Chương 18: Trái tim bị rút đến hao kiệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hơi thở dần trở nên bình ổn, tôi cố bấu chặt vào mép tường để đứng dậy. Vẫn mặc trên người bộ đồ bệnh nhân, cùng mái tóc đã rối nay lại càng rối tung lên vì gió thổi, tôi mò đường trở lại phòng trọ. Nhưng vì túi xách vẫn ở nhà hàng nên tôi không có chìa khoá để mở cửa. Chỉ đành ngồi bệt trước cửa phòng chờ bình minh lên, đồng thời đưa tay xoa bóp vết bỏng trên chân đang bong tróc da và túa máu. Lúc chạy trốn không thấy đau đớn, nhưng lúc này khi biết mình thoát khỏi nguy hiểm thì vết thương mới dần hành hạ tôi. Dòng máu chảy ra ngày càng nhiều, nhuộm đỏ chiếc quần bệnh nhân màu lam nhạt trên người tôi, thấm cả ra nền nhà trát xi măng.

Ánh dương ở chân trời phía đông đã dần ló dạng, tôi cố lê đôi chân vẫn đang nhỏ tong tong những giọt máu đến gõ cửa phòng bà chủ nhà. Mùi máu cùng bộ dạng của tôi suýt thì hù chết bà chủ, cũng may bà là người tốt tính nên cũng không mắng chửi gì tôi. Thấy tôi vẫn đang mặc đồ bệnh nhân, bà chủ hiểu ý thở dài. Lúc quay ra, trên tay bà ngoài chùm chìa khoá còn có thêm một lọ thuốc bôi trị thương ngoài da. Tôi cảm động, cúi gập người chín mươi độ cảm ơn.

"Không có gì, mau về nhà nằm nghỉ cho hồi sức đi. Bọn trẻ chúng cháu thật là... chả biết quý trọng thân thể mình gì cả..."

Tôi cảm ơn thêm một lần nữa, rồi quay lưng nhích từng bước một lên tầng hai. Cơn đau đến từ hai cẳng chân làm tôi có cảm tưởng như ai đó đang dùng dao rạch từng đường lên đấy, vệt máu chảy xuống kẽ ngón chân làm mỗi bước đi cũng trở nên khó khăn hơn vì trơn trượt. Tôi đã cố hết sức mới lết được tới tầng hai, và ngay khi cửa phòng khóa lại là trước mắt tôi đã tối sầm, kiệt sức mà ngã xuống.

.

Vết bỏng vì không được xử lí tốt đang dần hoại tử, mà tôi ngoài rửa sạch vết thương và bôi chút thuốc thì cũng chẳng còn cách nào khác. Lâu dần, không biết có phải ông trời thương xót hay không mà vết thương cũng dần có chuyển biến tốt, nhưng vì tôi hay di chuyển và đi lại nhiều nên khoảng ba tháng sau mới lành hẳn. Vết thương qua đi, để lại là chi chít những vết sẹo lớn nhỏ, cũng đồng thời đánh dấu sự trưởng thành trong tôi.

Vậy là tôi cũng đã mười tám tuổi rồi đấy!

Ông chủ nhà hàng là ai thì tôi vẫn chưa biết mặt, chỉ có điều may mắn là ông ta không đuổi việc tôi vì tội bỏ làm quá lâu. Nhưng còn công việc ở siêu thị thì không tốt như vậy, ngay ngày đầu tiên của tuần thứ hai kể từ ngày tôi bị thương, sau khi tôi tan ca từ chỗ nhà hàng thì đến siêu thị. Đón chờ tôi là ông quản lí dáng người béo phệ cùng ánh mắt khinh thường. Không nhiều lời, ông ta quăng cho tôi sấp tiền lương tháng đó rồi chỉ tay về phía cửa, từ tốn nói.

"Cô đã bị đuổi việc!"

Tôi cũng không buồn nói thêm câu nào, lượm lấy từng đồng tiền rồi vâng lời rời khỏi siêu thị. Lại tiếp tục tất bật với những trang tuyển dụng, chẳng sao, tôi quen thế rồi. Tối mắt tối mũi cả ngày, bỗng dưng nghe tiếng pháo nổ đùng đoàng trên cao. Ngẩng đầu lên, khoảng không rộng lớn vốn đen kịt đã được thắp sáng bằng những ánh pháo đầy màu sắc. Lúc ấy tôi mới bần thần nhận ra, lại một giao thừa nữa trôi qua rồi.

Lâu nay bận bịu đâm ra cũng ít gọi về cho bố mẹ, bấy giờ ngẫm lại hình như cũng có ngót nghét gần sáu năm rồi tôi chưa ăn tết ở nhà, chẳng biết mùi vị tết thôn quê có còn giống như trong trí nhớ hay không. Ngặt nỗi, tiền lương tháng này tôi đã gửi về nhà, chút ít bốc đồng muốn mua một tấm vé xe buýt đường dài về quê cũng bị hoàn cảnh thực tế ngâm nước nóng.

Tận dụng chút ít tỉnh táo sót lại sau ca làm mệt nhọc, tôi nhắn tin chúc mừng năm mới cho bố mẹ, Danh và Phương, rồi cũng không dám gọi về. Biết đâu khi nghe giọng tôi lúc này mẹ lại sụt sùi nữa thì biết tính sao, năm trước cũng một lần vậy rồi, nên năm nay tôi chả dại.

Mà đời cũng đâu phải muốn được nấy, tin nhắn gửi đi còn chưa kịp nóng máy thì màn hình đã nhấp nháy có người gọi. Tôi tựa vào tường gạch của khu chung cư, cất đi mệt nhọc trong giọng nói, bấm nghe.

"Không sắp xếp về thăm nhà một lần à? Bao năm chẳng về ăn tết nên giờ thành quen luôn rồi phải không?"

Tôi mỉm cười, bảo quen sao được mà quen hả mẹ, ngặt nỗi đến tết mấy cửa hàng tăng lương nên không về được thôi. Tôi xin bố mẹ cho khất, năm sau tôi chắc chắn sẽ về, mà mẹ có chịu đâu. Khuyên mãi chẳng được, đành nhường điện thoại cho thằng oắt con kể lể với chị nó.

"Chị đi biệt xứ không thèm về, không sợ em quên luôn mặt chị à?"

"Đếch sợ nhá. Có quên mặt thì chừng nào tao tẩn cho một trận lại nhớ ra ngay ấy mà. Tao chỉ sợ quên mất mày thôi, tại mờ nhạt quá ý nên chả nhớ nổi mày."

Mờ nhạt lắm, mờ đến nỗi tôi bây giờ vẫn nhớ thằng oắt con ngày xưa hay níu tay chị nó mếu máo bảo bố đánh, ai ngờ khóc lóc một thôi một hồi lại bị chị nó đập thêm vài phát. Nhưng nó chỉ sợ bố thôi chứ không sợ chị, tại chị lúc ấy đánh nó mà sao mặt cũng bí xị như cái bị. Thấy bảo nó thương chị nó lắm, tại chị đi học toàn điểm cao mà bố vẫn mắng, tại chị vẫn hay đánh nó nhưng tối tối vẫn mang thuốc sang xoa mông cho nó, thì thà thì thụt biết bao nhiêu là điều. Lớn dần, nó ít nói thương chị, nhưng cái tật luôn mồm bảo nhớ chị quá mãi chẳng đổi được. Chị nó mười tám tuổi thì chỉ có mười năm ở bên nó, còn lại thời gian kia toàn đi học xa nhà, mà chẳng bao giờ bảo thương, bảo nhớ nó cả. Bỗng dưng hâm hâm thế nào mà tôi lại buột miệng.

"Nhớ mày chết được ý."

Sau này, mỗi lần gọi về câu cửa miệng của tôi vẫn mãi là câu này. Nghe sờn đến nỗi Danh chỉ làu bàu nói biết rồi, nói mãi mà chả thấy phản ứng gì nữa. Còn hôm giao thừa đó ý à, nó sốc tới độ nghe mẹ bảo là suýt rơi cả nước mắt luôn rồi. Căn bản là từ nhỏ đến lớn có bao giờ thấy thái dộ chị nó hiền hoà như lúc ấy đâu, Danh lủng bủng bảo có khi tận thế sắp tới rồi, mà kể cũng lạ, tận thế đến mà sao trong ngữ điệu của nó lại có nét cười?

Bố khuyên, Danh khuyên, mẹ cũng khuyên, chán chê mê mỏi luôn mà tôi vẫn cứng đầu không chịu về. Cúp điện thoại rồi tôi mới thấy sống mũi cay cay, thì thầm tự bảo.

"Năm sau con sẽ về, nhất định thế..."

Năm sau, chẳng biết bao giờ mới đến năm sau mà tôi nói. Bởi lẽ cứ năm này sang thì tôi lại bảo năm sau tôi sẽ về, nhì nhằng mãi thế. Sáng mồng một đầu năm, trong khi vẫn đang loay hoay bê đồ ăn cho khách thì con bạn thân xách theo bao nhiêu là túi đến vỗ vai. Tôi hỏi sao nó không ở nhà ăn tết với bố mẹ mà chạy ra đây, Phương cười khì khì bảo.

"Tao trốn nhà theo gái."

Vâng, chị trốn là việc của chị, mắc mớ gì lại lôi tôi vào? Trốn nhà theo trai nghe đã kinh thiên động địa, bây giờ lại còn trốn nhà theo gái, khéo người ta lại hiểu lầm chúng tôi là một đôi thì có mà ăn cho hết. Mà không, dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu thì cũng không thể ghép cặp hai đứa con gái trong khi xen giữa chúng nó có một thằng con trai được. Lúc đầu tôi đoán là bạn trai nó cơ, ai ngờ nó lại cấu tay tôi rõ đau, bảo đấy là bạn trai tôi chứ có liên quan gì đến nó đâu. Ơ hay, tôi có bạn trai hồi nào thế nhỉ, cớ sao tôi lại không biết?

"Mày rõ ngu, không biết thì bây giờ biết chứ sao. À, đây là anh Phong, là bác sĩ khoa tim mạch." Phương quay sang người bên cạnh, nói nhỏ nhẹ: "Còn đây là Dương, bạn thân của em. Hai người làm quen đi."

Tôi nghi hoặc nhìn Phương, nhưng không tỏ thái độ gì nhiều, có điều, tôi không phản đối không có nghĩa là tôi đồng ý với sự sắp xếp của nó. Vậy nên khi tôi giữ nguyên khuôn mặt tảng băng ngàn năm lạnh lùng xa cách, và thành công đuổi hết những Phương giới thiệu với tôi, nó đã vô cùng tức giận, lại còn bảo phải tuyệt giao với tôi. Nhưng số chúng tôi hình như bị gán vào với nhau rồi, nên dù giận nhau ra sao vẫn quay về làm bạn như thường.

Tôi hiểu dụng ý của Phương. Nhưng khổ nỗi, trái tim tôi nó đâu có nghe lời tôi sai khiến? Bảo nó đừng nhớ người ta nữa mà nó còn không nghe lời, chứ đừng nói chi kêu nó đi yêu người khác.

Thỉnh thoảng, tôi nghe đồn Vũ hình như đang giận bạn gái hay sao mà sản phẩm âm nhạc nào cậu tung ra cũng nồng nặc mùi chua, chua còn hơn cả giấm ý. Rồi dăm bữa nửa tháng sau lại nghe hình như Vũ lại chuyển sang loại nhạc nghe đầy vị vô tình. Chỉ nghe nói thôi, bởi tôi đâu có đủ cản đảm để lên mạng tra xem cuộc sống cậu ra sao?

Tóc tôi lại dài ra, hơi vướng víu nhưng tôi không nỡ cắt. Tại trước kia lỡ hứa với Vũ không được cắt rồi, dù bây giờ cậu không ở bên để biết được tôi có thất hứa hay không, thì tôi cũng chẳng dám động đến cây kéo căt tóc.

Thời gian này cuộc sống cũng khá hơn một chút, đi làm thì vẫn hai mươi tiếng một ngày, nhưng cũng dư ra chút tiền để thỉnh thoảng lên cơn nghiện lại mua vài cốc cà phê uống. Mà uống bao lần cũng chẳng tìm được vị giống lúc trước, chỉ thấy bây giờ cà phê sao mà đắng quá thể. Ngặt nỗi, nghiện rồi nên không bỏ được.

Tôi cứ nghĩ, vụt mất Vũ là điều mất mát nhất mà tôi phải chịu, sinh nhật mười bảy tuổi năm đó cũng là ngày mà tôi đau khổ nhất trong đời. Tuy nhiên cái khổ khi nỗi nhớ dằn vặt dày vò thân thể lẫn tâm trí tôi khi ấy vẫn không thể làm tôi gục ngã. Nhưng lại đúng vào sinh nhật mười chín tuổi năm đó, tôi mới hiểu thế nào là mất mát, là đau khổ, là dằn vặt tự trách.

Lồng ngưng tôi căng cứng tưởng chừng nghẹt thở, vừa mới đây thôi tôi còn nghe mẹ gọi điện báo tin mẹ và Danh lên thành phố mừng sinh nhật tôi. Chưa kịp vui mừng, ánh mắt chúng tôi chỉ mới chạm nhau chưa tới ba mươi giây thì mi mắt mẹ đã khép lại. Tôi nghe tiếng Danh hét bảo đừng mà, nhưng chẳng còn kịp nữa. Người tài xế xe tải rồ ga lao thẳng vào tấm thân gầy yếu của mẹ, hất tung chiếc bánh sinh nhật bà ôm trên tay. Cả người mẹ văng xa chừng năm mét, máu đỏ bọc lại vầng trán hằn những nếp nhăn lo toan của bà. Vệt máu loang lổ thấm ra khắp cả mặt đường bỏng rát, đâu đó có tiếng xì xào bàn tán. Trước mắt tôi lúc này chỉ còn một màu trắng xoá đến nhức mắt, bác sĩ bảo mẹ bị chấn thương sọ não quá nặng dẫn đến tử vong. Tôi không tin, bên tai tôi còn văng vẳng tiếng mẹ nói cười đây này, mẹ nhỉ, làm sao mẹ nỡ bỏ con cho được?

Có phải vì tôi cứng đầu không chịu về nhà, nên mẹ mới trừng phạt tôi bằng cách này? Chắc mẹ đang giận lẫy nên mới ngủ thôi, đợi mẹ tỉnh lại là tốt rồi. Nhưng không, chẳng ai nghe tôi nói cả, họ phủ tấm khăn trắng muốt lên tận đầu mẹ, họ vỗ vai tôi và Danh ra chiều an ủi, bảo tôi đừng quá đau buồn. Ai mà tin, ai mà thèm đau buồn, mẹ tôi có bỏ tôi đi đâu mà phải buồn?

"Mẹ... con không bướng nữa... con theo mẹ về nhà... được không? Sau này con không đi đâu nữa hết... con ở nhà với mẹ thôi...mẹ... mẹ đừng dỗi nữa. Mẹ ngồi dậy đi... mẹ ơi... mẹ..."

Tôi đã gọi không biết bao nhiêu lần, gọi đến khi rát cả cổ họng mà mẹ cũng không chịu tỉnh. Tôi rốc cuộc cũng không thể khống chế những giọt nước mắt mặn đắng, càng không thể ngừng rên rỉ và van xin mẹ quay về.

Nhưng cái tôi nhận được, chỉ là thân nhiệt mẹ dần hạ xuống, là khuôn mặt mẹ trở nên trắng bệch một cách kì lạ, là cái nhìn thấy thương cảm của những người phúng viếng mẹ trong hôm đưa tang. 

Tôi không biết mình lúc nào tỉnh lúc nào mơ, chỉ biết dường như ngay cả khi ngất đi khoé mắt tôi vẫn không ngừng chảy ra những giọt nước trong suốt. Cứ thể tỉnh rồi ngất chẳng biết bao nhiêu lần...Mẹ lúc này nằm trong chiếc quan tài lạnh lẽo, gương mặt mẹ trên tấm bia mộ vẫn rạng rỡ như vậy. Nhưng tôi thấy lòng mình đau quá, như bị ai xé rách lục phủ ngũ tạng, trái tim cũng bị rút đến hao kiệt, nước mắt mải miết chạy dọc hai bên gò má, chẳng bao giờ chịu khô.

Con sai rồi.

Thật sự sai rồi mẹ ạ.

Giá kể tôi nghe lời mẹ, về quê ăn tết, thì việc gì bà phải chạy đến tận thành phố để ăn sinh nhật tôi? Tôi đấm bình bịch vào lồng ngực đang căng cứng, là tại tôi, đều là tại tôi, mẹ chắc chẳng tha thứ cho tôi đâu, tôi là đồ bất hiếu.

Sau cái ngày đáng lãng quên ấy, bố tôi trầm mặc hơn trước, gương mặt ông lộ rõ vẻ tang thương. Danh thì gầy rộc đi hẳn. Riêng tôi thì ốm liệt giường cả tuần liền, bởi nỗi mất mát này quá lớn, hoặc bởi tôi vẫn đang tự trách nên không ngừng giày vò thân xác bằng những cú tát mạnh vào da thịt. Nước mắt tôi rơi suốt, rơi nhiều đến mức Danh phải lôi tôi ra khỏi đống chăn, quát.

"Chị khóc cái gì mà khóc mãi thế? Ốm mà cứ nằm lì kiểu đấy thì đến bao giờ mới khỏi cho được? Dậy đi lại cho khuây khoả, nhanh."

Khuây khoả đâu chẳng thấy, chỉ thấy người như dần lả đi mà thôi. Mà tôi bướng lắm, sốt gần bốn mươi độ mà nghe bố sai Danh làm ít cá nấu cháo bồi bổ cho tôi thì lại lăng xăng chạy ra giếng tự mình bắt cá ra đánh vảy. Thật ra vẫn đang trong tang kì, nhưng bố bảo xác tôi bây giờ ăn chay kiểu gì cũng gục, vả lại tôi cũng đang ốm, nên phải ăn chút đồ có dinh dưỡng thì mới khỏi được.

Mà kể cũng lạ, cá để trong tủ lạnh mấy ngày liền, đông thành đá rồi, ấy vậy mà khi tôi đánh vảy lại thấy tuôn ra cả ối máu. Là tôi đang cắt đầu cá, mà sao tay lại đau đến thế?

"Chị cắt cổ tay làm cái gì? Định đi theo bà ấy luôn có phải không? Muốn chết thì mua thuốc ngủ mà chết cho sướng, cần gì phải tự cắt tay để rút khô hết máu cho khổ, hả?"

Lần đầu Danh dám quát tôi, mà sao mắt nó cũng hoe đỏ đến lạ? Nó bắt lấy cánh tay đầy máu của tôi rửa vội trong nước lạnh, rồi lật đật kéo tôi vào nhà băng lại vết thương, tôi kiệt sức đến nỗi tới mi mắt còn chẳng buồn mở ra. Không bao lâu sau, Danh bỏ ra khỏi buồng tôi, lúc này tôi mới ráng mở mắt, và thấy cổ tay mình dường như nóng lên hẳn bởi những giọt nước còn đọng trên đó.

Nó khóc à? Tôi mới là người bị thương, tôi còn chưa khóc, nó khóc lóc cái gì cơ chứ?

"Dì Năm mới nấu chén cháo cho chị này, dậy ăn đi mà còn uống thuốc!"

Tôi gượng dậy, cố gắng nuốt chén cháo đắng ngắt, vị hăng hăng trong cháo khiến tôi nhăn mày thật chặt. Có lẽ bị bộ dạng như nuốt phải ruồi của tôi doạ sợ, Danh giật lấy chiếc muỗng trên tay tôi, kiên nhẫn vớt từng cọng hành lá phủ xanh bát cháo rồi mới từ từ xúc một muỗng đưa lên tận miệng cho tôi.

"Không ăn được hành mà cứ cố, chưa thấy ai cứng đầu như chị. Nào, há miệng ra."

Tôi ngoan ngoãn húp hết bát cháo, Danh đưa nước và một vốc thuốc cho tôi. Trước khi ra khỏi căn buồng, nó vẫn không quên bỏ lại một câu.

"Đàn ông nhà này không phải chết hết đâu, nên chị không cần gồng mình mà bươn chải như thế. Chờ đi, chờ em trưởng thành rồi, em nhất định sẽ không để chị sống cực khổ như thế nữa."

Nhóc con của tôi hình như lớn khôn thật rồi thì phải, nó còn biết an ủi chị nó cơ mà. Rồi, tôi bất chợt nhận ra, không phải riêng tôi cảm thấy đau lòng trước sự ra đi của mẹ. Vậy mà tôi chỉ biết quan tâm đến cảm nhận của bản thân, chỉ biết khóc lóc mà không nhận ra bố và Danh cũng sẽ đau lòng và lo lắng cho tôi. Một chút sự ích kỉ trong lòng tôi bay sạch sẽ, giọt nước mắt cũng vội rơi xuống nhưng nhanh chóng bị tôi lau đi. Tôi đã khóc đủ rồi, và bây giờ phải mạnh mẽ để còn làm chỗ dựa cho Danh và bố nữa chứ. Mất đi Vũ, mất đi mẹ, đời tôi vẫn còn tận hai người đàn ông quan trọng và một người bạn thân chí cốt cơ mà. Tôi còn may mắn hơn khối người ngoài kia!

"Vậy trước khi mày trưởng thành, chị cũng sẽ để mày sống cuộc sống vô ưu vô lo, không sầu não hay phiền muộn..."

Là tôi tự thì thầm thôi, chứ Danh đã khuất dạng từ lâu rồi. Đây là lời hứa duy nhất tôi có thể thực hiện với tư cách một người chị gái.

Tôi chỉ ở lại nhà thêm mấy ngày, rồi lại phải cuốn gói trở về thủ đô. Toàn bộ mọi công việc đã mất hết, tôi lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Vô tình trong lúc đi xin việc có đi ngang qua một quán nước có cái tên "Rains", tôi đã không do dự mà xin vào làm bồi bàn. Vả lại, tiền nợ ngân hàng đã trả gần hết. Vậy nên tôi cũng không miễn cưỡng bản thân mình quá, chỉ làm việc ở Rains và giữ lại công việc dịch thuật mà không làm thêm công việc nào khác.

Người ta nói dòng chảy thời gian là vô tình nhất, bởi không có một ai có thể làm nó ngừng trôi, sức mạnh của thời gian là vô biên giới. Ấy vậy mà tại sao nó không lấy đi kí ức về Vũ trong tôi, để khi gặp lại cậu sau ba năm xa cách, trái tim tôi vẫn đau đến thế này? Để khi nghe tin cậu ngã bệnh, tôi vẫn không kiềm lòng được mà lo lắng, mà tức tốc trở lại thủ đô? Lại là một sự dại dột đến ngốc nghếch, bởi khi lần nữa tỉnh lại trong bệnh viện, tôi lại thất vọng khi bên cạnh mình hoàn toàn không có bóng dáng của Vũ.

"Mày đang tìm cái gì?"

Giọng nói trong trẻo pha lẫn chút quan tâm làm tôi thoáng giật mình. Ngước đầu về nơi phát ra âm thanh, tôi thấy Trang đang cầm phích nước nóng đứng trước cửa phòng bệnh, nét mặt vương chút gượng gạo.

Vội vàng hồi tưởng lại những chuyện trước khi ngất đi, tôi nhớ rõ ràng lúc ấy mình đang nằm trước cổng nhà Vũ, tại sao bây giờ lại nằm ở đây? Chẳng lẽ Trang đưa tôi vào?

Có lẽ vì hôn mê quá lâu nên cổ họng tôi rất khô, khẽ đằng hắng giọng, tôi mới cất lên tiếng nói khàn khàn hiếu kì.

"Là cậu... đưa tôi vào đây à?"

Trang tần ngần bước vào trong, mở nắp phích nước rót ra một cốc nước đầy. Qua làn nước nóng đang bốc hơi, tôi nghe giọng nói Trang lại trở về vẻ chanh chua như thường ngày.

"Chẳng phải tao tốt tính đột xuất đâu! Ai bảo mày nằm chết gí ngay trước cống nhà anh Vũ, báo hại tao đi ngang qua không cẩn thận dẫm lên người mày. Cảm thấy tội lỗi quá nên tao mới xách mày lôi đến bệnh viện thôi. Mà này, bỏ ngay cái xưng hô lịch sự ấy với tao đi, nghe khó chịu lắm."

Tôi gượng cười. Trang mặc kệ tôi, cô ấy thổi phù phù cho nước bớt nóng rồi thả vào đấy hai muỗng sữa, khuấy đều. Sau khi đặt cốc sữa xuống bàn, cô ấy mới vặn điều chỉnh cho giường bệnh nâng độ cao. Dúi vào tay tôi cốc sữa âm ấm, Trang ngập ngừng nói.

"Bác sĩ bảo mày bị dị ứng, nhưng thức ăn bị tiêu hoá rồi nên rửa ruột rồi vẫn không biết dị ứng cái gì. Nói nghe xem trưa hôm đấy ăn cái gì, để tao còn biết mà báo bác sĩ viết bệnh án."

Tôi há hốc mồm, dị ứng? Từ nhỏ đến lớn tôi ăn cái gì cũng đâu thấy bị dị ứng đâu? Sao khi không lại bị dị ứng vào lúc này? Vả lại đồ ăn trên máy bay quá khó ăn, nên tôi chỉ ăn tạm vài múi cam thôi mà. Khoan đã, chẳng nhẽ thủ phạm là...cam sao?

Nhưng xưa giờ tôi ăn cam có thấy bị gì đâu? Nghe tôi tường thuật, Trang gật gù phán.

"Vậy là bị dị ứng phát sinh rồi. Tức là khi nhỏ không bị mà lúc lớn vì lí do như sinh lí hay môi trường sống nên mới bị dị ứng ấy. Xem như số mày thảm đi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro