I - Tâm Huyết Không Được Thừa Nhận

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tô Hải Thị, nức tiếng là thương cảng tấp nập bậc nhất của xứ Trung Địa và cũng như là của cả Đông Linh Đại Lục, nơi mà mọi thương thuyền đều phải cập bến, mỗi ngày hàng vạn những con thuyền lớn, nhỏ ra vào liên tục không ngơi nghỉ. Nhưng, thương cảng Tô Hải Thị lại chưa phải là niềm tự hào lớn nhất. Sự thịnh vượng của nơi đây không phải là tự nhiên mà có, nó là tổng hợp lại những thành tựu phi thường của người đi trước và sự phấn đấu không ngơi nghỉ của những người đi sau. Đông Linh Tô Hải Học Viện chính là nơi ươm mầm cho những cố gắng không ngừng nghỉ ấy, nơi ấy đã có tuổi đời rất lâu mà cả những người thông thái nhất cũng chẳng thể nhớ nỗi.

Đâu đó, bên dưới những con đường tấp nập người qua kẻ lại. Một hình bóng thư sinh, tóc tai lôi thôi che luôn cả vầng trán, quần áo nhăn nhúm do không được là ủi, gương mặt có nét hiếu động đương hớt hải vừa chạy vừa nhảy qua những con đường lợp đá nóng hổi dưới ánh mặt trời mùa hạ. Cái bóng thư sinh ấy tên Trần Thiếu Sinh, tính tình cẩu thả, lắm lúc vô tư như thể trời sập cũng chẳng màng, ấy thế mà lại có vô vàn những hứng thú vào các truyện kể cổ tích cho bọn trẻ nít, cho tới những bản nghiên cứu hàn lâm về các dân tộc ở khắp các xứ sở.

"Cẩn thận chứ thằng kia!"

Thiếu Sinh cảm giác rằng cả người mình đã va vào ai đó, có thể là y đã ngã xuống đất một cách đau điếng, bình sinh chàng là một người vụng về, nhưng không vì thế mà quên mất những việc lễ giáo quan trọng như nói xin lỗi và cảm ơn. Chỉ là ngay lúc này, bản thân vì quá nóng vội mà không thể hành xử cho phải phép. Nói về tuổi thì tính ra Thiếu Sinh đã trải qua 20 mùa xuân, gia cảnh của anh đầy đủ, một người cha nghiêm khắc và một người mẹ hiền từ. Dòng họ Trần nức tiếng khi xưa là những thương nhân giỏi, nhưng cũng có một số thành viên của gia tộc lại là những tay cướp biển cực kỳ tàn bạo. Nhà cậu sống ở vùng ngoại ô Tô Hải Thị, nằm ngay bên một con kênh đào uốn lượn, hàng ngày, thuyền cập bến khu gia trang khiêm tốn của gia đình, mua những nhu yếu phẩm và để lại những đồng vàng, đôi lúc là những món đồ nom thật thích mắt lúc nào cũng có thể kích động cái tính hiếu kỳ bẩm sinh của Thiếu Sinh. Ba chàng cứ rầy và cho voi rọt mãi mà chẳng bao giờ bỏ được cái tật táy máy ấy, may thay là Trần phu nhân lại nghĩ ra một cách, hàng ngày bà sẽ kể cho chàng ba câu chuyện vào lúc bình minh, chính ngọ và trước khi đi ngủ. Những câu chuyện của bà không gì khác là những câu chuyện cổ tích, không phải là chỉ riêng xứ Trung Địa mà của cả mọi nơi ở trên Đông Linh Đại Lúc này. Những câu chuyện đó như một vần mây có thể phi nhanh trên trời cao, đưa Thiếu Sinh nhỏ đi đến những chốn mộng mơ, tươi đẹp, đôi lúc những câu chuyện lại quá bi ai và sầu não mà chàng phải ôm lấy mẹ mà khóc thút thít mãi không thôi. Cũng có khi những lòng quả cảm phi thường khiến cho Thiếu Sinh chẳng thể nào ngồi yên một chỗ mà phải chạy ra ngoài những thảm cỏ bao quanh nhà, quơ tay quơ chân như thể bản thân muốn được đắm mình trong những cuộc chiến của lòng quả cảm và sự hèn nhát. Lớn dần và lớn dần, từ những cuốn sách gối đầu giường, cho đến những cuốn sách chất đầy ở trong phòng của cậu, không góc nào là không có ít nhất một cuốn sách. Cái bản tính luộm thuộm, bê bối cũng sinh ra từ đó. Cơ mà, lạ thay bên ngoài cái sự bê bối, vô tổ chức đó thì bên trong đầu của chàng, lúc nào cũng là một sự gọn gàng, ngăn nắp và rất có tổ chức, chàng có thể kể ra vô vàn các sự kiện lịch sử nối liền nhau, có thể nhớ rõ tên từng vị tướng dù là có danh tiếng vang lừng khắp các xứ sở hay là chẳng có bao nhiêu tiếng tăm. Không chỉ là những chuyện kể lịch sử, mà tới những câu chuyện dân gian mang đầy những màu sắc hoang đường, phi lý chàng cũng nhớ tất. Thời gian lại thấm thoát trôi đi, Thiếu Sinh đã trở thành một thanh niên, sau một cuộc tranh luận nảy lửa với lão Trần thì cuối cùng chàng đã có thể thực hiện ước mơ của mình, trở thành một Học Giả nghiên cứu về dân tộc và lịch sử, trái với ý muốn tiếp nối truyền thống thương nhân của dòng họ Trần. Nhưng, biết sao không? Dù buồn và giận con lắm, nhưng lão Trần vẫn nói:

"Đừng bao giờ quên dòng máu của họ Trần đang chảy cuồn cuộn trong người mày, và cũng đừng bao giờ quên dù có chuyện gì xảy ra thì tao luôn là cha của mày."

Thiếu Sinh cảm động lắm, ơn cha nghĩa mẹ cao chót vót, biết trả bao giờ cho hết!? Chi bằng bản thân không ngừng cố gắng để mang lại danh tiếng cho gia đình và dòng tộc. Thiếu Sinh vượt qua bài ứng thí dễ dàng và được nhận vào Tô Hải Học Viện ngay. Sau bốn năm ở chốn học đường thì đây chính là thời khắc chàng giành lấy được tấm bằng tốt nghiệp từ Học Viện danh giá nhất của Đông Linh Đại Lục, nhưng chết chưa, lại cái tính cẩu thả khó bỏ của bản thân, sáng sớm cậu vẫn sinh hoạt bình thường, chậm rãi bước dọc các hành lang lát gỗ của khu ký túc xá, phải các cô chú ở dưới ấy nhắc nhở thì cả người giật bắn lên như phải tên, ba chân chốn cẳng chạy đến trường.

Trước mặt Thiếu Sinh đã là cái cổng lớn bằng gỗ quý, trên có khắc những chữ được đúc bằng vàng ròng Đông Linh Tô Hải Viện. Chàng chạy qua các khoảnh sân vẫn còn đầy ắp các học viên, những gian phòng học vắng lặng, đong đầy những ánh nắng rực rỡ, bốc lên mùi gỗ, và mực cọ quen thuộc. Và rồi, lại là cái khó khăn nhất, cậu vừa chạy, vừa nhảy trên những bậc thang dẫn lên hội trường, nơi trang trọng nhất thường phải là nơi cao nhất trong Học Viện. Đáng lý rằng cậu sẽ bước lên những bậc thang này một cách chậm rãi, từ tốn, sát cánh bên những bằng hữu đã cùng chia sẻ ngôi nhà chung này trong suốt bốn năm, vừa bước lên tới đỉnh danh vọng vừa hoài niệm lại những thứ đã qua. Nhưng, có lẽ đã chẳng còn nữa, khoảng sân rộng lớn dùng để tổ chức buổi lễ tốt nghiệp đã chẳng còn gì nữa, họa chăng lát đát vài người đương dạo bước, hàn huyên. Lên được tới đỉnh và đứng trước cánh cửa lớn của Hội Trường cậu phải dừng lại, hai tay chống gối mà thở hổn hển vài hơi khó khăn, đã rất lâu rồi cậu không vội vã như thế này.

"Ôi, chết tôi rồi. Thúc Sinh thầm nghĩ. Thế này thì còn gì là lễ tốt nghiệp, ta phải làm sao đây? Quan trọng hơn là các nguyên lão sẽ làm khó mình chăng?"

Chỉnh lại tóc tai và quần áo, Thúc Sinh nhìn thẳng vào cánh cửa lớn đang khép kín. Hôm nay, chính là ngày chộp lấy danh vọng, và thề có Trời ngự ở trên cao, không ai có thể lấy nó từ tay chàng ngày hôm nay! Chỉ một dòng suy nghĩ như thế, chàng mở toang cánh cửa ra. Ở bên trong, như là một quảng trường thu nhỏ, trần cao với một vòng tròn ánh sáng của sự sống ở giữa và hai thực thể khổng lồ như mặt trời và mặt trăng bay xung quanh nó, một sân khấu thật lớn được chạm khắc tinh xảo đến cả cái bậc thang dẫn lên được dựng ở ngay trung tâm của quảng trường và khán đài ở hai bên lúc này đang đầy ắp những vị lão sư cùng các trợ giảng đương sôi nổi tranh luận. Mọi thứ đều im lặng đi trong chốc lát rồi từ trên khán đài, một vị lớn tuổi, râu tóc dài lượt thượt xuống tận ngực, bạc phơ như sương mù ban sáng. Nhưng, xem chừng ông vẫn còn rất dư sức, giọng ông sàng sàng và vang vọng như các bậc đế vương.

"Thiếu Sinh! Mả cha nhà ngươi! Sao giờ này mới vác xác tới!?"

Thiếu Sinh gông cổ lên trả lời lại:

"Do đệ tử vụng về! Mong các sư phụ bỏ qua cho!"

"Việc đó tạm thời gác qua! Mau bước lên đây, bọn ta có đôi lời muốn nói về luận văn tốt nghiệp của ngươi!"

Nghe vậy thì Thiếu Sinh lại sanh ra lo lắng, chàng để mặc cho đôi chân của mình tự động bước lên sân khấu một cách chậm rãi, bản thân thì lại có thể cảm thấy cả nghìn đôi mắt của các vị lão sư đang nhìn vào mình. Đứng giữa sân khấu, chàng đảo mắt sang phải, sang trái và rồi nhìn thẳng chính diện, cảm giác như rằng bản thân đang bị cả một đại quân bao vây, hệt như những lúc cậu thường rong chơi lúc trẻ, chỉ là khi đó, cậu có thể trong tay một đại đao, một ngựa, tả xung hữu đột mở một đường máu thoát thân, còn ngay lúc này, đôi chân bị xiềng một chỗ, trong tay không tấc sắt và kẻ thù thì bất ngờ có thể giáng một đòn chí mạng.

"Thiếu Sinh!" Một tiếng nói như sấm rền làm cho chàng sinh viên bừng tỉnh ngay tức khắc. "Tự bản thân ngươi có biết tại sao bọn ta phải làm thế này không?"

"Thưa các sư phụ! Đệ tử hoàn toàn không hiểu và tinh thần có lẽ đang bị kích động chưa từng thấy, mong các sư phụ có thể dạy cho để tử biết!"

Từ phía sau hậu trường, trợ giảng Chu xuất hiện và đưa cho Thiếu Sinh một bản sao in luận án tốt nghiệp của chàng. Lão đưa con mắt có pha chút thương cảm và thất vọng cho cậu rồi trở về đứng ở ngay góc khuất của sân khấu.

Dương lão, vị nguyên lão cao tuổi nhất của học viện, và cũng là người thầy đáng kính nhất trong lòng của Thiếu Sinh. Ông đứng dậy từ giữa đám người râu bạc:

"Thiếu Sinh, luận án của ngươi đang là đề tài làm cho bọn ta bàn tán không ngớt từ lúc người nộp nó vào thư viện. Bộ sưu tập các truyện kể cùng những lời bình của ngươi về các sự kiện thật sự là ấn tượng và cho thấy một kho tàng những tuồng tích cổ xưa mà ngươi đã lĩnh hội được. Trong số chúng ta đây, vài vị tự nhận là không bằng!"

Nghe đến đó, Thiếu Sinh lòng đã yên tâm hơn, bản luận án này cậu đã chuẩn bị nó kể từ khi biết viết, ban đầu chỉ là một quyển truyện sưu tầm, kèm thêm vài ba lời bình vào. Dần dà Thiếu Sinh bỗng đâm ra nghiêm túc về quyển sách mình đang viết đây, cậu dành phần lớn thời gian ở Tô Hải Học Viện không phải để làm bài tập được giao về hay tham gia các buổi thảo luận chuyên sâu giữa các sinh viên và nguyên lão. Bao nhiêu tiền của Trần gia gửi lên chàng đều sử dụng để mua sách và... đi thực nghiệm, Thiếu Sinh đã đến mọi xứ sở của Đông Linh Đại Lục, từ những thảo nguyên trải dài ở phương Bắc cho đến những cánh rừng nhiệt đới ở phương Nam, từ những sa mạc rực lửa ở phía Tây cho đến những trận cuồng phong ở phía Đông. Chỉ đáng tiếc là trong những chuyến đi đó chàng chỉ có thể quanh quẩn ở những khu vực đông người và học hỏi người dân địa phương, xa lắm thì là vùng ngoại thành, dân chúng vốn đã quen với lối sống thành thị, chẳng còn lưu giữ lại bao nhiêu truyện kể hay những tuồng tích xưa cũ cả. Ấy vậy mà, chàng cũng gặt hái được rất nhiều (tuy rằng bản thân vẫn chưa hài lòng).

"Nhưng!" Chỉ một chữ "nhưng" thôi, cũng đã khiến cho Thiếu Sinh phải bừng tỉnh, đối diện với hiện thực. "Những truyện kể của ngươi chỉ đơn giản là những tuồng tích và truyền thuyết dân gian, đầy ắp những tình tiết vô cùng phi lý và hoang đường! Rất nhiều trong những câu chuyện trong đây ngươi thậm chí còn chẳng lấy từ trong dân gian, truyền miệng mà lại lấy từ những cá nhân mà ngươi gặp ở trên đường! Bọn ta cố gắng tìm kiếm những bằng cớ chứng minh cho những gì mà ngươi ghi ở trong đây, nhưng thật đáng thất vọng, chẳng có một tí nào gọi là thật cả!"

Nghe tới đó thì Thiếu Sinh đã giật nảy người lên như thể chàng đã nghe phải một lời xúc phạm ghê gớm nhất.

"Thưa các sư phụ! Đệ tử không hề muốn ngụy tạo hoặc trưng ra những truyện kể lịch sử vô lý và hoang đường như cách mà các sư phụ nói! Xin các sư phụ hãy nhìn lại nên lịch sử và văn hóa của mọi xứ sở trên khắp Đông Linh Đại Lục, truyền thuyết và văn hóa truyền khẩu chính là thứ giúp cho chúng ta hiểu rõ được bản thân và các giá trị kiến tạo. Làm sao chúng ta có thể vỗ ngực tự xưng hai chữ "dân tộc" nếu chúng ta tự trong thâm tâm đã không có một chút niềm tin nào về những câu chuyện mà cha ông đã để lại?"

"Không thấy thì không tin! Ngươi đã từng nghe qua câu này chưa?" Dương nguyên lão nói.

"Thưa! Đạo Trời là gốc của sự Đức, Nhân và Nghĩa. Nhưng đã ai trong các sư phụ thấy ông Trời chưa ạ!?"

"To gan! Còn dám trả treo!? Trận An Bắc Sơn uy danh vào Kỷ Đệ Tam, quân du mục Băng Nguyên đánh tan 50 vạn quân Trung Địa, di tích hẳn còn ghi, máu vẫn còn lưu! Đó là một sự kiện có bằng chứng, có nhân chứng! Không thể chối cãi, còn truyện của ngươi thì thế nào? Tất cả hoàn toàn là những truyện kể dọc đường và một số câu chuyện rất là thô thiển và trần trụi, chưa kể đến đó là những câu chuyện hoàn toàn thiếu đi các bằng chứng xác thực, làm sao ngươi biết rằng những câu chuyện truyền khẩu này là đáng tin? Nếu như vào một ngày không xác định nào đó, một dị bản khác lại ra đời thì ta lấy gì mà xác chứng ấy là sự thêu dệt? Và cả ngay từ đâu, những câu chuyện mà ngươi viết trong đây cũng không có cơ sở lịch sử rõ ràng. Ngươi có biết khuôn mặt của đám dân du mục Băng Nguyên sẽ ra sao khi đọc qua tác phẩm của ngươi không!? Thằng ngu này!"

"Thưa sư phụ, để tử..."

"Không nhiều lời nữa, luận án của người đã bị hội đồng nguyên lão từ chối, nó không đủ để chứng minh sự nỗ lực của ngươi trong suốt những năm tháng ở học viện!"

Thiếu Sinh cảm thấy như trời đất sụp đổ, anh muốn khóc, muốn la lớn lên, nhưng... chẳng còn gì cả. Như thể rằng một căn chòi tranh sau một cơn bão, phút chốc bị bứng ra một cách thô bạo và bay vút lên những tầng mây đen kịt.

Đột nhiên, một tiếng lào xào, hai tiếng lào xào,... Thiếu Sinh cũng không quan tâm. Không phải chỉ là hơn 4 năm mài ghế ở các thư quán, phòng học, mà cả hơn chục năm cậu dày công sưu tầm những truyền thuyết mà các nguyên lão cho là phi lý, những thành thị, thôn quê cậu đã đi qua, và sự nỗ lực tưởng như là vô vọng của việc viết văn vốn cũng chả phải là tài năng của chàng, tất cả đều đã chẳng thể giúp cậu trở thành một bậc Cao Học trong xã hội, mang lại danh gia, vọng tộc, đền đáp lại sự kỳ vọng của cha mẹ. Tưởng như rằng, hai hàng nước mắt sẽ chực tuôn ra thì bỗng cái giọng nói đanh thép của Dương lão lại vang lên, ngay lập tức dập tắt những tiếng xì xào bàn tán.

"Thiếu Sinh!" Dương lão nói. "Hội đồng nguyên lão của bọn ta đã đi đến quyết định sau, luận án của người xét cho cùng cũng là một bộ sưu tầm lớn và đồ sộ, tạm thời được giữ lại lưu trữ ở trong thư viện dưới dạng truyện ký. Trừ khi rằng ngươi có thể tìm cách để chứng minh cho những gì người viết, thì khi đó luận án của ngươi sẽ được xếp vào dạng nghiên cứu thư, và khi đó, ngươi có thể ngạo nghễ gọi chính bản thân là một Học Giả."

Thiếu Sinh như lấy lại được sức sống, cậu ngẩng mặt lên:

"Vậy là,... đệ tử vẫn còn..."

"Đúng thế, ngươi vẫn còn cơ hội! Bằng tốt nghiệp của ngươi bọn ta đã niêm phong lại, một khi ngươi có thể chứng minh được mọi thứ và sửa lại luận án của ngươi, bọn ta sẽ cấp nó cho ngươi ngay. Tinh thần nghiên cứu của ngươi rất tốt, nhưng đây là lịch sử. Nó suy cho cùng, cũng là một dạng chuyện kể, nhưng những chuyện kể phải dựa trên sự thật và những bằng cớ không thể chối cãi. Trong lòng dù rằng có mang cảm tình, nhưng chuyện sai thì phải nói sai, đúng thì phải nói đúng. Đó mới chính là cái tinh thần ngàn đời của những kẻ học sử và viết sử! Ngươi đã hiểu chưa?"

Thiếu Sinh trả lời:

"Vâng! Đệ tử đã hiểu!"

Các nguyên lão nhìn nhau, có vẻ là gật gù hài lòng vì kết quả.

"Được rồi. như vậy thì chúng ta có thể kết thúc buổi chất vấn này. Các vị có đồng ý với tôi không?" Dương lão đảo mắt nhìn quanh.

Đồng loạt những kẻ cao tuổi đứng dậy và rời khỏi chỗ ngồi của mình, miệng lầm bầm bàn tán rôm rả, nhưng nhanh chóng đám đông tự mình giải tán và rất có trật tự. Trợ giảng Chu lúc này từ góc khuất bước ra, đặt tay lên vai của Thiếu Sinh mà nói:

"Dương nguyên lão muốn gặp riêng ngươi, đi theo ta!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro