Chương 96: Bạo quân Lê Long Đĩnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi không biết chính xác Long Đĩnh đã dẹp đám tham quan tù trưởng kia như thế nào, chỉ biết rằng chiều hôm đấy ở bến sông Long Đĩnh cho gọi tất cả các tù trưởng, tộc trưởng, quan lại lẫn dân chúng đều phải tề tựu. Thể theo nguyện vọng của tôi, tôi được ngồi võng khiêng đến bến sông chứng kiến tất cả buổi hành hình đấy.

Long Đĩnh ngồi trên một bàn lớn, xung quanh ngoài Lịch Vũ dễ còn có đến cả trăm binh lính gươm đao sáng loà túc trực. Bạch Vỹ đứng một bên tay cầm lọng tía, hai bên ngoài binh lính còn có đến hơn chục Thân quân nữa. Cũng dễ hiểu, ngoài việc để thị uy thì một trong số những kẻ sắp chịu hành hình kia từng là tù trưởng lừng lẫy một vùng, Long Đĩnh không thể không phòng bị.

Dân chúng kẻ đứng người ngồi quanh bến sông chật như nêm, ai ai cũng muốn một lần tận mắt nhìn thấy vị vua trẻ. Hơn cả thế, họ những mong trừng trị thích đáng cho kẻ tham quan ô hợp, cấu kết với nhau nhũng loạn triều cương, bòn rút trên xương máu của bách tính.

Trời dần về chiều, nước sông ngày một dâng cao, tên Huyện lệnh cùng đám tay chân của hắn được dẫn lên quỳ phủ phục trước mặt Long Đĩnh. Nhác trông thấy tôi đứng bên cạnh vua, mặt chúng tái mét không còn giọt máu. Tên tù trưởng bị trói chặt, cúi gằm không dám hó hé nửa lời, khác hẳn với vẻ ngông nghênh tàn bạo những ngày qua.

Long Đĩnh trầm giọng:

"Giúp dân trong cơ khốn cùng trước là nhờ tài, sau là nhờ đức. Trẫm vốn muốn giữ cán cân của nước nên dùng người cũ có công, coi ngươi là nguyên thần nên trọng vọng, giữ cho làm Huyện lệnh. Vậy mà ngươi không chỉ bè lũ hại dân mà còn bòn rút quốc khố."

Tên huyện lệnh nghe lời hạch tội của Long Đĩnh liền cắt ngang lời, vừa khóc lóc vừa dập đầu liên tục:

"Chúa thượng tha tội, chúa thượng tha tội cho cái mạng già này."

Long Đĩnh không trả lời, tên quan kia tiếp tục mồm loa mép giả:

"Xin chúa thượng niệm tình tiểu thần góp công sức cho Đại Cồ Việt suốt mấy chục năm qua."

Phía xung quanh dân chúng xì xào. Long Đĩnh nhàn nhã gọt một quả táo, nói đoạn y đưa con dao bạc nhỏ đang cầm trên tay mình cho Bạch Vỹ:

"Xẻo thịt hắn, không được để chết quá nhanh, phải đau đớn từ từ như sâu như mọt, như cách hắn đục khoét quốc khố của trẫm."

Bạch Vỹ "Dạ" một tiếng, tôi thấy mặt mũi y trắng bệch, hai tay nhận con dao bạc nhỏ không khỏi run run. Đến bản thân tôi vốn đã dự liệu được rằng Long Đĩnh khó bề bỏ qua nhưng không ngờ y lại hung tàn đến vậy.

"Còn hắn." - Long Đĩnh trỏ tên tù trưởng cùng bè lũ quan lại hầu cận, quay sang hỏi một vị tù trưởng khác đang đứng bên cạnh mình - "Ngươi nói xem, với một kẻ bất trung cấu kết quan tham, đe doạ bách tính của trẫm thì nên làm như thế nào?"

Vị tù trưởng kia được hỏi liền sợ mất mật, vội vã quỳ xuống, lắp bắp:

"Bẩm... bẩm chúa thượng, hắn đáng tội chết. "

Long Đĩnh gật đầu:

"Tạo ra đau đớn cho kẻ khác làm sao thì đáng phải nhận lấy như vậy. Bay đâu, dựng một dàn lao dưới nước, dồn tất cả đám này xuống dưới đấy, dìm chết chúng trong thuỷ triều."

Tôi sợ đến mức không thở được, hai chân run đứng không vững, vả lại tôi cũng không có đủ dũng khí để nán lại xem người khác bị tra tấn đến chết. Tôi chắp tay trước bụng, lạy Long Đĩnh:

"Bẩm chúa thượng, Đam xin lui."

Long Đĩnh phẩy tay ra chiều đồng ý. Tôi toan quay đi, không nhịn được mà lau nước mắt. Rõ ràng là tội ác chúng làm, nghiệp quả chúng phải gánh lấy nhưng đến cuối cùng tôi cũng không thể ngăn cảm giác tội lỗi dày vò mình. Trong gần nửa cuộc đời của mình, tôi chưa từng chứng kiến chuyện gì liên quan đến bản thân lại có kết cục đáng sợ đến thế.

"Chuyện này không phải vì nàng." - Long Đĩnh nhỏ giọng rồi quay đi.

Tôi không dám nhìn y, trong lòng vẫn không sao xua nổi cảm giác sợ hãi con người trước mặt mình.

Chuyện này không phải vì tôi, đúng!

Những biện pháp nghiêm khắc trước đây của vua Lê Đại Hành hay của chính Long Đĩnh ít nhiều đã để lại những căm ghét về mình. Vậy nên để gột rửa hình ảnh của mình trong tâm trí của dân chúng và lôi kéo họ trọn vẹn thì Long Đĩnh đã cho người dân không chỉ ở Mai Vị mà còn trên khắp Đại Cồ Việt này biết rằng, nếu có bất kỳ sự tàn ác nào xảy ra thì không phải xuất phát từ y mà xuất phát từ bản chất tàn bạo của bậc đế vương(1).

Kẻ nào bất trung với vua, hại đến giang sơn xã tắc thì chỉ có thể nhận về một kết cục.

Hơn nữa đấy còn là kết cục thê thảm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

"Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, ... giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên

ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết. Vua thân đến xem lấy làm vui."

_______

Chú thích:

(1) Phỏng theo "Quân Vương - Thuật cai trị" (Tác giả Niccolò Machiavelli, bản dịch Vũ Thái Hà).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro