Chương 1: Đầu Tiên Là Một Đóa Hoa Si

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc tôi mở mắt tỉnh dậy lần thứ năm trong ngày thì bầu trời đã chuyển sang màu đen cánh gián. Lăn qua lăn lại một hồi, trong đầu vẫn rối tung như một mớ bòng bong.

Con bé Thanh như thường lệ ngày hai cử quét dọn phòng ốc, kín đáo liếc sang thấy tôi đã dậy, bèn cất giọng mỉa mai:

"Thưa, cô đã tỉnh rồi sao? Trời vẫn còn sớm lắm!"

Tôi không buồn liếc mắt tới cô ả, cảm thấy càng ngủ thì lại càng buồn ngủ, rất thuận theo tự nhiên mà ngáp dài. Đan Thanh chỉ biết lắc đầu, rồi bước đi nhanh như sàn nhà xối mỡ.

Tôi ở phủ Hưng Đạo đã sang ngày thứ ba nhưng vẫn còn mơ mơ hồ hồ, đôi lúc giật mình tỉnh giấc cũng hoang mang chẳng biết mình là ai, ở nơi nào nữa. Ký ức lâu nhất mà tôi nhớ được là tại thời điểm mười ba ngày trước nằm dưới chân núi Yên Tử, sau đó có một đám người vô tình đạp lên người tôi, thế là tôi tỉnh lại.

Hôm ấy trời xanh mây trắng, gió thổi chim ca, quả là vô cùng thích hợp để trêu chọc con gái nhà lành. Tôi đang ngủ ngon trớn thì bị một tên mập áo đỏ đạp lên, có lẽ tưởng tôi là xác chết sống dậy hay sao mà tên mập kêu la oai oái, đám gia nô xung quanh lúc này mới hoàn hồn túm tụm lại lôi cái thứ chết tiệt dưới đám lá khô là tôi lên.

Trước mắt tôi là một cô gái nhỏ đôi mắt ngấn lệ, hai hàng mày cong cong chau lại vì hoảng hốt. Xung quanh là một đám đàn ông được cầm đầu bởi một tên mập quần là áo lụa, không cần suy nghĩ cũng hiểu được là đang xảy ra chuyện gì.

Có lẽ là do xuất hiện bất thình lình, lại thêm bộ dạng gãy một cánh tay, đầu u một cục, quần áo thì rách tơi rách tả mà vẫn còn vùng dậy vác một khúc gỗ to bằng bắp tay múa may loạn xạ, hoặc cũng có thể là do trong người tôi sức lực bẩm sinh mạnh bạo hơn người mà năm sáu tên gia nô mỗi kẻ bị đập lên đầu vài cái thì đã hoảng hồn bỏ chạy như bị ma đuổi. Tôi ngó xuống người mình, đúng là rất là có phong cách của một kẻ giang hồ nghèo khổ.

Về cô gái bị đuổi bắt hôm nọ thì tên là Đỗ An Hoa, cháu họ hàng xa của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phủ Vạn Kiếp. Đỗ An Hoa vốn xuất thân trong nhà có gia thế, tạm gọi là có của ăn của để, có điều chỉ trong một năm mà cả cha mẹ đều lần lượt ra đi, phận nữ nhi không gánh vác nổi gia sản trong nhà, để cho đám người trong dòng họ thao túng. Rốt cuộc đến nay gia sản tiêu tán, còn chị ta thì bị cưỡng ép gả cho phú hộ trong vùng, chính là tên mập mà tôi vừa đá lăn lông lốc như quả bóng ban nãy.

Đỗ An Hoa xinh đẹp thoát tục đương nhiên không chịu gả cho một tên vừa mập vừa lùn vừa đần độn ngu si như anh ta, trong đêm trước ngày hôn lễ lẻn đi, qua ngày hôm sau thì bị đuổi kịp, rồi trùng hợp gặp được ngữ kì quái từ dưới đất bò lên là tôi đây.

Sau đấy kẻ mất trí nhớ là tôi dựa dẫm theo Đỗ An Hoa đi thêm chẵn mười ngày thì đến cổng phủ Hưng Đạo uy nghi tráng lệ, chính thức dấn thân vào con đường môn khách hay còn gọi là ăn bám. Thế nên bây giờ tôi nhàn nhã nằm đây ngày ngày trêu chọc cô bé Thanh, chung quy cũng có lý do.

Nhắc tới Đỗ An Hoa thì ngoài việc tên hôn phu quá kém cỏi ra, lý do chính mà chị ta liều mình trốn khỏi hôn lễ không xa lạ là vì đã có người trong lòng xuất sắc.

Còn nhớ cái hôm vừa cứu được chị ta ra khỏi đám lưu manh đó, đã thấy chị ta không nói lời nào xoắn ống quần lội xuống con suối sâu, tôi còn tưởng chị ta có ý định tự tử, hóa ra là muốn tìm chiếc vòng tay – tín vật định tình từ mười năm về trước.

Người trong lòng xuất sắc kia lại chẳng phải ai xa lạ – xếp thứ ba trong số bốn vị vương tử tài ba nổi tiếng khắp thành của phủ Hưng Đạo lừng danh – Trần Quốc Tảng. Lần gặp gỡ định mệnh là vào một lần hiếm hoi Hưng Đạo Vương dẫn theo gia quyến đến phủ Long Hưng thăm em gái của ngài.

Nghe Đỗ An Hoa kể lại, trong cái nắng tháng ba dịu nhẹ phảng phất hương thơm hoa cúc, hàng dương liễu hai bên bờ sông Lạc Hà theo gió lay động, thành nhỏ trù phú đầy kẻ mua người bán, ngựa xe dập dìu, tại thời điểm ấy Đỗ An Hoa đã gặp Trần Quốc Tảng lần đầu tiên.

Đỗ An Hoa sau này mỗi khi hồi tưởng đến khoảnh khắc đó cứ ngỡ như mới hôm qua. Đặc biệt là lúc người thiếu niên ấy cúi xuống đưa chiếc khăn tay màu trắng cho chị ta, trên tóc mai vẫn còn vấn vương mùi hoa lan thanh nhã.

Cảnh tượng diệu huyền đó, chỉ sợ là cả đời cũng khó mà quên. Những ngày thiếu niên đẹp như ngọc bắt đầu có mặt trong phủ nhà chị An Hoa, thì chị ta cũng bắt đầu thầm cảm mến anh chàng đó.

Tôi nghe đến đây thì trong lòng có vài điều trăn trở. Từ mấy cuốn ca dao đọc được ba ngày nay thì tôi rút ra được một điều, những ước vọng thật sự của chúng ta thì ít, còn sự mơ tưởng thì mênh mông.

Tại sao chị An Hoa lại thích anh chàng đó nhanh như vậy được, có lẽ ban đầu chị ta chỉ hơi có cảm tình, đoạn tình cảm sau đó là do chị ta tự mình suy diễn rồi mơ tưởng ra thôi.

Trong chuỗi ký ức mơ mơ hồ hồ của mười năm đó, vô số lần chị An Hoa bắt gặp thiếu niên mười lăm tuổi một mình đọc sách trong hoa viên. Anh ta luôn né tránh chị An Hoa, chỉ cần vừa phớt thấy ống tay áo từ xa là vụt mất nhanh như một cơn gió. Cả hai đuổi bắt như thể mèo vờn chuột, mà cho đến hôm nay, chị ta vẫn chưa thể nào bắt được con chuột tinh ranh như anh ta.

Nhưng có một lần Trần Quốc Tảng lỡ tay làm vỡ vòng ngọc mà mẹ chị ta tặng trong dịp sinh nhật của mình, đau lòng không thôi, người anh họ lạnh lùng ấy thế mà cũng biết động lòng trắc ẩn, liền đền cho chị ta chiếc vòng bằng hổ phách quý giá. Lại không hề hay chiếc vòng ấy vốn dĩ là một trong bốn món đồ mà mẹ anh ta đích thân chọn lựa, để làm tín vật cho vợ chưa cưới của bốn cậu vương tử sau này.

Tôi bật cười bởi câu nói của Trần Quốc Tảng dạo đó: "Làm hỏng cái gì thì đền cái đó, chiếc vòng này của mẹ tôi chuẩn bị cho tôi, dùng đổi lấy chiếc vòng của mẹ em tặng được chứ?"

Quốc Tảng ơi Quốc Tảng, nếu như anh làm hỏng cái gì cũng có thể đền bằng vật có giá trị tương đương, vậy tấm chân tình của chị An Hoa vỡ vụn, anh đền bằng cái gì thì được đây?

Đỗ An Hoa lúc ấy đã định trả lại chiếc vòng, nhưng Hưng Đạo phu nhân chỉ cười xoa đầu chị ta rồi ôn tồn nói:

"Con cứ cầm lấy đi."

Đương nhiên là hôn ước từ lúc đó cũng được đặt ra.

Tôi hàm hồ nghe chị ta kể đến đây, phải vỗ đùi cái phốc, hèn gì Đỗ An Hoa một lòng một dạ với anh ta, hoá ra cũng do anh ta khơi mào. Nếu như năm đó Trần Quốc Tảng không tuỳ tiện đưa đồ của mình cho người khác thì đâu xảy ra cớ sự ngày hôm nay. Sự việc chung quy phải dùng hai từ duyên phận.

Nhưng tiếp theo đây mới quá đáng, bởi anh họ này đối với hôn ước không tán thành cũng không phản đối, vẫn tiếp tục ngồi trong vườn hoa đọc sách của anh ta. Chỉ có Đỗ An Hoa là vui mừng khôn xiết, còn hùng hồn vỗ ngực mà tuyên bố sau này sẽ trở thành người vợ tốt của chàng, một lòng một dạ.

Này này, anh là người thuộc chủ nghĩa sao cũng được hả?

Nhưng tôi đã lầm, Trần Quốc Tảng khi ấy chỉ lạnh nhạt nói rằng:

"Nếu như em không có gì phản đối, trước mắt cứ như vậy đi. Sau này khi lớn lên, đến lúc em thật sự tìm được người trong lòng, hãy tự mình giải trừ hôn ước."

Vậy sao từ đầu anh không phản đối? Được rồi, anh ta không thích, cũng không từ chối, anh ta thích thể loại mập mờ như vậy được không? Mấy lời của anh ta, nghe thì giống kiểu cho đối phương tự do quyết định tương lai, thực tế chính là kiểu hai bên không hề ràng buộc, hôn ước chỉ qua lời nói không có giá trị nào.

Sau khi nghe chuyện tôi còn tưởng tượng ra một trăm lẻ tám tình huống trong văn học dân gian. Chỉ sợ tên anh họ lòng dạ sắt đá ấy vốn đã cưới vợ sinh con, con đàn cháu đống, chứ nhớ nhung gì một cô gái từng xuất hiện trong ký ức trước đây. Sau đấy là một màn đại chiến không khoan nhượng đến trời long đất lở của vợ lớn vợ nhỏ, hấp dẫn hơn cả cuộc đời của Tần Hương Liên và Trần Thế Mỹ ở nước Tống.

Chỉ nghĩ thôi mà máu trong người tôi đã phấn khích nóng lên rần rần.

Nhưng thực tế chứng minh trí tưởng tượng của tôi quá mức phong phú. Quốc Tảng vốn không có vợ con gì hết, vẫn là một anh trai độc thân hoàng kim. À, nếu như bỏ qua chi tiết anh em nhà này lượn lờ trong tòa lầu nghe ca kỹ thì anh ta vẫn được tính là một chàng trai tốt.

Nói đến đây thì kể ra anh em nhà ấy cũng thật biết hưởng thụ.

Thành Vạn Kiếp có một chốn ăn chơi vào loại bậc nhất, gọi là Tĩnh Lâu, đầy đủ các loại hình từ thức ăn, trà, rượu, nhà hát. Tòa lâu này kết cấu ba tầng từ lớn đến nhỏ, quy mô phải nói là tráng lệ vô cùng. Chỉ nhìn sơ là thấy được phía sau tòa lầu chính, đình viện nhỏ rải rác vô số kể. Hẳn chính là nơi đốt tiền của bọn nhà giàu nơi đây. Một nơi thế này lại gọi là Tĩnh Lâu, tôi mắng một câu, đúng là treo đầu dê, bán thịt chó.

Nếu muốn kể rõ ràng đầu đuôi mọi chuyện, thì phải nhắc một chút tới bốn cậu vương tử lừng lẫy của Hưng Đạo vương.

Cậu cả là Quốc Nghiễn, tài mạo song toàn, tính tình đoan chính.

Cậu hai là Quốc Uất, anh dũng thiện chiến, dung mạo khôi ngô.

Cậu ba là Quốc Tảng, người tình trong mộng của chị An Hoa, thiên hạ đồn đại đây chính là người xuất sắc nhất trong bốn người, trầm tĩnh quyết đoán, mưu trí hơn người.

Cuối cùng là Quốc Hiện, đây lại đích thị là một tên đáng ghét!

Bởi vì khi chị An Hoa hồi phủ đã non nửa tháng vẫn không thấy bóng dáng anh ba của mình đâu, lúc này đã như một đóa hoa lê bị vùi dập trong trận mưa đêm hôm trước, ủ rũ người không ra người, vậy mà tên kia còn thong dong bước ngang qua bỏ lại hai chữ "tôi biết" rồi đi một mạch vào phòng sách cả ngày không thấy ra.

Thế nên sau khi một cánh cửa phòng sách phủ Hưng Đạo bị dỡ, một bên chân của cậu tư Quốc Hiện bị trật thì tôi vừa hay biết được mấy ngày hôm nay anh ba của họ đang ở đâu.

Tôi cắn răng bỏ ra ba phần mười thù lao mà Hưng Đạo vương trả công cho mình khi hành hiệp trượng nghĩa đưa chị An Hoa về phủ để mua chuộc bà chủ trong Tĩnh Lâu, cộng với miếng ngọc trấn lột được từ tay Quốc Hiện, dắt chị ta vượt qua mấy tòa đình. Cũng thật không uổng công, đến đây quả nhiên được rửa mắt một lần, thanh nhã có, lộng lẫy có, cả tòa lầu toát lên vẻ thơ ca nhạc họa.

Đỉnh điểm chính là gian phòng mà Quốc Tảng trốn tránh mấy ngày nay.

Tiếng đàn bầu réo rắt, một thiếu nữ ngồi trên sập trúc mặc yếm lụa đỏ nhập tâm đánh đàn, trên vai chỉ khoác hờ một chiếc đối khâm mỏng tang, mái tóc buông xõa lả lướt. Tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, đôi khi nhẹ như hoa rơi xuống nước, đôi khi lại hối hả như mưa tuôn, sau đó là tiếng hát ê a sau mành cất lên, cái gì mà "Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết, người ở đời sao khỏi tiết gian nan.." Trong lòng tôi ai oán, không biết có phải do tác động của việc mất trí nhớ hay không mà thể loại âm nhạc này tôi không thể cảm thụ được.

Bên cạnh cô đào hát là một người đàn ông mặc áo xanh, tóc đen như thác cột hờ, nửa nằm nửa ngồi trên sập. Trái ngược với vẻ mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt của tôi, anh ta lại làm ra vẻ tận hưởng âm thanh tuyệt diệu, rất có phong thái vương giả, rất biết cảm thụ âm nhạc. Tôi bỗng nhiên thấy mình thật quê mùa.

Không cần suy nghĩ, chiếc lư hương còn đang mơ màng nhả khói trên bàn đã rẽ gió lao thẳng, rất chuẩn xác dừng lại trước trán anh chàng kia, mà anh ta cũng rất chuẩn xác bắt được . Tiếng nhạc đột nhiên im bặt, một ánh mắt vừa dò xét vừa hiếu kỳ hướng đến trước mặt tôi.

"Hỗn xược, ai cho phép con ả này làm càn ở đây? Gia nhân, gia nhân đâu hết rồi?!"

Gia nhân của anh ta còn chưa đến, bỗng chốc đã bị đè lên, hai tay bị ghì dưới eo còn cổ áo thì bị túm chặt. Một cánh tay tôi bị gãy nhưng vừa hay chỉ cần một tay hai chân đã khéo léo chèn chặt anh ta với cái tư thế này.

"Cho anh cơ hội nói lại, vợ chưa cưới của anh đến tìm anh này!"

Anh ta đanh mặt lại, cố sức vùng ra nhưng không được, lại không ngờ được cô nàng trông nhỏ bé tàn tật kia lại có sức lực lớn như vậy, vừa mới bừng bừng lửa giận đã chuyển thành khiếp sợ, vẻ mặt trở nên mù mịt, lầm bầm:

"Ai cơ? Cô là vợ chưa cưới của tôi hồi nào?"

Tôi định tặng cho anh ta thêm một bạt tay nhưng may sao cánh tay còn lành lặn duy nhất của mình đã bận. Lúc này tôi chợt nghe sau lưng truyền đến tiếng chị An Hoa thì thào:

"Anh...anh ba..."

Tên đàn ông dưới người tôi chỉ cật lực lắc đầu, cố dùng mắt ra hiệu cho tôi rồi gấp gáp nói:

"Bên kia, bên kia!"

Tôi không nhớ là mình bao nhiêu tuổi, nhưng trời ơi trong suốt những năm đó tôi cá là mình chưa bao giờ mắc cỡ như ngày hôm nay.

Tôi ngay lập tức dừng tay, đưa mắt sang một gian phòng chỉ được ngăn lại bằng một tấm rèm mỏng cách đó mấy chục bước chân. Trong cái nóng oi ả của mùa hè, ấy thế mà tôi lại thấy gió mát từ mặt hồ thổi tới.

Gian phòng này không phải là một gian phòng kín, một mặt phòng chỉ dùng mành trúc đơn giản che chắn, chỉ cần có gió lại va vào nhau leng keng, tạo ra thanh âm thuần túy nhất. Mà thấp thoáng sau mành trúc kia chính là mặt hồ rộng lớn trong suốt, ánh mặt trời rọi xuống mặt hồ nóng hổi làm cho mỗi đợt sóng nhỏ đều lấp lánh như bạch kim. Giữa hồ, một ngư phủ lặng lẽ buông cần, lơ đễnh để thuyền theo sóng nước bập bềnh trôi. Theo gió thổi đến, còn nghe một chuỗi thanh âm xa xa.

"Ngày ấm uyên ương xuôi nước biếc

Gió hòa hải yến lượn rèm châu".

Trước mành trúc đặt một bàn đá được chạm trổ tinh xảo, màu sắc tinh túy làm người ta nảy sinh cảm giác muốn chạm vào. Chén trà bằng men sứ xanh đang tỏa khói nghi ngút tạo thành một làn sương trắng huyền ảo.

Tại đó một chàng trai áo trắng đang ngồi, tản mát ra thứ sắc thái làm người ta chói mắt, tinh khiết thanh cao không thể chạm tay. Trên tay anh ta vẫn như trước cầm quyển sách đang đọc dỡ, mà anh ta lại hướng ánh mắt lơ đễnh về phía cảnh đẹp ngoài kia, nhìn đến quên hết sự đời.

Thật giống như thấy được hình ảnh đêm đông yên tĩnh, khiến trong lòng tôi cảm thấy sự yên bình.

Hình như động thái quá lớn ở bên này, bên kia anh ta cũng bị mất hứng, quay sang dùng đôi mắt lạnh nhạt đó lẳng lặng đánh giá tôi.

Tôi đột nhiên cảm thấy lạnh lẽo từ đầu tới chân, tên đàn ông phía dưới tôi liền nhân cơ hội đảo khách thành chủ, nhìn tôi cười gian trá.

Ánh nắng xế chiều hắt vào gian phòng, miếng rèm mỏng gió thổi tung làm ẩn hiện bóng hình chàng trai đang nhoài người đứng dậy. Tôi thấy chị An Hoa run rẩy bước tới, khuôn mặt thoáng hiện nét âu lo, đôi gò má lại hơi hồng hồng. Hàng mi chị ta khẽ lay động, đôi mắt hạnh long lanh như có nước, mái tóc dài quá thắt lưng bóng mượt vương màu của nắng chiều. Một nam một nữ đứng đó, đẹp không khác gì một bức tranh thủy mặc.

"Lâu rồi mới gặp lại anh ba.." – Chị An Hoa nhỏ giọng nói, bờ môi run run.

"Ừ, cũng lâu rồi."

Quốc Tảng chỉ đáp lại một câu cho có lệ, gương mặt anh ta toát ra vẻ lạnh lùng xa cách, giọng điệu cũng dứt khoát vô tình. Nói rồi anh ta khẽ gật đầu với em gái mình một cái, ngoảnh mặt rời khỏi.

Chị An Hoa ban đầu có đôi chút thất thần, nhưng chị ta chỉ nhìn ra ngoài mà thở dài một tiếng, có vẻ như đã quá quen với loại thái độ này của Quốc Tảng. Bóng lưng cô đơn dưới nắng chiều, đổ dài trên sàn nhà bằng gỗ lê.

Tôi cũng không nhớ rõ tình huống khó xử ngày hôm đó kết thúc như thế nào, chỉ thấy chị An Hoa ngày càng trầm tư. Chị ấy không đi tìm Quốc Tảng, cũng không len lén lau nước mắt nữa, chỉ là trong ánh mắt đẹp trong suốt như mặt hồ để lại vài tia tâm sự. Các cụ từng nói một câu, sự chấp trước của ngày nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai, tôi vốn đã thấy rõ tình cảm từ tên anh họ đó là không thể cưỡng cầu, càng kéo dài sẽ càng đau khổ. Tiếc thay một khi đã yêu rồi thì hàng đống đạo lý chỉ như gió thổi mây trôi mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro