Hồi một: Đăng cơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bửu Nam lạy xong năm lạy, ngài cung kính đứng lên, một lần nữa nhận ra quanh mình đã được bao phủ bởi sắc vàng và khối kiến trúc nguy nga bề thế. Xắn nhẹ tay áo tấc rộng hòng vơi đi cảm giác luộm thuộm, hồ nghi khăn vấn xếp trên đầu quá chặt, khiến tâm trí ngài có chút mơ hồ.

Quả thực Bửu Nam đang đứng ở giữa điện Cần Chánh.

Hai người đàn ông râu ria tỉa tót áo mão cân đai chỉnh tề từ hướng sân trước điện khom lưng bước về phía Bửu Nam. Mãng bào gấm đoạn màu cổ đồng, thân vạt trước thêu tiên hạc và kỳ lân bằng chỉ ngũ thể tinh xảo từng đường kim mũi chỉ. Rõ ràng là đại thần nhất phẩm hai bên văn võ, ngài thầm đánh giá trong lòng. Song tỉ như có thể nhìn thấy rõ mặt mũi, Bửu Nam cũng không phân biệt được danh tính họ. Tất cả những người ra vào chốn này, bất kể trên dưới, đều có một vẻ mặt nghiêm trọng như nhau.

Chính Bửu Nam vẫn chưa hoàn toàn tin lần đầu tiên bước về Đại Nội sau mười năm, lại là trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Mẹ ngài là một phi tần bị tiên đế ghẻ lạnh, từ năm hai mươi tuổi đã có ý muốn lánh xa cõi nhiễu nhương, ngày ngày làm bạn với tiến tụng kinh gõ mõ. Dân gian có câu: hồng nhan bạc mệnh, âu cũng thật hợp để nói về bà. Số kiếp chồng chung tựa bản án chung thân dai dẳng không có ngày tự do. Bước chân vào Tử Cấm Thành đối với người con gái tài sắc vẹn toàn có thể là giấc mơ có thật, song mãi mãi có được trái tim đấng trượng phu mới là chuyện ngoài tầm tay với hơn cả hái sao.

Hơn mười mấy năm lỡ làng với thân phận hữu danh vô thực, kể từ hôm mai, Tam Giai Khiêm Tần Trương Thị Mây sẽ không còn là một bóng mờ giữa tam cung lục viện. Dẫu kiên tâm không cùng Bửu Nam quay về, bà vẫn kịp nhắc lại với ngài năm chữ Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín trước khi toán lính khiêng kiệu ngài rời đi. Những phép tắc lễ nghi mà bà luôn nghiêm khắc răn dạy Bửu Nam suốt mười ba năm đầu đời cùng công của đổ vào nuôi ngài ăn học đã không hoài phí như ngài từng nghĩ. Từ một vị hoàng tử lưu lạc, ai lường Bửu Nam sắp sửa một bước trở thành đế vương.

Trước mắt là bốn quốc bảo truyền ngôi. Một ngọc tỉ, một hốt ngọc khắc hai chữ "Vương mệnh", một long bào xếp gọn, một Kim Sách bên trong chiếc tráp thếp vàng. Chính là thiên hà xã tắc, là tương lai vận mệnh Đại Nam.

Bửu Nam ngẩng đầu. Mặt trời ắt hẳn đã lên cao, hiện là giờ lệnh để hành lễ. Trên những chiếc chiếu hoa, bá quan văn võ đã cung kính đứng lên sau màn vái lạy, chờ đợi ngài từng bước hoàn thành nghi thức. Bửu Nam biết mình không nên trì trệ. Ngài đặt gối quỳ xuống sàn điện, trên đầu là mái vòm cao chạm khắc tứ linh khảm xà cừ mai lan cúc trúc, tứ bề toà thành tráng lệ bao vây. Giữa bầu không khí uy nghiêm của buổi lễ tiếp nhận bảo vật truyền ngôi, bỗng dưng, cảm giác nhỏ bé và trơ trọi không nên có dâng tràn lên từ đáy lòng vị thiếu tân quân.

Nơi chốn này là một khái niệm quá đỗi xa lạ đối với Bửu Nam. Chẳng một lời nói nào vang lên, bên tai ngài chỉ là thanh âm nhịp tim đều đặn. Không còn tiếng chim hót, hay những rặng trúc đung đưa xào xạc, không còn từng buổi chiều nâng sách nghiêng đầu luyện chữ trên chõng tre. Đây ngai vàng khảm rồng mây uốn lượn ngự trên ba tầng sơn son, kia lầu cao gác tía, giữa lồng ngực ngài là một khối hỗn loạn vô hình.

Đối diện hoàng áng, Bửu Nam đưa hai tay tiếp nhận lần lượt từng bảo vật từ tay quan đại thần, nâng lên ngang trán, thành kính xá một xá rồi cẩn trọng trả về vị trí cũ. Viên quan Nội các quỳ dâng Kim sách, Bửu Nam vén ống tay áo, nhẹ nhàng lật mở, hơi lạnh từ tấm vàng bám hờ nơi ngón tay ngài. Đây chính là minh chứng quyền lực một vương triều, áng quá khứ vàng son thịnh trị mà đức Thánh Tổ đã khắc thành di nguyện. Chiếu theo Nhật tự bộ nhị thập, Dương là tên mới sẽ phủ lên cuộc đời ngài từ ngày đăng cơ.

Đầu óc ngài trống rỗng một cách thật kỳ quặc. Ngài không rõ mình nên nghĩ về điều gì trong giây phút mày mới là thích hợp. Ngôi báu, quyền lực, hay mùi thuốc súng vẫn đang ngày đêm thắp sáng những cánh đồng. Khi Bửu Nam cung kính quỳ tại đại điện chờ đợi phút giây trở thành đế vương, thần dân của ngài ngoài kia ắt thêm một ngày chịu đựng gian truân.

Bửu Nam cúi người vái ba vái nữa, dưới sự chứng kiến của bốn bảo vật truyền ngôi và toàn thể khâm sai quần thần, tạ lễ.

Một đêm trước lễ phong vương, Bửu Nam bỗng nhớ ánh trăng trên đỉnh núi Dụ Hoa da diết. Trở về Đại Nội chưa tròn tháng, ngài vẫn còn lạ lẫm với nơi này. Một mình rời khỏi tư cung, viên cung giám được phân công hầu hạ ngài còn liên miên căn dặn thánh thượng xin hãy mặc ấm. Ngài chỉ cười rồi xua tay, "Đừng vội gọi ta là thánh thượng." sau đó khoan thai rảo bước.

Trời sắp lập đông, gió đêm thông thốc thổi tới khiến Bửu Nam bất giác co ro. Dãy hàng lang bất tận được thắp sáng dưới ánh đèn lồng soi bóng ngài đơn côi in trên thành vách, qua những chấn song đồ án chữ thọ cầu kỳ, từ ngày mai, đã là một Bửu Nam thật khác.

Nếu không phải nhầm lẫn mà mất công đi lòng vòng, có lẽ ngài đã có thể đến kịp để nhìn trăng lên. Cũng may nhờ hai cung nữ tình cờ ngang qua, nhìn thấy tân vương đi đi lại lại trên sân cung Càn Thành cũng đoán được đức ngài chưa quen đường đi lối về. Là người vốn quen lễ nghĩa từ nhỏ, ngài cúi đầu đa tạ, nào ngờ hai cung nữ tái mặt khấu đầu mong thiên tử miễn tha tội chết.

Bửu Nam ngẩn người, rồi lại quay về với hiện thực, phất tay ra hiệu cho phép hai nàng lui.

Khi ngài chạm tay đến thành lan can gỗ, vầng nguyệt trung tuần đã kịp lẫn trốn sau những áng mây. Từ lầu Minh Viễn nhìn ra lúc này, ngài chỉ thấy sơn hà chìm đắm trong bóng đêm tăm tối, cả ngọn đèn kéo quân treo trên mái ngói âm dương cũng đang yếu ớt lay lất trước gió đông.

Ngài thở dài, suy nghĩ một hồi lâu. Bỏ lại tiếng khánh ngân vang sau lưng, chiếc bóng độc hành quay gót rời đi.

Suốt đêm đó, trên chiếu gấm phảng phất mùi mới nguyên và căn phòng buông rèm lộng lẫy, Bửu Nam thức trắng.

* * *

Tài liệu sử sau này có chép:

Sau khi Đức vua Thiệu Khâm đột ngột băng hà, hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Nam vốn theo mẹ lánh đời tại một am ni trên núi Dụ Hoa, bỗng dưng được hai vị quan phụ chính là Phạm Duật và Lê Minh Đường mang võng lọng đến tận cổng am, rước về kinh đô Huế làm vua.

Bà Tam Giai Khiêm Tần Trương Thị Mây vốn là ái nữ duy nhất của cựu Lễ Bộ Thượng Thư dưới thời tiên đế. Chán nản nạn lộng quyền phân chia phe cánh đã ăn sâu vào nếp, thân phụ bà xin cáo quan về quê, từ đó chính bà cũng bị người đời phao tin bôi nhọ. Phía sau hào quang của vương triều luôn là những góc khuất tối tăm. Trong chiếc chăn êm ấm đó, Trương Thị Mây sớm đã đếm được có bao nhiêu con rận không thôi cắn cấu, rút rỉa da thịt đến đau nhức khôn nguôi.

Giữa xã hội lấy Nho giáo làm kim chỉ nam, bà là trường hợp nữ giới hiếm hoi từ nhỏ đã được đích thân cha dạy cho thuần thạo Tứ Thư Ngũ Kinh. Tuy làm quan dưới vương triều phong kiến, nhưng ông cụ thân sinh là người có đầu óc cởi mở. Bên cạnh giữ gìn lề thói truyền thống dân tộc, ông cho bà theo học tư thục Pháp, tiếp thu làn gió văn minh tân tiến, để nhìn ra thứ mà người Tây Dương nhân danh để khai sáng cho bờ cõi này.

Trở thành cung giai chính là điều không ngờ nhất trong cuộc đời bà, vùi chôn cả tuổi xuân cho một thân phận bẽ bàng càng không phải là điều mà bà có thể chấp nhận. Vậy nên, Tam Giai Khiêm Tần trở thành trường hợp vô tiền khoáng hậu, là người của vua nhưng lại dám từ bỏ phẩm vị, từ bỏ nhà vua, cam phận một thân một mình vò võ nuôi con. Trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, bà vẫn quyết tâm dạy dỗ hoàng tử Bửu Nam, ngấm ngầm ôm ấp tham vọng đưa con trai quay về ngồi lên ngôi báu.

***

Sân điện Thái Hoà mới vào đầu giờ Thìn đã đông kín quan lại xếp hàng, đủ mọi phẩm vị chức tước. Trải từ kinh thành đến những huyện phủ xa xôi, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những lời bàn tán.

Người gật đầu tấm tắc vương triều dòng họ Nguyễn Phúc xử lý khủng hoảng quá nhanh chóng và quyết đoán. Ông hoàng Bửu Nam tuy từ nhỏ đã rời xa hoàng cung, nhưng nghe đâu lại là bậc quân minh phẩm giá hiếm hoi, xứng đáng đảm đương trọng trách cơ đồ. Non sông Đại Nam thịnh trị hay suy tàn đều đặt vào canh bạc này, rất đáng để một lần kỳ vọng.

Song tất có kẻ sĩ vừa nghe xong chuyện tiên đế băng hà một cách mờ ám, đã đoán biết chuyện chính sự chốn thâm cung vốn có nhiều uẩn khúc. Quân Pháp Lan Tây vẫn đang lăm le ngoài cửa biển, khắp nơi dân đen ai oán lầm than. Đế nghiệp thiên thu năm nào giờ đây chỉ còn là một con kình ngư thoi thóp nằm chờ chết. Hơn nữa, ngôi báu kia truyền cho ông hoàng Bửu Nam nhưng không có chiếu truyền ngôi, há chẳng phải chỉ là một trò chơi vương quyền bịp bợm thôi sao.

Nhưng mặc cho tiếng đời dị nghị, Nguyễn Phúc Bửu Nam, nay là Nguyễn Phúc Dương, vẫn chính thức khoác lên mình long bào, chân đi đôi hia thêu hình rồng, đầu đội mũ xung thiên đĩnh đạc ngự lên ngai vàng trong tiếng hô vang đồng loạt từ toàn bộ quan lại chầu trên sân điện.

"Hoàng thượng vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!"

Tân quân lấy niên hiệu là Đồ Nam. Hai chữ này là do ngài chọn. Trong số vô vàn những vận mệnh đã sắp đặt sẵn sàng cho cuộc đời mình, Bửu Nam hi vọng lịch sử mai đây không chép về ngài như một ông vua bù nhìn ngô nghê, từ quốc gia đại sự đến tiểu tiết cỏn con cũng không thể tự mình quyết định.

Sách Trang Tử có lời ngụ ngôn rằng: cá côn hoá ra chim bằng, mỗi lần bay chín vạn dặm, khởi từ phương bắc bay về bể Nam, gọi là đồ nam. Nếu hiểu một cách bao quát hơn chính là chí xa vọng lớn.(*)

Đó là hoài bão của chàng thiếu niên Nguyễn Phúc Bửu Nam, tân quân vương lên ngôi trị vì khi mới mười bốn tuổi, giữa bối cảnh thiên hà xã tắc suy vong.


Tay cầm hốt ngọc ngay ngắn trước ngực, mặt trời đỏ rực trên đầu, Bửu Nam bỏ ngoài tâm trí sự hiện diện của phái đoàn toàn quyền Đông Dương cùng toà Khâm sứ Trung Kỳ, trước ánh mắt sâu thẳm chỉ có non sông gấm vóc Đại Nam nối liền một dãy.

Nhã nhạc mừng thánh thượng lên ngôi từ đằng xa vọng về, vấn vương trong từng rường cột đại điện Thái Hoà. Phía sau hình ảnh uy dũng oai nghiêm của bậc đế vương trong lễ đăng cơ, mang trên lưng vận mệnh quốc gia dân tộc, dường như chính ngài cũng quên mất bản thân chưa kịp trưởng thành.


Đi Nam Th thiên Vĩnh mnh Truyn quc t.

Chín chữ đỏ thắm từ ngọc tỉ in xuống mặt giấy soạn sẵn ân chiếu, bố cáo khắp thiên hạ một triều đại mới đã chính thức bắt đầu.








----


Lưu ý trước tiên chính là toàn bộ các nhân vật xuất hiện đều không có thật.

Lưu ý tiếp theo là đây là lần đầu tiên mình viết cổ trang, cho nên cô bác bạn bè anh chị em giơ cao đánh khẽ thôi huhu.


(Kim sách)

Năm 1823, vua Minh Mạng đã làm bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi để quy định các chữ đệm đặt tên cho con cháu các thế hệ sau, chép trong Kim Sách.

Kim Sách gồm 13 tờ bằng kim loại vàng, khổ chữ nhật đứng, gồm 2 tờ bìa trước và bìa sau chạm hình rồng với mây, 11 tờ còn lại khắc chữ Hán, gáy đóng 4 khuyên tròn.

Bài Đế Hệ Thi gồm 20 chữ, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ từ vua Minh Mạng trở về sau.

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Xương

綿洪膺寶永
保貴定隆長
賢能堪繼述
世瑞國嘉昌

Ngoài ra, các hoàng tử mang tên theo "Đế hệ thi" tương ứng thế thứ, nhưng không phải gia đình thích gì đặt nấy, mà phải chọn chữ theo bộ thủ Hán tự được "Ngự chế mạng danh thi" ban bố chặt chẽ.

Khi hoàng tử được chọn kế nghiệp, thì ngoài tên kép được đặt trong lúc còn làm hoàng tử, sau ngày đăng quang thành vị vua mới, ngài sẽ chọn một tên đơn; đó là 1 trong 20 chữ thuộc bộ日/ nhật chép sẵn trong kim sách, phải theo thứ tự mà chọn lấy. (Vậy nên Mặt trời (Nhật) chính là hình ảnh đại diện cho vương triều và các hoàng đế nhà Nguyễn. Hình ảnh Mặt trời luôn xuất hiện trên các công trình kiến trúc, nội thất hoàng cung, mũ mão của hoàng đế.)

Tuyền Thì Thăng Hạo Minh

Biện Chiêu Hoảng Tuấn Điển

Trí Huyên Gián Huyên Lịch

Chất Chiết Yến Hy Duyên.

(Trong fic thì mình có dùng tên Dương cho nhân vật Bửu Nam khi lên ngôi, cũng thuộc bộ Nhật.)

(Cửa đồ án chữ Thọ)



Hốt ngọc (trên cùng, được hoàng đế và quan lại dùng cầm trên tay mỗi khi thiết triều, tuy nhiên chỉ của vua mới được làm bằng ngọc.)


Khánh treo trên mái ngói âm dương

Pháp Lan Tây là cách gọi tên nước Pháp của người Việt ngày xưa (theo cách đọc chữ Hán Việt)

Cung giám: tức thái giám

Cung Càn Thành: tẩm điện của Hoàng đế triều Nguyễn

Điện Cần Chánh, điện Thái Hòa: Nơi thiết triều của vua triều Nguyễn. Trong đó điện Thái Hòa là nơi diễn ra các lễ tế lớn như Đăng cơ, tang chế, v.v...

(*) Thông qua Ngày ngày viết chữ.


Tất cả các thông tin tài liệu là tìm hiểu từ internet.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#nomin