Chương 129: Kỳ duyên hạnh ngộ (5)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ơ hay đương nhiên là không rồi. Tôi đứng ngây người một lúc, ánh sáng từ đèn vừa vặn chiếu vào. Trước mặt tôi là người đàn ông nho nhã, dáng vẻ uyên bác, rất đỗi hiền lành.

"A ha! Người chơi cờ hôm nọ ở sân rồng cùng Chưởng thư ký và Khai Phong Vương phải không ạ?"

Lăng Trị bỗng dưng mất tự nhiên:

"Đúng, nhưng tôi và nương tử có duyên kỳ ngộ ở chốn khác."

Mà khoan, từ từ, "nương tử"?

Y biết tôi là con gái?

Tôi hoảng hốt đưa tay che ngực, Lăng Trị bật cười:

"Là ở tửu lâu, hôm đó nương tử đã cứu tôi khỏi bị hóc hạt mận, nàng có nhớ không?"

"À..."

Trong đầu tôi chậm rãi tua lại hình ảnh mình mặc trang phục nữ, vừa say khướt vừa đàn đúm ở tửu lâu cùng hội La Đạc. Ký ức có hơi chút bị nhiễu, tôi chỉ nhớ rằng mình ra ngoài đi tè thế nào mà cuối cùng khi trở lại lại lao vào ôm một người đàn ông hóc dị vật, ra sức thực hiện nghiệm pháp Heimlich(15) cho anh ta. Khốn nạn! Đúng là "kỳ ngộ" nhưng kỳ trong kỳ cục. Tại sao tôi lại va phải con người này trong bộ dạng cả nam lẫn nữ chứ?

"Lúc đấy tôi còn nghĩ nàng là ca nữ, vốn muốn hậu tạ nhưng khi tỉnh lại tìm mãi không thấy nàng. Cách đây vài ngày lại hạnh ngộ tại chùa Nhất Trụ, có sai kẻ dưới đi theo nhưng nương tử đi nhanh quá không cách nào đuổi kịp."

"Á à..."

Hoá ra là như vậy. Mẹ nó, hậu tạ thì mang vàng mang bạc đến dúi vào tay tôi luôn đi, mắc mớ gì sai hai tên đen trùi trũi đuổi theo làm tôi chạy muốn đứt hơi tắt thở. Tôi vét hết sự duyên dáng thục nữ của cả đời, nhỏ nhẹ:

"Dạ bẩm, cứu người là việc nên làm, đã làm không cầu báo đáp. Nay tôi còn chút việc riêng, xin phép người được lui trước."

Đương nhiên không đợi Lăng Trị đồng ý tôi liền lủi ngay. Ơn nghĩa lúc khác tính, nhà bao việc!

Tôi đến bên Lịch Vũ thì thầm to nhỏ, y gật đầu, bảo tôi cứ tự liệu mà làm. Lúc này vừa vặn Lăng Trị cũng quay lại yến tiệc nhưng không về chỗ mà lại đến giữa sân điện Bồng Lai, kính cẩn:

"Bẩm, tôi từ nơi xa xôi đến Đại Cồ Việt, cách đây vài ngày có gặp sự không hay lại được cứu giúp. Nhân thiết yến vui vầy, ngàn dặm vẫn có duyên trùng phùng, khẩn xin được mang tri kỷ theo về."

Long Đĩnh ngồi bên trên đang uống rượu bỗng đặt ly xuống nhìn Lăng Trị. Triều thần xì xào kẻ nhìn ngược kẻ quay xuôi.

"Còn có cơ duyên kỳ diệu như thế nữa ư?"

"Vốn chỉ cần người đấy thuận tâm là duyên thành nhưng lại là nội nhân(16) nơi cung cấm, dù khó cũng mong người tác thành."

Long Đĩnh hơi chau mày.

Lăng Trị tiến lên một bước, gần lại phía tôi đang đứng sau Lịch Vũ:

"Là vị nương tử này."

Câu nói của Lăng Trị như một đòn giáng mạnh khiến tôi choáng váng đến không mở nổi mắt ra, tứ chi vô lực phải dựa vào ghế của Lịch Vũ mới có thể đứng vững. Bí mật tôi khổ sở che giấu bấy lâu bị lột trần sạch sẽ trước mặt bao nhiêu người ở điện Bồng Lai. Xung quanh xôn xao bàn tán, bên này vương, bên kia quan lại chỉ trỏ, đặc biệt là những người quen biết. Tôi chưa kịp phản ứng, Long Đĩnh gần như ngay lập tức lên tiếng:

"Không được!"

Thiệu Việp ngồi bên trên liền cười mà rằng:

"Chẳng qua là một nội nhân, hà cớ gì phải khó khăn đến vậy?"

Long Đĩnh đổi sắc mặt, điệu bộ thâm trầm khó lòng đoán biết được:

"Người này vốn là người phủ Đô chỉ huy sứ, không phải nội nhân."

Lịch Vũ nãy giờ ngồi yên, đến lúc này toan đứng dậy. Tôi lo sợ níu áo chàng, Lịch Vũ quay về phía sau, nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nhẹ nhàng gỡ tay, đi về giữa sân điện, kính cẩn chào Long Đĩnh rồi quay về hướng Thiệu Việp và Lăng Trị:

"Bẩm, nàng ấy đúng là người trong phủ Đô chỉ huy sứ."

Thiệu Việp nghe thấy vậy liền gật đầu:

"Được, thế mọi chuyện càng đơn giản, cứ quyết định như vậy đi. Ba ngày nữa sẽ cùng theo về thiên triều."

Lăng Trị chắp tay thi lễ.

"Chỉ e không được." - Lịch Vũ xen ngang.

Thiệu Việp nhướn mày, sắc mặt y vô cùng khó coi; còn chưa kịp nói câu nào thị Lịch Vũ đã tiếp lời:

"Nàng ấy đúng là người trong phủ nhưng không phải gia nhân hay nàng hầu, nàng ấy là vị hôn thê của tôi!"

_____

Chú thích:

(1) hoăng: chết, các vua chư hầu hay đại thần chết gọi là hoăng.

Lời tác giả: Do đangdưới góc nhìn của nhà Tống, sử dụng cụm Nam Bình Vương để nói về Lê Hoàn nên dùng chữ "hoăng" - vua chư hầu thay cho chữ "băng".

(2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Mậu Thìn, năm thứ 1 [968], (Tống Khai Bảo năm thứ 1).

Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm."

(3) Về việc Tống Cảo sang đi sứ, sử sách nhà Tống chép:

"Từng sai vài mươi người mang con rắn lớn dài vài trượng định nấu cỗ mời sứ giả... Lại buộc hai con hổ đem đến để chơi, sứ giả đều không nhận."

(Theo Đại Nam dật sự và Sử ta so với sử Tàu - Ứng hoè nguyễn Văn Tố)

(4) trống cơm, ống kèn, tháp nứa, xập xoã, trống lớn là đại nhạc, chỉ vua mới được dùng; các tôn thất quý quan chỉ có thể dùng trong đám cưới, ma chay. Các loại nhạc cụ khác là tiểu nhạc, không kể sang hèn đều có thể dùng.

(5) thiền quyên: đẹp thướt tha.

(6) Phỏng theo điệu múa đèn Đông Anh - Thanh Hoá.

(7) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Giáp Thìn, /Ứng Thiên/ năm thứ 11 /1004/, (Tống Cảnh Đức năm thứ 1). Sai Hành Quân Vương Minh Đề, xưng là nhiếp Hoan Châu thứ sử, sang thăm nước Tống. Minh Đề đến Biện Kinh khẩn cầu ân mệnh cho tuyên phủ đất xa. Vua Tống bằng lòng cho; gọi vào điện riêng thăm hỏi và ban thưởng rất hậu."

(8) Điểu phi phản hương, thố tẩu quy quật, hồ tử thú khâu: Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng gò.

(9) Tiết độ sứ: Trưởng quan quân chính cao cấp địa phương, bắt đầu lập ra từ thời Khai Nguyên nhà Đường.

(10) Sử sách Trung Quốc chép về việc này như sau: "Trường Biên, quyển 66, Tống Chân Tông năm Cảnh Đức thứ 4 (1007)... Lê Long Đĩnh tự xưng Quyền An Nam tĩnh hải quân lưu hậu,..."

(11) Việt Sử Tiêu Án chép: "Năm Thiên Phúc thứ 2... Vua thân đi đánh nước Chiêm Thành. Trước có sai sứ sang nước Chiêm (sứ là Từ Mục và Ngô Tử Bữu) bị nước Chiêm bắt giữ, vua giận mới đánh nước Chiêm, chúa Chiêm bỏ thành chạy."

(12) sứ quân: Tiếng tôn xưng sứ giả phụng mệnh vua đi sứ các nơi.

(13) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "...nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích."

(14) nương tử: Tiếng chồng gọi vợ. Tiếng người đàn ông gọi người yêu — Chỉ chung đàn bà con gái.

(15) nghiệm pháp Heimlich: Heimlich là một biện pháp sơ cấp cứu ban đầu nhằm mục đích đẩy dị vật ra khỏi đường thở.

(16) nội nhân: Người ở trong cung. Thường chỉ nữ quan trong cung hoặc cung nữ.

______

Lời tác giả:

- Chân thành cảm ơn bạn Lê Quý Hiển đã hỗ trợ rất rất nhiều cho tác giả trong thời gian vừa qua với các chi tiết chính trị, lịch sử, văn hoá vô cùng bổ ích.

- Truyện chứa nội dung giết hại động vật nhằm miêu tả đúng các chi tiết lịch sử, không khuyến khích hoặc cổ vũ hành động trên.

- Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ, chúc mừng sinh nhật toy. Iu anh Vũ x3000.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro