Đề 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề 4. Phân tích bài thơ Mộ ("Chiều tối") của Hồ Chí Minh để chứng minh cho nhận định của Hoàng Trung Thông:
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình

1. Giải thích
- Chất thép và chất trữ tình trong thơ Bác:
+ Thép là cách nói hình tượng, biểu trưng cho bản lĩnh, ý chí kiên cường, sắt đá.
+ Thơ Bác đầy chất thép nhưng cũng hết sức trữ tình, nồng hậu, ấm áp tình người, tình đời.
-> Thơ Hồ Chí Minh luôn có sự hoà hợp, thống nhất giữa hai đặc điểm này.
- Lí giải:
+ Cội nguồn của chất trữ tình chính là tấm lòng đại nhân của Người. Cội nguồn của chất thép chính là phẩm chất đại dũng, là tinh thần kiên gan vốn có ở người chiến sĩ cộng
sản.
+ Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh: Nay ở trong thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

2. Chứng minh
- Hoàn cảnh sáng tác Nhật kí trong tù: Khi Hồ Chí Minh bị giam cầm tù đày nơi đất khách quê người.
- Chất thép trong Chiều tối:
+ Thời điểm chiều tối: thời khắc cuối cùng của hành trình lao giải, tù nhân hẳn rất mệt mỏi và buồn nhớ quê hương. Nhưng trong người chiến sĩ cộng sản, cảm hứng thơ ca vẫn cất lên tự nhiên, bay bổng với những hình ảnh thơ hướng về sự sống, ánh sáng.
+ Hai câu thơ đầu: Người tù - chiến sĩ đã hoàn toàn quên đi cảnh ngộ riêng của mình để bày tỏ lòng yêu mến, đồng cảm với cánh chim chiều và chòm mây cô đơn.
+ Hai câu sau:
-> Hình ảnh thơ hướng đến sự sống con người.
-> Hình ảnh thơ đẹp, khoẻ khoắn: con người trong lao động.
-> Chữ hồng ở vị trí cuối cùng của bài thơ nhưng đủ sức toả sáng và làm ấm lại không gian chiều tối miền sơn cước.
-> Ý chí thép, tinh thần thép đã kết đọng trong cảm hứng thơ để rồi bật lên thành những câu thơ tuyệt hay, tuyệt đẹp.
- Chất trữ tình trong bài thơ:
+ Hai câu thơ đầu thể hiện sự gắn bó, tấm lòng yêu thiên nhiên, tấm lòng vị tha, nhân ái của Hồ Chí Minh.
+ Hai câu sau là niềm vui, là tấm lòng nâng niu, trừu mến, chút reo vui trước cuộc sống bình thường nghèo khổ nhưng bình yên (Lê Trí Viễn).
-> Sự hoà hợp, thống nhất giữa chất trữ tình và chất thép, giữa xúc cảm và ý chí kiên cường chính là một trong những nét phong cách nghệ thuật nổi bật trong sáng tác của nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Bài làm
Nhật kí trong tù là một trong những di sản quí báu mà Hồ Chí Minh- nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng vĩ đại đã để lại cho nhân dân Việt Nam cũng như cho toàn thể nhân loại. Hơn hai trăm bài thơ thể hiện một phong cách nghệ thuật độc đáo, trong đó, nổi bật lên là sự hoà quyện, thống nhất tuyệt đẹp giữa chất thơ và chất "thép"- đúng như nhận định của Hoàng Trung Thông:
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình
Đọc câu thơ của Hoàng Trung Thông, có lẽ chúng ta đều chung một mối băn khoăn: Thơ là tiếng lòng, thơ bắt nguồn từ cảm xúc, tại sao thơ của Bác lại là vần thơ thép? Phải hiểu chữ thép ở đây thế nào cho thoả đáng? Thực ra, với nhận định trên, Hoàng Trung Thông đã tỏ rõ sự am hiểu và cảm nhận tinh tế của mình khi đọc thơ Hồ Chí Minh. Một trong những đặc điểm nổi bật của thơ Hồ Chí Minh là chất thép, là sự thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí sắt đá. Thép là cách nói hình tượng, biểu trưng cho bản lĩnh, ý chí đó. Thơ Bác đầy chất thép nhưng cũng hết sức trữ tình, nồng hậu, ấm áp tình người, tình đời. Hầu như dòng thơ, bài thơ nào của Hồ Chí Minh cũng có sự hoà hợp, thống nhất giữa hai đặc điểm tưởng như trái ngược này.

Thực ra, không khó để lí giải về sự xuất hiện và hoà quyện giữa chất trữ tình và chất thép trong thơ Hồ Chí Minh. Cội nguồn của chất trữ tình chính là tấm lòng đại nhân của Người. Còn cội nguồn của chất thép chính là phẩm chất đại dũng, là tinh thần kiên gan vốn có ở người chiến sĩ cộng sản. Mặt khác, trong quan điểm sáng tác của mình, Hồ Chí Minh cũng đã xác định:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
(Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi")

Và tất cả đều được nâng đỡ bởi một tâm hồn nghệ sĩ. Càng trong gian khổ, hi sinh, thi sĩ- chiến sĩ càng có nhiều vần thơ hay, độc đáo.

Ở Nhật kí trong tù, Chiều tối là một trong nhiều bài thơ thể hiện rõ sự hoà quyện giữa chất trữ tình và chất thép:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.

Chúng ta đều biết tập thơ Nhật kí trong tù được Hồ Chí Minh sáng tác trong hoàn cảnh bị giam cầm tù đày nơi đất khách quê người (Trung Quốc). Nhan đề "Chiều tối" (Mộ) hé mở ra cho người đọc biết khoảng thời gian chiều tối - có lẽ đây là những thời khắc cuối cùng của hành trình lao giải. Chúng ta có thể hình dung ra những vất vả, gian lao, những đày ải mà người tù chính trị phải chịu đựng suốt một ngày dài. Trạng thái mệt mỏi, và nỗi buồn nhớ quê hương đất nước là điều tất yếu xảy đến trong tinh thần người tù. Nhưng xiềng xích kẻ thù có thể trói buộc, gông cùm thân xác người chiến sĩ cách mạng mà không thể nào khoá được tâm hồn nghệ sĩ cất lên tiếng thơ yêu đời. Bằng chứng là cảm hứng thơ ca vẫn cất lên thật tự nhiên, bay bổng với những hình ảnh thơ hướng về sự sống, ánh sáng.

Dễ dàng nhận thấy ở hai câu thơ đầu, cảm xúc thơ hướng vào những hình ảnh thiên nhiên cụ thể: cánh chim, chòm mây. Những thực thể này không đi vào thơ Hồ Chí Minh với trạng thái tĩnh lặng mà với trạng thái vận động tự nhiên: chim mỏi về rừng tìm cây ngủ, chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không. Hướng cái nhìn vào sự sống thiên nhiên, dường như người tù - chiến sĩ đã hoàn toàn quên đi cảnh ngộ riêng của mình. Điều này đã phần nào chứng tỏ sự chiến thắng tuyệt đối trước hoàn cảnh tù đày lao khổ của Hồ Chí Minh.

Thơ Bác có một đặc điểm rất độc đáo: mạch thơ, hình ảnh thơ cũng như tư tưởng ít khi tĩnh tại mà luôn vận động một cách khoẻ khoắn, hướng về sự sống và ánh sáng. Từ hình ảnh thiên nhiên ở hai câu đầu, đến hai câu sau hình ảnh thơ hướng vào sự sống con người. Cũng là con người xóm núi nhưng tất nhiên, đó không phải là con người buồn lặng như trong thơ
Bà Huyện Thanh Quan:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Qua đèo Ngang)

Đây là một hình ảnh đẹp, khoẻ khoắn bởi con người hiện diện không ở trong trạng thái tĩnh tại mà là con người trong lao động. Lối điệp vòng tròn ma bao túc diễn tả chính xác, sinh động hình ảnh những vòng xoay của cối ngô cứ quay mãi, quay mãi theo bàn tay đưa cối của cô gái. Và đến khi cối xay dừng lại thì "lô dĩ hồng", lò đã rực hồng, tức trời tối, trời tối thì lò rực lên. (Lê Trí Viễn). Chữ "hồng" ở vị trí cuối cùng của bài thơ nhưng đủ sức toả sáng và làm ấm lại không gian chiều tối miền sơn cước. Một mình nó cân lại với hai mươi bảy chữ phía trước. Chữ hồng không chỉ là nhãn tự của bài thơ mà còn là "nhãn tâm" của tinh thần người tù- chiến sĩ. Không quên rằng đôi chân đang lê xiềng xích, hai tay đang bị gông cùm, không quên rằng lính áp tải vẫn thúc giục bước nhanh, làm sao người tù có thể viết được những câu thơ ấm áp niềm vui bình dị như thế?

Đọc Chiều tối, cảm nhận được ý chí vượt thoát chiến thắng hoàn cảnh và theo dõi sự vận động của hình tượng thơ, chúng ta càng thêm hiểu thế nào là "tinh thần ở ngoài lao"
(Tinh thần tại ngục ngoại) của Hồ Chí Minh. Ý chí thép, tinh thần thép đã kết đọng trong
cảm hứng thơ để rồi bật lên thành những câu thơ tuyệt hay, tuyệt đẹp.

Nhưng đúng như nhận định của Hoàng Trung Thông, thơ Bác không chỉ thấm đượm tinh thần thép mà còn mênh mông bát ngát tình. Trong bài thơ Khai quyển - mở đầu cho tập Nhật kí trong tù, Hồ Chí Minh viết:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Đó cách lí giải khiêm tốn của người về sự ra đời của tập thơ Ngục trung nhật kí. Nhưng ai cũng hiểu rằng, nếu tâm hồn Hồ Chí Minh không thực sự rung động, nếu trong người nghệ sĩ này không có sự thúc bách của tâm hồn, của cảm xúc, liệu rằng những vần thơ có thăng hoa? Bởi lẽ, đúng như ai đó đã nói thơ là sự chín đỏ của cảm xúc, thơ là tiếng lòng, là lời ca cất lên tự sâu thẳm trái tim người sáng tạo.

Với bài thơ Chiều tối chất trữ tình lộ hiện trực tiếp ngay từ những câu thơ đầu tiên, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm như: "mỏi", "cô đơn", "lững lờ" (quyện, cô, mạn mạn), những hình ảnh thơ gợi cảm: cánh chim chiều bay về tổ, chòm mây trôi vô định giữa bầu trời.

Chiều tối là không gian nghệ thuật thường xuất hiện trong văn học. Không gian này luôn mang đến nỗi buồn. Nỗi buồn của người tù cộng sản trong bài thơ là nỗi buồn của người xa xứ, của người lữ thứ đang ở nơi đất khách quê người. Chiều tối là thời khắc mọi người sửa soạn sum họp với gia đình và chuẩn bị quây quần bên mâm cơm nóng sốt. Nhưng người tù vẫn đang ở chặng cuối của hành trình lao giải. Cô đơn, mệt mỏi là trạng thái tất yếu diễn ra trong tâm trạng, tinh thần con người lúc này. Vậy nên, nhìn cánh chim bay về rừng tìm nơi trú ẩn, nhìn chòm mây trên bầu trời vẫn lững lờ trôi, trong người tù xuất hiện mối đồng cảm thân thương đến lạ. Những chữ "mỏi" (quyện), "cô đơn" (cô), "lững lờ" (mạn mạn) đồng hiện trong đó trạng thái tinh thần, tâm trạng của cả con người và sự vật. Hai câu thơ trên thể hiện sự gắn bó, tấm lòng yêu thiên nhiên của nhà thơ. Không yêu, không gắn bó, sao có thể hướng tới thiên nhiên- một thế giới thiên nhiên thực để viết nên những vần thơ cho mình? Tiếp nữa, chúng ta phải thấy rằng, chiều sâu của tình yêu đó là thể hiện mối tương giao, đồng cảm, thể hiện tấm lòng vị tha, nhân ái của Hồ Chí Minh:
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
(Bác ơi! - Tố Hữu)

Cùng với sự vận động của mạch thơ, hình ảnh thơ, tình cảm, cảm xúc thơ cũng có sự biến chuyển. Hai câu trước tả cảnh buồn, lòng người không thể vui là lẽ tất yếu. Nhưng nỗi buồn, đơn côi ấy không lặp lại trong hai câu sau nữa. Thay vào đó là niềm vui, là tấm lòng nâng niu, trừu mến, chút reo vui trước cuộc sống bình thường nghèo khổ nhưng bình yên (Lê Trí Viễn). Ánh lửa hồng rực rỡ cuối bài làm ấm lên sự sống, soi chiếu hình ảnh khoẻ khoắn của cô gái xay ngô, thể hiện niềm vui hồn nhiên, bình dị của cuộc sống lao động.

Niềm vui riêng của Hồ Chí Minh cũng chính là niềm vui mang tính nhân loại. Bởi lẽ người đã sẵn sàng lấy cái vui nho nhỏ của đời thường để quên hẳn nỗi bất hạnh của riêng mình. Thế mới biết cái tình của Người mênh mang bát ngát đến nhường nào.

Thực ra, trong chỉnh thể thống nhất của văn bản, chất trữ tình và chất thép của hồn thơ Hồ Chí Minh không hoàn toàn tách biệt nhau mà luôn đan xen, hoà hợp trong từng câu chữ. Không chỉ trong Chiều tối mà trong nhiều bài thơ khác (như Giải đi sớm, Cảnh chiều hôm...) ta cũng cảm nhận được điều đó. Nói như vậy để thấy rằng sự hoà hợp, thống nhất giữa chất trữ tình và chất thép, giữa xúc cảm và ý chí kiên cường chính là một trong những nét phong cách nghệ thuật nổi bật trong sáng tác của nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#mỏ