Chương 13: Bứt đi thì dạ không đành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bởi vì chuyện này mà chị Anh Nguyên khóc đến mức đổ bệnh, chẳng ai khuyên giải gì được chị ta. Tôi cười chị, cũng chẳng phải là chị vào cung, nếu chị không nỡ vậy thì chị thay tôi vào cung nhé, cùng phận con nuôi với nhau thì chị là người thích hợp nhất còn gì. Chị Anh Nguyên lúc này mới nín khóc bảo tôi:

"Cái này thì không được, chị đâu phải người quan gia muốn lấy!"

Tôi chống cằm, thở dài nhìn chị:

"Quan gia không muốn hay chị không muốn? Chứ không phải trong lòng chị đã có anh Ngũ Lão rồi à?"

Chị Anh Nguyên cũng nhìn tôi, cũng bắt chước tôi thở dài:

"Vậy trong lòng em có anh ba không?"

Tôi cũng không biết phải trả lời chị làm sao, nói có thì hơi quá, mà nói không thì cũng không hẳn. Nhưng nếu như đợi một tháng anh ta về, nói không chừng tôi sẽ đồng ý lấy anh ta. Cho dù bây giờ tôi đối với anh ta không mặn không nhạt, nhưng sau này vẫn còn dài lắm, chưa nói trước được gì.

"Lần này anh ba đi vừa đúng lúc, chị e mọi chuyện cũng không đơn giản." – Thấy tôi mở to mắt nhìn, chị liền giải thích – "Chuyện này xảy ra sau khi chị vào vương phủ không lâu, lúc đấy vương phủ bị quân Thát tập kích, cô hai nhà này cũng bị lạc mất luôn, năm đó cô hai tám tuổi, trùng tên với em."

"Chuyện này thì em biết rồi." – Tôi nói.

Chị Anh Nguyên đưa ngón trỏ lắc lắc trước mặt tôi, làm ra vẻ thâm sâu:

"Có việc chị cá là em không biết, chỉ có ba chị em chị là biết thôi nhé, không có người thứ tư đâu."

"Thì chị nói rõ ràng xem nào" – Tôi giục.

Tôi thì rất ghét cái ngữ nói chuyện lấp lửng của chị nhưng cũng không thể cạy miệng chị ta ra. Tôi cũng rất muốn biết bí mật trong lời chị là cái gì, có liên quan tới tôi hay không.

Chị Anh Nguyên ngồi ăn hết một bát bánh đúc mới trịnh trọng nói:

"Ngày xưa chị với chị Trinh và em Tĩnh chơi rất thân vì cũng trạc tuổi, em Tĩnh được cưng chiều lắm vì tính tình hoạt bát, còn chị Trinh thì rất hiền. Bọn chị từ lúc nhỏ xíu như vậy đã bắt đầu tập võ, mà em Tĩnh là người nổi trội nhất. Vì lẽ đó cho nên cha rất hay cho em Tĩnh vào Thăng Long chơi, nghe đâu còn thân thiết với thái tử tức là quan gia bây giờ đó, mỗi lần về phủ còn luyên thuyên không ngừng."

Chị trầm mặc một chút rồi nói tiếp:

"Về sau vương phủ bị tập kích, em ấy vì cứu chị Trinh mà bị bắt khỏi nơi này, lần đó quân Thát bị chết quá nửa, chỉ còn đống hơi tàn, cha sai người tìm kiếm khắp nơi mà vẫn không thấy, nên cho dù không ai thừa nhận, nhưng trong lòng ít nhiều cũng hiểu em Tĩnh đã ra đi."

Vận mệnh đúng là tàn nhẫn, một người để lạc mất con gái nên không ngừng tìm kiếm trong đau khổ, một người dù có con gái bên cạnh nhưng lại đối xử tệ bạc khiến nó chết dần chết mòn.

Tôi gục đầu xuống bàn nghe chị Anh Nguyên kể:

"Ngày xưa tiên tế đưa ra di nguyện muốn hai nhà cùng nhau cai trị việc nước, đến đời chúng ta đã là đời thứ hai. Em Tĩnh đi rồi, chị Trinh bắt buộc phải gả qua đó. Cho dù chị không nằm trong cuộc cũng đủ hiểu mối hôn nhân này gượng ép cỡ nào, trong lòng chị Trinh có bao nhiêu khổ, còn quan gia...cũng từng kháng cự rất lung..."

"Cả hai không có tình thì làm sao lấy nhau được chứ? Hơn nữa ngài ấy là vua một nước, chẳng lẽ không làm gì được sao?"– Tôi ngây thơ nói.

Chị Anh Nguyên cười buồn:

"Trên đời này được mấy người lấy nhau vì tình chứ, có thể hoà nhã đối đãi với nhau là đã tốt lắm rồi, không hiếm lạ mấy gia đình vợ chồng ầm ĩ suốt ngày đâu. Huống gì trên vai họ còn gánh trọng trách lớn lao vừa việc nhà, vừa việc nước không có sự lựa chọn. Bây giờ chắc nghe tin em về nên muốn đòi lại thứ thuộc về mình đấy mà."

"Nhưng em đâu phải chị Tĩnh" – Tôi phản bác.

"Có lẽ là muốn bấu víu chút hi vọng thôi. Em biết không, họ Trần chính là những kẻ si tình nhất thiên hạ."

Trời sang đông, lá đã bắt đầu rụng, ngoài đường người đi lại cũng thưa dần. Giữa cái nắng trưa nhàn nhạt chưa đủ để sưởi ấm, nước hồ cũng trong veo như mặt gương. Tôi ngồi như vậy suốt buổi sáng, chiếc áo choàng trắng cũng trở nên khô cứng và lạnh lẽo.

Tôi đột nhiên cảm thấy lòng sầu miên man, nếu một ngày Quốc Tảng trở lại, vẫn là vương phủ, vẫn những cảnh vật này, vẫn là đêm hội hoa đăng trăng sáng vằng vặc, con đường dập dìu tài tử giai nhân, chỉ thiếu mỗi một người quan trọng nhất trong lòng anh ta thì sao nhỉ? Anh ta có trách tôi không chờ hay không? Với bản tính của anh ta thì chắc sẽ trách tôi nhiều lắm.

Quốc Tảng ra đi lần này cũng trùng hợp thật, nếu như có anh ta ở nhà nói không chừng sẽ náo loạn tới kinh thành chứ chẳng chơi, anh ta có sợ ai bao giờ. Tôi ngồi gục mặt vào gối, ấy vậy mà tôi lại nhớ tới anh ta trong những lúc thế này, nhớ tới từng động tác từng cử chỉ, từng cái nhíu mày của anh ta, hoá ra hình ảnh anh ta cũng hằn sâu trong tâm trí tôi mà trước giờ tôi không hề hay biết.

Nhưng vào cung cũng sẽ giúp tôi tìm được người chị ruột đã từng hại chết mình. Tôi muốn tìm về gốc gác thì chỉ có một con đường là tìm gặp chị ta, nếu như chị ta thật sự ở trong cung, thì chứng minh giấc mơ của tôi hoàn toàn là sự thật. Nhưng mà liệu có đáng hay không, tôi tự hỏi lòng, liệu có đáng hay không?

Nhưng không đáng thì sao, tôi có thể làm gì đây chứ? An nguy của vương phủ và tôi giờ đã hoà làm một.

Đã một tuần trôi qua kể từ dạo đó, trời càng ngày càng lạnh lẽo hơn. Mấy đóa hoa đào trong sân viện cũng từ từ nở rộ trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Mấy ngày này tôi đều ở bên cạnh mẹ, chị Anh Nguyên, chị An Hoa và chị dâu cả cũng không tranh với tôi, tôi biết mấy chị cũng rất buồn, nhưng có thể làm gì được đây.

Mẹ tôi rưng rưng nước mắt nắm chặt tay tôi:

"Mẹ mãi mãi coi con là con gái mẹ."

Tôi cười nhìn mẹ, khẽ gật đầu. Câu nói này mấy hôm nay bà nói với tôi rất nhiều lần, có lẽ sợ tôi suy nghĩ rằng mình chỉ là kẻ thay thế hay đại loại vậy, đừng nói là không có, cho dù là đúng như thế tôi cũng rất biết ơn bà.

Mấy chị tôi ngồi bên cạnh cũng khóc thút thít, tôi tức cười, trêu:

"Em đi lấy chồng chứ đâu phải đi tìm chết đâu mà mấy chị khóc."

Chị Quỳnh Trân gạt nước mắt nói:

"Nếu như em không muốn, chị và anh cả em lập tức lên kinh xin quan gia thu hồi lệnh, ngày xưa nó nghe lời chị nhất, chị nói chắc sẽ lay chuyển được nó thôi."

Tôi sợ Quốc Tảng biết chuyện nên lắc đầu, với lại ý vua là ý trời, anh ta tâm niệm suốt mười năm là đủ hiểu có bao nhiêu cố chấp, cha tôi còn không nói được thì chị Quỳnh Trân làm sao ăn thua. Mặc dù anh ta cơ bản cũng chỉ xem tôi như kẻ thay thế, nhưng mà tôi đi cũng có mục đích không phải sao?

Ngày hôm sau tôi lấy hết can đảm tìm gặp cha. Lúc ấy người đang mài mực, ánh mắt lại mông lung nhìn vào phương trời nào. Cha tôi chiến công lừng lẫy, lúc nào việc bên người cũng bộn bề, hiếm thấy được lúc người lơ đãng như vậy. Cha lúc này đã sắp ngũ tuần vẫn mày kiếm mắt sắc, nếu như không có loại anh khí thâm trầm và hơi thở của kẻ từng trãi, thì rất dễ nhìn lầm người vẫn còn trẻ lắm.

Thấy tôi bước và phòng, người sửa lại ánh mắt, lấy lại vẻ điềm nhiên hỏi:

"Con suy nghĩ kỹ rồi sao?"

Tôi cũng chẳng biết phải mở lời thế nào, bèn quỳ xuống thật thấp, trán chạm phải nền gạch lạnh buốt. Tôi suy nghĩ đắn đo một hồi, quyết tâm nói:

"Con đồng ý vì ân cha, nghĩa mẹ ra đi. Nguyện một lòng hầu vua để đáp đền nợ nước."

Tôi cũng không biết mình nói vậy có ổn thoả hay không, nhưng thân là kẻ ít học nên thôi chỉ nghĩ được tới chừng đó.

Cha tôi cũng không ngạc nhiên khi nghe tin, ông chỉ thoáng nét buồn thương, chẳng biết thương cho tôi hay thương cho đứa con gái thất lạc của mình.

Trung tuần tháng mười hai trời càng rét đậm, tôi cuộn người trong chăn bắt đầu chuẩn bị hành trang lên đường. Hiện giờ cái Thanh đã trở thành nô nhi của tôi, cũng sắp sửa theo tôi lên kinh để tiện bề hầu hạ. Đan Thanh không cha không mẹ, được cha tôi cứu về trên đường hồi kinh thị sát dân tình ở Bình Lệ Nguyên mười năm trước, cũng xem như là nô nhi lâu năm trong phủ.

Sáng dậy tôi vừa lơ đãng thổi bát cháo nóng hổi, vừa nghe Đan Thanh kiểm kê của hồi môn. Số của hồi môn này tôi vốn không định lấy, nhưng nghĩ lại vào cung hẳn là có lúc dùng tới nên cũng không câu nệ nữa. Là do mẹ cùng chị dâu cả đích thân lựa chọn, nói chung tất cả đều hoàn hảo không có sai sót gì.

Ngày tiếp theo, sính lễ cũng được đưa tới, đủ cả những thứ hiếm lạ trên đời, năm mâm vàng sống, ba rương châu báu, gấm vóc, ngà voi, trầu cau bánh trái. Tôi nghe chị Anh Nguyên lặng lẽ hít thở, lầm bầm bảo đây có thua kém gì nhiều so với sính lễ ngày xưa quan gia dùng để cưới chị Trinh đâu.

Tôi sờ vào dòng chữ được khắc chìm trên tấm canh thiếp đỏ rực, ghi ngày sinh bát tự của mình và anh ta, trong lòng có hàng ngàn cảm xúc đang thi nhau tranh đấu mãnh liệt. Đến bây giờ tôi vẫn còn bàng hoàng không tin được mình sắp lấy chồng, mà ông chồng này lại là vua của một nước. Trên canh thiếp là dòng chữ trau chuốt được viết theo kiểu Lệ thư, đề tên bên đàn trai là Trần Khâm, sinh ngày bảy tháng mười hai năm Thiệu Long thứ nhất, tên tôi là Trần Thị Tĩnh, sinh ngày hai mươi ba tháng năm năm Thiệu Long thứ tư.

Tôi vô thức nhìn ra sân. Đến đây cũng đã gần tròn một năm rồi, từng con người, từng cảnh vật trong phủ đều hết mức thân thuộc. Lần này nói đi là đi, không khỏi cảm thấy mất mát.

Đan Thanh đang gấp quần áo, ngẩng mặt lên phàn nàn:

"Cả ngày nếu không ngơ ngẩn thì thở dài, chị khiến em cũng buồn muốn chết rồi đấy!"

"Chị đi mà không một lời từ biệt thế này, mấy người bọn họ có giận chăng?" – Tôi nặng nề than.

Đan Thanh suy nghĩ một chút giống như nhận ra mấy người bọn họ trong lời tôi là đám đàn ông trong phủ, có lẽ cũng không muốn lại hầu hạ một người suốt ngày cứ mang bộ mặt sầu não như tôi, liền nhẹ giọng an ủi:

"Các cậu ra ngoài duyệt binh từ lâu, tuy nói cưới hỏi là chuyện trọng đại nhưng chị biết đó, cậu ba sẽ để yên cho chị đi sao?"

Đan Thanh nói xong thì thở dài, cũng ra chiều cảm thông lắm.

Trong lòng tôi tuy phiền não, nhưng nghe Đan Thanh nói xong cũng thấy tức cười. Đan Thanh có lẽ tưởng rằng mình nói gì động chạm vào nỗi đau của tôi liền luôn miệng xin lỗi.

Tôi vội chữa:

"Em nói không sai, thật là một cô bé thông minh hiểu chuyện!"

Lúc này Đan Thanh mới thôi xin lỗi tôi, tiếp tục công việc gấp quần áo.

Có điều mấy người Quốc Tảng ra ngoài cũng thật đúng lúc, căn cứ vào lời trước đây Quốc Hiện tả về vị quan gia kia thì khả năng cao là do anh ta giở trò, tính tình Quốc Tảng ra sao anh ta cũng biết, nếu như chuyện anh ta thích tôi vương phủ ai cũng tỏ thì vị quan gia kia lại càng dễ đoán được nguồn cơn.

Trời ráng chiều màu đỏ ối, tôi bước qua cầu độc mộc, chợt nhiên nhớ lại khoảng thời gian mình mới vào vương phủ. Sau này vào cung, nói không chừng đây chính là khoảng thời gian tươi đẹp nhất mà tôi thỉnh thoảng sẽ nhớ về.

Lúc lướt ngang qua trước cửa phòng chị An Hoa, nhìn thấy chị ấy đang may một chiếc bọc cổ tay màu trắng, không cần hỏi cũng biết là may cho ai. Tôi đứng cách đó năm bước, chị An Hoa vẫn không nhận ra, vẫn đang cúi đầu chăm chú từng đường kim mũi chỉ. Tôi không biết quan gia kia mặt mũi ra sao, có khiến tôi vừa gặp đã yêu như chị An Hoa đối với Quốc Tảng hay không nữa.

Trong cung nhiều cung phi, liệu có ngày ra sa trường giết giặc, người ấy có nhờ tôi may giúp một đôi bọc cổ tay?

Đang nghĩ luyên thuyên đã nghe chị An Hoa gọi, tôi cười nịnh ngồi xuống, tiện thể châm đèn khi mặt trời đã dần khuất dạng. Chị An Hoa bỗng nhiên trầm ngâm nói:

"Chị xin lỗi, trước đây chị cũng từng nghĩ em là kẻ phá hoại chị và anh ba. Nhưng thật ra dù không có em thì kết quả vẫn như vậy."

"Ngày mai..ngày mai tất cả sẽ ổn. Chỉ mong chị đừng hối hận con đường mà mình chọn."

Chị An Hoa nhìn tôi một chốc, khẽ mỉm cười, đưa mắt nhìn xa xa:

"Sẽ không, dõi theo anh ấy là con đường đúng đắn nhất mà chị đã đi."

Tôi lại cảm thán về tương lai mình. Xem ra tình yêu dù không được đáp lại cũng là một loại hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro