25. Người từ nơi xứ xa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Gánh hát về! Gánh hát về rồi bà con quơi!

Tiếng mấy bà cô trong xóm ráo nhau rùm beng ủm tỏi, mọi người ai nấy đều kéo nhau lũ lượt ra cái cầu bến gần đình làng nơi mà gánh hát hay cập ghe, cứ chen chúc hò hét búa lua xua, chẳng riêng gì đàn bà mà đàn ông cũng có dăm ba người hồ hởi xuống ghe phụ hợ bưng đồ bưng đạc lên trên bờ giúp. Chú Sáu Bình bấy giờ râu ria đã mọc xồm xoàm che kín cằm dài ngoằng đến tận cổ, chú bước lên cầu bến với nụ cười thân thiện như hồi nào tới giờ chú vẫn giữ trên môi mỗi khi về lại Gò Công, nhìn bà con quê mình ra đón tiếp mà chú rơm rớm nước mắt hạnh phúc, tay bắt mặt mừng với láng giềng, mở miệng ra câu nào cũng hỏi thăm sức khoẻ người ta là đầu tiên.

Mấy cô chú lớn tuổi nhìn thấy chú Bình thì cũng nhào tới cặp cổ bá vai mừng chú khoẻ còn về lại cố hương, mặc dầu chú đi mấy năm mới về một lần nhưng tình cảm của dân xóm Đập đối với chú chưa bao giờ phai lợt. Tại chú Bình dù là anh em ruột với Hai Tịnh nhưng tính cách của chú khác bà rất nhiều, người ta thương chú ở chỗ thật thà chất phác, dễ thương lễ phép, không cậy giàu hiếp nghèo, bởi vậy dầu có ghét bà Tịnh nhưng đối với chú Bình người dân ai nấy cũng đều yêu mến, chỉ cần chú về lại là người ta thết đãi đủ thứ rồi khi đi là một ề quà cáp cho đem theo. Rồi mỗi khi gánh chú diễn ở đây ai nấy cũng đều có mặt xôm tụ đặng ủng hộ vài đồng tiền vé cho cả gánh mưu sinh, không những thế người ta còn rộng lòng cho mấy ông thầy đờn với mấy kép ca phụ hợ ruộng đồng, tới lúc đi cũng gửi ít tiền công, còn cho nhờ chỗ ngủ chỗ ăn y hệt như người thân tín trong nhà chẳng thua kém.

Chú Bình biết hết tình nghĩa xóm làng nên chú cảm động lắm, nhiều khi hát còn không lấy tiền vé, hát xong còn bày mấy thứ đặc sản ở mấy miệt khác ra đãi dân làng. Âu cũng là láng giềng nơi chôn nhau cắt rốn nên chú không bao giờ tiếc, người ta dành cho mình cái tình nhiều khi còn đáng quý hơn bạc vàng, dầu có đi khắp thế gian cũng không có ở đâu bằng, bao nhiêu của quý vật lạ cũng không đủ để đánh đổi cái tình làng nghĩa xóm, bởi người ta mới có câu họ hàng xa còn không bằng được láng giềng gần.

Lần này về chú Bình cũng mang theo nhiều thứ y hệt như mấy lúc trước, hình như làm ăn khấm khá nên cũng lỉnh kỉnh quà mọn nên cũng nhờ dân làng phụ giúp mang từ ghe lên. Ở cầu bến lúc này rộn ràng tiếng nói cười rồi tiếng hò dô ta của mấy người đàn ông, mấy đứa con nít thì luồn lách đặng ngó mấy đào kép cho được gần, bé Quỳnh từ xa cũng đương kéo lê chị Lan lại gần để hóng hớt. Mặt chị Lan lúc này bàng hoàng thấy rõ, vừa lạch bạch đi theo Quỳnh, trong dạ chị bắt đầu sốt ruột không nguôi. Khi nãy nghe tin gánh hát về là chị đã bắt đầu hối thúc Quỳnh quảnh lại về nhà nhưng nhỏ một mực không chịu đi, còn ăn vạ khóc lóc đòi ra coi nên chị đành phải chiều, bụng bảo dạ dẫn nhỏ ra coi xong nhỏ thấy chán cũng sẽ đòi về, nhưng vừa ngó thấy Lang từ xa cũng đương đi tới, chị lập tức mừng thầm rồi nhấc bổng bé Quỳnh lên rồi chạy lại chỗ anh. Lang chưa kịp rõ sự tình thì Lan đã nói nhanh, chị thả Quỳnh xuống rồi dúi nhỏ vào tay Lang, giọng gấp gáp:

- Anh Lang! Anh coi cô Hai chút dùm em nghen, em chạy đi đây có chút chuyện, hồi em quay lợi liền nghen anh!

Lang còn chưa kịp trả lời thì Lan đã chạy siết đi một mạch, anh còn đương ngẩn tò te thì Quỳnh đã nắm tay anh kéo kéo, vì Mỹ Hoa thân thiết với Lang nên Quỳnh cũng quen mặt Lang, nhỏ ngây ngô nói:

- Chú Lang, chú dẫn con qua bển đi chú.

- Ờ... ờ. Lần đầu tiên con thấy gánh hát đúng hông? Để chú dẫn qua cho coi nghen?

Quỳnh gật đầu rồi nắm chặt tay Lang bước đi lại gần cầu bến, vừa đi tới thì có một chú nhìn thấy Lang liền lên tiếng gọi:

- Ủa Lang? Ê qua phụ bưng cái này coi mầy ơi, cái thùng bự quá!

- Ờ... dạ... đợi...

Lang lấp lửng rồi ngó xuống Quỳnh khó xử, anh ngó dáo dác xung quanh rồi dắt nhỏ đi lại đứng ngay gốc cây me, ngồi xổm xuống nghiêm tiếng dặn dò:

- Quỳnh đứng đây đợi chú Lang chút xíu nghe hông? Con mà đi lung tung là chú méc má má quýnh đòn, chú nói thiệt chứ hổng giỡn chơi đâu nghen. Đợi chú bưng phụ xong chú quảnh lại dắt con qua coi, đừng có đi theo chen chúc rồi té má biết má rầy, ngoan chút xíu chú mua kẹo đường cho Quỳnh, nghe hông?

Thấy Quỳnh ngoan ngoãn tự động nép sát vô gốc cây me lúc này Lang mới yên lòng, nhỏ tuy lóc cha lóc chóc nhưng được cái rất nghe lời tía má với Lang. Anh mỉm chi xoa đầu nhỏ một cái rồi cũng đứng dậy chạy nhanh qua cầu bến, để Quỳnh đứng một mình ở đó, ấy vậy mà lũ quỷ nhỏ liền ngó thấy ngay.

- Ê nhỏ nhà giàu, sao đứng có mình vậy mậy?

Tụi con nít khi nãy ghẹo chọc Quỳnh bấy giờ liền sấn tới, chẳng mấy chốc đã bao quanh lấy Quỳnh. Tụi nó chỉ thừa cơ Quỳnh bơ vơ một mình là lập tức nhào tới ăn hiếp, đầu têu phải nhắc đến trước tiên đó chính là thằng Tùng.

- Cái bà chằn hung dữ đâu rồi sao hổng ra canh chừng mày nữa vậy? Nay bả ăn gan trời hay sao mà dám để thiên kim tiểu thơ ở mình vầy nè, hổng sợ người ta ghẹo hả?

Thằng Tùng nói rồi nó kéo kéo tóc của Quỳnh, nó lớn tuổi nhất nhóm nên được tính là cầm đầu nên mới dám xúi cả đám chọc vô con cháu nhà Hai Tịnh, với chủ trương nếu bị ai bắt gặp thì chạy là thượng sách, được cái cả đám con nít nhà nghèo này ai cũng ngứa mắt cái sự bóng bẩy của Quỳnh nên nghe cũng theo tăm tắp mà lộng hành. Quỳnh cũng không vừa mà hất tay thằng Tùng ra, nhỏ quắc mắt:

- Ghẹo cái gì mà ghẹo? Có tin tui lấy đá chọi lỗ đầu mấy người hết hông?

- Trời trời! Mới có chút éc mà bày đặt giang hồ hả mậy? Nhỏ xíu như mày mà chọi lỗ đầu được ai mậy? Đúng là cái đồ ngông nghênh y như bà Tịnh mà!

Thằng Tùng nói rồi nó cười lên khanh khách, mấy đứa còn lại thì trề môi nhíu mày thể như đồng tình rằng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, ấy là có đứa lại kéo kéo tóc của Quỳnh.

- Đừng có đụng vô tui nữa coi! Có tin tui la làng lên hông?

- Mấy đứa, làm gì vậy?

Nguyên đám nhỏ chợt giật thót khi có chất giọng trầm bổng cất lên phía sau lưng, quảnh lại thì tụi nó tức thời giật lùi vì cái dáng to cao đương đứng tồng ngồng như tượng thần, đôi vai to lớn cứng còng rắn chắc ẩn hiện dưới mảnh áo nâu sòng, gương mặt lạnh tanh từ trên cao nhìn xuống trông âm u khiến có đứa khẽ rú lên một tiếng ra bề sợ hãi.

- Anh... anh An?

Thằng Tùng lắp bắp lên tiếng, mấy đứa nhỏ hơn còn lại xoay qua rù rì với nhau ý hỏi anh An mà thằng Tùng vừa gọi này là ai. Do An rời đi cũng đã lâu, có vài đứa lớn thì còn biết mặt chứ mấy đứa nhỏ hơn thì không biết tới, thành ra chỉ có vài đứa là mấp máy miệng kêu tên An. Trông cái bộ dáng bấy giờ của An cũng đã khác xưa, bề ngoài của nó cơ hồ chẳng còn là một người thân thiện gì mấy, ánh mắt lạnh nhạt không có chút dao động, đôi má bánh bao ngày nào cũng đã biến mất thay vào đó là một gương mặt gai góc lấm đầy nắng mưa. Tụi nhỏ thấy An không còn dễ thương như ngày xưa nên đứa nào đứa nấy cũng dấm dúi xếp re, An lúc này mới lên tiếng, đôi mắt sắc như dao mài ngó thẳng vào thằng Tùng:

- Tùng... mần cái gì mà túm tụm ở đây vậy?

- Dạ... em...

Mắt An sớm đã ngó thấy Quỳnh đứng co ro giữa vòng vây, nhìn sơ qua cái bộ bà ba vải lãnh là An hiểu ngay sự tình, không chờ cho thằng Tùng giải bày thêm An liền nói tiếp, chất giọng trầm gằn xuống nghe càng dễ sợ hơn:

- Giờ này hổng lo đi ra ruộng mần công chuyện phụ ba má mà ở đây làm gì? Giải tán đi, tối ghé gánh hát anh cho miễn vé, đi đi.

Nói rồi An quơ tay đuổi tụi nhỏ đi, mặc dầu giở giọng nghiêm khắc nhưng ý An vẫn là thương tụi nhỏ, vẫn nói miễn vé cho tụi nó, thằng Tùng nghe vậy cũng có chút nể nang mà dẫn nguyên đám rời đi. Bấy giờ An mới ngồi chồm hổm xuống trước mặt con nhóc ba tuổi còn đứng đó ngẩn tò te nhìn cái dáng hộ pháp của An, mỉm chi với nhỏ, cái bộ dáng trong tấm áo lãnh bị ức hiếp làm nó nhớ tới người mà nó vẫn hằng nhung nhớ bấy lâu.

- Bộ tụi nó hay ăn hiếp con lắm hả?

Quỳnh e dè gật gật đầu, chắc nhỏ còn hơi hoảng vì cái người trước mặt quá đỗi bự con nên mím chặt lấy môi, khuôn mặt bầu bĩnh méo xệch tưởng chừng như sắp khóc.

- Rồi sao hổng ai ở đây với con hết vậy? Bộ con ra đây một mình hả?

Nhìn sơ qua cái bộ dạng tươm tất là An biết ngay Quỳnh là con cháu của nhà giàu, còn nhỏ như vậy mà ra ngoài không có đầy tớ đi theo nên mới thấy lạ, Quỳnh bấy giờ mới bập bẹ đáp:

- Dạ... dạ... chú Lang kêu con đứng chờ...

Trong lòng An vỡ oà một cái, thì ra là người quen của Lang. Mới nãy nó cũng thấy Lang lật đật đi xuống ghe phụ hợ rinh đồ với mấy chú khác, chắc là anh kêu Quỳnh đứng ở đây chờ. Trong đâu An thoáng nghĩ không lẽ đây là con gái của Lang? Nhưng nhìn kiểu nào cũng không giống, Lang vẫn chưa có vợ, không lẽ có biến cố gì xảy ra nên anh phải đi làm đầy tớ cho nhà người khác?

- Vậy... nhà con ở đâu? Con nói thử coi chú biết hông, để chú dắt về cho nghen?

- Dạ... chú Lang đâu chú?

An mỉm cười thầm khen cô bé trước mặt còn nhỏ mà đã biết đề phòng xui rủi, sợ người lạ gây nguy hiểm nên không tin tưởng, An liền đứng lên, tay ngoắc Quỳnh ý biểu nhỏ đi theo.

- Chú Lang bên này nè, để chú dắt con qua gặp chú Lang nghen.

Nói rồi An không đợi Quỳnh trả lời mà chầm chậm bước đi thẳng, Quỳnh đứng đó do dự mấy giây rồi cũng tò tò đi theo bởi từ đó tới cầu bến cũng chỉ có mấy bước chân chứ không xa mấy. Vừa đến chỗ đám đông đang tụ tập thì An giơ tay ngoắc ngoắc ai đó mà Quỳnh không thể nào nhìn thấy, một hồi nhỏ mới chớm mừng khi Lang chen chúc từ đám đông bước ra, trên trán anh còn lấm tấm mồ hôi, vừa thấy An đứng với Quỳnh thì tức thời biểu cảm trên mặt Lang trở nên phức tạp.

- Anh Lang, bé này là người quen của anh hả?

Lang ậm ờ, chưa biết nói sao thì An lại tiếp:

- Sao anh hổng dắt con nhỏ về nhà đi? Hồi nãy em thấy tụi nhỏ ăn hiếp nó dữ lắm đó.

- Ờ... đầy tớ nhà con bé nhờ tao coi sóc dùm để họ chạy đi công chuyện chút, mà bị cái chú Năm kêu qua phụ hợ nên tao mới để nó đứng chờ... chậc... tụi nhỏ coi bộ quá đáng ghê trời... kiểu này chắc phải đưa về nhà quá...

- Hay anh dắt nó về đi, để em xuống bưng đồ lên được rồi.

Lang chưa trả lời ngay mà hai tay đưa lên chống nạnh, môi bặm bặm thể như đương suy nghĩ gì đó, rồi trên môi thoáng nụ cười ẩn ý, coi bộ ông trời cũng khéo sắp đặt ghê nơi.

- Thôi. Mày mới đi đường xa chắc mệt rồi, mày dắt nhỏ về nhà dùm tao đi. Công chuyện ở đây để láng giềng lo, coi như đi mấy vòng làng xóm cho giãn người cũng được.

An nghe vậy thì cũng gật gật đầu, Lang cười cười, vỗ vỗ vai An rồi nói:

- Nhớ dẫn về tận nhà nghe hông? Xong quành lợi đây nói chuyện với tao chút à, lâu lắm rồi mới gặp lại, tối nay hát xong là phải qua nhà tao nhậu liền nghe hông?

An nhe răng cười rồi tiếp tục gật đầu, xong nó ngó xuống Quỳnh thể như muốn hỏi coi nhỏ có tin tưởng nó chưa, Lang lúc này cũng khom xuống xoa đầu nhỏ một cái, dịu dàng căn dặn:

- Nè, con theo chú này về nhà đi nghen. Chú là người tốt đó, cả xóm này ai cũng mến, ba má con cũng biết chú này nữa. Chú Lang mắc phụ người ta công chuyện rồi, tối chú qua dắt con đi coi hát, Quỳnh ngoan đi theo chú An nghen!

Quỳnh nghe mấy lời này từ Lang bấy giờ nhỏ mới thực sự an tâm, nhỏ ngước đầu lên nhìn khuôn mặt vẫn giữ nét cười mềm mại của An, đưa tay nắm lấy bàn tay An đã tự lúc nào đưa ra sẵn. Hai người cứ thế bước đi để lại Lang một mình đứng đó, anh chẳng biết mình nghĩ gì mà để An dắt con gái của Bân về tận nhà. Cũng không biết khi An tỏ tường nó có giận anh hay không, Lang chỉ kịp thở dài một cái rồi không nghĩ ngợi gì thêm, xắn tay áo bước quành trở lại cầu bến.

Mặt trời lúc này đã ngả nắng ngang vai, bầu trời quang đãng tưởng chừng như hôm nay sẽ là một ngày yên ả, tiếng chim ríu rít xa gần chẳng biết là đang vui mừng hay đang báo hiệu một điềm gì đó chẳng mấy bình lặng, áng mây cứ núp ló làm cái bóng đa cứ chập chờn trên đất xóm Đập như thể mập mờ một điều gì đó khó đoán, cơn gió lượn lờ trên từng ngọn lúa khiến chúng cũng phải ngoan ngoãn cúi đầu trước sự tiêu khiển của thiên nhiên. An vẫn nắm chặt tay Quỳnh đi qua từng ngõ ngách mà bẵng đi mấy năm trời vẫn tạo được cảm giác thân quen, nó cứ thơ thẩn bước đi theo chân Quỳnh mà chẳng lên tiếng nói câu nào, thể như bản thân đương lạc vào hoài niệm chốn cố hương, tâm trạng bùi ngùi thành ra nó chỉ ngắm cây ngắm nhà chứ chả bật lên được tiếng nào vì chẳng có mấy khuây khoả.

Tuy Quỳnh mới ba tuổi nhưng khôn ngoan lanh lợi nên nhỏ nhớ rất rõ đường về nhà, bởi vì nhỏ đã quen ra ngoài chơi nên thuộc nằm lòng từng con ngõ bụi chuối, An trong bụng cũng thầm khen ngợi nhỏ này mới tí tuổi mà đã sáng dạ thông minh. Hai người cứ thế bước đi trong sự im lặng tới khi đến được cái ngã ba quẹo vào ngõ nhà chủ điền Tịnh, An lúc này mới mơ hồ một dự đoán mà riêng nó cũng không dám chắc chắn, bước chân bất giác chậm nhịp lúc này nó mới kịp nhìn kĩ hơn vào gương mặt của nhỏ Quỳnh. Trong ngõ này cũng chẳng có nhà nào giàu có ngoài nhà của Hai Tịnh, chẳng lẽ trong mấy năm nó trôi nổi ở quê người đã có nhiều sự thay đổi, hay điều mà nó chẳng muốn nghĩ tới thật sự là thực, An bấy giờ mới lên tiếng hỏi nhỏ Quỳnh:

- Quỳnh... nhà con... nhà con trong ngõ này hả?

Quỳnh ngước cặp mắt tròn như hòn bi ve lên nhìn An, thoáng chốc cái nét mặt của nhỏ thoáng gợi lên trong nó một nhân dạng khác, sao tới tận bây giờ nó mới nhận ra?

- Dạ phải rồi! Nhà con... tới rồi nè chú!

An sững sờ trong giây lát khi ngón tay Quỳnh chỉ vào căn nhà bề thế ba gian hai chái mà có chết An cũng chẳng thể nào quên. Căn nhà mà nó đã từng ăn dầm nằm dề qua biết bao nhiêu năm ròng mà nặng nghĩa cưu mang, căn nhà mà nơi mầm tình khờ dại ngày nào đã chớm nở nơi bến đò cũ ngoài chuồng trâu xơ xác.

Căn nhà đó, nơi có người đã từng bao đêm chăn gối trong hơi ấm của lồng ngực phập phồng, nơi thềm ba lạnh lẽo chất chồng nhưng ngông nghênh một tình cảm oan trái.

Sao mà nó quên được...

Chỉ là một căn nhà, sao mà tim gan lại bắt đầu quặn thắt đớn đau...

Trái tim An rớt thịch một lần nữa khi nghe tiếng một người phụ nữ cùng tiếng guốc chạy hối hả đồng loạt vang lên, một cô gái trong bộ áo lãnh hường chạy xồng xộc ra chỗ nó và Quỳnh đang đứng, trên mặt cô bấy giờ đã hằn lên một nỗi lo lắng khôn siết, đôi tay gấp gáp nhanh chóng chụp lấy hai bờ vai bé tí của nhỏ Quỳnh.

- Quỳnh! Má tính đi kiếm con, sao con hổng theo chị Lan về nhà vậy hả?

Nhỏ Quỳnh lúc này đã buông bàn tay của An ra, nhỏ sà vào lòng mẹ mình, ngây ngô nói:

- Tại con muốn coi gánh hát đó má! Có chú Lang coi con á má!

Mỹ Hoa nghe tới hai từ gánh hát thì thoáng giật mình, tâm tình nhanh chóng trở nên rối rắm, nhưng thấy con mình về nhà bình an thì cơ mặt của cô cũng giãn ra được ít nhiều. Tạm thời gác lại sang một bên Mỹ Hoa bây giờ mới đưa mắt nhìn lên An, hiểu được rằng người này đã cất công dẫn con mình về tới tận nhà nên cô cũng lịch sự gật đầu một cái tỏ ý cảm ơn, xong lại quay qua nhẹ nhàng hỏi Quỳnh:

- Chú Lang coi con vậy chú Lang đâu? Sao con về đây có mình ên vậy?

- Dạ chú mắc phụ gánh hát đó má! Chú kêu chú này dẫn con về nè!

Mỹ Hoa thở dài rồi đưa tay xoa đầu lấy con nhỏ, đoạn cô chống tay lên gối đứng thẳng lên, lúc này mới gập nhẹ người cúi thêm một cúi với An, dịu dàng nói:

- Cảm ơn anh đưa con gái tui về nhà. Bộ... anh là người quen của anh Lang hả?

An gượng gạo nở một nụ cười méo mó trước người mà nó biết chính là mợ Ba của căn nhà này, cũng gật nhẹ đầu, giọng đã có một chút lạc đi:

- Dạ... tui... tui là bạn ảnh.

- Bạn ảnh hả? Sao tui thấy anh lạ lắm, anh ở đâu vậy?

- Tui... tui mới về lại à cô...

Mỹ Hoa tức thời trỏ ngón trỏ lên trời:

- Hổng lẽ... anh là người của gánh hát chú Sáu tui hả?

An bất ngờ một thoáng rồi cũng gật nhẹ đầu thêm một cái, bấy giờ mới hiểu thì ra cái sự thông minh lanh lợi của Quỳnh là được thừa hưởng từ mẹ mình.

- Vậy thôi anh vô nhà chơi uống miếng nước cho mát nghen? Hồi nữa chắc má tui cũng sai người ra đón chú Sáu về giờ đó!

Thấy Mỹ Hoa niềm nở mà trong dạ An rối bời không thôi, nó từ khi dứt bước ra đi đã không nghĩ có ngày sẽ bước vào lại cánh cổng căn nhà này, theo phản xạ liền lắc đầu, hai tay xua xua ý muốn từ chối:

- Dạ thôi cảm ơn cô... tui còn ra phụ hợ ngoài ghe, tui đưa con nhỏ về theo lời dặn của anh Lang thôi, cô hổng cần khách sáo với tui đâu.

- Vậy... anh cho tui biết tên được hông? Để tui khen anh một tiếng với chú Sáu.

An nghe vậy thì chỉ mỉm cười rồi lại lắc đầu:

- Dạ thôi, hổng có cần đâu cô.

- Chí ít anh cũng để tui biết cái tên chứ?

An lặng lẽ ngó cái nét mặt trông chờ của Mỹ Hoa, nó cũng muốn biết nếu như cô biết nó là thằng An người ở đã từng hôn lên trán của chồng cô thì cô sẽ có phản ứng như thế nào. Trong dạ nó có lúc đã muốn nói ra rằng nó chính là người tình ngày xưa của người đương đầu ấp tay gối với cô, nhưng cuối cùng nó cũng chẳng thể có đủ nhẫn tâm, dù thế nào nó không nỡ làm gia cang của người nó thương trở nên lục đục. An trầm mặc ngó lên căn nhà như là lần cuối cùng nó còn có thể nhìn thấy, rồi lại chợt se sắt, nó cầm lòng không nhìn nữa mà dời mắt đi. Nó chỉ nhẹ gật đầu một cái trước ánh nhìn khó hiểu của Mỹ Hoa, nhẹ nhàng buông thõng một câu nhờ gió luồn vào tai của cô, tới khi người đã đi khuất rồi cô vẫn còn đứng ngó theo với muôn vàn mơ hồ tồn đọng trong tâm trí.

- Tui chỉ là... một người tốt vô danh mà thôi.

Mỹ Hoa cứ đứng đó trầm tư mặc dầu lời nói kia nghe qua cũng chẳng có ý tứ sâu xa gì mấy, tới khi Quỳnh giật giật tà áo cô thì cô mới hoàn hồn, nhanh chóng nhớ lại tin vui mà mình vừa nghe được mà vội ẵm Quỳnh lên chạy xộc vô nhà trong. Tính ra cô định đi tìm Lan đặng rầy chị một chập vì dám bỏ bê Quỳnh ở ngoài một mình nhưng bấy giờ Mỹ Hoa lại chạy thẳng vô trong căn buồng của vợ chồng cô, vừa thấy Bân đương định bước ra ngoài thì cô lật đật chạy lại vồ lấy chồng. Không cho Bân kịp lên tiếng hỏi thì cô đã vội nói, trong giọng bấy giờ thoang thoảng có sự vui mừng.

- Mình! Gánh hát... gánh hát về rồi!

Con hình nộm rơm quấn vải nâu sòng trên tay Bân tức thời rơi bịch xuống đất, trong một thoáng Mỹ Hoa có thể thấy ánh mắt cậu long lên ướt át, không nói không rằng cậu ngay lập tức chạy đi. Những tưởng cậu đã chạy thẳng ra chỗ cầu bến nhưng ngay sau đó cậu lại vòng về, hai tay túm lấy vai Mỹ Hoa, giọng cơ hồ không thể giấu nổi cơn vui sướng.

- Mình lấy đồ cạo râu cho tui đi! Lẹ đi mình!





Cái bãi tha ma qua mấy năm rồi vẫn điêu tàn quạnh quẽ như cái lần An viếng má nó lần cuối cùng trước khi nó cất bước phong ba, cỏ dại vẫn ngang đầu, lác đác thêm vài nấm mồ mới, mộ cô Năm Lài thì vẫn trơ trọi một góc cô đơn lạc lõng ở bìa của mảnh đất cằn cỗi. An quỳ xuống để trước cái bia đã bị bào mòn đáng kể theo tháng năm hai cái bánh ít rồi dập đầu bái lạy, Lang đưa cho nó ba nén nhang, hai người khẩn cầu trong đầu xong lần lượt cắm xuống đất, dù ba năm rồi không có An chăm sóc ấy nhưng mộ cô Lài vẫn sạch sẽ gọn gàng nhờ một tay Lang vẫn giẫy cỏ thường xuyên. Ngồi trước mộ má mình mà An bất giác đăm chiêu, nó cứ ngồi đó ngó chòng chọc vô tấm bia mà không nói gì, Lang ngồi kế đành bắt chuyện mà lên tiếng:

- Rồi... mày tính sao?

- Tính sao là sao anh?

- Tối nay chắc cậu Ba ra coi mày diễn đó, hổng lẽ... mày tính tránh cậu suốt đời luôn hả?

An cười khẩy, trên gương mặt lạnh lẽo thoáng hiện lên một nét buông thả, nó nói:

- Chớ gặp mần chi nữa anh? Nhìn mặt nhau chi cho thêm phiền.

Lang thở dài:

- Nhưng tao nghĩ cậu Ba có nỗi niềm riêng mà, bao nhiêu lá thơ cậu gởi cho mày sao mày hổng nhận? Đã người ta gởi thơ là biết có sự tình rồi, mày có cần thiết né cậu tới mức bắt thằng Lu nói dối luôn hông?

- Thơ thì sao hả anh? Hổng lẽ bây giờ em nỡ đi cướp chồng người ta ha sao? Phụ nữ có tấm chồng nương nhờ mà bị bỏ rơi thì đáng thương biết chừng nào, giờ Bân cũng đã có con, sao em có thể xen vô gia đình ấm êm của người ta được?

Lang nghe tới đây thì nín bặt, chắc anh không còn đường nào để cãi lại, đành im lặng mà nghe An nói tiếp:

- Chừng đầu em còn mơ tưởng sẽ đặng ước nguyện tình chung, em còn tính dành dụm sau này về đây cải táng cho má, đem thiêu má rồi gởi má vô chùa, xong rồi sẽ dắt Bân cao chạy xa bay... nhưng mà nào có ngờ em ngu khờ dại dột quá anh... cũng hổng có ai ép cậu phải lấy vợ sớm tới như vậy mà... càng nghĩ em chỉ thấy càng thêm nhức mình, tâm trí em rối bời lắm... dù đã bấy nhiêu năm rồi đó mà lúc nào em cũng bối rối hổng biết phải nghĩ sao cho đúng, thơ từ cũng chỉ là câu nói đầu môi, em hông đọc cũng là do em biết dù có tỏ tường thì sự thật vẫn vậy sao mà thay đổi được? Thà khỏi đọc thì khỏi có lưu luyến... em dần dà cũng chấp nhận được rồi...

Ngừng ở đây thì tới lượt An mở tiếng thở dài, nó ngậm ngùi nhìn cái bia đá điêu tàn, lại nói:

- Nhưng dù sao em cũng sẽ về lại khi mà đủ tiền cải táng cho má, em hổng muốn má nằm trên mảnh đất của mấy người đó lâu nữa.

- Nhưng có thiệt là mày buông bỏ được rồi hông? Vậy tới lúc cậu một mực muốn gặp mày thì mày tính sao? Hổng lẽ mày coi cậu như người dưng nước lã được cho cam hả?

- Giờ cậu muốn gặp thì gặp thôi anh, nhưng em đã quyết rồi là hổng đổi. Một lần này duy nhất em muốn làm theo ý của em, trước giờ em toàn nghe lời người ta, em nghĩ dù đúng dù sai... em cũng muốn một lần tự quyết định cho chính cuộc đời mình.

- Đúng thiệt hết nói mày rồi đó... rồi sau này đừng có hối hận nghe hông.

An phì cười, nhưng Lang biết nó nào có vui đâu?

- Anh yên tâm đi, em hổng có hối hận đâu mà...

Mặc dù ngoài miệng nói vậy, nhưng để thốt lên được mấy lời này thì trong lòng An từ lâu đã giằng xé đến tan tác. Nhưng thà dứt một lần rồi sẽ không ai phải đớn đau, thà rằng một mình nó khổ còn hơn nó nhìn nhiều người khổ vì nó, huống chi Quỳnh mới có ba tuổi, sẽ ra sao khi cảnh nhà nhỏ bất ngờ tan đàn xẻ nghé? An biết cảm giác đó khốn cùng biết mấy vì nó cũng đã trải qua rồi, cảm giác bị tía nó bỏ rơi, dù có thế nào, nó cũng sẽ không để Quỳnh phải lâm vào hoàn cảnh giống như nó hồi đó.

Rồi chợt An nhớ tới cái nụ cười ngây ngô của Quỳnh khi nhìn lên nó bằng đôi mắt trong vắt, nhỏ giống hệt như tía nhỏ hồi còn bé, cũng dễ thương đáng mến, lanh lợi tinh nghịch. Thoáng chốc An nhớ tới dáng vóc mập mạp của đứa nhóc của hơn chục năm trước, nhớ tới bộ áo lãnh trắng bóc dính đầy bùn đất, nhớ tới cái miệng nhỏ nhắn nhai nhồm nhoàm mớ thuốc đắng, lòng nó bất giác lại đặc quánh tơ vương.

Rồi nó lại nghĩ tới Quỳnh, dạ lại se sắt, nhưng cũng thấy yên ả trong cơn mơ hồ. 

Phải, con gái của Bân, con gái của người cũng đã từng là một đứa con nít đèo bồng theo An ra đồng, rong chơi rồi bị ăn hiếp, chợt nó nhận ra nó đã không sai khi quyết định sẽ bảo vệ lấy Quỳnh.

Cũng như Bân hồi ấy, dù có ra sao, chỉ cần bảo bọc được cậu thì dù có xuống dầu sôi lửa bỏng, An cũng nhất quyết cam lòng.

Dù cho bây giờ cậu đã vong thề lỡ hẹn câu hứa thuỷ chung, nhưng đối với nó lời hứa riêng nó vẫn giữ nguyên vẹn. Trong hai từ thuỷ chung không chỉ đơn giản là một lòng một dạ mà còn có sự hy sinh và bảo toàn cho người một đời sóng yên biển lặng, dù rằng bản thân mình sẽ bị ngộp thở vị ngập ngụa trong vị mặn của biển, vẫn giữ nguyên đó cái nghĩa mặc dầu có thể chẳng ai còn thiết tới.

Phải, chỉ còn là cái nghĩa mà thôi...

Cái nghĩa nặng thấu tim gan mà bây giờ nó phải đền trả, còn mảnh tình vỡ nát vụn vặt, có cố nắm chặt cũng chỉ thêm rướm máu lòng bàn tay.

Nhiều khi thương đâu cần thiết phải ở bên nhau mới là đặng tròn, nhiều khi cũng không nhất thiết cho người ta tỏ được cái sự thương, chỉ cần mình thấy mình đã đủ thương, như vậy thì cũng không có gì là hối tiếc dù rằng từ thương đã trở nên méo mó.

Nắng bấy giờ đã lên tới đỉnh đầu, cơn nóng bỏng rát làn da, đi ra ngoài giờ này ai cũng vác trên đầu cái nón lá, ấy vậy mà Bân cứ để đầu trần như vậy mà chạy hối hả ra ngoài đình làng. Tấm áo lãnh xanh từ lúc nào lưng đã ướt sẫm, trên trán lã chã mồ hôi hột, thế nhưng trên đôi môi cậu vẫn giữ nguyên nụ cười, nhân trung nhẵn nhụi làm gương mặt cậu tươi tỉnh trở về đúng như độ tuổi. Mấy người đi bộ ở hai bên lề nhìn thấy Bân chạy xẹt ngang mà ai nấy cũng không khỏi ngạc nhiên, phần vì đương tự hỏi cậu đi đâu mà vội vàng, phần vì lâu rồi họ mới được trông thấy vẻ rạng rỡ hơn cả ánh mặt trời trên gương mặt từ lâu cứ ủ rũ của cậu Ba nhà điền chủ.

Một mạch chạy thì chẳng mấy chốc Bân đã đến trước cổng đình, nơi có cây khế to tổ chảng giờ đây đang được người ta ráp sân khấu. Mắt lia tới lia lui rồi Bân chẳng nói chẳng rằng mà cứ thế phi thẳng vào trong, cậu thấy ngay chú Sáu đương đứng bàn chuyện với ông Cai Đình Hoả, nhanh bước chân đi tới, cậu cứ vậy xen ngang:

- Chú! An đâu rồi chú?

Chú Sáu Bình bất giác giật mình vì thằng cháu ruột từ đâu bất thình lình xuất hiện, chú ôm tim thở ra một cái, định mở miệng chửi thì Bân lại giục:

- Nói cho con biết liền đi chú!

- Ờ... ờ... nãy nó với thằng Lang đi đâu rồi đó... ờ... nghe loáng thoáng hình như nó đi ra mả má nó hay gì đ...

Chú Sáu còn chưa kịp dứt câu, Bân đã ù té chạy thẳng ra ngoài như cái cách cậu chạy tới đây, để lại chú Sáu và ông Hoả vẫn chưa hiểu gì mà chỉ biết ngó nhau, ai nấy đều lắc đầu ngó cái bóng Bân mới đó mà đã khuất dạng, nắng cháy khét đỉnh đầu mà coi bộ cậu cũng chả mảy may màng tới.

Con đường ra bãi đất tha ma vẫn gập ghềnh khó đi như ngày nào, đôi guốc gỗ của Bân dầu khó đi nhưng dường như cậu cứ mặc kệ mình có thể sẽ ngã chỏng vó, cứ vậy bang bang như sợ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó, cỏ dại quệt lên đầu lên cổ đau rát vậy mà cậu cũng ngó lơ. Trong đầu cậu bây giờ chỉ nghĩ tới người thương đã từ lâu bặt vô âm tín, bao nhiêu nhớ nhung dồn hết vào đôi chân chạy, gương mặt cậu vẫn còn đó nụ cười ngờ nghệch mặc dù mồ hôi đã chảy ướt hết cả tóc tai. Cậu không thể tính được khi gặp được nó cậu sẽ nói câu gì trước tiên bởi vì cậu có quá nhiều thứ muốn nói với nó, hay cậu chỉ cần nhào vô ôm nó một cái là đủ, cậu không biết, bây giờ thứ cậu muốn biết nhất, chính là nó bây giờ trông ra sao mà thôi.

Nhưng nụ cười cậu lập tức tắt ngúm khi mảnh đất già cỗi vẫn cứ vậy mà quạnh quẽ vắng tanh, ba nén nhang trước bia mộ của cô Năm Lài đã nguội lạnh từ lâu, hai cái bánh ít cũng đã bị côn trùng bu lại đông đen mà mặc sức xâu xé. Bân bất giác lặng người, một nỗi thất vọng nhanh chóng bủa vây. Vậy là cậu đã đến trễ, bao nhiêu dự định trong đầu mấy chốc đã hóa thành ảo tưởng, đôi mắt lại ướt át cơ hồ lại sắp lưng tròng, cùng lúc đó tiếng trống chầu rao bảng chợt vang lên. Dù ở xa nhưng Bân vẫn có thể nghe rõ mồn một tiếng rao lồng lộng trong khung trời bao la, nụ cười hy vọng lại chớm nở trên đôi môi khô ráp, đôi chân chạy lại khấp khởi cơn mừng rỡ từ sự nồng nực hanh hao của trái tim từ lâu đã sớm lạnh lùng.

- Tối nay gánh Sáu Bình diễn vở Lan và Điệp ở đình làng nha bà con ơi! Mại dô mại dô!


còn tiếp...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro