Chương 104: Xẻ Gỗ Đóng Cọc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Rốt cuộc thì dù cha tôi có đến tôi cũng chẳng thể gặp được mẹ, bởi bà đã được ông cho người hộ tống ngược về Thanh Hóa cùng với đám quý tộc lần trước bất đắc dĩ phải đi theo.

Ngày thứ hai sau khi đại quân của cha tôi tới nơi đã bắt đầu xẻ gỗ làm cọc, lại cấm không cho bất cứ ai bén mảng vào địa phận này, nghiêm ngặt đến con ruồi cũng không bay lọt.

Ban đầu tôi còn không mường tượng ra được, cho đến khi mấy người cha tôi với Trương Hán Siêu và Trần Thì Kiến cùng mấy bô lão sống trong vùng này họp lại bàn đối sách thì lúc ấy có vẻ trong đầu tôi cũng nhen nhóm hiểu được ý định của họ rồi.

Ngày trước cho dù là nghe qua chuyện Ngô Vương và Đại Hành hoàng đế bày trận cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, tin thì có tin, nhưng đối với cách thức tôi lại cảm thấy ngờ vực. Sông sâu sóng lớn đáy sông nhiều bùn, còn có do thám của địch, liệu chúng sẽ dễ dàng để bản thân mắc phải sai lầm lớn như vậy hay chăng?

Ngược với nghi hoặc của tôi, cha tôi lại chắc nịch đưa ra kết luận:

"Cho đóng cọc ở lòng sông để ngăn bắt thuyền giặc công hiệu gấp mười lần xích sắt chặn sông!"

Cho đến khi Trần Khâm đưa tôi theo cùng khi thăm dò đến sông Bạch Đằng thì tôi cũng phần nào lý giải được.

Giữa mênh mông đất trời khúc sông này rộng chừng hai dặm, có núi Tràng Kênh cao ngất lại có nhiều nhánh sông đổ lại, sóng lớn giáp tận chân trời, cây cối cũng um tùm che lấp bờ bến.

Ngược lại lúc buổi triều đã xuống, áng chừng mực nước lại thấp hơn đến gần cả trượng. Nhưng lại chỉ vỏn vẹn trong vài giờ tức là lúc chiều và tối.

Tôi ngồi đến mòn đít cả ngày bên bờ sông, ngáp một cái lại chẳng biết từ lúc nào đã vẽ ra được một cái sơ đồ nguệch ngoạc, bên dưới vẽ một đường thẳng chỉ thời gian lúc triều dâng và rút, lại vẽ một đường thẳng hướng lên chỉ độ sâu của triều, mấy đường cong cong chỉ mực nước và chú thích vài chữ lúc nào nên đánh lúc nào thì nên lui.

Trần Khâm ở phía sau đoạt lấy, cũng tấm tắc:

"Được đấy, rất nhanh đã hiểu hết đường đi nước bước rồi!"

Tôi còn chưa kịp tự mãn thì Trần Thì Kiến đứng đó từ lúc nào đã xen vào:

"Có điều việc này bọn tôi đã thương lượng xong từ lâu!"

Trần Khâm trừng mắt nhìn Trần Thì Kiến một cái, anh ta bèn như con rùa rụt cổ gãi đầu cười trừ.

Trần Khâm thấy tôi có vẻ ủ ê thì cười bảo:

"Bản vẽ này lại rất đơn giản dễ hiểu, dùng để cho binh lính xem qua cũng tốt."

Trong lòng tôi đã thoải mái trở lại, dù sao việc chuẩn bị nặng nhọc này chính mình cũng không thể tham gia giúp đỡ, vì vậy tốt nhất là nên làm những việc vừa sức thôi.

Thế nên cho đến lúc xẻ gỗ làm cọc xong, nhìn thấy dộ dài cọc gỗ tôi có thể âm thầm đoán được thời điểm nào là tốt nhất để đánh và rút quân.

Những ngày này lại có vẻ rất thoải mái (vì tôi có phải là kẻ lên rừng đốn cây xẻ gỗ đâu), chỉ có một áp lực mơ hồ về thời gian bởi chúng tôi cũng không lường trước được sức chịu đựng của bọn chúng tới đâu và mất bao lâu để ra quyết định rút quân về nước.

Thật ra không phải chỉ riêng cha tôi và Trần Khâm mà bất cứ ai cũng có thể hiểu rõ được rằng bọn chúng chắc chắn sẽ rút quân, không cần tốn một binh một tướng tự nhiên cũng có thể xua đuổi được quân thù, vấn đề là có thể đổi lấy được nền hoà bình trong bao lâu, liệu tới năm năm hay mười năm?

Hiện chỉ còn cách đánh một trận thật lớn, diệt gọn toàn bộ những mũi nhọn của chúng, mà trước mắt chính là thuỷ binh của Ô Mã Nhi. Sau hai lần thất bại ở Đại Việt, có vẻ chúng đã nhìn ra được nơi đây vốn không phải nơi dùng bộ binh làm thế mạnh nên lần này mới dùng thuỷ binh hùng hậu như thế để tiến công.

Tôi theo cha lên rừng, lại nhớ tới thuở bé dù cha có đi bất cứ đâu cũng đưa tôi theo bên cạnh, hễ làm gì cũng đều bắt tôi phải làm. Thuở đó tôi lại nghĩ cha mình bất công, anh trai chị gái đều đủ cả vậy mà việc gì cũng đến tay mình, giờ ngẫm lại nếu không có cha tôi khi ấy làm sau có được tôi ngày hôm nay?

Tính tình tôi thuở nhỏ vốn cứng đầu lì lợm, thật ra nếu như lúc đó chị Trinh là người bị bắt sợ chẳng biết có thể đoàn tụ với nhau như bây giờ hay không, bởi lẽ thế cho nên dù sống một cuộc đời lặng lẽ chị vẫn không thấy giận tôi là vậy.

Giữa cái nắng sớm làm đổ rạp bóng cha xuống che chắn trước mặt tôi, như đơn thuần chỉ là một người cha bình thường mà chẳng phải là Hưng Đạo vương lừng lẫy chiến công vang dội. Người quay về phía tôi cười hiền từ, khoé mắt đã đầy nếp nhăn.

Bất cứ một người đàn ông nào ra ngoài dù làm bao nhiêu việc cao cả, điều quý giá nhất vẫn là một người cha, nhất là người cha đối với con gái của mình.

Trước mắt thì cha tôi cho chuẩn bị đâu đó tầm hai trăm cọc gỗ đem đến cửa sông, cắm xuống nước xa gần so le, dài ngắn không đều, hình giống như răng chó cài nhau để ngầm dưới mặt nước không cho lộ thấy. Tôi đánh giá, cái đà này cho dù thuyền địch có nhẹ, buồm có tốt đến đâu thì ra sức chèo cũng không tiến nỗi một bước.

Trong khi binh lính tất bật bên kia thì bên đây tôi lại rất rảnh rỗi, một ngày có vài canh giờ là theo Trương Hán Siêu và Trần Thì Kiến đi thuyền nhỏ ra xem thủy triều, cũng nắm được trong vòng trên dưới ba canh giờ lúc triều bắt đầu xuống chính là thời điểm vàng để dụ địch vào bãi cọc

Cụ thể là từ nửa đêm tới sáng sớm nước triều sẽ cao, đến giữa trưa nước triều sẽ chạm mốc thấp nhất, tầm lúc nắng cao quá đầu có lẽ sẽ là lúc địch có thể sẽ phát hiện ra được bãi cọc ngầm. Thế xem ra quỹ thời gian lại khá là hạn hẹp.

Hai người này trùng hợp lại giống như tôi, mấy việc nặng nhọc thì thôi bỏ đi. Trương Hán Siêu thì mấy bận còn ở lại xem tiến độ như thế nào, đúng sai ra sao, còn Trần Thì Kiến thì dứt khoát đám cọc gỗ kia dài ngắn thế nào anh ta chưa chắc là biết được.

Dù sao làm quân sư nhàn tản cũng phải ra dáng một quân sư nhàn tản, bàn tay người ta là để cầm bút cầm ấn, cũng chẳng thể nào mà cầm búa rìu lên đẽo cây được.

Nghĩ ngợi một hồi tôi bỗng nghe một chất giọng quen thuộc nho nhỏ thoáng qua bên tai, hóa ra là Trương Hán Siêu tức cảnh sinh tình đọc mấy câu lầm rầm trong miệng:

"Bát ngát sóng kình muôn dặm, thước tha đuôi trĩ một màu

Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu".

Trần Thì Kiến ngồi sau mui thuyền lại bật cười:

"Vài hôm nữa e là cậu ta phải thêm vài câu bi tráng phía sau!"

Trương Hán Siêu vẫn giữ sắc mặc không nóng không lạnh, nghiêm túc ngồi ở đầu thuyền như một pho tượng ngàn năm không bao giờ thay đổi sắc mặt, so với anh Quốc Hiện của tôi dễ dàng sa vào bẫy bị Trần Thì Kiến không biết bao lần đem ra chọc tức thì Trương Hán Siêu này lại dửng dưng như không.

Có lẽ cảm giác được giống như là dùng mũi dao chọc vào một khối đá cuội nên Trần Thì Kiến cũng không còn hứng thú trêu chọc nữa. Tôi cười thầm, thằng nhóc Trương Hán Siêu này cũng được đấy.

Dù sao tôi cũng hiểu ý Trần Thì Kiến, nhìn con sông loang loáng sắc xanh của bầu trời, nói không chừng vài ngày tới lại nhuộm một màu đỏ máu.

Giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, binh lính cởi trần đi thuyền nhỏ ra đóng cọc trên sông. Cọc nhọn đa phần làm từ gỗ lim tươi trực tiếp đem từ trên rừng xuống nặng hơn nghìn cân, sau khi gọt đẽo trơn láng qua một lượt, gọt nhọn hai đầu thì đem ra sông lựa lúc nước triều đang rút bắt đầu đóng cọc.

Phần thân trên buộc ván sau đó để cho bốn binh lính to khoẻ đứng lên, lại lắc và nhấn cho cọc chìm sâu dần rồi tháo ván ra. Một vài cọc được đóng nghiêng ngược hướng rút của thuỷ triều, tất cả đều bọc sắt nhọn vào đầu cọc.

Trước mắt là ba bãi cọc chắn ở ba cửa sông dẫn ra biển, tôi vốn căng thẳng khi triều lên cao, nhưng đến lúc triều xuống thấy bãi cọc vẫn sừng sững ở đó bỗng thấy khóe mắt nóng ran. Binh lính lẫn các bô lão bên dưới hô vang trời, rốt cục thì đã hoàn thành khâu chuẩn bị, đến hiện thời chỉ còn một việc duy nhất và cũng quan trọng nhất là nghĩ cách đưa chúng vào tròng thôi.

Làm xong bãi cọc, tôi và Trần Khâm để cha ở lại duyệt binh tập trận, chính mình thì đưa quân bộ lên đường mai phục hai bên bờ dọc hướng sông mà dự đoán là chúng có thể đi qua.

Tôi nhìn làn sóng sông Bạch Đằng cuồn cuộn, lại bất chợt nhớ đến câu của anh trai nào đó thời Tần, nói rằng: "Gió thổi sông Dịch lạnh lùng ghê, tráng sĩ một đi không trở về".

Đầu tháng tư quả nhiên có tin do thám báo về, nói rằng các vùng lân cận đã bắt đầu có bóng dáng tiên phong của địch bước vào địa phận, quân dân ở đó đang tích cực chống trả.

Mấy người chúng tôi đã sớm giáo gươm chỉnh tề phân tán lực lượng trải dài dọc hai bên bờ sông. Những đoạn sông ở đầu không thể nói là không rộng, nhưng với số lượng thuyền chiến quá lớn chỉ cần đứng dõi mắt ra là có thể rất rõ ràng theo dõi được những chiếc thuyền đi sát hai bên bờ.

Nhưng phàm là việc binh chưa từng có việc nào là dễ dàng, chẳng biết là do họ Ô bỗng nhiên đổi tính hay là do Thoát Hoan ngày càng làm việc cẩn thận mà đoàn tàu thuyền lại lựa ngay lúc tối trời tiến thẳng ra biển, nếu như không có tiếng ào ào khua nước khuấy động đêm đen thì trong cái ánh sáng non nửa con trăng này lại chẳng biết đâu mà lần.

Tôi nấp một góc nhìn ra, thấy lờ mờ không biết bao nhiêu là thuyền chiến kéo mãi một đường tít tắp ra sau, giống như một con giao long khổng lồ trườn trên mặt nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro