Chương 139: Chân hạnh phúc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mùa đông, tháng 10, trời trở rét.

Tôi ngồi phía sau thuyền, phóng tầm mắt nhìn khắp bốn bề non nước mênh mông. Hoa Lư trầm mình trong màn sương trắng bàng bạc, núi tiếp núi soi mình xuống dòng sông trong vắt. Mới lập đông được ít ngày, trời không xanh nhưng hãy còn cao và quang đãng lắm. Chim chóc nối nhau về phương Nam tránh rét tự bao giờ, bỏ lại bầu trời đìu hiu cô quạnh. Nhà ai nổi lửa sớm. Khói chờn vờn bay lên từ lớp gianh phía xa xa, xuyên qua tầng mây ửng hồng, thơm nồng mùi rơm mới.

Phía sau lưng tôi Lý An Tường chăm chỉ đọc kinh Phật trong cuốn sách đã bạc màu, giấy ngả vàng nâu không còn trông rõ nét chữ. Mấy điều đó chẳng khiến Tường nề hà. Y nâng niu như thể cầm trên tay bảo vật trân quý.

Thuyền mỗi lúc một tiến gần về bến đò Hoa Lư. Tôi nghiêng đầu tựa vào giỏ thuốc cao vút xếp chồng phía sau, tha thẩn nhúng tay xuống nước, nghịch ngợm mấy lá súng cuối mùa rồi thảo vài nét lên thuyền. Nước ngấm vào lớp gỗ, dần hiện lên chữ 樂 nguệch ngoạc. Tôi ngồi im lìm, thất thần nhìn về hướng toà thành sừng sững uy nghiêm.

Tường gấp sách, ngồi tiến lên một chút. Y hết nhìn tôi rồi đánh giá nét chữ trên mạn thuyền, trầm giọng:

"Tay viết "Lạc"(樂) nhưng trong tâm lại không vui sao?"

Tôi mím môi, cúi gằm mặt.

Tường vờ như không để ý liền nhúng tay xuống nước, cẩn thận viết thêm chữ 安 bên cạnh. Tôi nhẩm đọc:

"An... Lạc?"

Y gật đầu.

""An" là bình yên, "Lạc" là hạnh phúc. Không có "An" chưa hẳn đã có "Lạc.""

Tôi chống tay lên cằm, lơ đễnh nhìn ra xa:

"Tại sao bình yên và hạnh phúc liên quan đến nhau chứ? Viết thôi cũng thấy khác biệt hoàn toàn."

Tường không vội đáp lời. Y mở tay nải lấy ra một cái bánh hãy còn ấm nóng đưa cho tôi. Cái bánh vàng ươm, thơm phức ngào ngạt. Tường tiếp lời:

"Khi ta ăn uống, hưởng thụ, hoặc cả khi yêu ai thì có một cảm giác tựa như lạc thọ. Nhưng trong cái "Lạc thọ" đó có cái "An" hay không? Nếu không có "An" thì chưa hẳn là "Lạc" mà đó có thể là ngọn lửa "Dục" đốt cháy."

Tôi lắng nghe lời Trưởng tràng nhưng vờ như không hiểu, chun mũi cãi lại:

"Tại sao phải nghĩ nhiều đến vậy? Chẳng phải cứ vui vẻ là được sao?"

Tường mở nút ống tre đựng nước đưa cho tôi, cười nhẹ:

"Người đời thường chỉ quan tâm làm sao để "Lạc" mà không để ý đến "An". Giây phút của "Lạc" hoàn toàn có thể mang đến khổ đau. Giả như khi buồn đi uống rượu, tận hưởng niềm vui của rượu nhưng đó không phải hạnh phúc chân thực, đó là bị đốt cháy. Đốt bởi lửa "Dục"".

Tôi lặng người đi, trân trân nhìn vào hai chữ đã dần mờ nhoè trên thuyền. Tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại, biết rõ đó chẳng phải là lời thuyết pháp bâng quơ vô thưởng vô phạt. Tường ít khi nói chuyện với ai nhiều đến thế, từng từ từng chữ như vừa giúp tôi gạt bỏ đi lớp rèm che trước mắt, mọi thứ bỗng dưng hiển hiện thật rõ ràng.

Tường tiến lên một bước, tay cầm quyển kinh Phật khẽ chạm nhẹ lên vai tôi:

""An" đi với "Lạc", đó mới là chân hạnh phúc."

"Chỉ là ăn một cái bánh mà lại phải nghe giảng nhiều đến vậy à?" - Tôi bật cười, ra sức chống chế. Tường không đáp.

Tôi soi bóng mình dưới dòng nước xanh ngắt, người trước mặt thật giống nhưng chẳng còn là tôi. Tôi thấy bóng hình bơ phờ, nhợt nhạt, thấy mình là Thanh Đình những ngày khổ đau, những lúc quẫn bách hay khi chìm đắm trong khúc mắc không cách nào hoá giải. Có lẽ rằng những năm tháng qua, bệnh tình của tôi chưa từng thuyên giảm. Thay vì chữa trị, hàn gắn những tổn thương từ sâu trong mình tôi lại chọn cách chạy trốn. Mang Đam - một bản thể vui vẻ, hồn nhiên, dễ dỗ dành ra để che đậy Nghiêm Thanh Đình trầy trụa, rớm máu.

Bởi vì là người lớn, người lớn không được phép gục ngã.

Bởi vì là người lớn, dù cho khóc cạn nước mắt vào đêm hôm trước vẫn cứ phải khoác lên bộ dạng tươi cười vào sáng hôm sau.

Bởi vì là người lớn, người lớn đâu thể đắm chìm trong khổ đau tháng tháng ngày ngày.

Bởi vì là người lớn, người lớn nhất có thể chở che thôi cũng đã mất đi rồi.

Tôi vốn ghét phim ảnh xuyên không. Người ta lãng mạn hoá nhiều "cái chết", nhiều việc "tự tử" bằng việc cho họ niềm tin rằng sẽ có một cuộc sống khác ở một nơi khác tốt hơn. Thực tế, cuộc sống vẫn là cuộc sống, dù ở đâu, bao giờ, luôn có hạnh phúc xen lẫn khổ đau. Một lần lại một lần, nếu những mảnh vỡ tâm hồn kia không được hàn gắn từ bên trong thì con người, hay chính tôi sẽ trở nên vỡ vụn.

Và gục ngã.

Và đau thương.

Vĩnh viễn chẳng quy hồi.

Một cánh quạ đen chấp chới liệng ngang qua bầu trời.

Thuyền tròng trành rồi cập bến, Hoa Lư rõ dần sau màn sương.

***

Tôi ngồi dưới giàn thiên lý, chăm chỉ cố định dây bấc rồi đổ sáp nến vào khuôn. Hoa cúc lựa lúc nở rộ nhất từ độ mùa thu đã được đem hong khô trước hiên nhà, cánh vẫn vẹn nguyên, vàng ươm, còn thơm thoang thoảng. Nến được làm từ sáp đậu nành, vừa không cay mắt lại không hại đến sức khoẻ. Lịch Vũ thường đọc sách đêm khuya, tôi làm dư ra một chút để nếu vắng nhà chàng vẫn có cái dùng.

Lịch Vũ đi tới gần, chàng nhẹ nhàng đặt ngọn đèn lại gần để soi rõ cho tôi. Thấy động tôi ngẩng đầu lên, cười mỉm:

"Người đã về rồi ạ?"

Lịch Vũ gật đầu:

"Hôm nay luyện binh xong sớm. Mấy chuyện như thế này lần sau nàng hãy gọi gia nhân làm."

"Đam tự làm sẽ yên tâm hơn. Trăng sáng quá, ngồi yên trong nhà thì buồn lắm ạ."

Lịch Vũ không trả lời, chàng ta kéo ghế ngồi cạnh tôi.

Vừa đúng ngày rằm, dù đã sang đông song vẫn có thể trông rõ mặt trăng tròn vành vạnh. Ánh trăng không rực rỡ như lúc mùa hè hoặc mấy đêm thu nhưng lại khiến người ta cảm thấy êm đềm, dễ chịu. Ánh trăng mơn man trên những chiếc lá thiên lý già xanh sẫm, xuyên qua giàn tre đã phai màu địa y, chầm chậm như chảy trôi xuống vài ba cánh hoa khô phủ trên mặt bàn.

"Hôm nay là ngày rằm phải không?" - Lịch Vũ nghiêng đầu, hỏi tôi.

Bắt gặp ánh mắt của người đàn ông trước mặt tôi có chút ngượng ngùng, nghĩ tới việc Lịch Vũ hẹn hỏi cưới lại vào ngày mười lăm hàng tháng tôi liền ho khan một chặp, hai vành tai bất giác nóng ran. Tôi đặt cây nến đang làm dở trên tay xuống, nghiêm túc suy nghĩ, nói đoạn nhìn thẳng vào mắt Lịch Vũ:

"Đô chỉ huy sứ, Đam có chuyện muốn nói với người."

"Gọi ta là Lịch Vũ được rồi."

Tôi cúi đầu, hai tay bấu chặt vào đầu gối làm chiếc váy lụa màu hồng nhạt xô lại thành những nếp gấp mờ mờ nhăn nhúm.

"Bẩm, Đam muốn xin phép người một chuyện, Đam muốn rời khỏi Hoa Lư."

Lịch Vũ bật cười:

"Ta còn tưởng chuyện gì quan trọng, chẳng phải nàng vừa đi hái thuốc với Trưởng tràng sao? Nếu cần thiết nàng cứ đi, không cần xin phép ta, đừng để bản thân lao lực quá là được."

Lịch Vũ vừa nói vừa thư thả chọn vài bông cúc trên bàn, ngắm nghía qua lại rồi khẽ cài lên tóc tôi. Đến giữa chừng thì tôi giữ tay chàng lại, Lịch Vũ có phần sửng sốt:

"Đô chỉ huy sứ, lần này Đam muốn đi, là thực sự rời khỏi Hoa Lư."

_________

*Chú thích:

Những ý niệm về "Chân hạnh phúc" ở chương này được dựa trên lời thiền sư Thích Nhất Hạnh và các bài giảng của thầy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro