23. Tiếng pháo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuối tháng hai...

Buổi sáng đó rất ấm áp, nắng le lói chiếu rọi lên từng tán cổ thụ lớn trong làng, mặt sông yên bình phẳng lặng gợn từng dợn sóng lăn tăn, cây khế đầu đình cũng trĩu nặng quả vàng ươm nhìn mà chảy hết nước miếng. Tụi con nít trong làng ưa cái cây khế ông Cai Đình Hoả trồng lắm, hễ cứ ra trái là tụi nó hè nhau ra hái trụi cây, có bữa bị ổng rượt thì tụi nó còn biếu lại ổng mấy trái ăn lấy thảo, có bữa canh ổng không để ý thì tụi nó túm tụm lận trong áo đem về nhà hết trơn. Bởi vậy mấy năm nay ông Hoả cũng rút kinh nghiệm mà tháng này chịu khó dậy sớm hơn, dù cho cũng đã gần lục tuần khó ăn khó ngủ ấy mà ông cũng chịu khó ra canh chừng cái lũ quỷ, cũng không có tiếc rẻ gì mà ông sợ tụi nó hoành hành quá thành quen. Thế cho nên mấy bữa nay tụi con nít không làm ăn được gì mà lại còn bị ông Hoả chửi cho tét ghèn, ổng nói cái gì mà học cái thói ăn cắp, ổng không cho hái trộm nữa. Xin thì ổng cho, nhưng mà ổng cũng không muốn tụi nhỏ cứ muốn gì là được đó nên mặc tình tụi nó năn nỉ hết lời, ông cũng chống nạnh đuổi về nhà hết ráo. Vậy là tụi nó đứa nào đứa nấy mặt mũi cũng buồn hỉu buồn hiu, thất thểu đi vòng vòng quanh cổng làng, rồi một đứa bỗng chợt la lên, kéo theo cả đám cùng ngó về hướng nó chỉ:

- Ê tụi bây! Anh An kìa! Anh An về rồi!

Nguyên đám vừa kịp trông thấy An đương rảo bước từ phía cổng làng đi vô là tụi nó chen chúc nhau ào ào chạy ra ôm lấy chân An. Do An trước giờ luôn là người thương trẻ nhỏ trong làng, hay bày trò cho tụi nó chơi nên tụi nó quý lắm, đợt An đi tụi nó cũng sụt sùi mất mấy hôm. Bởi vậy mới thấy bóng An thôi là tụi nó mừng rơn, đứa nào đứa nấy cứ chen nhau hỏi han An, có đứa còn leo lên người An đòi An bồng, trông cái cảnh tay bắt mặt mừng mà thấy cưng hết sức.

- Anh An! Sao anh mới đi đây mà về lẹ vậy? Hổng phải đi theo gánh hát là mấy năm mới về lận hả?

- Đúng đúng! Giống như ông Sáu đó!

An nhe răng cười, nó ngồi thụp xuống rồi ra dấu cho tụi nhỏ ngồi xuống theo, còn đưa tay lên miệng đánh suỵt ý biểu tụi nó bé mồm, rồi mới từ từ cất tiếng dịu dàng nói:

- Bữa nay anh về thăm người ta, mấy đứa đừng có la làng, chuyện này là bí mật đó.

Một đứa con gái tầm sáu tuổi gãi gãi má, nó thắc mắc:

- Người ta nào vậy anh An? Người ta... là anh Lang hả?

An phì cười:

- Hổng phải, nhưng mà anh cũng cần tìm anh Lang. Sáng giờ mấy đứa có thấy ảnh ra ruộng chưa?

Một đứa nhanh nhẩu trả lời:

- Dạ có! Sáng tụi em có thấy ảnh chèo đò qua bên này rồi, chắc... ủa... kìa! Ảnh kìa anh An!

Vừa nhắc tào tháo thì tào tháo tới liền. Lang lúc này đương vác cây cuốc đi xăm xăm bên mé sông, nghe thấy có ai bài hãi cái gì mà An An, anh bất giác quảnh đầu qua ngó, rồi ánh mắt thoáng chút bất ngờ khi thấy hình dáng của An.

- Trời!

Lang la lên một tiếng rồi lật đật chạy về phía cổng làng, An thấy thế cũng lùa tụi nhỏ đi, còn chưa kịp dừng bước chân thì Lang đã mừng rỡ nói với tới:

- Trời đất cơi! Mày hả An?

An trông thấy Lang khoẻ mạnh nó cũng vui lắm, liền nhe răng hở lợi cười toe:

- Em nè anh Lang, mới có hai tháng mà anh quên em rồi hả?

Lang cười khà khà, anh vỗ vỗ lên vai An:

- Sao mà quên được hả mậy? Chà chà... coi bộ đi làm ăn xa ngó coi cũng mập mạp ra đó nghen, quần áo cũng đỡ chó cắn hơn hồi xưa rồi đó, coi bộ an ha mậy?

An nhẹ mỉm chi, nó thở hắt ra một cái rồi nói:

- Dạ cũng an anh, chú Sáu tốt với em lắm, chú cho em thế chân vô chỗ ông đờn cò mới nghỉ, trộm vía em cũng suôn sẻ lắm anh.

Lang gật gù tỏ vẻ tự hào, rồi như nhớ ra cái gì đó mà đột nhiên nụ cười chợt sượng lại, anh hỏi, giọng hơi ngập ngừng:

- Ủa mà... hổng phải mấy năm nữa gánh hát mới quành lợi đây sao? Sao... mới có hai tháng mà mày về sớm vậy? Rồi sao tao hổng thấy mấy chiếc ghe của gánh hát cập cầu bến như mấy năm rồi, bộ... mày về đây có ên thôi hả?

Lúc này có mấy người đầy tớ trong nhà Hai Tịnh mà An quen mặt đi tới đi lui gần cổng làng, An mới gấp gáp kéo Lang núp vô cái gốc cổ thụ bự chảng, bấy giờ nó mới thì thầm nhỏ tiếng, canh chỉ đủ để Lang có thể nghe:

- Em trốn về đó anh, chú Sáu chưa có hay... mà em nghĩ giờ chú cũng hay rồi, nhưng em... em nhớ người ta quá... em chịu hổng đặng anh ơi...

Lang nghe là hiểu liền An đương nói tới ai, mặt anh thoáng vẻ khó xử, chần chờ mãi anh mới lên tiếng:

- Rồi... rồi sao thăm được mà nhớ với hổng nhớ?

- Thì em mới tìm anh muốn anh giúp cho em nè! Em tính nhờ anh qua bển đèo Bân qua nhà anh, em gặp rồi em nói mấy câu xong em đi, chớ... hai tháng nay lòng em cứ thấp thỏm sao sao á... em hổng nhịn được em mới lén về. Mà chắc tại em nhớ Bân nên em suy nghĩ lung tung, anh giúp em chuyến này nghen anh, mơi mốt gánh hát về em hứa bao anh vé coi nguyên tháng luôn!

Trông thấy nụ cười rạng rỡ đầy chờ mong của An mà lòng dạ Lang cuộn trào một nỗi niềm se sắt, cùng lúc đó có tiếng pháo nổ đùng đoàng ở gần đó, An nghe thấy thì hỏi ngay:

- Ủa nay xóm có đám cưới hả anh? Đám cưới ai vậy? Em quen hông?

- Ờ... có đám cưới đó... mà xóm có bấy nhiêu người đâu mà quen với hổng quen, người quen hết đó...

- Vậy giờ anh qua nhà Bân kêu cậu qua với em liền đi anh! Để xíu dư dả thời giờ em qua chúc phúc cho láng giềng mình, hồi nào tới giờ có cái đám cưới nào mà hổng có mặt em đâu?

- Nhưng mà cái đám này... mày hổng qua coi bộ hay hơn đó...

An thoáng ngẩn ngơ:

- Ủa sao...

- Mà mày nghe tao hỏi, sao tháng rồi mày hông về?

Nghe Lang hỏi ngang hông, An lập tức đớ người:

- Là sao anh? Hổng phải em mới nói với anh là em phải trốn mới được về rồi hả? Mà tháng trước sao mà phải về?

Lang ngó cái mặt sởn sơ của An mà thoắt cái anh đã nhận ra sự tình. Thì ra nó không hề biết tháng trước là ma chay của Hai Huỳnh, Lang lúc này mới thở dài:

- Chắc chú Sáu chưa nói với mày vụ cậu Hai hả?

- Cậu Hai mần sao vậy anh?

Thấy An vẫn còn ngu khờ đần mặt ra, Lang bất giác nuốt nước miếng, làm như anh cảm thấy nhắc lại cái chết của Huỳnh đối với anh cũng là một loại cảm giác khó chịu, nhưng dù sao An cũng phải biết, Lang đành chẹp miệng, nói:

- Cậu Hai... hồi tháng trước cậu bị đuối nước, hôm kỉa hôm kia gì đó mới vừa hết bốn mươi chín ngày.

An nghe xong thì hai mắt nó trợn tròn, tức thời miệng lưỡi cứng ngắt không thốt được một chữ nào. Kiểu như nó vừa bị điếng người vì nghe cái tin như sét đánh ngang tai, tròng trắng nó nổi chi chít những tơ đỏ, rồi ngần mắt nó mau chóng long lên ướt át. Chưa kịp lên tiếng thì Lang lại nói thêm, dường như anh cũng không muốn giấu An thêm bất cứ chuyện gì, dầu rằng điều anh sắp nói ra nó khó khăn còn hơn kêu anh tự nói anh là thằng khùng, nhưng làm sao có thể giấu thêm được nữa? An cũng đã về đến tận đây rồi, mọi chuyện đã ở trước mũi rồi, giấu thì giấu được một lần, sớm muộn gì nó cũng sẽ phát hiện, lúc ấy nếu An trách thì anh biết phải ăn nói làm sao?

- Mà tao nghĩ... chắc là cậu Ba cũng hổng qua được đâu...

- Sao...

An lắp bắp, còn chưa kịp nói cho hết, Lang đã tiếp:

- Tại vì bữa nay... là đám cưới của cậu đó.



Khúc sông vắng bữa nay rộn ràng nhộn nhịp lắm, vì có đám cưới mà còn là đám cưới của nhà giàu, pháo họ đốt ầm ĩ, thu hút hết mọi người trong xóm nhốn nháo tới xem. Ai cũng chen chúc ngó xuống bến sông hoan hô chúc phúc cho hai vợ chồng trẻ xứng lứa vừa đôi, tiếng trước thì khen cô dâu đẹp người, tiếng sau đã trầm trồ chú rể tốt mã. Có người còn ráo nhau chắc chắn chuyến này sanh con ra thì phải gọi là xuất sắc, đò rước dâu còn chưa kịp cập vào bến thì trên này mấy đứa con nít đã thi nhau tung bông. Dù rằng mới vừa xong bốn mươi chín ngày của con trai trưởng ấy thế mà Hai Tịnh bấy giờ trông đã rất vui vẻ như chưa từng có gì xảy ra, chắc có lẽ vì con dâu thứ của bà là con gái của Hương Chủ trong làng nên đâm ra bà mừng, đò vừa cập bến đã lên tiếng hối thúc đầy tớ dọn đường đặng cho cậu mợ Ba vào trong nhà lạy bàn thờ cửu quyền thất tổ cho kịp giờ tốt. Mọi người cứ nô nức tới lui khiến không khí cứ thế tưng bừng náo nhiệt như hội Tết, tiếng pháo vẫn còn vang vọng đì đùng từng đợt, lớn tới mức đánh động lũ cá làm tụi nó trốn biền biệt nên mặt nước lặng như tờ, và cũng lớn tới mức, dường như cũng đã làm điếc tai người ngồi trên con đò bên kia sông.

Đò của cô Năm Lài vẫn lẳng lặng dập dềnh từng nhịp sóng nước mênh mông, tuy cũng cùng trên một mặt sông phẳng lặng êm đềm nhưng sao bên kia lại quá đỗi hân hoan, chả bù cho bên này tự khi nào đã hoá ngây ngô, đám cưới ai cũng vui nhưng sao người ngồi đây sớm đã bạc lòng tan tác...

An ngồi đó, trên con đò đã một thời ấm áp hương tình, đưa mắt ngó qua kia sông nơi người thương đương dắt tay người vợ mới, bến cũ rợp hoa mừng chẳng còn như những đêm trường quấn quýt, màu áo vu quy đỏ như màu mắt cay xè tự khi nào đã không thể giữ nổi giọt lệ tuôn.

- An...

- Hổng biết... giờ Bân có đang khóc vì vui hông anh Lang? Sao mà... lòng em... em thấy đau quá...

Lang lặng người.

Phải.

Nó đau.

Nó đau hơn tất thảy những lần nó từng thấy Bân khóc trước đây, đau hơn cả lần nó phải đành lòng dứt áo để Bân lại nơi này. Sao mới đây thôi mà cậu đã đành vong thề lỡ hẹn cái tiếng chờ mà cậu đã cho nó?

Cậu đã thương người ta từ bao giờ, sao mới đây ma chay anh cậu vừa xong, cậu đã gấp rút rước người ta về làm dâu hiền cho má cậu rồi? Sao nó chẳng hề hay biết bất cứ tin tức gì, hay việc nó đi cũng là do má cậu và cậu quyết, đuổi nó khỏi xứ này rồi thì sẽ coi như chẳng còn dính líu gì đến gia đình cậu?

Hay phải chăng để cho gia đàng cậu yên ấm, đuề huề con cháu, vợ đẹp cao sang mới là mong muốn thật sự của cậu, còn thằng đầy tớ này chỉ là một lúc tò mò bồng bột, gánh hát hay đàn ca, cũng đều chỉ là những sở thích cỏn con có thể tuỳ tiện mà đem ra đùa vui cho có lẽ?

Vậy thì những lời yêu thương trước đó là sao? Những câu chờ câu đợi trước đó là sao? Những cái ôm hay những cái hôn vội nào có phải là ảo cảnh, những lời ca tiếng hát vẫn luôn tồn đọng trong tâm trí nó đây mà?

Là do nó đã quá tin người, hay thật sự là nó đương hiểu lầm đây?

Nhưng cảnh tượng trước mắt làm sao có thể là dối trá, khi người khoác tay Bân đương là một cô gái yêu kiều thục nữ, nào có như ước hẹn sẽ cùng một thằng đàn ông là nó phiêu bạt ngoài đất trời bao la?

Sao cậu nỡ phụ tình, khi chính miệng cậu là người bắt nó phải thuỷ chung trước sau chỉ một dạ?

Tiếng gả còn đó chứ có ở đâu xa, sao cậu nói rồi mà cậu lại quên, để giờ này cậu rước người ta sang sông, hay lòng cậu từ đầu đã chỉ nói chơi còn nó thì lại luôn xem là thật?

Cậu là ai? Cậu có quyền gì đày đoạ nó đến thế? Hay cậu cũng như má cậu, chỉ cần đạt được mục đích thì dù người ta có chết, cậu cũng chẳng hề quan tâm?

Hay vì nó mang nặng ơn nghĩa cậu ban cho, dẫu cậu có giày xéo nó thế nào thì nó cũng phải chịu, hay những thứ trước giờ chỉ là trò tiêu khiển cho cậu thoả cơn buồn chán, ơn đền nghĩa trả, là vậy phải không?

- An à... tao nghĩ chắc cậu Ba có nỗi khổ riêng... mày đừng có nghĩ bậy tội cậu nghen mậy... thủng thẳng từ từ...

- Ván đóng thuyền rồi thì sao mà từ từ được nữa anh?

- Thì...

- Nỗi khổ riêng gì được nữa? Ai mà đi ép đám cưới khi vừa mới có tang đâu?

Lang nín thinh, chắc phần vì anh cũng thấy An nói đúng.

Tiếng pháo bên kia vẫn đều đặn vang lên đì đùng, mỗi lần nổ là trái tim An như bị đâm thêm một phát phúng máu, rồi hình ảnh cô vợ mới khoác tay người thương nó đi trong hàng chục cặp mắt ngưỡng mộ như sát thêm muối vào những vết thương đó, nó chợt ước gì nó có nắm lá thuốc trong tay.

Nắm lá thuốc mà lúc nào nó đau cũng được người ta nhai cho rồi đắp lên, nắm lá thuốc của cái đêm mà lần đầu tiên nó được người ta hôn lên tấm lưng rỉ máu.

Cái hôn vẫn còn dịu dàng dai dẳng trên làn da nó, cho nó biết thế nào là xúc cảm đầu đời, cho nó biết sao là rung động, cho nó biết người mà nó thích cũng có lòng tơ tưởng đến chuyện lứa đôi.

Nhưng rồi đâu là mơ hay từ đầu đã chẳng là thật? Hay những thứ từ trước giờ nó và cậu trải qua chỉ là trong giấc chiêm bao của chính nó, vừa đây nó mới chỉ tỉnh dậy và giờ mới là hiện thực mà nó phải trông thấy, một đám cưới bình thường mà người đàn ông nào cũng phải trải qua trong đời.

Còn đàn ông và đàn ông, làm gì có một kết cục tốt đẹp chứ?

An nở nụ cười, nhưng trên gò má vẫn đó hai dòng lệ tuôn. Thoáng cái nó đã nghĩ tới nụ cười của Bân bây giờ đương hạnh phúc ra sao, trái tim dẫu đau nhưng sao lòng dạ cũng mừng vui khôn siết.

Một tiếng "mình" giờ nghĩ lại sao thật quá buồn cười, hay do bất lực khiến ta buộc phải cười, khi nước mắt đã không còn đủ để thể hiện hết cay đắng xót xa. Chỉ có cười trừ là có thể khiến ta vơi đi phần nào bẽ bàng đang trước mắt ta, khi đứng trước ngưỡng cửa hạnh phúc của người ta yêu thương, ta chẳng thể làm gì khác hơn ngoài việc ngắm nhìn và vui cho niềm vui của người ấy.

Bân chắc là đương rất hạnh phúc, cậu hẳn là đương cười rất tươi bên người vợ xinh đẹp của mình. Rồi mai đây đàn con của cậu sẽ lớn khôn từng ngày, học cao hiểu rộng rồi về phụng dưỡng cho tía má nó. Căn nhà giàu sang lại rợp tiếng cười đùa, còn gì hơn một gia đình đường hoàng ấm no hạnh phúc?

An vẫn giữ nụ cười, có lẽ trong một thoáng nó đã thấy mừng.

Suy cho cùng, thứ mà An muốn thấy nhất dù nó có mất hết mọi thứ, vẫn là nụ cười của Bân.

- Biết vậy hồi xưa tao ráng quỳ lạy van xin tía mày đặng đem con Lài về đất chôn thì đâu có cái chuyện này xảy ra? Từ mẹ tới con gian dối xảo quyệt y hệt nhau, quả báo sao mà còn nhẹ với nhà nó quá!

Lang nghe bà Sen la làng vọng từ trong nhà ra thì anh thoáng giật mình rồi quảnh qua ngó An, thấy nó vẫn đương ngồi yên bất động mà nhìn qua đám cưới bên kia sông lúc này anh mới nhẹ thở phào, lật đật chạy gấp vô nhà, Lang nhăn mày nhíu mặt:

- Trời ơi má! Đương không má lôi chuyện này ra nói chi vậy? Đã nó đang rầu gần chết rồi, má còn khơi lại cho nó thêm buồn nữa!

Bà Sen bấy giờ trông mặt giận lắm, bà ngồi chống chân lên sập gỗ, hung hăng chửi tiếp:

- Chớ giờ tao tức thì mần sao đây? Đúng là cái lũ coi tình nghĩa hổng có ra cái con mẹ gì hết! Hứa hẹn chờ chờ đợi đợi, nó chỉ đợi có lý do tống cổ thằng An đi đặng nó lấy vợ mới, chớ yêu thương cái chó gì?!?

- Má! Đừng có nói vậy tội cậu Ba má! Má cũng biết cậu hổng phải người như vậy mà?

- Hổng phải cục cứt! Cái quân giàu sang từ trong trứng mà còn có con mẹ như vậy mà tụi bây cũng ráng mà tin, chỉ cần có lợi là tụi nó lòi cái bộ mặt xảo trá ra liền, con nó mới chết mà nó cũng vui vẻ làm đám cưới cho thằng út cưng của nó được đó mày thấy chưa? Còn bày đặt giả bộ rầu rĩ qua đây nhung nhớ cháu tao, vậy đó mà được lời cái mở tấm lòng liền, cô Hoa cổ cũng khéo lựa người quá á chớ! Tội á là tội cho cậu Hai, ngoan hiền hiếu thảo quá mần chi? Rồi có ai coi ra cái gì? Người ta chỉ thương thằng con út thôi, nó đòi cái gì là có cái đó, đòi đám cưới là cưới liền, nó cũng có nể tình nể nghĩa gì anh ruột nó đâu? Ruột rà mà còn vậy thì đừng có nói chi người dưng nước lã con ơi, lời nói gió bay, tin lời mật ngọt thì giờ thấy rồi đó. Ông bà xưa nói cấm có sai mà!

Lang khổ sở, vừa ngó má mình vừa ngóng ra cửa ngó An, chưa kịp nói gì thêm thì bà Sen lại tiếp:

- Cũng tại tao, tại tao ngu khờ, tao khổ quá tao hổng có tiếng nói, chớ đầu dây mối nhợ cũng từ tía mày mà ra hết! Hồi xưa tao năn nỉ ổng cho con Lài chôn trong đất nhà ổng một mực hổng chịu, dù là em tao mà cũng hổng qua được mấy cái lý lẽ của ổng, có chửa hoang thì ngang với giết người hay sao á! Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận, vậy mà ổng ác lắm, ổng đành lòng hất hủi, để tao phải qua nài nỉ con mẹ giàu có bên kia! Tao ngu nên tao tin lời để thằng An vô nhà là sung sướng cho tấm thân nó dù sao cũng được ba bữa cơm, ai mà có ngờ mọi sự nó thành ra như vầy, cả cuộc đời thằng nhỏ còn chưa có lần nào được làm theo ý mình nữa! Tin lời, tin đi rồi thấy... ta nói cái phận nghèo sao mà nó khổ, còn có cái tình mà cũng bị mần khổ nè trời...

Bà Sen nói xong thì bà cũng rớt nước mắt, chắc phần vì bà đương tự trách chính bản thân mình, phần vì bà thấy thương cho An. Lang thấy má mình sụt sùi mà lòng anh cũng rát thấu trời xanh, còn chưa kịp an ủi bà thì lúc này bên ngoài đò chợt có tiếng động. Sợ An suy nghĩ không thông rồi qua đó làm gì tày đình nên Lang lật đật đi ra, chỉ thấy nó đã leo lên cầu bến, ánh mắt u sầu ẩn trong cái cúi đầu bị bóng dừa che khuất, nó nhìn Lang, đôi môi mấp máy như phải cố lắm mới bật ra tiếng được:

- Anh... có biết cổ là ai hông?

Lang mím môi, rồi anh gật đầu.

- Cổ có tốt hông?

- Cũng... tốt.

- Vậy được rồi.

Lang đứng đó ngẩn ngơ ngó nụ cười nhẹ trên gương mặt lạnh lẽo của An, sao giờ nó còn có thể cười được chứ?

- Em nhờ anh chuyện này.

- Ơ... ờ...

- Nhờ anh... sau khi em đi khuất... anh đốt con đò này dùm em.

- Hả?

- Em không muốn nó tồn tại nữa.

Nói rồi An dấn bước đi thẳng, không vào chào bà Sen lấy một tiếng, cũng chẳng để lại thêm bất cứ nhắn gửi nào cho Lang. Lang cứ thế đứng nhìn bước chân nó dần xa, cảm giác cồn cào rất khó chịu. Thể như anh đương đứng nhìn một cái gì đó sẽ rất lâu nữa không thể gặp lại, một bóng dáng thoắt cái sẽ mãi xa xăm.

Vậy là An cứ đi, không thèm đoái hoài gì thêm đến hỷ sự của láng giềng. Giống như tới cuối cùng nó vẫn muốn bảo toàn trọn vẹn cho Bân, không gây hấn cũng không bát nháo. Chỉ lặng lẽ rời đi để cho cậu một đời an yên, dù rằng hồn nó đã mất đi hơn nửa.

Ngày hôm đó trên bầu trời quang đãng mù mịt khói thuốc pháo từ tiệc vui bên kia sông, ai cũng một lần bất giác dòm qua bên này vì một cột khói đen kịt đục ngầu đương lẳng lặng tô đen một vùng ảm đạm. Con đò hơn hai mươi năm vẫn chung thuỷ với xóm Đập, phút chốc cháy bừng thành tro. Đem mối tình dang dở của người mẹ năm xưa chính thức đi vào lãng quên, cũng như thiêu rụi đi mầm tình ngang trái của người con vừa mới ra đi cùng trái tim héo úa.

Con đò nơi đã từng bao đêm hủ hỉ tâm sự trong thương mến, bao lần chứa đựng những ân ái đắm say. Nơi bến cũ còn vang vọng tiếng đàn cò và tiếng hát ngất ngây, giờ đây mọi thứ sẽ hoá tan vào trong mây khói.

Một con đò hai lần lỡ hẹn ước, thôi thì coi như... chỉ là những giấc mơ...

còn tiếp...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro