstory ]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

§3.1Xướng ca vô loài [ Backstory ]

Năm quan đổi lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người có duyên..

===

Một thương, tóc xõa ngang vai

Hai thương, đi đứng vẻ người đoan trang

Ba thương, ăn nói có duyên

Bốn thương, mơ mộng

Đôi mắt huyền càng nhìn thêm xinh [1]

...

1*

Giọt gianh nối nhau mà giội lên hai con nghê đá cạnh cổng.

Mưa lớn thật đấy. Mưa gõ trên mái ngói âm dương mà ngỡ như điệu Lưu Thủy Kim Tiền [2] vừa được tấu ban nãy vẫn còn quanh quẩn.

Nhà từ họ Phan, khói nhang nghi ngút, người đứng chen chân, phần nhiều là đám rước cô Thuôi được cụ Phan vời về từ Phú Giáo để góp vui trong đám giỗ gia tiên. Nghe nói năm nay họ Phan làm giỗ to lắm, tưng bừng hệt như lễ tế Nam Giao [3] dạo nọ, lại mời các quan lớn ở kinh sư về chơi, thể nào sang năm dân làng Kình lại chẳng được ăn cưới linh đình. Cụ Phan còn đến hai cô con lớn chưa gả đi mà !

Nhưng ấy là chuyện của sang năm.

Vừa dứt trống lễ thì thình lình trời đổ mưa tầm tã. Ai nấy xôn xao, kẻ thì đánh ngáp, người lại run cầm cập, xoắn xít xoa tay. Chiều tối tháng mười, thầy trò khăn áo xúng xính trắng phau, quần là áo lượt, sức mấy lại dám đội mưa mà về !

Thị đang đứng trú mưa với mọi người, miệng lẩm nhẩm 20 câu lớp mái [4], thì có ai đến vỗ vai nói nhỏ.

Thị xoay đầu nhìn.

Là một ông bộc già, nét mặt đôn hậu.

2*

Ở một góc linh từ, người quỳ cứ quỳ, người khấn cứ khấn.

Thị quỳ ở dưới nền gạch lạnh. Hai đầu gối mỏi nhừ.

Chả bõ cho thị, ở phía đối diện, kẻ nọ nhơn nhởn vắt chéo giò trên ghế dựa. Người đàn bà nọ mặc áo dài, bên ngoài phủ thêm một chiếc áo bông chần, trông không rõ dáng người. Khuôn mặt ấy phải miêu tả sao nhỉ ?

Trẻ thì trẻ đấy. Cũng son phấn nhàn nhạt như những bậc mệnh phụ thị hay thấy ở chốn kinh kỳ. Cũng cái mấn cao màu nâu sồi, cũng cái kiềng bạc lấp lánh, cũng khoác thêm cái khăn chéo kẻ sọc như mấy tiểu thơ Hà Đông tân thời học đòi làm dáng lòe đời.

Nhưng xem kìa. Cái mắt kia là đang nhìn thị đúng không ? Cái miệng kia là đang cười với thị phải không ?

Rõ ràng khuôn miệng người nọ đang cong lên, nhưng sao thị lại thấy rờn rợn sau gáy.

Thị lấm lét ngước nhìn người ngồi ghế trên. Hàm răng trắng nhởn [5]. Trông cứ dị dị sao ấy.

- Đừng sợ. Cô không có ý gì.. Chẳng là, khi nãy nghe nhà trò [6] hát bóng rỗi [7], làm cô chợt nhớ lại chút chuyện cũ ở quê nhà. Cho nên, muốn hỏi riêng đôi chút về ngón đàn vui tai ban nãy.

Người đó mở lời. Thị thở phào một hơi.

À thì ra là muốn rước nhà trò về hát lễ, làm thị cứ tưởng..

- Chẳng hay, nhà trò vào nghề đã lâu chưa ?

- Bẩm bà, kể cũng gần tròn mười năm.

- Nghệ danh là gì ?

- Hồi bà, phận tôi đòi hèn kém như nữ, chẳng dám xưng là. 10 năm trải chiếu hát xẩm, người qua đường nhớ mặt đều quen miệng gọi nữ bằng hai tiếng Tào Thị.

- Tào Thị ?

Thị đỏ mặt. Bất ngờ có, hoảng hốt có. Xưa nay chưa từng có ai trắng trợn hỏi thẳng thị câu này. Chưa một ai.

Thấy thị ấp úng, người kia bỏ tách chè ngự trên tay xuống, nghiêng đầu lé mắt mà nhìn. Một tay phe phẩy chiếc quạt sừng kim châm, môi vừa tủm tỉm mà ngâm :

-"Có người dòng dõi lễ thi

Tên là Tào Thị dung nghi dịu dàng

Khen thay giá đáng ngàn vàng

Gặp cơn gia biến nhỡ nhàng bao phen

Hái rau ngoài nội nghèo hèn

Xin chàng ra đón kết duyên châu trần" ?[8]

Lẽ nào, là nhân vật này chăng ?

- Hồi bà, chính phải.

Thị đáp, giọng ngang phè, gãy cả lớp mái. Theo cái diêu đầu của thị, tóc thề đổ xuống, che đi phần lớn khuôn mặt đang son phấn nhoe nhoét vì mồ hôi. Thị có chút khó chịu vì ánh mắt đánh giá của người đối diện.

- Năm nay nữ đã bao nhiêu rồi ? Dượng đào [9] đã có hay chưa ?

- Bẩm bà, vừa đúng một giáp. Còn.. chuyện dượng đào.. Con còn chưa nghĩ đến chuyện chồng con đâu !

Nói đến cuối, thị nhăn mặt. Ai đời đi hỏi nhà trò chuyện gia thất ? Thế có lạ hay không chứ lị ?

Thị phồng má. Còn người nọ thì ho khan liên tục.

Rất nhiều năm về sau, Tào thị mới biết vị công tằng tôn nữ khi ấy là đang nhịn cười.

Rõ là còn trẻ, nhưng lại xưng là Tào Thị, một phụ nữ hai đời chồng, tiếng xấu đeo gông. Thế có tréo ngoeo hay không ?

Rồi từng nhịp nhặt khoan, vẫn đang quỳ, Tào thị nghe thấy một giọng thánh thót như lời sấm mà rằng:

- Ra thì ta cũng biết đến kẻ này. Số phận hẩm hiu, chẳng ai thương yêu, một kẻ vừa đáng thương vừa đáng hận. Gá nghĩa kết đôi cũng do lợi ích đôi bên, do mai mối chứ có phải yêu thương gì mà lấy nhau. Tội nhiều mà công trạng cũng không hẳn không có. Xưa nay, "Bực thánh nhân không ai dám nhận mình chưa từng có sai lầm, và kẻ đại ác trong muôn nghìn tiền kiếp ít nhất đã từng một lần cứu rỗi cho sinh linh."

Hết tình còn nghĩa. Giả như Tào Thị không đối xử tệ bạc với hai con chồng, thì cái sự dâm loàn của nàng cũng không đáng để bị thẳng tay đuổi khỏi nhà như vậy. Nhưng thôi, chính thị cũng phải tự chịu trách nhiệm vì những phút yếu lòng của mình đó sao ? Thị không thể chờ mong vào sự thương hại bao dung của kẻ khác. Nửa đời người còn dài, về sau thị có ăn năn sám hối hay không, có giác ngộ, có trở mình vực dậy được hay không, thì ở đây truyện lại không có chép tiếp.

Lại nói, một chính thất công dung ngôn hạnh toàn vẹn như Cúc Hoa, người vợ tào khang, được nối lại duyên trần, mà phải nhìn phu quân nạp thêm thiếp thất, thì chẳng thà Cúc Hoa không tái sinh, thuận theo ý trời mà ngoan ngoãn chuyển kiếp. Nhưng ôi. Là nàng cãi lại ý trời. Người âm mà lại muốn nhúng tay với chuyện dương thế. Nghiệp duyên còn nặng. Đó là nhân quả của nàng, sự lựa chọn của nàng, không thể oán thán người khác.

Và liệu Tiến Lực, Nghi Xuân có thật sự ấm êm dưới mái nhà nay đã có thêm cốt phụng của kế mẫu Xuân Dung hay không ? Đó là chuyện còn bỏ ngỏ. Ta không thể trông đợi gì vào một người cha rước hết dì ghẻ này đến kế mẫu khác về chăm lo cho con mình. 2 đứa trẻ hoặc phải trưởng thành sớm, hoặc phải rơi vào thảm cảnh như khi chung sống với Tào Thị khi xưa.

Nhưng ôi, nữ mong đợi gì ở một thế giới của các bậc đại Nho, nam tôn nữ ti, đa thê là lẽ thường ? Nơi phẩm giá người phụ nữ được đặt lên cán cân để cân đo đong đếm. Người đàn bà bị áp đặt vào "tam tòng tứ đức", bị ràng buộc vào "trinh tiết", còn các đấng nam nhi đa tình vũ phu thì mặc nhiên không ai phán xét. Nói đi cũng phải nói lại. 4610 câu thơ đó chỉ là sản phẩm văn chương của một bậc hủ nho, chỉ nên ngâm nga lúc trà dư tửu hậu mà chẳng phải thánh kinh để học tập thực hành. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa sách truyện và hiện thực vậy.

Thị tròn mắt. Ừ thì lạ..

Cách ngôn hành của người này sao mà táo bạo làm sao, trái khoáy làm sao. So với cách ăn vận rõ là đối nhau chan chát. Mới vừa rồi thị còn đinh ninh rằng đây hẳn là một tiểu thư nhũn nhặn, một dạ hai vâng. Nhưng những lời này..

Một chút đồng điệu đánh vào lòng cô gái trẻ. Bẵng đi rất lâu, thị trầm ngâm. Nhiều năm qua, thị chỉ đơn giản cho rằng đó là cái nghệ cái danh, chưa từng nghĩ sâu đến vậy. Mà giờ đây, thời khắc này, có người thay thị đi suy nghĩ, đi cắt nghĩa. Còn là một người lạ, chưa từng gặp mặt..

- Ăn chứ ?

Thị ngẩng mặt thì thấy một đĩa bánh nậm được giơ đến ngang đầu.

2*

- Có biết hò Ba lý, hò Giựt chì [10] hay không ?

- Thưa, có biết chút ít.

- Có biết hò Cống Chùa [11] hay không ?

- Thưa, có nghe vài lần.

- Hát được mái nhì mái đẩy [12 ] như trong lễ vừa nãy, vậy Hò Hụi Bình Trị Thiên [13] chắc cũng không xa lạ với nhà trò. Vậy nhà trò nghe thử xem đây là điệu gì ?

Tay bưng đĩa bánh nậm, thị trừng mắt. Từ lúc nào trên tay người nọ đã là sanh tiền [14], rồi cứ thế thật tự nhiên hào sảng mà hò mà xô [15].

"Hò khoan (hơ) hời khoan (hơ) mời bạn xô (hơ) hô khoan

(Xô) Ơ là hô!

Thiếp gặp chàng dạ mừng hớn hở

Chàng gặp thiếp như mà hoa nở trên (hơ) bồn

(Xô) Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan..

Nghiêng tai mà hỏi với trai khôn

Thầy mẹ ở nhà đã sửa (hơ) chậu

(Xô) Ơ là hô!

Ơ (hơ) sửa chậu xây bồn mô (hơ) chưa

(Xô) Ơ là hô!.. " [16]

Rồi thì ngưng. Giọng hò nho nhỏ, phần vì trời mưa rỉ rả, một góc linh từ cũng không truyền xuống tới nhà chính. Một số người trú mưa gần chỗ bọn họ đều là người của gánh cô Thuôi. Người nhà họ Phan tuyệt không ai hay biết, vẫn đang hân hoan trống lễ xập xình bên tổ tôm, bên tứ sắc, bên bàn đèn.

Hoằng Nguyên dừng hò, sênh tiền vẫn cầm nơi tay, ánh mắt chờ mong. Vẫn không nhận được đáp trả. Nàng hơi buông cánh tay phải xuống, tựa vào gối trái dựa. Ngón trỏ tay trái day lên đuôi mày, những ngón còn lại để hở, hơi hơi che khuất gương mặt.

Đẹp mặt làm sao !

Nàng cảm thấy tối nay mình có hơi say rồi ! Tự dưng lại tò mò về tiếng đàn của một con hát ất ơ nào đó. Lại sai người tìm đến để nói chuyện riêng. Lần đầu tiên nàng vì phút hứng chí bốc đồng tuổi trẻ mà mang lời ca tiếng hát của mình ra khỏi chốn khuê phòng. Không khéo, bị truyền ra ngoài, lại bị chế nhạo là không biết lễ nghĩa, cùng một tuồng với cái lũ xướng ca vô loài !

Đây có thật là phong cách xưa nay của đích nữ quan Thượng thư bộ Lễ hay không ?

Nàng lại nhăn mày, cái kiểu nhăn mày mà cô Bạch Trúc, trưởng nữ của quan Thượng thư bộ Công, học đòi bắt chước hoài mà cũng không xong. Thật lạ khi những bậc tài nữ bọn họ ví như kẻ thù không chung vòm trời, nhưng thói ăn nết ở của nàng ra sao, thì các vị tiểu thư chốn kinh sư cứ quyết rập khuôn như từng ấy. Chẳng biết là do gia trưởng ở nhà bắt buộc gượng ép, hay là còn lý do như nào. Không ai bảo ai, vậy nhưng, một khi nhắc đến một tố nữ sắp tiến cung diện thánh bắt buộc phải có những phẩm chất như nào, thì hình tượng con gái quan Thượng thư bộ Lễ luôn được mang ra làm thước đo khuôn sáo. Bề trên ngoảnh mặt, bề dưới ngơ tai, thì lẽ ghét thương cũng là chuyện thường.

Thật may là giữa các tài nữ bọn họ chưa từng có những cuộc đụng độ để mà kẻ dưới được dịp so sánh ai mới là chân hình, ai mới là giả dạng. Xưa nay, các bậc cao ngạo thường chẳng ưa nhìn thấy mặt nhau. Âu cũng là cái liễn !

Nàng tự nhận mình là kẻ xa người lánh đời. Nhưng hôm nay..

Quay mặt phiền chán ảo não, nàng xếp quạt lại. Nàng nghĩ nàng nên ban thưởng cho người ca nhi này một món tiền nho nhỏ nào đó, sau đó nhanh chóng trở về biệt viện họ Phan nghỉ ngơi, như vậy..

"Bêu xấu rồi, nếu lệnh bà không chê.."

Trong cơn men say, Hoằng Nguyên ngẩn người.

Sênh tiền trong tay không hiểu khi nào đã nằm gọn trong những ngón sen của người con gái nọ. Nhoẻn cười lúm liến, người con gái trẻ không đáp lại câu hỏi vừa nãy của nàng mà là.. hò đáp.

Một buổi tối nọ, trong góc linh từ nhà cụ cố Phan Anh, thằng Sên đi ăn cỗ với cậu cả Vinh, đang trú mưa thì nghe được có tiếng ai hò. Giọng con gái mượt mà đằm thắm:

"Hơ ơ..

Anh nỏ thiếu chi nơi màn loan mà chiếu kế

Nỏ thiếu chi nơi mà cao bệ dài (hơ) giường

(Xô) Hơ hô khoan ơ là hò khoan ơ hò khoan

Em đừng chê anh nghèo mà tráo đấu lường thưng

Em chớ nghe thầy ơ với ơ (hơ) mẹ

(Xô) Ơ là hô!

Ơ hơ với mẹ khiến em đừng có thương ơ (hơ) anh

(Xô) Ơ là hô !

..."

***

Người xứ Thần Kinh kháo nhau rằng, những cơn mưa Phú Xuân một lần rơi là đằng đẵng cả tuần, lê thê cả tháng, mà những cơn mưa tình thì kéo dài cả đời, cả kiếp, day dứt chẳng nguôi.

Lần đó là lần đầu thị đến chốn kinh kỳ Phú Xuân, cũng là lần đầu thị gặp người đó.

Thị vốn là người con thứ 9 trong số 12 anh chị em dòng họ Võ, vì nghèo khó nên theo chân thầy đờn mù Hai Khị rày đây mai đó, cuối cùng nhập gánh cô Thuôi. Thị nghèo đến nỗi không có nổi một cái tên. Bạn xướng trong nghề chọn tên riêng cho thị là Yên Tử Sa như một lời khen tặng ẩn ý. Yên Tử Sa là tên thị mà Tào Thị cũng là tên thị.

Thị năm đó còn trẻ con.

Thị năm đó còn chưa biết Nam ai, Nam bình, chưa biết Hành vân, Lưu thủy, Nghinh xuân [17], chưa hề biết đến chữ "tình".

Thị năm đó không ngờ một cuộc gặp gỡ lại khiến Bến Ngự đôi bờ hoài mong, thầm thương trộm nhớ, chưa kịp "hớn hở" đã phải đau lòng. Cảm vì tài hoa, mến vì mộ đạo, yêu thương quyến luyến một tiếng tơ đồng, mà chia cách cũng bởi âm sắc tùy gió mà bay, mong manh ngần ấy.

Sáo thổi ngang, tiêu thổi dọc. Vốn dĩ là quy luật tự nhiên, cũng như đời người phải trải qua Sinh, Lão, Bệnh, Tử; trời đất luân phiên Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn cảnh đời thịnh trị của vương triều Nguyễn Phúc gia chỉ mới vừa qua, lạ lùng thay, Tứ Đại Cảnh [18] nay cũng đã thành Tứ Đại Oán [19].

Mưa bên dòng Hương hay bên dòng đời, mưa chẳng dứt ?

./

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro