Đề 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề 3. Có ý kiến cho rằng: "Đây thôn Vĩ Dạ" là bức tranh đẹp vẻ thơ mộng, đượm buồn rất Huế của thôn Vĩ. Ý kiến khác lại khẳng định: Bài thơ chất chứa nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cảnh ngộ bất hạnh của một con người tha thiết yêu thiên nhiên, yêu sự sống.
Bằng cảm nhận về tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về các ý kiến trên.

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, các ý kiến

* Cảm nhận về bài thơ

- Khổ một:
+ Câu thơ đầu phảng phất chút tình riêng của thi sĩ. Lời thơ dưới hình thức một câu hỏi như lời trách nhẹ nhàng nhưng cũng có thể hiểu là lời mời gọi tự nhiên, tha thiết, chân tình của cô gái thôn Vĩ (Hàn Mặc Tử tưởng tượng như vậy) hay lời hỏi han chính mình của nhân vật trữ tình. Dù hiểu theo cách nào thì câu thơ cũng thể hiện niềm khao khát thôi thúc mãnh liệt từ chính bên trong tác giả.
+ Ba câu sau:
-> Phác họa vẻ đẹp hữu tình với thần thái rất riêng của thiên nhiên xứ Huế trong khoảnh khắc hừng đông: hình ảnh hàng cau trong nắng sớm và hình ảnh nhà vườn xinh xắn, tươi tốt, láng sạch ở Vĩ Dạ (nắng hàng cau nắng mới lên, vườn […] mướt quá xanh như ngọc).
-> Con người thôn Vĩ: Khuôn mặt chữ điền vuông vức, đầy đặn phản ánh vẻ đẹp trung thực, phúc hậu của con người. Khuôn mặt đó khuất sau lá trúc che ngang gây ấn tượng về vẻ kín đáo, dịu dàng rất đặc trưng trong tính cách của người Huế.
→ Hàn Mặc Tử đã gợi rõ thần thái của thôn Vĩ: cảnh xinh xắn, người phúc hậu, thiên nhiên và con người hài hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Lời thơ còn cho thấy lòng yêu thiên nhiên, yêu con người tha thiết cùng niềm băn khoăn day dứt của tác giả.
- Khổ hai: Hoài niệm về cảnh sông nước đêm trăng và hoài vọng phấp phỏng âu lo
+ Cảnh sông nước đêm trăng ở sông Hương của thôn Vĩ đẹp vẻ thơ mộng, lãng mạn:
-> Hai câu đầu gợi đặc điểm rất riêng của xứ Huế: sự nhẹ nhàng, khoan thai, hiện thực mà huyền ảo (gió thổi nhẹ, mây trôi chậm, dòng nước lững lờ và hoa bắp đôi bờ cũng chỉ khẽ lay).
-> Cảnh đượm buồn: Dường như tất cả đều trôi chảy, xa dần (gió thổi, mây trôi, dòng nước cũng lững lờ trôi); dòng sông như một sinh thể có hồn mang nỗi niềm tâm trạng của nhân vật trữ tình (buồn thiu); gió mây chia lìa đôi ngả; hoa bắp khẽ lay đọng lại nỗi buồn cho câu thơ.
-> Cảnh sông nước đêm trăng hiện thực mà huyền ảo: Dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng, dòng ánh sáng tuôn chảy khắp vũ trụ làm cho không gian nghệ thuật thêm hư ảo, mênh mang. Con thuyền vốn có thực trên sông trở thành một hình ảnh của mộng tưởng, nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về với thi nhân.
+ Tâm trạng hoài vọng mà phấp phỏng âu lo:
-> Với Hàn Mặc Tử, trăng là người bạn tri âm tri kỉ. Trong hoàn cảnh bị cách biệt với thế
giới bên ngoài, giường bệnh trở thành một sa mạc cô đơn, nhà thơ chỉ còn lại "trăng" để trò chuyện, vui buồn. Nhà thơ trông trăng, hoài trăng là điều tất yếu.
-> Chữ "kịp" cho thấy tâm trạng âu lo, phấp phỏng của Hàn Mặc Tử. Trong hoàn cảnh mắc bệnh hiểm nghèo, quĩ đời của thi nhân cứ vơi dần từng giây, từng phút, cuộc ra đi chia lìa vĩnh viễn có thể đến bất cứ lúc nào. Vậy nên, thuyền không chở trăng về kịp tối nay thì biết đâu thi sĩ sẽ ra đi trong vĩnh viễn đau buồn.
-> Đoạn thơ thể hiện sâu sắc nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi khát thèm sự sống của thi sĩ.
- Khổ ba: Hoài niệm về người thôn Vĩ – nỗi niềm mơ tưởng hoài nghi
+ Hình ảnh người thôn Vĩ hiện lên vừa hiện thực vừa huyền ảo, vừa gần gũi vừa xa vời.
+ Hỏi người, hỏi mình để thể hiện tâm trạng âu lo, hoài nghi nhưng đồng thời cũng để khẳng định nỗi niềm gắn bó với cuộc đời, với con người.

* Bình luận các ý kiến
- Hai ý kiến đều đúng, thể hiện cảm nhận sâu sắc về cảnh (ý kiến thứ nhất) và tình (ý kiến thứ hai) trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.
- Hai ý kiến không đối lập nhau mà cùng bổ sung cho nhau để hoàn thiện cái nhìn về bài thơ. Thực chất, trong bài thơ, cảnh và tình quyện hòa trong từng khổ, từng đoạn.
- Để khắc họa bức tranh thiên nhiên và bức tranh tâm trạng, Hàn Mặc Tử huy động trí tưởng tượng phong phú của mình đồng thời sử dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật: so
sánh, nhân hoá; thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ...; sáng tạo các hình ảnh
thơ và đan cài giữa thực và ảo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro