Phần 1. DẪN GIẢI TRIẾT PHẨM CỘNG HÒA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần I. DẪN GIẢI TRIẾT PHẨM CỘNG HÒA

Đi xuống bến tàu Piraeus xem lễ hội vừa du nhập từ Thrace, vùng đất mạn đông nam bán đảo Balkan, dân Athens tổ chức lần đầu, Socrates và Glaucon bất đồ gặp Polemarchus, Adeimantus, Niceratus cùng mấy thân hữu. Lâu mới gặp lại họ liền mời hai người về nhà lão nhân Cephalus, thân phụ Polemarchus. Tới nơi mọi người nghỉ ngơi, chuyện vãn. Cuộc đàm đạo xoay quanh vấn đề tuổi già, bất lợi của tuổi già, bất hạnh của tuổi già. Trao đổi ý kiến khá hào hứng, cuối cùng Cephalus và Socrates đi tới câu hỏi: Thế nào là công bình? Sau đó Cephalus rút lui để con trai Polemarchus tiếp tục đàm luận với khách quý Socrates. Dáng vẻ tự tin, anh này giải thích định nghĩa công bình Simonides đưa ra ngày trước. Thi sĩ người đảo Ceos sinh năm 556 TCN mất năm 468 TCN trong vùng quần đảo Cyclades bảo công bình là của người nào trả lại người đó. Vấn đề nằm ở chỗ Simonides muốn nói gì khi dùng chữ 'trả lại'? Dường như thi sĩ chỉ muốn nói 'xác đáng', vì theo thi sĩ bản chất món nợ tùy thuộc bản chất quan hệ tồn tại giữa đôi bên; thực ra thi sĩ ám chỉ công bình gồm làm tốt cho bạn và đem hại cho thù.

Socrates yêu cầu Polemarchus định nghĩa danh từ 'bạn'. Polemarchus đáp bạn là người ta coi là tử tế và thành thật, Socrates bảo vì thường xuyên nhận định sai lầm bản tính, tư cách con người ta cần phải thận trọng, nếu không sẽ gây tổn thương cho người tử tế, làm vậy là phi luân, phản đức, hoặc đôi khi tạo phương hại cho người thân tình, làm thế là trực tiếp mâu thuẫn với chủ trương của Simonides. Muốn ra khỏi ngõ bí, vấn đề có vẻ tắc nghẽn, lập tức chuyển hướng đổi chiều, Polemarchus nói ý của Simonides là thế này: Giúp bạn nếu họ là người tử tế, hại thù nếu họ là người xấu xa, làm vậy là công bình. Đáp lời, rút ra từ loại suy, Socrates bảo gây tổn thương cho một người chẳng khác gì biến người đó thành kém đạo đức, như vậy không công bình. Nhưng làm thế nào người công bình, do hành xử công bình của mình, có thể khiến tư cách người khác kém công bình hơn trước? Ý tưởng hoàn toàn trái với lẽ thường. Bởi thế, do Polemarchus sửa đổi, định nghĩa của Simonides lại cho thấy không chính xác. Đến đây cầm lòng chẳng đặng Thrasymachus tham gia tranh luận. Chẳng chút do dự, thành viên triết phái Sophist định nghĩa công bình là 'quyền lợi của kẻ mạnh.' Hỗ trợ định nghĩa hội viên Sophist lý luận thế này. Ở quốc gia nào cũng vậy, phạm luật là bất chính, vì luật làm ra là để phục vụ quyền lợi người cầm quyền, người cầm quyền mạnh hơn thứ dân. Bởi thế, nói một cách phổ quát, đâu đâu cũng vậy, công bình là quyền lợi của phe mạnh, hoặc sức mạnh là lẽ phải.

Nghe thấy thế có vẻ nóng mặt, Socrates dằn lời. Ông lớn tiếng rằng người cầm quyền thường sai lầm, ban hành luật có hại cho quyền lợi của chính họ, theo Thrasymachus công bình đòi hỏi thứ dân trong mọi trường hợp phải tuân theo luật đất nước, bởi thế nếu làm cái gì phương hại đến quyền lợi của người cầm quyền, thứ dân cũng làm điều công bình, nghĩa là cái không phải đối với quyền lợi của phe mạnh. Do vậy công bình chính trực không thể định nghĩa là quyền lợi của phe mạnh. Không muốn đi tới kết luận như thế, rút lại ý kiến đã phát biểu, hội viên Sophist giải thích nói đúng ra người cầm quyền, chừng nào còn người cầm quyền, không thể nói là phạm sai lầm; do vậy, dứt khoát mà nói, người cầm quyền luôn luôn làm luật nhằm lợi ích của chính họ, trong khi công bình chính trực đòi hỏi thứ dân tuân theo. Đáp lời Socrates chứng minh nghệ thuật nào, do đó kể cả nghệ thuật cầm quyền, cũng

chú ý tới quyền lợi, không phải của nghệ sĩ hoặc bề trên, mà của thứ dân hoặc bề dưới. Chợt nghe bèn thay đổi chiều hướng đàm đạo Thrasymachus khẳng định người cầm quyền đối với thứ dân giống mục phu đối với đàn cừu, vỗ ăn nhằm lợi ích riêng tư; bất công bất chính thực ra thực hiện trên quy mô rộng lớn tương đối là chiều hướng tốt đẹp, sinh lợi hơn hết con người nên áp dụng. Socrates bác bỏ ý kiến trước hết cho rằng mục phu chăn nuôi đàn cừu là nhằm lợi ích riêng tư, vì theo nguyên tắc tự đặt, Thrasymachus chủ trương, nói đúng ra, chừng nào còn là mục phu, mục phu chỉ nghĩ tới lợi ích của đàn cừu. Vả lại làm sao có thể giải thích sự kiện người cầm quyền hy vọng được đền bù công lao, trừ giả lợi ích việc cầm quyền gia tăng không phải cho người cầm quyền, mà cho thứ dân? Nói đúng ra nghệ sĩ nào cũng nhận thù lao qua trung gian tay nghề, nhưng trực tiếp từ cái Socrates gọi là "vì đền bù, vì lợi ích" thường đi theo nghệ thuật khác. Thứ đến, đề cập quan điểm bất công bất chính hoàn toàn có lợi hơn công bình chính trực hoàn toàn, rồi từ Thrasymachus ông rút ra khẳng định công bình chính trực chỉ là bản chất tự nhiên, trong khi bất công bất chính là đường lối thật sự tốt đẹp, do vậy là khôn ngoan, khả ái và mãnh liệt. Sử dụng ngôn từ khéo léo nhằm giải quyết vấn đề ông dồn ép hội viên Sophist thừa nhận: (1) người bất công bất chính tìm cách vượt xa cả người công bình chính trực lẫn người bất công bất chính trong khi người công bình chính trực chỉ nhằm vượt xa người bất công bất chính; (2) người có tay nghề điêu luyện, do vậy thành thạo, và bởi thế khéo léo, cố gắng vượt xa hoặc làm hơn, không phải người tài giỏi, mà người kém cỏi; (3) cho nên người khéo léo, thành thạo không tìm cách vượt xa người như họ, mà chỉ vượt xa người không như họ, do đó ta có thể kết luận người công bình chính trực thành thạo, khéo léo, người bất công bất chính kém cỏi, đần độn. Sau đó ông tiếp tục chứng minh bất công bất chính thường tạo ra mâu thuẫn, phân ly, trong khi công bình chính trực dẫn tới hài hòa và đồng thuận; bất công bất chính thủ tiêu khả năng hành động kết hợp trong cả thành quốc lẫn con người cá thể, và bởi thế là yếu tố suy nhược, không phải yếu tố cường liệt. Sau hết, ông tìm cách chứng minh như con mắt, như lỗ tai, như mọi thứ, có phần việc hoặc chức năng hoàn thành, sở đắc đức tính qua đó và chỉ qua đó thôi, tâm trí có thể thực hiện phần việc. Đức tính này của tâm trí là công bình chính trực. Do vậy, nếu không có công bình chính trực, tâm trí không thể hoàn thành phần việc tốt đẹp, và tâm trí tự nó không thể sống sung sướng. Từ đó suy ra người công bình chính trực sung sướng, người bất công bất chính khổ sở; và bởi vậy bất công bất chính không bao giờ có lợi hơn công bình chính trực. Tuy thế ông thừa nhận lý luận như vậy vẫn không đủ sức thuyết phục đối với tâm trí, vì ông chưa tìm ra bản chất thực sự của công bình chính trực.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro