VÌ SAO SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG MÃI KHÔNG ĐẬU PHỎNG VẤN?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại sao cùng là sinh viên vừa mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng có người sớm tìm được công việc ưng ý, có người lại rải CV rất nhiều mà vẫn chưa được một lần hồi đáp?

Dù chưa ra trường, mới ra trường hay đã ra trường nhưng vẫn chưa tìm được công việc tốt, nếu bạn vẫn chưa hiểu nguyên nhân tại sao thì đây là bài viết mà bạn không nên bỏ qua.


1. KHÔNG TẠO ẤN TƯỢNG TỐT KHI NHẮN TIN VỚI NHÀ TUYỂN DỤNG


Hiện nay các thông tin tuyển dụng được đăng tải rất nhiều trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Khi thấy thông tin tuyển dụng về vị trí mà mình yêu thích, nhiều bạn sinh viên vội vã gửi ngay tin nhắn cho bên đăng tuyển với nội dung như: "Chào anh/chào chị, anh chị có thể cho em xin JD được không ạ?" mà không ghi cụ thể đó là vị trí gì hay bản thân là ai. Bạn nên nhớ rằng, trong một ngày, nhà tuyển dụng có thể đăng tải nhiều bài tuyển dụng khác nhau, ở những nơi khác nhau cho những vị trí khác nhau.


Để không làm tốn thời gian của hai bên và cho thấy sự chủ động của bản thân, bạn nên ghi cụ thể và tránh viết tắt, chẳng hạn: "Xin chào anh/chị. Em là B, sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành C tại trường Đại học D. Em thấy bài đăng tuyển của anh/chị cho vị trí Nhân viên kinh doanh trong nhóm ABC. Em rất mong có thể biết thêm thông tin về vị trí này, không biết anh/chị có thể gửi cho em xem bản mô tả công việc đầy đủ được không ạ? Em xin cảm ơn." Ấn tượng của nhà tuyển dụng với bạn không chỉ được tạo ra trong buổi phỏng vấn, mà ở chính cách mà bạn giao tiếp với họ ngay từ tin nhắn đầu tiên. Vậy nên, hãy tận dụng mọi cơ hội để tạo ấn tượng tốt về kỹ năng và tính cách của bản thân nhé!


2. CV THIẾU NỔI BẬT, THIẾU CHUYÊN NGHIỆP


Hiện nay, hầu hết các vị trí tuyển dụng đều yêu cầu nộp CV xin việc như là bước đầu tiên để tìm hiểu ứng viên. Tuy là một yêu cầu phổ biến nhưng đây lại là kỹ năng ít được các bạn sinh viên chú trọng khi còn đi học nên xảy ra tình trạng nhiều bạn sinh viên ra trường mà vẫn bối rối khi phải tự làm CV cho bản thân. Dưới đây là những lỗi viết CV phổ biến và cách khắc phục để bạn không bị đánh loại "từ vòng gửi xe":


- CV quá ngắn hoặc quá dài, phông chữ to nhỏ, lộn xộn


Kích thước CV chuẩn chỉ từ 1 - 2 trang A4. Cỡ chữ trong CV, phông chữ trong CV,... phải đồng nhất với nhau; trừ phần chữ tên các danh mục nên có kích cỡ lớn hơn phần nội dung. Lưu ý, không nên sử dụng các phông chữ không tương thích với Tiếng Việt, dễ bị lỗi khi in ấn hoặc hiển thị. Để an toàn, bạn nên sử dụng các phông chữ quen thuộc như: Arial, Helvetica...


- Mắc các lỗi chính tả trong CV:


Đây là lỗi rất mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng vì nó thể hiện rằng bạn không phải là người cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc.


- CV thiết kế quá màu mè:


Việc sử dụng nhiều hơn 2-3 màu sắc và họa tiết sẽ khiến CV của bạn trông sẽ rất lòe loẹt, lộn xộn. Hãy giữ mọi thứ đơn giản, dễ nhìn là được. Tuy nhiên, nếu bạn ứng tuyển trong các công việc yêu cầu sự sáng tạo như marketing hay video editor thì việc mang dấu ấn cá nhân vào CV sẽ là một điểm cộng.


- Sắp xếp bố cục lộn xộn, thiếu logic:


Những thông tin mà nhà tuyển dụng muốn thấy đầu tiên không phải là thành tích học tập hay là kinh nghiệm làm việc mà chính là thông tin cá nhân của bạn. CV cần có bố cục logic và sắp xếp thông tin trong CV một cách khoa học nhất.


Chẳng hạn, khi liệt kê kinh nghiệm làm việc hay hoạt động ngoại khóa, hãy sắp xếp theo trình tự thời gian. Nếu không biết sắp xếp bố cục CV sao cho hiệu quả thì bạn hãy tham khảo và tạo CV trên TopCV, Canva để nhanh chóng sở hữu một CV chuyên nghiệp, và ấn tượng.


- Liệt kê kỹ năng, kinh nghiệm không liên quan đến vị trí ứng tuyển:


Khi viết CV cho người chưa có kinh nghiệm, việc điền các hoạt động cộng đồng, tình nguyện, hay những công việc bán thời gian...là điều mà hầu hết các bạn sinh viên đều làm. Thế nhưng khi liệt kê các hoạt động này, bạn cũng nên có sự chọn lọc và cho nhà tuyển dụng thấy chúng có ý nghĩa gì cho công việc mà bạn đang ứng tuyển chứ đừng liệt kê chỉ để đủ trang.


- Chọn ảnh sai kích thước, không phù hợp:


Bạn chỉ nên sử dụng ảnh chân dung, cỡ 3×4, không cần quá nghiêm túc, nhưng phải lịch sự và rõ mặt, để chèn ảnh vào CV. Những bức ảnh tạo dáng cầu kỳ, hiệu ứng "ảo diệu" không phải là lựa chọn tốt cho bạn, trừ khi bạn ứng tuyển cho các công ty giải trí, muốn làm KOL, thợ trang điểm...


3. KỸ NĂNG VIẾT EMAIL XIN VIỆC YẾU


Giống như làm CV, sử dụng email cũng là một kỹ năng mà nhiều bạn sinh viên còn yếu, nên khó thuyết phục được nhà tuyển dụng trong quá trình nộp đơn ứng tuyển. Một vài lỗi khi trao đổi thông tin xin việc qua email thường gặp đó là:


- Tên email thiếu chuyên nghiệp:


Xin đừng dùng những email thiếu chuyên nghiệp với nickname không liên quan kiểu như [email protected]. Nếu chưa có sẵn cho mình một địa chỉ email riêng cho công việc thì bạn nên tạo một email mới, sử dụng tên thật và ngắn gọn như: [email protected]. Chỉ một thay đổi nhỏ như vậy cũng sẽ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng đó.


- Viết email không có tiêu đề, hoặc tiêu đề quá dài/quá ngắn:


Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu cụ thể về tiêu đề email xin việc theo mẫu chỉ định thì bạn chỉ cần thực hiện đúng như yêu cầu. Trong trường hợp không có yêu cầu cụ thể về tiêu đề email xin việc, ứng viên có thể tự mình sáng tạo nhưng phải đảm bảo ngắn gọn với tên, vị trí ứng tuyển chẳng hạn như: "Họ và tên - Vị trí ứng tuyển - Tên công ty - Ngày ứng tuyển".


- Nội dung email chỉ lặp lại thông tin như CV và Cover Letter:


Nhiều bạn sinh viên khi viết email xin việc lại nhầm lẫn với nội dung CV và Cover letter (thư xin việc). Email xin việc chỉ giới thiệu qua về bản thân và vị trí ứng tuyển cũng như giới thiệu về hồ sơ đính kèm. Trong khi đó, thư xin việc là một tệp đính kèm với bộ hồ sơ xin việc. Nếu giới thiệu chi tiết quá thì email xin việc của bạn sẽ bị dài dòng và lặp lại các thông tin trong hồ sơ, từ đó sẽ bị tạo ra hiệu ứng nhàm chán. Thay vào đó, bạn chỉ cần viết ngắn gọn, rõ ràng với những thông tin nổi bật nhất nhằm thu hút nhà tuyển dụng và thuyết phục họ xem xét kỹ lưỡng hồ sơ xin việc của mình mà thôi.


- Thiếu chữ ký email:


Việc thiết lập chữ ký email cũng rất cần thiết để tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Chữ ký Email bao gồm họ tên, địa chỉ nơi ở, địa chỉ email, số điện thoại, trang mạng xã hội (nếu có). Nếu bạn không biết cách tạo chữ ký sao cho đẹp thì hãy sử dụng trang web hỗ trợ như "Free Email Signature Template Generator" của HubSpot.


4. ỨNG TUYỂN BỪA BÃI


Sinh viên vừa ra trường có xu hướng nôn nóng, tìm việc ngay nên thường rải CV bừa, rải rất nhiều CV rồi cầu may... Nhiều bạn than thở gửi cả trăm CV chỉ được vài ba cuộc hẹn mà không biết rằng nguyên nhân nằm ở chính việc các bạn không tìm hiểu kỹ và không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của công việc. Bạn chỉ nên ứng tuyển những vị trí phù hợp với bản thân, để có sự tập trung với công ty đã chọn, và thời gian chuẩn bị kiến thức nếu được hẹn phỏng vấn.


Trên đây là bốn khía cạnh mà mình cho rằng ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình bạn gửi CV cho nhà tuyển dụng. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn sẽ giúp bạn sớm có được những lời mời phỏng vấn cho bản thân! Chúc bạn may mắn!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro