Con Voi Biến Mất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đọc thấy trên nhật báo tin con voi biến mất khỏi chuồng voi trong thành phố. Sáng hôm ấy, như thường lệ, tôi mở mắt dậy theo tiếng chuông đồng hồ báo thức đã gài sẵn ở 6 giờ 13 phút, ra bếp pha cà-phê, nướng bánh mì, mở đài FM rồi vừa gặm bánh mì nướng vừa trải tờ nhật báo lên bàn xem. Tôi có thói quen đọc báo theo thứ tự từ trang nhất đọc đi, nên đã mất khá nhiều thì giờ mới đọc đến cái ký sự con voi biến mất ấy. Trước tiên từ trang nhất có ký sự về vấn đề ma-sát mậu dịch và chiến tranh không trung SDI, qua đến trang chính trị trong nước, trang chính trị quốc tế, trang kinh tế, trang thư độc giả, trang điểm sách, trang quảng cáo bất-động-sản, trang thể thao, rồi đến trang tin địa phương. Ký sự voi biến mất ấy nằm ngay đầu trang tin địa phương. Tựa đề "Voi biến mất khỏi thành phố " chữ đặc biệt lớn so với tựa đề thông thường của các bản tin địa phương, nên đập ngay vào mắt tôi. Lại có thêm hàng chữ nhỏ hơn phụ đề rằng "Dân chúng thêm bất an. Có người đòi truy cứu trách nhiệm của ban quản lý". Có cả hình chụp mấy người cảnh sát đang kiểm kê chuồng voi trống không nữa. Chuồng voi trống không là chuyện trái tự nhiên làm sao! Có vẻ trống vắng thẫn thờ quá, cứ như là một sinh vật khổng lồ bị rút hết ruột gan rồi phơi khô đi ấy.

Tôi gạt vụn bánh mì rơi trên trang báo đi, chăm chú đọc ký sự ấy từng hàng một. Bài báo cho biết rằng người ta bắt đầu để ý không còn thấy voi ở đấy nữa là từ 2 giờ chiều ngày 18 tháng 5 (tức là hôm qua). Nhân viên của hãng cung cấp thực phẩm (thực phẩm chính để nuôi voi là phần cơm thừa học trò chừa lại ở trường tiểu học do thành phố lập nên) lái xe tải mang thực phẩm nuôi voi đến như mọi ngày thì phát hiện ra là chuồng voi trống không. Vòng sắt buộc chân voi thì vẫn còn khoá kỹ mà nằm trơ ra đấy, cứ như là voi đã rút được chân ra. Biến mất đi không chỉ có voi, mà cả người nuôi voi, từ trước đến nay vẫn chăm sóc cho voi, cũng đã biến mất theo.

Lần cuối cùng người ta thấy hình dáng con voi và người nuôi voi là ngày hôm trước (tức là ngày 17 tháng 5) khoảng sau 5 giờ chiều. Năm em học sinh tiểu học đã đến trước sân voi để tập vẽ voi, cho đến giờ ấy vẫn còn dùng bút chì màu để vẽ hình voi. Các em học sinh ấy là những người chứng đã thấy voi lần cuối cùng, sau đó không còn ai thấy hình dáng voi nữa. Ký sự trên báo ghi như thế. Bởi ngay sau hồi còi 6 giờ chiều, người nuôi voi đã đóng cửa sân xem voi, không còn người nào vào trong sân được nữa.

Cả 5 em học sinh ấy đều cùng một lời rằng lúc bấy giờ hoàn toàn không thấy có gì lạ ở voi hay người nuôi voi cả. Voi vẫn như thường ngày, ngoan ngoãn đứng ngay giữa sân chơi, thỉnh thoảng đong đưa mũi sang bên trái bên phải, hay nhíu đôi mắt đầy nếp nhăn, thế thôi. Con voi này già quá nên ngay cả chuyện cử động cũng đã khó khăn rồi; người nào nhìn voi này lần đầu cũng cảm thấy lo lắng cho voi sắp sửa đổ ập xuống đất mà tắt thở đi mất.

Con voi này được thành phố (nơi tôi đang sống) lãnh về nuôi cũng từ lý do đã già yếu đến thế. Khi vườn động vật nhỏ ở ngoại ô thành phố phải đóng cửa vì kinh doanh khó khăn, các động vật ở đấy đã qua sự dàn xếp của các hãng môi giới động vật mà được phân tán đi các vườn động vật trên toàn quốc, chỉ trừ mỗi con voi này vì đã già yếu quá nên không tìm ra chỗ nhận nuôi. Vườn động vật nào cũng đã có đủ số voi họ muốn, vả lại con voi già yếu, lúc nào cũng như sắp đứng tim mà chết như thế thì chẳng có vườn động vật nào đủ giàu và hiếu-sự đến muốn rước về nuôi. Vì thế, sau khi tất cả các con thú bầu bạn của con voi đã biến dạng không chừa một con nào, thì trong cảnh hoang phế của vườn động vật ấy, chỉ còn lại mỗi mình con voi già, chẳng có việc gì làm (nói thế thôi, chứ ngay từ đầu cũng chẳng phải là có việc gì cho voi làm), trơ trọi suốt 3, 4 tháng trời.

Tình huống này làm nhức đầu cả phía vườn động vật lẫn thành phố. Phía vườn động vật thì đã bán đất ấy cho công ty xây nhà, công ty này đã định xây bin-đinh cao tầng làm chung-cư ở đấy, và thành phố cũng đã cấp giấy phép xây cất cho họ rồi. Xử trí chuyện voi càng chậm trễ lại càng phải trả thêm tiền lời. Mà cũng không thể nào giết voi quách đi được. Khỉ tay dài hay dơi thì chẳng nói làm gì, chứ voi mà giết đi một con thì đâu có giấu được mắt người ta; việc bại lộ ra là trở thành vấn đề lớn ngay. Do đó, ba bên mới họp lại bàn tính, và ký kết hiệp định về việc xử trí con voi già như sau:

[1] Voi được giao lại miễn phí cho thành phố coi như tài sản của thành phố.

[2] Thiết bị thu nạp voi do công ty xây nhà cung cấp miễn phí.

[3] Lương bổng của người nuôi voi do vườn động vật chi cấp.

Đấy là nội dung của hiệp định ba bên. Chuyện đúng một năm về trước đấy.

Về vấn đề voi ấy, cá nhân tôi vốn đã có quan tâm ngay từ đầu, nên đã thu tập giữ lại các ký sự trên báo chí, không chừa một chi tiết nào. Cả những kỳ họp của thành phố về chuyện voi, tôi cũng đã đi nghe. Nhờ thế, bây giờ mới kể lể giải thích song suốt chính xác được như thế này về diễn tiến của vấn đề. Chuyện có phần dài dòng một tí, nhưng vì tiến trình xử trí "vấn đề voi" có thể có quan hệ mật thiết với việc voi biến đi mất, nên tôi phải ghi rõ ở đây.

Thị trưởng đã thoả-kết được hiệp định rồi, đến lúc thành phố sắp sửa lãnh voi về thì xảy ra phong trào chống đối mà trung tâm là đảng đối lập trong hội đồng thành phố (cho đến lúc ấy, tôi không hề biết là có đảng đối lập trong hội đồng thành phố đấy).

Họ công kích thị trưởng "Tại sao thành phố lại phải lãnh nuôi con voi ấy chứ?". Chủ trương của họ thì như trong bảng liệt kê sau đây (xin lỗi độc giả về chuyện đưa ra nhiều bản liệt kê như thế này, nhưng tôi nghĩ như thế dễ hiểu hơn):

[1] Vấn đề voi là vấn đề giữa các xí nghiệp tư nhân là vườn động vật và công ty xây nhà chứ thành phố không có lý do gì để dính dáng đến cả.

[2] Việc quản lý hay nuôi voi tốn tiền quá.

[3] Vấn đề an toàn cho dân chúng thì tính sao?

[4] Thành phố tự nuôi voi thì có lợi điểm gì chứ?

Như thế đấy.

"Trước khi tính chuyện nuôi voi gì đấy, chẳng phải là thành phố còn có vô số chuyện cần làm như chỉnh bị hệ thống thoát nước thải, mua thêm xe chữa lửa, ...... hay sao?". Họ dàn trận trên lập trường như thế, và tuy không nói thẳng thừng, cũng đã ám chỉ đến khả-năng-tính có sự móc nối giữa thị trưởng và các công ty liên hệ.

Đối lại, phản luận của thành phố là:

[1] Khi chung-cư cao tầng được xây dựng nên, số tiền thuế đóng cho thành phố sẽ tăng vọt lên, chi phí nuôi voi sẽ không còn là vấn đề gì đáng kể, do đó thành phố tham gia vào một chương trình trọng yếu như thế là điều tất nhiên.

[2] Voi đã già lắm rồi, chẳng ăn hết bao nhiêu, mà cũng khỏi phải lo chuyện voi làm hại gì đến người ta.

[3] Khi voi chết thì miếng đất do công ty xây nhà cung cấp làm chỗ nuôi voi sẽ trở thành tài sản của thành phố.

[4] Voi trở thành biểu tượng tốt của thành phố.

Sau một chuỗi những buổi tranh luận dài dòng, cuối cùng con voi đã được thành phố thu nhận. Thành phố này tự ngày xưa đã là vùng đất của các tư-gia giàu có nên dân chúng ở đây nói chung là có mức sinh hoạt dư-dả, và tài chính của thành phố cũng phong phú. Vả lại, người ta cũng có hảo cảm đối với chuyện nuôi nấng con voi già không có chỗ nào khác để dời đi. Rõ ràng là dân chúng đã có hảo ý đối với con voi già ấy hơn là hệ thống thoát nước thải hay xe chữa lửa.

Chính tôi cũng đã tán thành chuyện thành phố nhận nuôi con voi. Phải chịu nhận một khu chung-cư cao tầng thì chán thật, nhưng thành phố mình ở mà có một con voi thì cũng hay.

Thế là một khoảnh rừng được dọn sạch, và khung nhà thể dục đã cũ của trường tiểu học được dời vào đấy làm chuồng voi. Người nuôi voi từ bao lâu nay ở vườn động vật cũng đã dời vào ở đấy. Thức ăn thừa của học sinh trường tiểu học được dùng để nuôi voi. Và voi được cho lên xe tải, đưa từ vườn động vật đã phế bỏ ấy đến chỗ ở mới, để sống nốt quãng đời còn lại.

Tôi đã đến xem buổi lễ khánh thành chỗ ở mới của voi. Đứng trước con voi, thị trưởng đọc diễn từ (về sự phát triển của thành phố và việc xây dựng thêm các cơ sở văn hoá), đại biểu học sinh trường tiểu học đọc cảm tác (voi ơi, khoẻ mạnh và sống lâu với chúng em, vân vân), thi đua phác hoạ voi (từ đấy, phác hoạ voi trở thành một tiết mục không thể thiếu trong chương trình giáo dục mỹ thuật cho học sinh tiểu học trong thành phố), hai cô gái trẻ mặc áo đầm phất phơ trong gió (không phải là người đẹp gì lắm), mỗi cô cầm một nải chuối cho voi ăn. Con voi hầu như hoàn toàn bất động, gắng gượng chịu đựng những nghi thức chẳng có ý nghĩa gì ấy -ít nhất thì hoàn toàn vô nghĩa đối với nó-, với đôi mắt trống vắng đến như hoàn toàn vô thức, nhồm nhoàm nhai những quả chuối đưa tận miệng nó. Voi ăn hết chuối, người ta vỗ tay rào rào.

Chân sau bên phải của voi mang một vòng khoá bằng sắt vững chắc và nặng nề. Vòng sắt buộc vào một dây xích sắt to, kéo dài khoảng mười thước, đầu dây xích gắn chặt vào một đế xi-măng. Trông vòng khoá và dây xích sắt kiên cố thế, con voi có thu hết sức suốt cả trăm năm cũng chẳng làm sao mà bứt ra được.

Con voi có khó chịu vì vòng xích ấy không thì tôi chẳng rõ. Nhưng ít nhất trên bề mặt thì có vẻ con voi không để tâm gì đến khối sắt cuộn vào chân mình. Lúc nào mắt voi cũng lờ đờ như đang nhìn một điểm nào đấy xa vắng trong không gian. Khi gió thổi, tai voi và những lông trắng trên mình voi ve vẩy phơ phất.

Người nuôi voi là một ông lão nhỏ con, gầy ốm. Chẳng hiểu tuổi thật là bao nhiêu. Có thể vào khoảng trên 60, mà cũng có thể khoảng những năm cuối tuổi 70. Trên đời này có những người, khi quá một mức tuổi nào đó thì ngoại hình không còn thay đổi theo tuổi tác nữa. Ông ta là một người như thế. Da ông, mùa hạ cũng như mùa đông, vẫn rám nắng đến đen đỏ; tóc ông cứng và ngắn, mắt nhỏ. Khuôn mặt không có điểm gì đặc biệt, ngoài đôi vành tai tròn như vòng cung hoàn hảo, nhô thẳng ra, khiến người ta càng chú ý hơn từ vóc người nhỏ thó ấy.

Ông chẳng phải là người lãnh đạm, ai hỏi chuyện thì đáp lại nghiêm cẩn với lối nói chững chạc. Ông cũng tỏ vẻ thân cận được nếu thật tâm muốn lấy cảm tình của người khác, tuy có ngượng ngịu đôi chút. Nhưng thường thì có vẻ là một ông già cô độc ít nói. Dường như ông thích con nít; đám trẻ con đến thì ông chịu khó ứng xử tử tế thêm. Nhưng tụi trẻ con thì hình như không cởi mở lắm đối với ông.

Chỉ có con voi cởi mở thân thiết với ông thôi. Người nuôi voi ăn ngủ trong căn phòng tiền-chế nhỏ kê sát như dính vào chuồng voi, từ sáng đến tối, theo sát để chăm sóc cho voi. Voi và người nuôi voi ấy đã quen thân nhau từ hơn mười năm nay rồi, quan hệ thân mật ấy chỉ cần nhìn thoáng qua cử chỉ hay ánh mắt họ cũng đủ hiểu. Khi muốn con voi đang đứng ngẩn ngơ thờ thẩn một chỗ ấy dời đi đâu, ông lão chỉ cần đến bên voi, vỗ vỗ vào chân trước của voi mà thì thầm gì đấy, là đủ. Con voi hiểu ý, chầm chậm dời tấm thân nặng nề đến đúng chỗ ông muốn; khi đã đứng vào vị trí chỉ định rồi, lại giương mắt đăm đắm nhìn vào một điểm nào đấy trong không gian, như trước.

Cứ cuối tuần, tôi lại đến chuồng voi, quan sát kỹ lưỡng những thao tác như thế, nhưng chẳng làm sao hiểu được hai bên truyền tin cho nhau dựa trên nguyên lý nào. Có thể con voi hiểu được những tiếng nói đơn giản (bởi dù sao cũng đã sống lâu năm với ông lão rồi), hoặc là hiểu được thông tin từ cách ông lão vỗ vào chân voi. Hoặc không chừng con voi ấy có năng lực đặc biệt kiểu thần-giao-cách-cảm, mà hiểu được ý nghĩ của người nuôi voi. Có lần tôi đã hỏi ông ấy "làm thế nào để truyền lệnh cho voi thế?". Ông chỉ cười đáp "Quen với nó quá rồi mà" chứ không giải thích gì thêm.

Cứ thế, một năm trôi qua, không có chuyện gì lạ. Vậy mà đột nhiên con voi biến mất.

Tôi vừa uống ly cà-phê thứ hai vừa đọc lại ký sự trên báo một lần nữa, thật chăm chú. Một ký sự rất ly kỳ. Loại ký sự mà Sherlock Holmes hẳn là vừa vỗ ống điếu vừa nói "Bạn Watson này, đọc đi. Có ký sự này ly kỳ quá chứ!"

Yếu tố quyết định đã tạo cho ký sự ấy một ấn tượng ly kỳ đến như thế, chính là sự hoang mang hỗn loạn của người ký giả. Sự hoang mang hỗn loạn rõ ràng là đã phát xuất từ tính cách bất-hợp-lý của trạng huống phát sinh sự kiện. Ký giả đã khôn khéo tránh né tính cách bất-hợp-lý ấy, cố hết sức viết một ký sự nhật báo có vẻ chân thật, nhưng kết quả ngược lại, đã đẩy sự hoang mang hỗn loạn của chính anh ta đến chỗ cùng cực.

Chẳng hạn, ký sự ấy đã dùng biểu-hiện "voi đã trốn thoát"; nhưng chỉ cần đọc lướt qua bài viết thì đã quá rõ ràng là voi đâu có trốn hay thoát gì đâu. Voi chỉ "biến mất", thế thôi. Chính ký giả đã viết về điểm tự-mâu-thuẫn đó rằng "Về chi tiết thì vẫn còn một số điểm không rõ ràng". Nhưng tôi nghĩ rằng chẳng thể nào thu vén gọn sạch được bài viết này bằng những từ thông thường như "chi tiết" và "không rõ ràng".

Trước hết là việc chân voi có khoá bằng vòng sắt. Mà vòng sắt để lại vẫn còn nguyên khoá kín chứ không bị mở. Cách suy luận có vẻ thoả đáng nhất là người nuôi voi đã dùng chìa khoá mở vòng sắt ấy ra khỏi chân voi, xong khoá vòng sắt lại bỏ đấy, rồi cùng voi trốn mất (tất nhiên, tờ báo nào cũng bám riết khả-năng-tính này). Nhưng vấn đề là người nuôi voi lại không có chìa khoá chân voi! Chỉ có hai chìa khoá thì vì lý do an toàn tối đa, một chìa được giữ trong két sắt của Sở Cảnh sát, chìa kia được giữ trong két sắt của Sở Chữa lửa. Người nuôi voi -hay bất cứ người nào khác- lấy trộm chìa khoá từ hai cái két sắt ấy là chuyện không thể xảy ra. Mà giả thử vạn nhất có lấy được chìa nào ra để mở khoá chân voi xong, cũng hoàn toàn chẳng có lý do gì để phải tốn công trả chìa khoá ấy vào lại trong két sắt. Vậy mà, sáng hôm sau khi voi biến mất, người ta đã kiểm thấy hai chìa khoá vẫn còn nguyên trong hai két sắt ở Sở Cảnh sát và Sở Chữa lửa.

Thế thì hoá ra con voi đã không nhờ vào ai mở khoá mà lại rút chân ra khỏi vòng sắt ấy được chăng? Đấy là điều tuyệt đối bất khả, trừ phi dùng cưa mà cắt đứt chân voi đi.

Nan-đề thứ hai là đường tháo chạy của voi. Chuồng voi và sân chơi của voi được bao bọc bởi một tường rào vững chắc cao khoảng ba thước. Vì khía cạnh an ninh an toàn của việc nuôi voi đã được lôi ra bàn cãi om-sòm trong hội đồng thành phố nên người ta đã phải thiết lập một thể chế cảnh bị có thể nói là quá thừa như thế đối với một con voi già yếu. Tường rào làm bằng trụ xi-măng và những cọc sắt to bản (chi phí tất nhiên là do công ty nhà đất trả), chỉ có một cửa vào, lúc xảy ra sự kiện thì vẫn còn khoá chặt từ bên trong. Con voi chẳng thể nào trèo qua hàng rào kiên cố đến như thành lũy pháo đài ấy mà thoát ra ngoài được.

Nan-đề thứ ba là vết chân voi. Sau lưng chuồng voi là một sườn đồi dốc thẳng lên, con voi già không thể nào leo dốc ấy nổi. Giả thử bằng cách nào đấy, voi rút được chân ra khỏi vòng sắt, rồi bằng cách nào đấy, đã vượt được tường rào đi nữa, cũng chỉ có thể thoát chạy bằng con đường phía trước chuồng mà thôi. Thế nhưng, trên mặt đường bằng đất cát mềm ấy hoàn toàn chẳng có một dấu vết gì giống vết chân voi cả.

Tóm lại, nhìn chung cái ký sự nhật báo đầy những tu-từ gượng ép ngượng nghịu khổ sở ấy, chẳng thấy được gì có thể xem là kết luận hay bản chất của sự kiện cả, ngoài một sự thật. Đó là: không phải con voi đã trốn thoát, mà sự thật, voi đã biến mất.

Dù vậy, tất nhiên khỏi nói cũng biết là cả tờ nhật báo và cảnh sát lẫn thị trưởng, ít nhất thì trên bề mặt, tuyệt đối không muốn thừa nhận sự thật ấy. Cảnh sát tiến hành điều tra trên cơ sở rằng "có khả năng là voi đã bị trộm mất, hay giải thoát một cách có kế hoạch bằng phương pháp xảo diệu nào đấy", và tuyên bố dự đoán lạc quan rằng "giấu giếm con voi to lớn như thế là chuyện vô cùng khó khăn, do đó giải quyết vụ này chỉ là vấn đề thời gian mà thôi". Và cảnh sát đã yêu cầu các hội săn bắn quanh vùng cùng bộ đội xạ kích trong Tự Vệ Đội[1] giúp sức, định khám xét khắp các vùng rừng núi quanh đây.

Thị trưởng mở cuộc họp báo (được tường thuật không phải trên bản địa phương mà ngay trên trang xã hội của bản phát hành toàn quốc), tạ lỗi đã thiếu sót trong thể chế cảnh bị của phía thành phố. Nhưng đồng thời, Thị trưởng cũng nhấn mạnh rằng "thể chế quản lý cho voi của thành phố nhất định không yếu kém hơn so với bất cứ vườn động vật hay cơ sở tương tự nào trên toàn quốc. Thể chế quản lý cho voi của thành phố này vạn toàn và kiên cố hơn cả quy chuẩn luật định", và tuyên bố "đây là một hành vi đầy ác ý, nguy hiểm, vô-nghĩa và phản-xã-hội, nhất quyết không thể tha thứ được".

Nhóm nghị viên của đảng đối lập thì, như một năm về trước, đòi truy vấn "trách nhiệm của thị trưởng không suy xét thấu đáo, đã kết cấu với công ty tư nhân mà lôi kéo dân chúng vào vấn đề xử lý con voi này".

Có một bà mẹ 37 tuổi, bày tỏ với vẻ mặt lo lắng rằng "thế này thì chẳng còn an tâm mà cho con trẻ ra ngoài chơi nữa".

Tờ nhật báo đăng bài tường thuật đầu đuôi chuyện thành phố nhận nuôi con voi, và đăng cả hình vẽ phối trí khu vực chuồng voi. Có cả tiểu sử con voi, và chi tiết về người nuôi voi (Watanabe Noboru, 63 tuổi), đã cùng voi biến mất. Người nuôi voi Watanabe Noboru xuất thân từ thành phố Tateyama huyện Chiba, đã lâu năm làm việc nuôi nấng các loài động vật có vú của vườn động vật, "do hiểu biết phong phú về các loài động vật này, cùng với tính tình ôn hoà, hiền hậu và thành thực, đã được mọi người liên hệ hoàn toàn tin tưởng". Con voi này được gửi đến từ Đông Phi châu 22 năm trước đây, nhưng tuổi voi chính xác là bao nhiêu thì không ai biết, mà tâm tính ra sao cũng không rõ.

Phần cuối bài viết ghi rằng cảnh sát kêu gọi mọi người trong vùng cung cấp bất cứ thông tin nào về voi. Tôi vừa uống ly cà-phê thứ hai, vừa suy nghĩ một hồi về điều ấy, nhưng cuối cùng không gọi điện thoại đến cảnh sát. Một phần cũng vì chẳng muốn dính líu đến cảnh sát, phần khác, thông tin mình cung cấp chắc cảnh sát cũng chẳng tin cho. Họ đã không chịu suy nghĩ nghiêm cẩn về khả-năng-tính con voi biến mất, thì có nói gì với họ đi nữa cũng vô ích thôi.

Tôi lôi cuốn tập kẹp giấy rời từ tủ sách xuống, kẹp vào đấy các mẩu tin tức, ký sự cắt trong báo về chuyện con voi, xong rửa ly đĩa rồi đi làm.

Buổi tối, chương trình tin tức lúc 7 giờ của đài truyền hình quốc gia NHK cho thấy cảnh người ta lùng kiếm trên rừng. Đám thợ săn lăm lăm những khẩu súng săn to lớn nạp sẵn đạn thuốc mê, cùng với lính Tự Vệ Đội, cảnh sát và lính chữa lửa, vạch từng bụi cỏ vòm cây, lùng quét khắp vùng rừng núi gần thành phố; trên trời có vài chiếc trực thăng quần thảo liên hồi. Tiếng là rừng núi, chứ gần ngay bên khu vực nhà-ở ngoại vi Tokyo, nên chẳng rộng lớn gì bao nhiêu. Đến chừng đó người tụ tập lại thì chỉ càn quét một ngày là kiểm hết, vả lại, kẻ bị lùng kiếm đâu phải là kẻ sát nhân tí hon gì, mà là một con voi Phi châu to tướng. Những chỗ con voi ấy có thể ẩn núp được tất nhiên là chẳng có mấy. Thế mà họ lùng kiếm đến chiều tối cũng chẳng thấy gì. Trên màn hình TV, ông Cảnh sát trưởng nói "Cuộc lùng kiếm vẫn còn tiếp tục". Người phóng viên truyền hình kết luận "Ai đã làm cách nào để voi tẩu thoát được, đang giấu voi ở đâu, và vì lý do gì? tất cả vẫn còn bao trùm trong màn bí mật mịt mùng".

Sau đó, họ còn tiếp tục lùng kiếm thêm mấy ngày nữa, nhưng rốt cuộc cũng không tìm ra voi, mà nhà đương cuộc cũng chẳng tìm thấy được chút gì đáng gọi là manh mối cả.

Mỗi ngày, tôi đọc kỹ lưỡng tin tức trên nhật báo, có ký sự nào lọt vào mắt là cẩn thận cắt ra cho vào cuốn tập kẹp giữ lại. Giữ cả đến những bức hí-hoạ về chuyện voi nữa. Thế rồi cuốn tập ấy không mấy chốc đã đầy ứ, phải ra tiệm bán dụng cụ văn phòng mua cuốn tập kẹp mới. Thế nhưng, mặc dù số lượng các tin tức, bài viết đã nhiều đến như thế, vẫn chưa thấy viết tí gì về sự thực mà tôi muốn biết. Báo chí cứ viết những là "Vẫn biệt tích như trước", hay "Ban điều tra càng ngày càng khổ não thêm", hay "Có phải tổ chức bí mật nào đó đang ẩn mặt phía sau?", toàn những chuyện đâu đâu vô-nghĩa như thế thôi. Khoảng một tuần sau khi voi biến mất, những ký sự về voi dần dần giảm thiểu trông thấy, rồi cuối cùng hầu như không còn thấy trên mặt báo nữa. Các tạp chí lúc đầu cũng đăng những ký sự giật gân để câu khách, có bài viết còn lôi cả thầy bói vào nữa, nhưng rồi cũng chấm dứt không kèn không trống. Có vẻ thiên hạ đã muốn nhét chuyện voi này vào loại sự kiện bao lâu nay đã tích tụ rất nhiều dưới cái tên là "những bí ẩn không giải minh được". Một con voi già cùng với một ông lão nuôi voi có biến mất đi từ mảnh đất này, cũng hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì đến xu-thế của xã hội cả. Quả đất tiếp tục vòng quay đơn điệu, chính-trị-gia tiếp tục phát biểu những tuyên bố chẳng thể nào tin được, người ta tiếp tục ngáp dài trên đường đến sở làm, trẻ em tiếp tục mài miệt học thi. Trong lớp sóng tạt vào dạt ra không ngừng của đời thường, hứng thú về chuyện một con voi mất tích không thể nào nuôi giữ mãi được. Và cứ thế, những ngày tháng đơn điệu bình lặng trôi qua, như đám tàn quân mệt mỏi lê bước thoáng qua bên ngoài cửa sổ.

Thỉnh thoảng, khi có giờ rảnh, tôi lại đến chuồng voi cũ, đứng ngắm chỗ ở của voi nay đã không còn bóng dáng con voi ấy nữa. Cửa vào nơi tường rào sắt ấy nay đã có vòng xích sắt to bản khoá lại, không cho ai vào nữa. Nhìn qua kẽ tường rào lại thấy cửa chuồng voi cũng bị khoá bằng vòng xích sắt như thế. Có vẻ cảnh sát muốn bù lại mối hận đã không tìm ra voi bằng cách siết chặt việc cảnh bị chuồng voi đến quá mức cần thiết như thế này, sau khi voi đã đi mất. Chung quanh hoàn toàn im vắng không một bóng người. Trên mái chuồng voi chỉ thấy có đám bồ câu đang nghỉ cánh. Sân chơi của voi không ai chăm sóc, cỏ tạp mùa hè như gặp được dịp tốt, tha hồ mọc xanh um. Vòng xích sắt khoá cửa chuồng voi trông giống như con rắn lớn cuồn cuộn giữ cửa một vương cung đã hoang phế điêu tàn trong rừng thẳm. Voi chỉ vắng đi có vài tháng mà nơi này đã hoang tàn đến mức tưởng như là một định mệnh, phảng phất không khí ngột ngạt như mây đen tích tụ sắp nổ thành giông bão.

Tôi gặp nàng vào khoảng cuối tháng Chín. Hôm ấy mưa suốt từ sáng đến tối. Mưa đơn điệu, hạt nhỏ và mềm, như vẫn thường có trong mùa thu. Rửa trôi dần dần đi ký ức rám nóng của mùa hạ. Tất cả ký ức ấy trôi theo luồng nước mà hoà chung vào những cống rãnh, những dòng sông trôi ra biển sâu thẳm mịt mùng.

Chúng tôi gặp mặt nhau trong bữa tiệc vận-động quảng cáo do hãng tôi tổ chức. Tôi làm việc trong bộ môn quảng cáo của một hãng lớn chế tạo đồ điện dùng trong nhà, đúng vào lúc ấy, đang đảm đương việc quảng cáo trên báo chí cho một loạt sản phẩm điện-khí-hoá dùng trong nhà bếp dự định bán ra đúng vào mùa cưới mùa thu và thời kỳ phát tiền thưởng mùa đông. Công tác của tôi là thương lượng để đăng những ký sự quảng cáo trên các tờ báo phụ nữ. Công việc chẳng đòi hỏi đầu óc gì mấy, nhưng cần phải làm sao cho họ đăng được cho mình những bài viết mà người đọc không ngửi thấy mùi quảng cáo. Để đền đáp lại, hãng tôi sẽ đăng quảng cáo trên tạp chí của họ. Ở đời phải có đi có lại như thế.

Nàng là người biên tập của một tạp chí nhắm vào phụ nữ trẻ, đến dự tiệc để tìm tài liệu viết bài quảng cáo như thế. Đúng vào lúc tôi có thì giờ nên đã tiếp nàng, và giải thích cho nàng về những tủ lạnh màu sắc hoa-mỹ được thiết kế bởi một nhà vẽ kiểu nổi tiếng người Ý, cùng những máy pha cà-phê, lò vi-ba, máy làm nước trái cây.

-"Điểm quan trọng nhất vẫn là tính thống nhất". Tôi nói. -"Dù kiểu mẫu có tuyệt đẹp đi nữa, mà không giữ được quân bình với môi trường chung quanh thì cũng chìm chết đi mất. Tính thống nhất về màu sắc, kiểu mẫu, cơ năng, là điểm tất yếu quan trọng nhất trong nhà bếp hiện đại. Kết quả điều tra cho biết là người nội trợ hiện đại dành nhiều thì giờ nhất trong ngày vào việc làm bếp. Nhà bếp hiện đại là sở làm của người nội trợ, mà cũng là phòng văn và phòng khách. Thế nên người nội trợ ngày nay cố gắng làm cho nhà bếp trở thành một nơi thoải mái cho mình. Bề rộng không quan hệ gì. Cho dù rộng hay hẹp, nguyên tắc của một nhà bếp ưu tú vẫn giống nhau thôi. Tức là giản tiện, hiệu quả và thống nhất. Loạt sản phẩm mới này của chúng tôi đã được thiết kế và thực hiện dựa trên ý niệm ấy. Ví dụ, xin nhìn bản nướng thịt này xem ... vân vân ... vân vân ..."

Nàng gật đầu và ghi chép vào cuốn sổ tay nhỏ. Nàng chẳng đặc biệt hào hứng gì về chuyện tìm tài liệu viết bài như thế, mà tôi cũng chẳng có quan tâm đặc biệt gì đến bản nướng thịt. Chúng tôi chỉ làm cho trọn công việc của mình thôi.

-"Anh rành chuyện bếp núc quá nhỉ". Nàng nói sau khi tôi thuyết minh xong.

-"Công việc của tôi mà". Tôi đáp với nụ cười nghề nghiệp. -"Tuy thế, ngoài công việc ra, tôi cũng thích nấu nướng. Những thức đơn giản thôi, nhưng tôi vẫn nấu mỗi ngày đấy chứ".

-"Bếp núc mà cần tính thống nhất thật sao?". Nàng hỏi.

-"Không phải bếp núc, mà là nhà bếp đấy chứ". Tôi đính chính. -"Gọi là gì cũng thế thôi, nhưng dù sao thì hãng cũng đã định như thế rồi".

-"Xin lỗi anh. Nhưng mà, nhà bếp ấy cần tính thống nhất thật sao? Xin anh cho biết ý kiến cá nhân".

-"Ý kiến cá nhân của tôi thì phải tháo cà-vạt ra rồi mới nói được". Tôi cười đáp. -"Nhưng hôm nay đặc biệt, xin nói ra như thế này: tôi nghĩ rằng trước khi nói đến tính thống nhất, chắc hẳn là nhà bếp còn cần có một số yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, những yếu tố ấy trước nhất là không thể làm thành thương phẩm được, mà trong cái thế giới đòi hỏi tiện nghi này, những yếu tố không thương-phẩm-hoá được thì chẳng có ý nghĩa gì cả".

-"Thế giới hiện tại được thành lập trên tiện nghi thật sao anh?"

Tôi lấy thuốc lá trong túi ra gắn lên môi, bật quẹt châm lửa.

-"Chỉ là một cách nói thôi". Tôi đáp. -"Nói như thế thì dễ hiểu được nhiều điều, và công việc của tôi cũng song suốt. Giống như trò chơi điện tử vậy. Tha hồ giải thích nhiều cách: tiện nghi từ bản chất, hay bản chất là tiện nghi, đều nói được cả; và nếu suy nghĩ được như thế thì sẽ không gây ra tranh cãi, hay tạo ra vấn đề gì phức tạp cả".

-"Em nghĩ đó là một ý kiến đặc sắc". Nàng nói.

-"Cũng không đặc sắc lắm đâu. Ai cũng có thể nghĩ ra được cả thôi". Tôi nói. -"À, mà đang có thứ champagne khá ngon, cô có muốn uống một tí không?"

-"Cảm ơn anh. Xin anh". Nàng nói.

Sau đó, tôi và nàng vừa nhắp champagne ướp lạnh vừa nói chuyện thiên hạ, qua câu chuyện mới biết là chúng tôi quen biết vài người bạn chung. Giới làm nghề của chúng tôi vốn không rộng lớn gì lắm nên cứ ném viên sỏi ra thế nào cũng trúng nhằm một hai người gọi được là "người quen biết chung". Lại nữa, tình cờ mà em gái tôi lại xuất thân từ cùng một đại học với nàng. Chúng tôi dựa vào những tên người quen biết chung như thế mà chuyện trò tương đối tương đắc dài dòng.

Nàng và tôi đều độc thân. Nàng 26, tôi 31 tuổi. Nàng mang thấu-kính mỏng dán vào mắt, tôi đeo kính. Nàng khen màu sắc của chiếc cà-vạt tôi mang, còn tôi khen bộ áo vét nàng mặc. Chúng tôi nói về giá thuê phòng trọ của nhau, và cả những phàn nàn bất mãn trong nội dung công việc hay lương bổng. Nghĩa là chúng tôi đã trở nên thân mật lắm rồi. Nàng là một phụ nữ rất quyến rũ mà không quá tọc mạch. Tôi đứng đấy nói chuyện với nàng suốt 20 phút, không thấy có gì ngăn cản mình ôm ấp hảo-ý đối với nàng.

Lúc tiệc tan, tôi rủ nàng vào quán rượu trong cùng khách sạn ấy để tiếp tục câu chuyện đang vui. Qua khung cửa sổ lớn nhìn thấy mưa đầu mùa thu bên ngoài. Mưa vẫn còn rơi âm thầm; sâu trong màn mưa, ánh đèn phố đêm vẽ nên những thông-điệp nhạt nhoà. Quán vắng, hầu như không có khách nào khác, bao trùm một không khí yên lặng mướt hơi nước. Nàng gọi daiquiri lạnh, tôi gọi scotch nước đá.

Chúng tôi ngồi uống thức uống mình gọi, nói những chuyện mà các cặp trai gái gặp nhau lần đầu nhưng thân mật phần nào vẫn thường nói với nhau. Chuyện thời đại học, chuyện thích loại âm-nhạc nào, chuyện thể thao, chuyện thói quen thường ngày, ... những chuyện như thế.

Rồi tôi nói đến chuyện con voi. Tại sao thình lình lại chuyển sang chuyện con voi, tôi chẳng nhớ nổi. Có lẽ nhân nói đến chuyện gì đấy về động vật mà nói sang chuyện voi ấy. Cũng có thể trong vô thức, tôi đã mong có dịp nói lên suy nghĩ của mình về chuyện con voi biến mất ấy, với ai đấy, một người mà mình có thể giãi bày song suốt được. Mà có khi chỉ đơn giản là tôi đã quá chén mà nói tràn sang chuyện voi không chừng.

Thế nhưng, liền sau khi nói chuyện con voi ấy ra, tôi chợt để ý ngay rằng mình đã lôi ra một chuyện hoàn toàn không thích hợp với trạng huống hiện tại. Đúng là tôi đã chẳng nên lôi chuyện voi ấy ra nói làm gì. Bởi chuyện ấy, nói sao nhỉ, có vẻ là một câu chuyện đã khép lại không còn gì để nói nữa.

Vì thế, tôi muốn dứt ngang chuyện voi lại ngay, thế nhưng chẳng may, nàng lại có quan tâm lạ thường đối với sự kiện con voi biến mất. Nghe tôi nói là đã thấy con voi ấy nhiều lần, nàng liên tiếp dồn cho tôi nhiều câu hỏi. Con voi ra làm sao? Anh nghĩ voi đã thoát đi như thế nào? Thường thường voi ăn những gì? Không nguy hiểm cho người ta sao chứ? ... những câu hỏi như thế.

Tôi đành phải đối đáp bằng những giải thích thông thường chung chung như báo chí đã đăng. Nhưng có vẻ nàng cảm nhận được vẻ lãnh đạm gượng ép trong giọng nói của tôi. Từ xưa đến nay, tôi vốn không quen che giấu.

-"Nghe tin voi biến mất hẳn là anh kinh ngạc lắm phải không?". Nàng vừa nhấm nháp ly daiquiri thứ hai, vừa hỏi như chẳng có gì quan trọng. -"Chứ có ai dự tưởng được cả một con voi to lớn thế mà biến đi mất đâu nhỉ?".

-"Ừm, có lẽ thế thật" Tôi nói, tay nhón lấy một miếng bánh quy xoắn trong đĩa thủy tinh, bẻ làm hai, ăn một mảnh. Cậu hầu bàn đến thay đĩa gạt-tàn-thuốc.

Nàng nhìn mặt tôi chăm chú, tỏ vẻ quan tâm lắm. Tôi lại ngậm điếu thuốc và châm lửa hút. Đã kiêng thuốc được ba năm rồi đấy, nhưng từ ngày con voi biến mất, đã hút trở lại mất.

-"Anh nói Có lẽ thế thật, có nghĩa là chuyện con voi biến mất ấy phần nào anh đã dự tưởng được hay sao?" Nàng căn vặn.

-"Làm sao mà dự tưởng được". Tôi cười, nói. -"Thình lình voi biến mất, chuyện chưa từng xảy ra, mà cũng chẳng thiết yếu phải xảy ra. Không hợp lý tí nào cả mà".

-"Thế mà cách nói của anh lại rất là dị thường. Này nhé, khi em hỏi: có ai dự tưởng được cả một con voi to lớn thế mà biến đi mất đâu nhỉ?, anh đã trả lời là: có lẽ thế thật. Thông thường có ai lại trả lời như thế. Thường thì người ta đáp là: Đúng thế, hoặc là Chẳng hiểu nổi, kia chứ".

Tôi hướng về phía nàng, nghiêng đầu một cách lửng lờ, rồi đưa tay gọi hầu bàn đến bảo cho một ly scotch khác. Trong khi chờ ly scotch nước đá mới, tôi tạm thời im lặng.

-"Này anh, em thật chẳng hiểu". Nàng nói, nhẹ nhàng. -"Trước đấy thì anh nói chuyện thật bình thường. Cho đến khi có chuyện voi. Thế nhưng đến chuyện voi thì cách nói của anh đột ngột khác lạ hẳn đi. Em chẳng hiểu anh thật lòng muốn nói gì nữa, sao thế anh? Chuyện con voi ấy có gì không tốt? hay chẳng lẽ tai em bị gì rồi hay sao?"

-"Tai em chẳng bị gì cả đâu". Tôi nói.

-"Thế thì vấn đề là ở phía anh rồi".

Tôi cho ngón tay vào khuấy nước đá vòng vòng trong ly. Tôi thích nghe tiếng nước đá chạm vào thành ly scotch.

-"Chẳng có gì trầm trọng đến phải gọi là vấn đề". Tôi nói. -"Chỉ là một điểm nhỏ thôi. Chẳng phải muốn giấu giếm gì ai, chỉ vì anh không có tự tín có thể nói rõ ra được hay không đấy thôi. Bởi nói là chuyện kỳ dị, thì quả đúng là kỳ dị thật rồi".

-"Kỳ dị như thế nào chứ?".

Tôi đành chịu thua, uống một ngụm whisky rồi nói:

-"Anh vẫn bận tâm về một điều rằng có lẽ anh mới là người cuối cùng thấy con voi ấy. Anh thấy voi lúc quá 7 giờ tối ngày 17 tháng 5, mà người ta phát giác ra voi không còn đó nữa vào khoảng quá trưa ngày hôm sau; trong khoảng thời gian ấy, không có ai thấy voi cả. Bởi cứ đến 6 giờ tối là cửa chuồng voi đã đóng lại rồi".

-"Chuyện nghe khó hiểu quá". Nàng nói, mắt nhìn sâu vào mắt tôi. -"Cửa chuồng voi đã đóng lại rồi thì làm sao mà anh nhìn thấy voi được chứ?"

-"Sau lưng chuồng voi là một dốc núi nhỏ. Không biết chủ nhân là người nào nhưng chẳng có ai làm đường đi trên đấy cả. Trên dốc núi ấy có một địa điểm từ đấy có thể dòm thấu vào chuồng voi. Biết được chỗ ấy, có lẽ chỉ mỗi mình anh mà thôi".

Tôi tìm thấy chỗ ấy hoàn toàn tình cờ. Một buổi chiều chủ nhật đi tản bộ trên núi ấy, tôi đã đi lạc, rồi khi mò mẫm tìm đường về đã tình cờ mà phát hiện ra chỗ ấy. Ngay đấy có một khoảng đất trống nhỏ bằng phẳng chỉ vừa đủ cho một người nằm phục xuống, từ đấy nhìn xuống, xuyên qua kẽ lá cây rậm rạp thì thấy đúng vào mái chuồng voi. Phía dưới mái một tí có ống thông hơi thật lớn, từ đó có thể nhìn thấy rõ ràng bên trong chuồng voi.

Từ ngày ấy, thỉnh thoảng tôi lại đến chỗ ấy, ngắm con voi đi vào chuồng buổi tối, lâu dần thành thói quen. Nếu có ai hỏi tại sao phải làm chuyện rắc rối thế thì tôi chẳng trả lời song suốt được. Chỉ vì tôi muốn nhìn thấy hình dáng voi trong giờ phút riêng tư của nó đấy thôi. Ngoài ra, chẳng có lý do sâu kín nào cả.

Lúc nào bên trong chuồng voi tối thì quả là chẳng thấy được hình dáng con voi, nhưng những lúc mới vừa tối thì người nuôi voi bật đèn sáng để săn sóc voi, nên tôi xem được tận tường. Trước nhất, tôi để ý thấy rằng khi không có ai khác thì voi và người nuôi voi có vẻ thân mật với nhau hơn nhiều, so với lúc voi phải ra ngoài cho người ta xem. Chỉ cần nhìn những cử chỉ nhỏ nhặt của cả hai cũng đủ biết. Cứ như là ban ngày họ cố gắng kềm giữ tình cảm để người ngoài không để ý đến tình thân mật giữa họ, để dành lại cho đêm tối khi chỉ có họ với nhau. Nói thế chứ chẳng phải họ làm gì đặc biệt trong chuồng voi ấy đâu. Voi vào chuồng kín thì cũng vẫn thơ thẩn lơ đãng như thường lệ, mà người nuôi voi cũng vẫn làm những thao tác đương nhiên phải làm như lấy bàn chải lớn lau rửa thân voi, quét dọn những đống phân voi to tướng trên sàn, dọn dẹp thức ăn cho voi, thế thôi. Thế nhưng, không sao bỏ qua được vẻ nồng nàn đặc biệt toát ra từ tình cảm tin tưởng gắn bó hai bên với nhau. Trong khi người nuôi voi quét dọn sàn phòng, con voi ve vẩy chiếc mũi, đánh nhẹ "tưng tưng" lên lưng ông ta. Tôi rất thích nhìn dáng voi trong động tác ấy.

-"Anh vốn thích voi từ trước rồi à? Nghĩa là chẳng cứ gì con voi này?". Nàng hỏi.

-"Ừm, anh cũng nghĩ thế". Tôi nói. -"Voi là loài động vật có gì đấy khích động lòng anh. Có cảm tưởng như từ xưa đã thế rồi. Tuy anh chẳng hiểu tại sao".

-"Thế rồi, hôm ấy, lúc chiều tàn, anh đã leo núi ấy mà xem voi một mình chứ gì?". Nàng nói. -"Ừm ... tháng 5 và ..."

-"Ngày 17". Tôi nói. -"Tháng 5 ngày 17, khoảng 7 giờ tối. Nhằm mùa ấy thì ngày dài lắm, giờ ấy vẫn còn một tí hoàng hôn. Nhưng mà, bên trong chuồng voi thì đèn mở sáng choang".

-"Lúc ấy thì cả voi lẫn người nuôi voi đã chẳng có gì khác lạ cả chứ gì?"

-"Khác lạ thì nói không có gì cũng đúng, mà nói có gì, cũng đúng. Anh chẳng nói chính xác được. Dù gì đi nữa cũng chẳng phải chuyện thấy ngay gần mắt mình. Nhân chứng kiểu này thì độ tin chẳng cao bao nhiêu".

-"Thế đã có chuyện gì xảy ra à?"

Tôi uống một ngụm whisky đã nhạt đi vì nước đá tan ra. Ngoài khung cửa sổ, mưa vẫn còn rơi. Không lớn hơn, cũng không nhẹ hơn. Trông cứ như là màn mưa liên tục vĩnh viễn in hình vào phong cảnh ngưng đọng không thay đổi.

-"Cũng chẳng phải đã có chuyện gì xảy ra". Tôi nói. -"Voi và người nuôi voi vẫn làm những chuyện thường lệ. Quét dọn, ăn, hay đùa cợt tí chút thật thân mật, thế thôi. Những chuyện ngày nào cũng làm ấy. Duy có điều anh bận tâm một tí, đó là vẻ thăng bằng của họ đêm ấy".

-"Thăng bằng gì kia?"

-"Nghĩa là thăng bằng về kích thước đấy mà. Thăng bằng tương đối giữa kích thước thân thể của voi và người nuôi voi đấy. Anh có cảm giác có chút gì khác lạ trong sự thăng bằng ấy. Khác với mọi ngày, đêm ấy, cách biệt về kích thước thân thể giữa voi và người nuôi voi có vẻ nhỏ bớt đi".

Nàng nhìn đăm đăm vào ly daiquiri trên tay một hồi. Nước đá tan chảy như luồng nước biển len lỏi giữa các khe hở của rượu pha mà chìm xuống đáy ly.

-"Nghĩa là thân thể voi nhỏ bớt đi, phải thế không?"

-"Hoặc là thân thể người nuôi voi to lớn thêm, hoặc là cả hai chuyện ấy đồng thời xảy ra, thế đấy".

-"Anh không báo cáo điều ấy cho cảnh sát chứ gì?"

-"Tất nhiên rồi". Tôi nói. -"Chuyện như thế có báo cáo, cảnh sát chắc chắn cũng chẳng tin cho, mà còn thêm nguy cơ mình trở thành người bị tình nghi nữa, vì đã leo núi sau lưng chuồng voi mà xem voi để làm gì vào giờ đó".

-"Nhưng mà, thăng bằng ấy khác hẳn mọi ngày thường, là điều anh chắc chắn chứ?".

-"Có lẽ thế". Tôi nói. -"Anh chỉ nói được là có lẽ thế thôi. Không có chứng cớ gì, mà như đã nói lắm lần là anh đã chỉ dòm thấy qua ống thông hơi mà thôi. Nhưng mà, anh đã vài chục lần nhìn ngắm voi và người nuôi voi ấy trong cùng một điều kiện như thế rồi, nên chuyện mất thăng bằng về kích thước của họ thì không thể nói là anh đã nhìn nhầm được".

Mà đúng thế, lúc ấy tôi cũng nghĩ có thể là ảo tưởng thị giác, nên đã nhiều lần nhắm mắt lại, lắc mạnh đầu rồi nhìn kỹ lại, nhưng có nhìn đi nhìn lại bao nhiêu lần đi nữa, vẫn thấy kích thước con voi có vẻ là-lạ như thế. Quả thật tôi đã thấy con voi như đã rút nhỏ bớt. Đến nỗi lúc đầu tôi tưởng là thành phố đã mang đâu về một con voi mới nhỏ hơn. Thế nhưng tôi đã chẳng bao giờ nghe nói chuyện có voi mới cả -gì chứ chuyện voi thì tôi không bao giờ bỏ sót một tin tức nào trên đài hay báo chí-. Thế thì, chỉ có thể nghĩ được rằng con voi già ấy đã vì lý do gì đấy mà thình lình rút nhỏ lại mất, chứ không còn cách suy nghĩ nào khác nữa. Mà nhìn cho kỹ thì cử chỉ của con voi thu nhỏ ấy hoàn toàn giống y chang cử chỉ thường ngày của con voi già. Lúc được lau rửa, voi có vẻ vui thích, chân phải giậm giậm lên mặt sàn và chiếc mũi có phần rút gọn bớt ấy xoa xoa lên lưng người nuôi voi.

Thật là một quang cảnh kỳ dị. Từ khung cửa ống thông hơi chăm chú dòm vào bên trong như thế, tôi có cảm tưởng cứ như là chỉ bên trong chuồng voi ấy có một dòng thời gian riêng đang trôi đi lành lạnh trên da. Và voi cùng người nuôi voi hoan hỉ buông thả cho cái thứ nguyên mới ấy đang gắng sức bao cuốn cả hai vào trong -mà thật cũng đã bao cuốn được một phần của họ rồi-.

Tôi nghĩ là toàn bộ thời gian tôi đã ngắm bên trong chuồng voi lúc ấy là khoảng không đến 30 phút. Đèn trong chuồng voi đêm ấy tắt sớm hơn lệ thường nhiều, lúc 7 giờ 30 đã tắt ngúm hết, từ đấy tất cả bao trùm trong bóng đêm. Tôi vẫn còn nán lại đấy, chờ xem đèn trong chuồng voi được bật sáng lên trở lại chăng, nhưng không thấy.

Đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy con voi ấy.

-"Vì thế nên anh nghĩ là voi đã cứ thế tiếp tục nhanh chóng rút nhỏ lại rồi chui lọt qua kẽ rào mà thoát ra mất, hoặc là rút nhỏ đến biến tiêu đi mất, phải thế không?"

-"Anh không rõ". Tôi nói. -"Anh chỉ gắng nhớ lại càng chính xác càng tốt những gì mà mắt mình đã thấy được, thế thôi. Những gì hơn thế nữa thì anh hầu như không nghĩ đến. Những gì thấy được đã cho anh ấn tượng quá mãnh liệt, nên thành thật mà nói thì anh không sao nghĩ ra được chuyện gì hơn thế, như là từ đấy mà suy đoán ra thêm điều gì khác".

Đấy là trọn bộ những điều tôi có thể nói về chuyện con voi biến mất. Như tôi đã dự tưởng từ đầu, câu chuyện này quá đặc thù và tự nó cũng quá hoàn-kết để có thể dùng làm đề tài nói chuyện giữa một đôi thanh niên nam nữ vừa mới quen biết nhau. Tôi kể chuyện xong, cả hai im lặng một hồi rõ lâu. Sau câu chuyện con voi biến mất hầu như chẳng cho thấy chút manh mối gì cả ấy, cả tôi lẫn nàng đều bối rối không biết nên đưa ra loại đề tài nào để chuyện trò tiếp với nhau. Nàng miết ngón tay lên thành ly rượu pha, tôi đưa mắt đọc đi đọc lại hàng chữ trên miếng lót tròn dưới ly, khoảng 25 lần. Quả thật, đáng lẽ tôi đừng đem chuyện voi gì đấy ra nói thì hơn. Bởi chẳng phải là chuyện có thể thổ lộ được với người nào.

-"Ngày xưa, có lần con mèo nhà em nuôi đã biến đi đâu mất". Một lúc rõ lâu sau, nàng nói. -"Nhưng mà, con mèo biến mất, với con voi biến mất, chuyện lại khác nhau đến như thế".

-"Khác nhau hẳn chứ. Kích thước đã khác nhau đến không so sánh được kia mà". Tôi nói.

30 phút sau, chúng tôi chia tay ở cửa khách sạn. Nàng chợt nhớ ra là đã bỏ quên cây dù trong quán rượu, nên tôi lên thang máy đi lấy cho nàng. Cây dù màu gạch có tay cầm to bản.

-"Cảm ơn anh". Nàng nói.

-"Ngủ ngon nhé". Tôi nói.

Từ đó, tôi không còn gặp nàng nữa. Chỉ có một lần nói chuyện qua điện thoại về chi tiết bài viết quảng cáo thôi. Lần ấy, tôi đã rất muốn mời nàng đi ăn hay gì đấy nhưng cuối cùng đã không rủ. Bởi trong lúc nói chuyện qua điện thoại, tôi chợt cảm thấy chuyện mời mọc ấy thì sao cũng chẳng sao cả. Cảm tưởng như thế tôi thường có từ khi có chuyện con voi biến mất. Mỗi khi định làm thử việc gì, tôi lại không còn thấy được sự khác biệt giữa hai kết quả tất yếu, từ sự thực hiện việc định làm, với sự trốn tránh không làm việc ấy. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy có vẻ sự vật chung quanh mình đã mất đi sự thăng bằng chính đáng cố hữu của chúng. Cũng có thể đó chỉ là ảo giác của tôi. Từ khi có chuyện con voi biến mất, bên trong tôi đã có gì đấy mất thăng bằng, vì vậy mà sự vật bên ngoài phản ảnh vào mắt tôi kỳ dị như thế không chừng. Trách nhiệm ấy có lẽ ở phía tôi.

Tôi vẫn như thường lệ, tiếp tục rao bán quanh quất những tủ lạnh, máy nướng bánh mì, máy pha cà-phê, ... dựa trên những hình tượng tiện nghi thực dụng còn sót lại của ký ức trong một thế giới chuộng tiện nghi thực dụng. Tôi càng gắng tỏ ra thực dụng thì càng bán được nhiều sản phẩm -đến nỗi cuộc vận động khuyến mãi của chúng tôi đã thành công vượt cả mức dự tưởng lạc quan nhất của chúng tôi-, tôi lại càng được nhiều người mời đón hơn. Có lẽ thiên hạ đòi hỏi tính thống nhất gì đấy trong cái nhà bếp khổng lồ là thế giới loài người. Thống nhất về kiểu mẫu, màu sắc, cơ năng.

Tờ nhật-báo hầu như không còn đăng ký sự gì về chuyện con voi nữa. Có vẻ mọi người đã quên đi mất chuyện ngày trước, thành phố của họ đã có một con voi. Sân voi cũ, cỏ mọc dày đã héo khô, chung quanh đã bảng lảng hơi hướm mùa đông.

Voi và người nuôi voi đã biến mất rồi, họ không còn trở lại nơi này lần nào nữa.

Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh dịch
 dịch

Sydney 07-2005

Chú thích:

[1] Tự Vệ Đội: Theo Hiến pháp hiện hành được lập nên từ chiến bại trong Thế chiến thứ Hai, Nhật Bản chỉ có Tự Vệ Đội thay vì Quân đội chính quy.

Truyện ngắn "Con voi biến mất - Zô no Shometsu" đã đăng trên tập san "Bungakkai - Văn Học Giới" số tháng 8 năm 1985, là truyện thứ 7 trong tập truyện "Đom Đóm" từ Nhà xuất bản Ðà Nẵng, quý 1 năm 2006.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro