Chương 85: Cô Gái Này Là Ai?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mạc Đĩnh Chi liền tỏ vẻ thần bí, chụm đầu lại với chúng tôi:

"Chuyện này phải kể từ lần tiến quân vào Thanh Hoá, cô gái này đã giúp thầy sáu cùng đội quân của ngài tránh thoát được truy kích của Toa Đô khi Trần Kiện đầu hàng. Cũng là chị ta chỉ điểm cho thầy sáu địa hình đường sá để chúng em đến cứu được chị, nói thẳng ra công của chị ta cũng không ít."

Tôi ồ lên một tiếng rồi thắc mắc hỏi:

"Nếu vậy thì giải thích sao về thái độ của thầy sáu em đây?"

Mạc Đĩnh Chi còn chưa kịp nói thì thằng nhóc Thuyên đã lên tiếng cắt ngang:

"Đó gọi là lạt mềm buộc chặt!"

Tôi búng vào trán nó một cái, chẳng hiểu thằng nhóc mới mười tuổi này học đâu ra mấy lời như vậy.

Tôi định giục Mạc Đĩnh Chi nói tiếp thì nghe bên ngoài Trần Nhật Duật lại cất giọng cười chế giễu:

"Trùng hợp mà từ Thanh Hoá lại gặp ở Vạn Kiếp à? Đừng nói cô cũng được mời đi ăn cưới giống tôi đấy nhé?"

Tôi có chút tò mò về thân thế cô nàng này, vừa hay nghe Mạc Đĩnh Chi kể tiếp:

"Cô gái này họ Trịnh tên Ngọc Châu, là con gái của tri huyện Tế Giang ở châu Thanh Hoá. Gia đình chị ta đều bị giết khi Toa Đô kéo vào, chỉ có mỗi chị ta là sống sót nhờ thầy sáu ra tay ứng cứu. Giữa chị ta và thầy sáu đúng là chẳng biết được ai nợ ai, nợ bao nhiêu e là đã chẳng thể nói rõ được nữa."

Tôi dỡ trán, thằng nhóc này đúng là ở trong phủ của Trần Nhật Duật nghe kịch quá hai canh giờ một ngày. Tôi nheo mắt nhìn nó, thở dài thườn thượt:

"Cùng lắm là mối quan hệ có vay có trả mà thôi, có gì đặc biệt chứ?"

Lúc này phía bên ngoài có vẻ như cô gái kia đã hết kiên nhẫn, cả giận nói:

"Không cần nhiều lời, tôi cũng chẳng thèm nấn ná với anh!"

Nói xong thì định dong ngựa đi thật, tôi vội kéo rèm xe phóng xuống đất, nhiệt tình kêu lên:

"Hay là chị cũng đến nhà tôi... ừm... ăn cưới đi..."

Tôi nói xong thì thấy cả cô gái nọ và Trần Nhật Duật đều chằm chằm nhìn mình, trong lòng bất giác cảm thấy chột dạ, bèn gãi đầu cười giả lả

"À ... để tỏ lòng cảm ơn việc hôm nay..."

Tôi cá là bảy phần cô nàng Ngọc Châu này thích Trần Nhật Duật, ba phần còn lại là chị ta cũng chẳng còn nơi để đi. Nói không chừng mấy ngày hôm nay chị ta lấp ló trong thành dò la, tìm cơ hội để vào vương phủ của Trần Nhật Duật. Tiếc là phủ Văn cũng chẳng phải cái chợ mà chị ta muốn vào thì vào, muốn ra thì ra.

Vì thế cho nên khi Trần Nhật Duật vừa ra khỏi phủ thì chị ta liền bám theo ngay, nhưng xui là nửa đường thì đương không gặp thổ phỉ. Một người con gái như chị ta có thể sống một cách mạnh mẽ và quyết đoán như vậy làm tôi ngưỡng mộ vô cùng.

Nhưng Ngọc Châu có vẻ cũng rất tán thưởng ý kiến của tôi nên rất nhanh chóng đã gật đầu. Trần Nhật Duật làm vẻ mặt không buồn không vui, chào hỏi qua loa với bọn tôi rồi gọi Mạc Đĩnh Chi trở về xe ngựa, xe ngựa của bọn tôi lại chở nặng thêm một người.

Có điều lúc này trong lòng tôi khá là an tâm vì nếu có xui rủi gặp phải cướp bóc, thổ phỉ hay ám sát gì đó thì cũng có kẻ bảo vệ an toàn cho cả bọn. Chỉ mỗi việc cô nàng Ngọc Châu này lại bị cả xe xa lánh vì trên cơ thể toả ra một loại mùi vô cùng khó chịu do nhiều ngày không tắm hoà lẫn với mùi máu tanh.

May mắn là từ lúc đấy đến khi chúng tôi về tới Vạn Kiếp cũng không xảy ra chuyện gì đáng kể, trị an ở những vùng lân cận Vạn Kiếp xem ra cũng rất tốt do thanh thế của cha tôi, mà cũng có thể là do cô gái Ngọc Châu này khí thế quá lớn khiến bọn gian ác không dám bén mảng.

Chị em chúng tôi trở về khi vương phủ đã giăng đèn kết hoa, cha tôi trước đó đã cho mở hội trong phủ để họ hàng thân thích đến chúc tụng. Vì còn đang trong tháng Giêng nên hội cưới kéo dài suốt bảy ngày bảy đêm.

Dù cảm thấy có chút mỏi mệt nhưng nhìn cảnh náo nhiệt trước mắt tôi liền vơi đi quá nửa, cả người thoắt cái phấn chấn hẳn lên. Còn nhóc Thuyên và Quốc Chẩn lâu nay ít thấy việc tiệc tùng, háo hức theo gia nô vào trong gian chính chào hỏi. Kể cả cha mẹ tôi thấy bọn nhỏ cũng mừng rỡ cưng nựng như báu vật đã mất bấy lâu.

Thuở trước lúc tôi mang thai Quốc Chẩn thì chị dâu cũng đang có thai một thằng nhóc con, hiện tại mấy đứa nhỏ cùng trang lứa vừa gặp đã như thân từ lúc nào, tự giác kéo nhau đi chơi khiến tôi và chị Trinh nhẹ người hẳn.

Vấn đề duy nhất là mức độ quậy phá của bọn chúng phải nói là đạt đến ngưỡng rồng trong loài người. Cũng may cha tôi xương cốt vẫn còn cứng cáp, có thể bên ngoài đánh giặc, bên trong trông cháu, thậm chí vẫn còn phấn khởi cười nói bọn chúng như thế lớn lên ắt hẳn thông minh hơn người.

Rường cột thế nào thì tôi không biết, nhưng phủ Hưng Đạo sắp bị dỡ hẳn nóc nhà rồi.

Các anh tôi hiện đều đã có đất phong nên chỉ những khi có việc cần mới trở về, thế nên hôm nay tề tựu đông đủ đúng là chuyện vui hiếm gặp. Tôi nghĩ đến cảnh sau này chỉ có mỗi cha mẹ ở trong phủ lúc về già, trong lòng không khỏi cảm thấy buồn phiền.

Bởi vì là ngày thành hôn nên Phạm Ngũ Lão từ sớm đã trở về huyện Đường Hào, đến ngày rước dâu mới theo tục lệ đem lễ vật sang phủ đệ Vạn Kiếp. Trước đó tam thư lục lễ rườm rà gì đó đều đã làm qua xong, chỉ chờ ngày rước nàng dâu trở về nhà.

Phạm Ngũ Lão chậm trễ đến giờ phút này cũng là vì công danh sự nghiệp còn dang dở, nay đại công cáo thành nên sính lễ chuẩn bị vô cùng phong phú, coi như bù đắp cho bao năm chờ đợi của chị tôi. Ngày rước dâu nhắm chừng cũng rình rang linh đình hơn hết thảy.

Phủ vương cùng lúc là nhà trai khi anh hai và anh ba của tôi cũng đang ở trong vai trò làm những chàng rể mới. Anh hai Quốc Uất khó khăn gấp đôi bởi người cha vợ tương lai là kẻ vừa có tiếng vừa có miếng, trước đây lúc ở trong quân đội tôi cũng từng được chiêm ngưỡng qua phong thái của ngài. Thế nên dù cả hai nhà từ lâu đã có hôn ước, nhưng nhắc tới vẫn khiến anh tôi một phen đổ mồ hôi.

Điều này tôi nghĩ rằng anh hai phải thỉnh giáo kinh nghiệm của anh cả, dù sao anh ấy cũng đã từng qua ải còn khó khăn hơn đó là làm rể vua, mà trong khi trước đây chị dâu tôi còn đối với anh không chút tình cảm.

Chị Ngọc Châu lúc này đã được Thụy Hương đưa đi tắm rửa thay quần áo, lúc sạch sẽ tươm tất bước ra tôi cứ tưởng là hai người khác nhau, hóa ra câu người đẹp vì lụa là có thật.

Tôi chợt nhớ tới thân phận trước đây của chị ta là con gái của quan tri huyện, cho dù gương mặt sinh ra vốn có nét sắc bén hơn những cô gái khác nhưng vẫn ẩn giấu bộ dạng của thư hương thế gia. Dòng họ Trịnh ở đất Thanh Hóa dù sao cũng là một dòng họ lớn và lâu đời.

Đoàn người ngựa của tôi trở về phủ không lâu thì đoàn xe đưa lễ vật của Trần Nhật Duật cũng cập bến. Tại sao lúc đấy anh ta xuất phát sớm hơn bọn tôi nhưng đến bây giờ mới tới đây? Về nghi vấn này thì thằng bé Quốc Chẩn giải thích như sau:

"Ông sáu Văn thích làm mặt lạnh nhưng bên trong lại lo lắng cho chúng ta, sợ chúng ta lại bị thổ phỉ tập kích bèn giả vờ đi trước, nhưng thực chất là luôn theo sát chúng ta để quan sát tình hình."

Thằng nhóc Thuyên liền lên giọng hiểu biết cắt ngang:

"Em chỉ biết một mà không biết hai. Chúng ta chỉ là phụ, còn cô Ngọc Châu kia mới là chính!"

Ái chà, điều này thì tôi hoàn toàn đồng ý với nhóc Thuyên.

Trần Nhật Duật chào hỏi cha mẹ tôi xong thì cho gia nhân đem lễ vật vào trong. Trong lúc lơ đễnh liếc thấy Ngọc Châu, anh ta liền buông lời cay độc:

"Chà, ăn dọn xong trông cũng ra người ra ngợm đó chứ?"

Gương mặt chị Ngọc Châu liền biến sắc, cánh tay chực cầm lấy chuôi đao bên hông. Tôi bèn kéo chị ra nhà sau, kẻo đứng đó một hồi thì vương phủ có chiến tranh nổ ra mất.

Tôi nhìn chị Trinh, hoài niệm:

"Hình như trong ký ức của em chú Văn không phải người như vậy!"

Chị Trinh lắc đầu với tôi:

"Mấy chuyện tình thú ấy mà, vốn là thứ mà người ngoài chúng ta không thể giải thích được."

Lúc này sắc mặt tái xanh của chị Ngọc Châu chuyển sang đỏ ửng như quả đào.

Nhân lúc mấy đứa trẻ đã ngủ thì chị em tôi liền tụ họp lại trong phòng của chị An Hoa vừa cắn hạt bí vừa trò chuyện. Tôi nhớ ngày xưa lúc tôi còn bé vẫn luôn rất thích những bữa đám tiệc như thế này, lúc đấy dù cha mẹ có cản hay la mắng thì tôi và chị Trinh vẫn lén lút từ trên giường bò dậy đi hóng chuyện giữa khuya.

Trước ánh nến bập bùng sáng rực mặt chị An Hoa mặt đỏ như gấc, không biết là đỏ vì ngượng ngùng hay vui sướng, hay là do ánh sáng ngọn nến hắt vào. Chỉ có điều ngồi trước ánh mắt nhìn chằm chằm như hổ đói của bọn tôi, chị An Hoa dù ngại cách mấy cũng phải kể cho chúng tôi nghe mọi chuyện.

Thật ra tôi vẫn luôn thắc mắc Quốc Tảng tại sao lại đổi ánh nhìn với chị An Hoa, làm tôi ngờ vực rằng nếu như tôi không xuất hiện ngay lúc đó thì tình cảm của chị An Hoa đối với Quốc Tảng có thể mưa dầm thấm lâu chứ không phải kéo dài tới tận bây giờ hay không?

Nhưng cũng có một cách giải thích khác là anh ấy dùng chị An Hoa để lấp đầy khoảng trống trong lòng, nhưng lý do đó thì tôi nghĩ rằng với tính cách anh ta sẽ không có khả năng xảy đến.

Tôi nghĩ thế bèn lo lắng hỏi:

"Chị An Hoa, nếu như cuộc hôn nhân này không tình nguyện thì bây giờ vẫn còn cứu vãn được!"

"Bậy này" – Chị Trinh cắt lời tôi – "Hôm nay là ngày vui, sao lại không tình nguyện?"

"Ai nói là chàng ấy không tình nguyện?" – Chị An Hoa hiểu ý tôi muốn nói gì, chị cười dịu dàng rồi nói.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro