IV. CÁT BỤI CÔ THÀNH DƯ NIÊN THÔI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm Nguyên Phong thứ bảy, Đại Việt có giặc. Hai tiếng "có giặc" giản đơn gói tất cả đau thương trên đất nước phương nam này lại, chôn vùi vào thanh sử. Ngày sau hậu thế sẽ biết đến cánh đồng Bình Lệ máu nhoà cây cỏ, biết đến cây cầu Phù Lỗ chặt chia đôi bờ, biết đến một Thăng Long "vườn không nhà trống" dẫn dụ giặc đến bờ vỡ trận, biết buổi khải hoàn tướng sĩ cùng nhau hát khúc Long Ngâm. Nhưng khoảng trống giữa những ngày quyết chiến đó là gì, có còn ai biết?

Nếu là một hậu bối, tôi cũng nguyện không biết tường tận. Ai cũng tin máu đã đổ, vậy ấy là máu ai? Những người thiên cổ như chúng tôi không cách nào giãi bày với người sau nỗi đau đó. Chúng tôi cũng quá nhỏ bé để được lịch sử gọi tên.

Năm ấy trăm vạn người vô danh đã ngã xuống. Anh họ của tôi, Trần Hải, cũng là một trong số ấy. Anh chọn bỏ qua tất thảy, kể cả danh tính, để hòa lẫn với núi sông của mình.

Đó là mùa đông đằng đẵng nhất tôi từng trải qua, kể từ khi anh tôi bị giẫm be bét dưới vó ngựa giặc Thát. Sau khi quân đi, tôi nhớ mình mất rất lâu mới gom hết đống nhầy nhụa lại bỏ vào túi vải. Giặc tan rồi, nhưng anh tôi đã chết trước ngày khải hoàn vì cố đưa những người còn sót lại ở Thăng Long đến nơi ẩn náu. Dường như sức cùng lực kiệt, tôi chỉ biết ngã vật ra đất bên cạnh cái túi vải ướt đẫm, nằm rất lâu rất lâu, mắt theo gió dõi lên trời.

Một mồi lửa từ đâu vung đến. Mùi cây cỏ, gỗ gạch, mùi xác người cháy quyện chặt vào nhau bốc lên trời. Khói đen kịt, tựa như gom hết oán thán, đau thương trong chiến trận tứ phương gửi lên không trung. Nếu trong ngàn khói có bóng dáng Trần Hải, chắc anh cũng vui lòng sà vào một đám mây, đợi tôi trên đó.

Một tháng trở lại vì chứng kiến quá nhiều chết chóc, chỉ một ngọn lửa đốt trụi tất thảy thôi cũng khiến tôi tưởng như mùi cháy mới là mùi thanh sạch nhất, giúp gột rửa thế gian bấy giờ. Kỳ thật tôi không muốn chết, nhưng không tìm được nơi nào thanh và bình hơn vùng đất trong ngọn lửa, bên cạnh người thân cuối cùng của mình. Giờ đây ngẫm lại nỗi bi ai lớn nhất của những người biết chắc thời đại sẽ qua đi, mình sẽ trở về cát bụi như tôi không phải là hoang mang, mơ hồ với giấc mộng lưu danh, mà là không còn tha thiết gì với những thứ mà thời đại này trao cho. Là ở trong gia đình mà không có gia đình. Là đứng trên quê hương mà không thấy quê hương. Triều đại rực rỡ của nhà Trần vừa mới bắt đầu. Còn chúng tôi, trước cả thời khắc bắt đầu ấy đã trở thành người dư thừa.

Trần Hải có một trái tim quảng đại để hi sinh cho non sông; trong khi tôi chỉ có bản thân và những người tôi thương quý. Những người ấy lần lượt bị cướp đi bởi nghĩa quốc gia và cuộc tranh quyền đoạt vị. Khi oán hận cũng là một điều xa xỉ, tôi biết phải làm gì nữa đây?

Cuối cùng, tôi vẫn không chết. Nơi bình địa hỗn loạn, một người bạn rất cũ vô tình tìm thấy tôi. Tôi còn nhớ anh ta cưỡi ngựa bạch, khoác áo choàng đen, bàn tay vực tôi dậy từ âm tào - cũng là miền cực lạc giữa dương gian - có những nốt chai to lạnh ngắt. Anh ta mang theo mùi gió bụi trường chinh và mùi áo vải giặt nhiều, sờn cũ. Khi con ngựa tung vó chạy xa dần, tôi vẫn ngỡ những thứ mình vừa thấy là mơ. Chiếc túi vải bị bỏ lại trên chiến địa kia không biết là anh tôi Trần Hải hay một ai, vì người vừa cứu tôi rất giống Trần Hải. Cách người ấy xuất hiện giống như cách Trần Hải về Hồng Lộ tìm tôi, đưa tôi đi chơi khi tôi còn bé. Ký ức ấy thoáng chốc đã qua hơn nửa đời người.

***

Lê Tần. Cũng như những chuyện xưa trong cấm cung, cái tên này đã bẵng mấy mươi năm tôi không gọi đến. Nếu lần này anh ta không cứu tôi và giúp an táng Trần Hải, e là lúc chết tôi cũng quên mất tôi từng có một người bạn tên Tần làm tướng làm quan. Trong những người tôi có duyên kết giao ngày nhỏ tuổi, Công chúa và Hoàng thượng là anh chị cũng là chủ của tôi, là hai người mà đáng lý tôi nên thân thiết thay vì thương xót một cách e dè. Chỉ có Lê Tần là bạn bè một cách trọn vẹn. Chúng tôi đều là kẻ bề tôi và thường đứng ngoài vòng xoáy yêu hận buồn cười. Đáng tiếc, duyên của chúng tôi lại vắn nhất. Tôi của thơ ấu từng cho rằng mai sau anh ta và tôi sẽ thừa những cuộc chè nước, vậy mà mãi đến bây giờ mới gặp nhau.

Ai cũng đã khác đi. Đôi mắt trong veo của Lê Tần như mờ vì khói lửa đồng Bình Lệ. Bởi thế, tuy có đôi lúc nhầm lẫn nhưng tôi biết, Lê Tần vẫn không phải và cũng không giống anh tôi. Những hôm dưỡng thương, phải ăn nhờ ở đậu ở nhà Lê Tần, tôi hay nhìn anh ta đến ngơ ngẩn rồi cười nhạt. Nếu rỗi rãi anh ta sẽ chuyện trò với tôi đôi câu, không thì chỉ thở dài thườn thượt, bảo tôi "đừng quá đau buồn". Có lẽ anh ta thừa hiểu câu ấy vô nghĩa nhưng cũng không biết nói gì hơn, và đôi khi người ta phải an ủi lấy lệ như thế để nom không quá lạnh lòng.

Khi tôi đang cố ủ ấm chút tình người sót lại thì nơi điện tiền, Hoàng thượng hạ một chiếu chỉ khiến ai nấy như chết rét đầu hạ. Đó là gả Công chúa cho Lê Tần, người bấy giờ đã được ban tên là Lê Phụ Trần, xem như ban ơn cứu giá, cũng là vun vén giúp một chí hữu, một lương thần.

Tôi biết tin, lại thấy vết thương đã ổn bèn xin Lê Tần về quê ngay trong đêm, tránh người ngoài dệt điều dệt tiếng. Nói là nói vậy, kỳ thực tôi không về Hồng Lộ mà vào cung xin yết kiến Hoàng thượng. Tôi là em họ của ngài, ngày xưa làm cung tì cũng có ít tiếng tăm nên việc cầu kiến không khó. Tựa như biết trước lý do tôi đến, tôi vừa hành lễ ngài đã đuổi tôi về, mặc cho tôi quỳ miết không đứng. Rồi ngài lờ tôi đi, chuyên tâm xem trát tấu. Trong điện chỉ còn lại tiếng giấy bút sột soạt và tiếng đồng hồ nước nhễu từng giọt tong tong. Mãi đến khi phê xong tấu chương Hoàng thượng mới mệt mỏi xoa trán, hỏi tôi:

- Ngươi biết mình là ai không?

Không ngờ được ngài hỏi như vậy, tôi luống cuống một lúc, thành thật:

- Tâu, thần là thứ dân, nhưng cũng là em họ của bệ hạ và công chúa.

Nghe tôi thưa, Hoàng thượng dường như bất ngờ, mày rồng giãn ra đôi chút, đưa tay ra hiệu cho tôi nói tiếp. Tôi thừa biết mình sắp dâng lời bất kính nên dập đầu thật mạnh, quỳ mọp mà thưa:

- Xin bệ hạ đừng tự vấy bẩn tiếng thơm của mình.

- Láo! - vị quan hoạn già vừa quát vừa nháy mắt với tôi - Sao mày dám ăn nói xấc láo trước mặt bệ hạ?! Còn không mau nhận tội?

Trái lại Hoàng thượng lại bình tĩnh, vẻ như kiên nhẫn hơn cả lúc đầu. Ngài khoát tay:

- Để thị nói.

- Thần tin bệ hạ là minh quân, ắt hiểu điều thần can gián. - tôi hít một hơi thật sâu, lại dập đầu - Từ lúc lập quốc, họ nhà ta đã lắm thị phi. Bây giờ ngài gả vợ cũ cho trung lương, há lại chẳng làm trò cười cho thiên hạ?

- Còn gì nữa không? - Hoàng thượng cười gằn. - Mấy hôm nay trát tấu can gián dâng lên rất nhiều, trẫm không phê gì, đã trả lại tất. Chỉ có ngươi là người nhà nên trẫm tiếp kiến, nhưng đừng vì vậy mà làm càn.

- Bệ hạ!

Tôi kêu lên, giọng điệu thống thiết đến mức không thể tin vào tai mìnhh. Nội thị bên ngoài kéo tôi xuống tống vào ngục trong khi tôi vẫn còn muốn nói thêm nữa. Nếu đã cầm chắc cái danh bất kính, vì sao phải giữ lại điều muốn nói trong lòng? Loạn luân ở dân gian là tội thông dâm, báng bổ tổ tiên, mà ở hoàng tộc lại là mưu hay phòng họa ngoại thích. Gả vợ cũ cho trung thần cũng là bạn, ở dân gian là bất nhân bất nghĩa, ở hoàng tộc lại là chia sớt niềm vui, thắt chặt tình quân thần. Trong mắt họ Trần thiên hạ là gì? Trong mắt thiên hạ mai sau họ Trần lại là gì nữa? Một triều đình không luân lý không đạo đức, bạc tình bạc nghĩa, hành xử vô lý không màng cái nhìn của người đời?

Trần triều mà anh họ tôi ủng hộ, Trần triều mà Công chúa và Hậu cố bỏ hận thù để đi theo cho non sông an bình, Trần triều mà Lê Tần bảo vệ, là đây ư?

***

Đã mấy hôm không tắm gội, lòng lại chia hai nửa vừa canh cánh việc ban hôn vừa lo cho thân mình, tôi không tài nào yên giấc. Ngoài dự liệu, đến gần ngày Công chúa hạ giá, tôi được Hoàng thượng thả ra. Ngài gọi tôi đến gặp mình vào một buổi chiều nhàn hạ, nắng rọi chỉ vừa đủ để trời đất không ảm đạm cũng chẳng sáng tỏ. Tôi nhìn trời, đoán chừng mấy ngày nữa trời không thể đổ mưa. Ấy có tính là Công chúa của tôi không được chúc phúc không?

Hoàng thượng ngồi trong điện uống chè, có lẽ thấy tôi dừng chân hoài ngoài thềm trông trời nên vẫy tay cho vào. Tôi khép nép đứng ở góc điện, vẫn cách ngài một khoảng rất xa. Ngài lắc đầu:

- Trẫm đã thả thì sẽ không trách tội.

- Thần chưa tắm ạ. - tôi bẽn lẽn mím môi.

Hoàng thượng cười tôi rất to, thoạt đầu có vẻ gượng gạo, về sau tiếng cười thoải mái hơn, cũng buồn bã hơn. Hoặc do chính lòng tôi không yên nên hằng nghe ra nỗi buồn đâu đó, chứ thực ra ngài chẳng có gì buồn. Hậu kể với tôi, Hoàng thượng hứa với nàng sẽ giúp Công chúa vun vén hạnh phúc sau này. Giờ đây lời hứa sắp hoàn thành rồi, ngài nên vui, nên mừng lòng, dẫu bên cạnh ngài không ai một lòng cùng vui.

Không biết nghĩ đến bản thân ngày qua ngày cười nói, chuyện trò với những người không mấy toàn tâm ủng hộ việc mình làm, Hoàng thượng sẽ thấy như thế nào? Giả người đó là tôi, chắc tôi sẽ phát điên. Làm vua, nghe lời gièm pha đã khó, giữ vững bản thân trước những lời gièm pha đó lại khó muôn phần. Huống hồ người gièm pha ngài là cả thiên hạ ngài đang cai quản.

- Bệ hạ, thần sai rồi.

Trong tiếng thở dài rất nhẹ của tôi, Hoàng thượng ngẩn ra, khẽ "hửm". Tôi quỳ xuống vái lạy ngài:

- Thần xin nhận tội.

- Ừ.

- Vẫn mong bệ hạ giữ gìn. Thần xin cáo lui ạ.

Rõ ràng tôi còn nhiều lời muốn hỏi ngài, còn nhiều điều muốn bày tỏ, còn nhiều thứ muốn hàn huyên, nhưng sau hồi lâu suy nghĩ đó, tôi chỉ biết nhận tội rồi cáo lui. Hẳn là tôi đã sai. Tôi cần gì làm một trong vô số người thiên hạ kia, nhắc hoài việc đã qua khiến người thân của mình đau khổ. Về phần Hoàng thượng, một khi đã chọn ngài sẽ không ngại lời gièm pha. Vả lại, hạ giá lấy Lê Tần biết đâu chừng sẽ khiến Công chúa hạnh phúc.

Ra khỏi cung, bước chân tôi nhẹ dần, lòng lửng lơ không vui cũng không sầu thảm. Về Phù Liệt thắp hương cho anh họ, nán lại nói đôi câu vu vơ, dường như không còn gì đắn đo tôi mới chịu sửa soạn về Hồng Lộ. Lòng đã buông nỗi hoài cảm về thời thế và bản thân rồi, khúc mắc với nhà thầy tôi cũng nên bỏ. Suy cho cùng chúng tôi vẫn là phụ tử. Khi tất cả những nơi tôi gửi gắm hoặc đổi thay hoặc biến mất, nơi tôi tránh nhớ đến nhất lại là nơi sau cùng chào đón tôi.

Vừa ra khỏi La thành chân tôi đã nấn ná, quay gót trở vào. Tôi sực nhớ vì trốn tránh việc sắp đến mà mình chưa kịp từ giã một ai. Ví như được sống hai cuộc đời tôi sẽ ích kỷ và cảm tính hơn, nhưng đáng tiếc tôi chỉ sống một lần, và về sau có lẽ tôi không về Thăng Long nữa.

Tôi vào Hoàng thành tìm Công chúa hàn huyên vụn vặt rồi mới tìm đến Lê Tần. Trong khi vị hoàng nữ sắp làm vợ anh ta vẫn thong dong, anh ta lại bận chuẩn bị lễ vật đến tối mặt mày. Tôi chờ suốt một canh giờ mới đợi được khi Lê Tần rỗi rãi. Khác với khi gặp Công chúa, tôi không nói nhiều với Lê Tần, chỉ cười cười và vỗ vai chúc phúc. Anh ta tặng tôi một con ngựa, bảo tôi dăm hôm nữa cưỡi đến phủ dự lễ đón rước. Tần ngần đến khi chẳng còn nói được gì, tôi ngã ngũ rằng mình sắp về Hồng Lộ. Tôi không đọc được trong đôi con ngươi thoắt sáng thoắt mờ kia là điều chi, đành rũ mắt bỏ cuộc. Anh ta không phải anh họ. Con ngựa bạch, những nốt chai trên bàn tay lạnh, mùi gió bụi chinh chiến đường xa và cả ánh mắt, nụ cười này không có thứ gì giống anh tôi. Vậy mà trông vào tôi vẫn ngỡ ấy là một người.

Dẫu có là ai, sau này chúng tôi khó mà gặp lại.

Có những người ngay cả khi còn sống, họ vẫn trở thành áng thiên cổ của một tấm lòng không tên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro