8 Bốt đình Sọ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Quân Pháp đầu tiên thành lập bốt chỉ huy khu vực. Đó là P.C Huyện. Đó là đầu não tiến hành việc bình định khu vực hai bên bờ con sông Đào. Từ P.C. Huyện vươn ra những cái vòi bạch tuộc. P.C. Huyện tiến hành xây dựng các bốt phụ cận. Hầu như mỗi tổng, xã đều cắm chốt một bốt nhỏ, có nhiệm vụ khống chế các làng chung quanh nó. Từ P.C. Huyện tới làng Sọ chỉ có năm cây số. Người Pháp cho xây bốt ngay ở đình Sọ. Đình này là đình ba chạ, đình chung của ba làng Sọ: Sọ Đoài, Sọ Trung và Sọ Đông. Vị trí các làng bố trí như sau: Bên này sông là làng Đoài, rồi đến Đình, tiếp theo là làng Trung. Bên kia sông Đào là làng Đông. Gần đình nhất là làng Trung. Đình và làng chỉ cách nhau một cánh đồng hẹp, vậy coi như đình gắn với làng.

Con đường huyện lộ nối P.C Huyện với nhà thờ Chuông, nơi này là tiểu khu đặc biệt của P.C Huyện. Huyện lộ đi qua ớc cửa đình Sọ. Ngày xưa, phong cảnh Đình Sọ khá đẹp. Có hai cây gạo như hai ngọn đuốc đỏ rực rỡ vào mùa xuân. Chúng như hai hộ pháp canh giữ cổng đình. Chung đình là những lùm nhãn um tùm, những gốc mít cổ thụ và những cây muỗm khổng lồ. Nhưng đến bây giờ thì tất cả hầu như đã trơn trụi. Đầu tiên, người ta chặt hai cây gạo cho ngang trên con đường huyện. Chúng làm nhiêm vụ chướng ngại vật, để ngăn xe tăng của Pháp. Giặc Pháp tấn công lầ thứ nhất, trường học làng Trung làng Đoài bị đốt nham nhở. Các cụ bô lão cho hạ một chục cây nhãn to, bán lấy tiền sửa trường học. Vì là đình ba chạ, nên làng Đông sợ thiệt họ từ bên kia sông trở về chặt nốt số cây nhãn còn lại. Thế là quân hồi vô phèng, người ta tìm cớ này cớ nọ để rỡ nốt gạch tường bao quanh.


Năm 1950, quân Pháp tấn công lần thứ hai. Lần này người Pháp quyết tâm bình định vùng này, nên cho lập bốt Đình Sọ, định từ cái chốt đó sẽ lan ra chung quanh.
Bốt P.C. Huyện là bốt chỉ huy khu vực nên có một tiểu đoàn Âu Phi đóng quân. Bốt Đình Sọ được coi là vị trí quân sự quan trọng, nhưng dù sao cũng chỉ là bốt làng nên chỉ gồm một trung đội toàn lính ngụy người Việt.

Người sếp bốt đầu tiên được phái đến xây dựng bốt Đình là Quản Mật. Mật là con cụ chánh Long, con bà Tư. Lý Phượng là anh cả, hơn Mật tới hai mươi tuổi. Cụ chánh Long người làng Trung, bà Tư người làng Đoài. Vì muốn mở rộng ảnh hưởng sang Đoài, nên cụ chánh mua một mẫu đất xây dựng cơ ngơi cho bà Tư. Mật đỗ séppica, rồi ra Hà Nội học trường Bưởi. Cậu Mật nói tiếng Tây lau láu nên về làng giá lắm. Mật thích làm giàu ở thành phố, nên học được hai năm, cậu xoay sang kinh doanh. Cậu làm chân nhà thầu cho anhtăngđăng kiếm chác cũng khá, nhưng vì ham mê cờ bạc nên cuối cùng tay trắng. Mật làm lại cuộc đời bằng cách gia nhập lính pháp. Cũng khá tháo vát luồn lọt, nên cuối cùng được lên chức ắcxìđằng mà dân ta vẫn gọi là ông quản.
Lý Phượng răn đe cậu em:
- Ở nhà quê ta khó lắm. Chú liều liệu mà làm việc, đối xử. Ở làng không giống thành phố đâu. Phải biết lúc rắn lúc mềm. Phải biết ngọt nhạt, thớ lợ. Phải biết lạt mềm buộc chặt...
Mật nghe anh chỉ cười. Trong bụng, quản Mật coi thường lý Phượng. Hắn coi người anh đầy mưu mẹo ấy chỉ là một lão cường hào quê mùa. Hắn đã ba mươi nhăm tuổi rồi, đã vào Nam ra Bắc, đã nếm trải vào sống ra chết, lại được ăn học hẳn hoi, chứ đâu kém hẹm gì. Chỉ riêng việc người Pháp giao cho hắn lập đồn Sọ và chỉ huy ở đấy đủ biết tài năng của hắn. Thông thường những đồn lính bảo hoàng toàn lính Việt đều do một người Pháp chỉ huy. Nay Mật chỉ là một viên quản người bản xứ mà được chỉ huy cả một đồn lính, như thế chả vinh dự lắm sao. Như vậy chứng tỏ người Pháp đã hoàn toàn tin cậy hắn.
Lý Phượng bảo Mật phải mềm dẻo, nhưng đại úy Bernard ở P.C lại dạy hắn khác hẳn :
- Công việc chính của ông là bình định. Phải làm sao cho trong vùng phải hoàn toàn chịu phục tùng nước Pháp, em dẻo ư? Có thể đó là chuyện về sau. Còn thoạt kỳ thủy, đó chuyện cứng rắn, đó là máu lửa và sắt thép. Hãy bắn vào sọ bọn Việt Minh. Hãy đánh gục bọn cứng đầu cứng cổ.

Việc đầu tiên Mật làm là xây bốt. Bốt Sọ nằm ngay trên nền đình ba chạ. Thật tốt vì người ta đã chặt hết cây cối. Địa điểm trở nên quang quẻ, hết điều kiện cho đối phương ẩn nấp. Từ đây có thể kiểm soát con đường cái, kiểm soát cả con đường mòn của Việt Minh từ bên kia sông sang. Ngôi đình vẫn được để nguyên làm trung tâm. Bây giờ phải xây tường bảo vệ. Từ PC gửi về một đại đội nửa Âu Phi nửa Việt. Xây gạch sẽ rất khó, vừa tốn vừa lâu. Mật nảy ra sáng kiến trình bày với Tây Thằn lằn và đươc chấp thuận ngay. Mật sai lính và dân phu đi chặt toàn bộ những cây cau ở hai làng Trung và làng Đoài. Dùng thân cây cau làm hai lớp tường cách nhau năm mươi centimet rồi đổ đất vào bên trong. Công việc chỉ là đóng cọc tre rồi xếp thân cây cau chồng lên nhau. Do vậy việc tiến hành rất nhanh. Chỉ một tuần sau, bốt làng Sọ đã sừng sững ở giữa đồng khống chế cả một vùng rộng lớn. Song song với việc xây chiến lũy, Mật cho xây bằng gạch một tháp canh cao tám mét. Đứng trên đó, chĩa ống nhòm có thể nhìn thấy rõ những người đi trên đê sông Đào.
Việc thứ hai Mật làm là cho gọi tất cả những gia đình có người liên quan tới Việt Minh lên đồn xét hỏi.

* * * * *

Tôi đang dỡ khoai trong vườn chùa, bỗng cái Huệ chui qua trổ tre vào, mếu máo :
- Anh An ơi! Mẹ em bị bắt lên bốt rồi. Làm thế nào bây giờ?
Tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào. Song, như một thói quen, tôi kéo Huệ chạy đến nhà thầy giáo Hải. Thầy Hải vắng nhà. Tôi kéo Huệ đi khắp nhà người quen cũng không thấy. Có người bảo thấy thầy sang xóm Trung, có lẽ đến nhà ông trưởng họ Bùi bên ấy. Cái Huệ ngồi sụp xuống vệ cỏ khóc trưởng rưng rức rưng rức.
- Bây giờ biết làm thế nào?
Lúc này tôi mới chợt nhớ ra và hỏi :
- Thế thằng Căn đâu?
- Anh ấy khóc rồi chạy theo mẹ ra đồn.
- Ra đồn ư? Cái thằng lúc nào cũng hùng hùng hổ hổ. Ra đồn phỏng có ích gì.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói :
- Bây giờ chỉ có cách đến gặp sư cụ.
- Sư cụ à? Em sợ lắm.
- Tại sao?
- Tại anh Căn.
- Sao lại thằng Căn.
- Các chú trên huyện giảng cho anh ấy, bảo rằng chùa chiền sư sãi là mê tín quàng xiên. Đi tu là ăn bám. Lễ bái là ngu muội. Đó là cách nhà giàu ru ngủ nhà nghèo.
- Bố em đã đi tu. Bố em nói thế bao giờ không?
- Em chưa bao giờ nghe thấy bố nói như vậy. Anh Căn có hỏi. Bố chỉ im lặng.
- Thế sư cụ có bao giờ nghe thấy thằng Căn nói thế không?
- Em không biết. Nhưng chắc là có, bởi vì sư cụ hình như giận bố mẹ em lắm. Cũng vì thế em mới sợ.
- Đừng sợ! Mà sợ cũng phải đi gặp cụ.
Tôi cầm tay Huệ lôi đến tòa đại điện. Tôi thấy tay nó run. Tôi và Huệ đứng rất lâu chờ cho cụ tụng kinh xong Nó cúi đầu lí nhí chào. Tôi trình bày sự việc. Cụ vừa nghe vừa lần tràng hạt. Nghe xong, cụ hỏi :
- Cháu tên là Huệ phải không? Con bố Trần phải không? Huệ là lòng nhân ái, là chữ nhà Phật. Lành thay! Sư đệ của ta ra khỏi chùa, nhưng vẫn không quên lời đức Thế Tôn dạy dỗ.
Cụ gọi Huệ đến gần, ân cần nói :
- Con khóc đấy ư? Đừng lo! Rồi sẽ qua cái đận này thôi. - Rồi cụ quay sang tôi bảo - Chắc Huệ nó đói đấy, con bảo chị Nguyệt con lấy cơm hay khoai cho nó ăn. Thầy đến nhà ông chánh vì việc ấy ngay đây.

Ông chánh Long vốn quen sư cụ Vô Úy. Có phần nể trọng là đằng khác. Những người xưa học chữ nho thường đối xử như anh em với nhau. Nghe nói ngày xưa chánh Long đã có lúc là đồ đệ học chữ của sư cụ Vô Chấp. Nếu thế, giữa sư Vô Úy và chánh Long còn là chỗ đồng môn. Ông chánh thấy sư cụ đến nhà vội ra tận ngõ đón. Ông già chắp tay tạ lỗi :
- Dạo này xương cốt rệu rã. Cứ quặt quẹo luôn. Thành thử cứ định ra chùa hàn huyên với trụ trì mà chưa làm được. Tuổi già nó tệ thế đấy.
Sư cụ chắp tay trước ngực vào chuyện ngay :
- A di đà Phật. Bần tăng hôm nay đến gặp lão huynh cốt quấy quả nhờ cậy chút việc.
- Xin lão trụ trì cứ nói. Đệ xin hết lòng.
- Chẳng là ông sếp bốt Mật, ông út của lão huynh có cho gọi bà Nấm, là vợ của Vô Trần. Ông Trần xưa kia cũng tu hành ở chùa làng. Ông Trần bỏ chùa đi theo Việt Minh. Đó là cái ý riêng của ông ấy. Mỗi người một chí, tôi và cụ dù muốn khác ông ấy cũng chẳng nghe. Nhưng vợ con ông ấy chỉ là người dân thường, chả làm điều gì khác công việc nhà nông. Mong lão huynh nghĩ tình xưa cũ, nói giúp cho một câu với ông Mật thả bà Nấm ra. Khổ lắm cơ! Bà ấy còn hai đứa con thơ dại.
Cụ chánh Long nghe vậy liền chống gậy ra bốt ngay. Cụ bảo ông Mật :
- Thời buổi này, ai có thể biết trước được việc về sau. Có nhà ai cứ đỏ như miếng vông, đông như miếng tiết mãi mãi. Con làm gì cũng phải nghĩ đến sau này và trước kia. Việc trước kia là gì? Là chuyện bà dì cái Nấm. Bà ấy là mẹ Năm của mày. Cái khổ của bà ấy là không có con, và nuôi cái Nấm làm con. Đến như cái lão cường hào già này còn không nỡ cạn tàu ráo máng với bà, còn phải cấp lương cho bà ấy ăn, cấp đất cho bà ấy ở. Cái Nấm và mày, đứng về thế thứ phong kiến, còn có thể là chỗ anh em. Con không được làm thế. Còn phải để cho bố mày, anh mày sống ở làng nữa chứ. Còn phải nghĩ đến các cháu, con các anh các chị mày, phải suốt đời sống ở làng sau này nữa chứ. Ai rõ sau này sẽ ra sao. Ngay cái thằng lý Phượng anh ruột mày đấy, kỳ này nó cũng đang xin từ chức cái chân lý trưởng. Thôi. Nghe thầy. Thả con Nấm ra.

Quản Mật, tuy thế, lại là người tôn trọng bố. Vả chăng mục của hắn chỉ là ra oai thôi. Vì vậy bà Nấm được tha.

Tôi và cái Huệ vội vã đến bốt đón bà Nấm và Căn về. Thực ra bà cũng bị bọn lính đồn tát cho mấy cái song chẳng hề gì.

Huệ vừa đi vừa kể cho Căn nghe chuyện ở nhà sư cụ đến cầu cứu cụ chánh Long ra sao. Căn chả nói gì. Đôi mắt nó vẫn gườm gườm, tuy nhiên nó đã có vẻ thân thiện với tôi hơn. Nó nhìn tôi không bằng cặp mắt hằn học như xưa nữa. Có mấy đứa trẻ chăn trâu làng Đoài biết Căn. Chúng cưỡi trâu ở bờ ruộng và hát véo von:
Ba cô đội gạo lên chùa...

Nghe tiếng hát ấy, giá như ngày trước, thằng Căn đã nổi xung gây đánh lộn, nhưng hôm ấy Căn chỉ lặng im, cúi đầu coi như không nghe thấy gì.

* * * * *

Hôm sau là ngày học. Đến trường, thầy giáo Hải nghỉ dạy, tôi và Huệ đến nhà cũng không thấy thầy, sẩm tối, tôi và Huệ lại đến lần nữa, gặp thầy ngồi buồn thiu ở thềm nhà. Hỏi ra mới biết thầy bị ông Mật gọi lên bốt, bị thẩm vấn suốt ngày. Có lẽ chúng tôi còn bé nên thầy không tâm sự. Thầy chỉ nói một câu:
- Có lẽ thầy không còn dạy học các em nữa đâu.
Về sau, người ta kể lại cuộc thẩm vấn ấy như sau:
Thầy Hải và quản Mật ngày xưa đi học cùng nhau. Ra Hà Nội lại cùng học trường Bưởi. Hai người như mặt trăng, mặt trời. Mật giàu, Hải nghèo. Mật họ Nguyễn, Hải họ Bùi, Mật học dốt và học dở dang, Hải học giỏi và đã đỗ bằng Thành chung. Vừa thấy Hải, Mật liền cười ha hả :
- Chào ông Hải. Quả đất tròn, chúng ta lại gặp nhau, ông có tại sao lại gọi ông lên đồn không?
- Tôi không biết.
- Đơn giản thôi. Tại ông họ Bùi chứ sao? Ông có biết chuyện ngày xưa, anh ruột tôi ông Nguyễn văn Phượng và bác ông là Bùi văn Tập thi chữ ở dinh quan Tuần phủ không. Lần ấy anh tôi thua. Công nhận rằng ông Tập láu cá. Họ Bùi nhà ông vốn thế mà. Song dù thế nào, cuối cùng, họ Nguyễn nhà tôi vẫn thắng.
- Thế ra đây là cuộc trả thù của họ Nguyễn với họ Bùi. Vậy thì công lý ở đâu.
- Công lý cái con mẹ gì? Lý sự cùn. Nghe đây, anh có biết tên Bùi Hữu Trí không?
- Biết. Ông ta là anh họ tôi.
- Bùi Hữu Trí hiện làm gì?
- Làm Phó chủ tịch tỉnh.
- Phó chủ tịch cái con mẹ gì. Nó là Việt Minh đầu sỏ ở làng này. Anh có liên hệ với Bùi Hữu Trí không?
- Không.
- Có thật không?
- Đúng sự thực.
- Đừng có cãi. Tôi biết hắn bố trí anh làm thầy giáo cốt để nằm vùng, để làm tai mắt cho Việt Minh ở làng Sọ.
- Mỗi người một chí hướng, tôi chỉ làm thầy giáo.
- Anh có biết ngài De Lattre de Tassigny là ai không?
- Tôi có biết. Ông ta là một ông tướng hiện đang chỉ huy ở Đông Dương.
- Đúng, biết thế là tốt. Đó là vị tướng tài ba của nước Pháp. Thế anh có biết những diễn văn của ông ấy không?
- Tôi không được đọc.
- Tôi chỉ nói cái diễn văn ở Đà Lạt thôi. Đại loại nó thế này. Chiến sự bây giờ là khốc liệt. Người Việt Nam bây giờ phải dứt khoát chọn một con đường. Hoặc là họ phải chọn người Pháp, đó là chân lý, nếu thế họ phải cộng tác với người Pháp người Pháp đã trả độc lập cho vua Bảo Đại. Hoặc là họ thấy Việt Minh là đúng, thì họ dứt khoát chiến đấu cho phía bên kia. Họ sẽ bị tiêu diệt. Họ sẽ được nếm trải những đòn khốc liệt. Thực ra, tôi không hề có thành kiến gì về dòng họ. Tuy nhiên, anh là em con chú con bác với Bùi Hữu Trí một tên Việt Minh đầu sỏ ở làng này, nên tôi buộc anh phải ra trình diện tại đồn hàng tuần.

* * * * *

Hai chị em tôi nương bóng từ bi, như vậy thấm thoắt đã tròn một năm. Được sống trong no lành, yên ổn, tôi nhớn bồng lên trông thấy. Còn chị tôi cũng vậy, càng ngày chị càng đẹp ra. Đến nỗi, bộ váy áo nâu sồng bạc phếch, cái khăn nâu rách rưới suốt ngày tùm hum trên đầu, cũng không tài nào che đậy nổi cái sắc đẹp lồ lộ của người chị đang lúc dậy thì của tôi. Bà vãi Thầm nói với chị Nguyệt:
- Kìa! Đôi gò má lúc nào cũng hồng lên thế kia, cái cổ kiêu ba ngấn trắng nõn nà thế kia, con mắt thì lóng la lóng lánh... Sao mà trọn đường tu được hở con... Lại còn cái mớ tóc dài đen nhay nháy... Này... ta bảo cho mà biết... Đến cả lũ ma quỷ trong làng cũng phải lòng mày hết cả rồi... Ta đã bảo đừng ra con sông Đào mà giặt váy sống. Ở đấy có lão đánh dậm chết trôi. Nó là đứa háo sắc. Xưa kia, tay đánh dậm lợi dụng mưa gió hiếp một cô gái làng. Nó bị người ta đánh chết rồi vứt xác xuống sông. Chị Nguyệt thở dài :
- Nào con có muốn thế. Năm lần bảy lượt con xin sư cụ cho con xuống tóc nhưng có được đâu.
- Ta nói cho mà biết. Hôm xưa cô đi làm đồng về. Ta thấy con ma nam theo cô về tới cổng chùa. Đến đất Phật, nơi cấm địa đối với loại ma quỷ, nó lùi lại không dám bước tới. Tuy nhiên, nó vẫn say mê cô. Nó bắt bà Thắm, bạn của ta, đêm về báo mộng, bắt ta phải làm bà mối cho nó. Này, ta nói cho mà biết. Mấy năm về trước có cô gái trong làng đã bị con ma nam ấy bắt mất hồn mất vía. Đang đêm, mặt đỏ bừng bừng, thức dậy, một mình ra sông, lội xuống mép nước. May, có vợ chồng nhà thuyền chài trông thấy vớt lên thuyền. Vớt lên thuyền rồi, mà dưới sông vẫn có con cá thật to quẫy ùm ùm đuổi theo thuyền như muốn đòi lại. Đốt lửa lên sưởi, phải một tiếng cô gái mới tinh. Hỏi ra mới biết, đêm ấy cô gái đang ngủ bỗng thấy có bàn tay rất lạnh luồn dưới yếm, đến ngực mình để mà xoa mà nắn. Thế là cô gái mê đi, trong lòng bỗng nóng như lửa đốt. Cởi áo ra, cởi yếm ra vẫn nóng. Tuột cả váy ra vẫn thấy trong mình rừng rực. Thế là chợt nghĩ rằng phải chạy ra sông ngâm mình xuống nước, có như thế lửa lòng mới tắt. Sau này nhà ấy phải làm lễ trừ tà, gả con gái lên miền ngược. Có như thế mới thoát nanh vuốt con quỷ háo sắc trấn ngự dòng sông.

Chị Nguyệt nghe bà cụ Thầm kể chuyện người âm hồn chết khiếp. Chị phải răm rắp nghe lời bà cụ Thầm, tối đến không dám ra khỏi chùa. Buổi chiều, hễ nghe tiếng chuông chùa là vội vã về ngay. Bà cụ Thầm là sứ giả của cả hai cõi, đã nối liền cõi dương với cõi âm. Bà cụ thấy chị Nguyệt cứ héo hon đi vì câu chuyện của mình thì thương lắm. Chả biết cụ làm cách gì để giúp chị tôi. Có thể bà cụ đã đội đơn đi kêu oan với các quan lớn Âm phủ cho chị tôi cũng nên. Để rồi một hôm cụ tươi cười bảo chị Nguyệt rằng :
- Ta nói cho mà biết. Việc của con đã được giải quyết rồi. Từ nay con không phải sợ con ma nam ấy nữa. Đêm hôm qua quan độ sát âm phủ về báo mộng cho ta.
- Ngài nói gì hả cụ?
- Ngài bảo rằng con vốn là vợ của quan độ sát tương lai. Vị quan mới này chưa đến nhưng sắp đến. Ngài có công to trên trần nên được ban kiếm báu tiền trảm hậu tấu. Lũ yêu ma ác quỷ chỉ nghe đến tên bảo kiếm đã run như cầy sấy. Bởi vì bị nó trảm, sẽ bị đọa xuống u tì quốc luôn mười kiếp.
Chị Nguyệt tôi cứ như thế, sống cái thế giới hư hư thực thực của bà cụ già điên điên rồ rồ nhưng cực kỳ tốt bụng. Rồi đến một hôm, bà cụ vô cùng hoan hỉ nói với chị Nguyệt :
- Cõi âm thế mà lễ nghĩa đáo để. Đêm hôm qua, họ mang lễ đến ăn hỏi con. Ba chiếc mâm phủ khăn đỏ. Ta còn nhớ ba chiếc mâm đồng bạch sáng loáng. Những chiếc mâm khác thường. Mỗi mâm có ba cái chân.
Chẳng biết làm sao mà lại trùng hợp đến thế. Đúng ngày hôm ấy, ông trưởng họ Bùi đem sính lễ đến chùa hỏi chị tôi cho thầy giáo Hải.
Thầy tôi, sư cụ Vô Úy, từ ngày đầu xem tướng số cho chị Nguyệt tôi, đã quả quyết rằng nghiệp ở đời của chị tôi còn nặng lắm, chị không thể đi tu được. Vì vậy, sư cụ không cho chị tôi xuống tóc. Các bà vãi trong làng được giao nhiệm vụ mối mai cho chị. Họ cân nhắc mãi, cuối cùng gán chị cho thầy Hải. Thầy Hải muốn cuộc hôn nhân phải đúng phép tắc, chứ không thể lúi xùi luộm thuộm. Ngặt vì một nỗi nhà thầy Hải nghèo, gia đình lại chẳng còn ai, nên cứ lình chình mãi. Cho đến khi ông trưởng họ Bùi ở xóm Đoài phải đứng ra chủ trì mới xong việc ăn hỏi này.

Trong cuộc ăn hỏi này, chị Nguyệt tôi cứ ngây người ra. Khổ! Bà cụ Thầm làm chị tôi lo khiếp vía. Số đâu lại có cái số đen đến thế. Lọt vào mắt ai chả lọt mà lại lọt vào mắt loài ma quỷ. Cũng may, cái lễ ăn hỏi này đã giải tỏa tất cả. Thầy Vô Úy, sư phụ tôi mừng bởi vì người là bậc từ bi. Thầy tôi cho rằng chị tôi không có duyên ở chùa. Nhưng thầy tôi cho rằng chị tôi là người tử tế phúc hậu chẳng may lâm cảnh ngộ, nhà chùa phải hết sức ra tay cứu khổ cứu nạn. Riêng tôi vui mừng, đó là lẽ đương nhiên. Chị tôi mà có gia đình, tức là từ nay tôi cũng có một gia đình, đó là điều tôi khát khao thèm muốn.

Chị Nguyệt chợt như biến đổi khác hẳn. Hôm nay chị tôi không che tùm hum bằng chiếc khăn nâu bạc phếch nữa. Hôm nay chị tôi vấn tóc bằng chiếc khăn nâu non. Tóc chị tôi trên đầu đen nhánh. Gương mặt chị ửng đỏ sáng trưng. Cái hạnh phúc của chị Nguyệt lồ lộ ở khắp con người. Cả bàn tay dâng nước dâng trầu mời khách cũng khác hẳn mọi hôm. Đôi bàn tay chị như thoa son, run rẩy. Ai cũng biết chị tôi là người sướng nhất. Bởi vì hầu như ai cũng biết tình cảm mà thầy Hải, chị Nguyệt đã dành cho nhau. Nói chung không khí của đám ăn hỏi ở nhà tổ hôm ấy thực là hỉ hả. Hỉ hả vì cô dâu và chú rể đều là những người tử tế, đều xứng đôi vừa lứa.

Riêng bà cụ Thầm, cụ cứ sán lại chiếc bàn đặt ba chiếc mâm đồng phủ khăn điều. Chả ai hiểu cụ đang định làm gì. Chỉ thấy cụ nghiêng đầu ngắm nghía ba chiếc mâm đồng. Nghiêng ngó một lát, sau đó cụ kính cẩn vái lạy ba chiếc mâm, rồi sẽ sàng lấy tay chạm vào những chiếc chân quỳ phía dưới mâm. Cụ thủ chỉ họ Bùi gật đầu giải thích.
- Chắc cụ thấy ba chiếc mâm cổ đẹp quá, quý quá phải không? Thưa, đó là ba chiếc mâm gia bảo của họ Bùi. Các cụ tôi ngày xưa làm trong phủ chúa. Ba chiếc mâm này được chúa ban cho dòng họ. Trước khi đặt lễ vật mang đến đây, chúng tôi phải làm lễ thỉnh các cụ cho phép. Giá như là nhà dân thường, thì chúng tôi không dám dùng đâu, nhưng cô Nguyệt là con nhà chùa, con Phật...
Ông cụ thủ chỉ họ Bùi giải thích rất khiêm nhường nhưng có vẻ đắc ý lắm... Còn bà cụ Thầm đã lùi về đứng bên cạnh chị Nguyệt. Bà cụ nói vào tai chị tôi :
- Lạ thật! Lạ thật. Thật là giống ba chiếc mâm trong mộng. Chỉ khác ở chỗ ba cái kia là đồng bạch, sáng choang. Còn ba này là mâm cổ, đen thui như đồng đen.
Chị gái tôi thì bối rối :
- Con lạy mẹ. Đừng nói chuyện mộng mị nữa. Con sợ lắm. Hôm nay là ngày vui mừng của con.
- Ta biết chứ. Ta cũng rất mừng cho con. Chỉ tại cái đầu ta nó cứ ong lên những mộng và mị. Chỉ tại cái mồm ta nó cứ ngứa ngáy ta không kìm giữ nổi.
Mãi sau này tôi mới được nghe câu chuyện giấc mơ của bà cụ Thầm. Sao lại có sự trùng hợp thế nhỉ. Chuyện mộng mi ấy có ý nghĩa gì. Ông Đô Sát trong mộng và thầy giáo Hải có quan hệ gì với nhau? Số phận chị Nguyệt sau này như thế nào? Những câu hỏi cứ hiện ra với tôi mà không có lời giải đáp.
Buổi chiều, chị tôi ra ngồi bờ ao, chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, cứ sụt sùi khóc. Bà cụ Thầm hỏi :
- Làm sao mà khóc. Cha tông môn nhà cô. Con gái lớn thì lấy chồng. Vui chứ có gì đâu mà khóc. Sư cụ nhân đức thế đấy. Tất cả đều do cụ sắp đặt, cô mới được như thế. Cụ lo cho cô khác nào lo cho con gái. Phải cười chứ sao lại khóc.
- Mẹ Thầm ơi! Con cứ thấy lo lo thế nào ấy. Không muốn khóc thế mà tự dưng nước mắt cứ chảy ra.
- Hay là tại ta cứ kể chuyện mộng mị vớ vẩn. Nếu thế thì cho ta xin.
- Không phải thế đâu. Mẹ hay kể chuyện cõi âm. Con nghe như chuyện cổ tích. Nó vui vui nhưng con chẳng tin đâu. Chỉ có điều đang vui, con lại chợt nhớ tới u con hồi còn sống, u con bảo rằng...
- U mày nói làm sao?
- Bảo rằng đời người con gái chỉ như hạt mưa sa. Chớ thấy hanh vàng đã tưởng rằng nắng to. Cái vui chưa tan, cái buồn đã tới.
- Cha tông môn nhà cô. Nói gì mà chỉ những lời khó nghe.
- Thì đấy! Đời u con nào có bao giờ biết sung sướng là gì. Còn cả đời mẹ Thầm nữa. Đời mẹ nào khác gì đời u con.

Hai người đàn bà, một già một trẻ, bỗng lái câu chuyện sang sự than thân trách phận. Mà chuyện về nỗi buồn của nguòỉ đàn bà thì kể đến bao giờ cho hết...

Nói gì thì nói, chứ nhìn chung, hôm nay mọi người đều vui. Có lẽ chỉ riêng sư bác Khoan Độ là hơi khác một chút. Chắc chắn sư bác cũng phải hoan hỉ cho hạnh phúc của chị tôi. Tuy nhiên, lúc chiều, tôi lại thoáng bắt gặp Khoan Độ nhìn chị tôi với cặp mắt buồn bã. Tôi nhầm chăng? Đêm hôm ấy sư bác nằm cạnh tôi cứ trằn trọc mãi. Nửa đêm, tôi thấy ông choàng thức giấc. Tỉnh giấc, không thấy ông, tôi rón rén lên chánh điện, thấy ông chắp tay trước ngực, lầm rầm khấn vái. Sư Khoan Độ buồn vì gì? Hay ông linh cảm thấy chuyện gì. Sư Độ cũng như chị em tôi chỉ là những mảnh đời lưu lạc đã được sư cụ giơ bàn tay từ bi nhặt từ cõi trần ai đem về nuôi dạy. Nghe nói sư Khoan Độ là người vùng biển, mỏ than. Khi sư cụ về trụ trì ở đây để nối tổ đăng cho trưởng lão Vô Chấp, người đã mang sư Khoan Độ về theo. Cũng là một kẻ lưu lạc nên tôi hiểu: Kẻ lưu lạc rất nhạy cảm. Họ có thể đánh hơi, cảm thấy tương lai, khi tương lai chưa tới. Cũng có thể vì là kẻ lưu lạc, nên khi nhìn thấy hạnh phúc của người khác, ông có thể chạnh lòng nghĩ về mình chăng. Lạy đức Thế Tôn, con hiểu lòng như thế là không đúng. Tức là chúng con chưa thấu hiểu hai chữ hỉ xả của nhà Phật. Nhưng biết làm sao được, chúng con dù sao cũng chỉ là những kẻ phàm phu, những mảnh ván trôi giạt trong cơn hồng thủy. Cũng có thể sư Khoan Độ còn buồn vì những lẽ khác. Nhưng thôi. Dài dòng mà làm chi. Đạo Phật chẳng nói tất cả đều vô thường hay sao.

* * * * *

Chiều hôm ấy, tôi lại bắt gặp chị Nguyệt ngồi bên bờ ao chùa khóc rưng rức. Chị tôi vừa đến nhà thầy giáo Hải trở về. Tôi hỏi sao chị khóc, chị trả lời :
- Hỏng rồi em ạ.
- Hỏng cái gì?
- Đám cưới. Cái hôm ăn hỏi, chị đã linh cảm thấy. Trong lòng cứ như lửa đốt. Hóa ra cơ sự thế này.

Lạ thật! Sư cụ đã xem ngày kỹ càng rồi. Ngày mười tư tháng sau là ngày tốt. Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi. À, cái chuyện quản Mật bắt anh Hải phải hàng tuần lên bốt trình diện, thì cả làng ai cũng biết, chỉ là chuyện ra oai thôi. Bởi vì thầy Hải từ trước tới nay chỉ làm nghề dạy học. Điều này ai cũng biết. Hôm ấy, chị Nguyệt chỉ nói với tôi đến thế, còn sau đó chị không nói gì nưa. Sự thực ra sao, mãi sau này tôi mới rõ. Sự thực là quản Mật không thích những người như thầy Hải.
- Tôi không thể chịu được những kẻ tối theo Việt Minh, ngày theo Tây. Lập lờ, mù mờ. Điều đó làm chúng tôi khó xử. Bắn giết thì kêu oan. Tin cậy thì có lúc họ cắt cổ. Anh ta lại là trí thức, làm thầy người ta mà như thế thì không ổn. Tôi muốn anh ta hoặc là theo hẳn chúng tôi, hoặc là đi với Việt Minh
Chị Nguyệt tôi thì muốn anh Hải ra vùng tự do, ở đây chắc chắn họ chẳng để yên. Họ Bùi thì muốn anh đi với Pháp.
Ông trưởng họ Bùi đưa ra lý lẽ :
- Chú nghĩ xem, họ Bùi ta đang lúc thất thế. Về phía chính phủ ta đã có bác Trí làm Phó chủ tịch tỉnh. Nhưng Việt Minh chỉ có đêm mới về. Họ Bùi hơn trăm suất đinh, lại là người làm nông, phải bám lấy đồng ruộng mới có cái ăn. Đồn trưởng, lý trưởng tất cả trong tay họ Nguyễn. Vậy ai là người che chở cho dân họ Bùi đây. Tôi biết chú không thích làm lính bảo hoàng. Nhưng ở trên bốt huyện tôi có người quen. Họ bảo đang thiếu một chân thông ngôn. Vào hôm trước, hôm sau được phong chức đội ngay. Làm thông ngôn không phải bắn giết ai cả. Tức là mình cũng không có tội với kháng chiến. Mà lại còn có cái lợi rất to che chở được cho cả họ. Chú nghe tôi đi. Cả họ đều muốn như thế.
Và điều ngạc nhiên là thầy Hải không nghe lời chị Nguyệt tôi. Anh không ra vùng tự do để theo kháng chiến. Trái lại, anh đã nghe lời ông trưởng họ Bùi. Sáng ngày mai anh lên P.C. Huyện, làm thông ngôn cho lão đại úy Thằn Lằn. Anh Hải còn năn nỉ chị Nguyệt.
- Em ơi, hãy hiểu cho anh. Hãy tin ở anh. Em hãy cười lên. Anh ở lại, rồi lên bốt, cũng vì em. Tháng sau chúng ta sẽ làm đám cưới.
Chị Nguyệt bảo :
- Nếu anh ra vùng tự do, tôi đi theo anh ngay. Chẳng cần đám cưới gì cả.
- Không được đâu. Em phải tin ở anh.
Từ ngày Tây lập bốt Đình Sọ, làng Sọ Trung chúng tôi đảo lộn, nhớn nhác.
Ngày mười hai, thầy giáo Hải lên bốt huyện làm thông ngôn. Trẻ con trong làng như rắn mất đầu. Sếp bốt Mật bảo với các cụ :
- Nhà nước sẽ cử thầy giáo mới về. Ông Hải đi làm thông ngôn cả làng phải mừng cho ông ấy. Lên bốt huyện thế là thăng quan tiến chức. Phục vụ quốc gia, thế là đi vào con đường quang minh chính đại... Vả lại, ông ấy đâu có bằng cấp dạy học...
Ngày mười lăm, ông Mật lùa dân đến trường học, diễn thuyết về chính nghĩa quốc gia, hô hào thanh niên nhập ngũ, ủng hộ Quốc trưởng Bảo Đại. Ông nói :
- Tội gì ở nhà đi cày. Đi lính đầy đủ cơm ăn áo mặc, mỗi tháng còn được lĩnh năm trăm đồng Đông Dương gửi về nuôi vợ nuôi con. Lên cai, lên đội lập tức lương gấp ba, gấp bốn. Gia đình còn được chính phủ che chở, ưu ái.

Lập tức, làng Đoài có mười hai người, làng Trung có năm người đăng lính.

Ngày mười tám, đang đêm súng nổ đì đùng ở đầu làng. Sáng mới biết đêm qua có đụng độ giữa quân ta và lính bảo hoàng. Không có người chết. Tay Mật rất táo tợn. Hắn là người địa phương, lại thêm bọn bảo hoàng địa phương, cùng với mấy người lính Công giáo gan lì, nên cả gan đem quân phục kích đón bộ đội huyện từ bên kia sông Đào về làng. Mật nói, ở trong vòng kiểm soát của bốt Đình Sọ, Việt Minh đừng hòng làm chủ ban đêm.

Ngày hai mươi nhăm, ba người mặc quần áo nâu bị giết ở trên đê. Bụng bị mổ. Phơi xác cả ngày để dân đi làm đồng trông thấy.

Ngày ba mươi, đang đêm, súng máy nổ ran. Có tiếng nguời kêu cháy. Đứng ở sân chùa nhìn ra xa. Xóm Điếm lửa cháy ngút trời. Lính bảo hoàng đốt hết nhà dân. Trong cuộc đụng độ đêm ấy: Một viên đội bảo hoàng bị chết. Bên ta bị chết hai người. Chặt đầu cắm ở đầu làng. Bắt đi năm người dân lên phòng nhì ở P.C. Huyện, họ bị tra tấn đến khi trả về làng phải phục thuốc vài tháng mới khỏi.

* * * * *

Tôi chỉ tóm tắt sơ lược tình hình làng Sọ trong vòng khoảng nửa tháng. Cuộc giành giật thật quyết liệt. Ngoài đám lính của Mật, P.C. Huyện còn đưa cả bọn lính da đen rạch mặt về giúp Mật. Ở sát địch, nếu quân ta làm căng, sẽ bất lợi, vì giặc cậy số đông sẽ quần đi quần lại cả đêm lẫn ngày. Rồi sẽ có khủng bố trắng. Do đó, quân Việt Minh tạm ngừng thâm nhập, ngừng tấn công, để cho tình hình tạm lắng xuống.

Chính trong những ngày xáo trộn ở làng Sọ ấy, thầy giáo Hải ra đi lên bốt Huyện làm thông ngôn cho Tây Thằn Lằn. Còn thầy giáo mới mà ông Mật hứa vẫn chẳng bao giờ thấy mặt. Lũ học trò chúng tôi, khi ấy, cũng tan tác mỗi đứa mỗi nơi. Nhà giàu cho con ra Hà Nội, lên tỉnh học. Có nhiều nhà lại cho con ra vùng tự do khu Bốn hoặc lên Việt Bắc, trong số đó có thằng Căn, cái Huệ, cái Hoa. Chúng nó đi lúc nào tôi chẳng biết, có lẽ vào ban đêm. Cái Huệ thế mà tệ. Chắc chắn sư thúc Trần, bố nó phải cho nó biết trước. Sao Huệ chẳng nói gì với tôi.

Làng Sọ khi ấy thật buồn tẻ. Chỉ còn mấy đứa con nhà nghèo chẳng thể đi đâu, đành bám lấy làng xóm. Chúng cũng bận bịu tối ngày với việc đồng áng, với lũ trâu bò. Thế là tôi hết bạn. Tôi không đến trường nữa. Sư cụ bắt tôi học ở chùa. Không có thầy giáo thì sư phụ tôi làm thầy giáo. Cụ dạy tôi đủ chữ nho, chữ Việt và cả tính toán. Tôi cứ tưởng sư cụ chỉ biết chữ nho. Nào ngờ thầy tôi tinh thông mọi thứ. Nghe nói thầy tôi còn biết cả tiếng Tây.
Một đêm, tôi đang thiu thiu ngủ, bỗng choàng tỉnh giấc vì tiếng chó sủa ran. Nhìn sang bên cạnh, không thấy sư Khoan Độ. Lại nghe có tiếng rì rầm. Ghé mắt nhìn qua khe vách. Ánh trăng từ ngoài rọi vào. Tôi trông thấy ba bóng người. Hai cái bóng là sư phụ và sư bác. Còn cái bóng thứ ba thì lạ hoắc. Tai tôi rất thính nhưng cũng chẳng nghe được họ bàn bạc gì. Một lúc sau, sư bác vào buồng. Tôi giả vờ ngủ. Sư bác lôi tôi dậy, đưa ra ngoài.
Sư cụ khẽ bảo tôi:
- Con chào sư thúc đi.

Trong ánh trăng nhờ nhờ chiếu qua cánh giại, tôi thấy một người dong dỏng cao, dáng thư sinh. Nhờ luồng sáng trắng chiếu rõ nửa mặt phía trên, nên tôi chỉ thấy được đôi lông mày rất đen, đôi mắt tươi tắn sáng quắc. Sư bác giục :
- Sư thúc Vô Trần đấy. Bố cái Huệ đấy. Sư đệ chào đi nào.
Lúc ấy, tôi mới chợt tỉnh, kính cẩn chào. Sư thúc nói :
- Cái Huệ nhắc tới cháu luôn. Nó bảo cháu rất thông minh học rất nhanh. Sư cụ định cho cháu ra vùng tự do. Ra đó cháu ở với cô Nấm, cái Huệ, thằng Căn...
Tôi chỉ biết ngây người đứng yên. Thầy tôi hiền từ nói :
- Con vào thu xếp quần áo. Đi ngay bây giờ.
Nghe vậy, song tôi vẫn cứ lặng lẽ đứng yên, làm mọi người cảm thấy lạ lùng.
Mãi tôi mới nói :
- Thưa thầy và sư thúc, con muốn mãi mãi được ở bên thầy.
Từ sự lạ lùng chuyển sang ngạc nhiên. Ông Trần bảo tôi:
- Con cần được đi học. Sư cụ cũng bảo con rất sáng dạ. Vả lại, ở làng không ổn đâu. Tới đây, bọn Tây còn siết chặt hơn nữa...
Ông Trần còn định nói thêm để thuyết phục tôi, lúc ấy bỗng có tiếng cú rúc sau chùa. Ông Trần nghe thấy liền ngẩng đầu lên. Chắc đó là ám hiệu. Ông vỗ vai tôi và nói:
- Cháu cứ suy nghĩ cho kỹ...

Lại có tiếng cú rúc lần nữa. Ông Trần vội vàng chào thầy tôi rồi nhanh nhẹn ra phía ngách sau. Sư Khoan Độ đi theo. Tôi cớ tưởng thầy sẽ giận, quở mắng vì tôi không vâng lời. Nhưng thầy chẳng giận mà chỉ nhỏ nhẹ hỏi tôi:
- Ừ, thì cũng được. Con đi cũng tốt, mà ở lại cũng tốt.

Tôi lại vào giường ngủ. Có một loạt súng ở phía sông Đào. Không biết có phải sư thúc Trần đụng phải bọn lính bốt không nhỉ. Sau đó lại thấy yên tĩnh. Chắc không phải. Bởi vì nếu va chạm nhau, tiếng súng đối đầu của hai bên còn kéo dài rất lâu.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Trần. Cái Huệ vẫn khoe với tôi về ông. Một con người thực là hiền, thực giỏi giang. Thằng Căn khác em. Nó kiêu hãnh vì bố nó, con người đã làm cho bọn Tây trong vùng sợ hãi; song hình như nó cũng giận ông. Giận vì nó đã bị biến thành cái bia cho người ta "Ba cô đội gạo lên chùa..." câu hát ấy, đối với nó, thật khó nghe. Câu hát ấy như luôn luôn mách nó rằng ngày xưa bố nó là sư. Làm sư thì cũng chẳng sao. Nhưng làm sư rồi lại lấy vợ điều này cũng thật kỳ cục. Nhưng làm sư rồi lại trở thành một ông đại đội trưởng quân đội trong huyện, điều này hình như làm người ta ngạc nhiên. Sư là con người từ bi, thương đến cả con sâu cái kiến, còn đồng chí đại đội trưởng lại phải là con người sắt đá, không nương tay trước quân thù. Cái trái khoáy chính là chỗ này. Sau này lớn lên, tôi mới suy nghĩ trong lòng như vậy, chứ thực ra lúc thời gian ấy, tôi chỉ cảm thấy có sự gờn gợn khi nghĩ về ông Trần. Sư cụ Vô Úy nói với tôi về người sư thúc kỳ lạ ấy. Đó là một con người thông minh tuyệt trần. Học một biết mười. Nhất là có ý chí kiên cường. Mới còn nhỏ xíu, ngửi thấy mùi hương giải thoát của đức Phật đã quyết tâm bỏ nhà đi tu. Rồi khi hiểu được cái nhục nước mất nhà tan lại trở thành một cán bộ Việt Minh. Thầy tôi thở dài:
- Một con người nhiệt tình quá đỗi, một con người lúc nào cũng say mê quá đỗi. Đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của sư thúc con chăng? Hay là trong thời mạt pháp, con người chỉ là những chiếc lá để gió lốc cuốn đi. Hay là còn chưa đủ nhân duyên cho con người trụ lại, và có quá nhiều nhân duyên kéo con người trôi lăn trong trần thế...
Trong hai người con của ông Trần, hình như tôi thấy ở Căn cái nhiệt tình bốc lửa của người cha, còn ở Huệ lại mang đậm cái phần ấm áp, hiền hậu mà có lẽ những ngày ở chùa đã đem lại cho ông.

Tại sao tôi không đi theo ông Trần đêm ấy. Tôi cũng chịu, không biết nguyên do, có lẽ trực giác đã mách bảo tôi rằng mỗi người có riêng một số phận, và số phận của tôi chẳng giống của ông. Còn những lý do khác? Thế người ta đã quên mất chị Nguyệt tôi rồi sao? Ừ, chắc người ta quên thật. Riêng tôi tôi nghĩ rằng lúc này chính chị Nguyệt tôi là người cần phải đưa đi ngay. Cái hôm chị em tôi mới đến chùa, sư cụ chẳng phải đã xem tướng cho chị em tôi rồi sao. Tôi là người được chọn để ở chùa, còn chị tôi thì không. Chỗ của chị tôi là ở đời. Chị không có duyên với cửa Phật. Chả thế nên chị tôi không được sư cụ cho cắt tóc. Chả thế mà sư phụ tôi lại đem chị gả cho thầy Hải. Hay là vì thầy Hải lên bốt với Tây, nên người ta chẳng thể đem chị tôi ra vùng kháng chiến. Không hiểu sao, riêng tôi, tôi cứ thấy lo lắng; chị nên ra đi mới phải, người đàn bà thời loạn mà. Cũng còn một lý do nữa khiến tôi chẳng muốn đi. Đó là thầy tôi. Có lẽ chẳng có ai hay biết về sức khỏe của thầy tôi đâu, nhất là chuyện cái chân. Tôi thường được thầy gọi vào buồng để bóp cho cái đầu gối bên trái. Có một cái sẹo to dài kéo từ bắp đùi xuống quá đầu gối. Thầy tôi chẳng kể với ai, chỉ có tôi biết chuyện này. Năm xưa, thầy tôi là một nhà sư theo hạnh đầu đà, quanh năm du phương, đi tìm các bậc thiện trí thức học giỏi. Một bận tới một đỉnh núi cheo leo, hình như đó là am Hoa trên dãy Yên Tử. Thầy tôi bị ngã, một bên chân bị thương nặng. Thầy tôi nghe tiếng suối róc rách, nghĩ rằng con người thường ở gần suối nên cứ theo tiếng suối reo mà lần tới. Quả nhiên gặp được nhà ẩn tu già. Ông sư già đã chăm sóc cho thầy mấy tháng ròng đến lúc cái chân lành lặn. Một sớm sư bảo thầy tôi :
- Về đi! Về đi!
Thầy tôi năn nỉ :
- Xin sư phụ rủ lòng từ bi tưới tắm cho con dòng nhũ pháp.
- Con có nghe thấy tiếng gì không?
Thầy tôi lắng nghe mãi mới trả lời.
- Con nghe thấy tiếng suối.
- Con đã hiểu chưa?
- Dạ, thưa sư phụ...
- Về đi! Về đi! Con mãi rong chơi mãi làm gì. - Cụ sư già chỉ nói đến thế rồi nhắm mắt, không nói thêm một câu nào nữa.

Câu nói ấy, rồi vết thương nơi đầu gối ấy cứ đeo đẳng tâm trí sư cụ Vô Úy cho đến tận bây giờ. Có người bảo tôi rằng cụ may mắn lắm mới có những câu hỏi phải bận tâm suốt cả đời người. Câu hỏi thì tôi chưa hiểu, nhưng vết thương nơi đầu gối của thầy thì tôi biết. Nó đã hành hạ thầy tôi rất nhiều, khi trái nắng trở giời. Mà kỳ lạ thật! Lắm khi tôi thấy sư cụ bước đi phải tập tễnh. Nhưng cũng có lúc tôi lại bắt gặp cụ đi đứng rất nhẹ nhõm, nhất là khi sư cụ thiền hành. Lúc ấy bước chân ung dung tự tại... Đi cũng thiền, nằm cũng thiền... nếu sống được giây phút đều thiền, thầy tôi bảo tôi, đó là sống trong đất Phật. Những buổi tối bóp chân cho người, thầy trò tôi vẫn thủ thỉ những chuyện như vậy. Nhờ có vết thương nơi đầu gối ấy, thầy trò tôi càng thêm gần gụi gắn bó với nhau. Mà cũng lạ thật, cái chân đau của thầy không những phụ thuộc vào nắng mưa thời tiết, mà còn phụ thuộc cả vào buồn vui lo lắng. Khi nào nhiều lo nghĩ, cái chân ấy đau nhiều, còn bình thường thì chả sao. Từ dạo làng Sọ xáo trộn, cái đầu gối bên trái lại hành hạ thầy tôi liên tục. Tối nào tôi cũng phải lấy lá náng hơ nóng rồi chườm vào chỗ đau cho thầy. Như tối nay chẳng hạn khi bắt đầu sương xuống, thầy tôi rên lên, bỏ cả buổi tụng kinh. Cái lạnh giữa đông, cộng với chuyện chị Nguyệt thầy Hải cộng với bao chuyện xóm làng đã làm cho vết thương của thầy sưng tấy lên chăng. Thực lòng tôi đã coi thầy như cha, và thầy cũng xem tôi như con. Tôi bỏ thầy ra đi hỏi có được chăng. Ai đã giơ tay cứu vớt chị em tôi vào cái lúc mà chị em tôi tưởng chẳng còn đường sống.


* * * * *

Cụ chánh Long ốm nặng. Rồi lại có tin bệnh cụ chánh đã lui. Thực ra bệnh của cụ chánh chẳng có quan hệ gì với dân, nhưng vì cụ chánh là bố quản Mật, sếp bốt Đình Sọ, mà sếp bốt lại nghĩ ra một mẹo, nên cả vùng quanh bốt bỗng nhộn nhạo hẳn lên.
Một hôm quản Mật nói với ông chánh:
- Thầy năm nay đã bảy mươi nhăm. Mấy năm qua loạn lạc nên con người ta hầu như quên mất tuổi của mình. Riêng con thì vẫn nhớ. Trước đây không có hoàn cảnh, nhưng bây giờ hoàn cảnh đã thuận tiện. Cho nên con quyết định làm lễ khao thượng thọ cho thầy.
- Anh bầy vẽ làm gì. Cứ noi theo gương anh lý Phượng mới phải. Thời loạn cái chết kề bên cái sống, sắc bén phải làm như cùn nhụt. Sáng láng thì phải như ngu độn... Có thế mới bớt nguy hiểm. Người ta muốn giấu đi chả được, đằng này anh lại muốn trương ra. Con ơi, hãy quay về với cái thâm thúy của các cụ ngày xưa.

Ông chánh Long, dù sao cũng là người đã học chữ thánh hiền vả lại hồi đầu cách mạng còn được dân cử làm phó chủ tịch xã nên ông hiểu cái sự phô trương ngông nghênh của Mật như vậy hoàn toàn không có lợi. Mật ngọt ngào với bố.
- Trong làng Sọ này, ngoài sư cụ ra, thầy là người cao tuổi nhất nhì trong xã. Có tuổi cao, không phải ai muốn là được, đó là chuyện trời cho, là phúc đức cha ông để lại. Người ta phải mừng vui, sẽ chẳng có ai đàm tiếu. Đạo làm con buộc con phải làm chuyện này.
Cụ chánh Long chỉ còn biết thở dài. Cụ ốm đã lâu, nay tuy đã đỡ, nhưng vẫn không đi lại được. Quán xuyến việc nhà, bây giờ, nằm trong tay lý Phượng và quản Mật. Hay nói cho đúng, quản Mật là người chi phối hết, vì anh ta vừa có tiền vừa có quyền.

Mục đích việc khao thượng thọ cho bố của quản Mật thực ra hoàn toàn khác. Nó nằm trong một kế hoạch gồm nhiều phần. Mục đích của nó nhằm đề cao uy thế của gia đình nhà Mật, để cuối cùng đuổi Việt Minh ra khỏi các làng chung quanh bốt Sọ. Nếu muốn thế, làng Sọ Trung nơi chôn nhau cắt rốn của hắn, và làng Sọ Đoài nơi vợ chồng hắn ở phải nắm chắc trong tay hắn. Đầu tiên, hắn bắt dân làng Trung làm tờ khai tên họ nhân khẩu trong từng gia đình. Tờ khai ấy được kiểm tra đóng dấu rồi dán ở tường nhà. Kiểm tra thấy thừa thiếu là bắt tội. Thứ hai những nhân khẩu trưởng thành phải có giấy chứng nhận nhân thân. Điều này để kiểm tra những người lạ lọt vào làng. Rồi thứ ba làm lễ khao thượng thọ cho bố, thực chất để nhằm kiểm tra xem ai ủng hộ, ai phản đối mình. Hơn nữa nó còn có cái lợi là ai đến mà chẳng mang quà mừng.

Quản Mật cho lính đi từng nhà. Hắn mời cả làng. Nhà ông chánh Long to như cái đình năm gian thênh thang. Nhà xây theo kiểu nội tư ngoại khách, nghĩa là ngoài hai cái buồng gói hai đầu, ba gian giữa được ngăn theo chiều dọc thành phần trong để thờ, phần ngoài làm nơi tiếp khách. Ba gian khách ấy rộng rãi vì không có cột. Để trấn cột, người ta dùng hai cây xoan to dài hình cong cong như hai con rồng để đỡ mái. Nó giống hai con rồng được trạm trổ rất công phu.

Lễ mừng thượng thọ được tiến hành trong hai ngày. Ngày thứ nhất dành cho khách quý gồm các hào lý của các làng chung quanh bốt Sọ và khách trên huyện, trên tình. Ngày thứ hai dành cho dân làng sở tại. Để bảo vệ cuộc lễ, Tây Thằn Lằn cử một trung đội lính bảo hoàng trên huyện về gác vòng ngoài. Chung quanh nhà cụ chánh thì do hai tiểu đội ở bốt Sọ và những tay chân thân tín canh phòng. Đấy là chưa kể còn mấy nhân viên phòng nhì trà trộn vào để nhận mặt Việt Minh nếu có.

Ngày thứ nhất, khoảng chín giờ sáng, Tây Thằn Lằn đi xe díp về đậu ở đầu làng. Khách đến cổng dinh cơ ông chánh, anh thanh niên ăn mặc xanh đỏ, đầu chít khăn đỏ, đánh một hồi trống báo. Từ cổng vào đến chính đường phải đi theo con đường gạch dài chừng hai trăm mét, hai bên trồng mẫu đơn và tóc tiên. Nghe hồi trống báo, trong nhà đánh một hồi trống con đáp lại, rồi đốt một tràng pháo dài treo trên cây nhãn. Quản Mật và tiểu đội hộ vệ xếp hàng ra chào. Quan sếp bốt P.C đã an vị trên sập gụ rồi mà tiếng pháo còn chưa dứt.
Quản Mật dẫn Tây Thằn Lằn vào phần nội tự thăm hỏi cụ cố. Cụ chánh Long mặc quần áo lụa mỡ gà, đi bít tất trắng, nằm ghiêng trên giường có màn che trướng phủ. Hai cánh trướng được kéo sang hai bên. Ông già râu tóc bạc phơ định cố gắng ngồi lên nhưng quan Tây Thằn Lằn không cho. Đại úy đồn trưởng P.C. nói một câu tiếng Tây thật dài, chắc lời lẽ hoa mỹ lắm. Quản Mật nói được tiếng Pháp nhưng trình độ kém nên nghe lõm bõm. Ông chưa biết xử trí ra sao thì viên chuẩn úy tùy tùng tên là Jacques Rieux đã nói :
- Quan đại úy toi mung tho cu. Mung cu song lau. Xin biêu cu tam gam do.
- Quan định nói gì tôi chưa hiểu.
- Biêu, biêu.
- À biếu, biếu, bẩm quan lớn, tôi đã hiểu.
- Gâm đo, gâm đo.
- Gấm đỏ, biếu gấm đỏ, quan cho gấm đỏ, trời ơi quý hóa quá, xin bội phần đa tạ. Quan biết tiếng Việt Nam, thật quý hóa quá.

Cụ chánh thực sự xúc động. Mặc dù quan Tây không cho phép, nhưng cụ cứ nằng nặc một mực đòi ngồi, rồi chắp tay vái cám ơn. Chỉ đến khi mấy ông Tây ra gian khách ở nhà ngoài cụ mới chịu nằm xuống, thở hổn hển. Chuyện ông Tây tên là Giắc biết nói lơ lớ tiếng ta chỉ mấy tiếng sau đã được đồn ầm làng Sọ.

Sau trưởng đồn P.C tiếp đến là đội Hải. Ông đội thông ngôn này vừa là người làng vừa là cùng hàng hạ sĩ quan với quản Mật nhưng họ kình địch với nhau, nên trống đánh báo hiệu vào trong chỉ là một hồi trống. Không có pháo tiếp đón là sự hiển nhiên. Vả lại quà biếu của ông ta chỉ là chiếc đồng hồ hiệu Nickless giá bình dân nên quản Mật nghĩ bụng một hồi trống chào đón có khi còn quá long trọng. Khi đội Hải ra về tới ngõ, Mật định quẳng chiếc đồng hồ đeo tay đi, song một vệ sĩ thấy vậy, chìa tay ra xin, hắn lập tức cho liền.
Khi đội Hải vào nhà, quản Mật để ý thấy Hải cứ liếc mắt nhìn khắp nơi. Không biết hắn định dò xét cái gì? Quản Mật càng nghĩ càng tức. Hai tháng trước Mật còn gọi anh Hải ra bốt để dậm dọa, đe nẹt - lúc đó hắn là nghi phạm, thế mà đùng một cái hắn lại nhảy vào cùng hàng ngũ với Mật, và đùng một cái hắn nhảy lên hàng hạ sĩ quan, lên chức đội suýt soát với cấp bậc của Mật. Hắn có bằng đíp lôm (thành chung) ư? Bằng cấp ấy là cái quái gì cơ chứ.

Nếu không có đám khách tiếp theo tới, không biết quản Mật sẽ còn bực tức đến tận bao giờ. Đám này được đón tiếp bằng hai hồi trống. Đó là hai thầy trò ông thợ ảnh ngoài phố huyện. Khi thấy mặt họ, quản Mật mới sực nhớ ra, hắn bận bịu chỉ huy đến nỗi quên biến ngay mất chuyện chụp ảnh. Hắn cũng quên cả chuyện ở phố huyện quê nhà cũng đã có hiệu ảnh. Ông thợ ảnh ăn nói bẻo lẻo:
- Thưa quan sếp bốt, máy ảnh của con là máy Kôđắc, có cả ống kính tê lê. Chụp rất nét, rất đẹp ạ. Ở huyện chưa làm được phim màu nhưng nếu cần chúng con có giấy tô màu. Rất đẹp, rất nhã chứ không lòe loẹt...

Người ta khệ nệ mang chiếc ghế bành gỗ gụ ra. Người ta đặt cụ chánh mặc áo dài đỏ lên ghế, rồi xúm lại khiêng cả ghế cả cụ ra trước nhà. Bà Hai, bà Ba, bà Tư, bà Sáu, lý Phượng, quản Mật rồi con, rồi cháu, rồi chắt, hơn ba chục người xếp hàng xúm xít quanh cụ cố.
- Xin mọi người nhìn vào máy, tôi bấm đây này... Tôi bấm một kiểu thứ hai cho chắc ăn...
Đám thợ ảnh làm cho lễ mừng thọ đột nhiên sôi nổi hẳn lên. Họ chỉ dám lấy nửa tiền, nhưng quản Mật vung tay lên trời nói to:
- Nửa là nửa thế nào. Ta giả các anh gấp đôi. Khá lắm! Các anh tháo vát lắm. Làm được cái việc quan trọng mà suýt nữa ta quên mất.

Đám khách thứ tư được đánh ba hồi trống đón tiếp. Đó là đoàn chùa Sọ. Tôi là người đi đầu. Tay tôi hãnh diện giơ cao chiếc trướng màu hồng. Đêm qua sư phụ bắt tôi phải mài mực và nắn nót viết trên đó hai dòng chữ Nôm.

"Rồng rồng, phượng phượng, cha con ngọt ngào.
Sớm sớm, chiều chiều, cháu ông sum họp".

Chữ của thầy tôi nổi tiếng là đẹp trong vùng. Ai được thầy tôi cho một chữ về đem treo đã thấy là quý. Ông cụ này được thầy tôi tặng cho cả hai dòng chữ. Theo sau tôi là sư bác bưng một hộp chè. Cuối cùng là sư phụ tôi. Hôm nay, chân sư cụ không đau, thầy tôi bước đi rất khoan thai đĩnh đạc. Người trong làng nhìn chúng tôi và bàn tán :
- Rồng tức là Long, tên cụ chánh. Phượng là tên ông lý. Thế còn ông quản, sao không thấy tên.
- Ngọt ngào chẳng phải là Mật ư.
Khi chúng tôi được dẫn vào khu thờ tự, cụ chánh ngồi dậy rưng rưng nước mắt :
- Cám ơn lão huynh đã cho bức trướng. Chả có vật gì quý hơn những dòng chữ này.
- Cụ dạo này đã khá lên nhiều. Thế là điều mừng nhất.
- Cũng là nhờ thuốc của cụ lang Văn. Cụ ấy nói nếu tôi đừng suy nghĩ nhiều nữa thì bệnh mới khỏi hẳn. Song, không suy nghĩ sao được hở cụ. Anh lý Phượng nhà tôi xem ra đã hiểu nhẽ đời. Anh ấy đã xin từ chức lý trưởng. Anh ấy đã biết sợ thời thế... Tôi khổ tâm nhất vì anh quản Mật. Anh ấy cứ dương dương... tự đắc, chẳng lý gì đến cái lẽ thịnh suy chỉ trong gang tấc. Cái họa nó rình rập... nhất là trong thời loạn mà con người đâu có biết...
Nếu không có ông thợ ảnh vào, chắc cụ chánh còn than vãn lâu hơn nữa. Ông quản Mật cứ bắt sư cụ phải chụp chung với cụ chánh một tấm kỷ niệm. Tôi phải cầm cây gậy giơ cao tầm trướng đứng đằng sau hai cụ.

Ngày thứ hai đám khao, cả làng đều có mặt. Ông quản Mật không bắt buộc nhưng chẳng có ai muốn làm phật lòng ông. Nhà nghèo rớt cũng phải tìm cách có được mười đồng Đông Dương, rồi kiếm miếng giấy bao hương đỏ chót gói lại, đem sang nhà cụ chánh. Có ông cai bốt đặt cái bàn to tướng giữa sân, ghi tên rõ ràng từng người. Bảo rằng thế mới rành rọt; Khi nào người dân có việc ma chay cưới xin sẽ mang sang mừng trả nợ. Có đi có lại mới bền chặt - Ông quản Mật nói vậy.

Có lão lý Vạn người làng Hương, cái làng cách bốt chỉ gần cây số. Lão ở trong danh sách các vị hào lý nằm trong vùng cận của bốt Sọ mà quản Mật có đưa giấy mời. Lý Vạn không đến. Lập tức ít lâu sau, lý Vạn bị truất chức. Quản Mật cho rằng muốn cho bốt Đình Sọ được vững vàng thì trong vòng ba cây số tính từ bốt phải được bình định, nghĩa là các hương chức ở các làng quanh bốt phải là người của hắn, và người dân ở làng hắn phải tuyệt đối trung thành với hắn.

Trong hai ngày khao thọ, có thể nói hắn đã hiểu rõ thái độ của các chức dịch và cả của người dân. Nhưng có một điều hắn không ngờ tới là trong đêm giữa ngày thứ nhất và ngày thứ hai có một khẩu hiệu viết chữ to được dán ở cổng trường làng. Nói cho chính xác đó là hai câu vè:

Cha rồng, con phượng ngọt ngào
Cả lò theo giặc, lối nào thoát đây.

Quản Mật lồng lộn khi cầm tờ giấy này. Nghe khẩu khí thì có vẻ của Việt Minh. Nghĩ cho kỹ lại thấy không phải. Bởi vì nếu của Việt Minh, khẩu hiệu sẽ thẳng băng và trực tiếp hơn, ví dụ họ sẽ viết: "Đả đảo tên Việt gian quản Mật" hay "Kiên quyết trừng trị tên chó săn bán nước quản Mật". Đằng này lại là hai câu vè. Xem chừng chỉ là giọng lưỡi của một thằng đầu bò đầu bướu nào, ăn gan hùm nên đêm đến đã lẻn ra dán tờ giấy. Đúng thế, bởi vì làng này cả đêm lẫn ngày đều có lính gác và lính đi tuần. Thậm chí đêm ấy Mật còn cho lính đi phục kích ngoài đê sông Đào. Việt Minh thừa hiểu làng Sọ Trung đêm ấy là cái bẫy. Chỉ có người nằm ngay trong làng mới có thể thừa lúc sơ hở dán khẩu hiệu này. À... Mà tấm trướng của ông sư già viết cái gì nhỉ? Phải rồi... Thế này...

Rồng rồng, phượng phượng, cha con ngọt ngào.

Còn câu vè thì:

Cha rồng, con phượng ngọt ngào.

Đúng rồi! Hai câu giống nhau, gần như là một. Có thể lắm chứ! Cái này có thể từ chùa mà ra. Thế mà ta chẳng nghĩ ra. Lão huyện đội Vô Trần trước kia chẳng đã tu ở chùa đó sao?
Đó là những suy luận của quản Mật ngay sau khi lễ mừng thọ kết thúc.

Sáng hôm ấy, Mật đem hai tiểu đội lính bảo hoàng đến chùa. Tôi ra mở cổng. Con chó vàng thấy người lạ xồ ra cắn. Tôi quát con chó vẫn không chịu im. Quản Mật tức mình rút súng lục bắn nhưng trượt, con chó vàng chạy biến mất. Quản Mật túm ngực áo tôi quát :
- À! Thằng ranh gớm thật. Mày thả chó cắn để báo hiệu cho trong chùa hả.
Mật nói xong tát tôi hai cái lệch cả mặt.

Cũng may. Sư cụ, thầy tôi, hình như đã biết trước được những sự việc có thể xảy ra, nên đã sai tôi làm đúng như những lời phỏng đoán của quản Mật. Khi thấy toán lính đi vào phía cổng chùa, tôi thả chó ra, rồi lần chần mãi mới ra mở cổng. Mở xong, lại mặc cho chó cắn... Trong khi ấy, thầy bảo sư bác và chị Nguyệt :
- Các con hãy đi thật xa. Bao giờ yên mới được về.
Sư bác và chị tôi ra vườn sau chùa, chui qua trổ tre rồi lẩn trốn trong rừng Cò...
Quản Mật bắt sư cụ ra tra hỏi :
- Tờ khai gia đình đâu? Sao khai bốn người, lại chỉ có hai người.
- Sư bác và cô Nguyệt đi vắng.
- Con Nguyệt đi đâu?
- Cô Nguyệt lên tỉnh. Cô ấy sắp cưới ông đội Hải, phải lên tỉnh sắm sửa.
- Giỏi. Còn thằng sư Độ? Hôm kia nó còn bưng chè cùng cụ đến nhà ông tôi mà.
- Sư bác sang chùa Đà. Hôm nay là ngày giỗ sư tổ bên ấy.
- Cụ giỏi quá. Tôi thật không ngờ. Cụ xem, tôi đối xử với cụ nào có tệ bạc gì. Thậm chí còn rất kính trọng. Cụ sang với cụ tôi, tôi còn mời cụ chụp ảnh. Cụ nỡ lòng nào...
- Ông nói gì tôi không hiểu.
- Bằng chứng rành rành đây này. - Mật đưa tờ giấy có hai câu vè ra cho thầy tôi. Thầy xem kỹ rồi cười.
- Chắc chắn là ông nhầm rồi. Thầy trò tôi trương bức trướng đi từ chùa đến nhà cụ chánh. Cả làng ai chả đọc chả biết. Có thể là trùng hợp. Mấy lại tôi là người viết trướng, lẽ đâu lại dại dột dùng câu trong đó để làm vè.
Lý lẽ của thầy tôi cứng cỏi, xác đáng làm quản Mật không biết bắt bẻ ra sao. Cuối cùng hắn nói một cách hàm hồ :
- Cụ không viết thì sư Độ viết. Sư Độ không viết thì con Nguyệt viết. Ừ, nếu không tại sao chúng nó đi trốn.

Quản Mật không biết đã đánh hơi thấy điều gì. Về sau này tôi mới biết, câu vè chỉ là cái cớ. Thực ra, từ lâu bọn phòng nhì ở P.C. Huyện đã để ý đến chùa Sọ. Họ nghĩ rằng huyện đô trưởng Vô Trần thân với sư Vô Úy, Trần đã làm Việt Minh, thì Úy ắt cũng ngả theo Việt Minh. Vì vậy, hai tiểu đội bảo hoàng khám chùa suốt cả ngày hôm ấy. Chúng gõ khắp các tường để xem có tường hai mề không. Họ khám tượng hộ pháp để xem tượng có rỗng ruột không. Rồi cuối cùng, mỗi tên lính một cái thuốn đi tìm hầm khắp vườn chùa. Khoảng hai giờ chiều, một tên lính xăm bờ ao tìm được một cái hầm hàm ếch. Cửa hầm chìm dưới nước. Quản Mật mừng ra mặt sai lính đào. Nửa tiếng sau, căn hầm bí mật lộ ra. Quản Mật thận trọng hô :
- Chú ý! Kẻo Việt Minh ném lựu đạn.
Hai tiểu đội bảo hoàng nằm rạp xuống đất. Tiếc thay trong hầm chằng có ai. Cái hầm đã bị bỏ từ lâu.
Không có Việt Minh, nhưng tại sao trong chùa lại có hầm. Quản Mật vặn vẹo sư cụ rất lâu. Hắn bảo :
- Đáng lẽ tôi phải tra hỏi cụ ngay tại đây. Song nể mặt cụ là bạn bố tôi, nên tôi không nỡ. Tuy nhiên, xin mời cụ lên phòng nhì ở P.C. Huyện. Cụ hãy sẵn sàng mà khai với họ.
Thầy tôi bị trói giải đi. Thầy ngoái lại bảo tôi :
- Con hãy trông lấy chùa. Nhớ đừng quên đèn nhang sớm tối.   

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro