Đoạn 1: cùng chiếc thuyền than

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một sáng sớm chớm đông, tiết trời mát mẻ hơn là se lạnh như thường thấy, xem ra đây là dấu hiệu cho một mùa đông ấm áp ít khắc nghiệt. Ngoài bến thuyền đã đậu đông đúc, những con thuyền chở đầy những sọt than đen óng chuẩn bị được trở đi theo hướng con sông tới các khu chợ. Một người đàn ông tuổi gần tứ tuần, thân mặc áo viên lĩnh nâu ngắn tay, vạt áo còn dính bụi than, đầu đội nón lá tơi ngồi khua mái chèo nhè nhẹ. Sự xuất hiện của người đàn ông khiến mấy kẻ lái thuyền không khỏi giật mình.

"Lạy ông, sao... sao hôm nay ông lại xuống thuyền đột ngột thế ạ?"

Người đàn ông phẩy tay:

"Mấy hôm này cho nhà ngươi nghỉ ngơi, về thăm vợ con đi, ta sẽ đích thân mang than đến chợ."

Ông lái thuyền dù lớn hơn người đàn ông ngót nghét chục tuổi nhưng vì cái thân phận của kẻ làm thuê nên phải khúm núm, sợ hãi. Lão cứ nghĩ bản thân đã làm gì phật ý chủ nhân, thế nhưng nếu chủ nhân mà phật ý thật thì có lẽ đã thẳng tay đạp lão lăn xuống sông rồi đuổi về quê chứ không nhẹ nhàng thế này. Biết là không nên hỏi gì thêm nên người lái thuyền liền cúi chào rồi lẳng lặng ra về.

Những người khác dưới sông không ai dám lên tiếng hỏi, chỉ im lặng đẩy thuyền đi về hướng đã định trước.

Người đàn ông trên thuyền đứng hẳn dậy hạ nón tơi xuống nhìn ra xa theo bóng con sông đang uốn lượn. Trên môi người đàn ông nở một nụ cười, không quá lộ liễu nhưng cũng đủ để người ta hiểu hắn không phải là kẻ tầm thường như cái vẻ ngoài nhếch nhác của một gã bán than.

Hắn đúng là bán than, nhưng hắn không chỉ bán một thuyền than mà bán tới mười mấy thuyền than mỗi ngày khắp các vùng ở đất Chí Linh, Hồng Lộ này. Tám năm bán than, hắn từ kẻ tay trắng trở thành một con buôn có vốn liếng có tiền của.

Hắn vừa tới tuổi ba mươi sáu, thân người rắn rỏi, cao lớn, gương mặt sáng với vầng trán rộng và đôi mắt màu hổ phách, trên môi luôn nở một nụ cười nhẹ. Không hẳn là hắn đang vui, mà là hắn chỉ muốn kẻ đối diện nhìn vào hắn thấy khiếp sợ vì vẻ ngoài sắc sảo lại có chút gì đó ngạo nghễ khó lường.

Hôm nay đã là ngày thứ ba hắn xuôi thuyền xuống bến sông Bình Than, thế nhưng hắn chẳng bán lấy một sọt than nào. Ai hỏi thì hắn cũng cười bảo than để dành, không bán. Ấy thế mà ngày nào người ta cũng thấy hắn chèo thuyền khua nước ầm ĩ. Cho đến hôm nay, hắn không chỉ chèo thuyền khua nước mà còn cất giọng rao bán.

"Than đây! Than đây! Mua than đi!"

Hắn rao chẳng có chút thiện chí nào. Một người đàn bà đứng trên bến gọi vọng xuống thuyền hỏi:

"Than bán thế nào đấy anh gì ơi!"

"Than bán một sọt 15 đồng. Nửa sọt thì 8 đồng."

Người đàn bà nhăn mặt:

"Đắt quá. Lại đây xem than có tốt không nào."

Hắn ghé thuyền vào bến, người đàn bà mở sọt đầu thuyền ra cầm một vài thỏi than lên xem kỹ lưỡng. Hắn thì chẳng buồn ngó qua vị khách của mình một chút nào, mắt vẫn đang đảo nhìn về phía cái đình nổi của một quán trọ hạng sang. Thực ra đó không phải là quán trọ hay lữ xá gì cả, cái vẻ bề ngoài đó chỉ là để ngụy trang cho mục đích thực sự của cứ địa này. Đó là một nơi đặc biệt, được xây dựng dành riêng cho công việc hệ trọng của triều đình. Như bây giờ, bên trong đình là hoàng thượng và thượng hoàng, đang họp bàn với đại thể các vị trọng thần.

"Than ẩm thế này mà cũng bán. Lại còn bán đắt. Tưởng bà mù chắc?"

Người phụ nữ ném mấy thỏi than vụn xuống sọt rồi khua nước sông rửa tay và bỏ đi. Hắn cũng chẳng để ý lắm việc có bán được than hay không. Cái hắn quan tâm đang nằm bên trong đình. Hắn lại chèo con thuyền than chạy vòng qua chân đình cất giọng rao bán.

"Này lão bán than. Đứng lại."

Một tên lính mặc giáp đỏ lớn tiếng gọi phía sau thuyền của hắn. Hắn giả vờ không nghe, tiếp tục đi thêm. Lập tức một chiếc thuyền nhỏ vội vàng đuổi theo sau. Ra đến cửa Đại Than, khi hai anh lính nọ đã thấm mệt vì đuổi theo thuyền than của kẻ kỳ lạ thì mới bắt kịp được hắn.

"Ông lái thuyền ơi, đứng lại cho nhờ."

Nghe vậy thấy xuôi tai thì hắn mới dừng thuyền lại. Hai anh lính thở nhịp rồi lễ phép nói:

"Vua có lệnh triệu ông đấy ạ."

Hắn phẩy tay:

"Tôi chỉ là người buôn bán, có việc gì đâu mà vua phải triệu. Mời các anh đi cho, tôi còn bận."

Hai anh lính ngơ ngác rồi cũng không biết làm thế nào đành đánh thuyền quay về tâu lại với vua những lời y như hắn đã nói. Vị vua trẻ tuổi, dù chỉ mới hai mươi ba nhưng lại luôn toát lên vẻ chững chạc thâm trầm, vua cười:

"Đúng là hắn thật rồi. Người thường tất chẳng ai dám trả lời như thế."

Xong vua sai nội thị xuống thuyền đi gọi người bán than thêm lần nữa.

Lần này chiếc thuyền nhỏ lại đuổi đến cửa Đại Than, nhưng hắn chưa đi mất, dường như là cố ý đứng chờ.

Hắn tháo hẳn chiếc nón tơi xuống. Nhìn thấy gương mặt người đàn ông, tên quan nội thị giật mình lóng ngóng.

"Vương... vương gia."

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chính là tên hiệu đầy đủ của hắn trước đây. Cách đây tám năm, hắn bị tịch thu tài sản, phế truất binh quyền đuổi về quê cùng với cái thân tàn sau khi chịu đứt hai trăm gậy. Thừa sống thiếu chết, hắn lại một lần nữa quay trở lại.

Tất thảy những người ngồi trong đình họp hội nghị Bình Than lúc này đều không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy Nhân Huệ vương uy dũng trận mạc, ngang ngược, không để ai trong mắt ngày nào nay lại tàn úa đến mức đi bán than trôi nổi trên sông. Hắn biết trong số những kẻ quyền cao chức trọng đang ngồi ở đây không ít kẻ coi khinh hắn là một con buôn rẻ rúng, có kẻ thì chướng mắt thái độ bất cần đời, ngông hơn chữ ngông của hắn. Còn có kẻ thì hận hắn thấu ruột gan vì đã cướp đi người vợ sắp cưới của mình. Và rồi cũng có kẻ thương xót, tội nghiệp cho một vương gia quyền quý ngày nào nay lại phải sống thân cô thế cô vật vờ, lang thang trên mặt sông. Thế nhưng hắn không để ý đến những ánh nhìn xung quanh, thậm chí sự ngạo nghễ mà ung dung của hắn không hề giảm xuống phần nào khi đứng trước thượng hoàng và quan gia.

Vua nhìn thấy Khánh Dư lúc này, áo lấm bụi than, nón lá tơi nhàu nhĩ, trầm ngâm nói:

"Đấng nam nhi đến thế này cũng đã là cùng cực lắm rồi."

Khánh Dư thuận lợi được vua và thượng hoàng ban cho áo ngự, xong ngồi ngay dưới hàng các vương và trên các công hầu, cùng tham gia họp bàn chuẩn bị cho việc binh biến sắp tới.

Vậy là hắn thành công trong việc suy tính của mình. Sở dĩ hắn giành việc chèo thuyền đi bán than ở ngay bến Bình Than này không phải là chuyện ngẫu nhiên. Vì hắn đã nghe phong thanh tai mắt của mình ở kinh thành nói về việc triều đình đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công mới từ phía bắc của quân Nguyên. Vừa hay bến Bình Than là nơi thuyền than của hắn ngày nào cũng lui tới. Nếu ngày thường hắn chẳng bao giờ đặt chân xuống thuyền làm chi cho nhọc công thì nay lại đích thân chở than đi bán, chẳng qua là vì muốn để cho vua tôi trong đình nhìn thấy mình. Hắn dám chắc rằng quan gia và thượng hoàng vẫn còn trân quý cái tài cầm quân của hắn và cần hắn cho cuộc chiến lần này.

Hắn đã đúng. Sau khi được vua và thượng hoàng ra ý chỉ phục vị, hắn được phong làm Phó đô tướng quân, cùng với Tổng chỉ huy quân đội là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo quân dân nhà Trần trong cuộc chiến chống giặc phương Bắc lần thứ hai.

Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết.* Khánh Dư năm đó không chỉ đưa ra những điều hợp ý vua, mà khi lâm trận cũng dũng mãnh phá tan được đạo binh quan trọng chở lương thực và khí giới của quân Nguyên. Trên biển, hắn là kẻ thiện chiến. Trận đánh quan trọng đã xoay chuyển toàn bộ cục diện cuộc chiến, biến quân Nguyên hung tàn từ thế chủ động thành bị động, rơi vào trận địa quân ta đã bày ra trước đó. Mặc dù phong cách dùng binh có phần tàn bạo nhưng cái liều "được ăn cả ngã về không" của hắn đem lại nhiều chiến thắng quan trọng.

Khánh Dư một lần nữa trở về Thăng Long với tâm thế của kẻ thắng cuộc đầy kiêu ngạo. Cái tính ngông nghênh của hắn ở cái tuổi ba mươi sáu vẫn còn nguyên vẹn. Trong bữa đại tiệc ở điện Diên Hiền, hắn ngồi duỗi chân nhấp môi uống một vò rượu quý vua ban như uống cốc nước lã múc được bên sông, chẳng có chút dè dặt trân quý nào. Vua cũng chẳng để bụng chuyện này bởi từ xưa đến nay hắn vẫn là kẻ thô bỉ, không ưa lễ nghĩa đạo mạo, trải qua bao nhiêu lần thăng trầm vẫn không thay đổi.

Dù biết là thế nhưng người nào chướng mắt với hắn thì vẫn khó chịu không thôi. Đơn cử như vị tướng quân cũng vừa chiến thắng trở về đang ngồi đối diện hắn - Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Qua bao nhiêu năm, giữa hai người họ có thể không còn là thâm thù đại hận gì nhưng vẫn còn đó hằn học và căm ghét lẫn nhau. Để mà hóa giải mối quan hệ này thì quả là điều không dễ dàng.

Khánh Dư đưa mắt theo cô vũ nữ đang nhún những bước chân nhỏ nhẹ trên mặt đất nhưng trong một vài giây vẫn thấy ánh nhìn coi khinh thấy rõ của Quốc Nghiễn dành cho mình. Hắn mỉm cười lắc lư các cổ theo tiếng đàn nhị rồi mơ màng mường tượng lại chuyện của mấy mươi năm trước. Chuyện phải kể đến từ ngày đầu tiên hắn quen biết với Quỳnh Trân, người con gái làm cuộc đời hắn "lên voi xuống chó".

Năm đó Khánh Dư mười sáu tuổi, chàng thiếu niên theo cha mình là thượng tướng Trần Phó Duyệt vào cung để chầu vua. Lần đầu vào cung cấm Khánh Dư cũng chẳng nể sợ ai, vừa thoắt cái đã lẻn đi tìm chỗ vui chơi. Lần ra được Khán Sơn đài, nơi có một hồ nước rộng và trong như mặt gương, Khánh Dư lấy làm vui vẻ tháo giày thả chân xuống hồ. Đương lúc khoan khoái thì nghe tiếng quát lanh lảnh của một bé gái.

"Này kẻ kia, ngươi đang làm gì thế hả?"

Bé gái mới chừng sáu tuổi, da trắng, má tròn, hai mắt long lanh như ngọc châu.

"Ngâm chân."

Khánh Dư đáp gãy gọn.

Bé gái hùng hồn đi tới chống nạnh chỉ xuống mặt nước nói:

"Nhà ngươi thật to gan. Có biết đây là hồ gì không? Có biết hành động vừa vô lễ vừa thô bỉ này của ngươi có thể sẽ bị chém đầu không?"

Khánh Dư ngạc nhiên mà lại xen chút thích thú với thái độ cáu gắt và đanh đá của cô bé. Hắn nghĩ đấng nam nhi ai lại chấp trẻ con, đã thế lại còn là con gái. Hắn rút chân khỏi hồ nước nhưng không vội mang giày, cứ thế đứng lên nói chuyện.

"Vậy còn ngươi là ai?"

"Bổn công chúa là con gái của đương kim hoàng thượng, Thiên Thụy công chúa của Đại Việt. Ngươi là kẻ nào?"

Khánh Dư bật cười.

"Bẩm công chúa, thần là Trần Khánh Dư, con trai trưởng của thượng tướng Trần Phó Duyệt."

Cô công chúa nhỏ khựng lại vài giây để xác nhận cái tên của vị thượng tướng. Dù chỉ mới sáu tuổi nhưng Quỳnh Trân vô cùng thông minh sáng dạ. Việc nhớ hết tên hết mặt các vương hầu có thể là quá sức với một đứa trẻ nhưng lại khá bình thường với nàng.

"Thì ra là con trai của thượng tướng. Thế tạo sao ngươi lại vô phép như thế hả?"

Khánh Dư vẫn biết đây là một đứa trẻ, thế nhưng giọng điệu ngang ngược này thật khiến hắn ngứa ngáy. Trước giờ chỉ có hắn ngang ngược với người ta, hắn không biết là công chúa trong cung cấm còn ngang tàn hơn hắn.

"Xin hỏi công chúa nước dưới hồ có uống được không?"

"Tất nhiên là không." - Quỳnh Trân nhanh nhảu.

"Vậy không uống được thì nhúng chân vào ngâm có làm sao?"

Quỳnh Trân không vừa, cau có đáp lại:

"Chốn hoàng cung không phải là nhà của ngươi. Không uống được cũng không cho phép ngươi tùy tiện rửa chân."

Khánh Dư không muốn đấu khẩu thêm với trẻ con, hắn đánh trống lảng:

"Dù sao rửa cũng đã rửa rồi, nước hồ vẫn trong vắt như thường nên công chúa cứ yên tâm. Thần xin phép quay về chỗ phụ thân trước."

Quỳnh Trân vội vàng muốn chạy theo bắt kẻ lạ mặt xấc láo kia để mách với phụ hoàng. Nhưng ngay dưới chân nàng là là phiến đá ướt sũng nước, chỉ nghe tiếng ầm một cái. Khánh Dư quay đầu lại theo phản xạ thì thấy cô công chúa đang ngoi lên ngụp xuống chới với dưới hồ. Hắn nhìn quanh nhưng không thấy nội thị hay cung nữ nào. Hắn lẩm bẩm:

"Mình chỉ ngâm chân thôi, giờ còn phải tắm luôn hay sao?"

Khánh Dư trong cái thế bất đắc dĩ mà nhảy xuống nước kéo Quỳnh Trân lên.

"Công chúa, nước hồ này uống vào có ngon không? Tối qua thần có ngâm chân với lá trầu đấy."

Cô công chúa nhỏ đang còn bận sặc nước, trái tim sợ hãi rung lên bần bật trong lồng ngực, nghe câu nói nửa thật nửa đùa của người vừa cứu mình, nàng cảm thấy uất ức lại xấu hổ đến mức muốn chui lại xuống hồ. Nước hắn ngâm chân, ta lại uống mất vài ngụm vào bụng, thật không thể chấp nhận được.

"Tên vô lại."

Kể từ đó về sau mỗi lần gặp lại Khánh Dư, dù là chuyện gì, Quỳnh Trân vẫn luôn bắt bẻ, hai người sinh ra đấu khẩu. Không ai chịu thua ai. Một kẻ không kiêng sợ, độc miệng và không ngại trêu ghẹo, một người lại nghiêm túc, muốn đoan trang tao nhã nhưng hễ cứ gặp hắn là lại mất hết bình tĩnh, đôi co cãi lý đến cùng. Mỗi lần gặp nhau đều không có một giây nào yên bình. Cách biệt mười tuổi nhưng tính tình trẻ con của Khánh Dư và sự "già dặn" của Quỳnh Trân khiến cho họ không còn quá xa cách nhau.

Năm Khánh Dư mười tám tuổi, hắn lần đầu cầm quân ra trận cùng cha trong trận chiến với quân Nguyên. Sự non nớt của hắn khiến hắn suýt nữa thì trở thành bại tướng, thế nhưng hắn không từ bỏ, đem số binh lính còn lại trong tay quyết định làm mồi nhử, đánh úp quân địch. Mặc dù chiến thắng nhưng tử sĩ, tàn quân nhiều vô số kể, thế cho nên ở cái tuổi mười tám, người ta đã nhìn ra sự lạnh lùng tàn nhẫn trong cách cầm quân của hắn. Cũng năm đó, hắn đánh thắng giặc Man trên núi, được thượng hoàng phong cho tước hiệu Thiên tử nghĩa nam, nhận chức Phiêu Kỵ tướng quân.

"Phiêu Kỵ tướng quân, nghe chả có gì hay ho."

Quỳnh Trân ngồi bên hiên trước cửa phòng, trên bàn một bình trà thượng hạng hái từ phủ Thái Nguyên, một khay vải từ trấn Hưng Bình tròn mọng, đỏ hồng. Nàng bĩu môi chê khi nghe cô cung nữ của mình báo tin về hắn trên triều ngày hôm nay.

"Xem ra hắn lập công, lại được phụ hoàng yêu mến như vậy, ta sẽ bị hắn qua mặt mất."

Mặc dù nghĩ bụng như vậy, nhưng không hiểu sao cô công chúa nhỏ lại thấy trong lòng thoảng chút mùi hương của sự vui vẻ. Lúc ấy nàng chỉ nghĩ có lẽ là do thời tiết gần đây rất đẹp, rất chiều lòng nàng. Có lẽ chỉ đơn thuần là vậy.

"Công chúa, bây giờ thần là nghĩa nam của thượng hoàng, tức là so về vai vế, thần lớn hơn công chúa. Vậy phải chăng người nên gọi ta một tiếng 'chú'. Dù sao luận về tuổi tác hay vai vế bây giờ, công chúa cũng nhỏ hơn ta rồi."

Quỳnh Trân biết hắn nói có lý nhưng làm sao nàng có thể hạ thấp mình mà ngoan ngoãn gọi hắn một tiếng "chú". Có điều khi ở trước mặt người khác Quỳnh Trân vẫn cắn răng gọi hắn là "chú". Rồi đến một lúc, nàng cũng quên mất mà thuận miệng gọi hắn như thế suốt nhiều năm.

*Lời tựa cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn do Trần Khánh Dư viết, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro