29. Ngày tàn hơi thở (Hết)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Từ là từ phu tướng...
Báu kiếm sắc phán lên đàng...
Vào ra luống trông tin nhạn...
Năm canh... mơ màng...
Em luống trông tin chàng...
...ôi... gan vàng quặn đau í... i...

Đường dầu sai ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang...
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn... như đá vọng phu
Vọng... phu vọng... luống trông tin chàng
Lòng... xin chớ phụ phàng...

Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm... luống những sầu tây...
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lợt phai í... i...

Thiếp nguyện... là nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng đặng chữ bình an...
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn được hiệp đôi í... i..."

- Ông khùng hát kìa bây! Ông khùng ngồi gốc cây hoè kìa!

Tháng chạp, năm thứ ba...

Dòng sông bên lở bên bồi chảy ròng theo nhịp sống của người dân ở xóm Đập, chỉ mới có mấy năm trôi qua mà đã đổi thay quá nhiều. Nếu nói về thứ gì vẫn còn giữ nguyên trường kỳ thì chắc chỉ có khu vườn trồng đầy chà là của má con Út Lang, qua bao nhiêu đợt chặt rồi lại trồng mới lên, vậy mà má con nhà này vẫn chung thuỷ với giống cây này như một phần trong đời sống không thể thiếu.

Bữa nay lại có một cây chết khô nên Út Lang mới cầm rựa ra ngoài chặt xuống lấy củi. Phần tụi đuông anh cẩn thận bóc hết ra rồi bỏ vào thúng, phần củi khô thì chất thành đống đợi đến khi cần thì sẽ đem vào chụm. Gió chiều này tà tà nên khoảng vườn cũng trong lành mát mẻ thoải mái, ấy thế mà cầm thúng đuông ra sau nhà mà Lang trầm tư lặng lẽ còn thêm mấy tiếng thở dài. Tính ra anh đã không còn vui vẻ mấy nữa cũng đã mấy năm nay, đêm cứ trằn trọc ngủ không ngon, chắc là vẫn còn ám ảm lấy hai từ quá khứ. Bà Sen thấy thằng con trai mình vẫn cứ phiền muộn âu sầu thì nhất thời cũng cảm thán bằng cái nhíu mày khó khăn, tay cầm lấy thúng đuông mà Lang đưa, bà gằn nhẹ giọng như muốn rầy cái thằng con đa sầu đa cảm.

- Cái gì mà suốt ngày xị cái mặt như đưa đám! Tao chưa có chết mà mày cứ y như đang mắc tang, kiểu này chắc tao chui xuống dưới sớm cho mày vừa bụng quá!

- Má... nói gì kì vậy?

- Kì gì mà kì? Chuyện cũng qua mấy năm rồi, cũng phải nguôi ngoai đi chớ?

Lang thở dài, anh dựa người vào cái vách đất, giọng thều thào.

- Đâu phải con hổng muốn đâu má... mà cứ đêm nằm xuống là con nhớ lại quài, sao mà ông trời bất công quá má...

Bà Sen đương đâm chén mắm ớt nghe con nói mà trong lòng cũng mắc rầu. Dù vậy bên ngoài bà cũng chẳng thể hiện ra cho Lang thấy sợ anh sẽ càng buồn, bà đành chẹp miệng nói:

- Âu cũng là có số hết rồi con... phước ai người đó hưởng, nghiệp ai người đó gánh, mình chỉ là những con kiến nhỏ nhoi, sao mà tính hết chuyện của trời đất được?

- Nhưng người ta cũng có phải phường ác nhơn thất đức gì đâu?

- Vậy chớ giờ đi kiếm ai mà đòi lại công bằng đây? Số phận là thứ khó nói lắm con, đừng có mắc công than trách chi cho mệt người. Sống thì phải biết chấp nhận, còn vượt qua được hay không á thì...

Bà Sen nói đến đây thì bỗng im lặng, Lang đương định hỏi thì bà lại nói tiếp, giọng đàn bà lớn tuổi đã có phần sâu lắng nay lại có chút trầm buồn hơn.

- Thôi hổng nói nữa. Coi đem cơm ra ngoải đi, má để chén đuông trong cái thố, chừng đổ nghen!

Lang nhận lấy cái giỏ cơm mà bà Sen ngày nào cũng chuẩn bị, gật đầu rồi dạ dạ mấy tiếng, cũng nhanh chóng bước ra cầu bến tát nước đẩy xuồng.

Giờ chiều nên mặt sông có phần yên ắng phẳng lặng hệt như một dải lụa xanh lơ mềm mượt trải dài khắp con xóm. Vừa chèo mà Lang lại miên man chìm đắm, từ đó đến nay anh vẫn chưa một giây phút nào quên được cái thời gian đầy rẫy thê lương cho những kiếp người tại nơi này. Thỉnh thoảng trong chợ sớm người ta cũng hay nhắc về cái dạo đấy, biến cố xảy ra khiến thời thế đảo lộn ngoạn mục như quả chò trong gió, một ngọn lửa nhỏ thôi mà hậu quả lại quá khôn lường.

Lang lại thở dài, nghĩ lại anh cũng chẳng biết nên đáng thương hay mắng lên một câu đáng đời cho cái phận số của Hai Tịnh. Mặc dù người đời vẫn sẽ luôn cho rằng đó chính là quả báo mà bà phải nhận lãnh, nhưng quả thật Hai Tịnh cũng đã chẳng dễ dàng gì ngay từ lúc đầu. Cứ thử nghĩ một người đàn bà cất bước sang sông nhưng chẳng nương nhờ tấm chồng được bao nhiêu lâu, một mình ẵm hai đứa con chống chọi với trách nhiệm và khó khăn, chẳng phải vô tình nhưng Lang nghĩ bà cũng chẳng muốn mình phải độc đoán.

Có lẽ bà đã để con quỷ trong mỗi con người xâm chiếm lấy mình quá dễ dãi, để nó dắt bà đi vào cõi tối tăm không còn thấy lối sáng, nhưng hậu hoạ âu cũng từ nơi bà không biết cách kiềm hãm lại sự suy đồi của bản ngã. Sống một đời tâm cơ rồi cuối cùng lại chết dưới tay một kẻ tâm cơ khác, lòng người thì khó đoán còn chuyện số phận thì chẳng phải chỗ mà quyền thế của bà có thể đoán định. Cứ vậy mà để lại thân xác điêu tàn trong căn nhà mà bà đã gầy công kiên cố, hơi thở lụi tắt trong chính bàn tay người mà bà luôn tin tưởng. Tai ương đôi khi chẳng ở đâu xa mà luôn bén rễ ngay dưới chân mình, thời khắc nó đâm chồi cũng là lúc mà ta nhận ra mình đã tưới nhầm nước không sạch sẽ trong muộn màng. Quả báo luôn tới ngay khi chúng ta đương mặc sức quẫy đạp trong sự ngạo mạn, càng tới chậm càng nặng vì chất chồng nghiệp quả. Càng chấp mê bất ngộ, hoạ ập xuống đầu càng ngập tràn thê lương.

Nơi bến cũ ngay chuồng trâu giờ đây đã hoang tàn bấy giờ đã là chỗ cho người dân ở đây mặc sức tự nhiên. Lang chống sào vào bến, cột xuồng, trèo lên. Căn nhà chữ đinh ba gian hai chái mấy chục năm xa hoa lộng lẫy nay đã cháy rụi tan tành. Mồi lửa bén đã thiêu sạch sẽ mọi thứ vào năm ấy, đem cả xác thịt Hai Tịnh trộn vào tro tàn, đem cả con hình nộm xác xơ hoà nhập cùng làn khói đen kịt.

Đã bao năm rồi mà mỗi lần đi ngang nơi này Lang đều thấy não nề tiếc thương, rồi anh lại nhớ tới bóng dáng người em gái năm nào đã biệt tăm biệt tích, chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu anh tự hỏi lòng rằng Mỹ Hoa đương ở đâu. Cơn hỗn loạn năm ấy giống như bầy kiến vỡ tổ mà náo động rối ren, khi Lang sực nhớ tới hai mẹ con Mỹ Hoa thì anh đã chẳng còn thấy mẹ con cô đâu nữa. Tới tận bây giờ Lang cũng chưa lần nào thấy hai người ấy về lại cố hương, mặc cho nhà hương chủ hoài công tìm kiếm, người vẫn bặt vô âm tính, giống như đã bốc hơi theo cụm khói dày đặc mà trôi về một miền trời xa xăm. Nghĩ mà sầu vì Lang cũng thương Quỳnh nhiều lắm cứ như cha ruột với con, bây giờ anh chỉ biết cầu cho hai mẹ con Quỳnh khoẻ mạnh, dù phiền não nhưng một chút gì đó trong anh cũng thấy mừng vì hai mẹ con không còn ở lại đây để gánh chịu mọi điều đắng chát. Tai tiếng sẽ bủa vây và gièm pha sẽ ập lên đầu Mỹ Hoa nếu như cô chẳng trốn đi mất, rồi cũng chẳng biết tính sao khi nhà chồng gặp tai hoạ tang tóc, ngay tới người chồng cũng chẳng thể nương tựa, thật tốt nhưng cũng thật sầu cho cái sự đời đẩy đưa.

Lang thở dài rồi cũng thầm tiếc thay cho số phận hẩm hiu của người em gái mà anh luôn thương yêu. Những tưởng Mỹ Hoa sẽ có một cuộc sống phú quý mãn nguyện, cô quá tốt và chẳng làm điều chi để không được hưởng đặc ân của ông trời. Vậy mà người con gái hoàn hảo như cô lại có một tương lai mịt mờ tới mức suýt nữa đã tăm tối, nếu không thừa nước đục thả câu chắc giờ đây cũng đã ngập ngụa trong đau thương tủi nhục, cô ra đi trót lọt âu cũng là do ông trời cũng còn thương. Mạnh bước chân Lang cũng chẳng thể đành lòng nhìn thêm cái cảnh tiêu điều trước mắt, nơi xác xơ hoang tàn đã từng tấp nập người ăn kẻ ở, giờ ngó ngang ngó dọc cũng chỉ còn lại sự chết chóc tràn ngập khắp mảnh đất mênh mông.

Có ai nào ngờ đâu cái cơ ngơi Hai Tịnh mấy chục năm gìn giữ chỉ trong một giây một phút lại đổ ập trong tay một gã xa lạ bất lương. Một mối căm thù ẩn nấp trong bóng tối mà chẳng ai mảy may dè chừng, như một cú đá trời giáng, đảo ngược số phận của biết bao nhiêu người. Tới bây giờ cũng chẳng có ai biết được danh tính gã là ai, người ta chỉ biết gã là người đã buôn thuốc nhưng phần nhiều là chuốc thuốc cho tá điền Hai Tịnh, sau đám cháy lớn cũng đã bị bắt ngay khi gã định chuồn khỏi đây. Bởi mới nói con người là loài rất dễ bị mê hoặc bằng những thứ cám dỗ của ma quỷ, đối với những người thấp cổ bé họng mang thâm thù đại hận thì càng không cần dùng sức, có trách thì chỉ trách Hai Tịnh đã gây ra quá nhiều mầm hoạ cho chính bản thân mình.

Chợ chiều ở xóm Đập lúc này đã dần thưa người, đâu đó người ta chỉ còn bày mấy sạp vải vóc, đồ hàng dế đá, Lang cứ thế mà rảo bước thẳng tới sạp của ông Mười He. Lý do ổng được người ta kêu là Mười He chỉ đơn giản vì ổng làm nghề nặn tò he, một con bốn hoặc năm đồng cứ vậy mà mưu sinh, được cái tò he ổng nặn cũng biết nêm nếm chút đỉnh cho có vị, vẻ ngoài thì nhìn y thinh mấy nhân vật mà người ta thường yêu thích. Ngó thấy Lang từ xa bước tới là ông Mười biết ngay mình lại sắp có khách, ổng moi ra từ trong cái giỏ kế bên mình một con tò he bận áo bà ba trắng, Lang vừa dừng chân là ổng đã đề ba trước, tay giơ con tò he ra trước khuôn mặt cười lấp lửng của anh.

- Như cũ phải hông bây? Tao mần sẵn rồi nè.

- Dạ cảm ơn chú Mười. Tiền nè chú, con cảm ơn nghen.

Ông Mười cầm tiền rồi cũng đưa ánh mắt khó hiểu nhìn Lang bấy giờ đã chầm chậm rời đi. Ba năm rồi cứ mỗi năm vào ngày này là anh lại ghé ông mua một con tò he, dặn nặn y thinh chỉ một dáng hình, ổng thắc mắc hỏi quài mà anh không chịu nói. Đã vậy nên ổng cũng không gặng hỏi nữa mà chỉ đều đặn làm sẵn chỉ chờ Lang tới lấy đi, cũng không biết cái người tóc dài dài bận bà ba trắng đó là ai, hỏi người xung quanh thì cũng không ai tỏ, tự hỏi quài cũng không ai trả lời, cũng đành thôi.

Lang cầm con tò he trong tay rồi lại tiếp tục đi dọc theo triền đê thoai thoải. Ruộng quanh đây ngày xưa đều là của Hai Tịnh, bấy giờ không còn bà nhưng vẫn được người ta cày cấy trồng trọt đều đặn, âu cũng là do ruộng bây giờ đã thuộc về quyền sở hữu của người dân. Sổ sách giấy tờ đương nhiên cũng đã bị thiêu rụi cùng Hai Tịnh trong cái đêm trăng lay lắt năm xưa, quan Kinh lý cũng hiểu nỗi khổ của dân tình mà làm phước cho dân, có nhiều người còn nói cảm giác giống như chưa từng có chủ điền Hai Tịnh tồn tại.

Lang đi qua từng mẫu ruộng mà đưa tay vẫy chào từng người đương chuẩn bị vác cuốc về nhà nghỉ, ai nấy đều cười nói chào anh, rồi họ lại rủ tai nhau rù rì, Lang nhìn cũng hiểu họ đương bàn tán cái chuyện gì nên anh cũng bỏ lơ mà lại tiếp tục dấn bước.

Cái cây đa già bao năm vẫn sừng sững dần dần hiện ra trong tầm mắt, cuối cùng cũng xuống tới bưng. Lang cứ đi tà tà còn ánh nhìn thì đã lia sang cái cây hoè kế bên cây đa bự chảng, lòng lại bắt đầu day dứt một nỗi buồn khó nói, bước chân nặng trịch như chính cái nỗi sầu của anh.

Nhìn từ xa cây hoè còn nhỏ lắm, nhưng tới gần thì thấy nó cũng đã xoè tán đủ rộng để rợp bóng che mát một khoảng làm vui bụng người ta. Bước chân đương chậm rãi rồi Lang bất ngờ đi nhanh hơn vì anh nghe có tiếng cười giỡn ở phía trước, cái đám nhóc lóc chóc như lũ quỷ cứ chai lì qua từng ngày, đá với sình cứ bay tứ tung, người hứng chịu thì vẫn cứ co ro ôm lấy cái thân cây hoè cứng ngắt.

- Nè! Tụi bây ngưng chưa?

Lang xồng xộc chạy tới la ầm ĩ khiến tụi nhỏ hoảng sợ chạy tán loạn, có đứa hãi quá còn vấp té khóc bù lu bù loa. Ăn hiếp người ta đã đời rồi khóc ăn vạ thì đúng rặt là cái tụi con nít, Lang chống nạnh lắc đầu xong cũng nhanh chóng đi lại phía người đương nép sát vào gốc cây mà run rẩy lập cập.

Tay anh phủi đi mấy vết sình trên cái áo vải lãnh đã nhơ nhớp bẩn thỉu, kéo lại mái tóc dài bết bát để sáng sủa mặt mũi, không nói gì lại đứng dậy đi tới bụi rơm.

Theo thường lệ Lang lại túm lấy một nắm rơm rồi cột qua loa cho nó thành một cục, cầm trên tay mà anh thấy day dứt xót xa. Quảnh mặt nhìn lại thì người ngồi kia tự lúc nào đã nhìn anh cười ngô nghê khờ dại, cái nụ cười sao mà khiến người ta thương tới quặn thắt tim gan.

Bân điên rồi.

Tên điên với nụ cười ngờ nghệch mỗi khi Lang ghé sang, chắc trong cơn mơ màng cậu vẫn còn nhớ anh là một người bạn tốt.

Lang chìa cục rơm chẳng ra hình thù gì tới trước mặt Bân, cậu nhìn rồi lập tức chụp lấy ôm chầm vào lòng, miệng lẩm bẩm mấy từ gì nghe như một cái tên.

- Có thằng An rồi, cậu ăn cơm nghen cậu.

Lang lẳng lặng ngồi xuống đối diện Bân rồi bày ra mấy thứ cơm canh bà Sen chuẩn bị, đem cái món đuông mắm ớt mà cậu thích ra để trước mặt cậu. Rồi không kịp để Lang trở tay Bân ngay lập tức vồ tới bóc một con đuông đương ngoe nguẩy bỏ thẳng vào miệng, chẳng thèm cắn đứt đầu ra mà cứ nhai nhồm nhoàm, Lang giật mình la lên:

- Cậu! Coi chừng nó cắn đó!

Bân nuốt ực một cái trong sự bàng hoàng của Lang rồi chỉ nhìn anh cười hề hề, hàm răng đen đúa cứ nhe ra, rồi lại lẩm ba lẩm bẩm.

- Cây... cây... An nè... chôn... cốt á...

Lang gật đầu, chìa chén cơm ra trước mặt Bân.

- Ăn từ từ thôi cậu, ăn cơm nữa.

- Mình... An... che nắng... che cho mình... mình nè... cây... cây á...

- Tui biết rồi, ăn cơm đi cậu.

- Che... che đi... chôn... trồng cây... cây... An ơi...

Thở dài một tiếng rồi Lang cũng chẳng thèm năn nỉ Bân nữa. Anh đã quen với việc cậu chỉ lặp đi lặp lại hoài mấy từ thưa thớt mỗi khi anh nói chuyện với cậu, có thể nói ngoài mấy từ đó ra cậu chẳng thể nói thêm được gì. Chắc trong đầu cậu chỉ tồn đọng được mỗi câu nói ấy, từ người mà cậu thương, dù đã điên dại nhưng vẫn không thể nào quên, dù chỉ là vụn vặt nhưng vẫn cố nhắc lại như chấp niệm một mảnh tình bể nát.

Lang không nhớ rõ ngày mà Bân trở nên rồ dại chính xác là ngày nào, nhưng khi cậu khùng khùng điên điên thì bà ngoại cậu cũng đột ngột qua đời vì phiền muộn. Trong một khoảng thời gian mà Bân mất đi hết tất cả người thân ở bên cạnh, cù bơ cù bất, chỉ còn gia đình Lang là thương tình chăm nom.

- Cậu, cậu nhớ bữa nay là ngày gì hông?

Lang nói nhưng trong dạ cũng không mong chờ Bân sẽ trả lời, vừa lục lọi trong cái giỏ tre, anh vừa nói tiếp:

- Hổm rày trời mát nên cây coi bộ cũng khoẻ quá, để tui thắp nhang, cậu cúng cho nó nha.

Nói rồi tay liền lấy ra ba cây nhang, Lang đưa cho Bân cầm con tò he rồi mồi lửa, chẳng hiểu sao Bân lại ngoan ngoãn nghe theo anh mà cầm lấy con tò he song ngồi dậy quỳ trước gốc cây hoè.

Hương thơm của nhang toả ra cơ hồ cũng khiến cho lòng người ta ấm áp hơn đôi chút. Lang quảnh mặt đối diện với cây hoè, vái ba vái, anh cắm nhang vào gốc cây rồi Bân cũng lục tục cắm con tò he vào kế bên. Có mấy người đi ngang qua lại xì xầm to nhỏ chỉ trỏ dù cũng quen rồi với khung cảnh kì cục ở đây, Lang chẳng hề bận tâm Bân thì càng không, hai người cứ quỳ trước gốc cây, không gian bỗng chìm ngập trong sự lặng lẽ khiến người dù có tỉnh táo hay đã lẫn trí đều mơ màng day dứt một niềm riêng se sắt.

- Ba năm rồi mà sao mày lỳ quá... tao đã giữ lời hứa mua cho mày tò he rồi, sao mày hổng phù hộ cho cậu? Để cậu như vầy cho người ta chê bai mắng nhiếc, mày thương cậu kiểu gì vậy An?

Lang buông lời trách cứ dù anh biết rằng sẽ chẳng ai có thể đáp lại, ánh mắt sầu muộn cứ dán lên cái thân cây vô tri vô giác. Càng nhìn càng đau xót, có lúc anh đã ước rằng cây hoè này đừng nên lớn lên.

Đừng nên lớn lên, để đừng ai nhớ tới một cuộc đời lận đận long đong như chiếc bè lội ngược dòng con sóng lớn, để đừng ai khắc khoải mãi một nỗi tiếc thương cho số phận bèo trôi.

Đừng nên lớn lên cho miệng đời cứ vô tư giày xéo, nhưng tay người vẫn tưới nước hòng cứu lấy tấm thân tàn đã hoang phế sau cuộc bể dâu.

Gương mặt mỹ miều giờ đây đã ngu ngơ dại khờ sao mà khiến lòng Lang cứ nóng rẫy như bị lửa nung. Thương thay cho một kiếp người lắm cay đắng gian truân, cây hoè lớn hay thần trí điên loạn đôi khi là ơn trời ban cho để trái tim kẻ này không phải thêm mục ruỗng.

Điên đi, để không phải nhớ.

Bân đã định ngày tàn hơi thở cho An.

Sự việc đêm ấy diễn ra quá đột ngột khiến ai cũng không kịp trở tay. Khi Lang quành trở lại đình thì An đã bị Cai bắt về nhà việc, tội danh giết người, bị đóng trăn chờ ngày xét xử. Lang còn nhớ hoài lúc đó khi Bân chịu tang má mình xong ba ngày thì tâm lý cậu đã bất ổn, cho tới khi kịp nghĩ tới An rồi chạy tới nhà việc, nó đã bị ấn định ngày ra dựa cột trước công chúng vào sáng sớm hôm sau. Mọi sự xảy ra liên tiếp giống như thể ông trời bắt buộc Bân phải phát điên, trong một đêm cơ ngơi sụp đổ, má chết vợ con mất tích, người thương thì bị chính mình vạ lây cho tội giết người. Tiếng gào thét tại nhà việc của Bân trong đêm đó làm biết bao nhiêu người phiền hà vì đinh tai nhức óc, Lang cũng có mặt để kiềm hãm cậu, nhưng An đã khai rằng nó chính là người đập đầu cô đào vì mâu thuẫn trong gánh hát, vì thế nên mọi lời nhận tội của Bân người ta chỉ nghe rồi ngó lơ. Có ai ngờ đâu chờ đợi ba năm tới ngày tương phùng thì nơi hàn thuyên tâm sự lại là ở pháp trường xử bắn, trời hôm ấy không có mưa nhưng lại vần vũ gió lớn, giống như nước mắt ai đã chẳng còn để rơi thêm một giọt nào nữa.

Lang não nề nhìn lên tán cây hoè lao xao trong làn gió mùa hạ cùng vài tiếng ve râm ran. Sắc trời chạng vạng ảm đạm rủ lên đỉnh đầu một màu tối tăm, bên tai anh, Bân vẫn liên tục rì rầm những câu từ vụn vặt.

- Cây... cây... che nè... bảo vệ đó... An... An đâu?

Người kế bên này chẳng biết trái tim có còn nhức nhối khi nói ra những từ ấy không, hay trong tâm trí chỉ giữ lại đúng khoảnh khắc tay được nắm lấy bàn tay ấy, có lẽ Bân đã giữ mãi cảm xúc hạnh phúc tại giây phút cuối cùng còn tỉnh táo đã được người cậu thương trao cho một cái hôn như một lời vĩnh biệt. Bao nhiêu mộng ước và bao nhiêu khúc mắc chưa được hóa giải cứ vậy mà chôn vùi trong dang dở, đối với ai cũng đã là hồi kết, chỉ riêng những người còn "sống" tiếp là mãi khắc khoải một sự tiếc nuối cho hai số phận đáng thương.

- An... cây... chôn... bảo vệ... đâu?

Tán cây hoè vẫn cứ vậy mà lung lay mang tới từng âm thanh mềm mại như tiếng nói, giống như cây đương muốn an ủi rằng người điên kia xin hãy ngừng ướt lệ nhòa. Chết đi rồi nhưng vẫn ở đây bảo bọc cho người bằng bóng mát xanh ngát, bóng mát như cái ôm chầm của người chỉ còn lại linh hồn với tình yêu không bao giờ lợt phai.

Hãy lấy tro cốt của tôi chôn dưới mảnh đất kỷ niệm của tình ta năm ấy. Trồng lên đấy một hạt mầm như mầm tình tôi đã cắm gửi. Để rồi mai đây khi cây lớn tôi vẫn sẽ bảo bọc được người tôi thương dưới tán cây rợp bóng, tôi che cho người khỏi gay gắt cuộc đời...

Cậu Ba của tôi, mình của tôi...

Một dạ thương cậu.

Hết.


____

Cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi bộ Cung Đàn Vỡ Đôi xuyên suốt bốn tháng trời. Cảm ơn tất cả những lượt bình chọn và những bình luận cũng như những lời chúc, mình rất cảm động khi mọi người thấy thích câu truyện này dù rằng nó không mấy vui vẻ. Vì vậy mình muốn cảm ơn tình cảm mà mọi người dành cho fic của serein và cả mình, mong rằng sẽ gặp lại mọi người sớm, chúng ta cùng nghỉ ngơi nha!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro