Chương mở đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đinh Sửu, Quang Thái năm thứ mười, (Minh Hồng Vũ năm thứ ba mươi). Mùa xuân tháng giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng ba thì công việc hoàn tất.

Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô nhị , núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: "Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm".

Quý Ly không nghe.

Mùa hạ tháng tư, đổi trấn Thanh Hóa thành trấn Thanh Đô.

Mùa đông, tháng mười một, Quý Ly bức vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa .

Mậu Dần, Quang Thái năm thứ mười một, mùa xuân tháng ba ngày mười lăm, Lê Quý Ly bức vua phải nhường ngôi cho hoàng tử An.

Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất. Đại xá. Tôn Khâm Thánh hoàng hậu là Hoàng thái hậu.

Khi ấy thái tử mới lên ba tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai thái hậu lạy trước cho thái tử lạy theo.

Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương. Nhiếp chính.

(Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

****

Kiến Tân năm thứ hai, Thanh Đô.

Chớp giật ngang trời, sấm vỗ đùng đoàng trên nền trời đen kịt, mưa xối xả như trút nước khiến mấy giậu hoa cúc ngoài sân như ngã rạp.

Trong gian phòng tối mờ mờ, mành treo run lên phần phật vì gió tạt mạnh, mấy ngọn đèn cao nửa người mới đốt cũng leo lét rồi tắt ngúm. Loáng thoáng có thể thấy được bàn ghế sập gỗ đều được sơn son thếp vàng, tuy trống trải đến mức nhìn một cái là thấy được đến tận buồng ngủ nhưng không thể giấu được khí phách của chủ nhân nơi đây.

Nguyên do là kinh đô mới dời đến đây hồi năm ngoái, bên phía cung Thiều Hoa báo rằng vật liệu đường xa eo hẹp, lại lấy việc tiết kiệm làm kế chống Minh nên hạn chế thói xa hoa. Thế mà cung Thiều Hoa lại như dát vàng hết thảy.

Phía bên ngoài có vài tiếng bước chân giẫm mạnh lên nền gạch hớt hải xộc vào phòng, ngó kỹ thì thấy là bà vú già cùng mấy cô hầu trẻ tuổi, ai nấy đều ướt đẫm nước mưa. Nét mặt họ tái xanh run lên cầm cập không biết vì lạnh hay vì sợ hãi, vừa chạy vào tẩm điện đã quỳ xuống khóc thưa:

"Bẩm thái phi, đã tìm khắp cung, không... không thấy công chúa!"

"Choang" một tiếng, ấm nước đã chạm phải nền gạch lạnh lẽo, mấy mảnh sứ vụn bén ngót bắn ra va phải da thịt rướm máu, nhưng lại chẳng có ai dám rên rỉ một tiếng nào. Lần này tắc trách để công chúa mất tích, đừng nói là chút đau đớn xác thịt này, chỉ e cái mạng cũng không giữ được.

Bên ngoài sấm chớp vẫn chưa dứt, mỗi một hồi vang lên như muốn chẻ nóc cung Thiều Dương ra làm đôi.

Hiện giờ chẳng ai còn thiết tha đốt đèn, bởi thế giữa cái tối tăm và lạnh đến thấu xương của cơn mưa thu ngoài kia thì bên trong cũng nhuốm một màu tịch mịch và u ám đến kỳ lạ.

Tia chớp hết loé lên rồi tắt mơ hồ lộ ra một gương mặt tuyệt sắc, từng đường nét đều mềm mại dịu dàng, nhưng lại bị cảnh trí quỷ quái nơi đây làm cho khủng khiếp hơn gấp bội.

Người phụ nữ này cùng lắm mới hăm mốt hăm hai nhưng đôi mắt lại toả ra sự quyết đoán cùng cơ trí hiếm gặp, tay nàng nắm thành nắm đấm đập mạnh xuống mặt bàn rồi đứng phắt dậy khỏi ghế phượng liếc mắt một vòng xuống chân, bên dưới ai nấy đều cảm thấy như có một áp lực vô hình đè nặng.

"Chắc chắn là con đàn bà gian ác kia đã giở trò hèn hạ, ban nãy ai là người cuối cùng ở cạnh công chúa?"

Không dưới chục người đang quỳ mọp im phăn phắt, tiếng gió rít gào bên ngoài như đưa ma.

Từ lúc công chúa mất tích đến nay đã hơn một canh giờ, những chuyện có thể xảy ra thì đã xảy ra, những chuyện không thể xảy ra cũng có khi đã xảy ra rồi. Một cô gái nhỏ mới ba tuổi mất tích trong chốn cấm cung đầy rẫy bẫy rập trong ngày mưa gió này, muốn người ta không nghĩ đến tình huống tiêu cực cũng khó.

Chốn chốn lưới chăng, nơi nơi cạm đặt, người của cung Thiều Dương sớm đã không còn giữ vị trí như xưa, bây giờ đây chỉ còn sót lại chút hơi tàn kể từ khi đông cung thái tử lên ngôi hoàng đế.

Một thằng bé mới ba tuổi còn chưa nói sỏi bị bắt ngồi lên ngai vàng rồi điều khiển như con rối trong tay của ông ngoại, của mẹ và các bác của nó. Hơn một năm trôi qua trời dời đất chuyển, vốn Lê Quý Ly đã chuyên quyền thao túng triều đình suốt gần ba mươi năm, nay lại như cá kình gặp cơn sóng lớn.

Còn người phụ nữ này tuy đương tuổi xuân xanh, nhưng cũng bởi Quý Ly giở trò đàn hặc quan gia nhường ngôi cho thái tử để lên làm thượng hoàng, khiến nàng cũng cùng chung số phận giữ cái chức hữu danh vô thực.

Bên ngoài lại vang lên tiếng bước chân mạnh mẽ như đạp gió rẽ sóng, thái phi Bạch Ngọc thoáng chốc tỉnh tuồng, sải bước vài cái đã ra tới trước cửa. Sau đó nàng như khuỵu xuống trước mặt người đàn ông cao lớn mới bước vào:

"Cái Hiền đâu rồi ạ?"

Người đàn ông vẻ mặt nghiêm trọng, lắc đầu đáp:

"Không thấy!"

Rồi lại có tiếng lôi sền sệt từ bên ngoài vào, một ả hầu đã bị người đàn ông cao lớn khác ném xuống đất.

Đây là hai anh của thái phi Bạch Ngọc – Trần Đạt và Trần Duy.

Trần Duy ném ả hầu kia xuống nền gạch khiến trán ả văng ra một búng máu, sau đó anh ta lớn giọng quát:

"Cái con ả này lén lén lút lút ở sau đình chung đụng với người cung Thiều Hoa, ắt hẳn là có gian trá. Cứ để ta móc mắt cắt lưỡi ả thì thế nào ả cũng ói ra hết!"

Trần Đạt hừ giọng:

"Cắt lưỡi rồi thì làm sao mà khai!"

Lúc này không đợi Trần Duy phí công hành hình, ả hầu kia đã vội nằm bò trên đất khóc lóc thảm thiết:

"Là thái hậu.. thái hậu uy hiếp tôi phải tìm cách giết chết công chúa, nếu không bà ta sẽ giết chết cả nhà tôi."

Thái phi Bạch Ngọc lúc này cũng đoán được mọi chuyện đã lành ít dữ nhiều, không thể chống đỡ nỗi mà ngã vật ra ghế. Nàng nhắm mắt nấc nghẹn, cuối cùng cũng phải rơi lệ:

"Ta biết ngay mà, ngày trước nếu không phải tại lão ác tặc Quý Ly thì ả đã bị quan gia phế bỏ, bây giờ cả nhà ả nắm thực quyền, nếu ả muốn trả thù thì chúng ta chỉ như cá nằm trên thớt mà thôi!"

Thái phi vẫn không bỏ được danh xưng trước đây, thực tế thì quan gia trong miệng nàng đã lên làm Thượng hoàng. Trong triều trên danh nghĩa là Thiếu đế mới bốn tuổi, nắm toàn bộ quyền hành là Quốc tổ Chương hoàng tức Lê Quý Ly, hai con trai trở thành Thái phó và Tư đồ, cuối cùng là con gái lên làm Thái hậu – tức mẹ của Thiếu đế.

Nàng vẫn không thể hiểu được lão già đó bỏ bùa ngãi gì, trước là Nghệ Tông tiên đế tin dùng đến mức nói gì nghe đấy, gây ra bao oan trái cho họ Trần. Sau đó thượng hoàng lên ngôi khi mới mười hai tuổi, vì còn quá non trẻ nên toàn bộ việc nước hầu như đều ở dưới bàn tay thao túng của y. Nàng gả vào trước thế cục đã rồi, trước vốn còn ngây thơ định dùng tấm chân tình thức tỉnh nhà vua.

Ai ngờ Thuận hoàng bị nắm giữ quá lâu thành ra bản tính đã trở nên nhu nhược yếu đuối, chỉ vừa sang hăm ba tuổi đã bị bức ép phải truyền ngôi, giống như quỳ xuống hai tay dâng giang sơn xã tắc cho ngoại thích.

Trần Duy đỡ lấy em gái rồi không nhíu mày lấy một cái dùng kiếm chém đứt một tai của ả kia:

"Công chúa đâu?"

Ả hầu rú lên như lợn bị chọc tiết. Thật ra ả vốn biết khi đã bị ép vào con đường này là chỉ có nước chết, nhưng dù sao chết một mình với chết cả nhà vẫn khác lắm. Bà thái hậu biết thế nên chẳng cần ra tay với ả làm gì, bà ta cũng không sợ người của cung Thiều Dương làm bậy, bởi bây giờ có thể nói là một tay che trời.

"Xin cho tôi được chết... công chúa ở dưới giếng cạn trong cung Linh."

Thái phi Bạch Ngọc kêu trời một tiếng rồi ngất xỉu, Trần Đạt và Trần Duy phân phó cho người hầu canh chừng nàng rồi lao ra ngoài như tên bắn giữa trời mưa giông.

Trước khi đi vẫn không quên đâm một kiếm giữa cổ đoạt mạng ả hầu.

Cung Linh là một cung điện xa xôi trong góc Cấm thành, năm ngoái có cung nhân từng treo cổ khi bị giam giữ, hiện giờ gần như bỏ hoang. Ả hầu vì sợ phát hiện nên ôm công chúa đến nơi vắng vẻ rồi bỏ xuống giếng khô, sau đó đến báo cho Thái hậu hòng tìm đường bỏ trốn, ai ngờ bị Trần Duy phát hiện được.

Thái phi Bạch Ngọc là con gái của Trần Công Thiệu ở phủ lộ Nghệ An, năm đó nhờ tư sắc mà được tuyên vào cung làm phi, nổi tiếng trong ngoài rồi bị hoàng hậu Thánh Ngâu ghen ghét.

Ngày trước thuở Thượng hoàng còn ở ngôi thì có thể dùng chút quyền uy ít ỏi bảo vệ mẹ con họ bình an, nay thực quyền đều nằm trong tay Lê Quý Ly, thái hậu bèn ngang nhiên hô gió gọi bão. Nếu không phải nể mặt công chúa là dòng dõi họ Trần thì nhiều khi đã bị ả ta trực tiếp bóp chết.

Quả là mỉa mai, ngày trước họ Trần vinh quang đến nhường nào, đánh đuổi ngoại xâm thiết lập thịnh thế ra làm sao, mà bây giờ con cháu phải chịu cảnh luồn cúi ô nhục. Than thay, thuở đó ngoại thích Thủ Độ dùng một đứa trẻ để truất ngôi họ Lý, đến nay Quý Ly cũng dùng cách tương tự để hòng đoạt ngôi của họ Trần.

Khác chăng chỉ mỗi việc họ Trần thuận lý thành chương, phò trợ cháu mình lên ngôi khi nhà Lý đã không còn người nối dõi. Còn Quý Ly chỉ là kẻ đục nước béo cò, gây ra bao nhiêu sóng gió khiến cho quân vương trở nên hèn ngu, rồi ở cái ngưỡng cuối đời cũng ham muốn ngôi vua cho thỏa.

Họ Trần suốt mấy đời dùng nội hôn để ngăn chặn tiền lệ, ai ngờ đến cuối vẫn không tránh khỏi ý trời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro